Bảo tàng

Một phần của tài liệu Bảo tàng trong đời sống đô thị (Trang 31)

7. Kết cấu đề tài

1.2.1.1.Bảo tàng

Về nguồn gốc và sự phát triển của thuật ngữ ‘bảo tàng’, theo Lewis (2009), “museum”

xuất phát từ “mousein” trong tiếng Hy Lạp, nghĩa là “chỗ ngồi của các Nàng Muse”

(seat of the Muses), được hiểu như là nơi để thưởng ngoạn hoặc một viện khoa học. Cho đến thời kì Roman, dạng Latin của từ này – “museum” – được sử dụng với nghĩa là nơi dành cho các cuộc thảo luận khoa học. Đến thế kỷ XV, từ này được dùng để chỉ tính đa dạng, bao quát của các bộ sưu tập và đến thế kỷ XVII, nó lại mang nghĩa một bộ sưu tập những vật gây tò mò. Cho đến thời điểm này, khái niệm “museum” chưa được dùng để chỉ một công trình hoàn chỉnh (Lewis, 2009). Điều này chỉ xuất hiện vào thế kỷ XIX và XX, khi “museum” có nghĩa là những công trình công cộng chứa các sản phẩm văn hóa

25

dành cho đối tượng tham quan là công chúng. Cùng với sự phát triển của xã hội, “museum” ngày nay đã ‘thoát ra’ khỏi giới hạn công trình với các hiện vật bên trong và tương tác mật thiết hơn với các yếu tố xã hội như chính quyền, người dân, các thiết chế văn hóa và tổ chức không gian.

Thuật ngữ ‘bảo tàng’ du nhập đến Châu Á muộn hơn, xuất hiện ở Trung Quốc vào thế kỷ XIX: “博物院” – bác vật viện, bác vật quán là nơi trưng bày nhiều hiện vật phong phú. Có thể thấy rằng khái niệm này chú trọng vào chức năng lưu trữ và cung cấp thông tin, chia sẻ một điểm chung với chức năng của bảo tàng trong khái niệm “museum” của phương Tây. Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê, tr.63) cũng ghi nhận “bảo tàng” (保藏) là từ Hán – Việt, có nghĩa là “nơi tàng trữ, bảo quản và trưng bày những hiện vật, tài liệu có ý

nghĩa lịch sử”. Điều này có nghĩa là trong tiếng Việt, khái niệm bảo tàng cũng chú trọng

đến yếu tố cất giữ, lưu trữ hiện vật, thông tin của bảo tàng, xem bảo tàng như một hiện tượng độc lập, không có mối liên hệ với xung quanh. Như vậy, quá trình phát triển của khái niệm này cho thấy sự nhìn nhận khác biệt về bảo tàng giữa các nước phương Tây và phương Đông, trong đó bảo tàng thường được quan niệm đơn thuần như một công trình lưu giữ hiện vật và thông tin tại phương Đông, và được xem xét ở một phạm vi rộng hơn, có tính tới sự tương tác của bảo tàng với các yếu tố xã hội và môi trường xung quanh ở phương Tây thời kỳ hiện đại. Khác biệt này cũng cho thấy sự tiến hóa về mặt ngữ nghĩa, cùng với nó là ý nghĩa của bảo tàng đối với xã hội qua các thời kỳ khác nhau.

Bên cạnh ý nghĩa về mặt từ ngữ, các tổ chức, cơ quan uy tín trên thế giới cũng có

những định nghĩa riêng về bảo tàng. Định nghĩa được sử dụng phổ biến nhất hiện nay,

ban hành bởi Hội đồng Bảo tàng Quốc tế (The International Council of Museums – ICOM), đề cập đến bảo tàng như sau:

Bảo tàng là thiết chế không nhằm mục đích lợi nhuận, phục vụ xã hội và sự phát triển của xã hội, mở cửa cho công chúng. Bảo tàng nghiên cứu những bằng chứng vật chất về con người và môi trường sống của họ; sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, tuyên truyền và đặc biệt là trưng bày những bằng chứng vật chất này vì mục đích

nghiên cứu, giáo dục và thưởng thức. (Lê Thị Minh Lý, 2006, tr.17)

Định nghĩa này chỉ ra các chức năng chính của bảo tàng như sưu tầm – bảo quản, nghiên cứu, giáo dục, và đáp ứng nhu cầu thưởng thức của con người, tuy vậy chưa cho

26

thấy sự liên kết giữa bảo tàng với bối cảnh văn hóa – xã hội và môi trường xung quanh nó.

Bổ sung cho định nghĩa trên, Liên minh Bảo tàng Mỹ (American Alliance of Museums) nhấn mạnh rõ hơn chức năng giáo dục của bảo tàng: “Bảo tàng là cơ quan sưu tầm, bảo quản có khả năng giải thích một cách hiệu quả nhất những tư liệu về các hiện tượng tự nhiên và đời sống của con người, đồng thời sử dụng nó để tăng thêm giáo

dục tri thức và mở mang trí tuệ cho mọi người” (Vương Hoằng Quân, 2008, tr.66)

Cùng một quan điểm, Luật Di sản văn hóa Việt Nam (2001), điều 47, cũng định nghĩa căn cứ vào chức năng giáo dục, nghiên cứu, và phục vụ mục đích thưởng lãm của quần chúng của bảo tàng:“Bảo tàng là nơi bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử tự nhiên và xã hội nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ

văn hóa của nhân dân” (Trịnh Thị Hòa, 2007, tr.35). Định nghĩa này, cũng như định

nghĩa của các tổ chức trên thế giới, chỉ nhấn mạnh những chức năng của bảo tàng như sưu tầm, bảo quản và lưu giữ thông tin; nghiên cứu; giáo dục; hưởng thụ văn hóa, mà chưa cho thấy được mối liên kết của bảo tàng với tổ chức không gian và môi trường xung quanh, bên ngoài bản thân khối công trình bảo tàng, là cơ sở tạo nên một phần bản sắc của đô thị hiện đại, tăng cường khả năng tiếp cận của con người đến bảo tàng, và phát huy tốt hơn những chức năng sẵn có của nó như trường hợp các thành phố phát triển ở phương Tây.

Do vậy, tác giả đã sử dụng những yếu tố cốt lõi nhất của các định nghĩa nói trên và bổ sung thêm về mặt ý nghĩa cho khái niệm bảo tàng nhằm phục vụ cho mục tiêu nghiên cứu của khóa luận như sau:

Bảo tàng là một thực thể tồn tại trong mối liên hệ chặt chẽ với môi trường bên trong và xung quanh nó về mặt tổ chức không gian, thực hiện các chức năng quan trọng như sưu tầm, bảo quản, và truyền bá thông tin; giáo dục; nghiên cứu; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, và các chức năng khác tùy theo trình độ phát triển của từng đô thị, bằng cách đó tác động đến đời sống xã hội của đô thị. Bảo tàng là một thiết chế văn hóa, một bộ phận trong tổ chức không gian đô thị, vừa thống nhất trong những quy tắc và yêu cầu tổ chức hoạt động và quản lý, vừa đa dạng với những đặc trưng khác nhau ở từng bảo tàng khác nhau.

27

Nắm rõ những vấn đề cơ bản về khái niệm và chức năng của bảo tàng ngày nay sẽ giúp loại bỏ những quan điểm cứng nhắc về bảo tàng, cho rằng bảo tàng là nơi biệt lập, trang nghiêm thuần túy lưu giữ những giá trị thuộc về truyền thống và quá khứ để nhìn về bảo tàng như một thực thể vừa thống nhất, vừa đa dạng trong loại hình và cách thức hoạt động, đồng thời đặt nó trong sự tương tác, liên kết với tổ chức không gian và đời sống đô thị đang vận động không ngừng để thấy rõ hơn ý nghĩa của bảo tàng trong xã hội hiện đại.

Một phần của tài liệu Bảo tàng trong đời sống đô thị (Trang 31)