Bộ luật dân sự năm 2005, Bộ luật “gốc” về hợp đồng đã đưa ra định nghĩa pháp lý và một số nguyên tắc cơ bản về hợp đồng gia nhập tại Điều 407 để từ đó làm nền tảng cho việc xây dựng nên các quy tắc có liên quan trong hệ thống văn bản pháp luật chuyên ngành về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trong Bộ luật dân sự, khác với cách gọi hợp đồng gia nhập theo thông lệ quốc tế, nhà làm luật Việt Nam sử dụng thuật ngữ “hợp đồng theo mẫu”. Tuy nhiên, như đã phân tích ở phần 1.2, khái niệm hợp đồng theo mẫu theo quy định tại Điều 407 khoản 1 có nội hàm hẹp hơn khái niệm hợp đồng gia nhập. Nhà làm luật mới tiếp cận được phần nào đó “tinh thần” về hợp đồng gia nhập ở việc xác định đây là loại “hợp đồng gồm những điều khoản do một bên đưa ra” nhưng không nêu được những đặc trưng cơ bản nhất của hợp đồng gia nhập. Thậm chí, khi so sánh với cách quy định tương tự trong Bộ luật dân sự Liên bang Nga về hợp đồng mẫu và hợp đồng gia nhập, TS. Ngô Huy Cương cho rằng đây là hai vấn đề pháp lý khác nhau, từ đó nhận định “Điều 407, Bộ luật dân sự 2005 không nói về hợp đồng gia nhập” [7]. Điều đó đặt ra một yêu cầu pháp lý là cần phải có cách nhận thức và định nghĩa thống nhất về hợp đồng gia nhập trong bộ luật này.
Bộ luật dân sự năm 2005 cũng đã có những hạt nhân hợp lý trong những quy định của nó là đã bước đầu thiết lập nên các nguyên tắc chung liên quan đến hợp đồng gia nhập phù hợp với nhận thức chung của thế giới. Theo quy định tại Điều 407 khoản 2 “Trong trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản không rõ ràng thì bên đưa ra hợp đồng theo mẫu phải chịu bất lợi khi giải thích điều khoản đó” và khoản 3 “Trong trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản miễn trách nhiệm của bên đưa ra hợp đồng theo mẫu, tăng trách nhiệm hoặc loại bỏ quyền lợi chính đáng của bên kia thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thoả thuận khác”. Như vậy, có hai nguyên tắc cơ bản được đề cập đến ở đây đó là nguyên tắc giải thích hợp đồng theo hướng có lợi cho bên yếu thế (bên gia nhập) trong quan hệ hợp đồng gia nhập và nguyên tắc vô hiệu các điều khoản không công bằng của hợp đồng gia nhập.
Về vấn đề giải thích hợp đồng gia nhập, pháp luật các nước bao giờ cũng có khuynh hướng bảo vệ quyền lợi của bên gia nhập hợp đồng. Bởi về
nguyên tắc bên soạn thảo hợp đồng, thông thường là nhà kinh doanh chuyên nghiệp có kinh nghiệm và tiềm lực kinh tế hơn so với người tiêu dùng, đã có quyền ấn định các điều khoản hợp đồng thì phải chịu bất lợi hơn khi có những điều khoản không rõ ràng hay còn mập mờ trong hợp đồng đó. Quy định tại điều 5 Đạo luật quy định về hợp đồng gia nhập của Hàn Quốc thể hiện rõ nguyên tắc này, theo đó: “(1) Hợp đồng gia nhập phải được giải thích không thiên vị phù hợp với nguyên tắc trung thực và thiện chí và không được giải thích một cách khác biệt phụ thuộc vào khách hàng; (2) Nếu nghĩa của hợp đồng gia nhập không rõ ràng, nó phải được giải thích vì quyền lợi của khách hàng”. Điều 5 Chỉ thị 93/13/EEC ngày 5/4/1993 về các điều khoản không công bằng trong hợp đồng với người tiêu dùng cũng có quy định tương tự: “Trường hợp hợp đồng có tất cả các điều khoản hoặc có điều khoản nào đó được đề nghị với người tiêu dùng bằng văn bản thì những điều khoản này luôn phải được soạn thảo với ngôn ngữ trong sáng, dễ hiểu. Nếu nghĩa của điều khoản đó không rõ ràng, việc giải thích sẽ theo hướng có lợi nhất cho người tiêu dùng”. Ngoài quy định tại Điều 407 khoản 2, Bộ luật dân sự Việt Nam còn có quy định riêng về giải thích hợp đồng, theo đó: “Trong trường hợp bên mạnh thế đưa vào hợp đồng nội dung bất lợi cho bên yếu thế thì khi giải thích hợp đồng phải theo hướng có lợi cho bên yếu thế” (Điều 409 khoản 8). Tuy nhiên, với các quy định như vậy, TS. Ngô Huy Cương cũng lưu ý rằng: (i) Việc giải thích hợp đồng bất luận trong trường hợp nào cũng phải dựa trên nguyên tắc thiện chí trung thực (hay tin cậy và thiện tâm), do vậy việc giải thích chỉ nhằm bảo vệ quyền lợi của bên yếu thế (bên gia nhập) chứ không gây bất lợi cho bên nào; (ii) việc giải thích hợp đồng theo nguyên tắc như vậy áp dụng trong cả trường hợp hợp đồng quy định thiếu một điều kiện hay điều khoản nào đó mà không kể đến pháp luật có hoặc không quy định về các điều kiện thiếu đó, chứ không phải chỉ giải thích những điều khoản không
rõ nghĩa. Đây là những nhận định đúng đắn và quan trọng làm cơ sở cho sự vận dụng đầy đủ và chuẩn xác hơn nguyên tắc giải thích hợp đồng gia nhập trong thực tiễn xét xử ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bộ luật dân sự năm 2005 còn quy định về các điều khoản không công bằng trong hợp đồng theo mẫu tạo ra sự bất cân xứng về trách nhiệm và nghĩa vụ giữa bên soạn thảo và bên gia nhập hợp đồng theo hướng bất lợi cho bên yếu thế hơn. Tuy vậy, Điều 407 khoản 3 vẫn có quy định “trừ trường hợp có thoả thuận khác” với ngụ ý tôn trọng sự thoả thuận của các bên trong hợp đồng như trong rất nhiều các quy định khác trong Bộ luật. Điều đó có nghĩa là những điều khoản bất công như vậy sẽ vẫn có hiệu lực nếu các bên có thoả thuận như vậy. Có thể nói, quy định trên đây là chưa hợp lý bởi hợp đồng gia nhập là loại hợp đồng mà ở đó hầu như không có sự thoả thuận giữa các bên. Hơn nữa, những điều khoản này về nguyên tắc sẽ không có hiệu lực thi hành trong mọi trường hợp bởi nó trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực và nguyên tắc công bằng của Luật hợp đồng. Bởi thế, ta thấy cái đuôi của Điều luật về hợp đồng gia nhập vừa dẫn cần phải được xem xét lại một cách kỹ lưỡng [7].
Như vậy, mặc dù mới chỉ đưa ra định nghĩa pháp lý chưa đầy đủ và một vài nguyên tắc cơ bản về hợp đồng gia nhập, song Bộ luật dân sự năm 2005 được coi là nền tảng pháp lý quan trọng trong việc điều chỉnh vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hợp đồng gia nhập. Ngoài những quy định chung trong Bộ luật dân sự, những quy định cụ thể mang tính đặc thù về các vấn đề liên quan đến hợp đồng gia nhập áp dụng cho người tiêu dùng khi tham gia giao dịch với nhà kinh doanh chuyên nghiệp thông thường nằm trong hệ thống văn bản pháp luật chuyên ngành về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mà trước hết là Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 1999 và các văn bản pháp luật có liên quan.