6. Bố cục của luận văn
1.3.1. Về hình thức xử lý
Theo quy định tại điều 138 Luật Bảo hiểm xã hội (ban hành năm 2006) thì đối với những VPPL về đóng, hưởng BHXH sẽ được xử lý bởi các hình thức cụ thể cho từng đối tượng như sau:
Cơ quan, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về đóng, hưởng BHXH thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về đóng, hưởng BHXH thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Người sử dụng lao động có hành vi vi phạm pháp luật quy định tại Điều 134 của Luật BHXH (các hành vi VPPL về đóng BHXH) từ ba mươi ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải đóng số tiền lãi của số tiền chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ quỹ bảo
hiểm xã hội trong năm.
Trong trường hợp người sử dụng lao động không thực hiện quy định thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích tiền từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này.
Như vậy, có thể thấy rằng đối với các hành vi VPPL về đóng, hưởng BHXH thì có thể bị xử lý dưới các hình thức: xử phạt vi phạm hành chính; kỷ luật; truy cứu trách nhiệm hình sự; tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và thiệt hại xảy ra.
Trong đó, vi phạm hành chính trong lĩnh vực đóng, hưởng BHXH là hành vi do cá nhân, cơ quan, tổ chức cố ý hoặc vô ý VPPL về đóng, hưởng BHXH mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính. Xử phạt vi phạm hành chính về BHXH bao gồm 2 hình thức chính là cảnh cáo và phạt tiền, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực BHXH là 30.000.000 đồng (khoản 1, điều 4, Nghị định 86/2010/NĐ-CP ngày 13/08/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội [Nghị định 86/2010/NĐ-CP]). Ngoài ra chủ thể vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để VPPL BHXH và các biện pháp khắc phục hậu quả: buộc truy nộp số tiền BHXH; buộc đóng số tiền lãi của số tiền BHXH chưa đóng, chậm đóng;....(khoản 2 và khoản 3, điều 4, Nghị định 86/2010/NĐ-CP).
Kỷ luật là hình thức xử lý VPPL mà chủ thể vi phạm có thể bị áp dụng một trong các hình thức sau:
Đối với người lao động nói chung (không phải là cán bộ, công công chức) xử lý theo các hình thức: Khiển trách; Kéo dài thời hạn nâng bậc lương không quá sáu tháng hoặc chuyển làm công việc khác có mức lương thấp hơn
trong thời hạn tối đa là sáu tháng hoặc cách chức; Sa thải (điều 84 Bộ luật Lao động ban hành năm 2002, được sửa đổi, bổ sung qua các năm 2006, 2007).
Đối với cán bộ, công chức vi phạm thì phải chịu một trong các hình thức kỷ luật sau: Khiển trách; Cảnh cáo; Hạ bậc lương; Hạ ngạch; Cách chức; Buộc thôi việc (điều 8, chương II, Nghị định 35/2005/NĐ-CP ngày 17/03/2005 của Chính phủ về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức).
Nếu hành vi VPPL về đóng, hưởng BHXH của chủ thể vi phạm có tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội và cần phải có biện pháp trừng trị mạnh tay và thích đáng thì truy cứu trách nhiệm hình sự là biện pháp cao nhất và thích hợp nhất. Hiện nay, trong BLHS Việt Nam không có điều luật và tội danh riêng cho các tội phạm trong lĩnh vực BHXH; còn trong các văn bản luật như Luật BHXH và Luật BHYT tuy có quy định về các hành vi vi phạm và có quy định có thể cho phép truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng cũng không có quy định cụ thể về các tội phạm này. Do đó, người vi phạm có thể bị truy cứu bởi các tội danh chung chung như: Tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 281 BLHS ban hành năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009); Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng tới người khác để trục lợi (Điều 283 BLHS ban hành năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009); Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 285 BLHS ban hành năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009); Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức (Điều 267 BLHS ban hành năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009); Tội sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận các tài liệu của cơ quan, tổ chức (điều 266 BLHS ban hành năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009),...