3.1. Ý nghĩa thực tiễn
Trong tình hình nghiên cứu về bảo tàng ở Việt Nam được tiếp cận chủ yếu từ góc độ văn hóa và bảo tàng học, tìm hiểu bảo tàng từ góc độ đô thị học sẽ giúp khẳng định thêm nhiều giá trị thực tiễn và sự cần thiết của bảo tàng như một thiết chế không thể thiếu trong đời sống hiện đại. Không chỉ nên giới hạn chức năng của bảo tàng ngày nay ở phạm vi giáo dục mà phải xem xét cả các chức năng kinh tế, thẩm mỹ, vui chơi thưởng lãm của bảo tàng nhằm thúc đẩy sự phát triển của thành phố và nâng cao chất lượng sống của người dân. Nhìn nhận vấn đề này một cách thấu đáo cũng là góp phần giải quyết những câu hỏi đang đặt ra về vị trí và tương lai của các bảo tàng trong đô thị, đồng thời gắn kết bảo tàng với lĩnh vực du lịch của thành phố trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Vì vậy, kết quả nghiên cứu của khóa luận có thể là cơ sở giúp các nhà quản lý, những nhà bảo tàng học, nhà quy hoạch nâng cấp – cải tạo những bảo tàng hiện có nhằm phát huy tốt chức năng của bảo tàng tại TP.HCM và tạo tiền đề cho việc xây dựng những bảo tàng mới trong tương lai.
3.2. Ý nghĩa lý luận
Tiếp cận một cách hệ thống về bảo tàng tại TP.HCM hiện nay và mối quan hệ của nó với đời sống đô thị, khóa luận hướng đến việc mở rộng chủ đề nghiên cứu về bảo tàng và góp thêm nguồn tư liệu tham khảo cho những nghiên cứu liên quan trong tương lai.
Khóa luận có thể là tư liệu tham khảo hữu ích cho sinh viên Khoa Đô thị học và những ai muốn tìm hiểu về bảo tàng trong đời sống đô thị. Cũng như nhiều yếu tố khác, bảo tàng có vai trò quan trọng trong tổ chức không gian và đời sống cư dân đô thị, do vậy khóa luận sẽ cung cấp một cái nhìn tuy quen thuộc với nhiều nghiên cứu trên thế giới nhưng lại khá mới mẻ ở Việt Nam về vấn đề này. Trên cơ sở đó, khóa luận xác định
19
những tồn tại cần khắc phục và những yêu cầu mà bảo tàng hiện nay cần đáp ứng nhằm nâng cao giá trị thực tiễn và vị thế của bảo tàng trong đời sống đô thị.