Nhà kinh doanh chuyên nghiệp đóng vai trò là bên soạn thảo hợp đồng gia nhập, bởi vậy về nguyên tắc nhà làm luật luôn chú trọng đến các quy định về trách nhiệm của nhà kinh doanh trong việc đưa ra các điều kiện, điều
khoản hợp đồng nhằm bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người tiêu dùng (bên gia nhập). Tuy nhiên, Chương III Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 1999 mới chỉ quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ trong việc thực hiện đúng cam kết với người tiêu dùng một cách chung nhất mà không có những quy định mang tính nguyên tắc về nghĩa vụ của nhà kinh doanh chuyên nghiệp trong hợp đồng gia nhập. Cho đến nghị định 55/2008/NĐ-CP ngày 24/04/2008 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người ta mới thấy bước đầu có quy định về trách nhiệm của nhà kinh doanh trong hợp đồng gia nhập tại Điều 5. Theo đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ không được “Đưa ra các quy tắc trái pháp luật, ép buộc người tiêu dùng trong các quy ước bán hàng, quy ước phục vụ”. Tuy vậy, nghị định 55/2008/NĐ-CP vẫn chưa có quy định giải thích rõ ràng thế nào là các quy tắc trái pháp luật, thế nào là hành vi ép buộc người tiêu dùng. Cách quy định như trên bởi vậy cũng chung chung và chưa đầy đủ để có thể ngăn chặn việc nhà kinh doanh đơn phương đưa ra hợp đồng gia nhập với các điều khoản gây bất lợi cho người tiêu dùng. Điều này được minh chứng rõ hơn khi so sánh với các quy định về “hợp đồng hàng loạt” trong Luật bảo vệ người tiêu dùng Đài Loan. Theo đó, với mục đích bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong hợp đồng gia nhập, Luật bảo vệ người tiêu dùng Đài Loan năm 1994 (sửa đổi, bổ sung năm 2005) đã có các quy định nhằm hạn chế sự ép buộc các điều kiện bất lợi trong hợp đồng của các doanh nghiệp kinh doanh cho người tiêu dùng. Luật bảo vệ người tiêu dùng Đài Loan sử dụng thuật ngữ “hợp đồng hàng loạt” và quy định nghĩa vụ thông tin, nghĩa vụ giải thích nội dung các điều khoản trong “hợp đồng hàng loạt” là những nghĩa vụ quan trọng nhất của bên soạn thảo hợp đồng (Điều 13). Bên cạnh đó, Luật bảo vệ người tiêu dùng Đài Loan còn quy định khi đưa ra hợp đồng, doanh nghiệp kinh doanh phải tôn trọng
quyền của người tiêu dùng được xem xét lại nội dung của tất cả các điều khoản và điều kiện một khoảng thời gian hợp lý (30 ngày). Trong thời gian này người tiêu dùng còn có thể đề xuất những điều khoản, điều kiện khác làm thay đổi nội dung của hợp đồng (Điều 11-1). Những điều khoản thương lượng của hợp đồng sẽ được ưu tiên áp dụng hơn so với “điều khoản hàng loạt” (Điều 15); còn các điều khoản, điều kiện có thể hiểu theo nhiều hơn một nghĩa, phải giải thích trên cơ sở có lợi cho người tiêu dùng (Điều 11). Ngoài ra, các điều khoản hàng loạt chỉ trở thành một phần của hợp đồng trong trường hợp nó được xác định từ trước hoặc người tiêu dùng có thể dự đoán được (Điều 14).
Như vậy, Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 1999 còn thiếu vắng những quy định về trách nhiệm của nhà kinh doanh chuyên nghiệp trong việc xây dựng và ban hành hợp đồng gia nhập. Bởi thế, trong một số văn bản pháp luật chuyên ngành như Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000, Luật cạnh tranh năm 2004, Luật điện lực năm 2004, Bộ luật hàng hải năm 2005, Luật hàng không dân dụng năm 2006…, nhà làm luật Việt Nam cũng đã đưa ra một số quy định liên quan tới trách nhiệm của nhà kinh doanh chuyên nghiệp dựa trên các nguyên tắc của Luật hợp đồng truyền thống để bảo đảm quyền tự do hợp đồng, bảo đảm lợi ích của bên yếu thế (bên gia nhập) trước việc lạm dụng quyền tự do khế ước của bên soạn thảo hợp đồng.
Ví dụ như , để hạn chế việc nhà kinh doanh chuyên nghiệp đưa ra các điều khoản trong hợp đồng gia nhập bất lợi cho người tiêu dùng, Luật cạnh tranh năm 2004 coi việc “Áp đặt các điều kiện bất lợi cho khách hàng”, buộc khách hàng phải chấp nhận vô điều kiện những nghĩa vụ gây khó khăn cho khách hàng trong quá trình thực hiện hợp đồng là một trong các hành vi lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm (Điều 14 khoản 2). Bộ luật hàng hải năm 2005 khẳng định một nguyên tắc chung, đó là những thoả thuận nhằm hạn chế
quyền của hành khách hoặc miễn, giảm trách nhiệm của người vận chuyển theo các quy định trong Bộ luật đều không có giá trị pháp lý (Điều 125).
Trong khi đó , Luâ ̣t kinh doanh bảo hiểm năm 2000 quy đi ̣nh nghĩa vụ cung cấp thông tin và giải thích các điều khoản của hợp đồng bảo hiểm là hai nghĩa vụ quan trọng nhất của doanh nghiệp bảo hiểm để đảm bảo giảm thiểu rủi ro về mặt nhận thức cho bên mua bảo hiểm (bên gia nhập) khi tham gia giao kết hợp đồng. Theo quy đi ̣nh tại Điều 17 và Điều 19 khoản 1, “Khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm…” với nguyên tắc giải thích có lợi cho người mua bảo hiểm: “Trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm có điều khoản không rõ ràng thì điều khoản đó được giải thích theo hướng có lợi cho bên mua bảo hiểm” (Điều 21). Quy định này tương tự như quy định nền tảng của Bộ luật dân sự năm 2005; trên cơ sở đó, khi có tranh chấp giữa doanh nghiệp bảo hiểm và khách hàng liên quan đến những điều khoản của hợp đồng bảo hiểm, toà án có nghĩa vụ làm sáng tỏ ý nghĩa và nội dung của điều khoản đó và thường sẽ ưu tiên giải thích theo hướng có lợi hơn cho người mua bảo hiểm và/hoặc người được hưởng quyền lợi bảo hiểm.
Luật hàng không dân dụng năm 2006 có quy định tại Điều 111 về trách nhiệm bắt buộc ban hành điều lệ vận chuyển của các hãng hàng không bởi điều lệ vận chuyển được coi như là một bộ chi tiết hoá các điều kiện của hợp đồng vận chuyển bằng đường hàng không, giúp cho các khách hàng khi tham gia giao dịch với hãng vận chuyển có thể nắm bắt được các điều kiện đó:
“1. Điều lệ vận chuyển là bộ phận cấu thành của hợp đồng vận chuyển hàng không, quy định các điều kiện của người vận chuyển đối với việc vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hoá, bưu phẩm, bưu kiện, thư bằng đường hàng không.
2. Điều lệ vận chuyển không được trái với quy định của Luật này và quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
3. Hãng hàng không có trách nhiệm ban hành Điều lệ vận chuyển và đăng ký với Bộ Giao thông vận tải”.
Theo các quy định trong các văn bản pháp luật chuyên ngành, nghĩa vụ quan trọng nhất của nhà kinh doanh là nghĩa vụ thông tin và giải thích hợp đồng gia nhập. Điều đó là hoàn toàn phù hợp với bản chất của hợp đồng gia nhập cũng như tính bất bình đẳng trong mối quan hệ giữa nhà kinh doanh và người tiêu dùng.