Việt Nam là một nước nhiệt đới, do đó các bệnh như dị ứng, mày đay, là khá phổ biến. Loratadin, một thuốc thuộc nhóm kháng histamin thế hệ thứ hai có tác dụng kéo dài (hơn 24 giờ), không gây buồn ngủ và có tác dụng phụ thấp trên thần kinh trung ương đã được sử dụng rộng rãi trong điều trị các bệnh dị ứng trên. Phần lớn chế phẩm Loratadin hiện có là thuốc dạng viên nén và viên nang, không thuận lợi cho việc nuốt, làm cho bệnh nhân tuân thủ điều trị kém. Hiện nay, trên thị trường có dạng bào chế thuốc bột, tuy nhiên thuốc bột có nhược điểm dễ bay bụi, độ trơn chảy thấp, dễ hút ẩm. Ngoài ra, dạng bào chế hỗn dịch cũng đã có trên thị trường nhưng dạng này khó phân liều chính xác, chi phí lớn, không ổn định, khó vận chuyển và bảo quản. Do đó, cốm pha hỗn dịch là dạng bào chế có thể khắc phục những nhược điểm của các dạng bào chế khác giúp bảo quản dược chất lâu dài hơn vì được tồn trữ, phân phối ở dạng rắn. Vấn đề đặt ra là Loratadin có độ tan thấp làm ảnh hưởng đến khả năng hấp thu thuốc, do đó cần tăng độ tan của Loratadin để tăng sinh khả dụng. Trên thế giới cũng như trong nước đã có nhiều công trình nghiên cứu về các dạng dạng bào chế thuốc Loratadin. Tuy nhiên, chưa thấy các nghiên cứu về dạng cốm pha hỗn dịch. Nhằm đa dạng hóa các sản phẩm cũng như tăng thêm sự lựa chọn trong điều trị cho các chuyên gia y tế và bệnh nhân, việc nghiên cứu chủ đề cốm pha hỗn dịch Loratadin có tính khả thi và ý nghĩa thực tiễn. Bài nghiên cứu cốm pha hỗn dịch Loratadin 5 mg gồm các mục tiêu: 1. Mục tiêu chính Xây dựng công thức và quy trình bào chế cốm pha hỗn dịch Loratadin có tính tan tốt. 2. Mục tiêu cụ thể Nghiên cứu xây dựng công thức tối ưu cốm pha hỗn dịch Loratadin. Nghiên cứu xây dựng quy trình bào chế cốm pha hỗn dịch Loratadin. Nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật cho cốm pha hỗn dịch Loratadin.