7. Kết cấu đề tài
1.2.1.4. Tổ chức không gian đô thị
PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa đã đưa ra khái niệm về tổ chức không gian đô thị như sau:
Tổ chức không gian sống đô thị được hiểu là sự bố cục và sắp xếp các khối vật chất (nhà ở, công sở, đường sá, chợ búa, cầu cống, thiết bị kỹ thuật) trong không gian ba chiều và sau đó là tổ chức cho cộng đồng, nhóm xã hội và các cá nhân sống, hoạt động trong khối không gian được tổ chức đó theo trục thời gian (chiều
thứ tư) (2009, tr.4).
Từ khái niệm trên và căn cứ vào tổng quan tài liệu nghiên cứu của nước ngoài, tác giả xác định việc xem xét bảo tàng trong tổ chức không gian đô thị dưới góc độ quy hoạch đô thị và thiết kế đô thị, vì đây là những công việc đóng vai trò quan trọng đối với quá trình định hình cơ cấu tổ chức không gian trong đô thị nói chung, và có mối liên hệ với bảo tàng nói riêng.
Cũng theo tác giả Nguyễn Minh Hòa,“quy hoạch không gian được hiểu là sự lựa chọn vị trí, bố cục, sắp xếp và phân bổ khối lượng vật chất (nhà ở dân dụng, công sở, cơ sở
dịch vụ, đường giao thông, thiết bị kỹ thuật…) trên một mặt phẳng bị giới hạn” (2012,
tr.330). Nói cách khác, quy hoạch tạo nên hình dạng và định hướng cho sự phát triển không gian của đô thị thông qua việc bố cục các khối lượng vật chất trên bề mặt của đô thị. Điều này được thực hiện thông qua việc tuân thủ những yêu cầu cụ thể về vị trí của khối vật chất, giao thông xung quanh khối vật chất, tầm nhìn trong tương quan với khối vật chất, và mạng lưới công trình công cộng xung quanh khối vật chất, giúp cho việc tiếp cận và sắp xếp khối vật chất đó trở nên khoa học, hợp lý (Tạ Trường Xuân, 2006). Được xây dựng và sử dụng cho mục tiêu phát triển đô thị, bảo tàng vì thế chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi quy hoạch đô thị. Bảo tàng muốn trở nên hiệu quả và phát huy tốt chức năng trong đời sống đô thị cần phải được xem xét trong mối quan hệ với những mục tiêu và yêu cầu mà quy hoạch đô thị, cụ thể là về vị trí, giao thông, tầm nhìn, và mạng lưới công
30
Đồng thời với quy hoạch đô thị, thiết kế đô thị là một chuyên ngành có tính liên kết cao, vừa “là một sự kế tục và cụ thể hóa của quy hoạch đô thị” vừa “chỉ đạo và vạch ra
cái khung cho thiết kế kiến trúc” (Khương Văn Mười và cộng sự, 2006, tr. 320 – 322).
“Chúng là cầu nối của quy hoạch và kiến trúc để dẫn đến hiện thực hóa hình ảnh thành
phố trong thực tế xây dựng đô thị” (Nguyễn Hồng Thục và Trịnh Minh Hiếu, 2013). Nếu
quy hoạch nhấn mạnh đến việc hoạch định hình dạng và hướng phát triển không gian của đô thị thì thiết kế đem lại cái hồn và bản sắc riêng cho đô thị bằng việc can thiệp vào quá trình trải nghiệm của mỗi người dân đối với các không gian khác nhau trong thành phố. Sự can thiệp này gắn liền với những hoạt động như hoàn thiện thẩm mỹ và không gian chức năng bên ngoài công trình, kiến thiết cảnh quan và làm đẹp không gian bằng các trang trí, trang thiết bị và tiện nghi cần có cho đô thị.
Để tạo ra sự trải nghiệm của cá nhân đối với không gian trong thành phố, có nhiều yếu tố được xem xét khi những nhà thiết kế đô thị thực hiện công việc của họ như (1) hình thái, (2) thị giác, (3) xã hội, (4) công năng, và (5) thời gian (Phạm Hùng Cường và cộng sự, 2006, tr.10 – 16). Kim Quảng Quân (2011, tr.42) đã làm rõ hơn những yếu tố này, trong đó: (1) Yếu tố hình thái đô thị quan tâm đến hình dạng tổng thể của đô thị, mạng lưới đường phố, kết cấu không gian, giúp con người nhận dạng tốt hơn hình ảnh tổng thể của thành phố và sự gắn kết giữa cái cũ và mới trong đô thị; (2) thị giác giúp kích thích khả năng chiêm ngưỡng, khám phá không gian đô thị nhờ tính tổng thể, rõ ràng, phong phú và hấp dẫn của không gian đó; (3) yếu tố xã hội hướng đến việc thiết kế không gian phù hợp về hình thức và công năng để đáp ứng và tác động đến các hoạt động của cộng đồng và đời sống xã hội. Nói cách khác, cần xem xét xem liệu không gian đó có phục vụ hữu hiệu và tích cực cho các sinh hoạt xã hội và đảm bảo công bằng xã hội trong việc sử dụng không gian đó hay không; (4) công năng có nghĩa là khai thác, sử dụng không gian và làm thế nào để tạo ra những không gian phục vụ tốt hơn cho con người (5) Thời gian
là yếu tố góp phần làm cho các địa điểm trở nên gắn bó hơn và trở thành các “nơi – chốn lịch sử”.
Từ nội dung trên của quy hoạch đô thị và thiết kế đô thị, bảo tàng cần được xem xét như một thực thể vật chất trong sơ đồ quy hoạch của đô thị và là đối tượng quan trọng của thiết kế đô thị. Tuy nhiên, mối quan hệ của bảo tàng với quy hoạch và thiết kế đô
31
lưu ý đến những yêu cầu và đặc trưng riêng có của loại công trình này. Bảo tàng
không chỉ là công trình lưu giữ hiện vật và thông tin đơn thuần mà còn phải đáp ứng các yêu cầu về không gian bên trong và bên ngoài để trở nên hợp lý và phục vụ tốt hơn chức năng của nó trong đời sống đô thị. Hiểu được điều này sẽ giúp cho việc đánh giá hiện trạng và mối quan hệ của bảo tàng đối với tổ chức không gian của TP.HCM hiện nay.
Căn cứ vào các tiêu chí đi kèm cho một quy hoạch và thiết kế công trình hiệu quả như đã trình bày ở trên, trong giới hạn của một khóa luận cử nhân và tiếp cận từ góc độ đô thị học, tác giả không phân tích sâu những yêu cầu kỹ thuật về quy hoạch và thiết kế đô thị đối với bảo tàng, mà tập trung đánh giá xem vị trí, tức là việc bố trí các bảo tàng trong không gian đô thị TP.HCM hiện nay, cũng như đặc điểm giao thông, mạng lưới công
trình công cộng xung quanh bảo tàng, và tầm nhìn trong tương quan với bảo tàng có hợp
lý về mặt quy hoạch không, có giúp bảo tàng gắn kết với không gian đô thị và khuyến khích các cá nhân hoạt động và phát triển dựa trên việc tiếp cận, sử dụng bảo tàng hay không? Về thiết kế, tác giả đánh giá xem tổ chức không gian bên trong tòa nhà của bảo tàng có tuân thủ các tiêu chí về đặc trưng và thiết kế của bảo tàng (sẽ được phân tích trong phần lý luận về bảo tàng tiếp theo sau đây), và tổ chức không gian chung của bảo tàng có được đầu tư phù hợp, hướng vào ba tiêu chí của thiết kế đô thị sau đây: về thị giác (tính hấp dẫn, thu hút của bảo tàng), về xã hội (thiết kế bảo tàng có đảm bảo khả năng tiếp cận và sử dụng bảo tàng), và về công năng (các bảo tàng hiện nay có được khai thác và sử dụng hợp lý để tạo ra những không gian phục vụ tốt hơn cho con người hay không). Tác giả bỏ qua hai tiêu chí hình thái (vai trò của bảo tàng trong việc tạo dựng hình ảnh đô thị) và thời gian (bảo tàng có trở thành nơi chốn lịch sử hay không) vì cho rằng hai tiêu chí này cần có thời gian lâu dài để nghiên cứu và đo lường được. Tác giả cũng nhận thức rằng, không gian bên trong của bảo tàng bên gồm cả khuôn viên gắn liền với khối nhà bảo tàng, đặc biệt với trường hợp tại TP.HCM nơi các bảo tàng, trừ Bảo tàng Y học Cổ truyền Việt Nam FITO, đều có hàng rào ngăn cách rõ ràng khuôn viên bảo tàng với khu vực xung quanh, cũng phải tuân thủ những tiêu chí dành riêng cho thiết kế bảo tàng, vốn là những tiêu chí khác bên cạnh tiêu chí về thiết kế đô thị dành cho công trình. Tuy nhiên, thiết kế đô thị lại quan tâm đến cả tổ chức toàn bộ không chung, không phân biệt trong, ngoài của bảo tàng. Chính vì thế, phần khuôn viên sẽ được đưa vào phân
32
tích ở tiêu chí công năng và xã hội của thiết kế đô thị để tránh sự trùng lặp với các tiêu chí yêu cầu bởi thiết kế không gian bên trong dành riêng cho loại công trình bảo tàng.
Cùng với việc nhận định về bảo tàng trong mối quan hệ với tổ chức không gian, tác giả tìm hiểu các chức năng của bảo tàng đối với đời sống xã hội để làm rõ thực trạng bảo tàng trong mối liên hệ với thành tố này, thấy được các ưu nhược điểm của hệ thống bảo tàng tại TP.HCM và đưa ra các giải pháp, kiến nghị cho việc kiện toàn hệ thống bảo tàng trong đời sống đô thị TP.HCM.