LỜI MỞ ĐẦU Triết học là một hoạt động tinh thần của con người, nó biểu hiện khả năng nhận thức, khả năng đánh giá sự vật hiện tượng của con người. Nó là hệ thống tri thức lý luận chung nhất của con người về thế giới, về vị trí, vai trò của con người trong thế giới ấy. Triết học ra đời do hoạt động nhận thức của con người để phục vụ nhu cầu sống. Song, với tư cách là hệ thống tri thức lý luận chung nhất, Triết học không thể xuất hiện cùng sự xuất hiện của xã hội loài người. Ngay từ buổi bình minh của nhân loại, để tồn tại, con người đã phải tiến hành hoạt động lao động sản xuất và những hoạt động khác. Điều này đã đem lại cho con người những tri thức nhất định về thế giới xung quanh và về bản thân mình, nhưng đây mới chỉ là những tri thức rời rạc, phản ánh bề ngoài của đối tượng. Phải đến khi xã hội đã phát triển đến thời kỳ hình thành tầng lớp lao động trí óc. Họ đã tiến hành các nghiên cứu, đã hệ thống hóa các quan điểm, quan niệm rời rạc lại với nhau thành học thuyết, thành lý luận, và khi đó Triết học đã ra đời. Có thể khẳng định rằng, Triết học ra đời cả ở phương Đông và phương Tây gần như cùng một thời gian (khoảng từ thế kỷ VII đến thế kỷ VI trước Công nguyên) tại một số trung tâm văn minh cổ đại của nhân loại như Trung Quốc, Ấn Độ và Hy Lạp. Do có vị trí địa lý khác nhau, có điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội, khoa học, tôn giáo, văn hóa khác nhau nên mỗi nền Triết học lại có những đặc điểm cụ thể khác nhau. Triết học phương Tây tập trung chủ yếu vào nghiên cứu những quy luật của tự nhiên, nghiên cứu bản chất của con người với tư cách là sự phát triển của tự nhiên; trong quá trình nghiên cứu ấy, các nhà Triết học đã tách con người ra khỏi tự nhiên, đối lập với tự nhiên, nghiên cứu giới tự nhiên để chinh phục tự nhiên, Triết học luôn gắn liền với khoa học tự nhiên. Trong khi đó, Triết học phương Đông lại tập trung nghiên cứu về đời sống, về cuộc sống nhân sinh của con người, gắn liền con người với tự nhiên, thống nhất với tự nhiên, Triết học gắn với con người và xã hội loài người, ít gắn với khoa học tự nhiên. Với phạm vi tiểu luận Triết học của mình, tôi không đi sâu vào nghiên cứu những điểm khác biệt giữa Triết học phương Tây và phương Đông trong quá trình phát triển của lịch sử Triết học mà chỉ tập trung nghiên cứu về đặc điểm của Triết học phương Đông cổ, trung đại bởi Ấn Độ và Trung Quốc cổ, trung đại là hai trung tâm tư tưởng và văn hóa lớn của thế giới cổ, trung đại. Những tư tưởng Triết học và văn hóa của hai trung tâm này đã có ảnh hưởng rất lớn đối với văn hóa Việt Nam và toàn bộ hệ thống tư tưởng trong xã hội Việt Nam cho đến tận ngày nay.