PHẦN A: MỞ ĐẦU Chính sách công là chuỗi những hoạt động mà chính quyền chọn làm hay không làm với tính toán và chủ đích rõ ràng, có tác động đến người dân. Hoạt động của chính quyền có cái nằm trong chuỗi, có cái đơn lẻ, nhưng cái đơn lẻ vẫn gắn với những hoạt động khác. Hầu hết các chính sách được thể hiện dưới dạng văn bản pháp luật, mặc dù nhiều khi dưới dạng ẩn. Phân tích chính sách trong quá trình làm luật là một công đoạn hữu cơ, gắn kết trong quá trình đó một cách khoa học, dựa trên các nhóm mục tiêu, cách tiếp cận, các tiêu chí đánh giá, nguồn lực và công cụ bảo đảm thực hiện, sự thống nhất tác động phối hợp của các chính sách khác và dựa trên hoàn cảnh thực tế của các đối tượng điều chỉnh của chính sách nhằm tới. Bởi lẽ, pháp luật là hình thức thể hiện của chính sách công, cho nên, việc phân tích chính sách nhằm đảm bảo rằng, pháp luật được ban hành ra sẽ tuân thủ các nguyên tắc căn bản của việc thiết kế chính sách công là: vì lợi ích công cộng; bắt buộc thi hành; có hệ thống; tập hợp các quyết định; liên đới; kế thừa lịch sử; quyết định theo đa số. Về lý thuyết, có thể phân biệt giữa chính sách và pháp luật, giữa hoạt động xây dựng chính sách và soạn thảo luật. Nói một cách đơn giản, chính sách là nội dung, còn văn bản luật là vỏ bọc chứa đựng chính sách đó dưới dạng ngôn ngữ và hình thức pháp lý. Xây dựng chính sách là quá trình quyết định điều gì cần đạt được, cần làm gì để đạt được điều đó, làm thế nào, ai làm. Ví dụ, sau khi có quyết sách thực thi những biện pháp giảm thiểu tai nạn giao thông, việc xây dựng chính sách sẽ bao gồm phân tích những nguyên nhân gây tai nạn; phân bổ tai nạn trên các loại đường, trong các tầng lớp dân cư; những quy định đang có hiệu lực; kinh nghiệm của các nước khác… Tiếp đó, có thể phát triển một số phương án giảm thiểu tai nạn như giảm tốc độ, thực thi tốt hơn các quy định hiện có, điều kiện cấp giấy phép ngặt nghèo hơn, tuyên truyền, giáo dục. Đồng thời, cần phân tích chi phí và lợi ích của từng phương án, trình các phương án để chính phủ quyết định. Tất cả những bước này là xây dựng chính sách. Sau khi đã quyết định lựa chọn phương án, có thể bắt đầu soạn thảo luật về phương án đó trong khuôn khổ pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều khi không dễ phân biệt hai hoạt động này. Do đó, trước khi soạn thảo cần PTCS, nhưng không nhất thiết phải phân chia quá rạch ròi thành hai bước tiếp nhau. Phân tích chính sách trong quá trình làm luật là hoạt động cần thiết vì để pháp luật có được tính thực tiễn, khả thi, cũng như dễ được chấp nhận, nó phải được bàn luận bởi đa số công chúng. Chân lý không phải lúc nào cũng thuộc về đa số, nhưng hầu hết các trường hợp nó nằm ở đa số. Hơn nữa, pháp luật, như trên đã nói, ban hành cho đa số. Trong khi đó, công đoạn PTCS lại đòi hỏi tham vấn ý kiến của công chúng, cho nên nó đáp ứng nguyên tắc quyết định bởi đa số. Ở các nước đang ở thời kỳ chuyển đổi, những bất cập trong quá trình xây dựng chính sách và pháp luật cũng cho thấy sự cần thiết của phân tích chính sách . Một trong những thách lớn nhất đối với các nước châu Âu chuyển đổi là phải xây dựng những nguyên tắc, thiết chế và quy trình của quản trị quốc gia tốt, trong đó có việc xây dựng một quy trình hoạch định chính sách chuyên nghiệp dựa trên những nguyên tắc hiệu quả, hiệu năng, công khai, minh bạch. Vì vậy, em chọn vấn đề: “Phân tích chính sách trong quy trình lập pháp ở các nước” làm đề tài tiểu luận cho học phần Chính sách công.