1. Lý do và tính cấp thiết của việc nghiên cứu đề tài Các sự kiện của những thập kỷ gần đây cho thấy rằng, bước chuyển tiếp của nền văn minh nhân loại sang giai đoạn mới vừa tạo nên những nhân tố làm cho mối liên hệ và ảnh hưởng qua lại giữa các dân tộc và bộ tộc tăng lên, vừa tạo nên nhu cầu và điều kiện cho sự bảo lưu và phát triển nhiều nét riêng biệt trong bản sắc của mỗi dân tộc bộ tộc. Mặt khác, do trình độ quốc tế hóa đời sống tăng lên chưa từng thấy làm cho xu hướng xích lại gần nhau giữa các dân tộc ngày càng mạnh mẽ. Sự phát triển thống nhất trong mâu thuẫn giữa hai xu hướng đó làm xuất hiện hàng loạt vấn đề cần giải quyết liên quan đến vận mệnh từng dân tộc và đụng chạm đến mối quan hệ giữa các dân tộc. Đặc biệt những năm gần đây với những biến động lớn trong đời sống chính trị xã hội trên thế giới; vấn đề dân tộc mà trọng tâm là các quan hệ dân tộc cũng diễn biến rất đa dạng và phức tạp. Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, gồm 54 dân tộc anh em, trong đó người Kinh là dân tộc đa số. Các dân tộc thiểu số ở Việt Nam chủ yếu sống tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới là địa bàn quan trọng, có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng. Đảng và Nhà nước ta đã ban hành và thực hiện nhiều chủ trương chính sách phát triển kinh tế xã hội. Nhờ đó đời sống vật chất tinh thần của các dân tộc ngày càng được nâng cao, văn hóa các dân tộc luôn được coi trọng, mối quan hệ đoàn kết giữa các dân tộc ngày càng được tăng cường. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, đời sống của một bộ phận không nhỏ các dân tộc thiểu số sống ở miền núi, vùng sâu vùng xa còn gặp rất nhiều khó khăn, thiểu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Tình trạng trên không những làm cho các dân tộc thiểu số khó vươn lên hòa nhập cùng với sự phát triển chung của cả nước mà còn tạo ra khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, tiềm ẩn những yếu tố có thể gây mất ổn định chính trị xã hội, nhất là khi bị các thế lực thù địch lợi dụng Để giải quyết tốt vấn đề dân tộc, cần hiểu rõ vấn đề dân tộc và mối quan hệ giữa các dân tộc cần giải quyết ra sao, qua đó xác định được tầm quan trọng của việc giải quyết vấn đề dân tộc, xác định xu hướng khách quan của sự phát triển dân tộc và từ đó đề ra phương hướng giải quyết tốt nhất, triệt để nhất. Điều đó chỉ có thể thực hiện được trên cơ sở nghiên cứu và vận dụng các quan điểm khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác Lênin về vấn đề dân tộc. Từ tình hình trên, tác giả nhận thấy việc nghiên cứu về vấn đề dân tộc là cần thiết, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và có ý nghĩa lý luận sâu sắc. Chính vì những lý do trên tác giả chọn đề tài: “Phân tích các nội dung trong cương lĩnh dân tộc của Lênin. Nêu ý nghĩa của cương lĩnh và sự vận dụng sáng tạo của chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản Việt Nam vào thực tiễn cách mạng Việt Nam” làm đề tài tiểu luận cho học phần: Lý luận dân tộc và chính sách dân tộc