Mỗi chương trình được phát sóng, mỗi tác phẩm được đưa thể hiện trong chương trình, mỗi chủ đề tư tưởng, nội dung của chương trình,…những yếu tố ấy được công chúng tiếp nhận như thế nào, ngoài khả năng sáng tạo tác phẩm của các phóng viên, biên tập viên thực hiện thì ta không thể phủ nhận được vai trò quan trọng của người dẫn chương trình. Bởi lẽ hoạt động dẫn chương trình có vai trò vô cùng quan trọng trong việc cung cấp thông tin tới công chúng. Trước hết, ta có thể hiểu rằng dẫn chương trình là quá trình giao tiếp với công chúng. Trong cả hoạt động dẫn chương trình truyền hình và dẫn chương trình phát thanh, người dẫn chương trình luôn có sự kết nối, trò chuyện, giao tiếp với công chúng, có thể bằng hình thức trực tiếp hay gián tiếp. Bên cạnh đó, hoạt động dẫn chương trình còn tạo được sức hấp dẫn để công chúng lắng nghe. Nếu chỉ đơn thuần là phát các tác phẩm trong mỗi chương trình mà không có sự dẫn dắt, kết nối giữa các phần của người dẫn chương trình; hoặc năng lực của người dẫn chương trình chưa đủ để tạo ra sức hấp dẫn cho chương trình thì công chúng sẽ khó để tiếp nhận thông tin trong chương trình. Do vậy, tuy hoạt động dẫn chương trình xét một cách độc lập có vai trò tạo sức hấp dẫn để công chúng lắng nghe nhưng hiệu quả đạt được như thế nào còn phụ thuộc rất nhiều vào năng lực, phẩm chất của người dẫn. Và cuối cùng, hoạt động dẫn chương trình có vai trò nêu bật ý nghĩa của thông tin được đề cập tới trong mỗi chương trình, mỗi tác phẩm. Các chương trình trên sóng phát thanh được chia thành 3 nhóm chính: Chương trình tin tức, chương trình trao đổi và chương trình giải trí. Mỗi nhóm chương trình đều có những đặc điểm riêng, phù hợp với tính chất của nhóm chương trình đó. Và với tính chất của mỗi nhóm chương trình, hoạt động dẫn chương trình cũng có những nét đặc trưng, tương ứng với tính chất của từng nhóm chương trình.