4.1.1. Độ hòa tan của Loratadin
Tính tan là thách thức lớn nhất đổi với các hoạt chất mới trên thị trường, 60% những sản phẩm mới tiềm năng đối mặt với vấn đề này, 40% hoạt chất (API) là những chất kém tan trong nước, chính điều này hạn chế sự đa dạng về dạng bào chế, ứng dụng lâm sàng, khả năng tiếp cận thị trường và đạt được hiệu quả tối đa của thuốc.
Loratadin rất kỵ nước, nên khi hòa tan, các tiểu phân dược chất nổi lên trên bề mặt môi trường hòa tan và có xu hướng kết tụ lại với nhau. Do đó, diện tích tiếp xúc của Loratadin với môi trường hòa tan rất nhỏ. Vì vậy, để cải thiện độ hòa tan của Loratadin, cần tăng thêm tính thấm của các tiểu phân Loratadin với môi trường hòa tan [21].
Hình 4.1. Độ hòa tan của Loratadin được đo trong các môi trường pH khác nhau trong phạm vi toàn bộ đường tiêu hóa (GI)
Độ hòa tan thấp nhất (khoảng 0,004-0,006 mg/ml) là thu được trong môi trường pH cao nhất (7,5 và 6,5) được thử nghiệm. Độ hòa tan cao nhất thu được khoảng 4,59 mg/ml thu
được ở pH 1,2. Độ hòa tan thay đổi đáng kể trong khoảng pH được chấp nhận của dạ dày (trạng thái đói/ăn) và pH thay đổi theo cá thể hoặc một số bệnh hiện mắc, với sự sụt giảm đáng kể độ tan của Loratadin khi độ pH được tăng từ 1,2 lên 2 (1,32 mg/ml), thậm chí còn giảm hơn nữa khi tăng độ pH lên 2,5 (0,60 mg/ml) [7].
Hơn nữa, tốc độ hòa tan rất chậm ở tá tràng (pH = 6,5) nếu Loratadin chưa hòa tan kịp ở dạ dày và quá trình làm trống dạ dày đưa thuốc xuống tá tràng thì tốc độ hấp thu sẽ chậm hơn đáng kể so với những người có sự hòa tan hoàn toàn trong dạ dày vì ở pH 6,5 (môi trường tá tràng), tốc độ giải phóng cực kỳ chậm với sự hòa tan hoàn toàn sau khoảng 12 giờ. Do đó, tốc độ làm rỗng dạ dày ảnh hưởng đối với thuốc Loratadin là đáng kể [7]. Cho nên, dạng hệ phân tán rắn, sẽ có tác dụng tăng độ hòa tan của Loratadin trong khoảng pH thay đổi của dạ dày và thậm chí cao hơn ở tá tràng, từ đó tăng sinh khả dụng của thuốc [7].
4.1.2. Vai trò của hệ phân tán rắn
Có nhiều kĩ thuật khác nhau để cải thiện độ tan của hoạt chất kém tan trong nước như giảm kích thước tiểu phân, hỗn dịch nano, chất hoạt động bề mặt, tạo muối, sử dụng dạng vô định đình, sử dụng hệ phân tán rắn,... Hệ phân tán rắn được xem là xu hướng hiện đại và triển vọng để cải thiện độ tan và sinh khả dụng đường uống của những hoạt chất kém tan trong nước. Các hệ phân tán rắn có thể cải thiện sinh khả dụng của các thuốc tan trong nước kém với các đặc tính hóa lý vì chúng cho phép tăng nồng độ trong đường tiêu hóa bằng cách tăng độ hòa tan [10].
Việc sử dụng hệ phân tán rắn làm hệ thống phân phối thuốc có lợi thế là cho phép hình thành dạng phân tán phân tử giữa hoạt chất kém tan trong nước và chất mang ưa nước, thường cải thiện tính tan và tình trạng quá bão hòa của thuốc khi hệ thống tiếp xúc với nước. Hệ phân tán rắn làm tăng sinh khả dụng của dược chất ít tan bằng cách làm tăng độ hòa tan và tốc độ hòa tan theo một số cơ chế như làm giảm kích thướt tiểu phân dược chất, dược chất được phân tán ở mức độ cực mịn, thậm chí ở mức độ phân tử nếu hệ có cấu trúc dung dịch rắn. Ngoài ra, sự tương tác giữa dược chất và chất mang sẽ ngăn chặn sự kết tụ của các tiểu phân mịn do chất mang bao quanh các tiểu phân dược chất, tạo ra diện tích bề mặt hòa tan lớn hơn sau khi chất mang được hòa tan. Dược chất được chuyển từ dạng tinh thể sang vô định hình trong hệ phân tán rắn, độ tan của dược chất ở trạng thái vô định hình tăng lên đáng kể do không cần năng lượng để phá vỡ mạng tinh thể trong quá trình hòa tan [2]. Quy trình sản xuất cốm trong bài sử dụng phương pháp đun chảy để tạo hệ phân tán rắn. Phương pháp đun chảy là một phương pháp đơn giản, dễ thực hiện,
không phụ thuộc máy móc thiết bị nhiều nên đem lại lợi ích cao về mặt kinh tế. PEG 4000 được sử dụng phổ biến làm chất mang trong hệ phân tán rắn, có nhiều ưu điểm như bền về mặt hóa lí, không độc, nhiệt độ nóng chảy thấp lại tan tốt trong nước và nhiều dung môi hữu cơ nên thuận lợi khi bào chế hệ phân tán rắn bằng phương pháp đun chảy [23].