1.1.Tính cấp thiết của đề tài Khái niệm “Thế giới phẳng” được đưa ra trong cuốn sách cùng tên (tựa tiếng Anh là “The World Is Flat”) của tác giả Thomas L. Friedman vào năm 2005. Theo đó, thế giới phẳng có nghĩa là mọi thứ đều công khai minh bạch, tương tác hổ trợ để cùng tồn tại và phát triển trong thế giới với tư cách là một hệ thống: -“Phẳng” với ý nghĩa quá trình toàn cầu hóa kinh tế kéo theo quá trình toàn cầu hóa mọi mặt đời sống xã hội loài người trên hành tinh này đi vào “luật chơi chung”. -“Phẳng” đến mức những khái niệm “địa kinh tế” hay “địa chính trị” vốn chi phối mọi mối quan hệ quốc tế thời chiến tranh lạnh, ngày nay không thích hợp, khó tồn tại nếu không bổ sung thêm nội dung mới, thậm chí trong nhiều trường hợp đã bị thay thế bởi những khái niệm khác. -Phẳng” với ý nghĩa mọi “mấp mô” thuộc mọi phạm trù biên giới, lãnh thổ, sự toàn vẹn chủ quyền quốc gia, chế độ chính trị – xã hội, bảo tồn bản sắc văn hóa, sự khác biệt về tôn giáo, chủng tộc, lịch sử, địa lý…, tất cả phải được duy trì, được bảo vệ, được xử lý theo hướng góp thêm vào cho tính “phẳng” của thế giới – quốc gia nào cũng phải ứng xử như thế nếu như không muốn tự cô lập mình. Khái niệm “Thế giới phẳng” càng trở nên đúng và thiết thực hơn khi toàn nhân loại đang đi những bước đi đầu tiên của thời đại công nghệ 4.0. Đây là xu thế mới của thời đại công nghệ thông tin kết hợp giữa các hệ thống ảo và thực thể, vạn vật đều kết nối Internet (IoT) và các hệ thống kết nối Internet (IoS) diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Nói một cách dễ hiểu và đơn giản hơn đó là viễn cảnh các nhà máy thông minh trong đó có hệ thống máy móc được kết nối Internet và liên kết với nhau qua một hệ thống tự động toàn bộ quy trình sản xuất rồi đưa ra quyết định có vẻ sẽ đến trong tương lai gần. Đây là cuộc cách mạng phát triển mạnh mẽ với tốc độ chóng mặt lên đến cấp số nhân so với 3 cuộc cách mạng trước. Đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đó chính là sự hợp nhất về mặt công nghệ, cũng từ đó xóa bỏ ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học, đem lại sự kết hợp giữa hệ thống ảo và thực thể. Đây chính là một “cơ hội ngàn vàng” nhằm thu hẹp khoảng cách thế giới phẳng của các nước đang phát triển với các nước phát triển. Ở Việt Nam chúng ta, các doanh nghiệp cũng đang bắt kịp xu hướng để hội nhập kinh tế toàn cầu và gia tăng sức cạnh tranh. Trong thời đại có đầy đủ tiện ích mà internet mang lại, chỉ với một cú nhấp chuột, ta có thể tiếp cận được với hàng ngàn, hàng vạn thông tin nhằm phục vụ mục đích ra quyết định của mình. Đới với các thông tin tài chính để ra quyết định có thể là những thông tin của bản thân nội tại doanh nghiệp, có thể là thông tin của các doanh nghiệp cùng ngành, hoặc có thể là thông tin của nền kinh tế vĩ mô. Nhưng nguồn thông tin quan trọng nhất đối với người ra quyết định đó là thông tin của bản thân doanh nghiệp đó. Nhà quản trị cần các thông tin này để ra quyết định liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư cần thông tin tài chính để phục vụ các mục đích đánh giá hiệu quả kinh doanh để đưa ra quyết định đầu tư. Với yêu cầu của việc ra quyết định là kịp thời và chính xác thì công tác phân tích tài chính trong doanh nghiệp rất quan trọng. Phân tích tài chính tại doanh nghiệp sẽ đánh giá được hoạt động của doanh nghiệp, những gì đạt được và những gì còn tồn tại, từ đó có thể đưa ra các giải pháp phù hợp cho tình hình tài chính của doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, công tác phân tích tài chính Công ty Cổ phần VNG là thực sự cần thiết. Đề tài “Phân tích Báo cáo tài chính Công ty Cổ phần VNG” được lựa chọn nghiên cứu nhằm góp phần đáp ứng đòi hỏi trên của thực tiễn. 1.2.Tổng quan nghiên cứu Phân tích báo cáo tài chính là một vấn đề mà có nhiều các công trình nghiên cứu trước kia đã đề cập đến. Các đề tài trước kia của nhiều tác giả cũng đã khái quát cơ sở lý luận về phương pháp và nội dung phân tích tài chính, cùng với đó là áp dụng cơ sở lý luận vào tình hình của doanh nghiệp cụ thể. Để học hỏi và rút kinh nghiệm từ các công trình nghiên cứu trước, tác giả đã tham khảo một số luận văn thạc sĩ về phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp sau: Luận văn thạc sỹ với đề tài “Phân tích báo cáo tài chính công ty cổ phần Vinaconex 25”(2015) của tác giả Bùi Văn Hoàng đã khái quát hóa những vấn đề lý luận về phân tích báo cáo tài chính, tiến hành phân tích và đề xuất những giải pháp cụ thể hoàn thiện công tác phân tích báo cáo tài chính tại Công ty cổ phần Vinaconex 25. Tuy nhiên, luận văn bị giới hạn bởi những hạn chế đã trình bày ở trên, luận văn nhằm phục vụ quản trị doanh nghiệp, hướng tới hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu để đánh giá, phân tích doanh nghiệp tốt hơn, chưa hướng tới phục vụ những đối tượng liên quan khác. Luận văn thạc sỹ “ Phân tích báo cáo tài chính nhằm tăng cường quản lý tài chính tại bưu điện tỉnh Nghệ An” (2015) của tác giả Trần Thị Hoa, đã khái quát hóa những vấn đề lý luận về phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp, kết quả nghiên cứu có ý nghĩa đối với nhiều đối tượng liên quan. Song, nội dung phân tích chưa sâu, dàn trải, một số chỉ tiêu quan trọng như: cơ cấu từng khoản mục của tài sản, mức độ độc lâp tài chính của các công ty không được luận văn đề cập, phân tích. Luận văn thạc sỹ “ Phân tích Báo cáo tài chính tại công ty cổ phần Dược phẩm Hà Tây” (2015) của tác giả Nguyễn Tiến Dũng đã tập trung hệ thống hóa được những vẫn đề lý luận cơ bản về phân tích tình hình tài chính thông qua báo cáo tài chính, đề cập sâu đến các phương pháp cũng như nội dung phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp. Song luận văn mới chỉ dừng lại ở quan điểm của các nhà quản trị, phân tích tình hình tài chính nhằm phát hiện ra những ưu điểm, nhược điểm của công tác phân tích tình hình tài chính đang diễn ra tại công ty, nhằm xây dựng nên hệ thống chỉ tiêu để phân tích và hoàn thiện công tác phân tích tại công ty, mà chưa hướng tới việc phân tích những biến động trong hoạt động của công ty, tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra các biện pháp để khắc phục và nâng cao hiệu quả hoạt động công ty. Các đề tài trên đều đã hệ thống hóa được cơ sở lý luận, các phương pháp, chỉ tiêu để phục vụ công tác phân tích tài chính trong doanh nghiệp. Trong quá trình nghiên cứu các tác giả cũng nghiên cứu thực trạng công tác phân tích tài chính, về tổ chức công tác phân tích, các phương pháp phân tích và nội dung phương pháp và các tác giả cũng đưa ra một số giải pháp nhằm hoàn thiện công tác phân tích tài chính tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, với mỗi một doanh nghiệp riêng biệt trong nền kinh tế đều có những đặc thù riêng về ngành nghề kinh doanh, về quy mô hoạt động, về tổ chức nhân sự…Do đó, đề tài này tập trung nghiên cứu và làm rõ nội dung và đồng thời đưa ra các đề xuất nhằm hoàn thiện thực trạng phân tích báo cáo tài chính tại Công ty Cổ phần VNG mà các đề tài trước kia chưa đề cập tới. 1.3.Mục tiêu nghiên cứu Luận văn này được thực hiện nhằm các mục tiêu sau: -Xác định cơ sở lý luận liên quan đến phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp; -Phân tích thực trạng tình hình tài chính, hiệu quả kinh doanh của Công ty Cổ phần VNG; -Phát hiện điểm mạnh, điểm yếu liên quan đến tình hình tài chính của công ty; -Giải pháp nhằm tăng cường tình trạng tài chính và kết quả kinh doanh của công ty. 1.4.Câu hỏi nghiên cứu Từ mục tiêu nghiên cứu trên, luận văn sẽ tập trung trả lời các câu hỏi nghiên cứu sau: -Tình hình tài chính của công ty Cổ phần VNG giai đoạn 2016- 2018 được đánh giá khá quát như thế nào? -Cấu trúc tài chính của công ty Cổ phần VNG có hợp lý và hiệu quả không? -Khả năng thanh toán các khoản nợ của công ty Cổ phần VNG có được đảm bảo không? Hoặc đảm bảo đến mức độ nào? -Hoạt động kinh doanh của công ty có hiệu quả không? -Khi so sánh với đối thủ cạnh tranh hoặc công ty có cùng quy mô, các chỉ tiêu tài chính của công ty Cổ phần VNG không tốt hơn hay tốt hơn? -Các chỉ tiêu tài chính của công ty có ảnh hưởng như thế nào đến các quyết định của các bên sử dụng thông tin? -Từ việc phân tích các chỉ tiêu tài chính của công ty Cổ phần VNG, có thể đưa ra những kiến nghị gì cho ban lãnh đạo công ty, cho nhà đầu tư và những người sử dụng thông tin nói chung? 1.5.Đối tượng, mục tiêu nghiên cứu -Đối tượng nghiên cứu: Phân tích Báo cáo Tài chính doanh nghiệp. -Phạm vi nghiên cứu: +Về nội dung: Luận văn tập trung phân tích Báo cáo Tài chính công ty mẹ của Công ty Cổ phần VNG; +Về thời gian: Số liệu Báo cáo Tài chính được phân tích trong ba năm từ 2016 đến 2018. 1.6.Phương pháp nghiên cứu -Phương thức tiếp cận được lựa chọn là phương pháp nghiên cứu tình huống, phân tích các mối quan hệ giữa các sự kiện có trong tình huống thực tế, từ đó xác định các lựa chọn, đánh giá lựa chọn, dự báo tác động và đưa ra kết quả của các tình huống đó. -Dữ liệu, nguồn dữ liệu: Dữ liệu sơ cấp: Luận văn thu thập dữ liệu sơ cấp bằng phương pháp phỏng vấn Kế toán tổng hợp và từ các phần tóm tắt tình hình tài chính hàng quý cũng như cả năm của CEO và Giám đốc Tài chính của công ty trong các cuộc họp quý. Nội dung phỏng vấn tập trung vào đánh giá thực trạng tình hình tài chính của Công tyCổ phần VNG, đưa ra điểm mạnh, điểm yếu và nguyên nhân liên quan đến tình hình tài chính; đồng thời đưa ra một số giải pháp nhằng cải thiện tình hình tài chính theo hướng tích cực hơn. Thời gian phỏng vấn dự kiến vào tháng 8/2019. Ngoài ra, luận văn còn sử dụng thông tin từ các cuộc họp quý nội bộ của công ty vào quý IV năm 2018, quý I và II năm 2019. Dữ liệu thứ cấp: Luận văn sử dụng số liệu từ các Báo cáo Tài chính được kiểm toán, Báo cáo thường niên trong giai đoạn 3 năm 2016 – 2018 của Công ty Cổ phần VNG và một số công ty cùng ngành, bên cạnh đó còn sử dụng thông tin từ một số Báo cáo nội bộ của Công ty Cổ phần VNG. -Phương pháp thu thập dữ liệu: Đối với dữ liệu sơ cấp: chủ yếu sử dụng các câu hỏi mở về tình hình tài chính của VNG dựa trên số liệu đã tổng hợp và phân tích, đồng thời sử dụng dữ liệu đã được ghi lại từ các buổi họp quý nội bộ của công ty. Đối với dữ liệu thứ cấp: Sử dụng các Báo cáo Tài chính được kiểm toán của VNG và các công ty cùng ngành được niêm yết và công bố trên website của công ty, đồng thời xin phê duyệt từ Kế toán trưởng về việc cấp quyền sử dụng dữ liệu các Báo cáo nội bộ từ ổ dữ liệu chung của công ty nói chung và phòng kế toán nối riêng. -Phương pháp xử lý dữ liệu: Phương pháp xử lý dữ liệu sơ cấp: Sau tiến hành phỏng vấn cần phân loại các thông tin thu được theo từng mục nội dung. Kiểm chứng độ tin cậy của thông tin. Xem xét độ hợp lệ của thông tin đối với nghiên cứu. Phương pháp xử lý dữ liệu thứ cấp: sau khi thu thập các tài liệu thứ cấp cần tiến hành phân loại theo các dạng: Tài liệu cung cấp các cơ sở lý thuyết. Tài liệu có tính chiến lược. Tài liệu báo cáo kế hoạch ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Tài liệu tham khảo dạng hội thảo, hội nghị và các bài đánh giá, phân tích về công ty. Việc phân loại sẽ giúp đưa ra những nội dung cơ bản của từng loại tài liệu để làm căn cứ phân tích. Tiến hành tổng hợp và so sánh các số liệu đã được tổng hợp và phân tích. Cách phân tích dữ liệu và trình bày kết quả: -Đưa ra các đánh giá tổng quát, đánh giá chung với các thống kê, mô tả. -Đưa ra các biểu đồ, đồ thị, hình vẽ minh họa dựa trên số liệu thu thập được -So sánh mối liên hệ giữa các đại lượng để đưa ra những đánh giá sâu hơn và rút ra kết luận. 1.7.Ý nghĩa đề tài -Về mặt lý luận: Đề tài nghiên cứu sẽ góp phần hệ thống hóa cơ sở lý luận về phân tích báo cáo tài chính trong doanh nghiệp từ đó là cơ sở cho việc áp dụng phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp. -Về mặt thực tiễn: Căn cứ vào kết quả phân tích báo cáo tài chính Công ty Cổ phần VNG, đề tài nghiên cứu này sẽ giúp những người quan tâm có cái nhìn tổng quan về tình hình tài chính, hiệu quả hoạt động kinh doanh của công ty, đồng thời phục vụ cho việc ra quyết định đúng đắn, đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần hoàn thiện phân tích báo cáo tài chính tại Công ty Cổ phần VNG. 1.8.Kết cấu Luận văn Ngoài phần mở đầu, mục lục, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, danh mục chữ viết tắt, phụ lục, luận văn được kết cấu thành 4 chương: Chương 1: Giới thiệu đề tài nghiên cứu Chương 2: Cơ sở lý luận về phân tích Báo cáo tài chính doanh nghiệp Chương 3: Thực trạng phân tích Báo cáo tài chính công ty Cổ phần VNG Chương 4: Thảo luận kết quả nghiên cứu, kiến nghị giải pháp và kết luận.