LỜI MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Năm 2008 vừa qua, kinh tế thế giới đã phải đối mặt với cuộc suy thoái, khủng hoảng kinh tế được coi là tồi tệ nhất kể từ cuộc đại khủng hoảng năm 1930. Hàng chục, hàng trăm công ty, ngân hàng lớn nhỏ, trong đó có các công ty tài chính hàng đầu thế giới phải lao đao, thậm chí phá sản. Cuộc khủng hoảng này bắt nguồn từ nước Mỹ, trung tâm kinh tế, tài chính của thế giới. Và cuộc khủng hoảng tại Mỹ, mà dư chấn của nó lan ra khắp thế giới, có nguyên nhân chính là do khủng hoảng tín dụng nhà đất tại nước này. Các ngân hàng tại Mỹ trước đây đã quá dễ dãi trong việc cho vay tín dụng để mua nhà đất, họ đã cho khách hàng vay mua nhà vượt quá khả năng tài chính của người mua. Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là do các ngân hàng này đã coi nhẹ tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng tín dụng (cụ thể ở đây là tín dụng nhà đất) mà chỉ chú trọng phát triển, mở rộng qui mô một cách tuỳ tiện và bất chấp các nguyên tắc an toàn trong hoạt động tín dụng. Sự sụp đổ của các ngân hàng hàng đầu thế giới có lịch sử hàng trăm năm khiến cho không ít người lo ngại về tương lai của ngành ngân hàng. Tuy rằng cuộc khủng hoảng tài chính thế giới không tác động một cách trực tiếp tới thị trường tài chính Việt Nam nói chung và các ngân hàng thương mại nói riêng, tuy nhiên đây cũng là bài học quí giá đối với các ngân hàng trong việc đầu tư của mình. Trong hoạt động của các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay, hoạt động tín dụng là một nghiệp vụ truyền thống, nền tảng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu tài sản và cơ cấu thu nhập, nhưng cũng là hoạt động phức tạp, tiềm ẩn những rủi ro cho các ngân hàng thương mại. Tín dụng trong điều kiện trong nền kinh tế mở, cạnh tranh và hội nhập vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong kinh doanh ngân hàng. Chính vì nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề này, trong quá trình thực tập tại Ngân hàng Nông nghiệp & phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh Thanh Xuân tại Hà Nội (NHNo&PTNT Thanh Xuân), em đã lựa chọn đề tài: "Nâng cao chất lượng tín dụng tại NHNo & PTNT chi nhánh Thanh Xuân" làm đề tài chuyên đề thực tập. 2. Mục đích nghiên cứu - Khái quát và hệ thống hoá các lý thuyết về chất lượng tín dụng tại ngân hàng thương mại. - Nghiên cứu, khảo sát và đánh giá thực trạng chất lượng công tác tín dụng tại chi nhánh NHNo&PTNT Thanh Xuân nhằm rút ra những ưu, nhược điểm của hoạt động này, chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế; từ đó đưa ra một số giải pháp và kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng tín dụng của chi nhánh cũng như phát huy những ưu điểm sẵn có. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Chuyên đề nghiên cứu chủ yếu về công tác tín dụng và những vấn đề còn tồn tại của NHNo&PTNT Thanh Xuân trong giai đoạn 2007-2009. 4. Phương pháp nghiên cứu Phương pháp điều tra, thống kê, so sánh, phân tích các số liệu thực tiễn nhằm lượng hoá vấn đề. 5. Kết cấu của chuyên đề thực tập Ngoài phần mở đầu và kết luận, kết cấu của đề tài được chia thành 3 chương: Chương 1: Lý luận cơ bản về chất lượng tín dụng của ngân hàng thương mại. Chương 2: Thực trạng chất lượng tín dụng tại chi nhánh ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Xuân. Chương 3: Một số giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng tại chi nhánh ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Xuân.