Về các quy định của pháp luật

Một phần của tài liệu Vi phạm pháp luật về đóng, hưởng bảo hiểm xã hội ở Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 81)

6. Bố cục của luận văn

3.3.1. Về các quy định của pháp luật

Để hạn chế các VPPL về đóng, hưởng BHXH thì cần có sự sửa đổi các quy định liên quan tới 2 lĩnh vực này. Có thể đưa ra một số đề nghị sửa đổi các quy định pháp luật trong lĩnh vực đóng, hưởng BHXH như sau:

Điều 94 Luật BHXH quy định tiền lương, tiền công đóng BHXH là tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động. Các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước lợi dụng quy định này bằng cách ghi tiền lương trong hợp đồng một cách tượng trưng (trên mức tối thiểu một chút) và trả theo một khoản cao hơn nhiều lần (bổ sung nhiều trợ cấp khác). Vì vậy, do mức đóng thấp nên khi người lao động nghỉ hưu, mức lương hưu được hưởng sẽ thấp, không đạt mục tiêu về An sinh xã hội. Do đó, cần sửa đổi quy định về tiền lương tối thiểu làm căn cứ đóng BHXH không có chênh lệch quá lớn với tiền lương thực tế

để người lao động được hưởng BHXH xứng đáng với công sức lao động họ bỏ ra và người sử dụng lao động không thể trốn tránh nghĩa vụ của mình.

Hiện nay, trong BLHS không có các điều luật, tội danh riêng cho các tội phạm trong lĩnh vực đóng, hưởng BHXH; còn trong Luật BHXH tuy có quy định về các hành vi vi phạm và quy định có thể truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) các hành vi vi phạm, nhưng không quy định cụ thể các tội phạm này. Để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội phạm thuộc lĩnh vực BHXH đòi hỏi phải có tội danh tương ứng trong BLHS. Liên quan đến việc hình sự hóa các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH và đặt vấn đề này trong bối cảnh sửa đổi, bổ sung BLHS nhằm đáp ứng hơn nữa nhu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, các nhà làm luật đã đưa ra nhiều kiến giải pháp lý khác nhau. Chẳng hạn, hình sự hóa các hành vi liên quan đến nghĩa vụ đóng BHXH (trốn đóng BHXH, không đóng BHXH đủ số người lao động; không đóng đủ mức, không đóng đúng hạn); tách tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản thêm các tội danh riêng cho lĩnh vực BHXH (tổ chức gian lận BHXH; gian lận BHYT…).

Công tác đầu tư, tăng trưởng quỹ cần quy định để có giải pháp hiệu quả hơn theo hướng tăng đầu tư vào các công trình trọng điểm quốc gia có hiệu quả kinh tế cao nhằm tăng tỷ trọng tăng trưởng Quỹ. Ngoài ra, đề xuất nâng cao hiệu quả đầu tư tăng trưởng quỹ, trong đó chú trọng vào việc xác định cơ chế cho vay của BHXH Việt Nam đối với Ngân hàng thương mại nhà nước, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội;... kiện toàn bộ máy quản lý và đầu tư tăng trưởng quỹ; hạch toán độc lập các quỹ để có chiến lược đầu tư tăng trưởng tùy theo tính chất của từng quỹ.

Điều chỉnh mức lãi suất chậm đóng BHXH theo hướng phù hợp hơn, theo đó nâng mức lãi suất chậm đóng BHXH lên ngang bằng mức Ngân hàng Nhà nước ấn định, thậm chí có thể cao hơn. Bởi vì, hiện nay mức lãi suất

chậm nộp BHXH thấp hơn mức quy định của ngân hàng rất nhiều nên doanh nghiệp lợi dụng chậm nộp nhằm chiếm dụng vốn gây ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ như không được thanh toán chế độ thai sản, nghỉ dưỡng sức, ốm đau, hưu trí,...

Trao thẩm quyền xử phạt vi phạm trong lĩnh vực BHXH cho cơ quan BHXH. Theo Luật BHXH thì việc xử phạt do cơ quan Lao động- Thương binh- Xã hội thực hiện. Điều này gây ra những khó khăn nhất định cho cơ quan BHXH, do cơ quan này trực tiếp thực hiện việc thu, nộp nên nắm được chính xác danh sách và việc chấp hành đóng BHXH của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức; còn cơ quan Lao động- Thương binh- Xã hội chỉ gián tiếp thông qua kiểm tra, thanh tra nên không thể nắm bắt kịp thời tình hình vi phạm. Do đó, khi phát hiện doanh nghiệp chậm hoặc trốn đóng BHXH thì cơ quan BHXH chỉ có một cách duy nhất buộc doanh nghiệp phải đóng BHXH là khởi kiện ra tòa, nhưng cách làm này tốn công sức, thời gian và hiệu quả không cao. Tuy nhiên, trường hợp cơ quan BHXH khởi kiện thì Tòa án các cấp cần thụ lý, giải quyết dứt điểm, nhanh chóng các vụ việc nhằm răn đe, làm gương đối với các doanh nghiệp khác.

Trao cho BHXH Việt Nam quyền kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Luật BHXH ở các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế. Hiện nay, hầu như không có cơ quan nào kiểm tra, nhắc nhở các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế thực hiện nghĩa vụ này. Do đó, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức nào tôn trọng các quy định của pháp luật thì thực hiện, ngược lại thì cố tình không thực hiện hoặc sử dụng các “tiểu xảo” khác nhau để né tránh nghĩa vụ nộp BHXH cho người lao động.

Quy định lao động làm việc từ đủ 6 tháng/năm (tính cả thời gian gián đoạn) thì chủ sử dụng lao động phải đóng BHXH cho NLĐ. Nhằm tránh tình trạng người sử dụng lao động lợi dụng quy định hợp đồng 3 tháng trở xuống

không phải đóng BHXH nên đã ký liên tiếp các hợp đồng 3 tháng một lần cho người lao động.

Rất cần nghiên cứu một cách nghiêm túc và sửa đổi các tỷ lệ thu của BHXH. Các khoản thu của BHXH gồm: tiền BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp đều được quy định bằng tỷ lệ phần trăm trên tiền lương. Trong khi đó, tiền lương tối thiểu được điều chỉnh tăng liên tục trong thời gian vừa qua. Vì vậy, trong bối cảnh các yếu tố đầu vào của sản xuất, kinh doanh đều tăng với tỷ lệ cao, tỷ lệ thu của BHXH cũng đã vượt quá sức chịu đựng của khá nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây cũng là một trong những nguyên nhân không kém phần quan trọng dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp cố tình né tránh việc thực hiện nghĩa vụ nộp BHXH cho người lao động. Vì vậy, hạ tỷ lệ thu BHXH xuống thấp hơn hiện nay để thu được ở diện rộng hơn và dễ hơn, thiết nghĩ là biện pháp hợp lý hơn là đặt tỷ lệ thu cao và chỉ thu được ở một số ít doanh nghiệp.

Một phần của tài liệu Vi phạm pháp luật về đóng, hưởng bảo hiểm xã hội ở Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 81)