SUY NGHĨ VỀ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ XÃ HỘI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY VÀ THỰC TRẠNG GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ CỦA HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ CƠ SỞ 1. Quan niệm chung về hệ thống chính trị xã hội Có thể nói rằng, nếu không tiếp cận khái niệm hệ thống chính trị xã hội, không thể nhận thức được một cách đầy đủ và sâu sắc về vị trí, vai trò của các thiết chế xã hội hiện đại. Trong thực tế đời sống chính trị xã hội ở nước ta, thời gian qua có một số tổ chức xã hội nghề nghiệp đã phát triển thành tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp. Nhưng cho đến nay, giới khoa học pháp lí và chính trị nước ta mới chỉ đề cập tới hệ thống chính trị với ý nghĩa là hệ thống các thiết chế chính trị và chính trị xã hội gồm Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể quần chúng chứ chưa nghiên cứu hệ thống chính trị xã hội với ý nghĩa là một hệ thống rộng lớn hơn, trong đó không chỉ có các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội mà còn có cả một số tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp và các tổ chức xã hội khác. Quan niệm về hệ thống chính trị xã hội như vậy có ý nghĩa rất quan trọng trong điều kiện xây dựng và phát huy nền dân chủ, xây dựng nền kinh tế thị trường và nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Bởi lẽ, quyền lực chính trị trong điều kiện hiện nay không chỉ thể hiện vai trò của các thiết chế chính trị, chính trị xã hội mà nó còn có xu hướng chịu ảnh hưởng ngày càng lớn bởi các thiết chế xã hội. Sự tác động trực tiếp, mạnh mẽ và nhiều chiều của các yếu tố kinh tế xã hội đến kiến trúc thượng tầng chính trị là một sự tác động mang tính quy luật trong các xã hội hiện đại. Điều này có ảnh hưởng lớn đối với quá trình xây dựng và củng cố nền dân chủ, muốn hay không, chúng ta cần phải nhận thức được một cách đầy đủ. Từ suy nghĩ trên, trong phạm vi bài viết này, tôi xin nêu quan niệm của mình về hệ thống chính trị xã hội Việt Nam hiện nay như sau: Hệ thống chính trị xã hội Việt Nam là hệ thống các thiết chế chính trị, chính trị xã hội và các thiết chế xã hội khác gồm Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể quần chúng và các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội rộng lớn của nhân dân; cơ chế vận hành các thiết chế đó dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Quan niệm về hệ thống chính trị xã hội như thế được hình thành trên cơ sở gắn kết giữa hai hệ thống thiết chế xã hội là hệ thống chính trị (hệ thống thiết chế trực tiếp thực hiện quyền lực chính trị) và hệ thống xã hội. Trong điều kiện xây dựng cơ chế thực hiện và đảm bảo quyền lực nhân dân ở nước ta hiện nay, sự gắn kết của hai hệ thống ấy thành một hệ thống lớn là điều có ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc và cần được chú trọng nghiên cứu cả về lí luận và thực tiễn.