NGHIÊN CỨU CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNGĐIỀU TRA NHỮNG YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN CHẤT LƯỢNG KIỂM TOÁN NỘI BỘ TẠI CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM Contents Cơ sở lý luận 4 Định nghĩa kiểm toán nội bộ 4 Chất lượng của kiểm toán nội bộ 4 Thực trạng kiểm toán nội bộ tại Việt Nam 6 Xây dựng giả thuyết 7 Phương pháp nghiên cứu 13 Thực tiễn 16 Case study 1: Khảo sát tại ngân hàng TCMP OceanBank 16 Kết quả tính toán 16 Bàn luận 17 Case study 2: Khảo sát tại ngân hàng TMCP Sài Gòn. 18 Kết quả hồi quy 18 Bàn luận 19 Case study 3: Khảo sát tại ngân hàng Công thương Việt Nam 20 Kết quả hồi quy 20 Bàn luận 21 Nhìn ra thế giới 22 Malaysia 22 Campuchia 22 Đánh giá chung 24 Kiến nghị 25 Những hạn chế của nghiên cứu 26 Tham khảo 27 Phụ lục 1 28 Phụ lục 2 29 Phụ lục 3 31 Cơ sở lý luận Trong một tổ chức, công việc quản lí đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hệ thống kiểm soát nội bộ hiệu quả, bao gồm hệ thống các hoạt động, cấu trúc và quy trình. Ngoài ra, nó còn nhằm để doanh nghiệp có thể đạt được mục tiêu đã đặt ra và giảm thiểu tối đa các rủi ro tiềm tàng. Trong một tổ chức, ban quản lý thường nắm giữ vai trò này trên cương vị là cổ đông của công t y và được giám sát bởi các bộ phận cấp cao hơn như hội đồng quản trị hay hội đồng kiểm toán. Định nghĩa kiểm toán nội bộ Kiểm toán nội bộ là một phần không thể thiếu trong cấu trúc công ty nói chung và trong vấn đề quản lí rủi ro của công ty và xác định những lĩnh vực cần đến quản lí rủi ro nói riêng. Thông qua các kiến nghị và ý kiến mang tính xây dựng, kiểm toán nội bộ mang đến những lợi ích thiết thực đến mức độ hiệu quả trong hoạt động và kinh doanh của công ty. Thông qua vai trò của các kiểm toán viên nội bộ, quản trị công ty đã dần xây dựng một hệ thống kiểm soát thiết yếu bên cạnh các kiểm toán viên khác. Với mục đích kể trên, kiểm toán viên nội bộ thực hiện những hoạt động mang tính tư vấn hay đảm bảo. Ví dụ, họ có thể đưa ra các bằng chứng rằng hệ thống kiểm soát của công ty đã được thiết kế phù hợp và hiệu quả. Hoặc, kiểm toán viên nội bộ có thể chỉ ra những sai sót để nâng cao công việc quản lí rủi ro và sai phạm của công ty, qua đó giảm thiểu các lỗi trong các báo cáo, đặc biệt là báo cáo tài chính. Nói tóm lại, kiểm soát nội bộ là một cột trụ quan trọng của quản trị công ty, có vai trò mật thiết tới hiệu năng và hiệu quả làm việc của công ty đó. Chất lượng của kiểm toán nội bộ Cùng với sự phát triển của nền kinh tế và mức độ phức tạp của thị trường, kiểm toán nội bộ cũng đã trở nên kỹ lưỡng hơn với sự xuất hiện của thuật ngữ “chất lượng kiểm toán nội bộ”. Quả thực, để giữ vững vai trò là cột trụ trong quản trị công ty, kiểm toán nội bộ phải mang tính chất lượng và hiệu quả. Hiện nay trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng, những mô hình và cấu trúc đánh giá mức hiệu quả của kiểm toán nội bộ còn có nhiều hạn chế và chưa được nghiên cứu sâu rộng. Mục tiêu của đề án này là nhằm phân tích những yếu tố tác động đáng kể tới chất lượng của kiểm toán nội bộ, và từ đó đưa ra các đề nghị để doanh nghiệp hay tổ chức có thể cải thiện cho bộ phận kiểm toán của mình. Thực trạng kiểm toán nội bộ tại Việt Nam Hiện nay, Việt Nam đã và đang dần xây dựng bộ máy kiểm toán nội bộ phù hợp với thông lệ quốc tế, và đặc biệt sự phát triển này đã bùng nổ với quyết định số 832 – TCQĐ – CĐKT tháng 101997 . Và đến nay, khảo sát cho thấy rằng các đơn vị doanh nghiệp đã nắm bắt được tầm quan trọng cũng như lợi ích đến từ hệ thống kiểm toán nội bộ. Họ đã hiểu được điều này một phần nhờ vào kinh nghiệm thực tiễn xuất phát từ nhu cầu quản trị công ty hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng đã có nhiều doanh nghiệp chưa định hình được kiểm toán nội bộ một cách chắc chắn và cách thức áp dụng chưa được phổ biến rộng rãi. Đề án theo đó được cấu trúc thành ba phần: phần 1, những giả thuyết liên quan đến các yếu tố có ảnh hưởng được nêu ra; phần 2, những giả thuyết này sẽ được kiểm chứng dựa trên những nghiên cứu có sẵn ở một số cơ sở trên các tỉnh thành ở Việt Nam, và cuối cùng là phần 3 nêu ra các giải pháp để nâng cao tính chất lượng của kiểm toán nội bộ tại Việt Nam. Xây dựng giả thuyết Trong phạm vi của đề án này, 6 yếu tố được cho là có ảnh hưởng đến chất lượng của kiểm toán nội bộ sẽ được phân tích và đánh giá. 1. Hiệu quả của kiểm toán nội bộ Đây là một khái niệm khá mơ hồ trong các lí thuyết kiểm toán, và cũng chưa có nhiều tài liệu cũng như nghiên cứu về vấn đề này. Theo như Dittenhofer (2001), hiệu quả của kiểm toán nội bộ được đo lường bằng mức hoàn thành chỉ tiêu và mục tiêu của bộ phận kiểm toán. Lại theo một số cách định nghĩa khác, hiệu quả của kiểm toán nội bộ được đo lường bằng những giá trị nó tạo ra cho doanh nghiệp. Vì những ý kiến khác nhau trong phạm trù này, chúng ta sẽ sử dụng định nghĩa về hiệu quả kiểm toán nội bộ thông thường nhất được sử dụng bởi đa số nhà nghiên cứu như Roth (2003), Mihret (2010) hay Gros (2010): kiểm toán nội bộ được coi như là hiệu quả nếu nó thực sự mang lại những lợi ích về giá trị cho doanh nghiệp. Đi sâu hơn, kiểm toán nội bộ hiệu quả giúp cho ban quản lý và giám đốc đánh giá và cải thiện hệ thống quản lí rủi ro, quản lí nội bộ và quản trị công ty. Thông qua việc đưa ra những kiến nghị kiểm toán nội bộ, công ty đã nắm bắt được nhiều cơ hội hơn để đạt được những mục tiêu kinh tế, qua đó tăng cường giá trị của doanh nghiệp. Chức năng này của kiểm toán nội bộ đã phát huy tác dụng tại ngân hàng Công Thương Việt Nam khi mà chất lượng hoạt động khi có kiểm toán nội bộ đã tăng rõ rệt so với giai đoạn trước đó. Ngoài ra, không chỉ thiên về quản lí rủi ro, kiểm toán nội bộ còn xác định được tính hữu dụng của các quy trình và cách thức làm việc tại những ban ngành được kiểm toán, và qua đó tăng cường hiệu quả hoạt động của toàn doanh nghiệp. Một số nghiên cứu đã xác nhận rằng kiểm toán nội bộ đã cải thiện ROCE của doanh nghiệp, làm tăng giá trị của doanh nghiệp trong mắt nhà đầu tư và thị trường. Những nghiên cứu của Radu (2012) cũng cho thấy rằng kiểm toán nội bộ hiệu quả còn giúp cho doanh nghiệp đảm bảo hoàn thành những trách nhiệm của công ty đối với nền kinh tế và xã hội, từ đó, công cuộc quản trị tốt chắc chắn rằng quyền lợi của nhà đầu tư và các đối tượng hữu quan không bị xâm hại. 2. Trình độ của người làm kiểm toán Tất nhiên rằng trình độ của người làm kiểm toán có liên hệ mật thiết tới chất lượng cũng như là hiệu quả của hoạt động kiểm toán. Đó cũng là lý do tại sao các chứng chỉ kiểm toán quốc tế như ACCA hay ISPPIA rất được coi trọng vì các chứng chỉ này đề cao tầm quan trọng của kiến thức, kĩ năng và các điểm nổi trội khác của đội ngũ kiểm toán viên trong quá trình hoạt động. Điều này cũng đã được thể hiện qua các nghiên cứu về kiểm toán nội bộ nước ngoài như ở ()…. Thêm vào đó, kiểm toán viên nội bộ cũng cần phải có những kỹ năng mềm trong giao tiếp, thuyết phục, hợp tác và suy nghĩ logic để có thể hoàn thành nhiệm vụ với hiệu quả cao. Những nghiên cứu trước đây cũng đã xếp trình độ kiểm toán vào những nhân tố trọng yếu có ảnh hưởng tới chất lượng kiểm toán. Tại các quốc gia Ả rập, Saudi, đội ngũ kiểm toán viên với trình độ và đã trải qua đào tạo, có kinh nghiệm và kiến thức đã mang lại những hiệu ứng tích cực trên chất lượng kiểm toán nội bộ. Kết luận này cũng đã lặp lại tại nhiều quốc gia khác như Malaysia, Iran hay Nam Phi. Ngược lại, những nghiên cứu tại các doanh nghiệp ở các nước Tây Á thiếu đi bộ phận kiểm toán nội bộ có trình độ đã làm cản trở tiến độ thực hiện kiểm toán nội bộ và làm suy giảm những giá trị nó tạo ra cho doanh nghiệp. Do đó, chúng ta có thể đề ra giả thuyết nghiên cứu đầu tiên cho đề án này: GT1: Chất lượng của kiểm toán nội bộ có mối quan hệ cùng chiều với trình độ của đội ngũ kiểm toán. 3. Tính độc lập và khách quan của kiểm toán viên nội bộ Những năm qua, giới chuyên môn và những nhà nghiên cứu đã hết sức nhấn mạnh tầm quan trọng của tính độc lập và khách quan của kiểm toán viên nội bộ ở mọi cấp trong việc đảm bảo chất lượng kiểm toán. Thâm chí, một số nghiên cứu còn cho rằng tính độc lập và khách quan là yếu tốt then chốt trong chất lượng của kiểm toán nội bộ. Hơn nữa, điều này còn được phản ánh trong các chứng chỉ kiểm toán toàn cầu: ISPPIA điều 1100 đã yêu cầu bộ phận kiểm toán nội bộ phải thi hành độc lập và các kiểm toán viên không được thiên vị trong quá trình tác nghiệp để đảm bảo rằng doanh nghiệp nhận được những giá trị thiết thực đến từ việc kiểm toán. Một vài nghiên cứu gia đã nghiên cứu yếu tố này và đã đưa ra giả thiết rằng chất lượng của kiểm toán nội bộ có mối quan hệ cùng chiều với tính độc lập và khách quan của kiểm toán viên. Cụ thể rằng, trong một khảo sát năm 2011, tính độc lập là một trong năm yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới quá trình kiểm toán ở các công ty Iran, và kết quả này được giải thích sâu hơn rằng tính độc lập có ảnh hưởng tới chất lượng kiểm toán và đánh giá của kiểm toán viên. Chức vụ trong doanh nghiệp của kiểm toán trưởng cũng được coi là một yếu tố mật thiết tới tính độc lập và khách quan của bộ phận kiểm toán đó. Nghiên cứu của Harrel (1989) và Arena và Azzone (2009) chỉ ra rằng nếu kiểm toán trưởng có liên quan tới hiệp hội kiểm toán, hiệu quả của kiểm toán nội bộ thường tăng lên. Sở dĩ họ đi tới được kết luận này vì nhân viên của hiệp hội kiểm toán có tính khách quan, và vì họ đứng ngoài doanh nghiệp nên họ có thể hòa hợp được đồng thời những yêu cầu chuyên môn và những yêu cầu đến từ doanh nghiệp. Từ đó, chúng ta có giả thiết nghiên cứu thứ 2: GT2: Chất lượng kiểm toán nội bộ có mối quan hệ cùng chiều với tính độc lập và khách quan của kiểm toán nội bộ. 4. Kiểm toán viên nội bộ thuê ngoài Không phải lúc nào kiểm toán viên nội bộ cũng là một bộ phận của công ty; doanh nghiệp hoàn toàn có thể thuê các công ty thứ ba để thực hiện công việc kiểm toán nội bộ. Ngoài những lợi ích mà loại hình này mang lại, tất nhiên cũng vẫn sẽ có những mặt hại. Thứ nhất, sử dụng nhân viên thuê ngoài cho phép công ty tạo ra một đội ngũ kiểm toán viên trình độ cao và có kinh nghiệm trong lĩnh vực tương ứng. Ngoài ra, nó còn giúp tăng cường tính độc lập và khách quan của kiểm toán viên do họ ít có tương tác lâu dài với ban quản lý và các nhân viên và điều này giúp giảm thiểu chi phí thuê và đào tạo nhân viên. Tuy nhiên, chính việc này cũng có mặt hại của nó. Những kiểm toán viên thuê ngoài không thông thạo môi trường và văn hóa của công ty, và trên hết họ khó nhận được sự hợp tác toàn diện từ bộ phận kiểm toán, và phần nào giới hạn những thông tin có liên quan hay làm gián đoạn công cuộc điều tra. Bên cạnh đó, những nghiên cứu trước đây cũng nhận ra rằng việc sắp xếp thuê nhân viên kiểm toán nội bộ ngoài cũng có 2 mặt tương ứng. Ahlawat (2004) và Davidson (2013) nhận thấy rằng kết quả làm việc của kiểm toán viên thuê ngoài thường có độ tin cậy cao hơn kết quả của kiểm toán viên nội bộ của công ty. Họ giải thích rằng kiểm toán viên thuê ngoài có trình độ và tính độc lập cao hơn bộ phận kiểm toán bên trong công ty. Tuy nhiên, tính tin cậy của báo cáo kiểm toán viên thuê ngoài suy giảm khi các nhân viên kiểm toán nội bộ thuê ngoài cũng cung cấp các dịch vụ khác như thuế và tư vấn. Từ đó, chúng ta có giả thiết thứ 3: GT3: Chất lượng kiểm toán nội bộ có liên quan tới việc thuê kiểm toán viên nội bộ từ bên ngoài. 5. Sự hợp tác và hỗ trợ của ban quản lý Sự hỗ trợ đến từ ban quản lý là một phần thiết yếu đến sự chấp thuận và tôn trọng chức năng kiểm toán nội bộ trong doanh nghiệp. Theo chứng chỉ ISPPIA, kiểm toán viên nội bộ được quyền nhận hỗ trợ từ hội đồng quản trị và ban Giám đốc để hoàn thành nhiệm vụ và trách nhiệm của mình. Quả thực, bộ phận kiểm toán nội bộ nên có đầy đủ các nguồn tài nguyên để tối đa hóa hiệu năng của hoạt động kiểm toán. Bên cạnh đó, hai tác giả Hung và Han (1998) trong các nghiên cứu các công ty ở Đài Loan nhận thấy rằng thái độ hợp tác của ban quản lý với bộ phận kiểm toán nội bộ góp phần làm cho kế hoạch kiểm toán thường niên diễn ra trôi chảy và tăng cường tính hiệu quả của hoạt động này. Trong các báo cáo về các doanh nghiệp Malaysia, Ahmad và một vài tác giả khác chỉ ra rằng hỗ trợ đến từ ban quản lý có ảnh hưởng đáng kể đến việc các kiến nghị của kiểm toán nội bộ có được thực hiện và áp dụng hay không, và hơn nữa bộ phận kiểm toán được hỗ trợ đầy đủ về mặt nhân lực và tài nguyên. Quay về với các doanh nghiệp ở Israel, khi xét đến ba khía cạnh của kiểm toán hiệu quả đó là chất lượng kiểm toán, đánh giá kiểm toán và đóng góp của kiểm toán nội bộ, nghiên cứu nhận thấy rằng hỗ trợ từ phía quản lý đều là một nhân tố trọng yếu. Kết luận tương tự cũng được quan sát thấy ở các doanh nghiệp Saudi Arabia; quá trình quản trị nhân lực kiểm toán nội bộ cho thấy rằng hiệu quả kiểm toán nội bộ sẽ được nâng cao bằng cách thuê nhân lực giàu kinh nghiệm và cung cấp cho họ đầy đủ thông tin. Từ đó, chúng ta có được giả thiết nghiên cứu thứ 5: GT4: Chất lượng kiểm toán nội bộ có mối quan hệ cùng chiều với mức độ hỗ trợ từ ban quản lý. 6. Đào tạo kiểm toán viên nội bộ cho công việc quản lý Ở các nước Tây Âu, công việc kiểm toán nội bộ còn được coi là đặt nền tảng cho các nhà quản lý. Thông thường, các công ty sử dụng kiểm toán nội bộ với mục đích này theo hai hướng: một là tuyển dụng các nhân viên mới trực tiếp vào bộ phận kiểm toán nội bộ với mục đích là sử dụng họ cho bộ máy quản lí; hai là đưa các nhân viên của bộ phận khác vào kiểm toán nội bộ để làm dự bị cho cấp quản lí sau này. Một số học giả nghiên cứu rằng cách tiếp cận này nâng cao khả năng cho các nhà quản lí bởi lẽ bộ phận kiểm toán hoạt động hiểu rõ hệ thống kiểm soát nội bộ cũng như là nhiều thông tin khác về công ty. Hơn nữa, chương trình đào tạo quản lí này trở thành một điểm nhấn về công ty và thu hút nhân tài. Các tác giả Cohen, Sayag cũng nhận định rằng những kiểm toán viên này sẽ tập trung nâng cao khả năng chuyên môn trong doanh nghiệp, và qua đó đầu tư công sức vào công việc của mình để tăng cường khả năng thăng tiến. Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác lại cho rằng điều này sẽ làm tổn hại đến tính độc lập và khách quan của kiểm toán viên nội bộ bởi lẽ những kiểm toán viên mà có cơ hội trở thành quản lý sẽ thường tạo mối quan hệ thân thiết với lãnh đạo cấp cao và ít có khả năng họ sẽ làm trái ý. Một số học giả cũng không đồng tình với ý kiến của Cohen và Sayag; họ nói rằng kiểm toán viên nội bộ tạm thời sẽ không có động lực để nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận kiểm toán. Hơn nữa, từ phương diện của kiểm toán bên ngoài, kết quả hoạt động của bộ phận kiểm toán mà có chương trình đào tạo quản lí thường không đáng tin cây. Từ những mâu thuẫn trên, chúng ta đi tới giả thiết cuối cùng: GT5: Chất lượng của kiểm toán nội bộ có liên quan đến việc áp dụng chương trình đào tạo quản lí. Phương pháp nghiên cứu 1. Thu thập dữ liệu Trong phạm vi đề án này, dữ liệu sử dụng cho việc phân tích được thu thập từ nguồn thứ cấp, đó là các nghiên cứu về đề tài này trước đây tại các doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể, đề án này sử dụng nghiên cứu tại ngân hàng thương mại Đại Dương (Vũ Thị Nụ, 2017), ngân hàng thương mai Sài Gòn (Nguyễn Ngọc Hải, 2015), và ngân hàng TMCP công thương Việt Nam (Trần Văn Tùng, 2012). Từ những dữ liệu có trong các nghiên cứu này, chúng ta có thể đo lường sức ảnh hưởng của các yếu tố trên về mặt con số. Từ đó, sử dụng mô hình hồi quy OLS để xác định mức độ ảnh hưởng của mỗi yếu tố lên chất lượng của kiểm toán nội bộ. 2. Đo lường dữ liệu a. Đo lường biến phụ thuộc. Chất lượng của kiểm toán nội bộ (IAE) như ta đã đề cập ở trên là một yếu tố phức tạp với nhiều định nghĩa còn gây tranh cãi. Vì vậy, có nhiều nghiên cứu đã tập trung vào những cách thức để đo lường yếu tố này. Cách tiếp cận thứ nhất là đánh giá quá trình hoạt động kiểm toán nội bộ như là mức độ tuân thủ các chuẩn mực của ISPPIA hay khả năng thực hiện kế hoạch kiểm toán. Tuy nhiên, cách thức đo lường này đã bỏ qua những yêu cầu thiết thực đến từ phía doanh nghiệp và cổ đông mà chỉ tập trung vào việc đánh giá xem kiểm toán viên đã thực hiện đúng nguyên tắc hay chưa. Một cách đo lường khác là đánh giá dựa trên kết quả. Chất lượng của kiểm toán nội bộ được đo lường dựa trên chức năng làm thỏa mãn nhu cầu của khách hang như ban quản lí hay hội đồng kiểm toán. Dù phương pháp này được đánh giá cao hơn vì nó có thể được số hóa dễ dàng hơn, việc đánh giá như vậy phụ thuộc ít nhiều vào ban quản lí và khó có thể mang ra so sánh vì tình hình ở mỗi doanh nghiệp là khác nhau. Một cách thức đo lường khác cũng thường được thấy là đo lường mức ảnh hưởng của công việc kiểm toán đến các quá trình và hiệu quả làm việc. Với phương pháp này, để đánh giá được chất lượng kiểm toán, chúng ta phải xác định được mức độ hoàn thành mục tiêu của bộ phận. Phương pháp này mặc dù là khả thi nhất trong ba phương án về mặt lí thuyết, tuy nhiên rất phức tạp và khó khan để đo lường được các biến số cho phương pháp này. Vì tính chất phức tạp như vậy, chúng ta sẽ không đi sâu vào việc tạo ra một cách thức chi tiết để đo lường chất lượng kiểm toán nội bộ. Dữ liệu sẽ được thu thập từ các nghiên cứu và từ đó sắp xếp vào các thang điểm tương ứng từ 1 đến 5: với 1 là “hoàn toàn kém” và 5 là “xuất sắc”. b) Đo lường biến độc lập. Trong bài này chúng ta sẽ cố gắng khảo sát nhiều yếu tố nhất có thể. Trình độ của kiểm toán viên (TĐ). Biến số này đơn giản được đo lường bằng số năm người làm kiểm toán nội bộ được huấn luyện. Chúng ta chỉ đo lường biến số này từ cấp bậc đại học trở lên vì nó có ảnh hưởng lớn hơn đến chuyên môn công việc hơn là các năm trước đó. Tính độc lập và khách quan của người làm kiểm toán (ĐL). Với tính chất là một biến số cảm tính, chúng ta khó có thể lượng hóa hoàn toàn tính độc lập và khách quan này. Do đó, từ những dữ liệu trong các nghiên cứu, tính độc lập sẽ được đánh giá hoặc là 0 (không độc lập) hoặc 1 (độc lập với các cấp quản lý). Kiểm toán viên thuê ngoài (OUT): Câu hỏi đối với biến số này là doanh nghiệp có đang sử dụng kiểm toán viên thuê ngoài cho hoạt động quản trị nội bộ hay không. Do đó, biến số này có giá trị là 0 nếu doanh nghiệp không thuê ngoài, và có giá trị bằng 1 nếu doanh nghiệp thuê ngoài. Sự hỗ trợ của các cấp quản lí (SUP): Do có nhiều yếu tố lên quan đến biến số hỗ trợ như mức độ hỗ trợ tài chính, nhân lực, biến số này rất phức tạp để có thể hoàn toàn lượng hóa. Đề án này sẽ đánh giá các biến số này theo thang từ 1 đến 5, với 1 là “hoàn toàn không được hỗ trợ” và 5 là “được hỗ trợ nhiệt tình”. Chương trình đào tạo quản lí (TRA): Tương tự như chương trình thuê kiểm toán viên bên ngoài, doanh nghiệp được đánh giá là 0 nếu họ không áp dụng chương trình này, và 1 nếu họ áp dụng chương trình này trong bộ máy quản lí. 3. Xây dựng mô hình Từ những biến số nói trên, ta có mô hình hồi quy: IAE = B0 + B1 TĐ + B2 ĐL + B3 OUT + B4 SUP + B5 TRA + u. Thực tiễn Case study 1: Khảo sát tại ngân hàng TCMP OceanBank Kết quả tính toán Thống kê và tính toán hồi quy các biến số tại ngân hang OceanBank được cung cấp ở phụ lục 1. Đối với kết quả tính toán, ta có thể rút ra được 1 số kết luận như sau về OceanBank: Chỉ sổ R2 của mô hình đạt 0.33, điều này có ý nghĩa rằng các thay đổi của chất lượng kiểm toán tại OceanBank diễn ra là do các yếu tố độc lập như trình độ kiểm toán viên, tính khách quan, hỗ trợ từ phía quản lý,… Đối với giả thuyết 1, chúng ta cho rằng trình độ của người làm kiểm toán nội bộ sẽ có tác động tích cực tới chất lượng kiểm toán. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu lại cho thấy rằng thực sự tác động này rất yếu ớt và hầu như không đáng kể. Điều này có thể xảy ra do hoặc là giả thuyết trên đã sai, hoặc là do dữ liệu thu thập được chưa đầy đủ để có thể đưa ra kết luận do việc áp dụng kiểm toán nội bộ ở Việt Nam còn nhiều thiếu sót và chưa rộng rãi. Giả thuyết 2 về mối quan hệ giữa tính độc lập và khách quan của kiểm toán nội bộ và chất lượng báo cáo. Theo kết quả tính toán, chúng ta có thể nhận thấy rằng mối liên hệ này là tích cực; khi kiểm toán viên ở OceanBank hoạt động độc lập với ban quản lý và hội đồng kiểm toán, chất lượng của hoạt động đã gia tăng 0.155 đơn vị. Kết quả này cũng tương tự như kết quả của nhiều nghiên cứu đi trước đó. Giả thuyết 3 là về công tác thuê kiểm toán viên từ bên ngoài. Tương tự như giả thuyết 1, kết quả hồi quy cho biến số OUT không cho ra kết quả đáng kể; việc thuê kiểm toán viên bên ngoài ở OceanBank không có tác động lớn đến chất lượng của báo cáo kiểm toán. Điều này cũng có thể được giải thích rằng việc thuê kiểm toán nội bộ từ bên ngoài ở Việt Nam chưa thực sự phát triển, mặc dù việc thue kiểm toán tài chính đã trở nên phổ biến. Đối với giả thuyết về sự hỗ trợ đến từ ban quản lý, không nằm ngoài mong đợi, kết quả hồi quy cho thấy ban quản lý có tác động tích cực đến chất lượng kiểm toán theo chiều hướng tương tự như tính độc lập và khách quan. Kết luận này cũng đã được thể hiện trong nhiều nghiên cứu trước đây về mối quan hệ giữa ban quản lý và bộ phận kiểm toán nội bộ. Ở giả thuyết cuối cùng, chúng ta khảo sát tác động của chương trình đào tạo quản lí. Khá bất ngờ là yếu tố này là yếu tố tác động tích cực mạnh mẽ nhất trong các yếu tố đến chất lượng kiểm toán; khi OceanBank áp dụng hay mở rộng mục tiêu đào tạo quản lý thông qua bộ phận kiểm toán nội bộ, kiểm toán viên được khuyến khích đầu tư vào công việc để chứng tỏ bản thân cho các cấp trên. Những mặt trái của yếu tố này như chúng ta đề cập ở trên hiện chưa thể hiện. Bàn luận Nhìn chung, kết quả tính toán và thống kê của ta đã thể hiện rằng chất lượng kiểm toán ở OceanBank chủ yếu được tác động bởi 3 yếu tố: tính độc lập và khách quan của kiểm toán viên, sự hỗ trợ từ ban quản lý trong quá trình kiểm toán và sự áp dụng các chương trình đào tạo quản lý. Kết quả này cũng có thể được xem là hợp lý và thống nhất với nhiều nghiên cứu ở các doanh nghiệp nước ngoài. Trong các tác phẩm của Albrecht, Altwaiji, Cohen,…, sự hỗ trợ đến từ ban quản lý là một trong các yếu tố trọng yếu quyết định chất lượng kiểm toán. Nếu thiếu đi sự hỗ trợ này, kiểm toán nội bộ không thể hoàn toàn khách quan và độc lập, cũng như không có đủ tài lực và nhân lực để hoàn thành công việc một cách hiệu quả. Và trên hết, nếu không có sự hỗ trợ, kiểm toán viên sẽ không thể thăng tiến và phát triển sự nghiệp. Case study 2: Khảo sát tại ngân hàng TMCP Sài Gòn. Kết quả hồi quy Tương tự như case study 1, kết quả hồi quy và thống kê các yếu tố tại ngân hàng TMCP Sài Gòn sẽ được thể hiện trong phụ lục 2. Từ kết quả tính toàn, chúng ta có thể rút ra nhận xét về ảnh hưởng của các nhân tố lên chất lượng của kiểm toán nội bộ tại ngân hàng Sài Gòn như sau: Mô hình có ý nghĩa thống kê với hệ số p < 0.01, do đó chúng ta có thể sử dụng các kết quả thống kê từ phép tính hồi quy. Chỉ số R2 = 0.63, cao hơn hẳn so với ngân hàng OceanBank. Điều này cho thấy rằng ở ngân hàng Sài Gòn, vai trò của các yếu tố độc lập đã tác động mạnh hơn tới chất lượng kiểm toán; khi chất lượng kiểm toán thay đổi, 63% sự thay đổi đó diễn ra do ảnh hưởng từ các yếu tố độc lập. Về mối quan hệ giữa chất lượng kiểm toán và trình độ của kiểm toán viên, khác với OceanBank, ngân hàng Sài Gòn cho thấy mối quan hệ cùng chiều rõ rệt giữa 2 yếu tố này. Khi kiểm toán viên tại ngân hàng Sài Gòn được trải qua nhiều đào tạo và huấn luyện hơn, cũng như thu thập được nhiều kinh nghiệm hơn, chất lượng của công việc của họ tiến triển rõ rệt. Giả thuyết 2 về tính độc lập và khách quan cũng được xác nhận ở trong mô hình. Tính độc lập và khách quan của kiểm toán viên có tác động tích cực tới chất lượng của kiểm toán nội bộ. Tuy nhiên, giả thuyết 3 lại không được nghiên cứu riêng biệt trong case study này vì dữ liệu liên quan đến thuê kiểm toán nội bộ từ bên ngoài không được đề cập rõ rệt. Tuy nhiên, báo cáo có thảo luận vấn đề kích cỡ của bộ máy kiểm toán cũng như là mối quan hệ giữa kiểm toán bên trong và ngoài doanh nghiệp. Kết quả tính toán cho thấy rằng, khi bộ phận kiểm toán càng có nhiều nhân lực, chất lượng của họ cũng tương ứng gia tăng; tương tự, khi kiểm toán bên trong và bên ngoài có mối quan hệ tốt, chất lượng của công tác kiểm toán cũng tương ứng phản ánh. Dựa theo các lý thuyết chúng ta đã bàn luận ở giả thiết 3, chúng ta có thể khẳng định rằng việc thuê thêm kiểm toán bên ngoài rất có thể sẽ giúp ngân hàng Sài Gòn gia tăng giá trị từ hoạt động này. Kết quả tính toán ở ngân hàng Sài Gòn một lần nữa đồng ý với kết quả tính toán ở OceanBank về mối quan hệ giữa hỗ trợ từ nhà quản lý và chất lượng kiểm toán. Sự hỗ trợ từ phía quản lý cũng là yếu tố góp phần nâng cao hiệu quả kiểm toán rõ rệt nhất trong tất cả các yếu tố. Chúng ta bỏ qua việc xác minh giả thuyết cuối cùng do dữ liệu không đủ. Bàn luận Nhìn chung, các kết quả từ ngân hàng Sài Gòn đều hầu hết thống nhất với ngân hàng OceanBank. Hai ngân hàng đều đồng ý rằng nếu không có sự hỗ trợ từ phía quản lý, kiểm toán nội bộ không thể hoàn toàn hoạt động độc lập và họ sẽ ở trong thế khó khăn về mặt tài lực và nhân lực. Tại ngân hàng Sài Gòn, sự hỗ trợ từ quản lý cũng là nhân tố đóng góp lớn nhất, và có thể được coi là nền tảng của kiểm toán nội bộ hiệu quả. Mặc dù không khảo sát các yếu tố trên diện rộng như ngân hàng OceanBank, kết quả thống kê tại ngân hàng Sài Gòn đã cho thấy một nghiên cứu tập trung hơn vào các yếu tố trọng điểm như trình độ của người làm kiểm toán, sự hỗ trợ từ quản lý và tính độc lập và khách quan. Nhờ đó, ta có căn cứ để khẳng định chắc chắn rằng các giả thiết có liên quan đến 3 yếu tố này được xác minh chính xác. Case study 3: Khảo sát tại ngân hàng Công thương Việt Nam Kết quả hồi quy Kết quả hồi quy và thống kê tại ngân hàng Công Thương Việt Nam được cung cấp tại phụ lục 3. Từ kết quả tính toán, chúng ta có thể rút ra các kết luận về các giả thiết nêu trên. Mô hình cho thấy rằng tại ngân hàng Công Thương Việt Nam, yếu tố chất lượng kiểm toán bị ảnh hưởng đáng kể bởi các yếu tố độc lập tương tự như ngân hàng Sài Gòn. Ảnh hưởng của các yếu tố độc lập chiếm tới 62.5% sự thay đổi trong chất lượng kiểm toán. Kết quả tính toán ở ngân hàng Công Thương đồng tình với ngân hàng Sài Gòn về vấn đề chất lượng và trình độ của người làm kiểm toán. Điều này chứng tỏ rằng, chất lượng của công tác kiểm toán có liên hệ mật thiết với trình độ của người kiểm toán thi hành công tác đó. Giả thuyết 1 một lần nữa được chứng minh. Ở giả thiết 2, mặc dù đã thể hiện rằng mối liên hệ giữa tính độc lập và chất lượng kiểm toán là cùng chiều, ngân hàng Công Thương cho thấy đây là mối quan hệ có ảnh hưởng nhất tới chất lượng kiểm toán. Với giả thiết giữa sự hỗ trợ từ ban quản lý và chất lượng kiểm toán, kết quả tính toán lại phủ nhận mối quan hệ này. Vai trò của hỗ trợ trong mô hình hồi quy không mang ý nghĩa thống kê, ý nghĩa rằng chất lượng kiểm toán nội bộ không liên quan đến việc ban quản lý có hỗ trợ kiểm toán viên hay không. Kết quả này khá hiếm gặp kể cả trong các nghiên cứu đi trước, duy chỉ có Rahadhitya (2015) và một số tác giả khác giải thích cho vấn đề này rằng ban quản lý không áp dụng các kiến nghị kiểm toán, do đó vai trò của họ cũng mờ nhạt trong báo cáo sau này. Tương tự, kết quả xảy ra do có thể rằng vai trò của kiểm toán nội bộ trong ngân hàng Công Thương chưa được thực sự coi trọng và đề cao. Nghiên cứu tại ngân hàng Công Thương, khác với ngân hàng OceanBank và Sài Gòn, chỉ khảo sát mối quan hệ giữa kiểm toán bên trong và bên ngoài doanh nghiệp. Khảo sát cho thấy mối quan hệ giữa hai kiểm toán này vào hiệu quả kiểm toán nội bộ là cùng chiều. Như giả thiết 3 đã đề cập, nếu 2 kiểm toán này có mối quan hệ tốt, kiểm toán viên từ bên ngoài sẽ có khả năng tiếp cận được nhiều thông tin thiết thực hơn, và từ đó nâng cao chất lượng công việc của họ nhờ vào tính độc lập và trình độ có sẵn. Tương tự, những kiểm toán viên bên trong cũng có them cơ hội học hỏi và nâng cao chuyên môn của chính mình. Về một khía cạnh nào đó, chúng ta có thể nói rằng ngân hàng nên thuê kiểm toán viên bên ngoài nếu họ có mối quan hệ tốt với kiểm toán bên trong công ty. Bàn luận Nhìn chung, các kết quả từ ngân hàng Công Thương đồng nhất hầu hết với các ngân hàng khác. Tính độc lập và trình độ của người kiểm toán đều là các yếu tố quan trọng trong việc quyết định chất lượng kiểm toán. Tuy nhiên, khác với các ngân hàng khác, ngân hàng Công Thương lại không chứng minh rõ rệt được ảnh hưởng của sự hỗ trợ của quản lý tới chất lượng kiểm toán. Nếu như ở các ngân hàng trên, sự hỗ trợ này là yếu tố chủ chốt trong công tác hoạt động của bộ phận kiểm toán, ở ngân hàng Công Thương, yếu tố chủ chốt lại là tính độc lập khách quan của kiểm toán viên. Nhìn ra thế giới Chúng ta phải thừa nhận rằng nguồn thông tin từ toàn thế giới là rất lớn, và học từ nghiên cứu trên đất nước ta đơn thuần là không đủ. Bên cạnh nghiên cứu ở các ngân hàng trên, chúng ta cũng nên nhìn vào các kết luận rút ra dựa trên dữ liệu ở các quốc gia khác. Đề án này sẽ đề cập đến kết luận từ Malaysia và Campuchia. Malaysia Tương tự như Việt Nam, Malaysia đồng ý rằng sự thiếu hụt kiểm toán viên có trình độ và có kinh nghiệm đã tạo ra những quãng trễ trong công tác kiểm toán. Tuy nhiên kết quả này có khác biệt với Việt Nam vì tại Malaysia, trình độ kiểm toán viên là yếu tố trọng yếu. Bên cạnh trình độ, các nghiên cứu ở Malaysia cũng đặt vấn đề với các yếu tố khác như tính độc lập, khách quan và hỗ trợ của quản lý. Trong những yếu tố này, nhiều học giả đã đồng ý rằng hỗ trợ của quản lý là yếu tố quan trọng nhất. Một điểm khác so với báo cáo của Việt Nam là Malaysia tính toán cả những yếu tố không nằm trong tầm kiểm soát của kiểm toán viên. Tuy nhiên, những kết luận về yếu tố này chỉ dừng ở mức phỏng đoán chứ chưa thực sự có kết quả tính toán. Campuchia Các nghiên cứu ở Campuchia đã sử dụng cả dữ liệu thứ cấp và sơ cấp, do đó kết luận của họ sẽ có phần đa dạng hơn. Những yếu tố trong nghiên cứu ở Campuchia có phần khác biệt do vấn đề về tổ chức bộ máy, nhưng nhìn chung, họ cũng nhận ra được những kết luận tương tự. Campuchia khẳng định rằng để đạt được kiểm toán nội bộ hiệu quả, một hệ thống kiểm soát hiệu quả phải được lập nên. Trong hệ thống này, những yếu tố như thông tin, liên lạc, và kiểm soát là những yếu tố quan trọng. Từ kết luận này, chúng ta có thể suy ra rằng ban quản lý và bộ phận kiểm toán phải có liên lạc rõ rang và thông tin cần thiết để kiểm toán phải được cung cấp đầy đủ. Campuchia đồng ý rằng trình độ của người làm kiểm toán là rất quan trọng đối với chất lượng kiểm toán, và điều này có tác động trực tiếp đến những giá trị mà doanh nghiệp có thể nhận được. Nghiên cứu của họ đã chứng minh rằng hiệu năng làm việc của kiểm toán viên phải được cẩn trọng kiểm tra và đánh giá để có thể nâng cao hiệu năng kiểm toán nội bộ. Yếu tố cuối cùng được nêu ra đó là tính độc lập và khách quan. Tại các doanh nghiệp Campuchia, yếu tố này có ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả kiểm toán nội bộ, và hơn thế nữa, họ đề đạt rằng tính độc lập này phải được đo lường kĩ càng từ hai phía, từ phía quản lý và trong công tác kiểm toán. Tại Campuchia, những người nhận lời khuyên kiểm toán cũng thường coi trọng tính độc lập để đánh giá được độ tin cậy của ý kiến. Đánh giá chung Đề án với dữ liệu đến từ 3 ngân hàng ở Việt Nam đã khảo sát và phân tích sự ảnh hưởng của trình độ kiểm toán viên, tính độc lập và khách quan, hỗ trợ từ quản lý, chương trình thuê kiểm toàn viên bên ngoài và chương trình đào tạo quản lý thông qua kiểm toán nội bộ lên chất lượng kiểm toán nội bộ của cơ sở đó. Qua các kết quả, ta có thể thấy rằng trong hầu hết các trường hợp, tính độc lập và khách quan là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng kiểm toán nội bộ. Hai nhân tố khác quan trọng không kém đó là trình độ của kiểm toán viên và sự hỗ trợ đến từ ban quản lý. Mặc dù những yếu tố này không đạt được sự thống nhất trên tất cả các nghiên cứu, sức ảnh hưởng của chúng được chứng tỏ ở phần lớn mô hình. Ngoài ra, ví dụ như tại OceanBank, trình độ của kiểm toán viên không đóng vai trò đáng kể có thể là do tình trạng áp dụng chưa được rộng rãi cũng như hiểu rõ, điều tương tự có thể xảy ra ở ngân hàng Công Thương và dẫn đến sức ảnh hưởng yếu của sự hỗ trợ của quản lý. Đối với những nhân tố ít được chú ý đến như chương trình đào tạo quản lý qua kiểm toán nội bộ, chỉ có duy nhất số liệu ở OceanBank là đủ để phân tích các yếu tố này. Dù số lượng dữ liệu hạn chế, chúng ta có thể cho rằng những yếu tố đó có ảnh hưởng tới một mức độ nào đó. Doanh nghiệp cần phải hiểu rõ mô hình cũng như tính chất hoạt động của mình để có thể lựa chọn nhân tố phù hợp. Kiến nghị Thông qua đánh giá chung cũng như nghiên cứu xuyên suốt các ngân hàng, chúng ta có thể đưa ra một số kiến nghị nhằm giúp tăng cường chất lượng kiểm toán tại các cơ sở này. 1. Tập trung vào các chương trình đào tạo kiểm toán nội bộ để làm tăng chất lượng kiểm toán. Điều này nên được chú trọng ở các công ty và nó có thể được thể hiện ở khâu tuyển dụng đầu vào hoặc các chương trình phụ đạo cho các nhân viên có sẵn trong công ty. Trình độ của người làm kiểm toán có thể được phản ánh qua chuyên môn ngành học, số năm kinh nghiệm, thông thạo các chuẩn mực, sở hữu các chứng chỉ chuyên nghiệp như ACCA, CPA. 2. Bộ phận quản lý nên chú trọng và tôn trọng bộ phận kiểm toán nội bộ. Họ cần tập trung hơn nữa vào các kiểm toán viên trung thực và chăm chỉ, những người mà có thể đưa ra ý kiến thiết thực có lợi cho doanh nghiệp. Ban quản lý cũng cần phải tạo điều kiện cũng như cung cấp nguồn lực cần thiết để kiểm toán viên có thể tác nghiệp một cách hiệu quả nhất. 3. Bên cạnh việc cung cấp những hỗ trợ cần thiết, ban quản lý cũng nên đưa ra mức thưởng và chi phí hợp lý để thu hút kiểm toán viên bên ngoài cũng như là khích lệ nhân viên của công ty. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng mối quan hệ hợp tác tốt giữa kiểm toán nội bộ và kiểm toán ở bên ngoài sẽ làm tăng hiệu quả của công tác kiểm toán. Việc đưa ra mức thưởng hợp lý sẽ giúp giữ nhân viên lại với công ty và làm họ thỏa mãn với công việc. Một lựa chọn khác để khích lệ nhân viên là chương trình thăng tiến dành riêng cho nhân viên ở bộ phận kiểm toán. Nếu đạt được kết quả tốt, nhân viên đó sẽ được thăng chức thành quản lý hoặc kiểm toán cấp cao hơn. Tuy nhiên, yếu tố này chưa được chứng tỏ rộng rãi ở các doanh nghiệp, biện pháp này nên được áp dụng cẩn thận. Những hạn chế của nghiên cứu Tất nhiên bên cạnh những mô hình nghiên cứu, chúng ta có thể nhận thấy rằng có nhiều hạn chế trong nghiên cứu này. 1. Thứ nhất là thu thập dữ liệu. Do dữ liệu chủ yếu được sử dụng là thứ cấp, mặc dù tính chính xác được đảm bảo, dữ liệu thường bị lạc hậu. Hơn nữa, khi thu thập dữ liệu từ nhiều nguồn, không thể có biện pháp đảm bảo được rằng dữ liệu sẽ thống nhất và đo lường trên cùng một thang đếm. Ví dụ trong khuôn khổ đề án này, các dữ liệu đã được biến đổi về 1 thang đo để tiện cho việc so sánh và kết luận. Việc làm này có thể đã làm cho dữ liệu bị biến chất và kết luận rút ra được không còn hoàn toàn chính xác. 2. Bộ dữ liệu còn hạn chế. Khác với dữ liệu sơ cấp, dữ liệu thứ cấp phụ thuộc rất lớn vào nguồn. Hơn nữa, các nghiên cứu riêng biệt và tập trung về chất lượng kiểm toán nội bộ còn rất hạn chế, do đó chúng ta không thể đảm bảo được nguồn dữ liệu thứ cấp dồi dào cho việc nghiên cứu. Do vậy, những kết luận trong đề án này có thể đã bỏ qua một số yếu tố có ảnh hưởng. Tham khảo Nâng cao chất lượng Kiểm toán nội bộ tại Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương – Vũ Thị Nụ, 2017 Nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán nội bộ tại ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Trần Văn Tùng, 2012 Nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán nội bộ tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn–Hà Nội – Nguyễn Ngọc Hải, 2015. Phụ lục 1 Dữ liệu từ ngân hàng OceanBank Phụ lục 2 Dữ liệu từ ngân hàng TMCP Sài Gòn Phụ lục 3 Dữ liệu từ ngân hàng Công Thương