Các hình thức xử phạt chính

Một phần của tài liệu Vi phạm pháp luật về đóng, hưởng bảo hiểm xã hội ở Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 63)

6. Bố cục của luận văn

2.2.1. Các hình thức xử phạt chính

Hình thức xử phạt hành chính được hiểu là các biện pháp cưỡng chế nhà nước được áp dụng đối với cá nhân hoặc tổ chức thực hiện vi phạm hành chính.

Pháp luật quy định các hình thức xử phạt hành chính, thực chất là xác định các mức độ áp dụng cưỡng chế nhà nước đối với đối tượng thực hiện vi phạm hành chính. Các mức độ cưỡng chế này được xác định bởi tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm hành chính.

Việc xây dựng khung pháp luật về các hình thức xử phạt hành chính phải đảm bảo các yêu cầu cơ bản sau: Hình thức xử phạt hành chính phải đảm bảo phù hợp với mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm hành chính; các hình thức xử phạt hành chính phải đa dạng, phù hợp với sự phát triển xã hội; pháp luật về hình thức xử phạt hành chính cần đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ.

Có 2 hình thức xử phạt chính được áp dụng đối với các VPPL về đóng, hưởng BHXH đó là: Cảnh cáo và phạt tiền.

Cảnh cáo

Theo quy định của pháp luật thì cảnh cáo được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nhỏ, lần đầu, có tình tiết giảm nhẹ hoặc đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện; cảnh cáo được quyết định bằng văn bản (Điều 13 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (được sửa đổi, bổ sung năm 2007,

2008). Cảnh cáo được áp dụng với một số hành vi VPPL về đóng, hưởng BHXH như: hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; hành vi kê khai không đúng sự thật hoặc sửa, chữa, tẩy xóa những nội dung có liên quan đến việc hưởng BHXH; hành vi không cấp hoặc cấp giấy chứng nhận sai của cơ sở y tế, không cấp hoặc cấp biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động sai của Hội đồng giám định y khoa để người lao động được hưởng chế độ BHXH;...

Điểm bất cập của việc áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo hiện nay là hiệu quả không cao và mang tính hình thức. Mặc dù Điều 13 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (được sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2008) quy định cảnh cáo được quyết định bằng văn bản, tuy nhiên trong thực tế, nhiều cơ quan và cán bộ khi xử lý lại áp dụng hình thức cảnh cáo bằng miệng. Việc quản lý hình thức phạt cảnh cáo với đối tượng vi phạm cần chuyên nghiệp hơn như lưu trữ dữ liệu trên máy vi tính, các sổ lưu trữ điện tử của cảnh sát, cơ quan thuế hay các cơ quan có thẩm quyền xử phạt khác. Ở Nhật Bản, cảnh sát với sổ điện tử rất nhỏ có thể có đầy đủ thông tin về các cá nhân đã từng vi phạm và biện pháp áp dụng, rất tiện lợi cho việc áp dụng hình thức chế tài và mức độ xử lý.

Hình thức xử phạt cảnh cáo chỉ áp dụng đối với các vi phạm mang tính chất nhẹ như trong khái niệm đã chỉ ra nên tính chất răn đe chưa cao. Về cơ bản, quy định này đã giải quyết được vướng mắc trong thực tiễn, làm cơ sở để giải quyết khiếu nại về việc người có thẩm quyền không quyết định áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo trong trường hợp người vi phạm có đầy đủ các yếu tố để có thể áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo như vi phạm lần đầu, có tình tiết giảm nhẹ…Tuy nhiên, trên thực tế, các vi phạm về đóng, hưởng BHXH mặc dù đã được cơ quan chức năng ở Việt Nam phạt cảnh cáo nhưng vẫn tồn tại rất nhiều vi phạm và chúng cần được xử lý bởi các hình thức xử

phạt mang tính răn đe cao hơn như phạt tiền. Phạt tiền

Phạt tiền là hình thức xử phạt được áp dụng chủ yếu đối với các vi phạm pháp luật hành chính và có tác dụng trừng trị và phòng ngừa vi phạm khá cao vì nó tước đi một khoản tài chính nhất định của người vi phạm tùy vào tính chất, mức độ vi phạm và biến động giá cả thị trường. Theo quy định tại khoản 2, điều 14 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 được sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2008 và khoản 1, điều 4, Nghị định 86/2010/NĐ-CP thì mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH là 30.000.000 đồng. Khi áp dụng hình thức phạt tiền, mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm là mức trung bình của khung tiền phạt tương ứng với hành vi đó được quy định tại Nghị định này; nếu vi phạm có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể thấp hơn nhưng không được dưới mức thấp nhất của khung phạt tiền đã được quy định; nếu vi phạm có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể cao hơn nhưng không vượt quá mức cao nhất của khung phạt tiền đã được quy định.

Chiếu theo các điều luật của Nghị định 86/2010/NĐ-CP thì phạt tiền từ mức thấp nhất là 100.000 đồng đến mức cao nhất 30.000.000 đồng đối với các hành vi VPPL về đóng, hưởng BHXH. Cụ thể, một số hành vi VPPL trong lĩnh vực đóng, hưởng BHXH bị phạt tiền với các mức như sau:

Mức phạt tiền đối với hành vi không đóng BHXH cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BHTN (khoản 1, điều 7, Nghị định 86/2010/NĐ-CP):

Từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, khi vi phạm với từ 01 người đến 10 người lao động.

Từ 5.100.000 đồng đến 10.000.000 đồng, khi vi phạm với từ 11 người đến 50 người lao động;

Từ 10.100.000 đồng đến 18.000.000 đồng, khi vi phạm với từ 51 người đến 100 người lao động;

Từ 18.100.000 đồng đến 24.000.000 đồng, khi vi phạm với từ 101 người đến 500 người lao động;

Từ 24.100.000 đồng đến 30.000.000 đồng, khi vi phạm với từ 501 người lao động trở lên;

Mức phạt tiền đối với hành vi đóng BHXH không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BHTN (khoản 1, điều 8, Nghị định 86/2010/NĐ-CP): từ 300.000 đồng đến 2.500.000 đồng khi vi phạm đối với mỗi người lao động.

Mức phạt tiền đối với hành vi chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN (khoản 1, điều 9, Nghị định 86/2010/NĐ-CP): bằng 0,05% mức đóng theo quy định của pháp luật BHXH cho mỗi ngày chậm đóng, nhưng tối đa không quá 30 triệu đồng.

Mức phạt tiền đối với hành vi đóng BHXH bắt buộc, BHTN không đúng mức quy định (khoản 1, điều 10, Nghị định 86/2010/NĐ-CP): từ 300.000 đồng đến 700.000 đồng khi vi phạm đối với mỗi người lao động.

Hành vi không lập hồ sơ tham gia BHXH bắt buộc, BHTN trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tuyển dụng (khoản 1, điều 13, Nghị định 86/2010/NĐ-CP): phạt tiền từ 300.000 đồng đến 700.000 đồng khi vi phạm đối với mỗi người lao động.

Hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia BHXH bắt buộc, BHTN (khoản 2, điều 23, Nghị định 86/2010/NĐ-CP): phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

Hành vi kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa những nội dung có liên quan đến việc hưởng BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, BHTN (khoản 2, điều 24, Nghị định 86/2010/NĐ-CP): phạt tiền từ 300.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Hành vi làm giả hồ sơ để hưởng chế độ BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, BHTN mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự (khoản 1, điều 25, Nghị định 86/2010/NĐ-CP): phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng Hành vi không cấp hoặc cấp giấy chứng nhận sai của các cơ sở y tế, không cấp hoặc cấp biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động sai của Hội đồng Giám định y khoa để người lao động được hưởng chế độ

BHXH (khoản 2, điều 33, Nghị định 86/2010/NĐ-CP): phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng khi vi phạm đối với mỗi người lao động.

Từ những mức phạt tiền đối với các hành vi VPPL về đóng, hưởng BHXH trên đây cho thấy mức phạt tiền còn quá thấp, mức tối đa chỉ có 30.000.000 đồng. Với mức phạt này nhiều chủ sử dụng lao động tỏ ra không mặn mà với việc chấp hành đúng các quy định về đóng, hưởng BHXH, có nhiều nhiều doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức chấp nhận bị phạt để tiếp tục vi phạm về đóng, hưởng BHXH. Số tiền phạt thậm chí còn không bằng tiền “tiêu vặt” của chủ sử dụng lao động nên việc thờ ơ với các quy định về phạt vi phạm trong đóng, hưởng BHXH là điều không tránh khỏi. Mức phạt thấp dẫn đến người vi phạm chẳng những không thuyên giảm mà còn gia tăng với con số đáng kể làm mất đi mục đích của hình thức xử phạt phạt tiền là răn đe, ngăn chặn vi phạm. Bên cạnh đó, mục đích của an sinh xã hội cho người lao động cũng có nguy cơ bị đe dọa. Khi các chủ sử dụng lao động không thực hiện đúng, đủ các quy định liên quan đến đóng, hưởng BHXH thì quỹ BHXH dần dần sẽ rơi vào tình thế báo động, thậm chí vỡ quỹ, không có khả năng chi trả cho các chế độ với những người đủ điều kiện hưởng. Từ đó, làm ảnh hưởng đến cuộc sống người lao động, họ không được chi trả những khi ốm đau, bệnh tật, khi về hưu,...khiến cho cuộc sống khó khăn, vất vả hơn. Do đó, việc nâng mức phạt tiền cao hơn đang là một yêu cầu cấp bách nhằm trừng trị thích đáng các hành vi vi phạm, trả lại niềm tin cho người lao động về an sinh xã hội, tạo điều kiện để họ được an tâm lao động, sản xuất.

Một phần của tài liệu Vi phạm pháp luật về đóng, hưởng bảo hiểm xã hội ở Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)