PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài. Từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (121986), đất nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực. Mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực đều được thay da đổi thịt, và trong dòng chảy đó, ngành xuất bản nói chung và hoạt động xuất bản sách lý luận chính trị nói riêng cũng đã khởi sắc. Nó nhanh chóng hòa nhịp và cũng đã khẳng định được vị trí của mình trong xã hội. Tuy nhiên, bước chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường cũng gây ra không ít khó khăn cho hoạt động của ngành xuất bản nói chung và các Nhà xuất bản nói riêng. Làm sao để tồn tại và phát triển tốt? Câu trả lời chính là vấn đề quản lý hoạt động biên tập, in và phát hành sách. Quản lý có tốt thì mới tạo được động lực cũng như cơ sở cho sự phát triển. Cũng như các Nhà xuất bản khác, Nhà xuất bản Lao động cũng đang tìm cho mình những hướng đi thích hợp nhằm phát huy và đóng góp vai trò tích cực của mình vào sự nghiệp phát triển đất nước. Làm thế nào để hoạt động có hiệu quả, có chất lượng? Đó cũng chính là vấn đề đặt ra cho công tác quản lý của Nhà xuất bản Lao động. Nhìn chung những năm qua công tác quản lý hoạt động xuất bản sách lý luận chính trị tại Nhà xuất bản Lao động đã đạt được những kết quả đáng kể: Nhà xuất bản đã tổ chức và xây dựng được một mạng lưới rộng rãi cộng tác viên tuyên truyền viết về đề tài chính trị; Nhà xuất bản đã khai thác, xây dựng và tổ chức tốt nhiều đề tài nghiên cứu có tính khả thi cao; đã làm tốt công tác tổ chức, bồi dưỡng đội ngũ cộng tác viên; trong việc in ấn, phát hành Nhà xuất bản luôn cắt cử người theo dõi (từ sửa lỗi, làm ma két, ra can, đến đọc bản can và in). Tuy nhiên, bên cạnh đó công tác quản lý hoạt động xuất bản sách lý luận chính trị vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế: số lượng in ấn mỗi đầu sách lý luận, chính trị còn thấp; việc phát hành loại sách này chưa rộng rãi; việc đánh giá, xử lý bản thảo sách lý luận chính trị còn hạn chế; vấn đề liên kết xuất bản còn chậm, chưa chặt chẽ. Đứng trước tình trạng trên, việc nâng cao hiệu quả quản lý đối với hoạt động xuất bản sách lý luận chính trị tại các nhà xuất bản nói chung, và nhà xuất bản Lao động nói riêng đang là vấn đề hết sức quan trọng và cấp thiết. Xuất phát từ thực tiễn nói trên, em đã chọn đề tài: Nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động xuất bản sách lý luận chính trị tại Nhà xuất bản Lao động hiện nay làm tiểu luận của mình.