Nguyên nhân từ phía cơ quan Nhà nước

Một phần của tài liệu Vi phạm pháp luật về đóng, hưởng bảo hiểm xã hội ở Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 73)

6. Bố cục của luận văn

3.2.1. Nguyên nhân từ phía cơ quan Nhà nước

Các cơ quan Nhà nước đảm nhận những nhiệm vụ, quyền hạn nhất định với các vấn đề quản lý xã hội nói chung và trong phạm vi bài viết này là quản lý về đóng, hưởng BHXH nói riêng, tuy nhiên trong quá trình thực thi các chức năng đó không tránh khỏi những vướng mắc, thiếu sót dẫn tới chưa làm tròn bổn phận của mình. Những vướng mắc ấy xuất phát từ các điều kiện khách quan và xuất phát từ thực tế chủ quan của chính các cơ quan Nhà nước này. Có thể đưa ra một số những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc thực hiện chưa tốt chức năng quản lý nhà nước dẫn tới các VPPL về đóng, hưởng BHXH như sau:

Thứ nhất, nguyên nhân bắt nguồn từ việc quản lý nhà nước chưa thực

sự chặt chẽ. Ví dụ như việc quản lý nhà nước về y tế, quản lý cơ sở dịch vụ y tế, quản lý việc hành nghề y- dược còn để xảy ra tình trạng mua bán giấy khám sức khỏe, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH… Các loại giấy này được mua bán khá dễ dàng ngay tại các hiệu thuốc tây. Chính các cơ sở này đã tiếp tay cho hành vi VPPL về đóng, hưởng BHXH, bởi nếu không có sự vi phạm của các cơ sở này thì công nhân, nhân viên, người lao động không có cơ hội mua bán một cách dễ dàng các giấy tờ nói trên.

Cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là cơ quan BHXH chưa có số liệu thống kê chính xác số đơn vị, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có sử dụng lao

động cũng như số lượng người lao động thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc. Số liệu về số lượng doanh nghiệp giữa các cơ quan quản lý khác nhau (cơ quan thuế, cơ quan đăng ký và quản lý thành lập doanh nghiệp,.., thậm chí doanh nghiệp không còn hoạt động nữa đi cũng không ai biết. Cơ quan BHXH chỉ kiểm soát được các doanh nghiệp tự giác khai trình lao động, tham gia BHXH chứ không thể kiểm tra, giám sát hết được số lượng doanh nghiệp phải tham gia BHXH.

Công tác quản lý doanh nghiệp của các cơ quan liên quan sau khi đăng ký kinh doanh còn lỏng lẻo. Thực tế, qua khảo sát của các cơ quan BHXH tại các doanh nghiệp, chỉ có một lượng không lớn các doanh nghiệp tham gia BHXH. Rất nhiều những doanh nghiệp này không khai trình được việc sử dụng lao động kể từ ngày doanh nghiệp bắt đầu hoạt động. Số khác các doanh nghiệp không tìm thấy theo địa chỉ trong Giấy đăng ký kinh doanh hoặc không hoạt động hoặc đã giải thể.

Công tác thanh tra, kiểm tra cũng chưa được thực hiện thường xuyên. Đội ngũ cán bộ thanh tra còn rất mỏng. Với số lượng cán bộ thanh tra lao động toàn hệ thống khoảng 150 người, trong hai năm 2007 và 2008, chỉ thực hiện kiểm tra trên 6.900 doanh nghiệp [1]. Đối với đội ngũ cán bộ thanh tra thì đây là con số đáng kể, nhưng so với tổng số các doanh nghiệp thì còn quá khiêm tốn.

Các ngân hàng thương mại chưa thực hiện quy định trích tiền từ tài khoản của doanh nghiệp nợ BHXH để đóng BHXH theo quy định tại Thông tư liên tịch số 03/2008/TTLT-BTC-BLĐTBXH-NHNN giữa Bộ Tài chính, Bộ Lao động- Thương binh- Xã hội và Ngân hàng Nhà nước về trích trừ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động mở tại ngân hàng. Theo đó, hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày ra quyết định xử phạt mà NSDLĐ không tự nguyện truy nộp hoặc đã truy nộp nhưng chưa đủ số tiền BHXH phải đóng thì

Thanh tra Sở Lao động- Thương binh- Xã hội có trách nhiệm đề xuất với cơ quan thẩm quyền liên quan áp dụng biện pháp buộc trích tiền từ tài khoản truy nộp vào quỹ BHXH. Tối đa không quá 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề xuất bằng văn bản nói trên, người có thẩm quyền có trách nhiệm xác minh và ra quyết định áp dụng biện pháp buộc trích tiền truy nộp vào quỹ BHXH có quyền yêu cầu ngân hàng nơi NSDLĐ mở tài khoản cung cấp các thông tin về tài khoản, số dư trên tài khoản, đồng thời có trách nhiệm bảo mật những thông tin về tài khoản. Sau 5 ngày kể từ ngày nhận được quyết định buộc trích tiền, nếu chủ tài khoản không tự nguyện đến trích tiền chuyển trả quỹ BHXH thì ngân hàng có trách nhiệm chuyển tiền từ tài khoản của NSDLĐ vào tài khoản quỹ BHXH theo yêu cầu, trước khi thực hiện các lệnh chuyển tiền khác của chủ tài khoản. Trong trường hợp tài khoản của NSDLĐ không còn số dư hoặc còn số dư nhưng không đủ để thi hành quyết định thì ngân hàng sau khi chuyển số tiền hiện có vào tài khoản của quỹ BHXH phải thông báo bằng văn bản cho người ra quyết định biết để xem xét áp dụng các biện pháp khác đảm bảo truy thu đủ số tiền nợ này. Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Tuy nhiên, các quy định này chưa được thực hiện một cách nghiêm chỉnh nên tình trạng vi phạm của người sử dụng lao động vẫn tiếp diễn.

Cơ chế phối hợp giữa các ngành, các cơ quan có thẩm quyền chưa thực sự phát huy vai trò của mình để phát hiện vi phạm một cách triệt để nhất. Minh chứng như sự liên kết giữa các cơ quan nhà nước để xác định đối tượng phải đóng BHXH bắt buộc chưa rõ ràng. Vì vậy, cơ quan BHXH chủ yếu chỉ thu được BHXH theo số lượng lao động mà các doanh nghiệp, đơn vị tự giác đăng ký.

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật BHXH chưa thường xuyên, kịp thời. Đa số người lao động như công nhân, thợ thủ công, người làm các

công việc chân tay... còn chưa được tiếp cận nhiều và hiểu biết về Luật BHXH cũng như các luật khác về quyền lợi của mình.

Thứ hai, theo BHXH Việt Nam, cái khó nhất của ngành bảo hiểm là

không có thẩm quyền xử phạt mà chỉ có quyền phát hiện. Thủ tục xử phạt hay khởi kiện một đơn vị nợ đọng tiền đóng BHXH còn rất nhiều khó khăn, phức tạp. Vì vậy trong thực tế, số đơn vị vi phạm nhiều, nhưng số vụ việc được xử lý còn quá ít và chậm chễ. BHXH là cơ quan tổ chức đi thu nhưng theo quy định của pháp luật, cơ quan này không có chức năng thanh tra, xử phạt đối với những vi phạm chính sách BHXH của chủ sử dụng lao động, mà phải thông qua các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước. Các cá nhân, cơ quan được giao thanh tra, xử phạt lại hoàn toàn khác, đó là Chủ tịch UBND các cấp, Thanh tra Lao động- Thương binh- Xã hội. Do vậy, trong thực tế, những năm qua toàn ngành đã phát hiện và phản ánh với cơ quan chức năng rất nhiều đơn vị vi phạm chính sách BHXH nhưng số vụ xử phạt còn rất ít, thường chậm trễ, thậm chí không xử phạt.

Thứ ba, các quy định của pháp luật liên quan tới đóng, hưởng BHXH

còn nhiều bất cập, cần được sửa đổi theo hướng tích cực hơn nữa. Ví dụ như: quy định hiện hành về việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đóng BHXH còn bất hợp lý, chưa phù hợp. Mức lãi suất quy định cho các khoản nợ BHXH chỉ khoảng 10 %/năm, so với lãi suất cho vay của các ngân hàng hiện nay (khoảng 20 %) có sự chênh lệch quá lớn đã tạo sức hấp dẫn, thúc đẩy các doanh nghiệp mặc nhiên chiếm dụng tiền BHXH làm vốn. Bên cạnh đó, chế tài xử phạt hành chính đối với các doanh nghiệp vi phạm BHXH lại chưa đủ sức răn đe, tính cưỡng chế của pháp luật chưa nghiêm. Mức phạt tối đa quy định hiện chỉ là 30 triệu đồng đối với những doanh nghiệp nợ đọng BHXH quá hạn, trốn đóng BHXH,... nên nhiều chủ sử dụng lao động còn tìm cách né tránh, không thực hiện tham gia và trích nộp BHXH đúng, đủ và kịp thời cho

người lao động. Mặt khác cơ chế xử phạt như hiện nay không đảm bảo tính nghiêm minh, kịp thời, phụ thuộc vào các cơ quan chức năng khác, cũng như sự quan tâm của chính quyền địa phương.

Quy định về mức tiền lương tối thiểu làm căn cứ đóng BHXH còn khoảng cách quá xa so với thu nhập thực tế. Hiện nay, mức thu nhập của người lao động ít nhất cũng lớn hơn mức tối thiểu Nhà nước quy định từ 2 đến 3 lần, đặc biệt là trong khu vực doanh nghiệp. Do đó, nhiều doanh nghiệp đang cố tình khai giảm quỹ tiền lương để đóng BHXH ít, đã làm giảm ý nghĩa an sinh xã hội của BHXH. Điều này không chỉ xảy ra ở khu vực kinh tế tư nhân mà còn tồn tại ở các khu vực Nhà nước.

Trình tự, thủ tục để xử phạt và khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng BHXH còn phức tạp cũng là nguyên nhân khiến cho việc đòi nợ gặp nhiều khó khăn. Hiện Tòa án Nhân dân tối cao chưa có hướng dẫn việc xử kiện các đơn vị nợ đọng tiền đóng BHXH kéo dài với tòa án cấp dưới nên còn có quan điểm trái chiều nhau về xử lý vi phạm luật BHXH. Khi có vụ việc, Tòa cấp dưới đẩy lên trên, tòa cấp trên lại chuyển xuống dưới đã gây mất không ít thời gian, việc thụ lý hồ sơ khởi kiện của tòa cũng còn chậm, kéo dài. Chính sự thiếu tích cực của cơ quan chức năng đã “tiếp tay” cho các các doanh nghiệp coi thường pháp luật. Việc thi hành án cũng rất chậm, một số vụ án xử xong nhưng rất lâu vẫn không thu hồi được tiền nợ đọng.

Hơn nữa, Điều 138 Luật bảo hiểm xã hội quy định, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng trong Bộ luật Hình sự lại không quy định tội danh liên quan đến bảo hiểm xã hội. Điều này làm cho công tác xử lý vi phạm chưa được triệt để, không tạo được tính răn đe, trừng trị cho những sai phạm để bảo vệ các quy định về đóng, hưởng BHXH.

Một phần của tài liệu Vi phạm pháp luật về đóng, hưởng bảo hiểm xã hội ở Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 73)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)