Tính cấp thiết của đề tài nghiên cứu Trong Hội nghị lần thứ 5 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đặt ra mục tiêu đưa kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỷ trọng trong tổng sản phẩm nội địa. Nghị quyết của Hội nghị này đề ra mục tiêu một triệu các doanh nghiệp trong khu vực tư nhân đang hoạt động vào năm 2020, hai triệu vào năm 2030, đồng thời Nghị quyết cũng hướng tới mục tiêu khu vực tư nhân sẽ đóng góp 50% cho GDP vào năm 2020, 55% vào năm 2025 và 60 – 65% vào năm 2030. Nghị quyết cũng khuyến khích chính thức hóa các hộ kinh doanh, khuyến khích sự hình thành các tập đoàn Kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước. Từ mục tiêu trên Chính phủ cũng đã thực hiện các giải pháp để khuyến khích kinh tế tư nhân, đưa kinh tế tư nhân thành mũi nhọn tăng trưởng của nền kinh tế. Kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, trong bối cảnh Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại như Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (Comprehensive and Progressive Trans-Pacific Partnership – CPTPP); Việt Nam cũng đã gia nhập Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Việc gia nhập các hiệp định thương mại hứa hẹn sẽ đem lại nhiều cơ hội, đồng thời cũng là thách thức lớn đối với hầu hết doanh nghiệp của Việt Nam. CPTPP có mục tiêu chính là xóa bỏ thuế quan và rào cản cho hàng hóa dịch vụ xuất khẩu giữa các nước thành viên. CPTPP sự tiếp cận thị trường toàn diện cho các doanh nghiệp Việt Nam thông qua việc cắt giảm thuế quan và các hàng rào phi thuế quan đối hầu hết hàng hóa và dịch vụ; thu hút lượng vốn đầu tư vào thị trường Việt Nam, có cơ hội hợp tác quốc tế. Hầu hết các doanh nghiệp ở Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, sức cạnh tranh thấp, thiếu vốn và nhân lực chất lượng cao do đó việc các doanh nghiệp nước ngoài được tạo điều kiện để xâm nhập thị trường Việt Nam sẽ là một thách thức không hề nhỏ đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Tập đoàn Vingroup là một Công ty cổ phần đã phát triển rất mạnh mẽ trong thời gian qua tại Việt Nam. Hiện nay vốn hóa thị trường của Tập đoàn trên thị trường chứng khoán đạt trên 400.000 tỷ đồng là một trong những Tập đoàn lớn nhất Việt Nam. Ngày nay, Tập đoàn Vingroup không còn xa lạ với người dân Việt Nam với hàng loạt sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2018, Tập đoàn Vingroup có 67 công ty hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, vốn điều lệ của tập đoàn đạt hơn 33.459 tỷ đồng, vốn hóa thị trường đạt trên 400.000 tỷ đồng. Trước những thành tựu và sự phát triển mạnh mẽ của Tập đoàn Vingroup, tác giả nhận thấy cần thiết phải phân tích Báo cáo tài chính của Vingroup để bước đầu tìm ra được nguyên nhân thành công của Tập đoàn Vingroup đặc biệt là lĩnh vực kinh doanh bất động sản của Tập đoàn. 1.2. Tổng quan nghiên cứu về phân tích báo cáo tài chính của các doanh nghiệp Khi nghiên cứu thực hiện đề tài tác giả đã tham khảo một số luận văn về phân tích báo cáo tài chính của doanh nghiêp như: Tác giả Đào Ngọc Huy (2016), với đề tài: “Phân tích báo cáo tài chính của Công ty Cổ phần nhựa Bình Minh”. Tác giả Đào Ngọc Huy đã trình bày với độc giả “bức tranh tài chính” của Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh, tuy nhiên số liệu phân tích của tác giả dừng lại ở 3 năm nên việc đánh giá chưa được bao quát. Tác giả Phạm Phương Hà (2015) đề tài: “Phân tích báo cáo tài chính của Công ty Cổ phần Vận tải biển Vinaship”. Tác giả Phạm Phương Hà đã đánh giá được tình hình tài chính của Công ty Cổ phần Vận tải biển Vinaship và cũng đã đưa ra được các giải pháp nhằm cải thiện tình hình tài chính của Công ty. Tuy nhiên số liệu nghiên cứu của tác giả mới dừng lại ở 3 năm từ năm 2012 đến năm 2015 do đó việc đánh giá chưa được bao quát. Tác giả Đào Bích Hằng (2015) đề tài: “Phân tích báo cáo tài chính của Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất và thương mại Tân Á Hưng Yên” cũng đã có những phân tích, đánh giá về tình hình tài chính của Công ty, tác giả cũng đã đưa ra được các giải pháp để cải thiện tình hình tài chính của công ty. Tuy nhiên luận văn chưa liên hệ được tình hình hoạt động của Công ty với biến động của nền kinh tế. Ngoài ra tác giả còn tham khảo một số luận văn của các tác giả khác như tác giả Nguyễn Thị Thanh Tâm (2015) với đề tài: “Phân tích báo cáo tài chính tại Công ty Cổ phần sản xuất và xuất khẩu bao bì Thăng Long”. Tác giả Nguyễn Thị Thanh Tâm đã hệ thống được những vấn đề chung nhất về phân tích báo cáo tài chính. Tuy nhiên, luận văn chưa có sự so sánh với các công ty khác trong từng lĩnh vực. Để có đánh giá đúng đắn về tình hình tài chính của Tập đoàn Vingroup tác giả sẽ sử dụng các số liệu trong thời gian 8 năm từ năm 2011-2018 của Công ty. 1.3. Mục tiêu nghiên cứu Mục tiêu cơ bản của đề tài là nhằm đưa ra các giải pháp thích hợp nâng cao năng lực tài chính cho Tập đoàn Vingroup. Để hoàn thành được mục tiêu cơ bản, các mục tiêu cụ thể được tác giả xác định như sau: - Nhận diện được nội dung và các công cụ phân tích Báo cáo tài chính và vận dụng để phân tích Báo cáo tài chính của Tập đoàn Vingroup. - Hệ thống hóa các chỉ tiêu đánh giá tình hình tài chính và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; - Đánh giá tình hình tài chính, chỉ ra các tồn tại, hạn chế, thành công về hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Vingroup. - Đưa ra các kiến nghị cần thiết để nâng cao năng lực tài chính của Tập đoàn Vingroup. 1.4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu - Đối tượng nghiên cứu: Hệ thống Báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán của Tập đoàn Vingroup. - Phạm vi nghiên cứu: Hệ thống báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán của Tập đoàn Vingroup giai đoạn 2012-2018. 1.5. Câu hỏi nghiên cứu Để đạt được mục tiêu nghiên cứu đề ra, tác giả tập trung tìm lời giải cho các câu hỏi sau: - Cơ sở lý thuyết nào được sử dụng để phân tích báo cáo tài chính của doanh nghiệp? - Vận dụng cơ sở lý thuyết, các công cụ phân tích Báo cáo tài chính vào phân tích Báo cáo tài chính của Tập đoàn Vingroup như thế nào? - Có những giải pháp nào để nâng cao quản trị tài chính của Tập đoàn Vingroup và các điều kiện thực hành giải pháp là gì? 1.6. Phương pháp nghiên cứu Để giải quyết được các mục tiêu đã đặt ra và câu hỏi nghiên cứu, tác giả đã tiến hành thu thập các dữ liệu thứ cấp như sau: - Hệ thống các loại báo cáo tài chính đã được kiểm toán từ năm 2011 đến năm 2018 của Tập đoàn Vingroup trên các trang thông tin được niêm yết như http://www.cafef.vn - Hệ thống các báo cáo thường niên của Tập đoàn https://www.vingroup.net - Nội dung lý luân cơ bản về phân tích báo cáo tài chính, các chỉ tiêu tài chính được thu thập từ các giáo trình, cuốn sách và các công trình nghiên cứu có liên quan. Phương pháp xử lý dữ liệu được tác giả sử dụng chủ yếu là phương pháp thống kê, tổng hợp, so sánh, phương pháp loại trừ, ...với công cụ trợ giúp chính là phần mềm excel. 1.7. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài nghiên cứu Ý nghĩa khoa học: Luận văn đã hệ thống hóa và làm rõ hơn những vấn đề lý luận cơ bản về phân tích báo cáo tài chính và tiến hành vận dụng vào phân tích báo cáo tài chính của Tập đoàn Vingroup. Ý nghĩa thực tiễn: Tác giả đã phân tích, đánh giá một cách khách quan những điểm mạnh, hạn chế về hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Vingroup, đề ra những giải pháp góp phần nâng cao năng lực quản trị tài chính của Tập đoàn Vingroup, làm tài liệu tham khảo cho các đối tượng sử dụng thông tin. 1.8. Kết cấu của đề tài Ngoài phần tóm tắt, danh mục bảng biểu, sơ đồ, hình vẽ, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, luận văn được kết cấu thành 4 chương: Chương 1: Giới thiệu nghiên cứu về phân tích báo cáo tài chính của các doanh nghiệp. Chương 2: Cơ sở lý luận về phân tích báo cáo tài chính của các doanh nghiệp. Chương 3: Phân tích báo cáo tài chính của Tập đoàn Vingroup - Công ty CP. Chương 4: Giải pháp nâng cao năng lực tài chính của Tập đoàn Vingroup - Công ty CP.