Từ xưa ông cha ta đã biết sử dụng nguồn dược liệu quý giá của đất nước với các phương pháp chế biến khác nhau và các dạng bào chế thích hợp dùng để phòng và chữa bệnh cho nhân dân. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, từ thế hệ trước truyền đạt cho thế hệ sau, đúc kết được các kinh nghiệm từ thực tiễn lâm sàng, xây dựng nên những lý luận về các phương pháp phòng và chữa bệnh, đồng thời còn dựa vào các hệ thống triết học cổ phương Đông vận dụng vào y học cổ truyền, đặc biệt là học thuyết Âm dương và học thuyết Ngũ hành,… tạo ra một hệ thống y lý phong phú, có sáng tạo phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam. Học thuyết Âm dương và học thuyết Ngũ hành là hai học thuyết triết học phương Đông điển hình, là vũ trụ quan của triết học Trung Quốc cổ đại về cách thức vận động của mọi sự vật, mọi hiện tượng. Cả 2 học thuyết đều được vận dụng để giải thích sự xuất hiện, sự tồn tại, chuyển hóa lặp đi lặp lại có tính chu kỳ của sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, thâm nhập vào nhiều lĩnh vực tri thức và được vận dụng để lý giải các vấn đề của tự nhiên, xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực Y dược học cổ truyền. Học thuyết âm dương, học thuyết Ngũ hành là cơ sở lý luận để giải thích nguyên nhân, cơ chế phát sinh bệnh tật, điều trị, phòng bệnh, bào chế thuốc của y dược học cổ truyền. Qua chương trình Triết học dành cho học viên Cao học khóa 22 của trường Đại học Dược Hà Nội, cùng sự quan tâm tới Y dược học dân tộc, tôi thực hiện tiểu luận với chủ đề: “Học thuyết Âm dương, học thuyết Ngũ hành và việc vận dụng trong Y dược học cổ truyền”, với các mục tiêu chính: Tổng quan một số nội dung cơ bản trong học thuyết âm dương và học thuyết Ngũ hành. Tổng quan về việc vận dụng học thuyết âm dương, học thuyết Ngũ hành trong Y dược học cổ truyền.