1. Trang chủ
  2. » Luận Văn - Báo Cáo

Totem sói của khương nhung với văn học tầm căn

57 984 4

Đang tải... (xem toàn văn)

Tài liệu hạn chế xem trước, để xem đầy đủ mời bạn chọn Tải xuống

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 57
Dung lượng 507,4 KB

Nội dung

này có thể đem đến một cách đọc, một hướng khai thác mới với Tôtem sói từ góc độ “tầm căn”, góp phần rút ngắn cự li giữa tác phẩm văn học nước ngoài với tác phẩm văn học trong nước, tiếp

Trang 1

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2

KHOA NGỮ VĂN -*** -

PHẠM THỊ THU TRANG

TÔTEM SÓI CỦA KHƯƠNG NHUNG

VỚI VĂN HỌC TẦM CĂN

KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC

Chuyên ngành: Văn học nước ngoài

HÀ NỘI - 2013

Trang 2

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2

KHOA NGỮ VĂN -*** -

PHẠM THỊ THU TRANG

TÔTEM SÓI CỦA KHƯƠNG NHUNG

VỚI VĂN HỌC TẦM CĂN

KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC

Chuyên ngành: Văn học nước ngoài

Người hướng dẫn khoa học

TS NGUYỄN THỊ BÍCH DUNG

HÀ NỘI – 2013

Trang 3

LỜI CẢM ƠN

Khóa luận này được hoàn thành dưới sự hướng dẫn của cô giáo Nguyễn Thị Bích Dung Lời đầu tiên tác giả khóa luận muốn chuyển tới cô giáo lời cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất

Người viết cũng xin được gửi lời trân trọng cảm ơn đến các thầy cô giáo trong tổ Văn học nước ngoài và các thầy cô giáo trong khoa Ngữ văn – trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã tạo điều kiện giúp đỡ người viết trong quá trình thực hiện khóa luận này

Hà Nội, tháng 05 năm 2013

Người thực hiện

Phạm Thị Thu Trang

Trang 4

LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi dưới sự hướng dẫn của cô giáo Nguyễn Thị Bích Dung Các số liệu trong khóa luận này là trung thực Khóa luận này chưa từng được công bố trong bất kì công trình nghiên cứu nào Nếu sai tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm

Hà Nội, tháng 05 năm 2013

Người thực hiện

Phạm Thị Thu Trang

Trang 5

MỤC LỤC

MỞ ĐẦU 1

1 Lí do chọn đề tài 6

2 Lịch sử nghiên cứu vấn đề 7

3 Nhiệm vụ nghiên cứu 10

4 Đối tượng nghiên cứu và phạm vi khảo sát 10

5 Phương pháp nghiên cứu 10

6 Đóng góp của khóa luận 11

7 Bố cục của khóa luận 11

NỘI DUNG 12

Chương 1 TẦM CĂN – MỘT TRÀO LƯU MỚI CỦA VĂN HỌC ĐƯƠNG ĐẠI TRUNG QUỐC 12

1.1 Khái niệm “tầm căn” và Văn học Tầm Căn 12

1.1.1 Khái niệm “tầm căn” 12

1.1.2 Khái niệm Văn học Tầm Căn 12

1.2 Đặc trưng của Văn học Tầm Căn 12

Chương 2 TÔTEM SÓI CỦA KHƯƠNG NHUNG VỚI VĂN HỌC TẦM CĂN 17

2.1 Khái niệm tôtem và ý nghĩa của nó 17

2.1.1 Khái niệm tôtem 17

2.1.2 Ý nghĩa tôtem với Văn học Tầm Căn 17

2.2 Tôtem sói của Khương Nhung với Văn học Tầm Căn 17

2.2.1 Tầm căn từ phương diện lịch sử 17

2.2.2 Tầm căn từ phương diện dân tộc học 25

2.2.3 Tầm căn từ phương diện văn hóa 40

KẾT LUẬN 55

TÀI LIỆU THAM KHẢO 57

Trang 6

MỞ ĐẦU

1 Lí do chọn đề tài

1.1 Cùng với Văn học Vết Thương, Văn học Tiên Phong Tầm Căn là

trào lưu mới của văn học Trung Quốc đương đại Đó là trào lưu văn học tìm

về cội nguồn, đưa ra những kiến giải mới mẻ và lí thú về nguồn gốc của

người Trung Hoa Văn học Tầm Căn ngày càng nhận được sự đón nhận nồng

nhiệt từ công chúng và thu hút một lượng lớn tác giả tham gia sáng tác như

Uông Tăng Kì, Giả Bình Ao Nhưng phải tới Khương Nhung với Tôtem sói

vấn đề nguồn gốc của dân tộc Hoa Hạ mới thực sự được chỉ ra rõ nét và

“khai quật” một cách triệt để, có hệ thống (chữ dùng của Khương Nhung)

Tôtem sói được công bố trong thời kì Đổi mới của văn học Trung Quốc và

ngay lập tức nhận được sự đánh giá trái chiều từ nhiều phía Tác phẩm nhanh chóng gây xôn xao dư luận bởi những lập thuyết mới mẻ về cội nguồn của người Hoa Hạ, đánh động vào quan niệm “thâm căn cố đế” tồn tại hàng nghìn năm trên đất Trung Hoa Đọc xong tác phẩm người ta thấy một mối hoài nghi lớn: Chúng ta là truyền nhân của Rồng hay Sói? Dân tộc nông canh Hoa Hạ tồn tại, phát triển và duy trì được nền văn minh không đứt đoạn phải chăng là nhờ sự tiếp máu của dân tộc du mục sống trên lưng ngựa và tôn thờ tôtem sói?

Tôtem sói còn gây sốc bởi doanh thu khổng lồ mà nó đem lại cho tác giả của

mình từ việc mua lại bản quyền xuất bản sách, dịch tác phẩm và chuyển thể sang phim hoạt hình

1.2 Cái tên Tôtem sói nói riêng, Văn học Tầm Căn nói chung còn là

những thuật ngữ mới mẻ và có phần xa lạ với độc giả Việt Nam Bởi hầu hết

các tác phẩm thuộc dòng Văn học Tầm Căn vẫn chưa được dịch ra tiếng Việt

và cũng chưa có một công trình nghiên cứu nào xứng tầm với Tôtem sói

Tôtem sói và Văn học Tầm Căn mới chỉ chủ yếu được điểm danh trên một số

mặt báo, tạp chí, một số bài phê bình, tiểu luận Bởi thế khóa luận nghiên cứu

Trang 7

này có thể đem đến một cách đọc, một hướng khai thác mới với Tôtem sói từ

góc độ “tầm căn”, góp phần rút ngắn cự li giữa tác phẩm văn học nước ngoài với tác phẩm văn học trong nước, tiếp nối dòng chảy từ văn học truyền thống tới văn học đương đại, làm xích lại gần hơn tác phẩm văn học trong đời sống

xã hội và tác phẩm văn học trong nhà trường Điều đó có nghĩa người viết chọn đề tài nghiên cứu này phần nào giúp bạn đọc hình dung một cách đầy đủ

về cục diện nền văn học đương đại Trung Quốc nói chung, cập nhật một tác phẩm văn học mới trong Nhà trường Sư phạm

Xuất phát từ sự yêu thích đặc biệt của bản thân với Tôtem sói của Khương Nhung cũng như trào lưu Văn học Tầm Căn mà tác giả khóa luận

chọn đề tài này

2 Lịch sử nghiên cứu vấn đề

Từ sự nghiên cứu và tìm hiểu chúng tôi nhận thấy đề tài mà chúng tôi triển khai là một đề tài mới mẻ và chưa được khai thác, tìm hiểu một cách

chuyên sâu bởi Văn học Tầm Căn cũng như Tôtem sói còn là những cái tên xa

lạ đối với nhiều nhà nghiên cứu và đông đảo bạn đọc Việt Nam

Xuất hiện từ giữa những năm 80 của thế kỉ trước với sự mở đường của

Hàn Thiếu Công, Văn học Tầm Căn là một trong những trào lưu mới của văn

học Trung Quốc đương đại Tính đến nay những tác phẩm đã được chuyển ngữ tại Việt Nam không nhiều, số lượng các công trình nghiên cứu có hệ

thống về trào lưu văn học này lại càng hiếm Văn học Tầm Căn mới chỉ được

nhắc tới sơ lược trong một số bài viết khái quát về tình hình văn học Trung Quốc thời kì mới của các tác giả Hồ Sĩ Hiệp, Lê Huy Tiêu và một số tác giả cộng tác trên báo mạng xã hội

Trong số các tên tác giả đã được điểm danh ở trào lưu Văn học Tầm Căn

thì có lẽ Khương Nhung là cái tên có phần lạ lẫm hơn cả với công chúng Trung Quốc và Việt Nam

Trang 8

Tôtem sói là tác phẩm đầu tay nhưng cũng được xem là tác phẩm thành

công nhất của nhà văn Khương Nhung Tác phẩm được thai nghén trong suốt

20 năm và viết trong 6 năm Đây là kết quả của chuyến đi thực tiễn và sinh sống trên thảo nguyên Ơlôn của tác giả dưới thời kì “Đại Cách mạng Văn hóa” ở Trung Quốc Trước khi xuất hiện tại Việt Nam, tác phẩm đã gây xôn xao dư luận thế giới với nhiều ý kiến trái chiều Người khen khen hết lời, coi đây là kho tàng văn hóa kì diệu, là một bộ kì thư của nhân loại Người chê thì chê không ngớt đả đảo tinh thần phát xít, phản động ẩn bóng trong tác phẩm… Tuy nhiên vượt lên trên tất cả cuốn sách vẫn dành được sự ái mộ và đón đọc của hàng triệu độc giả trên thế giới đồng thời nhận được số tiền chuyển giao bản quyền lên tới con số kỉ lục từ trước tới nay Cuốn sách đã mang lại vinh dự cho tác giả của nó với 12 giải thưởng văn chương và danh giá nhất là giải thưởng văn chương châu Á đầu tiên trong lịch sử - Man Asian

Booker Prize Sau khi Tôtem sói “xuất đầu lộ diện” ở Trung Quốc không lâu,

các nhà xuất bản nước ngoài đã ráo riết mua bản quyền chuyển ngữ tác phẩm Một số nhà xuất bản ở Tokyo đưa ra con số 300.000 USD riêng cho bản

quyền đưa cuốn sách này lên phim hoạt hình Nhà xuất bản Penguin Books ở

Anh đã lập kỉ lục khi ứng trước 100.000 USD mua bản quyền phát hành cuốn

sách bằng tiếng Anh trên toàn thế giới Và nhà xuất bản Bertelsmann đặt

20.000 Euro cho bản quyền tiếng Đức…

Ở Việt Nam cuốn sách được nhà xuất bản Công an Nhân dân ấn hành đầu năm 2007 do dịch giả Trần Đình Hiến chuyển ngữ Sau khi xuất hiện Tôtem sói

cũng dấy lên làn sóng tranh luận trong giới nghiên cứu phê bình văn học cũng như độc giả yêu thích văn học nước ngoài ở Việt Nam Ngày 08/ 08/ 2007 tại

Thư viện – Café Đông Tây (nhà 11A, phố Trần Quý Kiên, Cầu Giấy, Hà Nội), Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây kết hợp với báo Người Hà Nội đã tổ

chức buổi tọa đàm về Tôtem sói với các nội dung chính như: Giới thiệu bản

Trang 9

dịch Tôtem sói của dịch giả Trần Đình Hiến và những dư luận xoay quanh tác

phẩm ở Việt Nam và trên thế giới; trao đổi về nội dung, tư tưởng và nghệ thuật tiểu thuyết; trao đổi về chất lượng bản dịch và về xu hướng chọn tác phẩm văn học nước ngoài để dịch sang tiếng Việt trong điều kiện xã hội – văn hóa Việt Nam hiện nay Trong buổi tọa đàm nhiều nhà nghiên cứu phê bình văn học có

uy tín đều khẳng định: “Đây là cuốn sách hay, rất đáng được chuyển ngữ để bạn đọc Việt Nam có cơ hội tìm hiểu và chúng ta nên tiếp cận cuốn sách từ góc nhìn dành cho một cuốn tiểu thuyết chứ không phải theo quan điểm tư tưởng chính trị” Theo ý kiến của đông đảo các nhà văn, nhà giáo, nhà nghiên cứu có mặt tại đó thì đây là cuốn sách có giá trị trên nhiều phương diện: văn hóa, khoa học, sử học, nghiên cứu tự nhiên…

Ngoài ra Tôtem sói cũng nhận được nhiều bài viết phê bình, phân tích

trên các trang báo khác nhau, đặc biệt là những chia sẻ trên Internet

Trên trang http:www.Nhandan.com.vn, tác giả Hồng Minh đã trích dẫn cuộc phỏng vấn dịch giả Trần Đình Hiến về tác phẩm Tôtem sói của Khương

Nhung do ông chuyển ngữ với nhan đề bài viết “Tôtem sói – một kho tàng kiến thức kì diệu” Theo dịch giả tác phẩm: “Đọc tác phẩm này là một cơ may cho độc giả Việt Nam Bởi các nhà văn sẽ tìm thấy trong đó những bài học về sáng tác, cách khai thác đề tài cũng như loại hình tác phẩm, các nhà khoa học, đặc biệt các nhà sử học sẽ coi cuốn sách như một giả thuyết về lịch sử trong đó đặt

ra và giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến nguồn gốc loài người, về văn hóa,

xã hội của Trung Quốc Còn đối với bạn đọc trẻ, những người ham hiểu biết, đây sẽ là một cơ hội khám phá tuyệt vời về thế giới tự nhiên, về cuộc sống nơi

thảo nguyên mênh mông Tôtem sói là một kho tàng kiến thức kỳ diệu, thú vị

về một nền văn hóa chưa được biết tới, chưa được đánh giá đúng”

Trên trang Evan.com, tác giả Lan Anh cũng đưa ra những ý kiến của mình về tác phẩm Tôtem sói với nhan đề bài viết là “Tôtem sói” Nội dung

của bài viết tập trung vào việc đưa ra những ý kiến phân tích tác phẩm Đó là

Trang 10

việc thông qua hình tượng sói tác giả đã đặt ra nhiều giả thuyết mới về lịch sử Trung Hoa Khương Nhung đã tái tạo bản anh hùng ca bi tráng về loài sói và những người dân du mục cuối cùng của Mông Cổ trong thời kì “Đại Cách mạng Văn hóa vô sản”

Ngoài những bài viết trên, Tôtem sói còn được nhắc tới trên các trang báo mạng khác như LAODONG_COM_VN, Thuvien_ebook_com…

Tuy nhiên hiện nay chưa có một công trình nghiên cứu nào quy mô và

xứng tầm với những đóng góp to lớn của Tôtem sói với trào lưu Văn học Tầm

Căn do tác phẩm còn nhiều mới mẻ với độc giả Việt Nam và xoay quanh nó

còn tồn tại nhiều ý kiến tranh luận trái chiều chưa ngã ngũ

3 Nhiệm vụ nghiên cứu

- Nêu bật những đặc trưng cơ bản của trào lưu Văn học Tầm Căn

- Qua phân tích tác phẩm Tôtem sói chỉ ra được những lập thuyết mới mẻ

của nhà văn Khương Nhung về cội nguồn của người Trung Quốc, thấy được

những đóng góp to lớn của Tôtem sói đối với trào lưu Văn học Tầm Căn

4 Đối tượng nghiên cứu và phạm vi khảo sát

●Đối tượng nghiên cứu:

Tôtem sói của Khương Nhung với Văn học Tầm Căn

●Phạm vi khảo sát:

Do khuôn khổ giới hạn, chúng tôi chỉ tiến hành khảo sát tác phẩm Tôtem

sói của Khương Nhung do Nxb Công an Nhân dân ấn hành đầu năm 2007

được dịch giả Trần Đình Hiến chuyển ngữ

5 Phương pháp nghiên cứu

Để thực hiện đề tài này, tác giả khóa luận đã sử dụng nhiều phương pháp nghiên cứu khác nhau Trong đó có thể kể tới một số phương pháp chính như sau:

- Phương pháp thống kê

- Phương pháp so sánh

Trang 11

- Phương pháp phân tích, tổng hợp

6 Đóng góp của khóa luận

Trong khóa luận này, chúng tôi đã đi vào phân tích Tôtem sói từ ý

nghĩa “tầm căn” của nó để cung cấp cho độc giả những nhận thức về trào lưu

Văn học Tầm Căn và những giả thuyết, kiến giải “phản truyền thống” về gốc

tích Hoa tộc của nhà văn Khương Nhung

7 Bố cục của khóa luận

Ngoài hai phần Mở đầu và Kết luận, Nội dung khóa luận được triển khai qua hai chương chính:

- Chương 1: Tầm Căn – một trào lưu mới của văn học đương đại

Trung Quốc

- Chương 2: Tôtem sói của Khương Nhung với Văn học Tầm Căn

Trang 12

NỘI DUNG Chương 1

TẦM CĂN – MỘT TRÀO LƯU MỚI CỦA VĂN HỌC ĐƯƠNG ĐẠI

TRUNG QUỐC

1.1 Khái niệm “tầm căn” và Văn học Tầm Căn

1.1.1 Khái niệm “tầm căn”

Theo chiết tự thì “tầm” có nghĩa là tìm kiếm, “căn” là gốc rễ Đây là một

từ Hán Việt được trích từ câu “Tầm căn vấn đề” Như vậy hiểu một cách sâu

xa thì “tầm căn” nghĩa là tìm kiếm, truy nguyên ngọn nguồn gốc rễ vấn đề [9]

1.1.2 Khái niệm Văn học Tầm Căn

Văn học Tầm Căn là thuật ngữ dùng để chỉ một trào lưu văn học mới,

khởi thủy từ Trung Quốc Hiểu một cách đơn giản thì đây là trào lưu văn học

có khuynh hướng tìm lại cội nguồn dân tộc, đi vào giải mã những bí ẩn về gốc tích của chính quốc dân hoặc đặt ra những giả thuyết mới có tính chủ quan về các vấn đề truyền thống dân tộc và trầm tích văn hóa cổ xưa

1.2 Đặc trưng của Văn học Tầm Căn

“Đại Cách mạng Văn hóa” (1966 - 1976) kết thúc, “bè lũ bốn tên” bị tiêu diệt đã đưa văn học Trung Quốc nói chung, tiểu thuyết Trung Quốc nói riêng

đi vào thời kì nở rộ với sự phát triển rực rỡ, mới lạ cả về nội dung và hình thức Làm nên diện mạo văn học Trung Quốc đương đại là những nhà văn thuộc “thế hệ thứ 5”, lớp nhà văn xuất hiện và mau chóng trưởng thành sau

“Đại Cách mạng Văn hóa” - với các đại diện tiêu biểu: Lưu Chấn Vân, Mã Nguyên, Mạc Ngôn, Giả Bình Ao, Trương Khiết, Thẩm Dung, Tông Phác Đây là những nhà văn đã phải chịu đựng nhiều đau khổ, mất mát trong những năm “đại động loạn” Khác với các lớp nhà văn trước đó, lớp “nhà văn thứ năm” là những người “ưu thời mẫn thế”, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới và dám đối mặt với hiện thực, họ đã mạnh mẽ đứng lên vạch trần tội lỗi của “bè

Trang 13

lũ bốn tên”, vạch trần những tàn dư xấu xa trong xã hội Lớp nhà văn này đã làm nên nền tiểu thuyết đương đại Trung Quốc với rất nhiều trường phái Mở

đầu là dòng tiểu thuyết Văn học Vết Thương tố cáo tính vô nhân đạo của “Đại

Cách mạng Văn hóa” Đến năm 1985, trong bối cảnh “cơn sốt văn hóa” lan

rộng, văn học Trung Quốc xuất hiện một trào lưu văn học mới – trào lưu Văn

học Tầm Căn

Nguyên nhân nảy sinh dòng tiểu thuyết này là sự xuất hiện bài viết “Gốc

rễ của văn học” (“Văn học đích căn”) của Hàn Thiếu Công đăng trên tạp chí

Nhà văn tháng 6 năm 1985 Bài viết được coi như là tuyên ngôn của trường

phái này Tác giả bài viết cho rằng: “Văn học có gốc rễ, gốc rễ của văn học cần phải ăn sâu vào mảnh đất văn hóa truyền thống Rễ không sâu, cành lá khó mà mọc” Trách nhiệm của nhà văn là “giải phóng nhiệt năng” của quan niệm hiện đại để tạo lại và đánh bóng lại “tự ngã dân tộc” Sau đó, trên văn đàn Trung Quốc đã dấy lên một cơn sốt "Tìm gốc rễ văn học", một loạt tác giả bắt dầu dốc sức khai quật ý thức truyền thống và tâm lý văn hóa dân tộc

Tập hợp các tác phẩm của họ được gọi là Văn học Tầm Căn (Văn học tìm về

cội nguồn) Hàn Thiếu Công cũng cho rằng: nền văn minh Trung Hoa là nền

văn minh đặc thù, không hề bị gián đoạn, không biến mất, rất hiếm thấy trong phạm vi cả thế giới, bên cạnh đó, nền văn hóa truyền thống của Trung Quốc được bảo tồn khá nhiều ở nông thôn Trung Quốc, là một mẫu của nền văn minh, nông thôn lẽ ra phải là nguồn gốc sáng tác của các tác giả Ông nói:

"Chúng tôi đang làm một công tác khá quan trọng, đó là phân tích và chẩn đoán xã hội và gen văn hóa bản xứ của Trung Quốc Sở dĩ độc giả thích đọc một số tác phẩm của tôi là vì họ nhìn thấy một khuôn mặt mới mẻ của Trung Quốc" Nhà văn A Thành, Trịnh Nghĩa, Mạc Ngôn, v.v… đều lên tiếng hưởng ứng và sau đó hình thành một trường phái khá đông đảo, bao gồm các nhà văn trẻ tiêu biểu như Lý Đà, Lý Khánh Dục, Trịnh Vạn Long, Lý Khánh Tây, Uông Tăng Kì, Giả Bình Ao, v.v…

Trang 14

Văn học Tầm Căn khác với Văn học phản tư và Văn học cải cách nhưng

nó lại là sự phát triển chiều sâu của hai dòng tiểu thuyết trên Từ góc độ Văn

học phản tư mà nói, Tầm Căn là sự tiếp nối diễn biến của phản tư, tức phản tư

về truyền thống dân tộc và trầm tích văn hóa cổ xưa; đứng về góc độ Văn học

cải cách mà nói, đó chính là sự cải cách thấm sâu, động chạm đến truyền

thống văn hóa dân tộc, thúc đẩy nhà văn suy nghĩ về giá trị văn hóa của ngày hôm nay

Các nhà nghiên cứu phân loại Văn học Tầm Căn Trung Quốc thành hai nhánh chủ yếu: Tầm Căn nguyên thủy và Tầm Căn truyền thống

Tầm Căn nguyên thủy thông qua miêu tả cuộc sống nguyên thủy hoặc

bán nguyên thủy của các dân tộc ở vùng thảo nguyên, sa mạc, rừng sâu để ca ngợi sức sống bền bỉ của người xưa Điều này thể hiện chủ yếu qua sự giằng

co giữa văn minh và dã man, giữa hiện đại và cổ xưa, khoa học và tín ngưỡng Các tác phẩm của Hàn Thiếu Công thể hiện nền “văn hóa Sở” thần bí, cuồng phóng, cô phàm, kì vĩ; một loạt tiểu thuyết trong “hệ thống sông Cát Xuyên” của Lý Khánh Dục đượm sắc thái của “văn hóa Ngô Việt”; rất nhiều tiểu thuyết viết về vùng Thương Châu của Giả Bình Ao đậm đà màu sắc “văn hóa Tần Hán”; tiểu thuyết của Mạc Ngôn viết về vùng cao lương Đông Bắc của Trung Quốc; tiểu thuyết của nhà văn dân tộc thiểu số Uzơrơtu viết về cuộc sống nguyên thủy của dân tộc Ewenki vùng Đông Bắc Trung Quốc; tiểu thuyết của Jia-xi-ta-oa viết về cuộc sống nguyên thủy và tôn giáo thần bí của

cư dân vùng Tây Tạng

Tầm Căn truyền thống lại nặng về miêu tả cuộc sống tâm linh của người

dân Ví dụ tác phẩm Thụ giới của Uông Tăng Kì đã thông qua mối tình giữa

một cô gái nông thôn và một chú tiểu để chứng minh đạo Phật không thể tiêu

diệt sức mạnh tinh thần tự nhiên của con người Tiểu thuyết Tuấn Mã Đen,

Dòng sông phương Bắc của Trương Thừa Chí phản ánh sinh hoạt tôn giáo của

Trang 15

dân tộc Hồi Tiểu thuyết bộ ba Vua cờ, Vua cây, Vua trẻ con của A Thành

thấm đượm triết học Lão Trang

Nhìn chung Văn học Tầm Căn Trung Quốc chịu ảnh hưởng sâu sắc của chủ

nghĩa hiện thực huyền ảo của Mĩ La-tinh Đặc trưng của loại tiểu thuyết này là

sự kết hợp giữa ý thức tầm căn văn hóa với ý thức lo âu dân tộc, thủ pháp nghệ thuật của nó là “biến hiện thực thành ảo giác mà không đánh mất tính chân thực” Khuynh hướng cơ bản của tác phẩm là tả thực của chủ nghĩa hiện thực, nhưng hình thái bên ngoài đầy vẻ thần bí, quái dị Hiện thực được khoa trương phóng đại, biến dạng thành truyền thuyết thần thoại, dường như các nhà tiểu

thuyết Tầm Căn đan xen giữa hiện thực và thần thoại, truyền thuyết, sáng tạo ra

một “hiện thực” theo ý thức chủ quan của mình Các nhà văn không chú trọng sáng tạo ra hình tượng nhân vật hoàn chỉnh mà cố gắng thể hiện ý chí sinh tồn mạnh mẽ và tâm lí đổi thay do cuộc sống biến dạng tạo nên

Những đổi thay trong bút pháp của các nhà văn Trung Quốc là học được

từ chủ nghĩa hiện thực huyền ảo của Mĩ La-tinh Những cuốn tiểu thuyết Tầm

Căn Trung Quốc ở mức độ khác nhau đều có những đặc điểm của sáng tác

hiện thực huyền ảo Thứ nhất là sự kết hợp kì diệu giữa miêu tả thần kì với phản ánh hiện thực, tuy hiện thực đã được huyền thoại hóa nhưng không mất

đi tính chân thực; thứ hai là xóa bỏ ranh giới giữa sống và chết, giữa người và

ma, làm cho hiện thực gắn với phi hiện thực; thứ ba là phá bỏ hạn chế về không gian – thời gian, lối thuật chuyện rất linh hoạt, có thể xuôi theo thời gian, cũng có thể quay ngược thời gian, kể đi kể lại nhiều lần; thứ tư, sử dụng nhiều thủ pháp ẩn dụ, tượng trưng, ám thị, ngụ ngôn dự báo, v.v để tăng không khí thần bí của truyện; thứ năm, cốt truyện thường xen kẽ truyền thuyết dân gian, thần thoại, có khi thần thoại và hiện thực hòa trộn với nhau là một

Chẳng hạn Người đào sâm đã có cuộc gặp gỡ kì lạ với những tên trộm “kì

phùng địch thủ” của mình Nhưng điều đặc biệt là cuộc gặp gỡ này diễn ra tại

Trang 16

thế giới hiện thực mà không hiện thực, ảo ảnh mà không ảo ảnh – thế giới trong gương

Cách giải quyết xung đột trong các tác phẩm thuộc dòng Văn học Tầm

Căn cũng đầy bất ngờ, thú vị Ví dụ trong tác phẩm Thợ săn, tác giả đã tái

hiện cuộc giao tranh giữa người thợ săn và sói Cuộc giao tranh đang diễn ra

ác liệt thì đột nhiên xuất hiện xác một người đàn ông dưới vực sâu mà điều đặc biệt là người đàn ông ấy lại không phải là người thợ săn Kết thúc bất ngờ

ấy đã tạo khoảng trống cho người đọc suy ngẫm: Vậy thực chất người thợ săn săn người hay săn sói? Cuộc giao tranh đang theo dõi là cuộc giao tranh giữa người với sói hay giữa người với người? Tác phẩm vì thế gợi ra suy ngẫm thấm đẫm triết lí nhà Phật “Săn đuổi cái gì thì ắt biến thành cái ấy”

Không gian, thời gian trong các tác phẩm này cũng dị biệt, khác thường

Đó là không gian kì ảo, là thời gian có sự xáo trộn, ngược dòng…

Tuy nhiên tiểu thuyết Tầm Căn có khuyết điểm là lí giải cái “gốc” (căn) hơi cứng nhắc, phi lịch sử, dẫn tới tình trạng có một số nhà văn quá sùng bái cái thô, cái tục, cái cổ, cái man dại, tỏ ra coi trọng cái xa xưa mà xem nhẹ cái gần gũi trước mắt, như thế là mắc vào cái bệnh “hậu cổ bạc kim”

Song tiểu thuyết Tầm Căn nói riêng và Văn học Tầm Căn nói chung có ý

nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của văn học Trung Quốc đương đại vì: nó nhìn nhận lại văn hóa truyền thống, tìm tòi phương thức tư duy nghệ thuật tượng trưng, đột phá diện phản ánh mà tiểu thuyết cũ chỉ dừng lại ở cuộc sống hiện thực, dung nạp phương pháp biểu hiện của nghệ thuật hiện đại chủ nghĩa, góp phần hình thành nên cục diện đa nguyên của văn học Trung Quốc đương thời

Trang 17

Chương 2

TÔTEM SÓI CỦA KHƯƠNG NHUNG VỚI VĂN HỌC TẦM CĂN

2.1 Khái niệm tôtem và ý nghĩa của nó

2.1.1 Khái niệm tôtem

Tôtem là động vật, cây, vật hoặc hiện tượng tự nhiên mà tộc người nguyên thủy tin là có mối quan hệ siêu tự nhiên, có sự gần gũi máu mủ với mình và coi là biểu tượng thiêng liêng của mình [7, tr.1248]

2.1.2 Ý nghĩa Tôtem với Văn học Tầm Căn

Tôtem là một khái niệm không mới và đối với dòng Văn học Tầm Căn

việc tìm hiểu tôtem mang một ý nghĩa hết sức quan trọng Bởi nói một cách đơn giản thì tôtem của một dân tộc chính là linh vật, vật tổ của dân tộc ấy Nó biểu tượng cho đời sống tinh thần của con người trong cộng đồng dân tộc Và cũng từ mối quan hệ gần gũi với linh vật, tôtem giúp lí giải tồn tại xã hội nguyên thủy của một tộc người cũng chính là truy tìm được cội nguồn lịch sử của dân tộc ấy

2.2 Tôtem sói của Khương Nhung với Văn học Tầm Căn

2.2.1 Tầm căn từ phương diện lịch sử

Nếu như xem các quan điểm trước Khương Nhung về nguồn gốc dân tộc Hoa Hạ là quan điểm truyền thống thì tới Khương Nhung – nhà văn đã đưa ra những lập thuyết hoàn toàn mới mẻ và có phần táo bạo khi dám đả đảo quan niệm “thâm căn cố đế” tồn tại hàng nghìn năm trên đất Trung Hoa để “khai

quật” một cách khoa học cội nguồn lịch sử của dân tộc mình Tôtem sói đã

truy tìm ngọn nguồn gốc tích Hoa tộc từ việc trở lại căn vấn vấn đề tôtem nguyên thủy của tiên dân Trung Quốc

“Quan niệm truyền thống ở Trung Quốc cho rằng rồng là một trong bốn

linh vật mà Lễ Ký (thiên Lễ Vận) chép: “Lân, phụng, quy, long, vị chi tứ linh.” (Lân, phượng, rùa, rồng gọi là tứ linh) Tuy xếp hàng thứ tư trong tứ

Trang 18

linh nhưng rồng có ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống tinh thần của người dân Trung Quốc Sùng bái rồng trong xã hội nguyên thủy chiếm địa vị trọng yếu trong tín ngưỡng linh vật hay vật tổ (tôtem: đồ đằng sùng bái) và liên quan mật thiết tới chính trị, kinh tế, văn học, nghệ thuật, phong tục dân gian từ đời

Hạ, đời Thương Ảnh hưởng này kéo dài mấy ngàn năm không suy giảm” [4] Minh chứng cho sự sùng bái tôtem rồng của tiên dân nguyên thủy Hoa

Hạ là di chỉ khảo cổ của cuộc phát tích vào cuối năm 1987 tại huyện Bộc Dương, tỉnh Hà Nam Các nhà khảo cổ Trung Quốc đã khai quật được một con rồng bằng gốm giám định là có 6000 năm tuổi Trước đó, năm 1971 tại Tamtinh Thala cũng xuất thổ một con rồng ngọc, thuộc văn hóa Hồng Sơn, thời kì đồ đá mới Rồng còn luôn hiện hữu trong các chuyện thần thoại Trung Quốc, trong các cổ vật, tranh vẽ, lời bói trên mai rùa, xương thú khai quật

được và trong các thư tịch cổ như Chu Dịch, Sơn Hải Kim, Tả truyện, v.v…

Như vậy, tôtem rồng đã xuất hiện ở Trung Quốc cách đây 5000 – 6000 năm Điều đó cho thấy tôtem rồng là một trong những tôtem nguyên thủy quan trọng nhất của dân tộc Hoa Hạ Từ xa xưa người Trung Quốc đã tôn sùng và thuật tả rất cụ thể về rồng

Thuyết Văn Giải Tự giảng về rồng (long) là: “Lân trùng chi trưởng, năng

u năng minh, năng tế năng cự, năng đoản năng trường, xuân phân nhi đăng thiên, thu phân nhi tiềm uyên.” (Rồng đứng đầu các loài có vẩy, có thể ẩn hiện, có thể biến hóa nhỏ hoặc lớn, dài hoặc ngắn; tiết xuân phân thì bay lên trời, tiết thu phân thì lặn sâu đáy vực)

Đoàn Ngọc Tài chú: “Mao Thi - Liệu Tiêu truyện viết: “Long sủng dã Vị long tức sủng chi giả tá dã” Chước truyện viết: “Long hoà dã Trường phát đồng Vị long vi ung hoà chi giả tá tự dã.” (Truyện Liệu Tiêu trong Mao Thi

nói: “Long tức là sủng (vinh diệu, yêu mến) Nói long tức là nói chữ giả tá của

sủng” Chước truyện nói: “Long tức là hoà Đồng nghĩa với trường phát (phát

triển lâu dài) Nói long tức là nói chữ giả tá của ung hoà (hoà mục, hoà hiệp)”

Trang 19

Về hình thể, các nhà sử học Trung Hoa cho rằng rồng là một tổng hợp của nhiều động vật: đầu lạc đà, sừng nai, mắt thỏ, tai trâu, cổ rắn, bụng ếch, vẩy cá chép, móng vuốt chim ưng, lòng bàn chân cọp Trên sống lưng có 81 vảy Hai bên khoé miệng có những sợi râu dài, cằm có râu mang một hạt minh châu

Vì dân Ai Cập cổ đại thờ cá sấu làm vật tổ nên có thuyết cho rằng: Tương tự như thế, có lẽ rồng chỉ là một biến thể của cá sấu (ngạc), thỉnh thoảng xuất hiện nơi sông Dương Tử

Tôn thờ rồng, coi rồng là biểu tượng tinh thần, là linh vật của dân tộc đồng nghĩa tộc người Hoa Hạ tin rằng tổ tiên mình quen thuộc và gần gũi với rồng Họ xem rồng là loài có khả năng “đằng vân giá vũ”, đem lại mây mưa thuận hòa làm nên mùa màng bội thu Cũng chính từ đây mà các nhà nghiên cứu cho: tồn tại nguyên thủy của dân tộc Trung Hoa là tồn tại nông canh và dân tộc Trung Hoa là dân tộc khởi phát từ văn minh nông nghiệp Vì chỉ có dân tộc nông canh định trú định cư mới chịu ảnh hưởng sâu sắc nhất bởi những điều kiện tự nhiên như đất đai, thời tiết, khí hậu, v.v…

Quan niệm này đã tồn tại hàng nghìn năm trên đất Trung Hoa Nhưng từ khi cuốn tiểu thuyết tầm căn của Khương Nhung ra đời, người ta bắt đầu hoài nghi lại lịch sử: Chúng ta luôn miệng thừa nhận là con cháu của Viêm Hoàng nhưng rất có thể tôtem rồng là diễn biến từ tôtem sói Tấm màn bí mật “Sùng bái tôtem rồng” của dân tộc Hoa Hạ từ đó được vén lên Vậy rốt cuộc chúng

ta là truyền nhân của Rồng hay Sói?

Coi rồng là tôtem, là linh vật nhưng người Trung Quốc nói riêng và các dân tộc nông canh trên thế giới nói chung chưa ai từng nhìn thấy hình dáng tôtem của dân tộc mình Khổng Tử cũng thú nhận “Điểu, ngô tri kỳ năng phi; ngư, ngô tri kỳ năng du; thú, ngô tri kỳ năng tẩu; [ ] chí ư long, ngô bất năng tri kỳ thừa phong vân nhi thướng thiên.” (Chim, ta biết nó bay thế nào; cá, ta

Trang 20

biết nó lội thế nào; thú, ta biết nó chạy thế nào; [ ] đến như rồng thì ta không biết nó cỡi mây đạp gió mà bay lên trời ra sao) Rồng thiên biến vạn hóa trong trí tưởng của con người song là loài không có thật

Riêng Khương Nhung quan niệm: “Con rồng “trừu tượng” dứt khoát phải có cơ sở từ vật thật” Nhà văn từ đó truyền đam mê khám phá ngọn nguồn tấm màn bí mật về hình tượng rồng trong tôtem của dân tộc Hoa Hạ vào nhân vật Trần Trận

Nhân vật chính trong Tôtem sói – Trần Trận từng có 11 năm lao động

trên thảo nguyên Ơlôn, đã có cơ may được chung sống với dân tộc du mục và sói thảo nguyên Trần Trận có hứng thú đặc biệt với tôtem của dân tộc này Ở Ơlôn, người ta chỉ tôn sùng sói Bởi người già Ơlôn tin rằng sói là loài vật được Tăngcơli (trời) sai xuống để bảo vệ thảo nguyên và đưa linh hồn người chết trở về trời Sự ngưỡng vọng tôtem sói còn xuất phát từ việc dân tộc du mục hiểu được tính cách ngoan cường, dũng mãnh và sự thông minh tuyệt đỉnh của loài sói Vì vậy, họ chiến đấu với sói nhưng cũng học tập rất nhiều từ

“kẻ thù một nửa” của mình “Đối với người thảo nguyên sói là kẻ thù, là thần chiến tranh nhưng cũng lại là tôtem, là thần linh và là tông sư của họ” [5]

Từ chỗ thích thú, say mê Trần Trận cũng dần bị thuyết phục và tôn sùng tôtem sói Anh may mắn được nhìn thấy sói, chiến đấu với sói và nuôi sói Nhưng càng đi sâu tìm hiểu về sói và tôtem sói chàng thanh niên trí thức Bắc Kinh này càng cảm thấy hoài nghi về nguồn gốc của dân tộc Trung Quốc Sau một thời gian dài trở lại Bắc Kinh, Trần Trận quyết định nghiên cứu và “khai quật” nguồn gốc thực sự của tộc người Hoa Hạ qua sự sùng bái tôtem rồng Cuối cùng anh thành lập giả thuyết: tôtem rồng rất có thể là diễn biến từ tôtem sói đồng thời đưa ra những kiến giải lí thú và khoa học cho lập thuyết đó của mình Trần Trận đã chứng minh lập thuyết của mình trước hết qua cái nhìn đối sánh giữa hình tượng rồng và hình tượng sói

Trang 21

Đi từ việc phân tích một trong những di chỉ khảo cổ đầu tiên về hình tượng rồng là con rồng ngọc xuất thổ tại Tamtinh Thala thời Đá mới, Trần Trận nhận thấy: “Con rồng ngọc này thực tế là con sói ngọc Con rồng ngọc nguyên thủy không giống chút nào con rồng mà người Trung Quốc quen thuộc, mà là con rồng đầu sói thân rồng, trên mình con rồng ngọc không có vảy, cũng không có móng vuốt, đầu và gáy hoàn toàn sao chép y nguyên đầu sói, gáy sói: mặt dài, mũi dài, mép hơi nhếch lên, đặc biệt là đôi mắt tròn mà xếch, lông gáy được điêu khắc giống như thật từ sau ót cho tới lông bờm nổi hẳn lên vốn là đặc trưng của sói Mông Cổ, đẹp mà oai không thể tả”

Theo Trần Trận vẫn có một số học giả cho đó là đầu lợn Nhưng anh nhanh chóng bác bỏ ngay giả thuyết đó Bởi: thứ nhất, dân tộc du mục không khi nào sùng bái con vật họ đã thuần dưỡng hay có thể thuần dưỡng Suốt thời gian sống trên thảo nguyên rộng lớn Trần Trận đã nhận thức rõ điều đó Ngay đến như ngựa Mông Cổ thiện chiến, dũng mãnh, đầy hoang dã hay loài chó Mông Cổ dũng cảm dám đương đầu với bầy sói hoang cũng không bao giờ được mục dân tôn sùng nói gì tới giống lợn thuần chậm chạp, ươn hèn, lười nhác như bầy cừu Thứ hai, từ hình tượng mà xét mắt lợn không xếch, mõm lợn không mở ngay ra phía trước, đầu lợn cũng không dài như sự mô phỏng đầu của rồng ngọc nguyên thủy Thứ ba, thân lợn ngắn mà tròn, đuôi ngắn, bất kể lợn rừng hay lợn nhà đều không thể diễn biến thành rồng; trong khi đó thân sói dài, lông mượt, đuôi dài diễn biến thành rồng là có thể và hình tượng con rồng bay Trung Hoa rất có thể là hình tượng con sói “lên trời” trong tưởng tượng của tổ tiên Hoa Hạ thảo nguyên, mỹ hóa và thần thánh hóa mà thành Trần Trận từng hai lần chứng kiến bộ da sói hình ống treo trên ngọn sào, nhất là lần chiêm ngưỡng tấm da sói con mà anh từng nuôi cuộn khúc như rồng lộn trên cao, anh đã giật mình: trong trí tưởng tượng của Trần Trận, anh như trông thấy “đầu rồng, thân rồng trong mưa gió vần vũ, thân sói dài

Trang 22

nhào lên hụp xuống như hải trư dưới biển, lại như con phi long màu vàng kim cưỡi gió đạp mây vui sướng bay lên trời xanh”

Khái quát hơn, chàng thanh niên trí thức Bắc Kinh này đã chỉ ra được 7 điểm giống nhau giữa tôtem sói và tôtem rồng:

Một, địa điểm xuất hiện: tôtem sói và tôtem rồng sớm nhất xuất lộ ở thảo nguyên Nội Mông hoặc thảo nguyên Mông Cổ kế cận Nơi này lại là quê hương của giống sói thảo nguyên Mông Cổ lớn nhất, dũng mãnh nhất và đông nhất thế giới Hơn nữa sói thảo nguyên là đồng hương của dân tộc du mục, người và sói đấu tranh sinh tồn do đó tinh thần và tính cách sói ảnh hưởng lớn nhất tới người thảo nguyên

Hai, tôtem sói và tôtem rồng nguyên thủy đầu và cổ giống nhau, thân tròn mà dài cũng gần tương tự Rồng ngọc Tamtinh Thala Nội Mông đầu sói mình rồng tức là vào thời kì Đá mới, đầu và cổ hai tôtem này hoàn toàn giống nhau, mình cũng giống nhau đều không có vảy Trần Trận cũng khẳng định chính đặc điểm này chứng tỏ tôtem rồng không diễn biến từ cá hoặc rắn theo như quan niệm truyền thống

Ba, tôtem sói và tôtem rồng đều bay trong tư thế “uốn lượn lên xuống” Trong truyền thuyết, dù là trên thảo nguyên hay trên đại lục Hoa Hạ, hai tôtem này đều đang bay Chúng có chung đặc điểm tôtem bay khác với tôtem của nhiều dân tộc trên thế giới không biết bay ví dụ như tôtem gấu, bò, khỉ… Qua việc quan sát bộ da hình ống của con sói trên đầu sào uốn lượn lên xuống “bay” trước gió và động tác bay của con rồng Trung Hoa trong điêu khắc và trên bích họa, Trần Trận đi tới kết luận tôtem sói và tôtem rồng giống nhau nhất ở tư thế bay Quan niệm truyền thống cho rằng rồng lấy nguyên mẫu từ cá sấu Song cá sấu dựa vào “quạt đuôi sang trái sang phải” để di chuyển còn rồng thì “uốn lượn lên xuống” để bay Hai tư thái và động tác hoàn toàn khác nhau: một đằng “uốn lượn lên xuống”, một đằng “quạt trái quạt phải” chứng tỏ tôtem rồng không diễn biến từ cá sấu

Trang 23

Bốn, tôtem sói và tôtem rồng tuy đều biết bay nhưng không có cánh Thần thoại Trung Quốc có “phi hổ” (hổ bay), “phi mã” (ngựa bay), một số dân tộc khác có “rắn bay” nhưng tất cả những tôtem bay đó đều có cánh nhưng tôtem rồng lại không có cánh Theo Trần Trận sở dĩ tôtem rồng không cánh là vì nó diễn biến từ tôtem sói Tôtem sói không có cánh nên tôtem rồng không cánh cũng là điều dễ hiểu Vậy tại sao tôtem sói lại không có cánh? Câu trả lời nằm ở sự tôn sùng của người thảo nguyên nguyên thủy đối với linh vật của mình Họ cho rằng con sói thần thông quảng đại, biến hóa như thần thì không cần cánh vẫn bay được

Năm, tôtem sói và tôtem rồng có liên quan mật thiết tới tục sùng bái trời của người Trung Quốc Trên thảo nguyên, dân tộc thảo nguyên tin rằng sói được trời sai xuống bảo vệ thảo nguyên và đưa linh hồn của những người sùng bái Tăngcơli lên trời Còn trên đại lục Hoa Hạ, dân tộc nông canh cho rồng là hóa thân của trời, nhà vua là “con trời”, thần thánh không được xâm phạm Rõ ràng Hán tộc đã tiếp nhận tục sùng bái trời của tổ tiên đem từ khu vực du mục về đại lục nông canh thì tất nhiên cũng đã tiếp nhận tôtem sói từ lâu đời

Sáu, tôtem sói và tôtem rồng đều là hình tượng mãnh thú hung dữ đáng

sợ Dân tộc Hoa Hạ sở dĩ lấy con rồng có bộ mặt hung tợn làm tôtem là vì khi

ấy tổ tiên vẫn còn trong thời kì săn bắn hái lượm mà tuyệt đại đa số dân tộc

du mục Trung Quốc đều lấy sói làm tôtem Hình tượng sói rất dữ dằn nên hình tượng rồng diễn biến từ sói cũng rất dữ

Bảy, sói và rồng đều có đặc tính không thể thuần dưỡng Dân tộc du mục không khi nào lấy động vật họ đã thuần dưỡng hoặc có thể thuần dưỡng làm tôtem Họ đặc biệt tôn sùng sói vì sói là loài động vật quật cường, không khi nào chịu khuất phục Vậy nên rồng diễn biến từ sói cũng không chịu khuất phục, không bị thuần dưỡng mà còn có khả năng thuần hóa thần dân

Trang 24

Từ những lập luận trên Trần Trận đi tới kết luận: tôtem rồng Trung Hoa diễn biến từ tôtem sói thảo nguyên Anh cũng chỉ rõ trong quá trình diễn biến của hai tôtem này còn có một giai đoạn quá độ là tôtem thao thiết vì con thao thiết vừa có tính cách của sói vừa mang bộ mặt dữ tợn như rồng sau này Trần Trận cũng đã lí giải nguyên nhân của sự diễn biến từ tôtem sói thành tôtem rồng một cách thấu đáo Theo anh, dân tộc thảo nguyên xưa nay chỉ sùng bái tôtem sói Từ viễn cổ, một bộ phận dân tộc du mục rời thảo nguyên tiến vào khu nông canh của dân tộc Hoa Hạ, cũng là đưa tục sùng bái Tăngcơli và sùng bái tôtem sói vào cuộc sống nông canh Hoa Hạ Thời cổ xưa bất kể chăn nuôi hay nông nghiệp đều dựa vào trời, vì vậy tục sùng bái trời vẫn được giữ lại sau khi vào khu vực nông canh sinh sống Nhưng về sau bộ phận du mục biến thành tộc nông canh, tính cách bị mềm hóa dần trở nên sợ sói, ghét sói Vì vậy tục sùng bái sói đem từ thảo nguyên về không thích ứng với cuộc sống và tinh thần nông canh, dần dà bị nông canh cải tạo thành hình tượng mới là tôtem rồng có khả năng “hô phong hoán vũ”, chủ quản mạch sống của nông canh Có

lẽ tiên dân Hoa Hạ lấy tôtem sói và tôtem “đầu người mình thú” thời Phục Hi làm chuẩn, sau đó lấy một số chi tiết từ tôtem của những bộ tộc khác, thêm vào

đó một số tình tiết như vẩy cá, vuốt chim ưng và sừng hươu biến tôtem sói thành tôtem rồng Trong quá trình sáng tạo và pha trộn tôtem rồng, tôtem sói đóng vai trò then chốt Hình tượng con rồng Trung Hoa sở dĩ oai phong lẫm liệt khiến người người nể sợ mà vẫn có giá trị thẩm mĩ là vì nó mang những đặc trưng về hình tượng cũng như về tính cách của sói

Khẳng định tôtem rồng Trung Hoa diễn biến từ tôtem sói thảo nguyên, Khương Nhung cũng đồng thời khẳng định dân tộc nông canh Hoa Hạ diễn biến từ dân tộc du mục thảo nguyên Theo nhà văn, văn hóa Trung Quốc có

sự hội tụ của văn hóa du mục và văn hóa nông canh Mỗi bộ phận văn hóa này lại có một biểu tượng tinh thần riêng Dân tộc du mục từ viễn cổ đã tôn thờ tôtem sói tương ứng với đó là tôtem rồng trong tâm linh tộc người canh

Trang 25

nông Sự diễn biến từ tôtem sói thành tôtem rồng cho thấy quá trình di cư của dân tộc thảo nguyên vào trung nguyên Tộc người này sau khi vào khu vực nông canh thì dần chuyển từ hình thức du mục sang hình thức sản xuất bán canh bán mục (nửa trồng trọt, nửa chăn nuôi) Từ đó bộ tộc du mục thảo nguyên biến thành tộc nông canh định canh định cư trên đại lục Hoa Hạ Giả thuyết này của Khương Nhung đã lật nhào quan niệm truyền thống cho rằng dân tộc Trung Hoa là truyền nhân của Rồng và văn minh Hoa Hạ khởi thủy, tiếp diễn được là nhờ văn hóa nông canh lâu đời Quả thực nếu lập luận của Khương Nhung đứng vững thì 24 bộ sử Trung Quốc phải viết lại Nho gia trong 24 bộ sử chỉ khẳng định một chiều, đầy thiên kiến: Văn hóa cổ Trung Quốc là văn hóa nông canh, lấy nông nghiệp làm gốc, độc tôn Nho thuật, mạt sát du mục, khinh rẻ “tứ di” Tác giả cho rằng đã đến lúc cần phải khôi phục bộ mặt vốn có của văn hóa cổ Trung Quốc Nhà văn muốn dùng chiếc lược tôtem sói chải lại cho thuận dòng chảy lịch sử mà các nhà sử học

cố ý dùng tinh thần Nho gia làm cho rối tung lên Theo ông, nếu không “đưa sói vào sử”, không cung cấp cho giới sử học tinh thần tôtem sói ảnh hưởng sâu sắc tới lịch sử Trung Quốc như thế nào, thì sử học Trung Quốc mãi như cái ao tù, không rõ cội nguồn và dòng chảy

2.2.2 Tầm căn từ phương diện dân tộc học

Từ việc khẳng định dân tộc nông canh Hoa Hạ diễn biến từ dân tộc du mục thảo nguyên dựa trên biểu tượng tinh thần và tồn tại lịch sử của hai tộc

người này, tác giả Tôtem sói đã tiến một bước sâu hơn vào quá trình “tầm

căn” khi tiến hành “mổ xẻ”, phân tích chính huyết thống của dân tộc mình Xét trên phương diện huyết thống hay còn gọi là phương diện dân tộc học, Khương Nhung không còn chỉ là đặt ra giả thuyết về sự diễn biến của dân tộc nông canh đại lục từ dân tộc du mục thảo nguyên nữa mà đã kết luận chắc chắn

“Thực chất người Hán chúng ta là hậu duệ của dân tộc du mục tây bắc”

Trang 26

Trước hết, nhà văn khẳng định nền văn hóa cổ đại Trung Quốc khởi thủy

từ thảo nguyên tây bắc, nhất là thảo nguyên Nội Mông qua việc phát tích các

di chỉ khảo cổ học lâu đời

Trước đây người ta cho rằng di chỉ người vượn xuất hiện sớm nhất ở Trung Quốc là người vượn Bắc Kinh và hai trong những nền văn hóa cổ đại Trung Quốc là văn hóa Long Sơn và văn hóa Ngưỡng Thiều phát tích bên lưu vực các dòng sông lớn Nhưng qua việc phát lộ khảo cổ, nhà văn Khương Nhung nhận định: “Thời kì đồ đá mới, Nội Mông đã có hoạt động của con người Thậm chí di chỉ đại diêu tai ngoại thành đông bắc thành phố Hồi Hột còn phát hiện một xưởng chế tác đồ đá của con người thời viễn cổ từ thời kì

đồ đá cũ tảo kì (sớm) sang trung kì cho tới vãn kì (muộn), trước sau mấy chục vạn năm, di chỉ sớm nhất cách đây 70 vạn năm, sớm hơn di chỉ người vượn Bắc Kinh từ 10 tới 15 vạn năm.[…] Người Lam Điền phát lộ ở tây bắc Thiểm Tây cách đây khoảng 60 đến 80 vạn năm có lịch sử lâu đời hơn người vượn Bắc Kinh” Địa điểm phát tích người Lam Điền cho thấy tuy cũng là người vượn Bắc Kinh nhưng không thuộc người trung nguyên lưu vực Hoàng Hà

mà là người phương Bắc viễn cổ

“Thời kì viễn cổ, cao nguyên và thảo nguyên phương Bắc cỏ xanh tốt, khí hậu ẩm, thích hợp với cuộc sống của con người Trong khi đó trung nguyên, trung và hạ lưu Hoàng Hà trước khi Hạ Vũ trị thủy thường xuyên xảy

ra lũ lụt, rất nhiều nơi không thích hợp cho con người cư trú” Trung nguyên thực chất là cao nguyên hoang thổ bị bào mòn, được phù sa sông Hoàng bồi đắp thành đồng bằng Do đó, “Cao nguyên tây bắc và thảo nguyên là cha, Hoàng Hà là mẹ của trung nguyên Người thảo nguyên tây bắc lâu đời hơn người trung nguyên Tổ tiên của người trung nguyên đến từ cao nguyên tây bắc và thảo nguyên”

Trang 27

Tiếp đến, Khương Nhung chỉ rõ cội nguồn du mục của Hoa tộc từ việc phân tích huyết thống về thủy tổ nhân văn dân tộc Trung Hoa

Nhà văn cho rằng: “Người thảo nguyên với tinh thần và tính cách du mục mạnh mẽ và đặc tính lưu động bành trướng dần xâm nhập trung nguyên, ảnh hưởng sâu sắc tới sự hình thành và phát triển văn minh các bộ tộc trung nguyên và dân tộc Hoa Hạ”.Và hai người được coi là thủy tổ nhân văn dân tộc Trung Hoa đó là Viêm đế và Hoàng đế Theo truyền thuyết thì Viêm đế và Hoàng đế xuất thân từ bộ tộc du mục tây bắc mà cụ thể là từ bộ tộc Thiếu Điển thời viễn cổ

Sử sách có chép: “Viêm đế họ Khương, một chi của tộc Khương Tây Nhung, du mục từ phía tây vào trung bộ trước tiên, sau đó bắt đầu nông canh Tộc Khương cổ điển hình cho các tộc du mục, là một trong những tộc tổ người Hán, mang tính cách sói và tinh thần du mục tây bắc: “… coi chết trận

là chuyện tốt, chết bệnh là chuyện dở, chịu rét, chịu khổ như cầm thú, phụ nữ sinh nở cũng không kiêng gió tuyết Tính cách mạnh mẽ, dũng cảm, chắc là nhận được khí của hành kim”

Với tính cách cương cường và trí tuệ siêu việt của bộ tộc mình, Viêm đế tiến vào trung nguyên bắt tay vào nghề nông Sau khi xung đột dữ dội với Xuy Vưu tộc Cửu Lê, Viêm đế liên kết với Hoàng đế dũng mãnh cùng nhau tác chiến, đánh bại Xuy Vưu tại Trác Lộc, đuổi tộc Cửu Lê ra khỏi trung nguyên Tộc Hoàng đế sau khi đánh bại tộc Viêm đế đẩy tộc Viêm đế xuống lưu vực Trường Giang mới chính thức định cư tại trung nguyên

Sử kí Tam hoàng bản kỉ lại ghi: “Tộc Hoàng đế và Viêm đế vốn là một

họ Tộc Viêm đế bắt nguồn từ tộc Khương Tây Nhung, vậy tộc Hoàng đế cũng bắt nguồn từ cao nguyên tây bắc” Viêm Hoàng nhị đế phát tích từ tộc

du mục tây bắc và khu vực du mục cho nên cả hai tộc này cùng sùng bái trời, sùng bái thảo nguyên và sùng bái Tăngcơli của dân tộc du mục Có thể nói tục

Trang 28

sùng bái trời của tộc Hoa Hạ sau này là do Viêm Hoàng nhị đế đem từ quê hương thảo nguyên, từ chỗ tổ tiên du mục tới Hoa Hạ

Với kiến giải trên, Khương Nhung đã chỉ ra được rằng: xét về phương diện dân tộc học thì tộc Hán xuất thân từ dân tộc du mục và có thể khẳng định trong huyết quản vẫn còn sói tính

Sau này, người Hán luôn miệng thừa nhận mình là con cháu Viêm Hoàng nhưng thực tế đại đa số họ không biết tổ tiên mình là bộ tộc du mục Thậm chí Hán tộc còn khinh rẻ dân tộc du mục, coi mục dân là “man di” tức

là vong bản, là quên cả tổ tiên Suy cho cùng thì Hán tộc và các dân tộc du mục có cùng quan hệ huyết thống nhưng sau này sống trong hoàn cảnh khác nhau, tính cách hai dân tộc lại trở nên dị biệt Trong hoàn cảnh thảo nguyên cạnh tranh sinh tồn, con dân du mục vẫn có khả năng tạo huyết dịch sói và tính cách mạnh mẽ, bản lĩnh siêu phàm của loài sói Ngược lại, hoàn cảnh ruộng đất “ôn hòa, đôn hậu” chỉ cho dân tộc nông canh huyết dịch cừu và tính cách mềm yếu, ươn hèn của loài gia súc

Nhà văn đã lấy sự thịnh suy, còn mất của các vương triều phong kiến Trung Hoa để làm rõ quan hệ huyết thống giữa ông anh du mục và ông em Hoa

Hạ “Hai dân tộc anh em có cùng nguồn gốc, dù đánh nhau máu chảy thành sông nhưng vẫn cùng nhau sáng tạo và giữ gìn văn minh Trung Hoa không đứt đoạn: một khi dân tộc Hoa Hạ trong hoàn cảnh nông canh bạc nhược thì dân tộc du mục đầy sói tính lại tiến vào trung nguyên tiếp máu cho dân tộc nông canh anh em Có khi ông em quá dặt dẹo không vực dậy nổi thì ông anh tiến vào làm chủ trung nguyên, làm chủ một nửa Trung Quốc, thậm chí toàn bộ Trung Quốc thay ông em giữ gìn xã tắc và bảo vệ văn minh dân tộc”

Sau khi tộc Viêm Hoàng định cư tại trung nguyên thì dòng máu sói tính

bị pha loãng đi ít nhiều bởi cuộc sống nông canh an nhàn “Đến cuối đời Thương, tộc Chu ở miền tây bắt đầu nổi lên, phần lớn cư dân trong nước là bộ tộc du mục Nhung Địch Hơn nữa, nước Chu lại thường xuyên bị dân tộc

Ngày đăng: 30/11/2015, 21:26

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

TRÍCH ĐOẠN

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w