Hoạt động xúc tiến và quảng bá

Một phần của tài liệu KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP XUẤT KHẨU CÁ NGỪ ĐẠI DƯƠNG CỦA VIỆT NAM SANG THỊ TRƯỜNG LIÊN MINH CHÂU ÂU (Trang 42)

Về phía doanh nghiệp:

Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng cao, các doanh nghiệp Việt Nam đã tăng cường hoạt động xúc tiến và quảng bá như tham gia vào các hội chợ thủy sản quốc tế, chẳng hạn một số doanh nghiệp Việt Nam tham gia tuần lễ Metro Cash and Carry tại Đức năm 2012. Song, các hoạt động quảng bá lớn tầm cỡ như vậy chưa được các doanh nghiệp coi trọng bởi chi phí bỏ ra là tương đối lớn, trong khi các doanh nghiệp Việt vốn chưa coi trọng vấn đề thương hiệu và quảng bá như các đối thủ ở các nước khác. Các doanh nghiệp cũng đã đầu tư xây dựng hệ thống website cho mình để quảng bá hình ảnh doanh nghiệp, sản phẩm. Tuy nhiên, hầu hết các website được xây dựng hoặc để quảng cáo chung cho tất cả các mặt hàng của công ty, thay vì làm riêng để quảng bá các sản phẩm cá ngừ đại dương hoặc được xây dựng sơ sài, chưa đầu tư chú trọng vào nội dung và hình thức website. Đến nay, đã có hơn 300 doanh nghiệp xuất khẩu thủy hải sản và hơn 100 doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ đại dương, tuy nhiên, theo Hiệp hội thủy sản Việt Nam VASEP hầu như chỉ có top 10 doanh nghiệp đứng đầu là chú trọng đến hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại cho mặt hàng cá ngừ đại dương. Số còn lại chủ yếu trông chờ vào vai trò xúc tiến của các trung tâm xúc tiến thương mại Việt Nam đặt ở nước ngoài hoặc các hoạt động xúc tiến thương mại chung của ngành.

Về phía nhà nước, Hiệp hội cá ngừ Việt Nam và các hiệp hội thành viên:

Nhà nước cũng đã chú trọng vào việc xây dựng và thành lập các hiệp hội để quảng bá cho các sản phẩm cá ngừ xuất phát từ tiềm năng to lớn của mặt hàng cá ngừ đại dương. Ngày 27/11/2010, Hiệp hội cá ngừ Việt Nam được thành lập tại Khánh Hòa nhằm liên kết các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ trên cả nước, hỗ trợ các ngư dân, điều hành hoạt động của các hiệp hội cá ngừ thành viên ở các tỉnh. Có

thể nói, sự ra đời của Hiệp hội cá ngừ Việt Nam tuy trễ nhưng lại vô cùng cần thiết, trong bối cảnh những năm 2010, ngành cá ngừ Việt Nam có sự phục hồi sau khủng hoảng kinh tế và đang thiếu định hướng phát triển. Hiệp hội ra đời cũng là phù hợp và nằm trong kế hoạch của Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt. Tiếp đó, Hiệp hội cá ngừ của 3 tỉnh mạnh nhất về nghề cá ngừ là Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa cũng được thành lập và chịu sự quản lí giám sát của Hiệp hội cá ngừ Việt Nam. Trong tương lai, với việc hầu hết các tỉnh thành giáp biển hiện nay đều có ngư dân đánh bắt cá ngừ đại dương thì cũng sẽ có các hiệp hội cá ngừ mới được hình thành và là thành viên trực thuộc Hiệp hội cá ngừ Việt Nam.

Ngoài ra, các trung tâm xúc tiến thương mại của Việt Nam đặt tại EU cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ cũng như quảng bá các sản phẩm cá ngừ đại dương của Việt Nam. Theo cục trưởng cục xúc tiến thương mại Đỗ Thanh Hải, các trung tâm xúc tiến thương mại đã được thành lập tại các nước nhập khẩu cá ngừ lớn của Việt Nam như Đức, Italia, Tây Ban Nha. Các trung tâm này sẽ là cầu nối quan trọng giúp các doanh nghiệp trong nước tiếp cận thị trường EU dễ dàng hơn thông qua việc tăng cường quảng bá hình ảnh và hiện diện thương mại. Tuy nhiên, với việc phải xúc tiến cho rất nhiều mặt hàng vào thị trường, các trung tâm xúc tiến hiện nay chưa có bộ phận chuyên trách riêng cho cá ngừ đại dương do hạn chế về nguồn lực. Vì vậy, sự phối hợp giữa doanh nghiệp và các trung tâm xúc tiến cần được tăng cường hơn nữa để các hoạt động quảng bá của doanh nghiệp và trung tâm trở nên hiệu quả hơn.

Các hoạt động xúc tiến đã và đang được tăng cường theo nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, ngành sản xuất cá ngừ Việt Nam chưa thật sự có các hoạt động mang tính điểm nhấn để quảng bá và gây dựng thương hiệu. Điển hình là việc chúng ta có 3 tỉnh trọng điểm đánh bắt cá ngừ đại dương là Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa, song đến nay, chưa có hoạt động nào để tôn vinh ngư dân các tỉnh, chưa thu hút được khách du lịch đến tham quan các làng chài và doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ, các hoạt động ngoài lề nhưng lại vô cùng quan trọng và cần thiết để quảng bá như tổ chức lễ hội cá ngừ cần được đầu tư, nghiên cứu thực hiện trong giai đoạn sắp tới.

Một phần của tài liệu KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP XUẤT KHẨU CÁ NGỪ ĐẠI DƯƠNG CỦA VIỆT NAM SANG THỊ TRƯỜNG LIÊN MINH CHÂU ÂU (Trang 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)