Tài liệu hạn chế xem trước, để xem đầy đủ mời bạn chọn Tải xuống
1
/ 187 trang
THÔNG TIN TÀI LIỆU
Thông tin cơ bản
Định dạng
Số trang
187
Dung lượng
1,66 MB
Nội dung
TRƢỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ
KHOA KHOA HỌC XÃ HỘI & NV
BỘ MÔN NGỮ VĂN
------------
NGUYỄN THỊ KIM LANH
MSSV: 6106324
TRƢỜNG TỪ VỰNG SÔNG NƢỚC NAM BỘ
TRONG MỘT SỐ TRUYỆN NGẮN CỦA
NGUYỄN QUANG SÁNG
Luận văn tốt nghiệp đại học
Ngành Ngữ Văn
Cán bộ hƣớng dẫn: Ths.GV: NGUYỄN THỊ THU THỦY
Cần Thơ, năm 2013
ĐỀ CƢƠNG TỔNG QUÁT
1
PHẦN MỞ ĐẨU
1. Lí do chọn đề tài
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
3. Mục đích, yêu cầu nghiên cứu
4. Phạm vi nghiên cứu
5. Phƣơng pháp nghiên cứu
PHẦN NỘI DUNG
CHƢƠNG 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG
1.1 Giới thuyết về từ, từ vựng - trƣờng từ vựng
1.1.1 Từ
1.1.1.1Định nghĩa
1.1.1.2Phân loại
1.1.2 Từ vựng - trường từ vựng
1.1.2.1Từ vựng
1.1.2.2Trường từ vựng
1.2 Vài nét về vùng đất Nam bộ
1.2.1 Địa lí Nam bộ
1.2.2 Lịch sử Nam bộ
1.3 Vài nét về tác giả Nguyễn Quang Sáng
1.3.1 Tiểu sử
1.3.2 Sự nghiệp sáng tác
CHƢƠNG 2: KHẢO SÁT TRƢỜNG TỪ VỰNG SÔNG NƢỚC NAM BỘ TRONG
MỘT SỐ TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN QUANG SÁNG
2.1 Khái niệm trƣờng từ vựng sông nƣớc
2.2 Trƣờng từ vựng sông nƣớc xét về mặt ngữ nghĩa
2.2.1 Nhóm từ chỉ địa hình sông nước
2
2.2.2 Nhóm từ chỉ các trạng thái, tính chất của sông nước
2.2.3 Nhóm từ chỉ các phương tiện, dụng cụ cho việc đi lại sông nước
2.2.4 Nhóm từ chỉ các hoạt động, trạng thái, tính chất của các phương tiện sông nước
2.2.5 Nhóm từ chỉ hoạt động sinh hoạt vùng sông nước
2.2.6 Nhóm từ chỉ các ngành nghề truyền thống của vùng sông nước
2.2.7 Nhóm từ chỉ các dụng cụ đánh bắt
2.2.8 Nhóm từ chỉ các hình thức đánh băt
2.2.9 Nhóm từ chỉ tên thực vật vùng sông nước
2.2.10 Nhóm từ chỉ tên động vật vùng sông nước
2.2.11 Nhóm từ chỉ món ăn vùng sông nước
2.2.12 Nhóm từ chỉ các địa danh
2.3 Trƣờng từ vựng sông nƣớc xét theo phƣơng thức cấu tạo
2.4 Trƣờng từ vựng sông nƣớc xét theo nguồn gốc và phạm vi sử dụng
CHƢƠNG 3: TRƢỜNG TỪ VỰNG SÔNG NƢỚC VỚI NỘI DUNG ĐƢỢC PHẢN
ÁNH TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN QUANG SÁNG
3.1 Sông nƣớc với sinh hoạt của con ngƣời Nam bộ
3.2 Sông nƣớc với cuộc chiến tranh chống Mỹ của ngƣời Nam bộ
3.3 Sông nƣớc với nguồn thực phẩm vô giá của ngƣời Nam bộ
PHẦN KẾT LUẬN
PHỤ LỤC
TÀI LIỆU THAM KHẢO
MỤC LỤC
3
PHẦN MỞ ĐẦU
4
1. Lí do chọn đề tài
Khi nói về ngôn ngữ và văn hóa, Cao Xuân Hạo đã khẳng định: “Giữa tiếng nói
của một dân tộc với nền văn hóa của dân tộc ấy chắc chắn phải có một mối quan hệ nhất
định. Vì ngôn ngữ trực tiếp phản ánh cách tri giác và tư duy về thế giới của cộng đồng
dân tộc, mà văn hóa dân tộc không thể không liên quan đến cách tri giác và tư duy ấy”
[13; tr. 287]. Thật vậy, trong lịch sử nhân loại nói chung thì tầm ảnh hưởng của ngôn ngữ
với văn hóa rất lớn. Ngôn ngữ là nguồn chất liệu quan trọng giúp con người có những
hiểu biết về nền văn hóa của chính vùng đất nơi mà mình đã từng sinh ra và lớn lên.
Được hình thành chủ yếu trên một vùng đồng bằng sông nước, vốn từ Nam bộ,
ngoài những từ toàn dân còn có những từ riêng của phương ngữ Nam bộ thể hiện được
nét văn hóa đặc trưng của vùng sông nước. Đó là nhóm từ vựng sông nước Nam bộ. Vốn
từ đặc trưng này không chỉ bó hẹp trong lời ăn tiếng nói hằng ngày của con người Nam bộ
mà còn được đi vào trong văn chương qua ngòi bút khéo léo của những tác gia văn học.
Trong số đó phải kể đến tác giả Nguyễn Quang Sáng.
Được sinh ra trong thời kì khá ác liệt của cuộc chiến tranh giành độc lập, ngoài vai
trò là chiến sĩ, Nguyễn Quang Sáng còn là một nhà văn. Tuy gặp không ít những khó
khăn về điều kiện học tập, sinh hoạt cũng như là quá trình sáng tác nhưng Nguyễn Quang
Sáng vẫn không ngừng cho ra đời những tác phẩm có giá trị. Bằng chứng là ông đã đạt
được nhiều giải thưởng văn học ngay từ những năm 1959. Qua quá trình lao động không
ngừng, cho đến nay nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã góp vào kho tàng văn học rất nhiều
tác phẩm thể hiện được nét văn hóa đặc thù của Nam bộ, đó là nét văn hóa mang đậm
màu sắc sông nước Nam bộ.
Ai đã từng tiếp cận với tác phẩm của Nguyễn Quang Sáng chắc hẳn sẽ không quên
khung cảnh khá quen thuộc của vùng sông nước Nam bộ. Đó là những hoạt động chiến
đấu, đi lại, buôn bán, đánh bắt cá trên những chiếc ghe, xuồng, tàu, thuyền,... Hay trong
những bữa ăn gia đình sông nước Nam bộ lúc nào cũng có cơm kèm theo các món ăn từ
như cá kho khô, canh chua,.. Trong tiệc rượu thì cũng có những món từ những nguồn liệu
có sẵn của quê hương sông nước như khô sặc, khô sình, hay các loại cây trái Nam bộ:
xoài, chùm ruột, cóc, ổi,... Đọc tác phẩm Nguyễn Quang Sáng, người đọc còn thấy được
5
những địa hình của vùng sông nước như sông, bờ, kênh, rạch,... Tất cả cho ta thấy được
một đặc trưng sông nước trong tác phẩm của Nguyễn Quang Sáng.
Với tấm lòng yêu mến, muốn giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa sông nước
Nam bộ, chúng tôi quyết định tìm hiểu và nghiên cứu đề tài:“Trường từ vựng sông nước
Nam bộ trong một số truyện ngắn của Nguyễn Quang Sáng”. Hy vọng với đề tài này,
chúng tôi sẽ có thêm được những hiểu biết mới về trường từ vựng sông nước Nam bộ,
cũng như là giá trị sử dụng của chúng trong truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng nói riêng và
phương ngữ Nam bộ nói chung.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
“Trường từ vựng sông nước Nam bộ trong một số truyện ngắn của Nguyễn Quang
Sáng” là đề tài chưa có nhiều công trình nghiên cứu sâu và rộng, tuy nhiên có không ít
những công trình liên quan đến đề tài này:
Đầu tiên, là hàng loạt các công trình nghiên cứu của các nhà ngôn ngữ học, trước
hết là các công trình nghiên cứu của GS.TS Đỗ Hữu Châu về từ vựng như Cơ sở ngôn
ngữ học từ vựng, Từ vựng ngôn ngữ tiếng Việt hay quyển giáo trình Từ vựng học tiếng
Việt. Trong số đó quyển giáo trình Từ vựng học tiếng Việt của tác giả Đỗ Hữu Châu giúp
cho học sinh có thể dễ dàng học tập và tìm hiểu nhiều hơn về vấn đề từ vựng trong tiếng
Việt. Ở công trình này tác giả đã có đến bảy chương phân tích khá chi tiết và ngoài những
phần nội dung chính, sau mỗi chương đều có phần hướng dẫn học tập nhằm góp phần
giúp người học củng cố lại những kiến thức cơ bản. Trong số bảy chương viết trên, tác giả
cũng có một chương viết về trường từ vựng – ngữ nghĩa. Ở chương này, tác giả đã tập
trung viết về bốn vấn đề chính. Vấn đề thứ nhất là khái niệm về trường từ vựng – ngữ
nghĩa trong đó bao gồm phần khái niệm chung về trường từ vựng - ngữ nghĩa kèm theo
những vấn đề về trường biểu vật và trường biểu niệm. Tác giả định nghĩa về trường từ
vựng ngữ nghĩa như sau:“Trường từ vựng ngữ nghĩa là tập hợp các từ và ngữ cố định
trong từ vựng của một ngôn ngữ nhờ vào sự đồng nhất nào đấy về ngữ nghĩa” [5; tr.
127]. Vấn đề thứ hai, tác giả đi vào phân tích về vấn đề “trường nghĩa và ngôn ngữ văn
chương”, trong đó tác giả phân tích sâu về trường biểu vật và trường biểu niệm được thể
hiện trong ngôn ngữ văn chương. Vấn đề thứ ba, tác giả Đỗ Hữu Châu đi vào phân tích
6
trường nghĩa ngang (trường nghĩa tuyến tính), và định nghĩa về trường nghĩa ngang như
sau: “Trường nghĩa ngang là tập hợp tất cả các từ ngữ có thể kết hợp với một từ ngữ nào
đó lấy làm gốc lập thành những chuỗi tuyến tính (cụm từ, câu) chấp nhận được một cách
bình thường đối với người sử dụng ngôn ngữ” [5; tr.137]. Đến vấn đề cuối cùng tác giả
tập trung vào trường liên tưởng ngôn ngữ văn chương. Ở vấn đề này, tác giả đi vào giải
thích vấn đề liên tưởng trong văn học từ đó nêu lên định nghĩa như sau: “Khi từ ngữ của
cả dân tộc hay một người có sức gợi liên tưởng, như vậy mỗi từ sẽ thành trung tâm của
một trường liên tưởng” [5; tr. 142]. Tiếp theo đó, tác giả còn nên lên những đặc tính của
trường liên tưởng, trong đó bao gồm tính đồng nhất, tính dân tộc, tính thời đại, tính cá
nhân.
Cùng với nhiều công trình nghiên cứu của GS.TS Đỗ Hữu Châu thì tác giả Nguyễn
Thiện Giáp cũng có khá nhiều công trình viết về ngôn ngữ học nói chung và về từ vựng
học nói riêng. Ông được biết đến với nhiều công trình nghiên cứu và được in thành sách
như: Từ vựng học tiếng Việt (Nxb. Giáo Dục); Dẫn Luận Ngôn Ngữ học (Nxb. Giáo
Dục) Từ và nhận diện từ tiếng Việt (Nxb. Giáo Dục); 777 khái niệm ngôn ngữ học
(Nxb.Đại học Quốc Gia Hà Nội). Nhìn lại những công trình nghiên cứu của hai nhà ngôn
ngữ: Đỗ Hữu Châu và Nguyễn Thiên Giáp, người đọc dễ nhầm lẫn về nhan đề Từ vựng
học tiếng Việt của hai công trình riêng biệt của hai tác giả này. Tuy nhiên do thời gian
nghiên cứu cũng như là quan điểm cảm nhận của mọi người khác nhau cho nên ở mỗi
công trình có những hướng phân tích khác nhau, từ đó mà nội dung phân tích cũng có
nhiều điểm khác nhau. Ở công trình Từ vựng học tiếng Việt, tác giả Nguyễn Thiện Giáp
khai thác bốn phần chính sau: phần một là phần dẫn luận bao gồm ba chương viết về từ
vựng – từ vựng học, các lí thuyết và phương pháp nghiên cứu từ vựng học; và vài nét về
từ vựng học. Ở phần một này, GS Nguyễn Văn Tu nhận xét: “Phần Dẫn Luận tác giả còn
giới thiệu được những khái niệm cơ bản và cần thiết nhất thường được đề cập đến trong
từ vựng học của nhiều nước trên thế giới, những lí thuyết và phương pháp nghiên cứu từ
vựng học. Đó là điều rất bổ ích đối với việc học tập của sinh viên” [9; tr. 14]. Đến phần
hai của công trình tác giả giải thích về vấn đề nhận diện và phân loại các đơn vị từ trong
tiếng Việt; phần ba tác giả tập trung vào cơ cấu ngữ nghĩa của từ vựng tiếng Việt trong đó
bao gồm sáu chương, ở mỗi chương tác giả luôn đưa ra những dẫn chứng và ví dụ cụ thể,
7
vì vậy mà người đọc sẽ dễ dàng tiếp nhận những vấn đề lí thuyết mà tác giả đặt ra. Đến
phần cuối, tác giả viết về vấn đề hình thành, tồn tại và phát triển của từ vựng tiếng Việt,
trong tổng số năm chương của phần này, tác giả Nguyễn Thiện Giáp giành đến bốn
chương để phân tích từ vựng tiếng Việt về mặt nguồn gốc, phạm vi sử dụng, phong cách
học. Ở chương một (phân tích từ vựng tiếng Việt về mặt nguồn gốc), tác giả đã phân chia
thành các từ thuần Việt, từ ngữ gốc Hán, từ ngữ gốc Ấn Âu. Ở chương hai (phân tích từ
vựng tiếng Việt về mặt phạm vi sử dụng), tác giả đã phân chia thành từ vựng toàn dân, từ
địa phương, tiếng lóng, từ ngữ nghề nghiệp, thuật ngữ. Đến chương ba (phân tích từ vựng
tiếng Việt về mặt mức độ sử dụng), tác giả tiếp tục phân chia thành từ vựng tích cực và từ
vựng tiêu cực; từ ngữ cổ và từ ngữ lịch sử; từ ngữ mới và ý nghĩa mới. Và đến chương
bốn (phân tích từ vựng tiếng Việt về mặt phong cách học), tác giả tập trung vào năm vấn
đề chính: các phong cách chức năng và việc phân chia các lớp từ vựng tiếng Việt; từ vựng
trung hòa; từ vựng hội thoại; từ vựng sách vở và cuối cùng là vấn đề miêu tả sắc thái tu từ
- biểu cảm trong từ điển. Nhờ quá trình phân tích khá chi tiết nên quyển sách Từ vựng
học tiếng Việt được Giáo sư Nguyễn Văn Tu đánh giá khá cao: “Cuốn Từ vựng học
tiếng Việt của Nguyễn Thiện Giáp không đơn thuần chỉ là giáo trình mà còn mang tính
chất của một công trình nghiên cứu” [9; tr. 14].
Kế đến là công trình: Phương ngữ Nam bộ của tác giả Trần Thị Ngọc Lang. Ở
công trình này, tác giả đã khảo sát được một số đặc điểm từ vựng - ngữ nghĩa của phương
ngữ Nam bộ, cũng như là sự khác biệt từ vựng - ngữ nghĩa giữa phương ngữ Nam bộ và
phương ngữ Bắc bộ. Tác giả cho đây là “địa hạt còn chưa được khai phá nhiều mà lại
phong phú và thú vị” [19; tr. 8]. Cụ thể ở phần III của công trình, tác giả Trần Thị Ngọc
Lang đã có một chương viết về “nhóm từ có liên quan đến sông nước trong phương ngữ
Nam bộ”. Ở chương này, tác giả đã chia nhóm từ sông nước ra thành ba nhóm chính:
nhóm từ chỉ địa hình; nhóm từ chỉ sự vận động của dòng nước; nhóm từ chỉ sự vận động
của con người trên sông nước và những phương tiện dùng cho hoạt động sông nước. Sau
đó, tác giả nghiên cứu cụ thể ngữ nghĩa của những nhóm từ trên. Qua đó, ta chỉ thấy rõ
thêm về nghĩa của từ cũng như là những chỗ dị biệt và tương đồng giữa từ phương ngữ
Nam bộ với từ toàn dân.
8
Tác giả Trần Thị Ngọc Lang còn được biết đến vời bài nghiên cứu Sông nước
trong tiếng miền Nam. Với bài viết này, tác giả mong muốn “nhấn mạnh tác động của
thiên nhiên đến môi trường sống, đến tính cách, tâm lý của con người và tính cách, tâm lý
đó sẽ ảnh hưởng đến cách sử dụng ngôn từ đặc trưng của mỗi vùng, miền” [20]. Tác giả
khẳng định “Nam bộ là miền đất nhiều sông lắm rạch. Số từ ngữ chỉ những sự vật, hiện
tượng liên quan đến sông nước vì vậy vô cùng phong phú, là nguồn đóng góp của phương
ngữ Nam bộ vào ngôn ngữ toàn dân” [20]. “Những từ ngữ này không chỉ đi vào lời ăn
tiếng nói hàng ngày của người dân vùng đất này, là yếu tố cấu tạo của nhiều địa danh mà
còn phản ánh bối cảnh sáng tác của những câu hò, điệu hát dân gian và là mảnh đất tốt
để nhà văn, nhà thơ khai thác” [20]. Ở bài viết này, tác giả Trần Thị Ngọc Lang còn đề
cập đến vấn đề về văn hóa qua những đặc trưng của sông nước miền Nam.
Dưới góc nhìn về văn hóa – ngôn ngữ học, có hàng loạt công trình nghiên cứu của
tác giả Huỳnh Công Tín về vùng đất Nam bộ, một trong số đó là công trình Cảm nhận
bản sắc Nam bộ, bao gồm 27 bài viết, trong đó có hơn 10 bài viết về phương ngữ Nam bộ
khá tình cảm mà PGS.TS. Nguyễn Trọng Báu đã nhận xét: “Với tình yêu tha thiết miền
đất và con người quê hương Nam bộ, anh đã truyền lửa vào trang viết làm lôi cuốn bạn
đọc” [35; tr. 7]. Trong số hơn 10 bài viết về phương ngữ Nam bộ, ngoài những bài viết
như: Điểm khác biệt giữa hai phương ngữ Bắc bộ và Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu
Long – môi trường sống, sự tác động vào tư duy và ngôn ngữ, Dấu ấn Đồng bằng sông
nước trong thơ,... Công trình còn có bài viết Ấn tượng sông nước, ruộng vườn qua cách
diễn đạt của người dân Đồng bằng Nam bộ. Trong bài viết này tác giả sử dụng phương
thức diễn đạt dùng những hình ảnh, hoạt động, tính chất có liên quan tới vùng sông rạch
để so sánh hoặc tạo lối ẩn dụ, hoán dụ. Bài viết đã nêu lên hàng loạt từ ngữ đã được người
dân Nam bộ sử dụng trong đời sống với những ngữ cảnh cụ thể.
Tiến Sĩ Huỳnh Công Tín là một người “nặng tình với vùng đất sinh ra ông bà, cha
mẹ mình và tiếng nói của người dân quê hương” [34; tr. 5]. Vì vậy ông đã cho ra mắt
quyển Từ điển Từ ngữ Nam bộ - một công trình nghiên cứu cấp Bộ được nghiệm thu tại
Trường Đại học Cần Thơ. Trong quyển Từ điển Từ ngữ Nam bộ có nội dung chính nhất
và chiếm nhiều số trang nhất là phần tra cứu từ vựng Nam bộ khá đồ sộ. Ngoài ra, tác giả
9
cũng nêu lên một số vấn đề về phương ngữ Nam bộ. Trong đó gồm ba phần: thứ nhất là
sự hình thành vùng đất và con người Nam bộ; thứ hai là sự hình thành phương ngữ Nam
bộ; thứ ba là đặc điểm của phương ngữ Nam bộ. Ở phần thứ ba (đặc điểm của phương
ngữ Nam bộ), tác giả Huỳnh Công Tín đã nghiên cứu trên cả bốn bình diện: ngữ âm, từ
vựng - ngữ nghĩa, ngữ pháp và phong cách diễn đạt. Trong đó, tác giả cũng phân loại từ
ngữ của vùng đồng bằng sông nước theo nhóm như: địa hình sông nước; hiện tượng của
vùng sông nước; mức độ phân biệt của nước; phương tiện di chuyển trên sông nước; các
loại sản vật, cây trái (động vật, thực vật); hoạt động sinh hoạt đời sống; ngành nghề
truyền thống; lễ hội vùng; sinh hoạt nghệ thuật. Cách phân loại này đã góp phần vào việc
tìm hiểu văn hóa của vùng sông nước Nam bộ.
Kế tiếp, là hàng loạt bài nghiên cứu đã được in trên các tạp chí Ngôn ngữ, tạp chí
Ngôn ngữ & đời sống như: Đặng Thị Hảo Tâm với bài viết Trường từ vựng - ngữ nghĩa
món ăn và ý niệm (Tạp chí ngôn ngữ, T5 – 2011), Trần Thị Mai với bài viết Trường từ
vựng không gian trong tập thơ Lửa Thiêng của Huy Cận (Tạp chí ngôn ngữ & đời
sống, Số 1+2 – 2010), PGS.TS. Trịnh Sâm với bài viết Miền ý niệm sông nước trong tri
nhận của người Việt, (Tạp chí ngôn ngữ, T12 – 2011). Và gần đây nhất là bài viết Từ địa
phương chỉ địa hình trong địa danh Nam bộ (Tạp chí ngôn ngữ, T4– 2012) của PGS.ts.
Lê Trung Hoa. Với bài viết này tác giả đã chia địa hình Nam bộ thành hai bộ phận chính:
địa thế tự nhiên và các dòng chảy. Ở hai hai dạng địa hình này tác giả đã dẫn ra hàng loạt
từ chỉ địa hình của địa phương Nam bộ. Bên cạnh đó tác giả còn giải thích nghĩa của các
tên gọi đó và đưa ra những địa danh cụ thể Nam bộ. Chẳng hạn như: “Bùng Binh là rạch
ở quận 10 và quận 3, thành phố Hồ Chí Minh, từ Bộ tư lệnh thành phố đến rạch Nhiêu
Lộc, dài độ 500m. [41]. “Rạch là dòng nước tự nhiên, nhỏ hơn sông. Ở Trung bộ và Bắc
bộ hoàn toàn vắng mặt từ này. Còn ở Nam bộ, nó hết sức phổ biến và các nhà nghiên cứu
đếu nhất trí là nó có nguồn gốc Khmer prêk. Các địa danh Rạch Dừa là phường ở tp.
Vũng Tàu; cầu Rạch Miễu nối hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre” [41]. Và cuối bài viết, tác
giả nêu ra nhận xét “Qua các tên gọi của địa hình trên, ta thấy từ chỉ địa hình có quan hệ
đến sông nước ở Nam bộ khá đa dạng. Chính những từ này làm cho kho từ vựng của tiếng
Việt càng thêm phong phú, bổ sung cho vốn từ của dân tộc ta. Đây là đóng góp đáng trân
trọng của phương ngữ Nam bộ” [41].
10
Bên cạnh đó, còn có bài viết Trường ngữ nghĩa các yếu tố ngôn ngữ liên quan
đến nước trong ca dao, tục ngữ người Việt (Tạp chí ngôn ngữ, T9 – 2010). Ở bài viết
này, tác giả Lưu Văn Din đã khảo sát năm nhóm trường nghĩa. Thứ nhất là trường từ
vựng ngôn ngữ liên quan đến nước trong ca dao, tục ngữ người Việt bao gồm: trường ngữ
nghĩa không gian tự nhiên và trường ngữ nghĩa không gian nhân tạo. Thứ hai là trường
ngữ nghĩa chỉ dạng thức và tính chất tồn tại của nước. Thứ ba là trường từ vựng ngữ nghĩa
chỉ trạng thái vận động của nước bao gồm những động từ nội động và những động từ
ngoại động. Thứ tư là trường ngữ nghĩa chỉ đời sống sinh hoạt và canh tác của người Việt
trong môi trường nước bao gồm hai tiểu trường là: trường ngữ nghĩa chỉ phương tiện giao
thông liên quan đến môi trường nước; trường ngữ nghĩa chỉ nông nghiệp lúa nước của
người Việt. Thứ năm là trường ngữ nghĩa chỉ cội nguồn quốc gia dân tộc, địa bàn sinh
sống của người Việt. Đến cuối bài viết tác giả khẳng định: “Trường ngữ nghĩa các yếu tố
ngôn ngữ liên quan đến sông nước trong tiếng Việt rất phong phú, thể hiện tư duy liên
tưởng về nước gắn với môi trường sống, sự sinh tồn trong môi trường nước của người
Việt. Nó thể hiện rất đa dạng và sinh động trong tục ngữ, ca dao Việt Nam” [38; tr. 77]
Đứng trên bình diện tác gia – tác phẩm, Nguyễn Quang Sáng được biết đến là một
trong số nhiều tác gia tiêu biểu của Nam bộ. Sau đây là một số những công trình nghiên
cứu tiêu biểu về tác giả Nguyễn Quang Sáng.
Đầu tiên, là hàng loạt bài viết về tác giả Nguyễn Quang Sáng được in trong quyển
Anh Đức – Nguyễn Quang Sáng – Sơn Nam, trong đó có bài viết Nguyễn Quang Sáng
của tác giả Trần Hữu Tá. Ngoài việc tóm tắt lại chặng đường sáng tác của Nguyễn Quang
Sáng, tác giả Trần Hữu Tá còn khẳng định thêm: “Nguyễn Quang Sáng có một phong
cách viết truyện ngắn độc đáo. Truyện thường lắm tình huống bất ngờ, ngẫu nhiên, giàu
chi tiết sống động và kỳ diệu nhưng hợp lý, tính kịch rất nỗi nhưng cũng đậm đà chất trữ
tình” [26; tr. 114]
Cùng với bài viết Nguyễn Quang Sáng của tác giả Trần Hữu Tá vừa nói đến ở
trên, còn phải kể đến bài viết Truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng. Trong bài viết này tác
giả Vân Thanh đã nhận xét: “Truyện ngắn Nguyễn Sáng (Nguyễn Quang Sáng) chứa
đựng những yếu tố kỳ diệu” [26; tr. 117], “nói kỳ diệu là nói những chuyện lạ. Nhưng với
11
Nguyễn Sáng, đó là những chuyện lạ đã trở thành bình thường, những chuyện lạ không
phải do phép tiên mà có, nó được làm nên bởi con người bình thường” [26; tr. 117]. Và
“Truyện Nguyễn Sáng giàu chi tiết sống. Nhưng chi tiết đối với anh không phải là một
thứ trang sức để phô bày. Chi tiết được anh dùng trước hết là khắc họa nhân vật” [21;
tr.120]. Ngoài ra, tác giả cũng nhận định: “Nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Sáng
là con người vươn lên trong ánh sáng của cách mạng. Những nét ưu buồn không đọng lâu
trong con người họ. Khó khăn, mất mát, chết chóc là điều khó tránh khỏi trong cuộc
chiến ác liệt này, nhưng điều đó không hề giảm lòng tin của họ vào chiến thắng ngày
mai” [26; tr. 123]. Bên cạnh việc ca ngợi sở trường của Nguyễn Quang Sáng “anh đi vào
những mảnh nhỏ của đời sống. Làm cho thấy sự kết hợp giữa chất anh hùng cao cả và
chất thơ trong trẻo, đơn giản” [26; tr. 123] tác giả còn nêu lên một khuyết điểm của nhà
văn “trong truyện ngắn của anh, ta chưa hề thấy một nhân vật phản diện nào” [26; tr.
123]. Nhưng dù sao đi nữa trong bài viết này, tác giả Vân Thanh cũng có thái độ trân
trọng nhất định và đánh giá cao về truyện ngắn của Nguyễn Quang Sáng “Giàu chi tiết
sống, lắm tình huống bất ngờ, truyện Nguyễn Sáng thường mang nhiều chất kịch” nhưng
“tuy đậm tính kịch nhưng vẫn mang nhiều chất trữ tình” [ 26; tr. 124].
Tiếp theo là bài viết Còn lại tình yêu của tác giả Bùi Việt Thắng, tác giả cho rằng,
với Nguyễn Quang Sáng thì truyện ngắn “là cái “tạng” là sở trường của nhà văn” [31;
tr. 11] có lẽ vì vậy mà khi viết truyện ngắn “ông đắm đuối với câu chuyện, với nhân vật”
[31; tr. 12]. và luôn “biết dồn nén tình thế để gia tăng yếu tố bất ngờ hấp dẫn của tác
phẩm” [31; tr. 12]. Ngoài ra, tác giả Bùi Việt Thắng còn nêu ra sự khác biệt về đặc điểm
giữa truyện ngắn trước và sau năm 1975. Những truyện ngắn trước năm 1975 “cốt truyện
thường tiêu biểu hấp dẫn, chi tiết chọn lọc, tình huống đặc sắc và kịch tính cao” [31; tr.
12] “dồn nén tình thế làm gia tăng yếu tố bất ngờ hấp dẫn” [31; tr. 12] . Và với những
truyện ngắn viết sau 1975 người đọc thấy được “giọng văn Phạm Duy Tốn và Nguyễn Bá
Học... nhưng rất uyển chuyển, vừa giàu chất sống vừa thấm sâu triết luận, vừa cụ thể sinh
động vừa rất gợi mở liên tưởng” [31; tr. 13]. Bên cạnh đó, tác giả khẳng định: “Nguyễn
Quang Sáng là nhà văn có tài kể chuyện” [31; tr. 15] và người kể chuyện có “cái chất tự
nhiên mà dí dỏm, tình cảm mà khách quan” [31; tr. 15]. Vậy nên Nguyễn Quang Sáng có
12
lối viết văn rất “hoạt”, rất “động” và đặc biệt là “truyện ngắn luôn làm ta bất ngờ thú vị
về con người và cuộc sống” [31; tr. 16]
Tác giả Nguyễn Quang Sáng còn được nghiên cứu sâu ở các bài khóa luận và luận
văn tốt nghiệp. Tuy nhiên, vẫn chưa có đề tài nào nghiên cứu nhiều về trường từ vựng
sông nước trong tác phẩm của Nguyễn Quang Sáng.
Như vậy, đề tài “Trường từ vựng sông nước Nam bộ trong một số truyện ngắn của
Nguyễn Quang Sáng” vẫn còn là vấn đề nghiên cứu mới mẻ. Các công trình nghiên cứu
trên sẽ là những gợi mở cho chúng tôi tiếp cận với trường từ vựng sông nước Nam bộ qua
truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng một cách hệ thống hơn trên bình diện ngôn ngữ - văn
hóa - văn chương.
3. Mục đích, yêu cầu nghiên cứu
Nghiên cứu đề tài: “Trường từ vựng sông nước Nam bộ trong một số truyện ngắn
của Nguyễn Quang Sáng”, người viết mong muốn đạt được những mục đích, yêu cầu sau
đây:
Thống kê từ vựng sông nước Nam bộ trong phạm vi mà đề tải khảo sát.
Phân loại từ vựng sông nước Nam bộ thành các tiểu trường dựa theo quan hệ ngữ
nghĩa.
Giải thích ý nghĩa, khảo sát từ loại, nguồn gốc cấu tạo của từ vựng đã được thống
kê.
Phân tích được giá trị phản ánh của từ vựng trong truyện ngắn của Nguyễn Quang
Sáng. Do hạn định về dung lượng của một luận văn đại học, luận văn này chỉ phân tích
những nội dung phản ánh nổi bật, đặc trưng nhất về vùng đất Nam bộ.
Ngoài ra, người viết mong muốn có cái nhìn toàn diện hơn, sâu sắc hơn về giá trị
phản ánh của những từ vựng sông nước Nam bộ trong sáng tác của một nhà văn cách
mạng, để thấy được cái hay, cái độc đáo, sáng tạo của nhà văn trên con đường nghệ thuật
với sự kết hợp độc đáo nhuần nhuyễn giữa tư tưởng và thực tiễn, nhằm khẳng định vai
13
trò, vị trí to lớn của nhà văn trong dòng chảy văn học của vùng đất Nam bộ. Qua đó, có
một cái nhìn sâu sắc, trọn vẹn hơn về con người cũng như là vùng sông nước Nam bộ.
Mặt khác người viết còn mong muốn được góp phần nhỏ vào việc giữ gìn và phát
triển những đặc sắc văn hóa của vùng đất Nam bộ.
Đề tài “Trường từ vựng sông nước Nam bộ trong một số truyện ngắn của Nguyễn
Quang Sáng”, còn là nền tảng bổ trợ cho người viết có nhiều kiến thức ứng dụng cho
công việc sau khi ra trường như giảng dạy, viết lách hay sáng tác,...
4. Phạm vi nghiên cứu
Với việc nghiên cứu đề tài: “Từ vựng sông nước Nam bộ trong một số truyện ngắn
của Nguyễn Quang Sáng”, người viết khảo sát 27 truyện ngắn tiêu biểu được in trong
Tuyển tập Nguyễn Quang Sáng (tập I và tập II, Nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội, 1996).
Thực hiện đề tài: “Trường từ vựng sông nước Nam bộ trong một số truyện ngắn
của Nguyễn Quang Sáng”, ngoài việc khảo sát những vấn đề chung liên quan đến đề tài,
người viết chủ yếu tập trung vào tìm hiểu những giá trị phản ánh của từ vựng sông nước
trong tác phẩm Nguyễn Quang Sáng.
5. Phƣơng pháp nghiên cứu
Từ việc định ra những phương hướng nghiên cứu như trên, với đề tài:“Trường từ
vựng sông nước Nam bộ trong một số truyện ngắn của Nguyễn Quang Sáng” người viết
sử dụng những phương pháp nghiên cứu sau đây:
Phương pháp thống kê: thống kê từ vựng sông nước Nam bộ xuất hiện trong phạm
vi mà đề tài khảo sát.
Phương pháp phân loại: phân chia và sắp xếp các từ thành nhóm dựa trên quan hệ
ngữ nghĩa.
Phương pháp phân tích: xét các từ thuộc trường từ vựng sông nước trong ngữ cảnh
cụ thể trong tác phẩm của Nguyễn Quang Sáng để chỉ ra giá trị nội dung của chúng.
Phương pháp tổng hợp: dựa trên những vấn đề đã phân tích, người viết đưa ra nhận
xét, đánh giá của mình để bài viết mang tính chất khoa học và thuyết phục hơn.
14
Ngoài ra, người viết còn sử dụng thao tác chứng minh, so sánh,... Những thao tác
này sẽ có tác dụng bổ trợ làm cho những vấn đề đưa ra sẽ được giải quyết một cách sáng
tỏ hơn.
15
PHẦN NỘI DUNG
CHƢƠNG 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG
1.1 Giới thuyết về từ, từ vựng, - trƣờng từ vựng
1.1.1 Từ
1.1.1.1 Định nghĩa
Trên thực tế có rất nhiều quan niệm khác nhau về từ.
Theo Giáo trình cơ sở ngôn ngữ học do tác giả Nguyễn Hữu Chỉnh và Nguyễn
Thị Thu Thủy biên soạn thì cho rằng:“Từ là đơn vị cơ bản của từ vựng, của ngôn ngữ, là
16
chỉnh thể gồm hai mặt (âm và nghĩa), có tính cố định, sẵn có, bắt buộc, là đơn vị nhỏ nhất
và độc lập, có chức năng tự do để tạo câu” [7; tr. 116]
Trong quyển Dẫn Luận Ngôn Ngữ học tác giả Nguyễn Thiện Giáp thì cho ý kiến
về từ như sau: “Từ là đơn vị tồn tại hiển nhiên, sẵn có của ngôn ngữ. Do tính chất hiển
nhiên, có sẵn của từ mà ngôn ngữ của loài người bao giờ cũng được gọi là ngôn ngữ của
các từ. Chính tổng thể các từ là vật liệu xây dựng mà thiếu nó thì không thể hình dung
được một ngôn ngữ. Chính các từ đã biến đổi và kết hợp ở trong câu theo quy luật ngữ
pháp của ngôn ngữ” [10; tr. 60].
Tác giả Nguyễn Thiện Giáp cũng nhận định “Mặc dù từ luôn luôn ám ảnh tư
tưởng chúng ta như toàn bộ cơ cấu của ngôn ngữ, nhưng khái niệm này rất khó định
nghĩa. Cái khó nhất trong việc định nghĩa từ là sự khác nhau về cách định hình, về chức
năng và những đặc điểm ý nghĩa của từ trong các ngôn ngữ khác nhau cũng như trong
cùng một ngôn ngữ” [10; tr. 61]
Cuối cùng tác giả Nguyễn Thiện Giáp cũng kết luận: “Nói chung, không có định
nghĩa nào về từ làm mọi người thỏa mãn. Với tư cách là định nghĩa sơ bộ, có tính chất
giả thiết để làm việc, có thể chấp nhận định nghĩa từ như sau: từ là đơn vị nhỏ nhất của
ngôn ngữ, độc lập về ý nghĩa và hình thức” [10; tr. 61]
Trong quyển Từ và nhận diện từ tiếng Việt tác giả Nguyễn Thiện Giáp định
nghĩa: “Từ của tiếng Việt là một chỉnh thể nhỏ nhất có ý nghĩa để tạo ra câu nói, nó có
hình thức, có một âm tiết, một khối viết liền” [11; tr. 168]
Tác giả Lưu Văn Lăng trong quyển Ngôn ngữ và tiếng Việt thì quan niệm:
“Những đơn vị nhỏ nhất mới là từ. Có thể nói từ là đơn vị tách biệt nhỏ nhất, nói cách
khác từ là ngữ đoạn (tĩnh) nhỏ nhất [21; tr. 123]. Và “Từ có thể gồm nhiều tiếng không tự
do hoặc chỉ một tiếng tự do hay nhiều tiếng tự do kết hợp lại theo quan hệ cú pháp tiếng
Việt” [21; tr. 214]
Theo tác giả Hồ Lê trong quyển Cấu tạo từ tiếng Việt hiện đại cho rằng:“Từ là
đơn vị ngôn ngữ có chức năng định danh phi liên kết hiện thực, hoặc có chức năng mô
17
phỏng tiếng động, có khả năng kết hợp tự do, có tính vững chắc về cấu tạo và tính nhất
thể về ý nghĩa” [22; tr. 104]
Đái Xuân Ninh trong quyển Hoạt động từ tiếng Việt đưa ra khái niệm về từ như
sau: “Từ là đơn vị cơ bản trong cấu trúc ngôn ngữ ở giữa hình vị và cụm từ. Nó được cấu
tạo từ một hay nhiều đơn vị ở hàng sau nó tức là hình vị và lập thành một khối hoàn
chỉnh” [23; tr. 24]
Dựa vào những vấn đề nêu trên, ta có thể hiểu về đặc điểm của “từ” như sau:
Từ là đơn vị nhỏ nhất của ngôn ngữ có nghĩa;
Mang tính cố định, sẵn có, bắt buộc;
Có chức năng tạo câu.
Trong tiếng Việt thì từ có thể đơn âm tiết (tương đương với 1 tiếng) hoặc đa âm
tiết (hơn 1 tiếng).
1.1.1.2 Phân loại
Trên thực tế có nhiều cách phân loại khác nhau về từ như sau:
Dựa trên tiêu chí về cách định hình, về chức năng và những đặc điểm ý nghĩa của
từ, tác giả Nguyễn Thiện Giáp đã phân loại từ thành các nhóm:
“Từ mang chức năng định danh, từ không mang chức năng định danh (số từ, thán
từ, các từ phụ trợ);
Từ biểu thị khái niệm, từ là dấu hiệu của những cảm xúc nào đó (thán từ);
Từ liên hệ với những sự vật, hiện tượng ngoài thực tế (các hư từ);
Từ có kết cấu nội bộ, từ không có kết cấu nội bộ, từ tồn tại ở nhiều dạng thức ngữ
pháp, từ chỉ tồn tại trong một dạng thức mà thôi,...”
[10; tr. 61]
Căn cứ vào tiêu chí cấu tạo của từ, có nhiều cách phân loại từ khác nhau, nhưng
nhìn chung các tác giả đều thừa nhận tiếng Việt có ba kiểu cấu tạo từ là từ đơn, từ ghép,
từ láy.
18
Trong quyển Từ và vốn từ tiếng Việt hiện đại, tác giả Nguyễn Văn Tu định nghĩa
về từ đơn như sau: “những từ đơn trong tiếng Việt là từ chỉ gồm có một bộ phận không
chia nhỏ được thường được gọi bằng thuật ngữ ngữ âm là âm tiết. Để cho phù hợp với từ
vựng học, chúng tôi gọi từ đơn là từ có một thành tố tức là từ tố.” [36; tr. 36]
Đồng thời, tác giả Nguyễn Văn Tu cũng quan niệm về từ ghép như sau: “Những từ
đơn trong tiếng Việt có thể kết hợp với nhau thành những cụm từ khác nhau để diễn đạt
một nội dung mới hơn so với những thành tố của chúng. Những cụm từ này có hai trạng
thái: trạng thái tự do và trạng thái cố định.
Ví dụ, những tổ hợp tự do như:
ăn + sạch = ăn sạch
ăn + cơm = ăn cơm
nhà + gạch = nhà gạch v.v…
Còn những tổ hợp như: mát tay, ăn ở, ăn mặc, ngăn nắp, máy bay, máy khâu, xe
cộ… đều là những tổ hợp cố định, đã trở thành các từ. Đây là những từ ghép.
Hai tổ hợp này khác nhau ở tính chất của những thành tố. Trong tổ hợp tự do,
những thành tố là những từ đơn, hoặc từ ghép. Chúng được dùng một cách tự do và được
kết hợp với nhau một cách tạm thời. Như vậy loại tổ hợp cố định tồn tại vững chắc và
không được tách ra một cách tự do. Chúng gắn bó với nhau trong một đơn vị chặt chẽ là
từ ghép.” [36; tr. 43]
Về từ láy, trong giáo trình Nội dung bài giảng môn từ vựng học tiếng Việt tác giả
Nguyễn Thị Thu Thủy quan niệm như sau: “Để có thể dung nạp được cả hai bộ phận (từ
láy chân chính và từ ghép có dạng láy mất nghĩa), ngày nay đứng trên quan điểm đồng
đại có thể nói từ láy là những từ gồm nhiều tiếng, các tiếng được ghép lại dựa trên quan
hệ ngữ âm, có tác dụng tạo nghĩa.” [33; tr. 20]
Căn cứ vào nguồn gốc của các từ, từ được chia thành hai lớp: từ bản ngữ và từ
ngoại lai.
19
Ở từ tiếng Việt, lớp từ ngoại lai được phân thành hai lớp nhỏ hơn: lớp các từ ngữ
gốc Hán và lớp các từ ngữ gốc Ấn-Âu (chủ yếu là gốc Pháp).
Từ ngữ gốc Hán bao gồm: từ Hán cổ và từ Hán Việt.
Từ Hán cổ là những từ gốc Hán được du nhập vào tiếng Việt trong giai đoạn một.
Vì đi vào tiếng Việt đã lâu, đã được đồng hoá rất mạnh, nên những từ này hiện nay nói
chung không còn cái vẻ xa lạ đối với người Việt nữa. Ví dụ: chè, ngà, chén, chém, chìm,
buồng, buồn, buồm, mùi, mùa...
Từ Hán Việt là những từ gốc Hán du nhập vào tiếng Việt trong giai đoạn hai, mà
người Việt đã đọc âm chuẩn (Trường An) của chúng theo hệ thống ngữ âm của mình.
Cách đọc đó được duy trì (với những biến đổi ít nhiều) cho đến tận ngày nay. Ví dụ: trà,
mã, trọng, khinh, vượng, cận, nam, nữ...
Từ bản ngữ (từ thuần Việt): trong mọi từ vựng, trừ những từ ngoại nhập ra, phần cơ
bản còn lại được gọi là lớp từ bản ngữ hay lớp từ thuần.
1.1.2 Từ vựng – Trƣờng từ vựng
1.1.2.1 Từ vựng
Theo tác giả Lê Đình Tư, thì toàn bộ vốn từ và các đơn vị tương đương từ như:
thành ngữ, quán ngữ, từ phức làm thành vốn từ vựng của ngôn ngữ. Tác giả đã nêu lên
dịnh nghĩa về từ vựng như sau: “Từ vựng của một ngôn ngữ là tập hợp tất cả những đơn
vị ngôn ngữ nào có cấu trúc hình thức bền vững, có nghĩa hoàn chỉnh, lớn nhất về tính
bắt buộc ghi nhớ đối với các thành viên của cộng đồng và nhỏ nhất về khả năng trực tiếp
kết hợp với nhau để tạo ra các đơn vị thông báo” [37]
Theo quyển Dẫn Luận Ngôn ngữ học, tác giả Nguyễn Thiện Giáp cho rằng từ
vựng là một bộ phận cấu thành của ngôn ngữ cùng với ngữ âm và ngữ pháp. “Trong kết
cấu ngôn ngữ, từ vựng thuộc vào ngoại biên về nghĩa vì nó trực tiếp gọi tên các sự vật,
20
hiện tượng của thực tế” [10; tr. 60]. Ngoài ra tác giả còn giải thích thêm: “Nếu chiết tự,
vựng là một yếu tố gốc Hán, có nghĩa là sưu tập, tập hợp, do đó từ vựng sẽ là sưu tập, tập
hợp các từ của ngôn ngữ... Nó không chỉ bao gồm các từ mà còn bao gồm các ngữ, tức là
những cụm từ sẵn có, tương đương với từ, chẳng hạn như các thành ngữ” [10; tr. 60].
Tác giả cũng khẳng định thêm: “Tuy nhiên trong các đơn vị từ vựng, từ là đơn vị cơ bản.
Ngữ không phải là đơn vị từ vựng cơ bản vì nó do các từ cấu tạo nên, muốn có các ngữ,
trước hết phải có từ” [10; tr. 60]
Bên cạnh đó, trong quyển 777 khái niệm ngôn ngữ học, tác giả Nguyễn Thiện
Giáp cũng đã quan niệm về từ vựng như sau: “Thuật ngữ từ vựng được dùng để chỉ cái
đối tượng mà tiếng anh gọi là lexicon. Nếu chiết tự thì “vựng” là sưu tập, tập hợp, “từ
vựng” là tập hợp các từ của ngôn ngữ. Nhưng thực tế, nội dung của thuật ngữ “từ vựng”
rộng hơn. Từ vựng của một ngôn ngữ là tập hợp các đơn vị từ vựng của ngôn ngữ đó. Các
đơn vị từ vựng bao gồm cả các từ lẫn những đơn vị tương đương với từ, tức là các thành
ngữ. Từ vựng của một ngôn ngữ là cái khách quan, là bộ phận cấu thành ngôn ngữ, nó
tồn tại hoàn toàn độc lập với nhà ngôn ngữ học. Cần phân biệt từ vựng với vốn từ” [12;
tr. 465]
Theo Giáo trình cơ sở ngôn ngữ học do tác giả Nguyễn Hữu Chỉnh và Nguyễn
Thị Thu Thủy biên soạn thì cho rằng: “Vựng là yếu tố gốc Hán có nghĩa cái kho, nơi
chứa. Từ vựng là kho từ, vốn từ của một ngôn ngữ gồm các từ và các đơn vị tương đương
vời từ. Từ vựng là một hệ thống hữu hạn, là một bộ phận quan trọng của hệ thống ngôn
ngữ, phát triển liên tục cùng với sự phát triển của xã hội. Mỗi từ trong hệ thống bao giờ
cũng đối lập với các từ còn lại, đồng thời chỉ có giá trị khi được xét trong mối tương quan
với các từ khác trong hệ thống. Từ vựng của một ngôn ngữ có thể gồm nhiều trăm ngàn
từ. Nhưng vốn từ của một cá nhân thường không nhiều lắm. Tích lũy được khoảng 6000
đến 9000 từ đã có thể xem là trình độ văn hóa cao. Một nhà văn thiên tài thường cũng chỉ
sử dụng vốn từ khoảng 20000 từ [7; tr. 114]
Trong giáo trình Nội dung bài giảng môn từ vựng học tiếng Việt, tác giả Nguyễn
Thị Thu Thủy định nghĩa từ vựng như sau:
21
“Từ vựng là tập hợp toàn bộ vốn từ của ngôn ngữ. Vốn từ bao gồm toàn bộ các từ
và bộ phận tương đương với từ, tức là thành ngữ. Trong đó từ là đơn vị từ vựng cơ bản
nhất.
Từ vựng là một trong ba bộ phận cấu thành của ngôn ngữ, giữ vai trò quan trọng
nhất và chiếm số lượng phong phú nhất. Hơn bộ phận nào hết, từ vựng phản ánh trực tiếp
và rộng rãi thực tế khách quan, nền văn hóa của dân tộc, nhanh chóng hưởng ứng mọi sự
thay đổi của xã hội trong mọi mặt sinh hoạt đời sống”
[33; tr. 6]
Tham khảo từ những định nghĩa trên. Ta có thể hiểu một cách đơn giản về từ vựng
như sau: từ vựng là toàn bộ các vốn từ của ngôn ngữ, bao gồm từ và các bộ phận tương
đương với từ, có cấu trúc bền vững và phản ánh được nền văn hóa đặc thù của dân tộc.
Theo tác giả Nguyễn Thiện Giáp thì “Từ vựng của ngôn ngữ nào đó bao gồm
nhiều lớp hạng khác nhau. Nếu căn cứ vào phạm vi sử dụng của các từ có thể chia từ
vựng thành từ vựng toàn dân và từ vựng hạn chế về mặt xã hội và lãnh thổ” [10; tr. 113].
Từ vựng hạn chế bao gồm các lớp: từ địa phương, tiếng lóng. từ nghề nghiệp và thuật
ngữ.
Bên cạnh cách phân loại dựa vào phạm vi sử dụng ở trên, tác giả Nguyễn Thiện
Giáp đã căn cứ vào vai trò của từ trong quá trình giao tiếp, chia ra từ vựng tích cực và từ
vựng tiêu cực.
“Từ vựng tích cực là những từ quen thuộc và được sử dụng thường xuyên trong
phạm vi nào đó của việc giao tiếp bằng ngôn ngữ” [10; tr. 125]
“Từ vựng tiêu cực là những từ ít dùng hoặc không được dùng. Nó bao gồm các từ
ngữ lỗi thời và các từ ngữ còn mang sắc thái mới, chưa được dùng rộng rãi” [10; tr. 126]
1.1.2.2
Trƣờng từ vựng
Trong quyển 777 khái niệm ngôn ngữ học, tác giả Nguyễn Thiện Giáp viết:
“Trường từ vựng bao phủ lên trường nghĩa như một cái hình ghép, cái áo khoác hay tấm
vải phủ. Vì thế khái niệm trường từ vựng được định nghĩa như sau: Trường từ vựng của
22
một trường nghĩa là tập hợp các từ ngữ có những đơn vị từ vựng cơ sở cùng thuộc trường
nghĩa này” [ 12; tr. 437]
Theo sách Ngữ văn 8 tập một: “Trường từ vựng là tập hợp của những từ có ít nhất
một nét chung về nghĩa.” [25; tr. 21]
Theo Từ vựng học tiếng Việt, tác giả Đỗ Hữu Châu quan niệm:“Trường từ vựng
ngữ nghĩa là tập hợp các từ và ngữ cố định trong từ vựng của một ngôn ngữ nhờ vào sự
đồng nhất nào đấy về ngữ nghĩa” [5; tr. 127]
Tóm lại, có thể hiểu trường từ vựng là:
Tập hợp các từ,
Có quan hệ về nghĩa.
Theo Giáo trình Cơ Sở Ngôn Ngữ học, của tác giả Nguyễn Hữu Chỉnh – Nguyễn
Thị Thu Thủy thì phân loại về trường từ vựng như sau:
Khi nói tới trường từ vựng, người ta chủ yếu nghĩ tới ba loại trường từ vựng - ngữ
nghĩa sau đây: trường nghĩa trực tuyến, trường nghĩa tuyến tính, trường nghĩa liên tưởng.
Trƣờng nghĩa trực tuyến (trƣờng nghĩa dọc): “Vốn từ của một ngôn ngữ được
chia thành các trường nghĩa trực tuyến (trường nghĩa dọc) thuộc nhiều cấp độ lớn nhỏ
khác nhau dựa vào nét nghĩa phạm trù chung nhất đến nét nghĩa phạm trù nhỏ hơn rồi
các nét nghĩa loại, hạng và các nét nghĩa riêng biệt. Đây là lối sắp xếp vốn từ của một
ngôn ngữ theo các trường nghĩa biểu vật và biểu niệm rất có lợi cho người sử dụng. Nó
tạo cơ sở cho việc soạn các từ điển không sắp xếp theo trật tự chữ cái đầu truyền thống
mà theo các lĩnh vực khác nhau của đời sống.” [7; tr. 142]
Trƣờng nghĩa tuyến tính (trƣờng nghĩa ngang): “Các từ trong hoạt động còn
kết hợp nhau theo trật tự trước sau, nghĩa là theo chiều ngang, chiều tuyến tính. Như thế,
ngoài các trường nghĩa trực tuyến lại có thể tập hợp các từ có khả năng kết hợp với một
từ nào đó để tạo lập nên các trường nghĩa tuyến tính của các từ ấy. Thí dụ các trường
nghĩa ngang của BÀN:
Một, hai/ vài, các, những, mọi, tất cả, mỗi…+ BÀN
23
Làm, đóng, chế tạo, sửa, chữa, dọn, lau…+ BÀN
BÀN + này, kia, ấy, nọ/ của…, do…, để…, ở….,v.v…
BÀN + to, nhỏ, xấu, tốt/ gỗ, sắt, đá, nhựa, mi ca/ ăn, học, nước, cà phê…”
[7; tr. 143]
Trƣờng nghĩa liên tƣởng: “Theo Charles Bally, mỗi từ phát ra là một kích thích
có thể làm trung tâm của một trường ngữ nghĩa liên tưởng. Từ bò trong tiếng Pháp có thể
làm ta liên tưởng tới nhiều ý nghĩa ngoài ý nghĩa con bò cụ thể hay khái niệm bò với
thuộc tính động vật có vú, loài nhai lại, có sừng, cho sữa, thịt, sức kéo,…Như vậy, khi một
từ được phát ra, người nghe một mặt lĩnh hội ý nghĩa của riêng từ ấy, mặt khác có thể
liên tưởng tới nhiều sự kiện xã hội và cá nhân phong phú, sinh động. Toàn bộ các từ
mang các ý nghĩa liên tưởng ấy họp lại thành trường nghĩa liên tưởng ngữ nghĩa của từ.
Lí thuyết về trường liên tưởng ngữ nghĩa có tác dụng tốt trong việc lí giải cái gọi là trừu
tượng một số tác giả văn chương”. [7; tr. 143]
1.2 Vài nét về vùng đất Nam bộ
1.2.1 Địa lí Nam bộ
Nam bộ là khu vực phía nam của Việt Nam và là một trong ba vùng chính của lãnh
thổ Việt Nam (gồm Bắc bộ, Trung bộ và Nam bộ). Phía tây giáp vịnh Thái Lan, phía đông
và đông nam giáp biển Đông, phía bắc và tây bắc giáp campuchia và một phần phía tây
bắc giáp Nam Trung bộ.
Nam bộ bao gồm địa bàn 19 tỉnh thành: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây
Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh
Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, thành phố Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Kiên
Giang, Bạc Liêu, Cà Mau.
Nam bộ có khí hậu mang tính chất nhiệt đới gió mùa và cận xích đạo, nền nhiệt ẩm
phong phú, ánh nắng dồi dào, thời gian bức xạ dài. Biên độ nhiệt ngày đêm giữa các
tháng trong năm thấp và ôn hòa. Độ ẩm trung bình hàng năm khoảng từ 80 - 82%. Khí
24
hậu hình thành trên hai mùa chủ yếu quanh năm là mùa khô và mùa mưa. Mùa mưa từ
tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 tới tháng 4.
Vùng đất Nam bộ bao gồm hai khu vực có sự phân hóa tương đối khác biệt:
Đông Nam bộ gồm các tỉnh thành như: Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Tây
Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh. Nơi đây có độ cao từ 100 - 200m, có
cấu tạo địa chất chủ yếu là đất đỏ bazan và đất phù sa cổ. Khu vực đồng bằng sông nước
ở đây chiếm diện tích khoảng 6.130.000 ha cùng trên 4.000 kênh rạch với tổng chiều dài
lên đến 5.700 km.
Tây Nam bộ (Đồng bằng Sông Cửu Long) có diện tích 39.734 km², gồm các tỉnh
thành như Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, Hậu Giang,
Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và Thành phố Cần Thơ. Tây Nam
Bộ có độ cao trung bình gần 2m, được hình thành chủ yếu từ quá trình lùi dần của biển
cổ, là miền đất của phù sa mới. Vì vậy địa hình ở đây chịu sự tác động của sông biển với
hệ thống kênh rạch khá chằng chịt. Tuy nhiên, Ở đây vẫn có một số núi thấp ở khu vực
tiếp giáp với vùng Tây Nguyên, miền Tây tỉnh Kiên Giang và Campuchia.
Nam bộ có hệ thống sông ngòi khá dày đặc bao gồm hai hệ thống sông lớn nhất
là sông Đồng Nai và sông Cửu Long. Ngược với dòng Sông Đồng Nai có lượng phù sa
thấp, dòng sông Cửu Long có lượng nước đổ về trung bình khoảng 4.000 tỷ mét khối và
hàng năm vận chuyển khoảng 100 triệu tấn phù sa, giữ vai trò rất quan trọng đối cho
Đồng bằng sông Cửu Long trong việc phát triển nông nghiệp.
1.2.2 Lịch sử Nam bộ
Vùng đất Nam bộ trước kia là lãnh thổ của nước Phù Nam và Chân Lạp.
Thời chúa Nguyễn và nhà Tây Sơn, vùng đất này là xứ Gia Định (Gia Định thành),
mới được khai khẩn từ thế kỷ XVII. Vua Gia Long nhà Nguyễn gọi vùng này là Gia Định
Thành, bao gồm 5 trấn: Phiên An (địa hạt Gia Định), Biên Hòa, Vĩnh Thanh (tức là Vĩnh
Long và An Giang), Vĩnh Tường và Hà Tiên.
25
Vua Gia Long nhà Nguyễn gọi vùng này là Gia Định Thành, bao gồm 5 trấn: Phiên
An (địa hạt Gia Định), Biên Hòa, Vĩnh Thanh (tức là Vĩnh Long và An Giang), Vĩnh
Tường và Hà Tiên.
Năm 1834, vùng đất này được vua Minh Mạng gọi là Nam Kỳ.
Năm 1859, Pháp đánh chiếm thành Gia Định, mở đầu cuộc xâm lược đất Việt
Nam.
Năm 1862, ngày 13 tháng 4, triều đình Huế cắt 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ (Biên
Hòa, Gia Định và Định Tường) nhượng cho Pháp.
Năm 1867, Pháp đơn phương tuyên bố toàn bộ 6 tỉnh Nam Kỳ là lãnh địa của
Pháp. Từ đó, Nam Kỳ được hưởng quy chế thuộc địa, với chính quyền thực dân, đứng đầu
là một thống đốc người Pháp.
Hiệp ước Quý Mùi (25 tháng 8 năm 1883) nhập thêm tỉnh Bình Thuận vào Nam
Kỳ (thuộc địa Pháp) coi như trừ số tiền bồi thường chiến phí còn lại mà triều đình Huế
chưa trả hết, nhưng năm sau, hiệp ước Giáp Thân (6 tháng 6 năm 1884) lại trả tỉnh Bình
Thuận về cho Trung Kỳ.
Sau nhiều biến động của lịch sử, đến năm 1887, Nam Kỳ trở thành một vùng lãnh
thổ nằm trong Liên bang Đông Dương. Năm 1933, quần đảo Trường Sa sát nhập vào
Nam Kỳ thuộc Pháp.
Đến tháng 3 năm 1945 Thống sứ Nhật Nashimura đổi Nam Kỳ thành Nam Bộ.
Năm 1945, thời Đế quốc Việt Nam với chính phủ Trần Trọng Kim tuyên bố sáp
nhập Nam Kỳ lại thành một bộ phận của nước Việt Nam độc lập. Sau khi Cách mạng
tháng Tám nổ ra, Ủy ban Hành chính Lâm thời Nam bộ đã ra mắt ngày 25 tháng 8 năm
1945 do Trần Văn Giàu làm Chủ tịch.
Thực dân Pháp nổ súng ở Sài Gòn ngày 23 tháng 9 năm 1945 rồi dần dần đánh
rộng ra chiếm lại Nam bộ. Chính phủ Nam Kỳ quốc được thành lập theo sự chỉ đạo của
Pháp hòng tách Nam bộ ra khỏi Việt Nam với tên Nam Kỳ Quốc.
26
Năm 1946, trước khi sang Pháp tìm kiếm một giải pháp hòa bình, Hồ Chí Minh đã
viết thư gửi đồng bào Nam bộ, bác khẳng định: “Đồng bào Nam bộ là dân nước Việt
Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!”
Không đánh bại được Việt Minh, Pháp phải dùng “giải pháp Bảo Đại”, công nhận
nền độc lập và sự thống nhất của Việt Nam. Cuối cùng, ngày 22 tháng 5 năm 1949, Quốc
hội Pháp chính thức bỏ phiếu thông qua việc trả Nam bộ cho Việt Nam. Nam bộ trở thành
lãnh thổ nằm trong Quốc gia Việt Nam.
Qua các thời kì sau đó, Nam bộ đã trải qua những biến thiên của lịch sử và có
nhiều thay đổi nhất định. Sau khi đất nước thống nhất, năm 1976 Nam bộ được chia thành
13 tỉnh thành trong tổng số 38 tỉnh thành của cả nước: Thành phố Hồ Chí Minh, Sông Bé,
Tây Ninh, Đồng Nai, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Hậu Giang, Kiên
Giang, Bến Tre, Cửu Long, Minh Hải.
Năm 1979, thành lập Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, tương đương cấp tỉnh. Do đó
thời kỳ 1979 - 1991 Nam Bộ có 13 tỉnh thành và 1 Đặc khu trong tổng số 39 tỉnh thành và
Đặc khu của cả nước.
Từ năm 1991, với việc tỉnh Cửu Long tách ra thành 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà
Vinh và Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo trở thành tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thì Nam bộ có
15 tỉnh thành trong tổng số 53 tỉnh thành của cả nước.
Từ năm 1997, với việc tỉnh Sông Bé tách ra thành 2 tỉnh Bình Dương và Bình
Phước, tỉnh Hậu Giang tách ra thành 2 tỉnh Cần Thơ và Sóc Trăng, tỉnh Minh Hải tách ra
thành 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau thì Nam bộ có 18 tỉnh thành trong tổng số 63 tỉnh thành
của cả nước.
Từ năm 2004, tỉnh Cần Thơ tách ra thành thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang
nên Nam bộ có 19 tỉnh thành trong tổng số 63 tỉnh thành của cả nước.
1.3 Vài nét về tác giả Nguyễn Quang Sáng
1.3.1 Tiểu sử
27
Nguyễn Quang Sáng là một nhà văn Việt Nam, còn có bút danh khác là Nguyễn
Sáng. Ông sinh ngày 12 – 01 – 1932 tại làng Mỹ Luông, Chợ Mới, tỉnh Long Xuyên; nay
thuộc thị trấn Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Nguyễn Quang Sáng xuất thân
trong một gia đình thủ công, cha mẹ làm nghề thợ bạc.
Do sinh ra và lớn lên ở trong một thời điểm khốc liệt dữ dội và vô cùng phức tạp
của xã hội bấy giờ, Nguyễn Quang Sáng đã lựa chọn con đường đi cho mình, ông đi bộ
đội rất sớm, khi mới bắt đầu tuổi 14 (tháng 4 năm 1946) và bắt đầu làm liên lạc viên cho
Liên Chi 2.
Từ năm 1948 – 1950, ông được đi học văn hóa ở trường trung học kháng chiến
Nguyễn Văn Tố và bắt đầu làm quen với văn học, làm thơ và viết kịch.
Từ năm 1950 - 1954, ông là cán bộ của phòng chính trị phân liên khu miền Tây
Nam Bộ, và có cơ hội đi hầu hết chiến trường Nam bộ, làm cán bộ nghiên cứu tôn giáo
(chủ yếu là Phật giáo và Hoà Hảo).
Năm 1954, Nguyễn Quang Sáng tập kết ra Bắc và bắt đầu sự nghiệp viết văn kể từ
đó.
Đến những năm kháng chiến chống Mỹ, ông quay lại miền Nam, cùng tham gia
cuộc kháng chiến và tiếp tục viết văn.
Năm 1957, ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và là Đảng viên của Đảng Cộng
sản Việt Nam.
Năm 1958, công tác ở Hội Nhà văn Việt Nam, làm biên tập viên tuần báo Văn
nghệ biên tập nhà xuất bản Văn học, cán bộ sáng tác. Năm 1966 vào chiến trường miền
Nam, làm cán bộ sáng tác của Hội Văn nghệ Giải phóng. Năm 1972, trở ra Hà Nội, tiếp
tục làm việc ở Hội Nhà văn.
Sau ngày giải phóng (4-1975) trở lại thành phố Hồ Chí Minh, giữ chức Tổng thư
ký Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh khóa l, khóa 2 và khóa 3. Ngoài ra, Nguyễn
Quang Sáng là ủy viên ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khoá 2, khoá 3 và là Phó
tổng thư ký Hội Nhà văn khoá IV.
28
Trong nhiều năm gần đây, ông là tác giả của nhiều kịch bản phim truyện: người
thành phố, Bức tượng, Mùa gió chướng, Cánh đồng hoang,...
1.3.2 Sự nghiệp sáng tác
Với hơn 60 năm tuổi nghề, Nguyễn Quang Sáng đã được độc giả viết đến với
nhiều tác phẩm không chỉ dừng lại ở các thể loại như truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết
mà còn ở cả kịch bản phim truyện. Bao gồm các tác phẩm tiêu biểu sau đây:
Về văn xuôi:
Con chim vàng (Kim Đồng 1957);
Ngƣời quê hƣơng (truyện ngắn, Văn học 1958);
Nhật ký ngƣời ở lại (tiểu thuyết, Văn học 1962);
Đất lửa (tiểu thuyết, Văn học 1963);
Câu chuyện bên trận địa pháo (truyện vừa, Văn học 1966);
Chiếc lƣợc ngà (truyện ngắn, Giải phóng 1968);
Bông cẩm thạch (truyện ngắn, Giải phóng 1969);
Cái áo thằng hình rơm (truyện vừa, Giải phóng 1975);
Mùa gió chƣớng (tiểu thuyết, Giải phóng 1975);
Ngƣời con đi xa (truyện ngắn, Tác phẩm mới 1977);
Dòng sông thơ ấu (tiểu thuyết, Kim Đồng1985);
Bàn thờ tổ của một cô đào (truyện ngắn, Văn nghệ 1985) ;
Tôi thích làm vua (truyện ngắn, Văn nghệ 1988);
25 truyện ngắn (Thông tin 1990);
Paris - tiếng hát Trịnh Công Sơn (Tác phẩm mới 1990);
Con mèo Foujita (truyện ngắn - Văn nghệ 1992).
Về kịch bản phim:
29
Mùa gió chƣớng (1977);
Cánh đồng hoang (1978);
Pho tƣợng (1981);
Cho đến bao giờ (1982);
Mùa nƣớc nổi (1986);
Dòng sông hát (1988);
Câu nói dối đầu tiên (1988);
Thời thơ ấu (1995);
GilZa dòng (1995);
Nhƣ một huyền thoại (1995).
Với những đóng góp của mình, Nguyễn Quang Sáng đã được nhận nhiều giải
thưởng văn học:
Ông Năm Hạng - truyện ngắn giải thưởng cuộc thi truyện ngắn báo Thống Nhất
(1959)
Tƣ Quắn - truyện ngắn, giải thưởng cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn nghệ quân
đội (1959)
Dòng sông thơ ấu - giải thưởng Hội đồng văn học thiếu nhi Hội Nhà văn (1985)
Con mèo của Foujita - tập truyện ngắn, giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam
(1994)
Cánh đồng hoang (kịch bản phim) bộ phim được tặng Huy chương vàng liên hoan
phim toàn quốc (1980), Huy chương vàng liên hoan phim ở Matxcơva (1981)
Mùa gió chƣớng (kịch bản phim), Huy chương bạc liên hoan phim toàn quốc (Hà
Nội 1980)
Năm 2000, Nguyễn Quang Sáng được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học
nghệ thuật.
30
CHƢƠNG 2: KHẢO SÁT TRƢỜNG TỪ VỰNG SÔNG NƢỚC NAM BỘ
TRONG MỘT SỐ TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN QUANG SÁNG
2.1 Khái niệm trƣờng từ vựng sông nƣớc
Nói đến sông nước là nói đến các môi trường sông nước và những gì liên quan đến
sông nước, chẳng hạn như địa hình sông nước; trạng thái, tính chất của sông nước; các
phương tiện đi lại trên sông nước; hoạt động của con người; động vật, thực vật vùng sông
nước; kèm theo những hình thức và dụng cụ đánh bắt thủy sản.
Theo đó trường từ vựng sông nước ở Nam bộ qua truyện ngắn của Nguyễn Quang
Sáng, chúng tôi tập hợp được gồm các nhóm từ ngữ sau: từ chỉ địa hình sông nước; từ chỉ
các trạng thái, tính chất của sông nước; từ chỉ các phương tiện, dụng cụ cho việc đi lại
sông nước; từ chỉ các hoạt động, trạng thái, tính chất của các phương tiện sông nước; từ
chỉ hoạt động sinh hoạt vùng sông nước; từ chỉ các ngành nghề truyền thống của vùng
sông nước; từ chỉ các dụng cụ đánh bắt; từ chỉ các hình thức đánh bắt; từ chỉ tên thực vật
vùng sông nước; từ chỉ tên động vật vùng sông nước; từ chỉ món ăn vùng sông nước; từ
chỉ các địa danh.
2.2 Trƣờng từ vựng sông nƣớc xét về mặt ngữ nghĩa
31
(Xem phần phụ lục)
Trong quá trình khảo sát 27 truyện ngắn của tác giả Nguyễn Quang Sáng được in
trong Tuyển tập Nguyễn Quang Sáng (tập I và tập II của Nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội,
1996), người viết đã thống kê được tất cả 172 từ với số lần xuất hiện là 859 lần. Cụ thể
như sau:
2.2.1 Nhóm từ chỉ địa hình sông nƣớc
Nhóm từ này có số lượng là 16 từ, và có tổng số lần xuất hiện thứ hai trong các
nhóm là 231 lần. Trong nhóm này từ có số lần xuất hiện nhiều nhất là là“sông” xuất hiện
73 lần; kế tiếp “nước” hiện 63 lần; kế đến là “bến” xuất hiện 29 lần; kế tiếp là “bờ”
xuất hiện 13 lần; kế tiếp là “kinh” xuất hiện 13 lần. Ở nhóm này xuất hiện rất nhiều dạng
địa hình, bao gồm các dạng địa hình lớn nhỏ khác nhau, có dạng địa hình tự nhiên và cả
địa hình nhân tạo. Bao gồm các địa hình như: ao, bến, bờ, bờ kinh, bờ mẫu, bờ sông, cù
lao, đồng bằng, kênh, kinh, mương, nước, rạch, sông, vàm, vàm kinh.
Ao: là chỗ đào sâu xuống đất, thường ở gần nhà, để giữ nước nuôi cá, thả bèo,
trồng rau, v.v [44]
Bến: Là chỗ bờ sông, rạch có bãi rộng làm nơi dừng lại, tụ tập để đi về hoặc trao
đổi mua bán.
Bờ: nơi giới hạn, tiếp giáp giữa nơi sông nước với đất liền [44]. Bờ là tên gọi của
chung của các vị trí như: bờ mẫu, bờ kinh, bờ sông, bờ suối,... trong truyện ngắn của
Nguyễn Quang Sáng xuất hiện những dạng địa hình sau, những dạng địa hình này cũng
thường được sử dụng trong ngôn ngữ của người dân Nam bộ như:
Bờ kinh: Nơi tiếp giáp giữa đất liền và nước, thường có diện tích nhỏ hơn so cới
bờ sông
Bờ mẫu: dải đất đắp chung quanh ruộng đắp đất be bờ ruộng
Bờ sông: là nơi tiếp giáp giữa đất liền và sông nước
Cù lao: Trong quyển Từ điển Từ ngữ Nam bộ, tác giả Huỳnh Công Tín giải thích
“Đảo, phần đất nhô lên ở giữa sông” [34; tr. 404]
32
Đồng bằng: vùng đất rộng lớn, thấp gần ngang mực nước biển, bằng phẳng hoặc
có các điểm cao thấp không chênh lệch nhau nhiều [44]
Kênh: là công trình dẫn nước nhân tạo, được đào, đắp trên mặt đất, phục vụ cho
thuỷ lợi hay giao thông
Kinh: Nghĩa giống như “kênh”
Mƣơng: kênh nhỏ để tưới tiêu nước [44]
Nƣớc: Địa hình ở dưới ao, hồ, kinh, rạch hoặc sông. Là môi trường sống của nhiều
loài thực vật và động vật sông nước.
Rạch: đường dẫn nước từ sông vào đồng ruộng, thuyền bè có thể đi lại được [44]
Sông: Dòng nước tự nhiên có lưu lượng lớn, chảy thường xuyên và đổ ra biển.
Vàm: chỉ vị trí, là cửa của sông
Vàm kinh: Cửa của con kinh, nơi giao nhau giữa sông và kinh, nơi nước của con
kinh chảy ra sông.
2.2.2 Nhóm từ chỉ các trạng thái, tính chất của sông nƣớc
Nhóm từ này có số lượng là 28 từ, và có số lần xuất hiện là 77 lần. Trong nhóm
này từ có số lần xuất hiện nhiều nhất là “sóng” xuất hiện 39 lần; kế đến là “mênh mông”
xuất hiện 4 lần. Nhóm này có các từ như: ầm ầm, ào ào, bập bềnh, chảy xiết, cuồn cuộn,
dâng cao, dựng đứng, đục ngầu, ì ầm, lách chách, lạch chạch, lắp xắp, lé đé, lên đầy, lụt,
lừng lững, mênh mang, mênh mông, ngập, ộp oạp, sóng, sóng ngầm, rạt rào, rì rầm, tràn,
trắng xóa, yên lặng, yên tĩnh.
Ầm ầm: từ tả tiếng động to và rền.
Ào ào: Từ mô phỏng tiếng gió thổi mạnh, tiếng nước chảy xiết hay tiếng ồn ở chỗ
đông người [44]
Bập bềnh: trôi nhấp nhô trên mặt nước, chiếc thuyền bập bềnh trên sông trôi nổi,
không yên
Chảy xiết: hiện tượng nước chảy rất nhanh và mạnh.
33
Cuồn cuộn: hiện tượng của nước, chảy dồn dập và mạnh mẽ.
Dâng cao: Hiện tượng của con nước, mực nước tăng lên nhanh đến mức báo động.
Dựng đứng: hiện nước của nước như được dựng thẳng lên giống như vách núi.
Đục ngầu: hiện tượng nước đục do chứa nhiều phù sa.
Ì ầm: Từ mô phỏng tiếng động trầm và kéo dài, lúc to lúc nhỏ không đều nhau từ
xa vọng lại
Lách chách: Miêu tả tiếng nước chảy, âm thanh nhỏ, đều đặn
Lách chạch: tiếng động phát ra nhỏ và nhẹ
Lắp xắp: Chỉ nước, xấp xỉ vừa tới một mức xác định nào đó [44]
Lé đé: Chỉ mực nước, gần với một mức nào đó.
Lên đầy: trạng thái của con nước, thường diễn ra vào mùa nước nổi.
Lụt: Trong quyển Từ điển Từ ngữ Nam bộ, tác giả Huỳnh Công Tín giải thích lụt
là“mùa nước lên cao hằng năm ở Đồng bằng Sông Cửu Long, vào tháng Chín âm lịch,
kéo dài trên ba tháng” [34; tr. 958]
Lừng lững: chậm chạp, lặng lẽ và nặng nề, gây ấn tượng đáng sợ hoặc khó chịu
[44]
Mênh mang: rộng lớn đến mức gây cảm giác mung lung, mờ mịt [44]
Mênh mông: rộng lớn đến mức như không có giới hạn [44]
Ngập: “Nước lên theo mùa trong năm, vào khoảng tháng sáu âm lịch cho đến
tháng mười, nước mỗi ngày một dâng lên, phủ ngập từ từ một diện rộng và duy trì trong
một thời gian dài” [34; tr.959]
Ộp oạp: Từ mô phỏng tiếng bước chân lội dưới bùn nước hoặc tiếng nước vỗ nhẹ
vào bờ [44]
Sóng: Hiện tượng mặt nước dao động, dâng lên hạ xuống trông như đang di
chuyển, chủ yếu do gió gây nên [44]. Xuất hiện ở tầng trên mặt nước, do tác động của gió,
34
triều cường hay nhiều tác nhân khác. Có những loại sóng tất nhỏ, trung bình, lớn hoặc rất
lớn.
Sóng ngầm: Sóng ở dưới đáy biển, do động đất ngầm gây nên [44]
Rạt rào: Hiện tượng nước tràn đầy do dâng lên nhiều và liên tục [44]
Rì rầm: từ gợi tả tiếng động nghe không thật rõ, cứ đều đều không dứt
Tràn: chỉ hiện tượng nước đầy quá mức đến độ di chuyển đến một nơi khác.
Trắng xóa: miêu tả màu sắc của nước, trắng đều khắp trên một diện rộng.
Yên lặng: trạng thái nước không bị khấy động và không có phát ra tiếng động.
Yên tĩnh: Chỉ một trạng thái không có một tiếng động, bình lặng và có phần vắng
vẻ
2.2.3 Nhóm từ chỉ các loại phƣơng tiện, dụng cụ cho việc đi lại sông nƣớc
Nhóm từ này có số lượng là 17, có số lần xuất hiện ở vị trí cao nhất là 233 lần. Trong
nhóm này từ có số lần xuất hiện nhiều nhất là “xuồng” xuất hiện 123 lần; kế tiếp là
“tàu” xuất hiện 30 lần; kế đến là “máy” xuất hiện 22 lần; kế tiếp là “ghe” xuất hiện 9
lần; song song với đó là “Máy đuôi tôm” xuất hiện 9 lần. Ở nhóm này có khá là nhiều từ,
bao gồm các phương tiện, dụng cụ thô sơ như buồm, chèo, dầm, sào, xuồng, thuyền đến
các phương tiện, dụng cụ tân tiến như máy, sà lan, tàu,… Qua đó thấy được sự phong phú
và đa dạng của các phương tiện, dụng cụ trên sông nước. Trong quá trình khảo sát, có
xuất hiện các từ như: bánh trớn, buồm, chèo, dầm, dây, đò, ghe, lòi tói, máy, máy đuôi
tôm, neo, sà lan, sào, tàu, thuyền, xuồng, xuồng máy.
Bánh trớn: Trong quyển Từ điển Từ ngữ Nam bộ, tác giả Huỳnh Công Tín giải
thích bánh trờn là“bánh đà, bánh sắt tròn, lớn được gắn vào máy để quay lấy đà, lấy trớn
cho máy chạy” [34; tr.130]
Buồm: Buồm là một tấm vải lớn giúp cho một số loại tàu thuyền (như thuyền
buồm), phương tiện giao thông hoặc cánh quạt (trong cối xay gió) chuyển động dựa vào
lực đẩy của gió.
35
Chèo: dụng cụ dùng để bơi thuyền, là một thanh dài, đầu trên tròn, có tay nắm, đầu
dưới dẹp và rộng bản
Dầm: Dụng cụ bằng gỗ, dùng để bơi bằng tay đối với các phương tiện không có
động cơ như xuồng, bè,…
Dây: Vật hình sợi dùng để buộc các phương tiện vào bến để nó không trôi.
Lòi tói: “Dây xích, dây bằng sắt, có khoen lớn, các khoen móc nối vào nhau” [34;
tr.440]
Ghe: “Thuyền, phương tiện di chuyển trên sông nước, lớn hơn xuồng” [34; tr 542]
Đò: Tàu, thuyền được dùng để chở khách và hành khách di chuyển theo một lộ
trình nhất định.
Máy: Chỉ động cơ, hoạt động bằng nhiên liệu, giúp cho các phương tiện như ghe,
tàu, thuyền, xuồng di chuyển trên mặt nước nhanh hơn.
Neo: Vật nặng, thả chìm dưới nước cho cắm chặt ở đáy để giữ cho tàu, thuyền
hoặc vật nổi nào đó ở vị trí nhất định, khỏi bị trôi. [44]
Sà lan: Phương tiện di chuyển thường dùng để chuyên chở hàng hóa trên sông, rất
to, có đáy bằng, thành thấp
Sào: Cây dài, thẳng bằng tre, nứa, v.v. thường dùng để chống xuồng.
Tàu: Tên gọi chung các phương tiện vận tải lớn và hoạt động bằng máy móc. Ví
dụ: tàu thủy, tàu bay, bến tàu, đường tàu, tàu vũ trụ [44]
Thuyền: Phương tiện di chuyển trên sông nước, nhờ sức người hoặc sức gió
Xuồng: Trong quyển Từ điển Từ ngữ Nam bộ, tác giả Huỳnh Công Tín giải thích
xuồng là “thuyền nhỏ, phương tiện vận chuyển nhỏ, dùng đi lại trên sông rạch” [34; tr.
1384]
Xuồng máy: Một phương tiện di chuyển trên sông nước. Nhưng không di chuyển
bằng sức người, sức gió mà có sử dụng động cơ bằng máy
36
2.2.4 Nhóm từ chỉ các hoạt động, trạng thái, tính chất của các phƣơng tiện
sông nƣớc
Nhóm từ này có số lượng là 16 từ, có số lần xuất hiện là 40 lần. Trong nhóm này
từ có số lần xuất hiện nhiều nhất là “chạy” xuất hiện 9 lần; kế tiếp là “cặp xuất hiện 5
lần, kế đến là “chìm” xuất hiện 4 lần; song song với đó là “chòng chàng” và “lao” mỗi
từ đều xuất hiện 4 lần. Nhóm từ này xuất hiện khá nhiều, bao gồm các từ như: cặp, chạy,
chập chờn, chìm, chòng chành, chơi vơi, hu hu, lạch cạch, lắc lia, lao, lững lơ, lướt, rền
rền, rung, vun vút, xình xịch.
Cặp: men theo, có thể là hai chiếc xuồng đi song song nhau hoặc chiếc xuồng ghé
lại gần một nơi nào đó.
Chạy: chỉ hoạt động của các phương tiện giao thông được điều khiển bởi các máy
móc giúp cho các phương tiện như tàu, thuyền, xuồng có thể di chuyển trên sông nước
với tốc độ nhanh.
Chập chờn: Chỉ một sự vật lúc ẩn lúc hiện, khi mờ, khi tỏ
Chìm: hiện tượng của các phương tiện như ghe, tàu, thuyền, xuồng,.. chuyển từ
trên mặt nước xuống tận đáy nước, do tác dụng của trọng lượng.
Chòng chành: hiện tượng nghiêng qua nghiêng lại, của các phương tiện do tác
nhân như mưa gió hoặc sóng lớn
Chơi vơi: chỉ trạng thái một mình trơ trọi, không nơi bám víu.
Hu hu: chỉ âm thanh liên tiếp, đều đều của các máy khi đang chạy với vận tốc lớn
và có tính liên tục, ổn định
Lạch cạch: tiếng gọn và trầm của vật cứng đập nhẹ vào nhau. Thường khi bơi
xuồng phần cán của dầm thường đụng vào be xuồng nên gây ra âm thanh này.
Lao: hiện tượng di chuyển rất nhanh về phía trước của các phương tiện đang di
chuyển trên mặt nước.
Lắc lia: trạng thái chuyển động của các phương tiện trên mặt nước, cứ ngả sang
hai bên liên tục do tác động của sóng.
37
Lững lơ: trạng thái không cố định của các phương tiện trên mặt nước.
Lƣớt: hiện tượng di chuyển nhanh và nhẹ của các phương tiện trên mặt nước
Rền rền: chỉ âm thanh của tiếng máy đang chạy lớn, âm thanh vang liên tiếp từng
hồi, không dứt.
Rung: trạng thái của các phương tiện, dụng cụ khi chuyển động hoặc cử động
nhanh, liên tiếp.
Vun vút: chỉ hiện tượng một phương tiện di chuyển rất nhanh.
Xình xịch: âm thanh của tiếng máy đang chạy.
2.2.5 Nhóm từ chỉ các hoạt động sinh hoạt vùng sông nƣớc
Nhóm từ này có số lượng là 5 từ và có tổng số lần xuất hiện là 20 lần. Trong nhóm
này từ có số lần xuất hiện nhiều nhất là “chèo” xuất hiện là 6 lần; kế tiếp là “bơi” xuất
hiện 5 lần. Trong phạm vi đề tài khảo sát, ở nhóm này có số lượng tương đối ít, bao gồm
các từ sau: bơi, chèo, lặn, neo, tắm.
Bơi: hoạt động lái mái chèo, mái dầm cho thuyền, ghe di chuyển
Chèo: gạt nước bằng mái chèo làm cho thuyền di chuyển [44]
Lặn: Tự làm cho mình chìm hẳn xuống dưới mặt nước [44]
Neo: Giữ cho tàu, thuyền đứng yên một chỗ nhất định..
Tắm: Hoạt động sinh hoạt hằng ngày của con người. Riêng con người ở vùng sông
nước Nam bộ thường là tắm bằng nước sông, trong lúc tắm họ có thể làm nhiều việc khác
nhau như: ngâm mình trong nước thật lâu, lội, lặn, chơi trò chơi,… Hình thức tằm này
được xem là một đặc trưng văn hóa của con người vùng sông nước Nam bộ.
2.2.6 Nhóm từ chỉ các ngành nghề truyền thống của vùng sông nƣớc
Nhóm từ này có số lượng là 4 từ, có tổng số lần xuất hiện là 6 lần. Trong nhóm
này, có rất ít từ: cá, đánh cá, làm mắm, ruộng.
Cá: Chỉ nghề liên quan đến cá, thường là đánh bắt và nuôi cá. Đây là cách nói tắt
của người Nam bộ.
38
Đánh cá: bắt cá và các loại thuỷ sản bằng các dụng cụ đánh bắt như câu, chài,
lưới,…
Làm mắm: nghề truyền thống của người dân vùng sông nước với nguyên liệu
chính là cá, làm sạch, đem muối, sau đó trộn với đường và thính (gạo gang đem xay
nhuyễn), sau một thời gian dài tùy theo loại cá mà có thể ăn được.
Ruộng: chỉ nghề trồng trọt trên đất nông nghiệp, thường là trồng lúa nuớc và các
cây lương thực.
2.2.7 Nhóm từ chỉ các dụng cụ đánh bắt
Nhóm từ này có số lượng là 5 từ, có tổng số lần xuất hiện là 11 lần. Nhóm từ này
xuất hiện tương đối ít. Bao gồm các từ sau: cần câu, lờ, lợp, lưới, lưỡi câu.
Cần câu: thanh dài bằng tre nứa, có dây câu và lưỡi câu dùng để bắt cá, tôm,..
Lờ: đồ đan bằng tre nứa, miệng có hom, dùng đặt ở chỗ nước đứng để nhử bắt tôm
cá [44]
Lợp: dụng cụ nhử bắt cá, đan bằng tre, có hom, để mồi bên trong rồi đặt dưới đáy
nước [44]
Lƣới: đồ đan bằng các loại sợi, có nhiều hình dáng và công dụng khác nhau,
thường dùng để ngăn chắn, để đánh bắt cá, chim, v.v. [44]
Lƣỡi câu: móc nhỏ, đầu sắc nhọn, có ngạnh để giữ mồi câu cá
.2.2.8 Nhóm từ chỉ các hình thức đánh bắt
Nhóm từ này có số lượng là 4 từ, có tổng số lần xuất hiện là 10 lần. Ở nhóm này có
các từ sau: câu, giăng câu, đặt lờ, đặt lợp.
Câu: hình thức bắt cá có thể dùng cần câu để câu. Mỗi cần câu đều có dây, lưỡi
câu kèm theo mồi. Với cách bắt cá này, tùy theo lưỡi câu và mồi câu khác nhau mà có thể
câu được nhiều loại cá khác nhau như cá rô, cá lóc, lươn còn cả ếch, rắn.
Giăng câu: hình thức đánh bắt cá, căng bằng dây với nhiều lưỡi câu, ở mỗi lưỡi
câu kèm theo mồi vì vậy khi cá ăn mồi sẽ bị mắc vào lưỡi câu.
39
Đặt lờ: Cách bắt tôm cá, dùng lờ đặt vào chỗ nước đứng, khi cá tôm bơi theo nước
thì có thể bơi vào cái lờ.
Đặt lợp: Cách bắt tôm cá, dùng lợp và có sử dụng mồi để nhử tôm cá và được đặt
dưới đáy nước.
2.2.9 Nhóm từ chỉ tên thực vật vùng sông nƣớc
Nhóm từ này có số lượng là 12 từ, có tổng số lần xuất hiện là 38 lần. Trong nhóm
này từ có số lần xuất hiện nhiều nhất là “lục bình” xuất hiện 6 lần. Nhóm này xuất hiện
cũng khá nhiều từ, bao gồm các từ sau: đế, điên điển, gáo, lác, lá dứa, lúa, lục bình, nghể,
ô môi, tràm, trâm bầu, trứng cá.
Đế: Một loại cây hoang, cùng họ với đưng, thân cỏ, mọc ở đầm lầy, có thể lợp nhà
[34; tr. 491]
Điên điển: (Sesbania sesban), là một loài cây thuộc họ Đậu (Fabaceae). Bông
điên điển được xem là một loại rau ở miền đồng bằng Nam bộ của Việt Nam. Người ta sử
dụng nó làm dưa chua, nấu canh, làm gỏi trộn thịt gà. Cây này còn một tác dụng nữa là
cải tạo đất khi sử dụng làm phân xanh, do rễ của nó cũng giống như rễ của các loài cây
thuộc họ Đậu khác, có các vi khuẩn nốt sần cố định đạm sống cộng sinh. Là loài cây
hoang dã nên nó dễ thích nghi với môi trường, có sức cạnh tranh mãnh liệt với sâu bệnh
và các cây cỏ khác.[43]
Gáo: (Neolamarckia cadamba): Cây thuộc nhóm gỗ lớn, trong tự nhiên có thể dễ
dàng tìm thấy cây cao tới 30 - 35m, thuộc tầng cây vượt tán rừng. Thân cây thuộc nhóm
thân đơn trục, có các cành nhánh đâm ngang. Vỏ thân cây màu xám, gỗ giác màu trắng,
gỗ lõi màu cam nhạt. Lá cây có phiến hình bầu dục dài 15–30 cm, đầu lá có mũi nhọn,
đuôi lá có thể tròn hoặc tà. Mặt dưới lá có lớp lông mịn, lá kèm sớm rụng, dạng lá kèm
thon nhọn dài 1,5–2 cm. Hoa mọc ở đầu cành nhánh. Quả dạng phức kép hình cầu đường
kính 2-4,5 cm. [43]
Lác: Còn gọi là cói, là loài cỏ cao và thẳng, thân có ba cạnh, dùng để dệt chiếu,
làm bao. [34; tr. 669]
40
Lá dứa: (Pandanus amaryllifolius) Là một loài thực vật dạng cây thảo miền nhiệt
đới dùng làm gia vị trong ẩm thực.
Lá cây lá dứa hình dài, hẹp và thẳng như lưỡi gươm tụm lại ở gốc như nan quạt. Cây này
gần như không mọc hoang nữa mà phần lớn được trồng để thu hoạch lá. [43]
Lúa: là một loại cây lương thực có thân rỗng, hạt có vỏ trấu bao bọc. Ở Việt Nam,
lúa là cây lương thực chính và được trồng khá nhiều. Trong đó vùng Nam bộ là nơi có lúa
nhiều nhất. Sông nước tạo nên một Nam bộ nhiều lúa gạo đến mức có câu hò nổi tiếng:
“Hò ơ, Cái Răng, Ba Láng, Vàm Sáng, Phong Điền;
Anh có thương em thì cho bạc cho tiền,
Đừng cho lúa gạo, xóm giềng cười chê…”
Lục bình: Còn gọi là bèo tây, tác giả Huỳnh Công Tín giải thích về loài thực vật
này như sau: “một loại thực vật hoang dại, sống trên mặt nước kết thành từng mảng, lá
có hình tròn bằng bàn tay xòe, cọng lá dài khoảng nửa cánh tay người, có bông thành
cọng dài mọc đứng, màu tím nhạt, ăn được, lục bình thường trôi lềnh bềnh, chậm rãi,
từng bụi nhỏ, hoặc mảng lớn trên sông theo con nước mỗi khi lớn, ròng, hoặc vào mùa
nước đổ.” [34; tr.760]
Nghể: “Cỏ mọc hoang sống hàng năm, cao 70-80 cm. Thân thảo mềm, khía rãnh.
Bẹ chìa mỏng và phát triển. Lá dài mềm, hoa có màu trắng dày đặc ở ngọn cành hay kẽ
lá. Bao gồm bốn bộ phận, 6 nhị, mọc ở nơi ẩm, ruộng nước. Toàn thân có vị cay nóng
thơm. Dùng làm thuốc cầm máu hoặc có thể dùng làm rau ăn” [8; tr. 139]. Ở vùng sông
nước Nam bộ, nghể thường mọc hoang cạnh các bờ ruộng, bờ sông, bờ kinh, rạch.
Ô môi: (Cassia grandis): Cây gỗ trung bình, cao 10 – 20 m, phân cành lớn, mọc
ngang thẳng, vỏ thân nhẵn, những cành non có lông màu rỉ sắt, cành già màu nâu đen.
Lá kép lông chim với 8 - 20 đôi lá phụ dạng thuôn dài tròn cả hai đầu, dài 7–12 cm, rộng
4–8 cm, có phủ lông mịn, màu xanh bóng, gân rõ. Cụm hoa nở rộ khi lá rụng, dạng chùm
dài mang hoa lớn, xếp thưa, màu hồng đậm, thõng xuống. Hoa màu hồng tươi mọc thành
chùm ở những kẽ lá đã rụng. Quả hình trụ dẹt dài 40–60 cm, cong như lưỡi liềm, đường
41
kính 3–4 cm, có 50-60 ô, mỗi ô chứa một hạt dẹt màu vàng cứng, quanh hạt có cơm màu
nâu đen, vị ngọt, mùi hắc. [43]
Tràm: Trong quyển Từ điển Từ ngữ Nam bộ, tác giả Huỳnh Công Tín giải thích
tràm là “loài cây lớn, tạo thành rừng, có vỏ xốp trắng làm chất cách âm, nhiệt điện; lá có
tinh dầu trị được nhiều bệnh; thân thường làm cừ trong xây dựng; hoa nhỏ, mọc thành
chùm, có nhụy trắng phớt xanh. Là nguồn thức ăn quan trọng của ông mật, cá nước ngọt;
giá trị của cây tràm tạo nên diện mạo của rừng U Minh, ngôi nhà chung của nhiều hệ
thực vật, động vật và thủy sản phong phú; loại cây nằm trong ba nhóm cây khai hoang,
mở đất “mắm, đước, tràm”, mọc ở vùng thấp, có nước, thuộc loại đất than bùn, được cấu
tạo bằng các xác thực vật như: mắm, đước, bần...” [34; tr. 1200]
Trâm bầu: (Combretum quadrangulare Kurz). Tại Việt Nam, cây mọc hoang ở
khắp các tỉnh phía nam, nhất là vùng đồng bằng. Là cây bụi hoặc gỗ nhỏ, cao 2-10m.
Thân có nhiều cành ngắn rụng lá nom như gai. Cành non hình 4 cạnh, mép có dìa mỏng.
Lá mọc đối, cuống ngắn. Hai mặt lá có lông, dày hơn ở mặt dưới. Hoa nhỏ màu vàng
ngà, mọc thành bông ở kẽ lá và đầu cành. Quả có 4 cánh mỏng, chứa một hạt hình thoi.
Sử dụng hạt. Thu hái quả vào mùa thu-đông, phơi khô, bỏ vỏ lấy hạt. Còn dùng lá và vỏ
cây. [43]
Trứng cá: (Muntingia calabura) là một loại cây thân gỗ nhỏ, cao khoảng 7–12 m
với các cành xếp chồng lên nhau và hơi rủ xuống. Nó có các lá có mép khía răng cưa, dài
2,5–15 cm và rộng 1-6,5 cm. Các hoa nhỏ màu trắng, tạo quả khi chín có màu đỏ nhạt
đường kính khoảng 1-1,5 cm. Quả ăn được, có vị ngọt và mọng nước, chứa nhiều hạt nhỏ
(0,5 mm) màu vàng trông như trứng cá.[43]
2.2.10 Nhóm từ chỉ tên các động vật vùng sông nƣớc
Nhóm từ này có số lượng là 20 từ, tổng số lần xuất hiện là 52 lần. Trong nhóm này
từ có số lần xuất hiện nhiều nhất là “cá” xuất hiện 16 lần. Nhóm này xuất hiện không
nhiều, chủ yếu là những loài cá. Bao gồm các từ: cá, cá chày, cá chốt, cá lẹp, cá lia thia,
cá linh, cá lóc, cá rô, cá trê, cá xiêm, cò, cua, đỉa, ếch, lươn, ốc, ốc bươu, rắn, tôm, vịt.
42
Cá: loài động vật có dây sống, hầu hết là biến nhiệt, có mang, một số có phổi và
sống dưới nước. Hiện người ta biết khoảng trên 31.900 loài cá.
Các loài cá có thể tìm thấy trong gần như toàn bộ các vùng chứa nước lớn, bao gồm
cả nước mặn, nước lợ và nước ngọt, ở các độ sâu từ mức chỉ ngay dưới bề mặt tới độ sâu
vài nghìn mét. Cá là một nguồn thực phẩm quan trọng trong nhiều nền văn hóa [43].
Riêng ở vùng sông nước Nam bộ có tới hơn 200 loại cá, trong đó 30 giống có giá trị kinh
tế cao. Do vậy, cá đã trở thành nguồn thực phẩm tiêu biểu của người Nam bộ. Từ
cá người ta chế biến thành rất nhiều món ăn khác nhau theo hàng chục cách (luộc, kho,
chiên, nướng, hấp, nấu chua, nấu ngọt, làm gỏi, làm chả, làm khô, làm mắm…).
Cá chày: (oeven's slender carp) Loài cá có thân thon dài dẹp bên. Đầu lớn vừa,
hơi dẹp bên, trán rộng. Mắt to, tròn, nằm lệch về nửa trên của đầu, gần chót mõm hơn
gần điểm cuối nắp mang. Phần trán giữa 2 mắt rộng và hơi cong lồi. Lỗ miệng rộng,
màng mang phát triển và dính với màng mang phía đối diện nhưng không dính với eo
mang. Vảy lớn, phủ khắp thân, đầu không có vảy, phần lộ ra của vảy có hình lục giác.
Vảy nách gốc vây bụng có hình mũi mác, có 4 hàng vảy phủ lên gốc vây đuôi và 1/2 hàng
vảy phủ lên gốc vây hậu môn. Vây đuôi chẻ 2, ngọn của hai thùy gần như tròn. Mặt lưng
của thân và đầu có màu xám xanh và lợt dần xuống mặt bụng, bụng màu trắng bạc. Đặc
biệt ở cá nhỏ có một vệt đen chạy theo trục giữa thân từ chót mõm đến gốc vây đuôi và
vệt này sẽ biến mất khi cá lớn. [43]
Cá chốt: là một loài cá thuộc họ cá lăng. Có kích thước nhỏ, thon, dài, có màu
trắng da trơn, có hai ngạnh cứng.
Cá lẹp: “Cá biển sống ở ven bờ, cùng họ với cá cơm, thân mỏng, thường dùng làm
mắm” [44]
Cá lia thia: “Loại cá nước ngọt, thân nhỏ có màu xanh đậm hoặc đen, có vây ngũ
sắc, thường hay giương vây khi gặp đối thủ và hay chọi nhau” [34; tr. 722]. Vì vậy đá cá
lia thia trở thành trò chơi thú vị nhất và mê nhất.
Cá linh: “Cá nước ngọt cùng họ với cá chép, cỡ nhỏ, thân dẹp, trông giống như
con cá mè con [44]. Tác giả Huỳnh Công Tín giải thích về cá linh như sau: “Loài cá có
43
vẩy bạc, con lớn từ một đến hai ngón tay. Vào mùa nước đổ, con cá từ trên Biển Hồ (cam
pu chia) theo nước dòng Cửu Long đổ về các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long như An
Giang, Ðồng Tháp,… rất nhiều và lớn lên chỉ trong mùa nước. Tương truyền rằng vua
Gia Long từ Vàm Nao (nay thuộc tỉnh An Giang) định ra sông lớn, thấy loài cá này nhảy
lên thuyền nên dị đoan không đi và nhờ đó thoát được trận phục kích của nhà Tây Sơn. Vì
vậy, để tri ân loài cá này ông gọi là cá linh” [34; tr. 251]
Cá lóc: Trong Từ điển Từ ngữ Nam bộ tác giả Huỳnh Công Tín giải thích về cá
lóc như sau: “Có tên gọi khác: cá quả, cá có thân tròn dài, có vảy lớn và dày, phía lưng
màu đen, màu phèn, bụng màu ngà, cá có nhiều cỡ, con lớn trung bình 1,2 kí, con lớn
kềnh có thể lên đến 5, 7 kí, đầu và mõm tròn, phóng giỏi và lóc đi trên cạn rất nhanh”
[34; tr. 252]
Cá rô: Cá nước ngọt thường sống ở ao hồ, thân hình bầu dục, hơi dẹp, vảy cứng,
vây lưng có gai, có thể sống rất dai ngoài nước [44]
Cá trê: Có tên gọi khác là cá hên, loài cá nước ngọt da trơn, đầu bẹt, mép có râu,
vây ngực có ngạnh cứng. [44]
Cá xiêm: còn có tên khác là cá chọi hoặc cá đá. Là một loài cá cảnh ở nước ngọt.
Chúng thường có màu sắc sặc sỡ với với bộ vây dài.
Cò: Loài chim có chân cao, cổ dài, mỏ nhọn, lông thường trắng, sống thành bầy ở
gần vùng nước, ăn các loài tôm cá nhỏ [44]
Cua: Loài giáp xác có phần đầu và ngực ẩn trong mai cứng, phần bụng gập dưới
mai gọi là yếm, có tám chân, hai càng và thường bò ngang [44]. Ở vùng sông nước Nam
bộ, thường xuất hiện nhiều nhất là cua đồng. Loại cua này thường gặp ở vực nước ngọt
như ao, hồ, ruộng,... Cua này có đặc tính là đào hang ven bờ ao, ruộng, mương,.. Cua
thường ở hang, hang của cua là những ổ tròn, sâu đến 3 – 4 tất. Cua đực có màu nâu hồng,
có một càng lớn và một càng nhỏ. Cua cái có màu vàng xỉn và hai càng đều bằng nhau.
Đỉa: là một bộ sinh vật sống dưới nước thuộc ngành Giun đốt. Chúng có thân mềm
và nhầy phù hợp với việc bơi lội trong nước. Thức ăn của đỉa là máu. Miệng đỉa có giác
hút để châm vào con mồi và hút máu. Đỉa tiết ra chất chống đông máu nên vết chích sẽ bị
44
chảy máu liên tục. Một số bệnh viện đã dùng đỉa để chống bệnh máu đông cho bệnh nhân.
Y học cổ truyền phương Đông dùng đỉa để hút các ổ máu tụ, máu bầm, áp xe mà không
cần mổ. [43]
Ếch: Loài động vật có xương sống, không đuôi, thân ngắn, da trơn, màu sẫm, sống
ở ao đầm, thịt ăn được. [44]
Lƣơn: Cá nước ngọt, thân tròn và dài như rắn, mắt nhỏ, da trơn có nhớt, màu nâu
vàng, sống chui rúc trong bùn. [44]
Ốc: Động vật thân mềm có vỏ cứng và xoắn, có nhiều loài khác nhau, sống ở nước
hoặc ở cạn, một số loài thịt ăn được. [44]. Ở Nam bộ, ốc có thể chế biến với nhiều cách
khác nhau như: ốc luộc với hèm, cơm mẻ, luộc với lá chanh, lá bưởi, lá ổi; ốc xào sả ớt,
xào lá rừng; ốc nhồi thịt, ốc hấp tiêu,... Ốc dùng gai bưởi lễ rất ngon, ăn kèm với nước
mắm rừng, sả ớt, cơm mẻ, muối tiêu chanh,...
Ốc bƣơu: Ốc nước ngọt, vỏ nhẵn, màu xanh đen, dài hơn ốc nhồi, sống ở ao,
ruộng. [44]
Rắn: Động vật thuộc lớp bò sát, thân dài, có vảy, không chân, di chuyển bằng
cách uốn thân [44]
Tôm: Loài giáp xác, sống dưới nước. Tôm có nhiều loại. Có loài sống ở nước
ngọt, nước mặn và cả nước lợ.
Vịt: tên một loài gia cầm, vừa sống trên cạn và trên mặt nước, bơi giỏi và bay kém.
Có mỏ rộng và dẹp, chân ngắn có màng da để bơi. Ở Nam bộ vịt được nuôi theo kiểu
chạy đồng nên thịt vịt luôn săn chắc và ngọt thịt không nơi nào sánh bằng. Thịt vịt là
nguyên liệu để chế biến thành nhiều món ăn như: vịt kho rừng, bánh canh thịt vịt, vịt nấu
chao, vịt khìa, vịt tiềm thuốc bắc, bún măng vịt, vịt kho sả, vịt nướng, vịt chiên, gỏi vịt, ...
2.2.11 Nhóm từ chỉ món ăn vùng sông nƣớc
Nhóm từ này có số lượng là 13 từ, có tổng số lần xuất hiện là 30 lần. Trong nhóm
này từ có số lần xuất hiện nhiều nhất là “bánh tằm” xuất hiện 8 lần. Nhóm từ này bao
45
gồm các từ sau: bánh lọt, bánh tằm, bánh xèo, canh chua, cháo lươn, kho khô, kho tiêu,
khô sặt, khô sình, mắm, nước mắm, nước mắm nhỉ, trứng cá.
Bánh lọt: Trong quyển Từ điển Từ ngữ Nam bộ, tác giả Huỳnh Công Tín giải
thích bánh lọt là “bánh bằng bột gạo khấy hơi đặc, đổ lên vỉ đan thưa cho lọt xuống nước
sôi thành sợi dài, thường có màu xanh lá cây, trắng, ăn chung với nước đường, nước cốt
dừa” [34; tr. 126]. Do bánh này làm theo cách làm cho bột “lọt” xuống vỉ nên người dân
Nam bộ gọi là bánh lọt.
Bánh tằm: Loại bánh làm bằng bột gạo, sợi dài và được xe thằng hình giống như
con tằm nên gọi tên là bánh tằm. Bánh này được ăn kèm với rau sống, bì, nước cốt dừa,
nước mắm,...
Bánh xèo: tác giả Huỳnh công Tín giải thích về bánh xèo như sau: “Bánh làm
bằng bột pha nghệ, có trộn hành lá xắt nhỏ, được đổ tráng lên chảo nóng có thoa mỡ, nên
tạo thành tiếng xèo, bỏ nhân thịt, tép, giá, củ sắn đã được xào chín vào giữa, khi chính
được gấp đôi lại, bánh màu vàng nghệ và có dạng nửa hình tròn, được ăn với nước mắm,
rau sống” [34; tr. 130]. Do tính cách thẳng thắn nên người dân Nam Bộ nhìn thấy làm sao
thì nói như vậy, cũng là từ bột gạo đem cho “lọt” xuống vỉ gọi là bánh lọt, hay bánh có
hình giống như con “tằm” gọi là bánh tằm và khi đổ bột vào chảo nghe một tiếng “xèo”
nên vì vậy mà bánh này có tên gọi là bánh xèo.
Canh chua: là món ăn thường nhật và đặc trưng của Nam bộ. Món canh chua của
vùng đất Nam bộ thường được nấu với các loại cá đồng với nhiều loại rau bắt mắt và đậm
đà hương vị. Ở Nam bộ chất tạo chua rất đặc trưng như cơm mẻ, giấm, me, khóm, cà
chua.
Cháo lƣơn: Một loại cháo được nấu chung với lươn, thường dùng cho người bệnh,
rất tốt cho sức khỏe.
Kho khô: Chỉ một cách kho, nước không còn và sệt lại thành khô quẹt, thường có
vị mặn.
46
Kho tiêu: trong quyển Từ điển Từ ngữ Nam Bộ, tác giả Huỳnh Công Tín giải
thích về kho tiêu như sau:“Kho khô mặn và có nhiều tiêu. Theo quan niệm ngày trước,
món này thường dùng cho những người mới sinh đẻ thì ăn rất tốt” [34; tr. 646]
Khô sặt: còn có cách viết là khô sặc. Một loại khô đặc trưng được làm từ con cá
sặc. Cá sặc thuộc họ tai tượng sống ở miền nhiệt đới trong môi trường nước ngọt cư trú
nơi vùng trũng trong các bụi cỏ, đầm lầy, kênh đào, trong các vùng nước cạn chảy hay nơi
có thật nhiều thực vật thủy sinh. Ở Nam bộ phổ biến nhất là loại cá sặc bướm, cá sặc điệp,
cá sặc rằn. Để có được 1 kg khô sặc phải có 2,5 kg cá sặc tươi. Theo kinh nghiệm của
người dân Nam bộ, muốn có con khô sặc ngon thì phải muối cá đến hai đêm và phơi cá
trong hai nắng. Ở miền Tây Nam Bộ các sản phẩm khô sặc được làm ra nhiều từ các làng
khô như Khánh An (An Giang); nông trường Khánh Hà, nông trường 402 ở Cà Mau,...
Khô sình: Khô làm từ cá đã chết lâu, bị ươn và sình. Có mùi, thường được dùng
kèm với rượu.
Mắm: Thức ăn làm bằng tôm cá sống ướp muối và để lâu ngày cho ngấm [44].
Mắm là món ăn trứ danh của người Nam bộ, với một món mắm mà người Nam bộ đã có
rất nhiều chủng loại như mắm tôm chà, mắm tôm chua Gò Công, mắm ruột Rạch Giá,
mắm ba khía Cà Mau, mắm thái Châu Đốc, mắm còng Long An,.. Món mắm với những
cách ăn khác nhau: mắm sống, mắm kho, mắm chưng, lẩu mắm, bùn mắm,...
Nƣớc mắm: Dung dịch mặn, có vị ngọt đậm, được chế biến từ cá muối, dùng để
chấm hoặc nêm thức ăn. [44]
Nƣớc mắm nhỉ: Nước mắm từ thùng cá muối chảy ra từng giọt, loại rất ngon. [44]
Trứng cá: Một loại thực phẩm được lấy từ bụng cá cái, thường có rất nhiều trứng
nhỏ li ti được bao bọc bởi lớp màng bên ngoài. Thường trên bữa ăn trứng cá được ưu tiên
cho trẻ em vì nó rất ngon và béo.
2.2.12 Nhóm từ chỉ tên các địa danh
Nhóm từ này có số lượng nhiều nhất là 32 từ, và có số lần xuất hiện là 112 lần.
Trong nhóm này từ có số lần xuất hiện nhiều nhất là “Sài Gòn” xuất hiện 35 lần. Ở nhóm
này, xuất hiện khá nhiều từ như: Bạc Liêu, Bảy Núi, Bến Tre, Cái Cùng, Cao Lãnh, Cầu
47
Ông Lãnh, Chợ Mới, Chùa Tây An, Cù Lao Giêng, Cửu Long Giang, Đồng bằng Sông
Cửu Long, Đồng Tháp, Đồng Tháp Mười, Long Châu Sa, Long Điền, Lương Hòa, Mỹ An,
Mỹ Hòa, Mỹ Phú, Mỹ Tân, Sài Gòn, Sông Cửu Long, Sông Hậu, Sông Tiền, Tháp Mười,
Tân Châu, Tân Phú Đông, Vàm Cỏ Đông, Vĩnh An, Vĩnh Long, Vĩnh Mỹ, U Minh.
Bạc Liêu: Tỉnh Bạc Liêu nằm trên bán đảo Cà Mau, thuộc Đồng bằng sông Cửu
Long, miền đất cực nam của Việt Nam, với diện tích đất tự nhiên là 2.570 km2, chiếm gần
0.8% diện tích cả nước và đứng hàng thứ 7 trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Phía bắc giáp với Hậu Giang, phía đông và đông bắc giáp với Sóc Trăng, phía tây nam
giáp với Cà Mau, phía tây bác giáp với Kiên Giang, phía đông nam giáp với Biển
Đông với đường bờ biển dài 56 km.
Bạc Liêu có 7 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 1 thành phố và 6 huyện, trong đó có
63 đơn vị hành chính cấp xã, gồm có 7 phường, 7 thị trấn và 49 xã. [43]
Có nhiều cách giải thích về nguồn gốc và tên gọi Bạc Liêu. Theo tác giả Huỳnh
Minh giải thích: “Danh từ Bạc Liêu đọc theo tiếng Hoa kiều giọng Triều Châu gọi là Pô
léo, có nghĩa là xóm nghèo, làm nghề hạ bạc, tức nghề chài lưới, đánh cá, đi biển. Pô
phát âm theo Hán Việt là Bạc và Léo phát âm thành Liêu. Một thuyết khác cho rằng: Pó
là bót, đồn, Liêu là Lào (Ai Lao) theo tiếng Cao Miên, vì trước khi người Hoa kiều đến
đây sinh sống, nơi đó có một đồn binh do người Lào đồn trú. Người Pháp do theo tiếng
Triều Châu Pô leo có nghĩa là xóm nghèo làm nghề hạ bạc – như nói ở trên – nên dịch
theo nghĩa ấy là Pécheríe Chaume (đánh cá và cỏ tranh)” [45]
Bảy Núi: Bảy Núi còn có tên là Thất Sơn, các tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương tôn xưng
là Bửu Sơn, gồm bảy ngọn núi không liên tục, đột khởi trên đồng bằng miền Tây Nam Bộ,
thuộc hai huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, tỉnh An Giang. [43]
Bến Tre: Bến Tre là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, nằm cuối
nguồn sông Cửu Long, Tỉnh Bến Tre có hình rẻ quạt, đầu nhọn nằm ở thượng nguồn, với
các hệ thống kênh rạch chằng chịt. Phía bắc giáp tỉnh Tiền Giang, có ranh giới chung
là sông Tiền, phía tây và nam giáp tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh, có ranh giới chung
là sông Cổ Chiên, phía đông giáp biển Đông với chiều dài bờ biển 65 km. Bến Tre có bốn
48
con sông lớn là Tiền Giang, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên bao bọc đồng thời chia Bến
Tre thành ba phần là cù lao An Hóa, cù lao Bảo và cù lao Minh phù sa màu mỡ, cây trái
sum suê...
Bến Tre có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có 164 xã, phường và thị trấn [43]
Địa danh Bến Tre có từ xưa, khi vùng đất này là thủy Chân Lạp (Campuchia) đến
thời thuộc Pháp và đến ngày này. ngày xưa vùng đất này còn hoang sơ nhiều tre-sậy, mọc
dọc 2 bên bờ sông nên người kh'mer lấy tên là (Sóc Tre), sau này đọc lại là Bến Tre. Địa
danh này (được cấu thành theo cách: địa thế tự nhiên + tên loài cây) có nghĩa là một bến
có nhiều tre mọc, giống như Bến Giá, Bến Tranh, Bến Lứt....
Cái Cùng: Một địa danh thuộc xã Long Điền, tỉnh Bạc Liêu. Tên cái cùng gợi nên
một vùng đất hoang sơ, huyền bí của một vùng đất xa xôi, hẻo lánh.
Cao Lãnh: Tên thành phố, thuộc tỉnh Đồng Tháp. Tên Cao Lãnh có từ tục danh
“lãnh” của ông chủ Đỗ Công Tường là người sinh quán ở miền Trung đến lập nghiệp ở
làng Mỹ Trà (nay thuộc phường 2, thành phố Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp). Ông Đỗ Công
Tường là người có công lập chợ và cứu giúp dân lúc bệnh tả hoành hành đầu thế kỷ XIX.
Sau khi ông mất, ông được người dân lập đền thờ, được vua nhà Nguyễn phong là Thành
hoàng và tên ông trở thành địa danh là Cao Lãnh.
Cầu Ông Lãnh: Cầu Ông Lãnh là một cây cầu tại Thành phố Hồ Chí Minh
nối quận 1 và quận 4, có 14 nhịp với 3 làn xe mỗi bên với tổng chiều dài là 256,3 m,
chiều rộng 10 m. Đây là cây cầu dài nhất bắc qua kênh Bến Nghé.
Cầu Ông Lãnh do Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng (khi ấy đang đóng quân ở đồn Cây
Mai-Thủ Thiêm) cho xây dựng [43].
Chợ Mới: Chợ Mới là huyện có dân số đông nhất tỉnh An Giang, thuộc khu
vực đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam. Về nguồn gốc của tên gọi Chợ Mới, tương
truyền rằng ngày xưa có ngôi chợ cũ tên Phó Định Bài nằm ở bên kia bến đò Kiến An. Về
sau, một ngôi chợ khá bề thế được xây dựng tại huyện lỵ ngày nay và được người dân gọi
là “Chợ Mới”.
Chợ Mới là nơi thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh.
49
Chợ Mới được nhà văn Nguyễn Quang Sáng xem là quê hương văn học của mình, các địa
danh của quê hương thường được nhắc đến trong các tác phẩm của ông như Dòng sông
thơ ấu, Đất lửa, Nhà văn về làng,... [43]
Chùa Tây An: còn được gọi là Chùa Tây An Núi Sam hay Tây An cổ tự, là một
ngôi chùa Phật giáo tọa lạc tại ngã ba, dưới chân núi núi Sam. (Châu Đốc, An Giang)
[43]. Chùa Tây An là một trong nhiều danh lam thắng cảnh của Nam bộ thuộc xã Vĩnh
Tế, thị xã Châu Ðốc, tỉnh An Giang, do một vị quan triều Nguyễn đời Minh Mạng (1820)
là Tổng đốc Nguyễn Nhật An chỉ đạo xây dựng. Ngôi chùa có kiến trúc hài hoà với cảnh
trí thiên nhiên, vẻ đẹp lộng lẫy.
Cù Lao Giêng: Cù lao Giêng là một cù lao nằm ở giữa sông Tiền, thuộc
huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Cù lao dài khoảng 12 km, rộng 7 km; và còn có nhiều tên
gọi khác nhau như: Cù lao Đầu Nước, Dinh Châu [43]
Cửu Long Giang: cách gọi khác của sông Cửu Long.
Đồng bằng Sông Cửu Long: Đồng bằng Nam bộ hoặc miền Tây Nam bộ hoặc
theo cách gọi của người dân Việt Nam ngắn gọn là Miền Tây, có 1 thành phố trực thuộc
trung ương và 12 tỉnh.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam năm 2011, tổng diện tích các tỉnh thuộc
Đồng bằng sông Cửu Long là 40.548,2 km² và tổng dân số của các tỉnh trong vùng là
17.330.900 người. [43]
Đồng Tháp: Đồng Tháp là một tỉnh nằm ở miền Tây Nam bộ, thuộc vùng Đồng
bằng sông Cửu Long. Tỉnh Đồng Tháp nằm ở cửa ngõ của sông Tiền, có đường biên giới
giáp với Campuchia có chiều dài hơn 50 km với 4 cửa khẩu, trong đó có 2 cửa khẩu quốc
tế là Thường Phước và Dinh Bà. [43]
Đồng Tháp Mƣời: Đồng Tháp Mười là một vùng đất ngập nước của Đồng bằng
sông Cửu Long có diện tích 697.000 hecta, trải rộng trên ba tỉnh Long An, Tiền
Giang và Đồng Tháp trong đó Long An chiếm non phân nửa. Vùng Đồng Tháp Mười
có khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, vườn quốc gia Tràm Chim. Đồng Tháp Mười
cũng là bối cảnh của bộ phim Cánh đồng hoang nổi tiếng tại Việt Nam. [43]
50
Long Châu Sa: Long Châu Sa là tỉnh cũ ở miền Tây Nam bộ, do chính quyền Việt
Nam Dân Chủ Cộng Hòa đặt.
Địa bàn tỉnh Long Châu Sa nay một phần thuộc tỉnh An Giang, một phần thuộc tỉnh Đồng
Tháp. [43]
Long Điền: tên một xã thuộc tỉnh Bạc Liêu
Lƣơng Hòa: Tên một xã thuộc huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre
Mỹ An: là tên một xã thuộc huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, Đồng bằng sông
Cửu Long.
Mỹ Hòa: tên một làng thuộc cù lao sông Tiền.
Mỹ Phú: tên một làng thuộc cù lao sông Tiền.
Mỹ Tân: tên một làng thuộc cù lao sông Tiền.
Sài Gòn: Là tên gọi của Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố đông dân nhất,
của Việt Nam. Trong quyển Từ điển Từ ngữ Nam Bộ tác giả Huỳnh công Tín giải thích
“Sài Gòn là một trung tâm chính trị, kinh tế, một trung tâm giao dịch quốc tế và du lịch
lớn của cả nước. Tầm quan trọng của thành phố này không chỉ được khẳng định trong
hiện tại, mà cả trong quá khư. Sài Gòn nằm ở vị trí trung tâm của Đông Nam Á, được ví
như “hòn ngọc viễn đông” của vùng” [34; tr. 39]. Địa danh Sài Gòn đã có trên 300 năm
và từng được dùng để chỉ một khu vực với diện tích khoảng 1 km² (Chợ Sài Gòn) có
đông người Tàu (người Trung Quốc) sinh sống trong thế kỷ thứ XVIII. Địa bàn đó gần
tương ứng với khu Chợ Lớn ngày nay.
Sông Cửu Long: Sông Cửu Long, hay Cửu Long Giang (chữ Hán: 九龍江), là tên
gọi chung cho các phân lưu của sông Mê Kông chảy trên lãnh thổ của Việt Nam,
Bắt đầu từ Phnom Penh, nó chia thành 2 nhánh: bên phải là sông Bassac (sang Việt Nam
gọi là Hậu Giang hay sông Hậu) và bên trái là Mê Kông (sang Việt Nam gọi là Tiền
Giang hay sông Tiền), cả hai đều chảy vào khu vực đồng bằng châu thổ rộng lớn ở Nam
Bộ Việt Nam, dài chừng 220–250 km mỗi sông. Tại Việt Nam, sông Mê Kông còn có tên
gọi là sông Lớn, sông Cái, hay sông Cửu Long.
51
Lưu lượng hai sông này rất lớn, khoảng 6.000 m³/s về mùa khô, lên đến 120.000 m³/s
vào mùa mưa, và chuyên chở rất nhiều phù sa bồi đắp đồng bằng Nam Bộ. [43]
Sông Hậu: Còn có tên gọi khác là Hậu Giang, là một trong hai phân lưu của sông
Mê Kông. Phân lưu còn lại là sông Tiền. Mê Kông tách ra thành sông Tiền và sông Hậu
tại lãnh thổ Campuchia. Ở Campuchia, Sông Hậu được gọi là sông Bassac (Tonlé Bassac
theo tiếng Khmer). Vì thế nó còn có tên gọi nữa là sông Ba Thắc.
Sông Hậu đổ ra biển Đông qua cửa Tranh Đề và cửa Định An. Cửa Ba Thắc đã bị đất bồi
từ khoảng thập niên 1970 nên không còn nữa.
Trên lãnh thổ Việt Nam, sông Hậu chạy qua tỉnh An Giang, làm ranh giới tự nhiên giữa
các tỉnh Đồng Tháp và Cần Thơ, Vĩnh Long và Cần Thơ, Hậu Giang và Vĩnh Long, Trà
Vinh và Sóc Trăng. Đoạn rộng nhất của con sông nay là giữa huyện Cầu Kè (Trà Vinh)
và huyện Long Phú (Sóc Trăng) khoảng gần 4 km. [43]
Sông Tiền: Sông Tiền hay Tiền Giang, còn gọi là sông Mĩ Tho là tên của đoạn
chảy trên lãnh thổ Việt Nam của dòng chính của sông Mê Kông. Đoạn đầu nguồn của
sông Tiền Giang trên đất Campuchia kể từ Phnom Penh được gọi là Tonlé Bassac
Thượng. [43]
Tân Châu: Tân Châu là một thị xã thuộc tỉnh An Giang, điểm đầu nguồn của sông
Tiền khi chảy vào Việt Nam
Thị xã có cửa khẩu quốc tế đường sông Vĩnh Xương. Sản phẩm của thị xã là lụa Tân
Châu nổi tiếng bóng láng được nhuộm màu đen bằng trái mặc nưa. [43]. Lụa Tân Châu
có sự mềm mại, dai, bền và hút ẩm cao từ nguyên liệu tơ tằm tự nhiên. Các trang phục
may từ lụa Tân Châu đều mang đến cho người mặc cảm giác thoải mái, mát mẻ vào mùa
hè, ấm áp về mùa đông. Vì vậy, lụa Tân Châu được mọi người gọi xứng danh là “Nữ
hoàng” của các loại tơ.
Tân Phú Đông: Tân Phú Đông là huyện của tỉnh Tiền Giang, đồng bằng sông
Cửu Long, Việt Nam được thành lập chính thức từ ngày 21 tháng 01 năm 2008. Tân Phú
Đông rộng 202,08 km² và có 42.926 dân [43]
52
Tháp Mƣời: Tháp Mười là một huyện vùng sâu của tỉnh Đồng Tháp. Huyện Tháp
Mười được tách ra từ huyện Cao Lãnh
Huyện Tháp Mười có 13 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 01 thị trấn huyện lỵ và 12 xã.
[43]
Theo trang web của Hội khoa học lịch sử Đồng Tháp thì: địa danh Tháp Mười
được hình thành vào khoảng đầu của thế kỷ XIX và đã nhanh chóng trở thành một trong
những địa danh nổi tiếng trong phạm vi cả nước, mang nhiều ý nghĩa quan trọng về địa lý
và lịch sử. Trên một giồng đất nhỏ mà địa danh Tháp Mười ra đời để gọi nó, là nơi tập
trung nhiều tầng văn hóa từ cổ, trung đến cận và hiện đại [46]. Có nhiều ý kiến giải thích
khác nhau về tên gọi Tháp Mười, có giả thuyết cho rằng tên gọi Tháp Mười xuất phát từ
cái tháp có mười tầng nhưng có giả thuyết lại khẳng định “Địa danh Tháp Mười xuất phát
từ phế tích trên vùng đất có người Khmer bản địa cư trú, nên đây là ngôi tháp thuộc văn
hóa Angkor hoặc thuộc nền văn hóa xưa hơn nữa là Óc Eo, chớ không thể là ngôi tháp
theo kiểu tháp chùa Thiên Mụ, một dạng tháp Trung Quốc vì người Trung Quốc chưa hề
đến Nam Kỳ trước năm 1679. Nên giả thuyết tên gọi Tháp Mười xuất phát từ ngôi tháp
mười tầng (kiểu Trung Quốc) là khó chấp nhận được. [46]
Vàm Cỏ Đông: Sông Vàm Cỏ Đông là một chi lưu của sông Vàm Cỏ, thuộc hệ
thống sông Đồng Nai.
Sông Vàm Cỏ Đông bắt nguồn từ vùng đồi núi bên lãnh thổ Campuchia chảy vào Việt
Nam tại xã Biên Giới, huyện Châu Thành, Tây Ninh, rồi qua các huyện Bến Cầu, Hòa
Thành, Gò Dầu, Trảng Bàng (đều thuộc Tây Ninh). Và đi vào địa phận tỉnh Long An qua
các huyện Đức Hòa, Đức Huệ, Bến Lức, Cần Đước và kết hợp với sông Vàm Cỏ Tây tạo
nên sông Vàm Cỏ và đi ra biển Đông. Sông Vàm Cỏ Đông có một số chi lưu trong đó
có sông Nhật Tảo.
Sông này nổi tiếng với bài hát cùng tên là bài "Vàm Cỏ Đông" (sáng tác: Trương Quang
Lục, thơ: Hoài Vũ), "Lên ngàn" (sáng tác: Hoàng Việt). [43]
Vĩnh An: tên một xã thuộc huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, đồng bằng sông
Cửu Long.
53
Vĩnh Long: Vĩnh Long là một tỉnh nằm ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long,
thuộc miền Nam Việt Nam. Vĩnh Long cách thành phố Hồ Chí Minh 135 km về hướng bắc
theo quốc lộ 1, cách thành phố Cần Thơ 33 km về hướng nam theo đường quốc lộ 1. Tỉnh
nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, dạng địa hình khá bằng phẳng với độ dốc nhỏ
hơn 2 độ, không có núi đồi, địa hình lòng chảo, trũng ở trung tâm và cao dần về phía
bắc, đông bắc và nam đông nam, bị chia cắt bởi nhiều con sông và kênh rạch, phía đông
giáp tỉnh Bến Tre và đông nam giáp tỉnh Trà Vinh phía Tây giáp tỉnh Cần Thơ, phía tây
bắc giáp tỉnh Đồng Tháp, phía bắc giáp tỉnh Tiền Giang.
Vĩnh Mỹ: tên một xã thuộc tỉnh Bạc Liêu.
U Minh: Tên gọi chỉ rừng U Minh bao gồm rừng U Minh Thượng thuộc tỉnh Kiên
Giang và rừng U Minh Hạ thuộc tỉnh Cà Mau. “U Minh là vùng đồng bằng duyên hải, đất
nhiễm mặn phèn nhiều, nhiều kênh, rạch” [43]. Vì vậy ở U Minh có những con kinh nước
ngầu đỏ, được tác giả Nguyễn Quang Sáng nhắc tới trong truyện ngắn Con mèo của
Foujita. Rừng U Minh được mọi người biết đến trong tác phẩm Đất rừng phương
Nam của Đoàn Giỏi.
2.3 Trƣờng từ vựng sông nƣớc xét theo phƣơng thức cấu tạo
Xét trong tổng thể về cấu tạo từ trong tiếng Việt, thì các từ thuộc những nhóm
trường từ vựng trên có cả ba kiểu cấu tạo của từ tiếng Việt là từ đơn, từ ghép, từ láy.
Nhóm từ chỉ địa hình sông nƣớc chủ yếu là các từ đơn, trong số 16 từ được khảo
sát với tần số xuất hiện là bao gồm 231 lần thì từ đơn có 10 từ như: ao, bến, bờ, kênh,
kinh, mương, nước, rạch, sông, vàm và có số lần xuất hiện khá nhiều là 200 lần. Bên cạnh
đó còn có các từ ghép như: bờ mẫu, bờ kinh, bờ sông, cù lao, đồng bằng, vàm kinh. Các
từ ghép này bao gồm 6 từ và có số lần xuất hiện là 31 lần
Nhóm từ chỉ các trạng thái, tính chất của sông nƣớc có cả ba kiểu cấu tạo từ,
chủ yếu nhất là những từ láy. Trong số 28 từ được khảo sát với tần số xuất hiện là 77 lần
thì từ láy chiếm 14 từ và có số lần xuất hiện là 21 lần, bao gồm như: ầm ầm, ào ào, bập
bềnh, cuồn cuộn, ì ầm , lách chách, lạch chạch, lắp xắp, lé đé, lừng lững, mênh mang,
mênh mông, rạt rào, rì rầm. Ngoài ra, còn có các từ ghép chiếm số lượng là 10 từ và có
54
số lần xuất hiện là 12 lần, bao gồm các từ: chảy xiết, dâng cao, đục ngầu, dựng đứng, lên
đầy, ộp oạp, sóng ngầm, trắng xóa, yên lặng, yên tĩnh. Bên cạnh đó, còn có các từ đơn
như: lụt, ngập, sóng, tràn; tuy số lượng từ không nhiều, chỉ dừng lại ở con số 4 nhưng các
từ đơn thuộc nhóm này có đến 44 lần xuất hiện.
Nhóm từ chỉ các loại phƣơng tiện dụng cụ cho việc đi lại trên sông nƣớc có
kiểu cấu tạo từ chủ yếu là từ đơn. Trong số 17 từ được khảo sát với tần số xuất hiện là 233
lần thì từ đơn có số lượng là 12 từ và có số lần xuất hiện khá nhiều là 216 lần. Bao gồm
các từ: buồm, chèo, dầm, dây, đò, ghe, máy, neo, sào, tàu, thuyền, xuồng. Trong đó có hai
từ đơn đa âm với số lượng là 2 từ và có số lần xuất hiện 3 lần: lòi tói, sà lan, So với từ
đơn thì từ ghép trong nhóm này thấp hơn về số lượng từ cũng như là số lần xuất hiện. Từ
ghép có 3 từ và có số lần xuất hiện là 14 lần. Bao gồm các từ: bánh trớn, máy đuôi tôm,
xuồng máy.
Nhóm từ chỉ các hoạt động, trạng thái, tính chất của các phƣơng tiện sông
nƣớc có hai kiểu cấu tạo từ chính. Nhưng chủ yếu là từ láy, trong số 16 từ của nhóm với
số lần xuất hiện là 40 lần thì từ láy có số lượng là 10 từ và có số lần xuất hiện là 16 lần
gồm các từ: chập chờn, chòng chành, chơi vơi, hu hu, lạch cạch, lắc lia, lững lơ, rền rền,
vun vút, xình xịch. Bên cạnh đó còn có các 5 từ đơn với số lần xuất hiện là 24 lần. Bao
gồm các từ: cặp, chạy, chìm, lao, lướt.
Nhóm từ chỉ các hoạt động sinh hoạt vùng sông nƣớc chỉ có một kiểu cấu tạo từ
chính, đó là từ đơn. Trong nhóm này từ đơn có số lượng là 5 từ và có số lần xuất hiện là
20 lần. Bao gồm tất cả các từ như: bơi, chèo, lặn, neo, tắm.
Nhóm từ chỉ các ngành nghề truyền thống của vùng sông nƣớc có hai kiểu cấu
tạo từ. Trong số 4 từ được khảo sát với tần số xuất hiện là 6 lần thì từ ghép có số lượng là
2 từ và có số lần xuất hiện là 2 lần. Bao gồm hai từ đánh cá, làm mắm. Song song với đó
là từ đơn với số lượng là 2 từ và có số lần xuất hiện là 4 lần, từ đơn gồm hai từ sau: cá,
ruộng.
Nhóm từ chỉ các dụng cụ đánh bắt có hai kiểu cấu tạo từ. Trong số 5 từ được
khảo sát với tần số xuất hiện là 11 lần thì từ đơn có số lượng là 3 từ, có tổng số lần xuất
55
hiện là 9 lần. Ở nhóm này có các từ sau: lờ, lợp, lưới. Ngoài ra, còn có các từ đơn với số
lượng là 2 từ và số lần là 2 lần. Bao gồm hai từ sau: cần câu, lưỡi câu.
Nhóm từ chỉ các hình thức đánh bắt có hai kiểu cấu tạo từ. Trong số 4 từ được
khảo sát với tần số xuất hiện là 10 lần thì từ ghép có số lượng là 3 từ, có tổng số lần xuất
hiện là 6 lần. Ở nhóm này có các từ sau: giăng câu, đặt lờ, đặt lợp. Ngoài ra, còn có 1 từ
đơn là câu, với số lần xuất hiện là 4 lần.
Nhóm từ chỉ tên thực vật vùng sông nƣớc có ba kiểu cấu tạo từ. Trong số 12 từ
được khảo sát với tần số xuất hiện là 38 lần thì từ ghép có số lượng là 5 từ và có số lần
xuất hiện là 21 lần. Bao gồm các từ như: lá dứa, lục bình, ô môi, trâm bầu, trứng cá. Bên
cạnh đó là các từ đơn với số lượng là 6 từ và có số lần xuất hiện là 16 lần, từ đơn gồm các
từ sau: đế, gáo, lác, lúa, nghể, tràm. Ngoài ra còn có một từ láy là điên điển, có số lần xuất
hiện là 1 lần.
Nhóm từ chỉ tên động vật vùng sông nƣớc có hai kiểu cấu tạo từ. Trong số 20 từ
được khảo sát với tần số xuất hiện là 52 lần thì từ đơn có số lượng là 10 từ và có số lần
xuất hiện là 33 lần. Bao gồm các từ như: cá, cò, cua, đỉa, ếch, lươn, ốc, rắn, tôm, vịt. Bên
cạnh đó, còn có 10 từ ghép với số lần xuất hiện là 19 lần. Bao gồm các từ: cá chày, cá
chốt, cá lẹp, cá lia thia, cá linh, cá lóc, cá rô, cá trê, cá xiêm, ốc bươu. Các từ ghép này
chủ yếu được cấu tạo theo phương thức ghép chính phụ. Yếu tố chính là cá, ốc. Nhằm dễ
dàng phân biệt các loại cá với nhưng tên gọi khác nhau. Chẳng hạn như:
cá + chày = cá chày
cá + chốt = cá chốt
cá + linh = cá linh
hay
ốc + bươu = ốc bươu
Nhóm từ chỉ món ăn vùng sông nƣớc có hai kiểu cấu tạo từ chính nhưng từ ghép
chiếm số lượng chủ yếu. Trong số 13 từ được khảo sát với tần số xuất hiện là 29 lần thì từ
ghép có số lượng là 12 từ và có số lần xuất hiện là 27 lần. Bao gồm các từ như: bánh lọt,
bánh tằm, bánh xèo, canh chua, cháo lươn, kho khô, kho tiêu, khô sặt, khô sình, nước
56
mắm, nước mắm nhỉ, trứng cá. Ngoài ra, còn có 1 từ đơn là mắm, với số lần xuất hiện là 2
lần
Nhóm từ chỉ tên các địa danh chỉ có một kiểu cấu tạo từ chính, đó là từ ghép.
Trong nhóm này từ ghép có số lượng là 33 từ và có số lần xuất hiện là 112 lần. Bao gồm
tất cả các từ như: Bạc Liêu, Bảy Núi, Bến Tre, Cái Cùng, Cao Lãnh, Cầu Ông Lãnh, Chợ
Mới, Chùa Tây An, Cù Lao Giêng, Cửu Long Giang, Đồng bằng Sông Cửu Long, Đồng
Tháp, Đồng Tháp Mười, Long Châu Sa, Long Điền, Lương Hòa, Mỹ An, Mỹ Hòa, Mỹ
Phú, Mỹ Tân, Sài Gòn, Sông Cửu Long, Sông Hậu, Sông Tiền, Tháp Mười, Tân Châu, Tân
Phú Đông, Vàm Cỏ Đông, Vĩnh An, Vĩnh Long, Vĩnh Mỹ, U Minh.
Nhìn chung, từ đơn bao gồm 69/ 172 từ đang được khảo sát, chiếm 36,6% và có số
lượng xuất hiện là 575/859 lần chiếm 67 %. Trong đó, nhóm từ chỉ các loại phƣơng
tiện, dụng cụ cho việc đi lại sông nƣớc có số lượng từ nhiều nhất là 14 từ và có số lần
xuất hiện nhiều nhất là 219 lần. Tiếp đến là nhóm từ chỉ tên động vật vùng sông nƣớc
có số lượng là 10 từ và có số lần xuất hiện là 33 lần. Đứng vị trí thứ ba là nhóm từ chỉ
địa hình sông nƣớc có số lượng là 10 từ và có số lần xuất hiện đứng thứ hai là 200 lần.
Từ ghép bao gồm 84/172 từ đang được khảo sát, chiếm 48,9% và có số lượng xuất
hiện là 246/859 lần chiếm 28,6 %. Trong đó, nhóm từ chỉ tên các địa danh có số lượng
nhiều nhất là 32 từ và có số lần xuất hiện cao nhất là 112 lần. Tiếp đến là nhóm từ chỉ
món ăn vùng sông nƣớc có số lượng là 12 từ và có số lần xuất hiện là 28 lần. Tiếp theo
là nhóm từ chỉ tên động vật sông nƣớc có số lượng là 10 từ và có số lần xuất hiện là 19
lần. Song song với đó nhóm từ chỉ các trạng thái, tính chất của sông nƣớc có số lượng
là 10 từ và có số lần xuất hiện là 13 lần.
Từ láy bao gồm 25/172 từ đang được khảo sát, chiếm 14,5% và có số lượng xuất
hiện là 38/859 lần chiếm 4,4 %. Trong đó, nhóm từ chỉ các trạng thái, tính chất của
sông nƣớc có số lượng là 14 từ và có số lần xuất hiện cao nhất là 20 lần. Tiếp đến là
nhóm từ chỉ các hoạt động, trạng thái, tính chất của các phƣơng tiện sông nƣớc có số
lượng là 10 từ và có số lần xuất hiện là 16 lần.
57
Như vậy xét trên tổng thể, từ ghép chiếm tỉ lệ cao nhất về số lượng từ (bao gồm
84/172 từ chiếm 48,9 %). Từ đơn đứng ở vị trí thứ hai (bao gồm 63/172 từ chiếm 36,6
%). Đứng ở vị trí cuối cùng là từ láy (bao gồm 25/172 từ đang được khảo sát, chiếm 14,5
%)
Nhưng về số lần xuất hiện, từ đơn đứng ở vị trí cao nhất (575/ 859 lần chiếm 67
%). Đứng ở vị trí thứ hai là từ ghép (246/859 lần chiếm 28,6%). Đứng ở vị trí cuối cùng
là từ láy (38/859 lần chiếm 4,4 %).
2.4 Trƣờng từ vựng sông nƣớc xét về mặt nguồn gốc và phạm vi sử dụng
Hầu hết những từ vựng đang được khảo sát chủ yếu là từ thuần Việt. Điều đó cũng
đủ phản ánh vai trò quyết định của cộng đồng người kinh trong quá trình làm chủ và khai
phá vùng đất sông nước Nam bộ này.
Bên cạnh đó, cũng có một vài từ Hán Việt. Chủ yếu ở hai dạng chính là: từ Hán
Việt và từ có thành tố Hán Việt. Đa phần những từ này thuộc nhóm từ chỉ địa danh.
Những từ Hán Việt và từ có thành tố Hán Việt này được dùng để đặt tên cho các
địa danh thường có ý nghĩa tích cực nhằm nói lên khát vọng tốt đẹp cho cuộc sống. Các
thành tố này có thể đứng trước hoặc đứng sau các trong một từ.
Chẳng hạn như: “An” trong “Chùa Tây An”, “Vĩnh An”, “Mỹ An”; “Hòa” trong
“Lương Hòa”, “Mỹ Hòa”; từ “An”, “Hòa” ở đây nhằm nói lên khát vọng thanh bình,
ước mơ thuận hòa của người mới khai khẩn và xây dựng vùng đất mới. Ngoài ra, còn có
những từ chỉ địa danh vùng sông nước có yếu tố Hán Việt như“Long”, nhằm nêu lên ý
nghĩa trân trọng con vật linh thiêng: “Đồng bằng Sông Cửu Long”, “Sông Cửu Long”,
“Vĩnh Long”, “Long Châu Sa”, “Long Điền”.
Nhóm từ chỉ địa danh vùng sông nước còn có các từ có yếu tố Hán Việt nhằm ý
nghĩa đề cao vẻ đẹp của một vùng đất mới như “Mỹ” trong địa danh “Mỹ An”, “Mỹ
Hòa”, “Mỹ Phú”, “Mỹ Tân”, “Vĩnh Mỹ”. Hoặc nhằm nói lên ước vọng của người mới
đến khai phá, mong đổi đời, mong có được điều gì mới mẻ trong cuộc sống như “Tân”
trong “Mỹ Tân”, “Tân Châu”, “Tân Phú Đông”. Hoặc những địa danh miêu tả những
58
đặc điểm nào đó như: “Sông Tiền”, “Sông Hậu”, “Tân Phú Đông”, “Vàm Cỏ Đông”,
“U Minh”,...
Song song với từ Hán Việt, còn có rất ít những từ mượn Ấn Âu. Vì do từ có nguồn
gốc Ấn-Âu tiếp nhận trễ hơn từ có nguồn gốc Hán Việt và lúc này tiếng Việt có diện mạo
khá ổn định. Xét trong toàn bộ từ vựng thuộc các trường từ vựng đã được khảo sát, chỉ có
duy nhất một từ thuộc nhóm trường từ vựng chỉ các loại phương tiện, dụng cụ cho việc đi
lại sông nước là: sà lan (Chaland).
Ngoài ra, trong những từ vựng đã được khảo sát có hàng loạt các từ địa phương
của vùng đất Nam bộ, điển hình như: kinh (kênh), lòi tói (dây xích), ghe (thuyền), xuồng
(thuyền nhỏ), điển điển (cây điền thanh), lác (cói,) lục bình (bèo tây), tràm, cá lóc (cá
quả), bánh xèo (bánh khoái),..
59
CHƢƠNG 3: TRƢỜNG TỪ VỰNG SÔNG NƢỚC VỚI NỘI DUNG ĐƢỢC
PHẢN ÁNH TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN QUANG SÁNG
3.1 Sông nƣớc với sinh hoạt của con ngƣời Nam bộ
Nam bộ được biết là một vùng sông nước, với hệ thống sông ngòi khá chằng chịt,
đây được xem là một đặc trưng riêng so với nhiều vùng miền khác. Chính vì vậy, mà cách
sinh hoạt của con người vùng sông nước Nam bộ cũng có nhiều nét riêng biệt.
Đầu tiên là nét đặc trưng trong cách cư trú của con người Nam bộ. Dân gian ta
thường có câu: “An cư lạc nghiệp” vì vậy, trong quá trình mở cõi vào phương Nam, các
tiền nhân xưa đã tìm cho mình cách cư trú phù hợp với cách sinh hoạt cũng như là địa thế
tự nhiên.
Hơn bao giờ hết, con người Nam bộ xưa đã nhận thấy tầm quan trọng của sông
rạch trong việc ổn định cuộc sống của họ sau này. Vì vậy mà cho đến tận ngày nay, ở
vùng sông nước Nam bộ đa phần là những ngôi nhà dọc theo các con sông rạch. Trong
Đạo Tưởng người dân Nam bộ ở vùng đất Tân Châu (An Giang) cũng vậy, họ sống chủ
yếu xung quanh sông, kinh, rạch. Vì vậy mà nhân vật ông Đạo, một người sinh ra ở vùng
đất Tân Châu“sau 14 năm hành đạo (1925 – 1939)” [32; tr. 411] trên khắp vùng đất quê
hương mình “ông có trên 10.000 tín đồ sống rải rác trên khắp cả đất Tân Châu, từ sông
lớn đến kinh rạch qua các đồng sâu.” [32; tr. 411]. Không chỉ riêng người dân ở vùng
đất Tân Châu mà người dân vùng đất Tháp Mười trong tác phẩm Người đàn bà Tháp
Mười cũng phân bố theo những địa hình trên. Nguyễn Quang Sáng đã miêu tả về cách cư
trú của người dân thuộc làng Vĩnh An ở Tháp Mười“Làng này cũng như bao nhiêu làng
khác của Tháp Mười, nhà cửa đều nằm dọc theo hai bờ kinh” [31; tr. 122]. Tuy chỉ là
cách cư trú của người dân ở một vài địa phương nhỏ lẻ nhưng đây chính là cách cư trú
phổ biến của người dân toàn Nam bộ. Cách cư trú này đã có mặt thuở khai hoang lập ấp
và cho đến tận bây giờ ở Nam bộ vẫn còn khá nhiều ngôi nhà được phân bố dọc theo hai
bờ sông, bờ kinh, rạch. Theo cách này thì lối trước nhà là sông, kinh hay rạch nên người
Nam bộ thường hay gọi là sống dọc theo và trong tác phẩm Đạo tưởng, tác giả Nguyễn
Quang Sáng cũng viết“Rời nhà người cậu, bỏ việc đồng áng, bằng bùa ngải, ông bỏ công
đi trị bịnh cho bà con dọc theo sông Tiền.” [32; tr. 410].
60
Ngoài ra, vùng sông nước Nam bộ còn có những ngôi nhà sàn ở vị trí khá thuận
tiện. Ở phía trước nhà là đường, phía sau nhà là sông. Mô hình nhà ở này thường tập
trung ở những nơi đông dân cư. Nhà kiểu này thường có đặc điểm trước là nền đất, sau là
nhà sàn lấn ra mặt sông. Vì vậy nó rất thuận tiện cho việc sinh hoạt vì được gần nguồn
nước, việc mua bán và đi lại. Nhiều người ở đây rất thích những ngôi nhà theo kiểu này vì
nó có cái thuận tiện nữa là dễ dàng ngắm cảnh sông nước thơ mộng trữ tình. Nhân vật tôi
trong truyện ngắn Con ma da đã miêu tả sự thích thú khi đến nhà của người bạn“Nhà của
Danh, ngôi nhà sàn nhỏ dưới bóng cây xoài, mái lá vàng, cửa nhìn ra sông, thật thơ
mộng” [32; tr. 422]. Khi nhìn ra sông nước bao la đó, con người lại có thể quan sát nhiều
hơn về cái đẹp của sông nước. Thấu hiểu điều đó mà ông chủ quán rượu đã khéo léo sắp
xếp để “khách nhìn ra sông: sông Cửu Long. Khách có thể ngắm rặng cây xa mờ, ngắm
những cánh buồm, vừa ngắm nhìn vừa nghe tiếng sóng. Sóng bạc đầu, bỏ vòi, tràn lên
nhau, sóng bủa ầm ầm. Sóng lưỡi búa, lách chách từng đợt nhỏ và đều, lấp lánh khắp mặt
sông. Sóng nhỏ nhưng lại thường hay nhấn chìm xuồng ghe. Xuồng ghe tấp vào bờ. Sóng
vẳng rì rầm, buồn và mênh mông.” [31; tr. 149]
Xung quanh được bao bọc bởi sông nước cùng với cách cư trú dọc theo sông rạch
như trên nên con người sông nước Nam bộ cũng có những phương tiện đi lại khác biệt.
Con người nơi đây chủ yếu đi lại bằng các phương tiện đường thủy như ghe, xuồng, tàu,
thuyền. Chính vì vậy mà những phương tiện này sẽ không hề thiếu ở mỗi gia đình nơi
đây, trong số đó chiếc xuồng trở thành phương tiện hữu dụng. Nhờ có hình dáng nhỏ gọn
và dễ dàng di chuyển mà chiếc xuồng trở thành phương tiện thân thiết ở mỗi gia đình
Nam bộ “Mỗi một ngôi nhà một bên nước và một bên xuồng [31; tr. 123]. Người dân
Nam bộ ở đây dùng chiếc xuồng không chỉ trong việc đi lại thông thường mà còn trong
mọi hoạt động sinh hoạt. Chiếc xuồng có thể là phương tiện chủ đạo trong việc buôn bán.
Nhân vật Dung trong tác phẩm Chị xã đội trưởng dùng xuồng làm phương tiện để đi bán
bánh tằm, chiếc xuồng này trở nên hữu ích hơn với Dung vào mùa nước nổi. Vào thời
điểm này mực nước dâng lên khá cao cho nên khắp các nẻo đường chỉ toàn là nước nên
trong thời điểm“mùa nước nổi như thế này, Dung đâm xuồng vào sát tận nhà” [31; tr.
92] khách hàng một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, chiếc xuồng cũng rất hữu dụng trong việc
đánh bắt thủy sản, nhân vật anh Bảy trong một chuyện vui đã sử dụng chiếc xuồng để đi
61
thăm lưới “tôi mang bá đỏ chống xuồng ra ruộng thăm lưới” [31; tr. 111]. Do tính hữu
ích của những phương tiện này đối với cuộc sống sinh hoạt của người dân nơi đây; cho
nên người Nam bộ cũng có sự liên tưởng những sự vật như chiếc xuồng:“Nghe những
tiếng nổ tiếng trống, và mọi thứ tiếng vang dội lên mỗi lúc một dữ dội, chúng thấy cái
đồn, cái bót của chúng như những chiếc xuồng con đang bị sóng của một cơn bão đang
bủa tới, chúng nhớ những người chúng giết, nhớ những người chúng bắt, nhớ những
người chúng đánh, nhớ những gia đình do bàn tay chúng phá tan nát, chúng thấy những
người đó đang tràn tới.” [31; tr. 158]
Song song với hình ảnh chiếc xuồng thì hình ảnh bến không kém phần quan trọng
trong việc sinh hoạt của con người sông nước Nam bộ. Ngày nay, với sự phát triển mạnh
mẽ của nền kinh tế thì hệ thống giao thông đường bộ phát triển như một lẽ tất yếu. Trên
khắp các con đường lớn nhỏ từ thành thị đến nông thôn không thiếu những chiếc xe gắn
máy tấp nập. Thế nhưng trên sông nước Nam bộ vẫn còn những chiếc tiếng máy xình xịch
của ghe, xuồng, tàu thuyền,.. ngược xuôi cặp bến, rời bến. Do tính chất gần gũi của nó mà
con người sông nước Nam bộ đã có nhiều cách liên tưởng mới khá thú vị về cái bến. Từ
lâu hình ảnh cái bến đã trở thành người bạn thân thiết với con người nơi đây. Trong kho
tàng ca dao Việt Nam thì hình ảnh bến rất phổ biến. Bến tượng trưng cho những gì cố
định, đó là hình ảnh của người con gái:
“Thuyền về có nhớ bến chăng?
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền”
Hình ảnh bến còn được dùng để nói về cuộc đời người con gái
“Lênh đênh một chiếc thuyền tình
Mười hai bến nước gửi mình vào đâu”
Và trong suy nghĩ của con người vùng sông nước nơi đây, bến không chỉ là nơi
dừng lại, tụ tập để đi về hoặc trao đổi mua bán ở những bờ sông, rạch mà còn là điểm
dừng của một đời khi tìm được niềm hạnh phúc mới. Nhận được sự mai mối, anh bạn Tấn
trong Người bạn lính không ngừng ngại bộc lộ suy nghĩ của mình khi lần đầu gặp mặt
người bạn đời:“vừa mới gặp mặt, mình đã nghĩ ngay: đây đúng là cái bến của mình, cái
62
bến của một tay chèo đường dài quá mỏi mệt. Cắm sào thôi.” [32; tr. 400]. Bến ở đây là
chỗ dừng chân của một người đã từng sống độc thân, và khi đã mệt mỏi với cuộc sống
độc thân, lang bạc. Họ mải kiếm tìm cho mình cái bến đổ bình yên. Để rồi họ lại dừng
chân neo đậu ở chính cái bến mình đã tìm kiếm đó là người người vợ. Từ thời điểm này
họ không lang bạc nữa mà cùng vợ tạo lập và xây dựng cuộc sống sung túc.
Bên cạnh đó thì với người Nam bộ, chiếc đò giữ vai trò tích cực trong việc sinh
hoạt. Do chịu sự ảnh hưởng sâu sắc của địa hình dày đặc kênh rạch, chiếc đò đã trở thành
một phương tiện hữu dụng và gần gũi với con người nơi đây. Nếu không có đò thì con
người ở vùng đất lắm kênh nhiều rạch này giống như là một con ếch ngồi đáy giếng vì
không có điều kiện đi lại để học tập nền văn minh của các khu vực khác trong lúc hệ
thống giao thông đường bộ chưa phát triển rộng khắp. Đò là phương tiện chủ lực giúp
người hai bên bờ có dịp gặp gỡ, giao lưu, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm. Không như
những chiếc phà ngày nay có phương tiện máy móc tối tân, hiện đại cũng như là khối
lượng và trọng tải lớn. Con đò chỉ là một phương tiện khá thô sơ, nó không có động cơ
máy móc, nó chủ yếu di chuyển nhờ mái chèo. Cùng với trọng tải khá nhỏ, vận tốc di
chuyển chậm nên khách qua sông phải tốn khá nhiều thời gian. Vì vậy họ luôn mong
muốn được đi cho kịp chuyến đò nếu không thì họ sẽ rất hối tiếc. Từ đó, hình ảnh trễ đò
đã đi vào trong cách nói năng của con người Nam bộ, khi ví một sư việc, một hành động
chậm trễ, con người Nam bộ hay so sánh với sự trễ đò. Điển hình là nhân vật tôi trong tác
phẩm Cây gậy ba số, anh đến gặp giám đốc công ty để được mua cái ti vi màu theo giá
nội bộ. Mỗi lần đến đó anh phải tốn 35 đồng để mua một điếu thuốc ba số 5 mà anh gọi
vui là cây gậy ba số để biếu anh thường trực, mục đích của việc làm đó là mong muốn
được gặp mặt giám đốc sớm để có được kết quả sớm. Nhưng rồi kết quả không như anh
mong đợi, tính tiết kiệm tiền để mua ti vi màu giá rẻ nào ngờ phải tốn đến ba điếu thuốc
ba số mà vẫn thất bại vì anh là người đến sau. Trước sự việc của nhân vật tôi, ông giám
đốc bày tỏ:“Ông như người trễ đò. Đò xô ra bến ông mới gọi” [32; tr. 332].
Do môi trường sống mang đậm màu sắc sông nước nên trong văn hóa nhận thức
của con người Nam bộ thì hình ảnh nước ảnh hưởng không nhỏ. Người Nam bộ có cách
tính thời gian rất đặc trưng mang đậm màu sắc sông nước. Trong nhiều truyện ngắn của
63
Nguyễn Quang Sáng, con người nơi đây không tính thời gian theo ngày tháng của âm lịch
hay dương lịch, cũng không theo mùa xuân, hạ, thu, đông. Họ tính thời gian theo những
sự việc diễn ra trước mắt họ theo những gì họ nhìn thấy. Trong đó, quá trình vận động của
con nước là cơ sở khá thiết thực để con người Nam bộ đình hình về thời gian. Khi mực
nước dâng lên khá cao và kéo dài trong một thời gian dài thì người vùng Nam bô quen gọi
là mùa nước nổi: “Một hôm cũng đang mùa nước nổi như thế này, Dung đâm xuồng vào
sát tận nhà tôi.” [31; tr. 92]. Cách định hình về thời gian này không chỉ ở những sự việc
thường nhật mà nó còn được vận dụng ở những việc quan trọng. Trong nền văn hóa
phương Tây nói chung họ rất coi trọng ngày mình được sinh ra đời, vì vậy mà họ hay tổ
chức sinh nhật để kỉ niệm ngày họ được sinh ra. Nhưng trong văn hóa người phương
Đông thì ngược lại, họ coi trọng ngày con người qua đời nhiều hơn, vì vậy mà trong các
đám tiệc của người phương Đông luôn có những đám giỗ, trong đó một quốc gia như Việt
Nam cũng không ngoại lệ, họ luôn nhớ rất rõ ngày chết của người thân của mình để làm
đám giỗ. Thế nhưng do tính tình bộc trực thẳng thắng của người Nam bộ nhìn sao nói
vậy, nên khi nói về thời gian một người nào đó qua đời, họ cũng định hình về thời gian
gắn với nước:“Hồi kháng chiến chín năm, ba của Dung là xã đội trưởng, hy sinh trong
mùa nước năm năm mươi hai” [31; tr. 91]. Và trong hạnh phúc hôn nhân của con người
vùng quê sông nước Nam bộ cũng vậy, họ cũng nhận thức về thời gian cũng gắn liền với
nước. Nhân vật Khương trong tác phẩm Chị xã đội trưởng khi kể về tình yêu của anh và
Dung, anh có đề cập về đám cưới của họ:“Sau đó, Dung chánh thức là vợ chưa cưới của
tôi. Hai đứa tôi định hết mùa nước này, sau mùa gặt, sẽ làm đám cưới” [31; tr. 105].
Quả thật cách định hình về thời gian trong nhận thức của người Nam bộ hết sức độc đáo,
khi thấy nước lên cao thì gọi là mùa nước, hay mùa nước nổi, đến lúc gặt lúa thì gọi là
mùa gặt và đến khi nhìn thấy nước lũ rút xuống và cánh đồng không còn nước nữa, người
dân sông nước Nam bộ lại gọi thời gian này là mùa khô: “Ngày nào tháng nào tôi không
còn nhớ rõ nữa. Chỉ nhớ đó là mùa khô, lúa đã gặt xong.” [31; tr. 95].
Do điều kiện địa lý đặc thù, nên người dân vùng sông nước Nam bộ cũng có những
hoạt động sản xuất rất đặc trưng của một vùng đồng bằng sông nước. Với một vùng đất
phì nhiêu rộng lớn cùng với những dòng sông ngọt ngào chảy nặng phù sa, con người
vùng đất Nam bộ chủ yếu sống bằng nghề ruộng và nghề cá. Và ở làng của nhân vật
64
Khương và Dung trong tác phẩm Chị xã đội trưởng cũng không ngoại lệ. Một ngôi làng
ở vị trí“bắt đầu từ ngã tư, nằm dài theo sông” [31; tr. 91], vì vậy mà “hầu hết dân làng
đều sống bằng nghề ruộng và cá.” [31; tr. 91]. Sông ở Nam bộ mang những đặc điểm
khác với những vùng miền khác trong cả nước, nó không như các con sông Trung bộ
trong xanh biêng biếc, thơ mộng và trữ tình, là nguồn chất liệu phong phú trong sáng tác
của các thi nhân xưa và nay. Sông Nam bộ cũng không như các con sông Bắc bộ có tốc
độ dòng chảy lớn và khi lũ dâng cao phải quýnh lên để huy động sức người sức của đi đắp
đê và gây nên bao thực trạng đau lòng. Các con sông ở Nam bộ mang một dáng vẻ hiền
hòa và luôn được thiên nhiên ban tặng những dòng phù sa ngọt ngào. Chính vì vậy mà
trên khắp cánh đồng Nam bộ không vắng mặt màu xanh rờn của mạ non xanh, màu vàng
ươm của những mảnh ruộng đang chờ ngày thu hoạch. Mặc dù phải nhiều chống chọi với
đường tên mũi đạn của giặc Mỹ, con người Nam bộ vẫn luôn chung vai sát cánh để chiến
đấu và lao động sản xuất ngay tại vùng đất quê hương mình. Trong tác phẩm Chiếc lƣợc
ngà, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã ghi lại những cảm xúc đang dâng trào của nhân vật
anh Ba (bạn của anh Sáu) khi gặp lại Thu (con gái của anh Sáu) trong kí ức xưa xung
quanh chiếc lược làm bằng ngà voi. Trong đó nổi bật nhất là khung cảnh chia tay giữa
Thu và anh Ba làm cho người đọc phải chạnh lòng, không chỉ là cảm xúc rung động của
buổi chia tay sau cuộc gặp gỡ bất ngờ mà nó còn là hình ảnh làng quê trong hoàn cảnh
của cuộc chiến đấu đến nao lòng. Đó chính là cảnh Thu “dừng lại trên bờ mẫu, những
đợt sóng lúa xanh nhỏ nối nhau rập rờn như chạy đến vỗ về cháu. Sau lưng cháu là đám
dừa bị chất độc hóa học mà tàu lá chỉ còn những cọng khô như những chiếc xương cá
khổng lồ treo lủng lẳng, đọt non vừa mới đâm lên, xa trông như một rừng gươm” [31; tr.
76]. Và cũng trong khung cảnh cảm động này, tác giả Nguyễn Nghiệp trong bài viết Đất
nước và con người miền Nam trong Chiếc lược ngà của Nguyễn Sáng có một nhận
xét:“Bao quanh cô giao liên lúc này không phải chỉ có những cánh lúa xanh mà còn là
một thế giới tình cảm cũng dạt dào như sóng lúa vậy: tình cha con, tình đồng chí, tình
cảm quá khứ, với người đã khuất và tình cảm với con người hiện tại, tất cả như hòa vào
nhau, chuyển hóa với nhau, thống nhất làm một khung cảnh của quê hương đang chiến
đấu và sinh sôi nẩy nở” [26; tr. 132]. Và hình ảnh quê hương Nam bộ trong tác phẩm
Người đàn bà Tháp Mười cũng không ngoại lệ, trước cảnh bắn phá, bỏ bom của trực
65
thăng Mỹ cả ngày lẫn đêm, con người Nam bộ nơi đây vẫn không ngừng lao động và gắn
bó thân thiết với nghề nghiệp từ lâu đời của mình, họ vẫn đi cấy khi vụ mủa đến: “Vậy là
sáu giờ chiều rồi. Tháng sáu là tháng của mùa mưa và mùa cấy, có hôm trời rất mau tối”
[31; tr. 122]. Không như thời điểm thanh bình của đất nước, người dân ở đây luôn từng
ngày sống trong sự đàn áp của giặc Mỹ. Thế nhưng họ vẫn luôn nhớ đến thời gian của vụ
mùa và khéo léo sắp xếp thời gian để giảm tầm kiểm soát của giặc. Họ đi cấy khi “bên
ngoài trời đã nhá nhem” [31; tr. 122], và luôn ở trong tâm trạng vui tươi phấn khởi khi
bắt đầu vào một vụ mùa sản xuất mới“Ngoài đường kinh, lác đác có một vài người đi
qua, có tiếng cười, tiếng gọi nhau í ới” [31; tr. 122]. Do vậy mà chỉ sau một buổi cấy họ
đã có những thành quả đáng khích lệ: “Trời mờ sáng, chiều hôm qua, cánh đồng hãy còn
là một dãy đất trống, nước lắp xắp, màu nước đục ngầu, sau một đêm cấy, mạ xanh um.
Dù cấy đêm, không đèn, cũng không trăng, mạ vẫn ngay hàng thẳng lối” [31; tr. 134].
Từ những đồng lúa của Nam bộ, người dân ở đây lại phát triển một loại hình chăn
nuôi mới. Từ xa xưa với sự tinh tế khéo léo của mình thì người dân Nam bộ đã biết tận
dụng nguồn lương thực sẵn có để phát triển ngành chăn nuôi như nuôi heo, nuôi cá, nuôi
gà, vịt. Trong đó, cách nuôi vịt của người Nam bộ là đặc biệt, thể hiện được những đặc
trưng của màu sắc sông nước. Không như các vật nuôi khác, vịt có cái nổi trội là biết bơi
và là loài ăn tạp khá giỏi, thấu hiểu được điều đó là người Nam bộ đã cho ra đời phương
thức nuôi vịt khá độc đáo. Đó là nuôi vịt chạy đồng, ở phương thức này, vịt không phải
được nuôi tại chỗ như gà mà luân phiên di chuyển từ nơi này sang nơi khác tùy theo thời
điểm của vụ thu hoạch lúa ở từng địa phương. Cách nuôi vịt theo kiểu này thì vịt rất là
mau lớn, thịt lại săn chắc nhưng lại ít tốn kém. Do sự phân bố khác nhau về địa hình cùng
với cách canh tác khác nhau nên ở mỗi địa phương Nam bộ có thời vụ gieo trồng và thu
hoạch chênh lệch nhau. Vì vậy người nuôi vịt theo cách này phải luôn tìm hiểu về thời
điểm thu hoạch ở mỗi địa phương và sau đó đưa đàn vịt đến ngay những ruộng lúa vừa
mới thu hoạch xong, chỉ cần thả vịt vào ruộng đã có sẵn nước mà các con vịt này sẽ tha
hồ ăn uống thỏa thích, vì vậy nó phát triển rất nhanh. Cứ thế người nuôi vịt chỉ cần một
khoảng tiền nhỏ để trả cho chủ ruộng là có thể đưa vịt từ cánh đồng nơi này đến nơi khác.
Với những hiệu quả mà nó đem lại, không ít người đã vươn lên thoát nghèo từ con vịt, vì
vậy nuôi vịt đã trở thành một nghề của người nông dân Nam bộ. Trong tác phẩm Thế võ,
66
người đọc thấy hồi hộp nhất là sự xuất hiện của một võ sĩ vô danh trên võ đài khi mà khán
giả muốn bỏ về vì nghĩ không còn ai dám đấu với võ sĩ lừng danh như Xiêm Nâu. Người
võ sĩ vô danh ấy không giống như những võ sĩ khác, vì “người ta thấy võ sĩ mặc quần cụt
ở trần để khoe bộ chân, bộ ngực, còn anh cũng mặc quần cụt ở trần nhưng để lộ con
người gầy gò đen đúa của anh” [32; tr. 306]. Điều đó cũng dễ lí giải bởi vì người võ sĩ vô
danh này không xuất thân từ nghề võ thực thụ mà anh là “Tư Sang, người ở xóm ruộng,
làm nghề chăn vịt. Vịt của anh chăn có hàng ngàn con” [32; tr. 306].
Do thiên nhiên Nam bộ phân hóa theo hai mùa rõ rệt đó là mùa mưa và mùa khô
chính vì vậy mà ở những mùa khác nhau, con người nơi đây lại có những phương thức
canh tác khác nhau. Vào mùa khô đất nông nghiệp được người Nam bộ sử dụng để trồng
lúa nước và cho đến mùa nước nổi đất nông nghiệp sẽ không còn thích hợp để trồng lúa
nước nữa, vì vậy mà con người Nam bộ lại có những công việc riêng. Do sông ngòi ở
Nam bộ có tốc độ dâng nước và tốc độ dòng chảy thấp, nên khắp cánh đồng Nam bộ
người ta không cần phải đắp đê ngăn lũ như ở vùng đồng bằng sông Hồng, mà ngược lại
còn tận dụng nguồn nước này vào mùa lụt để đưa nước ngọt và phù sa vào ruộng hoặc rửa
phèn ở những vùng trũng. Vào thời điểm này, đất nông nghiệp ở Nam bộ được đi vào giai
đoạn nghỉ ngơi để tích lũy thêm những chất dinh dưỡng mới nhờ lượng phù sa từ các con
sông bồi đắp. Vì vậy người dân vùng sông nước Nam bộ sẽ chuyển sang làm một công
việc khác thay cho những công việc vào mùa khô, đó là đánh bắt thuỷ sản. Mùa nước nổi
ở đây không chỉ là thời điểm để người dân kiếm thêm thu nhập mà còn trở thành một nét
văn hóa nổi bật trong nền văn hóa Nam bộ. Tác giả Lý Tùng Hiếu khi nghiên cứu về văn
hóa Nam bộ đã khẳng định: “chỉ ở Nam bộ yếu tố sông nước mới nổi lên thành một đặc
trưng chủ đạo, chi phối toàn diện cuộc sống cũng như các thành tố văn hoá của các cộng
đồng cư dân.” [14]. Thật vậy, sông nước nơi đây đã trở thành một yếu tố quan trọng cấu
thành nên nét văn hoá đặc trưng của Nam bộ. Chính vì vậy mà mùa nước nổi ở Nam bộ
lại mang một sắc thái khác biệt so với các vùng miền khác. Sông nước lúc này không yên
bình như mọi thời điểm khác mà luôn nhộn nhịp, sôi động. Dọc đường đi, trên cánh đồng
mênh mông nước, trên bờ đê, bên vệ đường, khắp nơi đều thấy người chống xuồng đi hái
bông điên điển, bông súng hay đi giăng lưới, giăng câu, đặt lờ, đặt lợp,.. Các công việc
này không phân biệt già trẻ, lớn bé, nam nữ, ai cũng có thể làm được. Và nhân vật chị
67
Bảy trong Người đàn bà Tháp Mười cũng không ngoại lệ, chồng đi chiến đấu, chị là
người lao động chính trong gia đình, vì vậy mà“Ngoài mùa lúa, mỗi năm nước lên, chị
phải làm cả nghề đánh cá nữa: Giăng câu, đặt lờ, đặt lợp” [31; tr. 124]. Các công việc
này không phân biệt thời gian ban ngày hay ban đêm, tùy vào quỹ thời gian của mỗi
người. Với chị Bảy ban đêm thì “chị thức để thăm lưới, hoặc đổ lợp, đổ lờ” [31; tr. 124],
đến ngày thì chị “làm cá đem muối, đem phơi, rang gạo, xay thính, làm mắm.” [31; tr.
124]. Sống trong hoàn cảnh khắc nghiệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, ngày ngày phải
đối phó với những trận càn của bọn trực thăng, chị vẫn thu xếp mọi việc trong ngoài thật
chu đáo. Một mình với sáu đứa con nhưng chị vẫn làm tốt vai trò người mẹ của mình, với
những công việc của chị Bảy, nền kinh tế của chị luôn ổn định, vì vậy mà sáu đứa con chị
“đứa nào cũng mập mạp, cũng xinh xắn” [31; tr. 124].
Với nghề đánh bắt thủy sản, con người vùng sông nước Nam bộ có rất nhiều dụng
cụ đánh bắt khá đa dạng như: cần câu, lưỡi câu, chài, lưới, lợp, lờ, nơm, đăng, đó,... Một
trong những vật dụng tiêu biểu dùng trong việc đánh bắt, đó là lưỡi câu. Để tránh cá khi
cắn câu không bị rớt khỏi lưỡi câu nên lưỡi câu thường có ngạnh sắt nhọn và có hình
cong. Đường cong trong văn hóa mỹ học của các dân tộc đều được xem là một đường nét
đẹp và trong văn hóa thẩm mĩ của người Nam bộ cũng vậy, qua lời kể của người bà trong
truyện ngắn Con nhồng, hình ảnh con nhồng hiện lên thật tuyệt mĩ với đường vàng hình
cong của lưỡi câu: “Con nhồng đẹp lạ lắm. Nó như một cô công chúa khoác chiếc áo
choàng đen, ấy là bộ lông mượt mà của nó, từ mí mắt kéo đến cổ nó là một đường vàng
hình lưỡi câu.” [32; tr. 428].
Sống giữa sông ngòi chằng chịt, tự bao đời nay con người đã gắn bó với sông rạch
trong các sinh hoạt thường nhật của mình. Cho nên, trong cách nói năng hằng ngày, cũng
như khi định danh cho các sự vật, hiện tượng, con người Nam bộ đã sáng tạo ra vô số từ
ngữ có liên quan đến sông nước. Từ “nước” cũng góp mặt vào câu tục ngữ khá quen
thuộc về ý chí, nghị lực của con người“còn nước còn tát”. Câu nói đó là ý kiến của nhiều
người xung quanh tiếng gáy của con gà trong tác phẩm Con gà trống. Con gà trống ở đây
không đơn thuần là con vật nuôi thông thường mà với các người chiến sĩ sống ở chốn
rừng rậm này có một ý nghĩa khá lớn. Nhưng trong giữa hoàn cảnh chiến đấu khốc liệt,
68
các chiến sĩ chúng ta bấy giờ phải tìm cách làm sao mà con gà trống này không được gáy,
mà đã là gà trống thì phải gáy. Nếu muốn nó không gáy thì cái ý kiến “hấp rượu bảy phút
là xong” [31; tr. 207] lại hợp lí nhất. Nhưng số đông các chiến sĩ ở đây không muốn con
gà trống chết và họ luôn tìm ra những biện pháp mới vì họ nghĩ “còn nước còn tát” [31;
tr. 207]. Bên cạnh đó, con người sông nước Nam bộ thường gọi tên nhiều sự vật, sự việc
gắn liền với nước. Do phần lớn họ cư trú dọc theo sông nước nên con người ở đây gọi liền
nước với làng:“Qua những lần tố cộng, qua những trận càn, những trận dồn dân của bọn
Mỹ, không còn mấy năm mà làng nước tan tác đi nhiều lắm.” [31; tr. 64]. Làng nước là
một khái niệm chung, nó là những gì liên quan đến cuộc sống và các sinh hoạt giao lưu
của người Nam bộ:“Làng nước đâu có còn như xưa nữa” [31; tr. 71]
Trong tâm thức của người Nam bộ nước ở đây không chỉ giới hạn là một môi
trường của sông nước, hay là một chất lỏng trong suốt, không màu, không mùi, không vị.
Nước được người Nam bộ liên tưởng đến màu da:“Mặc dù nước da cô bị rám nắng, tôi
trông cô không quá hai mươi tuổi.” [31; tr. 72]. Nước da ở đây giống như là từ chỉ chung
về cách nói hơi ví von để chỉ màu sắc của da“nước da trắng mịn.” [31; tr. 83]; “nước da
màu hồng điếu” [31; tr. 433]; hay “nước da lại trắng hồng như con gái, đúng là bạch
diện thư sinh” [31; tr. 433].
Song song với hình ảnh “nước” thì “sóng” cũng rất phổ biến trong cách nói năng
của con người vùng sông nước Nam bộ. Đã từ lâu hình ảnh “sóng” đi vào văn học với
nhiều tính biểu trưng và mãi cho đến thời kì hiện đại như ngày nay hình ảnh sóng vẫn
không mất đi vị trí vốn có của nó. Ai đã từng tiếp cận nữ thi sĩ Xuân Quỳnh sẽ không
quên bài thơ quen thuộc với nhan đề Sóng. Với Xuân Quỳnh sóng được đi kèm với tình
yêu, nó là những cung bậc cảm xúc của tình yêu. Với con người sông nước Nam Bộ trong
truyện ngắn của Nguyễn Quang Sáng, sóng còn được hình dung với nhiều trạng thái, tính
chất. Sóng là những hoạt động rất dữ dội, ồn ào “Dưới khán đài, dậy lên như sóng” [32;
tr. 306], “Như sóng dậy từ lòng người, tiếng hò hét của tín đồ dâng lên như sấm, đuốc
huơ cao, dao gươm kiếm vung loang loáng, tiếng reo tiếng trống tiếng phèng la nổi dậy
trời...” [32; tr. 413]. Và trong con người, khi cảm xúc dồn nén một thời gian dài, đến khi
có dịp bộc bạch thì đó là con sóng ngầm: “Sóng đang nổi lên từ dưới đáy người ta gọi đó
69
là sóng ngầm.” [31; tr. 153]. Do được dồn nén khá lâu nên so về mức độ thì sóng ngầm
lại ồn ào, lại dữ dội hơn và gây nên những vấn đề lớn lao, nghiêm trọng hơn. Hình ảnh
sóng còn được so sánh mái tóc: “Nó có mái tóc hơi gợn sóng” [32; tr. 359], mái tóc gợn
sóng thường là mái tóc dài nhưng không thẳng, có nhiều đường cong giống như là những
dợn sóng: “mái tóc dợn sóng của nó rũ dài xuống qua cơn mưa.” [32; tr. 361]
Sống trong thời kì ác liệt của lịch sử, người chiến sĩ Nguyễn Quang Sáng có dịp đi
khắp nơi. Nhưng trong kí ức của ông thì những hình ảnh về quê hương Nam bộ vẫn
không xóa nhòa. Vì vậy mà trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Quang Sáng, người đọc
dễ dàng thấy nhiều trang viết gắn liền với cảnh vật quê hương sông nước và các nhân vật
bước vào trang văn của ông đều là con người đậm chất Nam bộ luôn vui tươi, dí dỏm với
khung cảnh quê hương sông nước. Nhân vật Quang, nhân vật kể chuyện trong tác phẩm
Người bạn lính luôn nhớ về cảnh giăng câu, đặt lờ, đặt lợp trên đồng nước “Chúng tôi lại
nhắc đến mùa nước nổi. Mùa giăng câu, đặt lợp, đặt lờ trên đồng nước” [32; tr. 396]
hay tuổi thơ “ăn cá chốt hay cá linh, ăn đọt xoài chấm mắm hay bông điên điển làm
nhưn bánh xèo, mầy biết ráo. Đánh giặc bằng ống thụt, tắm sông, nhảy từ lan can cầu
xuống, hay leo dừa, leo xoài, lật đất cày bắt dế hay đá cá lia thia, cái gì tao chơi mầy
cũng chơi, khỏi hỏi, khỏi nói, được mầy là tao khỏe” [32; tr. 387]. Trong các trò chơi
vùng sông nước Nam bộ thì đá cá lia thia có thể xem là trò chơi thú vị nhất, mê nhất. Ai
đã từng sinh ra và lớn lên ở vùng sông nước Nam bộ đã từng có lần đi xúc cá lia thia ở
những đám cỏ có bọt nước trong bờ mương, kinh, rạch và chắc hẳn cũng từng nhìn thấy
những con cá lia thia tuyệt vời với những màu sắc sặc sỡ cùng với vây, đuôi xòe to, mang
thì phùng lên, trợn mắt xông vào quyết chiến với đối thủ. Và chắc chắn cũng không vài
lần phải hào hứng hồi hộp khi xem cảnh đá cá. Đó mãi là một kí ức đẹp của tuổi thơ với
những trò chơi dân dã, ngọt ngào tình quê hương sông nước. Nhưng khi cuộc sống ngày
càng hiện đại thì đá cá lia thia không chỉ là một trò tiêu khiển thông thường của những trẻ
em mà nó đã trở thành những thú vui tao nhã của cả người lớn. Vì vậy mà so với các loại
cá ăn được như cá trê, cá rô, cá linh, cá lóc,... thì cá lia thia mang lại một giá trị kinh tế
khá cao. Nhân vật Nam từng là một chiến sĩ cách mạng cũng vừa là một nhà kinh doanh
trong tác phẩm Con mèo của Foujita đã nói với người bạn mình: “hóa ra đồ chơi mắc
70
hơn đồ ăn” [32; tr. 370]. Vì anh thấy con cá lóc trong tay anh, lớn bằng bắp chuối, chỉ
hơn hai đồng, còn con cá lia thia không lớn bằng ngón tay cái mà tới một trăm đồng.
Không chỉ dừng lại ở đó, con người Nam bộ lại tìm cho mình những thú vui riêng
bên những khung cảnh sông nước quê hương họ. Đó là những niềm vui rất đơn giản,
chẳng hạn như thú vui được ngắm cảnh sông nước lúc tàu thuyền qua lại hay là lúc đi tắm
sông. Cậu bé trong truyện ngắn Tôi thích làm vua tâm sự một cách rất tự hào: “Cái thú
vui của lũ nhỏ chúng tôi là nhìn sóng và lúc tắm thì được nhồi sóng mỗi khi có một con
tàu chạy qua bến” [32; tr. 297]. Những đứa trẻ ở vùng sông nước Nam bộ, xem tắm sông
không chỉ dừng lại ở việc làm sạch thân thể mà còn là một việc thư giãn vui chơi:“Đám
trẻ nhỏ đủ lứa tuổi đang nô đùa trên bến sông thật vui” [32; tr. 421]. Tuy đó chỉ là những
việc vui chơi hết sức gần gũi và giản dị nhưng đã góp phần thể hiện được giá trị văn hóa
của con người vùng sông nước Nam bộ.
Tuy sinh sống ở một vùng đất là một vùng đất mới, ngày ngày vất vả mưu sinh để
kiếm thêm thu nhập, nhưng con người sông nước Nam bộ vẫn tìm về với thiên nhiên. Đó
là thú vui gần gũi, ngay trên những công việc của họ. Câu cá cũng là một cách giải trí:
“Ban ngày, chúng tôi chẳng biết đi đâu, hết nằm lại ngồi, có lúc thấy cuồng chân, thật tù
túng, nhưng lại có cái vui bù là thọc cần câu ra khỏi nhà để câu cá” [32; tr. 48]. Ngoài
ra, những công việc đánh bắt cá cũng là một niềm vui của con người sông nước Nam bộ.
Đó còn là một kỉ niệm của quá khứ mà đến lúc trưởng thành, họ vẫn còn nhớ mãi. Đến
khi quá khứ quay về, họ vẫn nhớ những công việc đánh bắt cá mà học đã làm váo mùa
nước nổi: “giăng câu, đặt lợp, đặt lờ trên đồng nước” [32; tr. 396]. Chắc hẳn những kỉ
niệm này sẽ khó phai nhòa và mãi mãi đi vào kí ức của con người vùng quê sông nước.
Trong sinh hoạt tinh thần của người Nam bộ ngoài niềm vui bên sông nước như
ngắm cảnh sông nước, chơi ống thụt, đá cá lia thia, tắm sông, đánh bắt thủy sản,.. Người
dân vùng sông nước Nam bộ còn có một loại hình nghệ thuật rất đặc trưng đó là gánh hát.
Ở vùng sông nước này, những gánh hát thường được đi trên những chiếc ghe lớn và luôn
luân phiên di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Vì vậy mà ở một địa phương, gánh hát lâu
lâu mới về được một lần và chỉ diễn trong vòng vài ngày là nhổ neo đi. Tuy vậy, vẫn còn
không ít những nơi không được gánh hát về và điều đó làm cho người dân cảm thấy thiếu
71
hụt, nhân vật tôi trong tác phẩm Tôi thích làm vua đã tâm sự:“Cái mà dân cù lao tôi thấy
thiếu nhất là không được xem hát” [32; tr. 297]. Và cho dù có cách trở về địa hình tới đâu
đi chăng nữa thì người dân nơi đây rất mong muốn được xem hát và thậm chí đã có người
chống xuồng băng qua sông để rồi gây nên những thảm cảnh hết sức nao lòng. Mặc dù
hậu quả có ra sao đi chăng nữa thì tình cảm của người Nam bộ với nghệ thuật vẫn không
ngừng nghĩ và đến khi gánh hát được về xứ cù lao của mình thì cả người và cảnh ở nơi
đây cùng thích thú: “khi gánh hát về, nước bốn bề cù lao như nổi sóng vui theo – Già trẻ
bé lớn ai cũng nôn nao với tiếng trống rao bảng của chiếc xe ngựa chạy qua đường – xe
ngựa chạy trước, lũ chúng tôi cắm đầu cắm cổ đuổi theo như sợ mất tiếng trống” [32; tr.
298]. Bên cạnh đó, lũ trẻ ở vùng đất cù lao sông Tiền này có có niềm vui nữa là: “trước
khi xem hát, chúng tôi rủ nhau đi xem hình quảng cáo, đi xem quần áo, mũ mão họ phơi
trên mui ghe như là cố ý xem trước vậy!” [32; tr. 298], và cho đến khi gánh hát nhổ neo đi
rồi, chúng “lấy lá dừa kết thành mão, lấy xơ dừa làm râu, lấy giấy màu dán vào quần áo,
phân vai cho nhau, hát lại cái tuồng mình được xem” [32; tr. 299]. Sự đam mê nghệ thuật
của con người vùng sông nước Nam bộ không chỉ thế, có cả người mê hát đến nổi mê
luôn cô đào, cho dù gánh hát của cô đào này có nhổ neo đi đến đâu đi nữa thì vị khán giả
này cũng đi theo và luôn ngồi ở hàng ghế đầu tiên để nghe cô đào này hát kẻm theo một
bó hoa hồng cùng với những vần thơ yêu lãng mạn. Đó là trường hợp của anh chàng công
tử xứ Bạc Liêu, ruộng đất cò bay thẳng cánh, từng học ở Sái Gòn, lấy bằng “điplôm”
trong truyện ngắn Người đàn bà đức hạnh. Ban đầu ở anh chỉ là lòng cảm phục vì giọng
hát hay của cô đào Năm Thanh, nhưng càng đi xem hát anh lại càng thích thú và tương tư
luôn cô đào hát hay này. Để rồi với lòng yêu thương dữ dội và không nhận được sự chấp
thuận của người mình yêu, anh chàng công tử này đã hóa điên. Cho đến khi ở trong nhà
thương điên anh vẫn nhớ và diễn theo những vai mà đào Năm Thanh đã từng diễn trên
sân khấu. Và chắc hẳn rằng những hành động đáng tội nghiệp này của anh sẽ còn đeo
đuổi mãi nếu không có sự giúp đỡ hết sức chân thành của người anh đã yêu như cô đào
Năm Thanh.
Tác giả Bùi Việt Thắng đã từng nhận xét: “Nguyễn Quang Sáng là nhà văn có tài
kể chuyện” [31; tr.15]. Chính vì vậy mà trong nhiều tác phẩm ông luôn là những câu
chuyện, chẳng hạn như người bà kể cho cháu nghe chuyện cái chết của con nhồng trong
72
tác phẩm Con nhồng, lão nghệ sĩ kể chuyện về tình yêu giữa anh chàng công tử Bạc Liêu
tương tư cô đào Năm Thanh đến hóa điên và sự cứu giúp của cô đào Năm Thanh trong tác
phẩm Người đàn bà đức hạnh hay người cán bộ già kể về tình cảm cha con thắm thiết
của anh Sáu và Thu trong thời buổi chiến tranh khốc liệt trong truyện ngắn Chiếc lược
ngà. Hay câu chuyện vui của anh Bảy Ngàn sau nhiều lần chết hụt trong tác phẩm Một
chuyện vui. Với những câu chuyện này của Nguyễn Quang Sáng, Phan Đắc Lập đã đưa ra
nhận xét: “Nguyễn Quang Sáng có tài kể chuyện. Bằng một lối văn mộc mạc, anh cứ thủ
thỉ kể hết cuộc tình này đến cuộc tình khác như một người nông dân Nam bộ kể chuyện
đời xưa và chuyện tiếu lâm”. Thật vậy, khi nghe những câu chuyện trong tác phẩm của
Nguyễn Quang Sáng, người đọc luôn thấy cuốn hút và không khói có những phút giây
chạnh lòng, đọc Chiếc lược ngà và Người đàn bà đức hạnh, người đọc sẽ không khỏi
rung động trong tình cảm cha con; tình cảm tương tư của chàng công tử với cô đào đến
hóa điên,... Bên cạnh đó, với Một chuyện vui, người đọc cũng cảm thấy thú vị, vui tươi
bân câu chuyện hết sức dí dỏm của anh Bảy Ngàn trong cảnh nguy nan của bom đạn Mỹ
và nhiều lần muốn hụt chết.
Giữa thời buổi khốc liệt của lịch sử dân tộc, người dân cùng các chiếc sĩ Nam bộ
không khỏi có những giờ phút căng thẳng và đau lòng khi chứng kiến bom đạn giặc Mỹ
ngày ngày phá hủy đi những cảnh vật và con người xung quanh họ. Tuy nhiên, những
người chiến sĩ ở đây vẫn luôn lạc quan cùng nhau ngồi nghe kể chuyện. Chiếc lược ngà,
là câu chuyện được kể từ một người cán bộ già “Ông vốn là một người hay kể chuyện –
nhiều nhất là chuyện tiếu lâm, có cả tiếu lâm kháng chiến nữa, chuyện nào cũng làm cho
chúng tôi cười lăn, cười bò” [31; tr. 48]. Đặc biệt những câu chuyện được kể trong các
tác phẩm đều có một khung cảnh khá đặc biệt và luôn gắn liền với sông nước, chẳng hạn
như trong tác phẩm Chiếc lược ngà, câu chuyện đó được kể “Vào một đêm trời sáng
trăng suông, trong một ngôi nhà nhỏ, giữa Tháp Mười mà xung quanh nước đã lên đầy,
nói cho đúng đây là cái trạm của đường dây giao thông” [31; tr. 48], “Cái trạm này –
một ngôi nhà cất chen vào các chòm cây giữa khu rừng tràm thưa, mỗi khi có một cơn
gió, nhà lại rung lên và lắc lư như một con thuyền đang chơi vơi giữa biển. Sóng đập
đều vào các tàn cây. Đàn cò đứng ngủ không yên, một con vỗ cánh bay chấp chới” [31;
tr. 49]. Và người kể chuyện cũng có một cảm quan và những hành động khác biệt: “Sóng
73
gió như nhắc nhở ông điều gì, ông nghiêng tai lắng nghe. Khi cơn gió thổi qua, mặt nước
trở lại yên tỉnh, ông mới ngẩng lên và nói” [31; tr. 49]. Người kể chuyện trong Chiếc
lược ngà không nhìn vào con người mà nhìn vào cảnh vật của trời nước: “Ông nói với
chúng tôi mà như nói với cả trời nước vậy, ông không nhìn vào chúng tôi mà nhìn ra biển
nước, chân trời và các vì sao” [31; tr. 49]. Trong tác phẩm Một chuyện vui, tác giả
Nguyễn Quang Sáng cũng miêu tả một khung cảnh kể chuyện khá thú vị của vùng sông
nước: “Trận lụt chưa rút. Nước vẫn mênh mông. Trời trăng sáng. Đúng là cảnh trăng
nước của Tháp Mười. Năm, bảy chiếc xuồng đang kề gần một tàn cây. Họ đang nhậu và
nói chuyện [31; tr. 110]. Và cuộc nói chuyện của họ được mọi người ở đây rất thích thú vì
đó là một chuyện vui. Nhưng cái chuyện vui trong quan điểm của những người sống trong
bom đạn của chiến trường rất là đặc biệt: “Bao giờ cũng vậy, hễ một chuyện nguy hiểm
qua rồi thì chuyện đó thành chuyện vui” [31; tr. 110]. Và người kể chuyện đó là anh Bảy
Ngàn, một người rất ung dung “ngồi giữa chiếc xuồng cui lớn. Cạnh bên là một rổ vỏ ốc
bươu, một chai rượu đã cạn, và một cái cốc, một bình tích nước trà” [31; tr. 110]. “Một
chuyện vui” của anh Bảy Ngàn là một chuyện vui đặc biệt, một câu chuyện vui đặt trong
ranh giới của sự sống và cái chết của hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt. Anh Bảy phải một
mình với chiếc xuồng cùng cây bá đỏ để chống sự bủa vây của giặc và suýt chết đến mấy
lần. Tuy nhiên với một tinh thần lạc quan của người miền Nam, anh không hề run sợ nguy
hiểm, thậm chí còn coi thường kẻ địch và vẫn ung dung ngồi bên cây trâm bầu bị đạn hỏa
tiễn bắn, lửa hãy còn nghi ngút để châm thuốc hút phà phà, rồi còn đem “một chuyện vui”
đó kể cho mọi người nghe đến mấy lần.
Thật sự, trong đời sống sinh hoạt của con người Nam bộ, thiên nhiên sông nước
đóng vai trò hết sức quan trọng. Nó góp phần chi phối toàn diện đời sống của con người
nơi đây, từ những sinh hoạt trong đời sống thường nhật cho đến hoạt động sinh hoạt trong
đời sống vật chất và tinh thần. Bên cạnh đó, ta còn thấy được sự ảnh hưởng sâu sắc của
sông nước trong cách nhận thức của con người vùng quê Nam bộ. Tất cả góp phần thể
hiện được nét văn hóa mang đậm đặc trưng sông nước của vùng đất phía cực nam của tổ
quốc.
3.2 Sông nƣớc với cuộc chiến tranh chống Mỹ của ngƣời Nam bộ
74
Trong tạp chí Văn Nghệ quân đội (số 6 năm 1973), Nguyễn Quang Sáng đã từng
tâm sự về lí do mà ông viết truyện ngắn. Mặc dù ngay từ khi vào chiến trường miền Nam
ông đã nghĩ đến tiểu thuyết nhưng sống trong hoàn cảnh bom đạn ác liệt không biết sống
chết lúc nào mà để dành nên có cái gì ông phải viết cái ấy để phục vụ ngay và phải đánh
trả lại kẻ thù từng miếng, từng nhát, thật sâu. Vì vậy mà truyện ngắn đã trở thành sản
phẩm tinh thần của ông, nó chứa nguồn cảm hứng vô tận về vùng đất sông nước Nam bộ
cũng như là thời kỳ ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ ở Nam bộ.
Đọc các truyện ngắn của Nguyễn Quang Sáng, người đọc dễ dàng kể ra hàng loạt
các tác phẩm miêu tả không khí của cuộc kháng chiến chống Mỹ trên vùng đất Nam bộ
như: Chiếc lược ngà, Ông năm hạng, Chị xã đội trưởng, Người đàn bà Tháp Mười,
Một chuyện vui, Bông cẩm thạch, Quán rượu người câm, Chị Nhung... Tất cả như hòa
quyện vào nhau tạo thành một bức tranh của cuộc kháng chiến ác liệt mang đậm màu sắc
sông nước.
Phần lớn, cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Nam bộ trong các truyện ngắn
của Nguyễn Quang Sáng đều gắn liền với môi trường sông nước. Trong đó, có các con
sông và chắc có lẽ con sông gặp nhiều sóng gió nhất trong cuộc chiến này là con sông
Cửu Long. Con sông này là nơi neo đậu và di chuyển xuyên suốt của tàu giặc “Chiều hôm
đó, tàu giặc cứ xình xịch lên xuống ngoài sông Cửu Long” [31; tr. 29], thậm chí con
sông còn là nơi diễn ra những cuộc bắn phá dữ dội “Một hôm giặc bố, tàu chiến của giặc
neo giữa sông Cửu Long, bắn phá vào làng. Tàu nhỏ chở quân chạy vào các con rạch”
[31; tr. 168].
Các con sông Nam bộ còn là nơi chứng kiến những tội ác của giặc Mỹ, mà đối
tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là con người. Trong tác phẩm Chị xã đội trưởng, hình ảnh
con sông dài hun hút lặng lẽ không một chiếc ghe xuồng đi lại chỉ vì “Từ một năm nay,
bọn Mỹ thường hay cho trực thăng bắn dọc theo sông. Ban ngày, xuồng ghe không dám
đi nữa. Nhà cửa hai bên bờ dời sâu vô đồng, dòng sông vắng lặng, chỉ có những giề lục
bình trôi lên, trôi xuống.” [31; tr. 82]. Đọc Chị Nhung, người đọc còn thấy hàng loạt
những hành động tàn ác của giặc, trong đó phải kể đến người bị hại là chị Hai Trâm: “Chị
là cơ sở mật của xã. Bọn địch phát hiện được trong nhà có cái hầm bí mật. Chúng bắt chị
75
tra hỏi, chị không khai. Nửa đêm, chúng đưa chị ra bờ sông, lũ khát máu ấy, chúng dùng
dao chém xả qua ót chị, rồi thả chị trôi sông” [31; tr. 229]. Bên cạnh đó, giặc còn có
những hành động man rợ đối với các anh chiến sĩ, trong đó là việc làm thật tàn ác của
chúng trên cái xác của cha Mì trong truyện ngắn Bông cẩm thạch. Bọn nó giết cha Mì
trong một đêm tối và cấm không cho ai được lấy xác rồi “neo cái xác dưới nước cho đến
lúc nổi lên, rồi lấy một tàn dừa cắm vào xác làm buồm kéo ra sông, cho cái xác trôi lên,
trôi xuống. Trong một đêm, người làng bơi xuồng ra sông vớt xác bị tàu của chúng đuổi
bắn, phải trở về. Suốt mấy ngày liền, ngày nào cô cũng ra bến nhìn theo cái tàu dừa quật
quờ trên giữa dòng sông.” [31; tr. 166]. Và bọn chúng cứ làm thế cho đến khi cái thi hài
ấy rã ra và chỉ còn cái tàu dừa khô héo được mọi người vớt lên đem đắp thành ngôi mộ.
Không những thế tội ác của giặc còn được miêu tả khá nhiều trong tác phẩm Quán
rượu người câm, trong đó có thể nhắc đến trường hợp của anh Ba Hoành. Anh bị giặc bắt
“vì cái tội đi đo đất tạm chia cho dân nghèo và bản thân anh được ba công” [31; tr.141].
Trong nhà tù anh chứng kiến nhiều hình thức tra tấn dã man như việc nhốt người vào cái
cống vừa chỉ ló cái đầu và hai cái chân mà bọn địch bảo: “tao sẽ nuôi mày như nuôi vịt
trong ống tre. Người sẽ tóp lại, đùi sẽ lớn ra” [31; tr.142]. Và đau lòng biết bao khi
chứng kiến cảnh cô bé gái mười sáu tuổi cắn lưỡi tự tử trước lời van xin nhận tội của tên
phản bội mà cô bé gọi bằng chú. Trong tù giặc có nhiều hành động tra tấn dã man làm cho
nhiều người hóa điên còn anh Ba Hoàng bị một tên địch dùng bù toong đập lên cổ, ngã
quỵ xuống, giẫy một lúc, miệng há ra, rồi ú ớ và không nói chuyện được. Đọc Quán rượu
người câm, ta còn bắt gặp những hàng loạt hành động của giặc diễn ra trên cái làng của
anh Ba Hoành. Theo lời kể của những người khách rượu bên bờ sông Cửu Long này thì
tội ác của giặc rất nhiều:“Chú Hai ở cuối xóm bị bắt, bị đi tù. Thằng xếp đến hiếp vợ
chú” [31; tr. 150] hay “Nhà chị Ba một người đàn bà góa, bị lính moi hầm, dưới hầm có
một anh kháng chiến cũ. Chị bị nhà cầm quyền buộc tội lấy Việt cộng” [31; tr. 150], hoặc
“Con Sáu có chồng đi tập kết. Bị bọn lính ép quá, chịu không nổi, nó cạo đầu rồi, định đi
tu” [31; tr. 151]. Hay chuyện “Nửa đêm một chiếc tàu sắp cặp bến. Bọn lính ùa lên nhà
một gia đình không có đàn ông, gí súng vào lưng đàn bà con nít, lùa xuống tàu, phóng
lửa đốt nhà, rồi chở đi, chẳng biết đi đâu.” [31; tr. 151]. Và ngày ngày mọi người ở cái
76
quán rượu bên bờ sông này còn lắng nghe và chứng kiến rất nhiều những hoàn cảnh đáng
thương nữa xung quanh những hành động tàn ác của giặc và tay sai.
Chính từ những đau thương đó mà dòng sông lặng lẽ ngày nào trong Quán rượu
người câm giờ đã ồ ạt tạo ra những đợt sóng ngầm cuồn cuộn, to lớn, mạnh mẽ làm nhấn
chìm tất cả đồn bót của giặc trong những ngày “Đồng khởi”. Những đợt sóng này từng
được tác giả Nguyễn Quang Sáng nói một cách ngụ ý: “Đừng thấy dòng sông lặng lẽ mà
bảo dòng sông không có sóng. Sóng đang nổi lên từ dưới đáy người ta gọi là sóng
ngầm” [31; tr. 153]. Trong tác phẩm Người đàn bà Tháp Mười, giặc Mỹ cũng có nhiều
hành động ảnh hưởng đến cuộc sống của con người vùng đất Tháp Mười: “Gần ba tháng
nay, bọn giặc Mỹ định tát dân làng này ra vùng quận Mỹ An, ngày nào nó cũng bắn phá,
bỏ bom đêm, bom dầu, nhiều nhất là trực thăng” [31; tr. 122]. Không chỉ dừng lại ở đó
“Bọn trực thăng một bầy, khi ba chiếc, năm chiếc, quay cánh phành phạch bay từ đầu
kinh đến cuối kinh, cứ con đường thẳng mà bắn, bắn những xuồng ghe đi lại trên kinh,
bắn rải xuống nhà và bắn vào các cụm vườn. Nó vừa bắt vừa phát loa kêu gọi, nó quay cả
đĩa hát, nà nhạc mới, nhạc cổ có đủ, có khi nó quay cả những cái băng con nít khóc óe
nữa. Nó làm đủ trò, nhưng chẳng ai bỏ làng đi” [31; tr. 123]. Những hành động của
chúng khiến cho mọi người dân nơi đây không thể nhẫn nhịn được đến người mẹ muốn
yên ổn, muốn làm ăn để nuôi sáu đứa con như chị Bảy cũng có bước chuyển quan trọng.
Nếu trước kia chị suy nghĩ là phải chăm lo cho sáu đứa con nên không có thời gian chiến
đấu. Vì vậy, mỗi khi nghe nhắc đến việc lãnh súng chị luôn phân vân. Và cho đến sau
này, khi được một lần cầm súng chiến đấu để bảo vệ cho các con, trong suy nghĩ và nhận
thức của chị có sự tiến bộ:“Thời đánh với Mỹ người mẹ muốn nuôi con phải có súng”
[31; tr. 140].
Trước những tội ác của kẻ thù xâm lược, con người Việt Nam nói chung và Nam
bộ nói riêng đã không ngần ngại đứng lên cầm súng kháng chiến đánh đuổi giặc ngoại
xâm. Tiếp nối theo truyền thống đánh giặc của các bậc tiền nhân đi trước như trận đánh
trên Sông Bạch Đằng đã từng vang dội trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của Ngô
Quyền, hay trận đốt tàu giặc của vị anh hùng nổi tiếng Nguyễn Trung Trực trên sông Nhật
Tảo đã được nhà thơ Huỳnh Mẫn Đạt viết nên hai câu thơ nổi tiếng:
77
“Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa
Kiếm bạt Kiên Giang khắp quỷ thần”
Các cô giao liên, các anh chiến sĩ của chúng ta thời kì chống Mỹ cũng có nhiều
thành tích bên các sông thuộc vùng đất Nam bộ. Trong đó còn có một chiến công thật
hiển hách mà ta phải kể đến đó là trường hợp của một anh hùng B.40 bắn được đến viên
đạn thứ chín. Sở dĩ nó được xem là chiến công vì súng B.40 “với sức khỏe bình thường
của con người, và theo sách vở đã dạy, mỗi chiến sĩ chỉ có thể bắn đến viên đạn thứ sáu
là nhiều nhất” [31; tr. 214] nhưng với lòng dũng cảm của quân đội ta thì anh chiến sĩ này
bắn vượt mức quy định. Đó là “trong trận đánh đoàn tàu giặc trên sông của tỉnh Long
Châu Sa, có một chiến sĩ đã bắn đến viên đạn thứ chín diệt chín ổ đề kháng của địch”
[31; tr. 214].
Địa hình sông nước còn được các chiến sĩ của chúng ta vận dụng làm nơi di
chuyển chính nhằm giảm tầm kiểm soát của địch. Cũng trên địa hình sông nước này, nhân
vật Thu trong tác phẩm Chiếc lược ngà đã rất thông minh khi đối phó với mưu kế phục
kích của giặc, đó là “Một hôm, cô dẫn một đoàn khách sắp sửa qua sông, cô để khách
dừng lại ngoài ruộng xa. Cô và một anh giao liên nữa tiến trước dọn đường. Đến vườn
cây bờ sông, cô thấy mình đã lọt vào ổ phục kích của địch.” [31; tr. 50]. Nhưng trước
hoàn cảnh đó, cô không bối rối chút nào và khéo léo cùng anh giao liên đưa đoàn khách
sang sông một cách an toàn và “trước khi qua sông cô còn gài lại hai trái lựu đạn” [31;
tr. 50] làm cho bọn biệt kích kia tưởng là vớ cả một đoàn khách không dám làm gì mà lại
bị dính lựu đạn của Thu đến chết mấy mạng. Qua cái thành tích đó của cô giao liên Thu
mà “Người ta thêm thắt rằng cô giao liên ấy có cái mũi rất thính, cô dùng mũi để nghe
mùi địch và có thể phân biệt được thằng nào là Mỹ, thằng nào là ngụy nữa” [31; tr. 51].
Và khi đưa đoàn khách trên sông, cô vẫn nghe được tiếng máy bay của Mỹ ở xa đang lẫn
trong tiếng máy đuôi tôm và cô nhanh chóng đưa mọi người tấp lại bờ tìm nơi ẩn nấp an
toàn. Chính nhờ sự thông minh, khéo léo của cô giao liên trẻ tuổi này mà nhiều đoàn
khách đã đến nơi an toàn sau nhiều lần bị địch phục kích.
Bên cạnh sự thông minh, khéo léo của cô nữ giao liên Thu trong Chiếc lược ngà
thì hình ảnh gan dạ dũng cảm của Mì trong Bông cẩm thạch cũng rất đặc biệt. Đã từ lâu
78
hình ảnh đáng thương của người cha Mì qua những tội ác của giặc đều hiện hữu trong kí
ức của cô. Nó đều là những khung cảnh trên sông nước như bức tranh lúc Mì còn “là một
đứa nhỏ trên tay của mẹ, mẹ đang ngồi trên hai cái đầu gồi của cha và người của cha mỗi
lúc mỗi lún sâu xuống bùn lầy, chung quanh là cánh đồng nước trải ra mênh mông” [31;
tr. 168]. Hay cái cảnh tượng đáng tội nghiệp mà Mì phải chứng kiến khi cô còn nhỏ. Chỉ
mới tám tuổi đầu, đáng lí ra Mì nhận được niềm vui vẻ, hạnh phúc bên gia đình với sự
yêu thương và chăm sóc của cha và mẹ. Nhưng đau lòng thay, trong hoàn cảnh của cuộc
chiến tranh khốc liệt, cha Mì bị giặc giết chết và đau lòng hơn là suốt mấy ngày liền Mì
đều ra bến sông để nhìn cái xác của cha cô bị giặc neo dưới nước rồi trôi lên trôi xuống
cho đến khi rã ra. Vì vậy mà lòng căm thù giặc trong Mì đã có từ lâu và cho đến lúc
trưởng thành, Mì đã ý thức được vai trò của một người công dân trong cuộc kháng chiến
giữ gìn nền độc lập dân tộc. Trên chiến trường Mì đạt được “danh hiệu dũng sĩ” trong một
trận đánh ở Vườn Lài “khi một cách quân địch dùng hơi độc chồm lên đánh vào gốc phố
cạnh bên cô, nghe tiếng súng nổ giòn rồi bỗng tắt, cô đoán biết. Cô lấy khăn tẩm nước,
bịt qua mũi, lao vào hơi độc, cầm lấy AK của đồng chí đã hi sinh, quét chết bảy tên, rồi
dùng pháo đánh dù đánh tan một đợt phản kích của mười hai tên thủy quân lục chiến –
Sau đó, cô nương theo đám khói của ngôi nhà bị phao bắn cháy, vượt qua tường dưới tầm
súng của giặc” [31; tr. 163]. Với phí phách dũng cảm, gan dạ của một cô giao liên trẻ
tuổi, Mì vẫn chiến đấu hết mình mặc dù không may bị thương vì đám khói của một trái
lựu đạn.
Do vùng Nam Bộ có trên 54000 km sông rạch nên môi trường sông nước đóng vai
trò phổ biến. Sông nước nơi đây không những đóng vai trò khá quan trọng trong sinh hoạt
đời sống của người Nam bộ mà còn cả trong cuộc chiến đấu chống giặc. Môi trường sông
nước có thể là nơi ẩn nấp, che chở của con người nơi đây thoát khỏi sự tra tấn của giặc.
Đó là trường hợp của anh Bảy Ngàn trong Một chuyện vui. Trong hoàn cảnh vô cùng cấp
bách, bị giặc phục kích và chưa suy nghĩ được kế gì mới, anh đành ngâm mình dưới nước
để tránh được súng đạn của giặc: “Y như cái máy tự động, súng vừa nổ thời tôi cũng vừa
trầm mình dưới nước rồi” [31; tr. 112]. Đến lần thứ hai, khi thấy cào cào đi tới, anh Bảy
cũng suy nghĩ đến cách trầm mình dưới nữa lần nữa “Nước cao hai thước, tôi trầm mình
79
dưới đáy, còn lâu hỏa tiễn mới đụng đến tôi. Nhưng trầm mình dưới nước thời bị động
quá ” [31; tr. 116].
Bên cạnh đó, thì trường hợp của chị Hai Trâm trong tác phẩm Chị Nhung, cũng
tương tự. Chị bị giặc dùng dao chém xả qua ót và thả trôi sông nhưng chị vẫn không chết
vì con dao không chém được qua mái tóc dài của chị. Nhờ đám lục bình trên sông, chị
nương theo nó trở về một cách an toàn và vẫn hoạt động cách mạng bình thường. Ngoài
đám lục bình trên sông thì loài thực vật hoang dã như đế cũng giúp đồng chí Ủy viên Mặt
trận dân tộc giải phóng tỉnh Long Châu Sa trong tác phẩm Chị xã đội trưởng ẩn nấp trong
suốt một thời gian dài hoạt động bí mật. Trong cụm đế già của vùng sông nước Nam bộ
này, còn là nơi diễn ra cuộc họp chính trị bí mật của quân dân ta: “buổi trưa, bọn chúng
tôi họp trong cụm đế già.” [31; tr. 95], và cũng là nơi chứng kiến những quyết định quan
trọng:“Ngoài việc trừ bọn gián điệp, bọn ác ôn, cuộc họp còn quyết định phải đánh lấy
cái đồn đầu vàm nữa” [31; tr. 95].
Môi trường nước trong các truyện ngắn của Nguyễn Quang Sáng còn là nơi diễn ra
nhiều cuộc chiến đấu quyết liệt giữa ta và địch. Trong Một chuyện vui, cuộc chiến đấu
giữa anh Bảy Ngàn với địch diễn ra khá sôi nổi giữa khung cảnh mà xung quanh chỉ toàn
là nước. Bị đoàn Tàu giặc tấn công bất ngờ, sau khi lấy chiếc xuồng của mình làm công
sự, anh Bảy bắt đầu vào cuộc chiến. Anh bắn vào đoàn tàu giặc mấy phát liền nên “Tiếng
súng dội xuống mặt nước, nổ bung bung, nghe thiệt đã” [31; tr. 114], đến khi anh thấy
tàu của giặc bị lủng anh phấn khởi hẳn lên và bắn thêm ba phát nữa, lúc đó anh “thấy
nước tạt lên, bọn nó hoảng, liền rồ máy, chạy tán” [31; tr. 114]. Sau đó, giặc lại quay lại,
rồ máy chạy xả lại chỗ anh Bảy, làm “Nước trước mũi Tàu nó xối ngược lên trắng dã”
[31; tr. 115] và giặc bắt đầu bắn dữ dội mà theo anh Bảy kể: “Đạn trước mắt tôi, xung
quanh tôi như tát nước” [31; tr. 115]. Cuộc chiến ngày càng gay go hơn khi “cào cào”
của giặc bay đến, nhưng với sự thông minh và hóm hỉnh của anh Bảy mà “Trái hỏa tiễn
tát nước không đụng đến tôi.” [31; tr. 118] và cả đến bốn trái hỏa tiễn của giặc anh đều
tránh khỏi và vẫn ung dung bên cây trâm bầu bị cháy để hút thuốc phà phà.
Trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, hình ảnh “nước” còn gắn liền với
bước ngoặc quan trọng của một đời người, đó là cái chết. Ba của Dung trong tác phẩm
80
Chị xã đội trưởng hy sinh ngay mùa nước: “Hồi kháng chiến chín năm, ba của Dung là
xã đội trưởng, hy sinh trong mùa nước năm năm mươi hai” [31; tr. 91]. Cha Mì, một
người chiến sĩ trong Bông cẩm thạch cũng bị giặc giết chết rồi đem cái xác neo ngay
dưới nước. Hay thằng con trai duy nhất của chú năm trong tác phẩm Ông năm hạng bị
chiến sĩ của ta bắn và té xuống nước chết vì làm Việt gian cho giặc:“Nhưng con ông vừa
về đến cầu Cây Dừa thì có người trong bụi nhảy ra, chĩa súng vào ngực con ông, rồi bắn
con ông lật nhào xuống nước.” [31; tr. 28].
Cũng như người dân đang sinh sống trên địa hình sông rạch này, các chiến sĩ của
chúng ta cũng đi lại trên những phương tiện đường thủy. Do muốn tránh sự kiểm soát của
giặc và tiết kiệm được nhiều thời gian nên trong cuộc kháng chiến này, các chiến sĩ vùng
sông nước Nam bộ chủ yếu đi bằng chiếc xuồng có gắn máy. Điển hình như trong tác
phẩm Chiếc lược ngà, đoàn chiến sĩ của chúng ta được cô giao liên chở trên chiếc xuồng
máy: “Cô khom lưng giật máy. Xuồng rung lên theo tiếng máy nổ giòn, từ từ tách ra khỏi
vòm cây rậm, rồi rào rào lướt tới” [31; tr. 52]. Và khi đi trên chiếc xuồng máy này, các
chiến sĩ của chúng ta cảm thấy thích thú vô cùng vì như được về lại với quê hương sông
nước, nơi có “gió thổi mát đến khắp cả người, mát đến từng chân tóc” [31; tr. 52]. Xuồng
trong cuộc kháng chiến này không chỉ là một phương tiện di chuyển hữu dụng mà nó còn
được sử dụng vào một mục đích khác. Nhân vật anh Bảy Ngàn trong Một chuyện vui
đang định đi thăm lưới trên chiếc xuồng của mình, nhưng thật không may anh bị rơi vào ổ
phục kích của giặc. Giữa khu rừng mênh mông là nước, cùng cây bá đỏ của mình anh đã
dùng chiếc xuồng làm công sự để bắn tàu của giặc:“Tôi nắm lấy be xuồng ấn xuống rồi
sấp gác nửa thân mình lên rồi lăn lên. Tôi lấy bá đỏ, chẻ culát, lên đạn rồi lấy cái xuồng
làm công sự.” [31; tr.114]. Cũng nhờ có chiếc xuồng mà anh đã giữ toàn được sinh mạng
của mình sau nhiều lần hụt chết vì bom đạn Mỹ và còn có cơ hội đem “một chuyện vui”
này kể cho nhiều người nghe.
Khác với quân đội của ta, quân đội của giặc Mỹ luôn trang bị cho mình những
phương tiện hiện đại, nếu quân ta chủ yếu di chuyển chiến đấu trên các phương tiện thô
sơ như ghe, xuồng và tân tiến hơn nữa là xuồng máy, quân đội Mỹ ngụy trong các truyện
ngắn của Nguyễn Quang Sáng chủ yếu di chuyển bằng các phương tiện hiện đại, trong đó
81
có rất nhiều như trực thăng và tàu chiến. Nguyễn Quang Sáng cũng miêu tả điều đó trong
tác phẩm Người bạn lính, “Một bên là quốc lộ, một bên là con sông. Trên quốc lộ là xe
tăng, là thiết giáp; dưới sông là tàu chiến, trên trời là trực thăng.” [32; tr. 388]. Thường
trên vùng sông nước Nam bộ, bọn chúng thường đi lại trên các con tàu lớn. Đọc tác phẩm
Bông cẩm thạch ta thấy được hình ảnh của những chiếc tàu chiến của giặc trong trận càn
đi qua làng của Mì“Một hôm giặc bố, tàu chiến của giặc neo giữa sông Cửu Long, bắn
phá vào làng. Tàu nhỏ chở quân chạy vào các con rạch.” [31 ; tr. 168].
Nhưng cho dù các phương tiện của Mỹ có hiện đại đến đâu đi nữa, quân đội ta vẫn.
không lùi bước trước kẻ thù. Đó là trường hợp của anh Bảy Ngàn trong tác phẩm Một
chuyện vui, sau khi nghe được tiếng máy chạy rền rền và thấy tàu của giặc chạy một dọc
tới chỗ mình “Nhìn kỹ, tôi thấy tàu chạy một dọc, không biết mấy chiếc đang chạy xả vô
đồng, chạy xấn lại chỗ tôi” [31; tr. 112] anh vẫn bình tĩnh tìm cách đối phó với bọn giặc,
một mình bên chiếc xuồng máy gàn với cây bá đỏ nhiều lúc anh nghĩ là bỏ chạy:“Tàu nó
chạy máy, xuồng mình cũng chạy máy, nhưng mà máy gàn làm sao chạy kịp!” [31 ; tr.
112], nhưng anh cũng làm cho chiếc tàu của giặc bị lủng “Nói cho có trời, chẳng biết có
trúng được thằng nào không, tôi không thấy nhưng biết chắc tàu của nó bị lủng.” [31; tr.
114] và khi nắm được cái tẩy của nó, anh Bảy bắn ba phát làm cho “Bọn nó hoảng, liền
rồ máy, chạy tán” [31; tr. 114]. Và can đảm anh hùng hơn nữa là nhân vật Tấn trong
truyện ngắn Người bạn lính. Đứng trước một vị trí khá bất lợi, xung quanh Tấn là các
phương tiện tối tân của giặc như: xe tăng, thiết giáp, tàu chiến, trực thăng, Tấn không
ngần ngại đeo B41 leo lên cây dừa và bắn hạ được trực thăng của giặc làm cho bọn chúng
phải hốt hoảng, sẵn bước tiến công đó, các chiến sĩ ta đồng loạt xông pha lên làm cho
“Tàu chiến bị trúng đạn phụt lửa, xe tăng bị B41 bốc cháy mềm như sáp.” [32; tr. 389].
Cũng trên chiếc tàu của Mỹ, quân đội ta cũng có khá nhiều thành tích vẻ vang “Như trong
trận đánh đoàn tàu giặc trên sông của tỉnh Long Châu Sa, có một chiến sĩ đã bắn đến
viên đạn thứ chín diệt chín ổ đề kháng của địch” [31; tr. 214].
Trong điều kiện chiến đấu vô cùng khó khăn, thiếu thốn rất nhiều về vật chất,
nhưng người dân Nam bộ vẫn cần cù sáng tạo ra những vũ khí đánh giặc hết sức đặc biệt.
Đó không phải là những vũ khí hiện đại như bom, lựu đạn, súng trường mà chính là
82
những “vũ khí” được chế tạo từ những gì gần gũi với cuộc sống của con người vùng sông
nước nơi đây. Chẳng hạn như trong Chị xã đội trưởng, anh em chiến sĩ chúng ta đã sáng
tạo ra “badôka” từ “thân đu đủ sơn bằng lọ chảo” [31; tr. 98] hay những cây súng từ bập
dừa nước “Nhoáng một cái, hơn ba chục anh em mang súng bập dừa từ trong hốc cây,
thét xung phong chạy xổ ra” [31; tr. 101]. Tuy không là những vũ khí tối tân hiện đại
nhưng với lòng gan dạ và dũng cảm của quân dân ta, thì những vũ khí đơn sơ này cũng đủ
làm giặc phải hoảng sợ và rút chạy tán loạn.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ khốc liệt, thiên nhiên sông nước Nam bộ không
chỉ gắn bó với đời sống sinh hoạt của con người Nam bộ mà còn đóng một vai trò không
nhỏ trong công cuộc đánh đuổi giặc ngoại xâm. Trong thời điểm không bình thường của
lịch sử dân tộc, sông nước Nam bộ không những là nơi chứng kiến biết bao tội ác của giặc
xâm lăng mà còn là nơi che chở, giúp đỡ quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống
Mỹ thắng lợi. Với lòng dũng cảm gan dạ cùng với sự tinh tế, sáng tạo của con người trong
môi trường sông nước nơi đây mà nhân dân chúng ta đã lập nên nhiều chiến công hiển
hách và góp phần rất lớn trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.
3.3 Sông nƣớc với nguồn thực phẩm vô giá của ngƣời nam bộ
Nam bộ có hai hệ thống sông khá lớn, đó là sông Đồng Nai và sông Cửu Long. Vì
vậy hằng năm nước từ thượng nguồn đổ về khá lớn và vận chuyển khoảng 100 triệu tấn
phù sa cho đồng bằng Nam bộ. Đó chính là thế mạnh giúp cho người dân nơi đây canh tác
nông nghiệp thuận lợi. Với nguồn nước tưới tiêu sẵn có và lượng phù sa màu mỡ này mà
đời sống của người nông dân ngày càng cải thiện hơn. So với các vùng miền khác thì
vùng Tây Nam Bộ (Đồng bằng sông Cửu Long) trở thành vựa lúa lớn nhất trong cả nước.
Không dừng lại ở đó, với địa hình cư trú có đến 54.000 km sông rạch. Con người
vùng đất Nam Bộ có những ưu thế riêng, đó là nguồn lợi thủy sản khá là phong phú vào
mùa nước nổi diễn ra hằng năm từ khoảng tháng 7 đến tháng 11 âm lịch. Cứ mỗi mùa
nước lên cao, mặc dù không ít lần phải đối phó với sự giận dữ của thiên nhiên, nhưng
mảnh đất nơi đây không vì thế mà mất đi vẻ đẹp vốn có của nó. Mùa nước nổi của vùng
sông nước Nam bộ mang trong mình vẻ đẹp đặc trưng rất riêng và nó không thể lẫn được
với bất cứ nơi nào. Sông nước dù cho dữ dội đến thế nào thì cũng mang về cho người dân
83
ở đây một cuộc sống no đủ. Đó là nguồn thu nhập lớn từ nguồn thủy sản. Vào thời điểm
này vô vàn tôm cá cứ theo mùa nước lũ từ biển hồ Campuchia đổ về miền sông nước Cửu
Long sinh sản và trưởng thành trong các kênh rạch, đầm phá. Nhờ vậy mà nguồn lợi từ
thủy sản ở vùng sông nước Nam bộ khá lớn. Nguồn thủy sản ở đây nhiều đến nổi mà con
người ở đây ăn không hết ngay và đem chế biến thành nhiều món ăn có thể sử dụng trong
một thời gian dài.
Tiếp thu những thành quả của cha ông đi trước cùng với sự tinh tế, sáng tạo, con
người Nam bộ ngày nay đã cho ra đời nhiều cách chế biến món ăn từ nguồn thực phẩm
sẵn có của vùng sông nước. Những món ăn này mang trong mình nhiều nét đặc trưng
riêng mà ta khó nhìn thấy ở các vùng miền khác. Trong đó, phải nhắc đến những món ăn
chế biến từ nguồn lợi thủy sản đặc biệt là cá. Cá ở đây được chế biến thành những món
khác nhau. Đầu tiên phải kể đến cá khô. Với phương pháp làm khá đơn giản là cá làm
sạch đem muối rồi phơi khô ngoài nắng cho đến khi cá khô lại rồi đem nướng hoặc chiên
là dùng được. Nhưng cá khô không mang vị mặn như bản thân nó vốn có mà lại mang
trong mình một vị ngọt của dòng sông trĩu nặng phù sa của những tấm lòng đang từng
ngày sinh sống và lao động không ngừng của vùng quê sông nước. Chỉ là món ăn dân dã
không cao sang nhưng cá khô lại tìm cho mình những vị thế riêng. Không chỉ dừng lại ở
một món ăn chơi thông thường mà khô vượt lên những món ăn xa xỉ khác để có mặt ở các
nước trên thế giới. Đối với con người Nam bộ, cái tình cái nghĩa của con khô là rất lớn,
trên các tiệc rượu nghĩa tình thì cá khô đóng vai trò khá quan trọng. Nhân vật Tấn trong
tác phẩm Người bạn lính khi gặp lại người bạn thân thiết của mình sau nhiều năm xa
cách, anh bày tỏ tình cảm của mình thật đơn giản nhưng không kém phần tình nghĩa. Đó
là buổi tiệc nhỏ có “rượu đế với khô sặt” [32; tr. 395]. Nhân vật Quang, người bạn của
Tấn tỏ ra hết sức thích thú đến ngạc nhiên “Khô sặt?” và thấy mình dâng trào nhiều cảm
xúc về những ngày tháng gắn bó với nơi mình đã sinh ra “Ôi, chẳng biết bao nhiêu năm
rồi tôi mới nghe lại cái mùi thơm của con khô quê hương” [32; tr. 396]. Chắc hẳn cái mùi
thơm của con khô quê hương sẽ kéo anh về với quê hương, với những kỉ niệm ngọt ngào
của chính anh với quê hương sông nước Nam bộ. Và cái tình nghĩa thân thiết trong hương
vị của con khô cũng thể hiện khá đậm nét trong buổi gặp gỡ của nhân vật Danh và Mạnh
trong tác phẩm Con ma da. Cuộc gặp mặt của họ là có hẹn trước, đáng lí ra Danh sẽ
84
chuẩn bị những món thật cao sang để thiết đãi anh bạn thân thiết từ thuở còn ở cùng kí túc
xá trường đại học. Nhưng trong suy nghĩ của Danh thì không thế, anh xem “một đĩa khô
sình, một đĩa xoài tượng xắt lát mỏng, một chai rượu đế [32; tr. 424] còn hơn những thứ
cao lương mỹ vị ở chốn phồn hoa đô hội như vùng đất Sài thành. Và Mạnh cũng vậy, một
người từng trải, từng đi đó đi đây thì anh vẫn đồng ý với suy nghĩ của Danh: “Đúng như
Danh nói, một miếng xoài tượng với một miếng khô sình bắt mình phải uống cả một ly,
và uống thật sâu” [32; tr. 425].
Người dân Nam bộ còn sử dụng cá chế biến thành một nguồn thực phẩm khá đặc
trưng. Đó là nước mắm, cá được để trong khạp ủ lâu ngày rồi nấu chung với muối và
nước. Trong văn hóa ăn uống của người Việt nói chung và Nam bộ thì nước mắm là
không thể thiếu, nó được sử dụng như một gia vị đặc biệt và phổ biến. Nước mắm có thể
sử dụng như là một loại nước chấm hoặc một loại gia vị như muối, đường, bột ngọt để
niêm niếm thức ăn. Do tính chất thiết yếu của nó mà trên ba lô của các chiến sĩ lúc nào
cũng có nó: “mỗi đứa đều có 2 cây thuốc Thăng Long cùng với đủ thứ cần dùng khác
trong ba lô và đeo bên hông, nào: đường, muối, bột ngọt, nước mắm khô, sữa bột...” [32;
tr. 459]. Phải nói một món ăn ngon thì cách kết hợp gia vị là một khâu không thể thiếu. Vì
vậy mà trong các món ăn nhất là món kho thì nước mắm ngon đóng một vai trò rất quan
trọng. Nhân vật dì ba trong tác phẩm Người dì tên Đợi có một bí quyết kho thịt rất ngon.
Đó là kho thịt từ nước mắm nhỉ, một loại nước mắm ngon, có độ đạm cao và rất thơm. Do
vậy quán của dì rất đông khách, ai ăn vào cũng phải ghiền. Nhân vật tôi trong truyện khi
“Nhớ tô cháo thơm mùi lá dứa với miếng thịt kho tiêu, tôi phát thèm” [32; tr. 468]. Nước
mắm không chỉ sử dụng kèm với thức ăn mặn mà có thể sử dụng chung với các loại bánh
như bánh xèo, bánh cống, bánh tằm. Trong tác phẩm Chị xã đội trưởng, nhân vật Dung
làm dĩa bánh tằm xe thật hấp dẫn: “Dung khoát nước rửa tay, xếp bánh tằm vào dĩa rưới
qua một gáo nước cốt dừa, chan một muỗng nước mắm” [31; tr. 93,94]
Bên cạnh đó, Nam bộ còn nổi tiếng với cách chế biến khá đặc trưng. Đó là cá đem
muối lâu ngày rồi trộn với thính đó là mắm. Cách chế biến này vừa có thể tận dụng nguồn
cá phong phú từ mùa nước nổi vừa có thể tạo ra món ăn sử dụng được lâu dài. Đây quả
thật là một sản phẩm của quá trình lao động sáng tạo của con người Nam bộ. Trong đó
85
phải kể đến vai trò nội trợ khéo léo của những người phụ nữ. Cũng như nhiều người phụ
nữ khác của Nam bộ, nhân vật chị Bảy trong tác phẩm Người đàn bà Tháp Mười thật sự
được mọi người nể phục vì sự đảm đang và khéo léo của chị. Sống trong hoàn cảnh khá
khắc nghiệt của lịch sử, chồng làm cán bộ tỉnh, một mình với sáu đứa con, chị Bảy làm
mọi việc. Ban đêm chị đánh cá đến ban ngày thì “chị làm cá đem muối, đem phơi, rang
gạo, xay thính, làm mắm” [31; tr. 124]. Do môi trường sông nước nhiều tôm cá nên các
loại mắm nơi đây phong phú hơn hẳn các vùng miền khác: mắm cá lóc, mắm cá sặc, mắm
cá linh, mắm tôm chua, mắm rươi, mắm còng, mắm ba khía, mắm ruốc, mắm nêm... Vượt
lên những món ăn khác, mắm đi vào lòng người Nam bộ với nhiều món ăn đặc sắc như:
mắm sống, mắm chưng, mắm kho, lẩu mắm, bún mắm,... Và đi vào kho tàng văn học
Nam bộ nói riêng và Việt Nam nói chung với câu ca dao khá quen thuộc:
“Muốn ăn bông súng mắm kho
Thì về Đồng Tháp ăn cho đã thèm”
Với địa hình kinh rạch chằng chịt này đã tạo cho vùng đất Nam bộ trở thành một
vùng đa sinh thái rất giàu thủy hải sản. Chính nhờ vào nguồn lợi thủy sản sẵn có này cùng
với những phương thức đánh bắt khá đơn giản và dễ dàng nên con người Nam bộ đã có
nguồn thực phẩm khá lớn. Vì vậy, thuỷ sản và các loại động thực vật sông nước là thức ăn
chủ lực của người Nam bộ. Qua các truyện ngắn của Nguyễn Quang sáng, ta thấy trên các
bữa ăn hàng ngày của người Nam bộ không thể thiếu các món có nguyên liệu từ vùng
sông nước như ốc bươu, cá, lươn, khô, mắm,... Xét chỉ riêng vùng sông nước Nam bộ, từ
cá người ta chế biến thành rất nhiều món ăn khác nhau theo hàng chục cách (luộc, kho,
chiên, nướng, hấp, nấu chua, nấu ngọt, nấu lẩu, làm gỏi, làm chả, làm khô, làm mắm…).
Từ sự sáng tạo đó, với nguồn thực phẩm sông nước này, người Nam bộ chế biến ra rất
nhiều các món ăn khác nhau. Cách chế biến món ăn là một khâu vô cùng quan trọng,
trong đó cách kết hợp các loại thực phẩm với nhau được xem là ẩm thực của người Nam
bộ. Chẳng hạn như cách kết hợp rau với món ăn như “ăn đọt xoài chấm mắm hay bông
điên điển làm nhưn bánh xèo” [32; tr. 387], cháo được nấu chung với lá dứa tạo nên
hương vị đặc trưng khiến người nào ăn xong phải luôn “Nhớ tô cháo mùi lá dứa, với
miếng thịt kho tiêu” [32; tr. 468] và khi nhớ phải phát thèm. Hoặc là cách kết hợp món ăn
86
với nước chấm như: ăn bánh tằm ngoài nước cốt dừa còn có nước mắm“xếp bánh tằm
vào dĩa rưới qua một gáo nước cốt dừa, chan một muỗng nước mắm” [31; tr. 93, 94].
Cách kết hợp các loại thực phẩm với nhau có thể là bài thuốc tốt cho sức khỏe giúp giải
độc. Nhân vật Tấn trong tác phẩm Người bạn lính có biệt danh là Tấn trọc vì lúc nhỏ cái
đầu của Tấn lúc nào cũng trọc lóc, đầy u nhọt. Và cái đầu của Tấn không còn trọc nữa
nhờ: “bài thuốc gia truyền: cháo lươn với đậu xanh, vừa mát vừa xổ chất độc” [32; tr.
387].
Trong cách ăn uống, người Nam bộ còn phân biệt theo từng đối tượng, trẻ em thì
ăn gì, người già ăn gì, người bệnh ăn gì hoặc cho phụ nữ vừa mới sinh thì ăn gì cho tốt
với sức khỏe. Người Nam bộ quan niệm người mới sinh phải ăn mặn và cay. Vì vậy ngoài
món canh thì trên khẩu phần ăn của phụ nữ mới sinh phải kèm theo món thịt hoặc cá kho
tiêu thật cay mà mặn. Biết được điều đó, sau khi vợ sanh thằng con trai, nhân vật Nam
trong tác phẩm Con mèo của Foujita cũng đi mua “con cá lóc để kho tiêu cho vợ” [32;
tr. 369]. Ngoài ra, người sông nước Nam bộ còn dùng nước mắm nhỉ để kho làm tăng
thêm mùi vị của món ăn như“Kho thịt bằng nước mắm nhỉ không thơm sao được” [32;
tr. 468]
Ẩm thực của người Nam bộ cũng theo truyền thống bảo đảm cân bằng âm dương
và theo quy luật ngũ hành tương sinh tương khắc của người Việt nói chung. Tuy nhiên, do
điều kiện địa lý đặc thù và giao lưu tiếp biến văn hoá, cơ cấu bữa ăn thông thường của
người Việt nơi đây chủ yếu là cơm kèm các loại rau, canh và các món ăn từ thủy sản sẵn
có như cá, tôm, cua, ốc,... Trên bữa cơm thường nhật của người Nam bộ thường có món
canh rau củ kèm theo một món mặn từ cá như cá chiên, cá kho,... Ở đây có một món canh
dễ đi vào lòng người đó là món canh chua. Món canh chua ở vùng nào cũng có nhưng
mỗi vùng lại có những đặc trưng riêng. Ở Nam bộ, canh chua được nấu với cá, chẳng hạn
như cá lóc, cá rô, cá linh, cá sặc cùng vơi khá nhiều loại rau và chất tạo chua như cơm mẻ,
giấm hoặc me. Nó tạo nên một sự hoài hòa về màu sắc như màu vàng của khóm, màu đỏ
của cà chua, màu trắng của giá, màu xanh của rau. Canh chua Nam bộ cũng có thể nấu
đơn giản mới một loại rau như bắp chuối, chuối cây hay bông súng, bông điên điển, mùa
nào thức ấy. Tất cả tạo nên một hương vị rất riêng trong bữa ăn của Nam bộ. Những
87
người con xa xứ từng sinh ra và lớn lên ở Nam bộ đã từng tâm sự rằng họ không thể nấu
một món canh chua đúng vị như ở Nam bộ cũng cùng với nguyên liệu và cách chế biến
giống như ở quê nhà. Vì vậy mà món canh chua Nam bộ đã tạo nên cái tình của chính
vùng đất mình. Bên cạnh món canh chua thì món cá kho cũng đóng vai trò rất đặc trưng.
Trên bữa cơm có canh chua với cá kho là sự kết hợp khá tuyệt vời của ẩm thực Nam bộ,
với hai món ăn này sẽ làm người ta ăn hoài mà vẫn cảm thấy ngon. Bữa cơm gia đình của
nhà chị Bảy với canh chua, cá kho cũng đủ làm các con chị thấy vui vẻ và hạnh phúc sau
những phút giây chờ đợi: “Bữa cơm chiều hôm nay có canh chua, cá rô, cá trê kho khô,
bọn nhỏ ăn rất ngon” [31; tr. 128]. Chỉ là những món ăn dân dã, giản dị nhưng cũng đủ
làm người ăn thấy hạnh phúc.
Với nguồn lợi từ thủy sản, nhất là các loại cá, nên người Nam bộ hay hình dung
những gì xung quanh mình giống như cá. Chẳng hạn như so sánh chiếc trực thăng của
giặc hình con cá lẹp“Chiếc trực thăng hình con cá lẹp, như con diều hâu sắt vừa quay
cánh vừa sà thấp xuống, chưa kịp phóng rốc két thì bùng lên thành một đám cháy.” [32;
tr. 388]. Người Nam bộ nhớ tới chiếc xương cá khi nhìn thấy tàu lá của cây dừa:“tàu lá
chỉ còn những cọng khô như những chiếc xương cá khổng lồ treo lủng lẳng, đọt non vừa
mới đâm lên, xa trông như một rừng gươm” [31; tr. 76]. Bên cạnh đó, con người sông
nước Nam bộ còn so sánh những bộ phận của con người với cá, chẳng hạn như miêu tả
nhân vật ông năm Hạng lúc uống rượu“uống xong, một lúc sau đôi mắt ông đỏ ngầu như
mắt cá chày” [31; tr. 33].
Người sông nước Nam bộ còn so sánh mắt người là mắt ếch, nó thể hiện thái độ
khinh miệt, không tôn trọng như:“Cái thằng đồn trưởng đó nó giương hai đôi mắt ếch mà
nhìn chị” [31; tr. 80]
Ngoài ra, con người Nam bộ còn miêu tả những hoạt động thường nhật của con
người gắn với những gì họ quan sát được từ các loài động vật chung quanh họ. Chẳng hạn
như với rắn họ so sánh với những đường ngoằn ngoèo như:“anh lại đạp xe chạy, chạy
ngoằn ngoèo như con rắn” [31; tr. 115], “bay ngoằn ngoèo như con rắn” [31; tr. 123].
Điều này cũng dễ dàng lí giải, vì so với các loài động vật khác thì rắn không có chân, trên
88
mặt đất rắn di chuyển bằng cách bò vì do kích thước khá dài nên thân hình của rắn thường
cong ngoằn ngoèo để cho việc di chuyển được dễ dàng hơn.
Trong kho tàng văn học Việt Nam nói chung và trong ca dao nói riêng đều dùng
hình ảnh con cò để so sánh với hình ảnh cơ cực của người nông dân, họ phải một nắng hai
sương làm lụng vất vả trên những cánh đồng. Nhưng với con người sông nước Nam bộ lại
có suy nghĩ hết sức giản dị về hình ảnh con cò. Với hình dáng bên ngoài khá cao so với
loài khác nên người Nam bộ thường hay so sánh những người cao, ốm bằng câu nói quen
thuộc: “ốm như cò ma”. Sở dĩ người ta so sánh người ốm như cò vì cò rất cao nhưng thân
hình nó không cân đối vì có cao chỉ có cái cổ với đôi chân. Vì vậy, người ta còn so sánh
những người có chân cao như cò. Theo cách so sánh đó, tác giả Nguyễn Quang Sáng cũng
miêu tả về nhân vật Kì khi đánh bóng bàn:“Nó không thể thu mình cho nhỏ lại, nó đành
phải đi lom khom, cái đầu gáo dừa của nó cuối xuống, đưa về phía trước, còn hai cặp
giò, nó không thể rùng xuống được, nó lêu nghêu như con cò” [32 ; tr. 318]. Cò là một
loài chim thường xuất hiện nhiều trên các cánh đồng lúa bao la, nên người Nam Bộ khi
thường sử dụng hình ảnh cò để nói về sự giàu có, trù phú về đất đai:“ruộng đất cò bay
thẳng cánh” [32; tr. 438].
Ở Nam Bộ có rất nhiều cua với ốc, so với tôm cá thì hai loại này không có giá trị
kinh tế bằng. Nên khi nói về cảnh cơ cực của người nghèo khổ, người nông dân Nam Bộ
thường dùng hình ảnh cua và ốc:“Nghèo thì mò cua bắt ốc!” [32; tr. 326].
Với địa hình lắm kênh nhiều rạch, vùng đất Nam bộ được nhiều người biết đến
không chỉ ở những vườn cây trái sum sê trĩu quả, những cánh đồng lúa bao la bát ngát mà
còn là những nguồn thực phẩm sông nước hết sức đa dạng và phong phú. Từ những
nguồn lợi sẵn có, cùng những phương thức đánh bắt khá là dễ dàng mà người dân nơi đây
đã sáng tạo ra nhiều món ăn hết sức riêng biệt thể hiện được nét văn hóa ẩm thực đặc
trưng cho vùng sông nước Nam bộ. Bên cạnh đó, với những nguồn lợi này con người
vùng sông nước nơi đây cũng có những tri nhận hết sức độc đáo về môi trường sống xung
quanh họ. Tất cả tạo nên một nét văn hóa riêng biệt của con người Nam bộ, đó là nét văn
hóa đặc trưng mang đậm màu sắc sông nước.
89
PHẦN KẾT LUẬN
90
Là một nhà văn đậm chất Nam bộ, với tính gần gũi, giản dị, thẳng thắng, Nguyễn
Quang Sáng đã bộc bạch ngay trong buổi mừng thọ 80 tuổi của mình: “Làm công chức
tới tuổi thì phải nghỉ hưu, nhưng làm nhà văn thì không bao giờ ngừng nghỉ” [47]. Chính
vì vậy mà ông đã không ngừng tìm hiểu và nghiên cứu cho ra đời hàng loạt những trang
viết về chính vùng đất quê hương mình. Đó chính là vùng quê Nam bộ nơi có những dòng
sông ngọt ngào trĩu nặng phù sa. Nhờ vậy, mà từ lâu yếu tố sông nước đóng một vai trò
vô cùng quan trọng trong việc hình thành nên tính cách, lối sống, quan niệm, tập quán,...
của con người quê hương Nam bộ. Cho nên trong vốn từ vựng của Nam bộ thì sự góp mặt
của những từ ngữ liên quan đến sông nước là một lẽ tất yếu.
Từ vựng sông nước Nam bộ chỉ là một bộ phận rất nhỏ trong vốn từ phương ngữ
Nam bộ, cũng như là vốn từ toàn dân. Nó góp phần làm nên diện mạo ngôn ngữ địa
phương. Nghiên cứu toàn bộ hệ thống từ ngữ Nam bộ trong một số truyện ngắn của
Nguyễn Quáng Sáng từ góc độ từ vựng – ngữ nghĩa, tri nhận luận có thể góp phần chỉ ra
nét đặc thù trong văn hóa nhận thức cũng như là văn hóa trong sinh hoạt vật chất và tinh
thần của con người vùng sông nước Nam bộ.
Trên cơ sở thống kê trường từ vựng sông nước Nam bộ trong một số truyện ngắn
của Nguyễn Quang Sáng, luận văn này đã giải thích ngữ nghĩa của các từ vựng đã được
khảo sát đặt trong ngữ cảnh cụ thể, đồng thời khảo sát phương thức cấu tạo cùng với
nguồn gốc và phạm vi sử dụng của chúng. Từ đó phân tích nội dung phản ánh nổi bật của
trường từ vựng sông nước Nam bộ trong sự tác động giữa con người với thiên nhiên sông
nước. Trong nội dung phản ánh này, ta không chỉ hiểu sâu sắc hơn các tầng bậc ý nghĩa
của ngôn ngữ mà còn hiểu hơn về đời sống sinh hoạt, chiến đấu của con người Nam bộ
cũng như là những lợi thế đặc trưng mà sông nước đã mang lại cho họ. Kết quả nghiên
cứu của đề tài góp thêm cứ liệu chứng minh nét văn hóa đặc trưng mang đậm màu sắc
sông nước của con người vùng cực nam của tổ quốc.
91
PHỤ LỤC
Stt
Nhóm
Từ vựng
Ngữ cảnh
sông nƣớc
1
Nhóm từ
chỉ địa hình
sông nước
Số lƣợng
xuất hiện
Ao
“Đất rơi tòm xuống ao cá” [31; tr.22]
1
Bến
“Rồi neo lại, cho sà lan cặp vào bến chợ,
và đổ bộ” [31; tr. 29]
29
“Hôm đó, tôi đi từ trạm N.G. đến L.A. Khi
chiếc xuồng máy đuôi tôm vừa xô ra bến
thì chúng tôi ai cũng muốn biết người lái
ấy là ai” [31; tr. 49]
“Xuồng vào bến, thấy một đứa bé độ tám
tuổi tóc cắt ngang vai, mặc quần đen, áo
bông đỏ đang chơi nhà chòi dưới bóng
cây xoài trước sân nhà, đoán biết là con,
không thể chờ xuồng cặp lại bến, anh
nhún chân nhảy thót lên, xô chiếc xuồng
tạt ra, khiến tôi bị chới với” [31; tr. 53]
“Xuống bến, nó nhảy xuống xuồng, mở lòi
tói cố làm cho dây lòi tói khua rổn rảng,
khua thật to, rồi lấy dầm bơi qua sông”
[31; tr. 57]
“Xuồng cặp lại bến, chị xã đội kéo miếng
vải dù bông quấn qua cổ, mang cây
cacbin qua vai, nhìn vào nhà, cúi chào
chúng tôi. Không để chị bước lên nhà, cô
giao liên cầm lấy cây bá đỏ, bảo chúng tôi
cùng xuống bến.” [31; tr. 82]
92
“Mày chỉ có tài phá tao. Thôi tao về đây.
– Chị vừa nói vừa xô xuồng ra. Nhưng
nghĩ thế nào chị lại cầm chèo quạt ngược
lại cho xuồng cặp vào bến” [31; tr. 84]
“Nửa đêm một chiếc tàu sắp cặp bến”
[31; tr. 151]
“Những cuộc biểu tình ấy, nếu đi xuồng đi
ghe máy đuôi tôm hoặc đi tài thì qua bến
chủ quán rượu. Cái bến của quán rượu
người câm lúc nào cũng nổi sóng” [31; tr.
154]
“Dưới bến, chẳng có một chiếc xuồng,
ghe nào qua lại.” [31; tr. 157]
“Suốt mấy ngày liền, ngày nào cô cũng ra
bến nhìn theo cái tàu dừa quật quờ trên
giữa dòng sông” [31; tr. 166]
“Từ đó, mà mỗi người mới nhớ lại cái sân
nhà, gốc mít, cây xoài, bến nước với dòng
sông.” [31; tr. 200]
“Chúng tôi phải đi men theo dòng suối,
mong tìm lại cái bến cũ khi chưa đào
được giếng.
Men theo bờ suối, đi mãi, gần đến xế
chiều mà cũng chưa tìm ra bến. Nó bom
cũng dài ra theo con suối. Cái bến cũ
đang nằm sâu dưới hố bom cũng nên”.
[31 ; tr. 210]
“Nhờ thằng Nam, thằng Nam, nhờ cái
tiếng gà trong mơ mà chúng tôi dừng lại
đúng cái bến của con suối.” [31; tr. 211]
“Chờ khi trời sẩm tối, xuồng của chúng
93
tôi mới tách bến và rặng lá hai bên bờ
sông Vàm Cỏ Đông như cũng chờ đến lúc
trời tắt nắng mới rì rào chuyển động,
khiến cho ta có cảm tưởng như gió chiều
không phải từ xa thổi tới mà dậy lên từ
trong những ngọn lá lao xao.” [31; tr.
213]
“Để cho tôi tìm cái bến vô đã.” [31; tr.
234]
“Tôi cho xuồng rẽ vào một bến nhỏ, mũi
xuồng vừa cỡi lên bãi đất lài, anh bước
lên bờ, bảo tôi :
- Ở đây chờ tôi nhé ! Tôi sẽ gọi cháu
xuống. Cô ấy kể cho anh nghe rõ hơn.”
[31; tr. 235]
“Cái thú vui của lũ nhỏ chúng tôi là nhìn
sóng và lúc tắm thì được nhồi sóng mỗi
khi có một con tàu chạy qua bến” [32; tr.
297]
“Ông như người trể đò. Đò xô ra bến ông
mới gọi” [32; tr. 332]
“Tao nhờ một nhân viên của ông ta đóng
thùng, rồi nhờ cả người của ông ta áp tải
bằng tàu biển vào tận bến.” [32; tr. 367]
“Vừa mới gặp mặt, mình đã nghĩ ngay:
đây đúng là cái bến của mình, cái bến của
một tay chèo đường dài quá mỏi mệt.”
[32; tr. 400]
“Đám trẻ nhỏ đủ lứa tuổi đang nô đùa
trên bến sông thật vui.” [32; tr. 421]
“Gánh chúng tôi nhổ neo, rời bến...” [32;
94
tr. 441]
“Dì bán cho hành khách trên tàu từ Nam
Vang – Sài Gòn cặp lại bến.” [32; tr. 464]
“Khách lần lượt rời ghế ra về, chỉ còn hai
cha con tôi.
- Khuya rồi, chưa dọn sao ba? Cha tôi
hỏi.
-Em còn đợi, em đợi tàu Nam Vang cặp
bến”.[32; tr. 466]
Bờ
“Cháu nhảy xuống, lặn một hơi qua bờ”
[31; tr.40]
“Sóng trước mũi xuồng trào lên kéo thành
những đợt sóng dài, làm run rẩy đám cỏ
hai bên bờ, vỗ bập bềnh các giề lục bình
và các đám nghể mọc hoang.” [31; tr. 66]
“Trong lúc cô nói, anh em khách đã vọt
lên bờ hết rồi. Tôi là người cuối cùng.”
[31; tr. 67]
“Nhà cửa hai bên bờ dời sâu vô đồng,
dòng sông vắng lặng, chỉ có những giề lục
bình trôi lên, trôi xuống.” [31; tr. 82]
“Chị cầm nọc cấy đánh phập xuống bờ
công sự.” [31; tr. 137]
“Xuồng ghe tấp vào bờ. Sóng vẳng rì rầm,
buồn và mênh mông.” [31; tr.150]
“Vừa đến bờ ruộng, Mì ôm mặt cố nén
tiếng khóc nhưng mái tóc cứ rung lên”
[31; tr.171]
“Chúng tôi phải đi men theo dòng suối,
mong tìm lại cái bến cũ khi chưa đào được
95
13
giếng.
Men theo bờ suối, đi mãi, gần đến xế
chiều mà cũng chưa tìm ra bến. Nó bom
cũng dài ra theo con suối. Cái bến cũ
đang nằm sâu dưới hố bom cũng nên”.
[31; tr. 210]
“Chờ khi trời sẩm tối, xuồng của chúng
tôi mới tách bến và rặng lá hai bên bờ
Vàm Cỏ Đông như cũng chờ đến lúc trời
tắt nắng mới rì rào chuyển động, khiến
cho ta có cảm tưởng như gió chiều không
phải từ xa thổi tới mà dậy lên từ trong
những ngọn lá lao xao.” [31; tr. 213]
“Dòng sông không cuồn cuộn và chảy xiết
nữa, nước theo bóng đêm và ngọn gió đã
lên đầy. Dòng sông trở nên mênh mang
lấp lánh ánh sao, gợn lên từng đợt sóng
nhẹ ộp oạp vỗ vào bờ.” [31; tr. 215]
“Tôi cho xuồng rẽ vào một bến nhỏ, mũi
xuồng vừa cỡi lên bãi đất lài, anh bước
lên bờ, bảo tôi :
- Ở đây chờ tôi nhé ! Tôi sẽ gọi cháu
xuống. Cô ấy kể cho anh nghe rõ hơn.”
[31; tr. 235]
“Anh em cất cho tao một ngôi nhà lợp lá
trung quân, dưới bóng cây cầy, bên bờ
suối, thật thơ mộng.” [32; tr. 401]
“Hàng trăm tín đồ với sắc phục vàng
hươm, kiếm loang loáng trong ánh đuốc
đỏ rực dưới trời đêm, bên con sông không
bao giờ mệt mỏi, vừa trôi, vừa vỗ sóng
dập bờ.” [32; tr. 412]
96
Bờ kinh
“Lần này bọn nó không nằm phục trong
4
đám vườn dọc bờ kinh, nó chồm ra ngoài
ruộng” [31; tr. 69]
“Làng này cũng như bao nhiêu làng khác
của Tháp Mười, nhà cửa đều nằm dọc
theo hai bờ kinh” [31; tr. 122]
“Ngôi nhà lớn ở bờ kinh, chị dở đi và cất
thành hai cái nhà nhỏ” [31; tr. 125]
“Chị và Lành bước vào rặng cây trâm bầu
dẫn vào khu vườn bên bờ kinh thì trời vừa
đâm mây ngang, và từ xa có tiếng cánh
quạt phành phạch của trực thăng” [31; tr.
135]
“Rạng sáng ngày mùng 9 trời vừa hừng
sáng, cò Laffont, quận trưởng Nguyễn Văn
Đề, thơ ký Phan Văn Thông cùng với hai
tiểu đội lính vũ trang súng trường, xếp
hàng theo một bờ kinh Vĩnh An tiến vào
đường chùa.” [32; tr. 413]
Bờ mẫu
“Quá nửa đêm, đoàn thuyền lên đi bộ Chúng tôi đi men theo bờ mẫu, băng qua
cánh đồng, bờ mẫu chỗ bùn lầy, chỗ lồi
lõm, chỗ nhầy nhụa, chúng tôi đi sát vào
nhau và hầu như thay phiên nhau trượt té
vậy” [31; tr. 69]
“Đạn đan thành lưới rít qua đầu chúng
tôi, rơi “chéo chéo” trên mặt ruộng, khiến
chúng tôi phải nằm dán người vào bờ
mẫu không sao ngóc đầu lên được.” [31;
tr. 70]
“Cháu dừng lại trên bờ mẫu, những đợt
97
6
sóng lúa xanh nhỏ nối nhau rập rờn như
chạy đến vỗ về cháu.” [31; tr. 76]
“Số người còn nhởn nhơ ngoài đồng thì
xuống các công sự, các số cá nhân đào
dọc theo bờ mẫu và rải rác trên các cánh
đồng” [31; tr. 135]
“Súng từ phía dưới đất, từ các cụm vườn,
các lùm cây, các bờ mẫu và khắp nơi trên
cánh đồng liền bắn trả lại.” [31; tr. 136]
Bờ sông
“Đến vườn cây bờ sông, cô thấy mình đã
lọt vào ổ phục kích của địch” [31; tr. 50]
7
“Gần đến bờ sông, giao liên cho chúng
tôi dừng lại, phái trinh sát đi bám đường”
[31; tr. 69]
“Quán rượu anh cất cạnh bờ sông” [31;
tr. 147]
“Nửa đêm, chúng đưa chị ra bờ sông, lũ
khát máu ấy, chúng dùng dao chém xả qua
ót chị, rồi thả chị trôi theo sông.” [31; tr.
229]
“Rồi đêm đêm, như một thời xa xưa nào
được dựng lại bên bờ sông đất Tân Châu”
[32; tr. 412]
“Tôi về thăm thằng Danh. Nhà Danh bên
bờ sông Hậu [32; tr. 421]
“Tôi thấy dì thắp nhan khấn vái trước cái
miếu nhỏ bên gốc cây dừa buông rể lòng
thòng bên bờ sông” [32; tr. 468]
Cù lao
“Tôi sinh ra trên một cù lao giữa sông
Tiền. Nói là cù lao nổi lên giữa con sông
98
9
nhưng cũng lớn lắm – Cù lao có đến ba
làng: Mỹ Tân, Mỹ Phú, Mỹ Hòa.” [32; tr.
297]
“Cù lao của tôi chỉ thua nơi khác là
không có xe hơi, nhưng có xe ngựa, xuồng
ghe thì không đâu bằng - Tàu không có,
nhưng ngày nào lũ nhỏ cù lao cũng thấy
tàu chạy lên chạy xuống.” [32; tr. 297]
“Cái mà dân cù lao thiếu thốn nhất là
không được xem hát.” [32; tr. 297]
“Có lẽ vì cái cù lao của tôi không có gánh
hát mà người ta chê nó bằng hai câu ca
dao:
Mỹ Tân, Mỹ Phú, Mỹ Hòa
Ba làng nhập lại chẳng ra làng nào”
[32; tr. 297]
“Gánh đó về vì nể thương chú tôi, chớ ai
về cái đất cù lao, lúc nào cũng sóng gió”
[32; tr. 298]
“Khi gánh hát về, nước bốn bề cù lao nổi
sóng vui theo” [32; tr. 298]
Đầu vàm
“Té ra nó không nhận ba nó vì là cái vết
thẹo, và bà nó cho biết, ba nó đi đánh Tây
bị Tây bắn bị thương - bà nhắc lại tội ác
mấy thằng Tây ở đồn đầu vàm cho nó
nhớ” [31; tr. 60]
“Ngoại trừ bọn gián điệp, bọn ác ôn, cuộc
họp còn quyết định đánh lấy cả cái đồn
đầu vàm nữa.” [31; tr. 95]
“Nhưng không phải về phép mà về với
99
3
đơn vị đẻ đánh lấy cái đồn ở đầu vàm.”
[31; tr. 102]
Đồng bằng
“Muốn mua một con gà phải xuống tận
đồng bằng đường sá xa xôi biết bao” [31;
tr. 200]
4
“Chúng tôi cứ vây lấy con gà của đồng
bằng, người thì đưa tay bợ lấy cái lườn
của nó nâng lên nâng xuống, người thì
vuốt nó từ đầu đến đuôi, lông nó mềm
mướt mượt, nghe êm, nghe mát cả bàn
tay.” [31; tr. 200]
“Ôi chao ôi, cái ngày mẹ nó xuống ở vui
thiệt là vui hơn cả cái ngày nó ở đồng
bằng mới về.” [31; tr. 203]
“Từ con gà mái to vàng của đồng bằng
đưa về, cơ quan tôi đã có ba bầy gà giò
với sáu con mái đẻ.” [31; tr. 205]
Kênh
“Lần thứ hai, mấy tháng sau, tôi gặp lại
dì trên con kênh đổ vào Đồng Tháp trong
1
xóm tôi đóng quân” [32; tr. 468]
Kinh
“Xuồng bắt đầu vào một quãng kinh
trống, hai bên bờ không có một ngôi nhà,
xa xa một chòm tre, một lùm cây, hai bên
là cánh đồng hoang” [31; tr. 66]
“Đám trực thăng Mỹ từ đầu kinh soi lần
lần tới, tiếng động cơ của nó rầm rộ như
hàng chục chiếc tàu thủy đang chạy” [31;
tr. 67]
“Bên ngoài trời đã nhá nhem. Ngoài
đường kinh lác đác có một vài người qua,
có tiếng cười, tiếng gọi nhau í ới.” [32; tr.
100
13
122]
“Hai bên kinh sau những cụm vườn là
cánh đồng, cách đồng trải dài ra đến rặng
cây mờ mờ bên kia làng.” [31; tr. 123]
“Bọn trực thăng một bầy, khi ba chiếc,
năm chiếc, quay cánh phành phạch bay từ
đầu kinh đến cuối kinh, cứ con đường
thẳng mà bắn, bắn những xuồng ghe đi lại
trên kinh, bắn rải xuống nhà và bắn vào
các cụm vườn.”[31; tr. 123]
“Để chống lại trực thăng, dân làng tạm
bỏ con kinh dời cả nhà vào đồng sâu”
[31; tr. 123]
“Ngoài kinh có tiếng gọi vọng vào” [31;
tr. 129]
“Trời đã mờ tối. Ra đến đường kinh,
Lành đi trước, chị đi sau” [31; tr. 133]
“Mãi đến đầu năm 1954, tình cờ tôi nghe
nói cơ quan nó cùng ở trên một con kinh
với tôi” [31; tr. 192]
“Tôi với nó là bạn lâu đời. Năm 1948, sau
ba năm kháng chiến chống Pháp, hai đứa
gặp nhau trong một ngôi trường nằm ở mé
rừng U Minh, bên những con kinh nước
ngầu đỏ: trường bổ túc văn hóa dành cho
thanh thiếu niên từng tham gia kháng
chiến.” [31; tr. 358]
“Sau 14 năm hành đạo (1925 – 1939) ông
có trên 10.000 tín đồ sống rải rác trên
khắp cả đất Tân Châu, từ sông lớn đến
kinh rạch qua các đồng sâu.” [31; tr. 411]
101
Mương
“Trong một công sự được làm vội vàng –
2
một đống gạch vụn, chạy dài theo một
đường mương nước, cạnh ngôi nhà đang
cháy, lửa bốc cao ngọn và phát ra những
tiếng nổ lớn như tiếng pháo, ba anh chiến
sĩ trán lấm tấm mồ hôi, mặt đỏ bừng, bụi
ngói rắc đỏ trên mái tóc, bám đầy quần
áo, ba anh đang ghìm súng kiềm chế một ổ
súng của bọn giặc ở bên kia đường bỗng
chợt thấy một người đàn bà, chẳng biết từ
đâu đến, trong một cụm khói đặc lao qua”
[31; tr. 182]
“Đơn vị nó hơn một trăm tay súng nằm
trong cụm vườn thưa, lấy mương nước,
gốc cây làm công sự.” [32; tr. 388]
Nước
“Nhưng con ông vừa về đến cầu Cây Dừa
thì có người trong bụi nhảy ra, chĩa súng
vào ngực con ông, rồi bắn con ông lật
nhào xuống nước.” [31; tr. 28]
“Giữa Tháp Mười mà xung quanh nước
đã lên đầy, nói cho đúng đây là cái trạm
của đường dây giao thông, nhà nhỏ nhưng
người lại đông” [31; tr. 48]
“Khi cơn gió thổi qua, mặt nước trở lại
yên lặng, ông mới ngẩng lên và nói. Ông
nói với chúng tôi mà như nói với cả trời
nước vậy, ông không nhìn vào chúng tôi
mà nhìn ra biển nước, chân trời và các vì
sao.” [31; tr. 49]
“Qua những lần tố cộng, qua những trận
càn, những trận dồn dân của bọn Mỹ,
102
63
không còn mấy năm mà làng nước tan tác
đi nhiều lắm.” [31; tr. 64]
“Phút chốc tôi lại muốn lao xuống nước.
Nhưng tôi kịp trấn tĩnh” [31; tr. 68]
“Làng nước đâu có còn như xưa nữa”
[31; tr. 71]
“Nước đang dâng cao, nước lé đé dưới
sàn nhà. Anh cho xuồng lao thẳng vào
sân. Xuồng lao nhanh quá, anh không kịp
rà lại, mũi xuồng đụng vào sàn nhà đánh
“cốp” một tiếng” [31; tr. 88].
“Anh quay lái xuồng cặp sát cây ô môi mà
nước đã ngập đến nửa thân cây, cành lá
là đà dưới mặt nước, anh buột dây vào
một cành to để chiếc xuồng lửng lơ ngoài
trăng” [31; tr. 89]
“Hồi kháng chiến chín năm, ba của Dung
là xã đội trưởng, hy sinh trong mùa nước
năm năm mươi hai” [31; tr. 91]
“Một hôm cũng đang mùa nước nổi như
thế này, Dung đâm xuồng vào sát tận nhà
tôi.” [31; tr. 92]
“Nói xong Dung khoát nước rửa tay, xếp
bánh tằm vào dĩa rưới qua một gáo nước
cốt dừa, chan một muỗng nước mắm đưa
cho tôi” [31; tr. 93]
“Trận lụt chưa rút. Nước vẫn mênh mông.
Trời trăng sáng. Đúng là cảnh trăng nước
của Tháp Mười.” [31; tr. 110]
“Nhìn lại tôi thấy nước lả ra, trắng xóa”
[31; tr. 111]
103
“Tôi hoảng quá. Tôi liền nhận xuồng, tôi
lấy bao thuốc để vô túi, lấy kim tây gài lại
cẩn thận, tôi mới nhảy xuống nước” [31;
tr. 112]
“Trận lụt năm nay thật ghê gớm, cánh
đồng của chúng tôi ít nhất cũng hai thước
nước” [31; tr. 112]
“Lúc đó, sức mạnh chẳng biết ở đâu mà
có, xuồng tôi lao vun vút như mũi tên bắn.
Nước trước mũi xuồng tôi cũng lả ra bọt
trào lên trắng xóa” [31; tr. 112]
“Y như cái máy tự động, súng vừa nổ thời
tôi cũng vừa trầm mình dưới nước rồi”
[31; tr. 112]
“Tôi thấy nước trước mũi tàu nó cứ dựng
đứng lên.” [31; tr. 113]
“Tiếng súng dội xuống mặt nước, nổ bung
bung, nghe thiệt đã” [31; tr. 114]
“Bắn ba phát- anh tiếp, tôi thấy nước tạt
lên, bọn nó hoảng, liền rồ máy, chạy tán.
Nó chạy tôi cũng chạy” [31; tr. 114]
“Nước trước mũi tàu nó xối ngược lên
trắng dã.” [31; tr. 115]
“Đạn trước mắt tôi, xung quanh tôi như
tát nước” [31; tr. 115]
“Không khéo tàu chìm thì uống nước cả
đám. Vậy là nó quay tàu. Chạy tát nước,
chạy xịt khói đít” [31; tr. 115]
“Xuồng phóng lên, mũi đạp lên mặt, nước
lạch chạch, ào ào, lạch chạch, ào ào.
Xuồng đi như bay” [31; tr. 116]
104
“Một mình tôi, một chiếc xuồng đang chơi
vơi giữa trời nước, nó không thấy làm sao
được” [31; tr. 116]
“Nước cao hai thước, tôi trầm mình dưới
đáy, còn lâu hỏa tiễn mới đụng đến tôi.
Nhưng trầm mình dưới nước thời bị động
quá ” [31; tr. 116]
“Mình cũng phải ở trên xuồng. Trầm
mình dưới nước bắn không được thời nó
sẽ sút vô xuồng. Bể xuồng thời chết đuối.”
[31; tr. 117]
“Nhìn lại tôi thấy nước chỗ đó bốc khói.”
[31; tr. 118]
“Trái hỏa tiễn tát nước không đụng đến
tôi.” [31; tr. 118]
“Nó bắn xém mũi xuồng, nước tát vô mặt
tôi, tôi chới với muốn té” [31; tr. 118]
“Tôi chống ra chỗ đó, nếu nước mà giòn
như kiếng thời chỗ đó chắc tan ra thành
bụi. Mặt nước vẫn y nguyên [31; tr. 121]
“Mỗi một ngôi nhà một bên nước và một
bên xuồng [31; tr. 123]
“Ngoài mùa lúa, mỗi năm nước lên, chị
phải làm cả nghề đánh cá nữa: Giăng
câu, đặt lờ, đặt lợp” [31; tr. 124]
“Chiều hôm qua, cánh đồng hãy còn là
một dãy đất trống, nước lắp xắp, màu
nước đục ngầu, sau một đêm cấy, mạ
xanh um” [31; tr. 134]
“Bầy trực thăng bay tới, ba chiếc, loại
HUIA, loại đầu to mình dài giống như cái
105
gáo múc nước, người ta gọi là trực thăng,
trực thăng cán gáo” [31; tr. 136]
“Chị không chạy len lỏi qua các hàng cây
như người khác, chị chạy băng qua giữa
đồng, chạy tét cả nước.” [31; tr. 138]
“Nó neo cái xác dưới nước cho đến lúc
nổi lên, rồi lấy một tàn dừa cắm vào xác
làm buồm kéo ra sông, cho cái xác trôi
lên, trôi xuống.” [31; tr. 166]
“Nước vừa tràn đồng, nước lắp xắp,
xuồng không đi được. Giữa cánh đồng,
cha cô ngồi bó chân dưới nước, dụm hai
cái đầu gối cho mẹ cô ngồi từ khuya đến
tôi” [31; tr. 168]
“Mì thấy mình là một đứa nhỏ trên cánh
tay của mẹ, mẹ đang ngồi trên hai đầu gối
của cha và người của cha mỗi lúc một lún
sâu xuống bùn lầy, chung quanh là cánh
đồng nước trải ra mênh mông” [31; tr.
168]
“Trong một công sự được làm vội vàng –
một đống gạch vụn, chạy dài theo một
đường mương nước, cạnh ngôi nhà đang
cháy, lửa bốc cao ngọn và phát ra những
tiếng nổ lớn như tiếng pháo, ba anh chiến
sĩ trán lấm tấm mồ hôi, mặt đỏ bừng, bụi
ngói rắc đỏ trên mái tóc, bám đầy quần
áo, ba anh đang ghìm súng kiềm chế một ổ
súng của bọn giặc ở bên kia đường bỗng
chợt thấy một người đàn bà, chẳng biết từ
đâu đến, trong một cụm khói đặc lao qua”
[31; tr. 182]
106
“Từ đó, mà mỗi người mới nhớ lại cái sân
nhà, gốc mít, cây xoài, bến nước với dòng
sông.” [31; tr. 200]
“Cái ý kiến hấp rượu, bảy phút là xong lại
đặt ra. Có một vài người đồng tình, nhưng
số đông lại có ý kiến còn nước còn tát.”
[31; tr. 207]
“Dòng sông không cuồn cuộn và chảy xiết
nữa, nước theo bóng đêm và ngọn gió đã
lên đầy” [31; tr. 214]
“Tôi bật cười vì bản đồng ca ồ ồ ấy, bài
hát với những giọng trầm đục như đang là
là trên mặt nước, bỗng có một giọng nữ
cất cao lên: "Ơi Vàm Cỏ Đông, ơi hỡi
dòng sông". [31; tr.223]
“Khi gánh hát về, nước bốn bề cù lao nổi
sóng vui theo” [32; tr. 298]
“Quê hương anh nước mặn đồng chua”
[32; tr. 323]
“Tôi với nó là bạn lâu đời. Năm 1948, sau
ba năm kháng chiến chống Pháp, hai đứa
gặp nhau trong một ngôi trường nằm ở mé
rừng U Minh, bên những con kinh nước
ngầu đỏ: trường bổ túc văn hóa dành cho
thanh thiếu niên từng tham gia kháng
chiến.” [32; tr. 358]
“Những bức tranh thủy mặc, non nước
hữu tình, những bức tranh vẽ khỉ, vẽ ngựa,
vẽ chim, vẽ cá, tôm...” [ 32; tr. 372]
“Đơn vị nó hơn một trăm tay súng nằm
trong cụm vườn thưa, lấy mương nước,
107
gốc cây làm công sự.” [32; tr. 388]
“Chúng tôi lại nhắc đến mùa nước nổi,
mùa giăng câu, mùa đặt lợp đặt lờ trên
đồng nước.” [32; tr. 396]
“Cái đất sinh ra ông là Cái Cùng, tên Cái
Cùng gợi cho người ta một vùng đất
hoang sơ của U Minh, một vùng còn rừng
còn những con rắn khổng lồ đêm đêm treo
mình giữa hai thân cây, tự lấy thân mình
làm gàu “bành bạch” tát nước giữa đêm
khuya để bắt cá.” [32; tr. 409]
“Đêm đầu đến điểm mới cách xa chợ Bạc
Liêu có đến ba ngày đêm đường sông
nước, sau một hồi chuông, chúng tôi hé
màn nhìn khán giả, lại thấy vị công tử với
chiếc áo lụa lèo, ngồi ở ghế thượng
hạng.” [32; tr. 441]
Rạch
“Tàu nhỏ chở quân chạy vào các con
2
rạch.” [41 ; tr. 168]
“Sau 14 năm hành đạo (1925 – 1939) ông
có trên 10.000 tín đồ sống rải rác trên
khắp cả đất Tân Châu, từ sông lớn đến
kinh rạch qua các đồng sâu.” [32 ; tr.
411]
Sông
“Tôi lặn dưới sông móc tời đứng bóng,
nắn tới trâu ăn no, đây cậu” [31; tr. 20]
“Nhưng mà phải kéo nó ra ngoài sông”
[31; tr. 44]
“Một hôm, cô dẫn một đoàn khách sắp
sửa qua sông, cô để khách dừng lại ngoài
108
73
ruộng xa” [31; tr. 50]
“Tình hình yên, không có gì, anh trở lại
dẫn khách đi, còn tôi sang sông lắc xuồng
đem qua” [31; tr. 50]
“Anh giao liên liền quay lại, êm ái đưa
khách bọc qua ngả khác, vượt sông cách
đó độ một vài cây số. Còn cô ta, trước khi
qua sông cô còn gài lại hai trái lựu đạn.
Cô qua sông, thế là thoát” [31; tr. 50]
“Xuống bến, nó nhảy xuống xuồng, mở lòi
tói cố làm cho dây lòi tói khua rổn rảng,
khua thật to, rồi lấy dầm bơi qua sông”
[31; tr. 57]
“Không hàng ngũ, chạy bừa qua ruộng
lúa, đâm thẳng ra ven cây, rồi vượt qua
sông”. [31; tr. 70]
“Đoàn khách còn đủ mặt, có một vài
người bị mất dép, có người qua sông bị
trôi ba lô” [31; tr. 70]
“Cô nữ giao liên trẻ khoảng hai mươi
tuổi, đầu đội mũ giải phóng màu xanh là
cây ngồi dựa lưng vào cột nhà, hai chân
duỗi thẳng trên đệm, cây bá đỏ gác ngang
qua vế, nhìn ra dòng sông ngó mông một
lúc rồi nhìn lại chúng tôi và tiếp tục nói”
[31; tr. 77]
“Cô giao liên cười và nhìn ra dòng sông.
Cô bật đứng dậy và reo lên:
-
Chị xã đội tới kìa.
Trên dòng sông nắng chan đầy, sông dài
hun hút. Theo cô giao liên nói thì trước
109
đây, ngày cũng như đêm, xuồng gắn máy
đuôi tôm lên xuống dập dìu. Từ một năm
nay, bọn Mỹ thường hay cho trực thăng
bắn dọc theo sông. Ban ngày, xuồng ghe
không dám đi nữa. Nhà cửa hai bên bờ
dời sâu vô đồng, dòng sông vắng lặng, chỉ
có những giề lục bình trôi lên, trôi
xuống.” [31; tr. 82]
“Nhìn lên, tôi thấy xuồng chị đã bung ra
giữa sông, chị so lại mái chèo rồi nhìn lại
tôi” [31; tr. 87]
“Và ngay trong đêm đó, đang nằm trong
nhà, tôi nghe bên kia con sông nhỏ, có
tiếng người hỏi tên tôi” [31; tr. 88]
“Mũi xuồng cứ nhảy lên nhảy xuống như
muốn giục tôi. Tôi vừa bước xuống thì anh
cũng vừa ra mái dầm cho xuồng quay mũi
ra sông.” [31; tr. 89]
“Làng tôi anh biết rồi đấy. Làng bắt đầu
từ ngã tư, nằm dài theo sông.” [31; tr. 91]
“Ông chủ quán câm kể loại biết điệu đời,
ông xếp ghế ngồi để cho khách nhìn ra
sông: sông Cửu Long.” [31; tr. 149]
“Sóng lưỡi búa, lách chách từng đợt nhỏ
và đều, lấp lánh khắp mặt sông. Sóng nhỏ
nhưng lại thường hay nhấn chìm xuồng
ghe [31; tr.149]
“Đừng thấy dòng sông lặng lẽ mà bảo
dòng sông không có sóng.” [31; tr.153]
“Nhìn sông đến chán, ông gục đầu xuống
quầy” [31; tr.153]
110
“Nó neo cái xác dưới nước cho đến lúc
nổi lên, rồi lấy một tàn dừa cắm vào xác
làm buồm kéo ra sông, cho cái xác trôi
lên, trôi xuống. Trong một đêm, người
làng bơi xuồng ra sông vớt xác bị tàu của
chúng đuổi bắn, phải trở về. Suốt mấy
ngày liền, ngày nào cô cũng ra bến nhìn
theo cái tàu dừa quật quờ trên giữa dòng
sông” [31; tr. 166]
“Từ đó, mà mỗi người mới nhớ lại cái sân
nhà, gốc mít, cây xoài, bến nước với dòng
sông.” [31; tr. 200]
“Như trong trận đánh đoàn tàu giặc trên
sông của tỉnh Long Châu Sa, có một chiến
sĩ đã bắn đến viên đạn thứ chín diệt chín ổ
đề kháng của địch” [31; tr. 214]
“Dòng sông không cuồn cuộn và chảy xiết
nữa, nước theo bóng đêm và ngọn gió đã
lên đầy.” [31; tr. 214]
“Dòng sông trở nên mênh mang lấp lánh
ánh sao, gợn lên từng đợt sóng nhẹ ộp oạp
vỗ vào bờ.” [31; tr. 215]
“Đoàn xuồng đuôi tôm vừa dứt, tiếng máy
nổ mỗi lúc mỗi xa, tiếng la ó của người đi
trên sông im đi, những đợt sóng đuối sức
lặng tan dần, dòng sông vừa trở lại yên
tĩnh, anh Tám Sơn vừa định kể tiếp câu
chuyện thì tiếng hát của một chiếc xuồng
nào đó lại vang tới:
Ở tận sông Hồng em có biết
Quê hương anh cũng có dòng sông” [31;
tr. 222]
111
“Tôi bật cười vì bản đồng ca ồ ồ ấy, bài
hát với những giọng trầm đục như đang là
là trên mặt nước, bỗng có một giọng nữ
cất cao lên: "Ơi Vàm Cỏ Đông, ơi hỡi
dòng sông".” [31; tr. 223]
“Bài hát mang theo một âm điệu tha thiết
của dân ca, đúng ra người ta phải đơn ca,
nhưng người trên xuồng đi giữa dòng
sông ngược qua chúng tôi lại đồng ca.”
[31; tr. 223]
“Những giọng trầm đục của những người
đàn ông đã trở thành cái bè trầm, làm nền
cho giọng nữ cao đang bay chơi vơi trên
dòng sông:
Nước xanh biêng biếc chẳng đổi thay
dòng
Đuổi Pháp đi rồi, nay đuổi Mỹ xâm lăng
Giặc đi đời giặc, sông càng xanh trong
.........................
Ơ Vàm Cỏ Đông, ơi hỡi dòng sông...”
[31; tr. 223]
“Nửa đêm, chúng đưa chị ra bờ sông, lũ
khát máu ấy, chúng dùng dao chém xả qua
ót chị, rồi thả chị trôi theo sông.” [31; tr.
229]
“Nhớ lại giọng hát tha thiết và diệu vợi
của cô gái đi trên chiếc xuồng giữa dòng
sông, tôi thẫn thờ và nhìn trời [31; tr. 236]
“Tôi sinh ra trên một cù lao giữa sông
Tiền. Nói là cù lao nổi lên giữa con sông
nhưng cũng lớn lắm – Cù lao có đến ba
lảng: Mỹ Tân, Mỹ Phú, Mỹ Hòa.” [32; tr.
112
297]
“Ai muốn xem hát phải xuống xuồng băng
qua sông, nghe đâu hồi tôi chưa đẻ, có
người mê hát đến nổi chìm xuồng chết
trôi.” [32; tr. 297]
“Với mầy thì tao khỏi nói, ăn cá chốt hay
cá linh, ăn đọt xoài chấm mắm hay bông
điên điển làm nhưn bánh xèo, mầy biết
ráo. Đánh giặc bằng ống thụt, tắm sông,
nhảy từ lan can cầu xuống, hay leo dừa,
leo xoài, lật đất cày bắt dế hay đá cá lia
thia, cái gì tao chơi mầy cũng chơi, khỏi
hỏi, khỏi nói, được mầy là tao khỏe.” [32;
tr. 387]
“Một bên là quốc lộ, một bên là con sông.
Trên quốc lộ là xe tăng, là thiết giáp; dưới
sông là tàu chiến, trên trời là trực thăng.”
[32; tr. 388]
“Sau 14 năm hành đạo (1925 – 1939) ông
có trên 10.000 tín đồ sống rải rác trên
khắp cả đất Tân Châu, từ sông lớn đến
kinh rạch qua các đồng sâu.” [32; tr. 411]
“Hàng trăm tín đồ với sắc phục vàng
hươm, kiếm loang loáng trong ánh đuốc
đỏ rực dưới trời đêm, bên con sông không
bao giờ mệt mỏi, vừa trôi, vừa vỗ sóng
dập bờ.” [32; tr. 412]
“Chó dọc theo con sông cất tiếng tru ông
ổng, xao xác cả dân chợ dân làng [32; tr.
413]
“Ông kể lại với một vài bạn tri âm. Ông
Đạo muốn làm vua nước Nam, nhưng ông
113
không biết biên giới nước Nam mình từ
đâu đến đâu. Nước Nam có bao nhiêu
sông lớn, bao nhiêu núi cao, ông cũng
không rành.” [32; tr. 416]
“Hai đứa vừa đi vừa trò chuyện, quanh co
theo con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo qua một
xóm nhà lá lụp xụp, bỗng trước mắt tôi
bừng lên một vòm trời mênh mông trên
dòng sông cũng mênh mông, rạt rào tiếng
sóng, và gió như vui với mái tóc tôi. Đám
trẻ nhỏ đủ lứa tuổi đang nô đùa trên bến
sông thật vui.” [32; tr. 421]
“Ngày xưa, ông bố của thằng nhỏ đeo
kiềng sắt đó chết trôi trên dòng sông này.
Người chết trôi thì biến thành con ma da.
Con ma da thường hay rút chân người tắm
sông.” [32; tr. 422]
“Qua câu chuyện của Danh, tôi như cảm
nhận được biết bao điều bí ẩn đang cuồn
cuộn dưới dòng sông.” [32; tr. 422]
“Nhà của Danh, ngôi nhà sàn nhỏ dưới
bóng cây xoài, mái lá vàng, cửa nhìn ra
sông, thật thơ mộng.” [32; tr. 422]
“Ôi ! Đẹp quá! - Tôi reo lên và đưa tay
chỉ một cánh buồm đỏ thắm đang căng gió
lướt qua giữa dòng sông. [32; tr. 425]
“Nhiều lúc mình nghĩ, nếu con sông này
chỉ có tàu, có máy đuôi tôm mà không có
cánh buồm thì con sông này đối với mình
chẳng còn gì là thơ mộng, thật là vô vị, và
nàng thơ sẽ bỏ chạy.” [32; tr. 425]
“Tôi chớp mắt nhìn Hiền. Hiền quay mặt
114
nhìn ra sông.” [32; tr. 426]
“Vợ tao ra sông tắm. Đâu có ngờ, Hiền
không trở lên nữa. Cả xóm đổ xuống sông,
mò lặn khắp nơi” [32; tr. 427]
“Đêm đầu đến điểm mới cách xa chợ Bạc
Liêu có đến ba ngày đêm đường sông
nước, sau một hồi chuông, chúng tôi hé
màn nhìn khán giả, lại thấy vị công tử với
chiếc áo lụa lèo, ngồi ở ghế thượng
hạng.” [32; tr. 441]
“Tôi với dì cùng ngồi trên chiếc võng lác,
tay dì choàng qua vai tôi rất âu yếm, dì
vừa nói vừa nhìn qua sông ngả ánh sáng
hoàng hôn, dì nhìn sông hay nhìn về một
giề lục bình? Giề lục bình mồ côi, một
mình với con sông, lừng lững trôi” [32; tr.
463]
“Dì vừa nói tiếng tàu đã “tul tul” vang
lên trên sông vắng” [32; tr. 466]
“Bốn năm sau. Buổi chiều hành quân trên
con đường đá cặp bên bãi mía ven sông,
qua xóm nhà sàn dưới vườn cây, tôi nghe
ai đó kêu tôi” [32; tr. 466]
“Và cũng không ngờ, đêm ấy đơn vị tôi
vượt qua sông Tiền, vượt qua luôn sông
Hậu về U Minh nhập cùng nhiều đơn vị
bạn thành một cánh quân lớn, vượt sông,
vượt bộ về chiến trường Bảy Núi...[32 tr.
469]
“Tôi đang ngồi với cha tôi, cũng lại vào
một buổi chiều nhìn ra con sông, và trên
con sông cũng có những giề lục bình trôi”
115
[32; tr. 469]
Vàm kinh
Nhà chúng tôi ở cạnh nhau gần vàm kinh
1
nhỏ đổ ra sông Cửu Long” [32; tr. 51]
Cộng
2
Nhóm từ
vựng chỉ các
trạng thái,
tính chất
của sông
nước
Ầm ầm
“Sóng bạc đầu, bỏ vòi, tràn lên nhau,
231
1
sóng bủa ầm ầm” [31; tr.149]
Ào ào
“Xuồng phóng lên, mũi đạp lên mặt, nước
2
lạch chạch, ào ào, lạch chạch, ào ào.
Xuồng đi như bay” [31; tr. 116]
Bập bềnh
“Sóng trước mũi xuồng trào lên kéo thành
những đợt sóng dài, làm run rẩy đám cỏ
hai bên bờ, vỗ bập bềnh các giề lục bình
1
và các đám nghể mọc hoang” [31; tr. 66]
Chảy xiết
“Dòng sông không cuồn cuộn và chảy xiết
1
nữa, nước theo bóng đêm và ngọn gió đã
lên đầy. Dòng sông trở nên mênh mang
lấp lánh ánh sao, gợn lên từng đợt sóng
nhẹ ộp oạp vỗ vào bờ.” [31; tr. 215]
Cuồn cuộn
“Dòng sông không cuồn cuộn và chảy
xiết nữa, nước theo bóng đêm và ngọn gió
đã lên đầy. Dòng sông trở nên mênh mang
lấp lánh ánh sao, gợn lên từng đợt sóng
1
nhẹ ộp oạp vỗ vào bờ.” [31; tr. 215]
Dâng cao
“Nước đang dâng cao, nước lé đé dưới
sàn nhà. Anh cho xuồng lao thẳng vào
1
sân.” [31; tr. 88].
Dựng đứng “Tôi thấy nước trước mũi tàu nó cứ dựng
116
1
đứng lên.” [ 31; tr. 113]
Đục ngầu
“Chiều hôm qua, cánh đồng hãy còn là
một dãy đất trống, nước lắp xắp, màu
nước đục ngầu, sau một đêm cấy, mạ
1
xanh um” [31; tr. 134]
Ì ầm
“Tiếng sóng Cửu Long Giang ì ầm” [31;
tr. 35]
2
“Chẳng bao lâu, vào một đêm mưa gió,
những đêm mà sông Tiền như con rồng
chuyển mình, dậy sóng hàn đập ì ầm” [32;
tr. 410]
Lách chách “Sóng lưỡi búa, lách chách từng đợt nhỏ
và đều, lấp lánh khắp mặt sông.” [31;
tr.149]
1
Lách chạch “Xuồng phóng lên, mũi đạp lên mặt, nước
2
lạch chạch, ào ào, lạch chạch, ào ào.
Xuồng đi như bay” [31; tr. 116]
Lắp xắp
“Chiều hôm qua, cánh đồng hãy còn là
một dãy đất trống, nước lắp xắp, màu
nước đục ngầu, sau một đêm cấy, mạ xanh
um” [31; tr. 134]
2
“Nước vừa tràn đồng, nước lắp xắp,
xuồng không đi được.” [31; tr. 168]
Lé đé
“Nước đang dâng cao, nước lé đé dưới
sàn nhà. Anh cho xuồng lao thẳng vào
sân.” [31; tr. 88].
1
Lên đầy
“Giữa Tháp Mười mà xung quanh nước
đã lên đầy, nói cho đúng đây là cái trạm
của đường dây giao thông, nhà nhỏ nhưng
2
117
người lại đông” [31; tr.48]
“Dòng sông không cuồn cuộn và chảy xiết
nữa, nước theo bóng đêm và ngọn gió đã
lên đầy” [31; tr. 215]
Lụt
“Trận lụt chưa rút. Nước vẫn mênh
2
mông.” [31; tr. 110]
“Trận lụt năm nay thật ghê gớm, cánh
đồng của chúng tôi ít nhất cũng hai thước
nước” [31; tr.112]
Lừng lững
“Tôi với dì cùng ngồi trên chiếc võng lác,
1
tay dì choàng qua vai tôi rất âu yếm, dì
vừa nói vừa nhìn qua sông ngả ánh sáng
hoàng hôn, dì nhìn sông hay nhìn về một
giề lục bình? Giề lục bình mồ côi, một
mình với con sông, lừng lững trôi” [32;
tr. 463]
Mênh
mang
“Dòng sông không cuồn cuộn và chảy xiết
nữa, nước theo bóng đêm và ngọn gió đã
1
lên đầy. Dòng sông trở nên mênh mang
lấp lánh ánh sao, gợn lên từng đợt sóng
nhẹ ộp oạp vỗ vào bờ.” [31; tr. 215]
Mênh
mông
“Trận lụt chưa rút. Nước vẫn mênh
mông.” [31; tr. 110]
“Sóng vẳng rì rầm, buồn và mênh
mông.” [31; tr.150]
“Mì thấy mình là một đứa nhỏ trên cánh
tay của mẹ, mẹ đang ngồi trên hai đầu gối
của cha và người của cha mỗi lúc một lún
sâu xuống bùn lầy, chung quanh là cánh
đồng nước trải ra mênh mông” [31; tr.
118
4
168]
“Hai đứa vừa đi vừa trò chuyện, quanh co
theo con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo qua một
xóm nhà lá lụp xụp, bỗng trước mắt tôi
bừng lên một vòm trời mênh mông trên
dòng sông cũng mênh mông, rạt rào tiếng
sóng, và gió như vui với mái tóc tôi.” [32;
tr. 421]
Ngập
“Anh quay lái xuồng cặp sát cây ô môi mà
1
nước đã ngập đến nửa thân cây, cành lá
là đà dưới mặt nước, anh buột dây vào
một cành to để chiếc xuồng lửng lơ ngoài
trăng” [31; tr. 89]
Ôp oạp
“Dòng sông không cuồn cuộn và chảy xiết
1
nữa, nước theo bóng đêm và ngọn gió đã
lên đầy. Dòng sông trở nên mênh mang
lấp lánh ánh sao, gợn lên từng đợt sóng
nhẹ ộp oạp vỗ vào bờ.” [31; tr. 215]
Sóng
“Tiếng sóng Cửu Long Giang ì ầm” [31;
tr. 35]
“Sóng đập đều đều vào các chòm cây”
[31; tr. 49]
“Cái trạm này - một ngôi nhà cất chen
vào giữa một chòm cây giữa khu rừng
tràm thưa, mỗi khi có một cơn gió, sóng
nối nhau đập vào tàn cây, nhà lại rung lên
và lắc lư như một con thuyền đang chơi
vơi giữa biển” [31; tr. 49]
“Sóng gió như nhắc nhở ông điều gì, ông
nghiêng tai lắng nghe” [31; tr. 49]
119
39
“Sóng trước mũi xuồng trào lên kéo thành
những đợt sóng dài, làm run rẩy đám cỏ
hai bên bờ, vỗ bập bềnh các giề lục bình
và các đám nghể mọc hoang” [31; tr. 66]
“Cháu dừng lại trên bờ mẫu, những đợt
sóng lúa xanh nhỏ nối nhau rập rờn như
chạy đến vỗ về cháu.” [31; tr. 76]
“Thấy mũi xuồng chập chờn dập sóng, tôi
đoán biết anh đang sốt ruột. Nước đang
dâng cao, nước lé đé dưới sàn nhà. Anh
cho xuồng lao thẳng vào sân. Xuồng lao
nhanh quá, anh không kịp rà lại, mũi
xuồng đụng vào sàn nhà đánh “cốp” một
tiếng. Sóng tạt lên sàn nhà rung rinh
khiến anh em trong nhà phải kêu lên” [31;
tr. 88]
“Xuồng chòng chành, những làn sóng nhỏ
nối nhau lan dài ra mỗi lúc mỗi xa.” [31;
tr. 91]
“Khách có thể ngắm rặng cây xa mờ,
ngắm những cánh buồm, vừa ngắm nhìn
vừa nghe tiếng sóng. Sóng bạc đầu, bỏ
vòi, tràn lên nhau, sóng bủa ầm ầm. Sóng
lưỡi búa, lách chách từng đợt nhỏ và đều,
lấp lánh khắp mặt sông. Sóng nhỏ nhưng
lại thường hay nhấn chìm xuồng ghe.
Xuồng ghe tấp vào bờ. Sóng vẳng rì rầm,
buồn và mênh mông.” [31; tr.149]
“Đừng thấy dòng sông lặng lẽ mà bảo
dòng sông không có sóng. Sóng đang nổi
lên từ dưới đáy người ta gọi đó là sóng
ngầm.” [31; tr.153]
120
“Cái bến của quán rượu người câm lúc
nào cũng nổi sóng.” [31; tr. 154]
“Người chủ quán câm chỉ còn biết ú ớ
cũng chẳng có ai để cho ông ta ú ớ nữa,
trong làng chỉ còn nghe có tiếng sóng.”
[31; tr. 157]
“Nghe những tiếng nổ tiếng trống, và mọi
thứ tiếng vang dội lên mỗi lúc một dữ dội,
chúng thấy cái đồn, cái bót của chúng như
những chiếc xuồng con đang bị sóng của
một cơn bão đang bủa tới, chúng nhớ
những người chúng giết, nhớ những người
chúng bắt, nhớ những người chúng đánh,
nhớ những gia đình do bàn tay chúng phá
tan nát, chúng thấy những người đó đang
tràn tới.” [31; tr. 158]
“Làng lúc nào cũng tràn trề tiếng sóng,
người ta không nghe tiếng sóng nữa.
Người ta chỉ nghe tiếng vang dội của dân
làng.” [31; tr. 161]
“Dòng sông không cuồn cuộn và chảy xiết
nữa, nước theo bóng đêm và ngọn gió đã
lên đầy. Dòng sông trở nên mênh mang
lấp lánh ánh sao, gợn lên từng đợt sóng
nhẹ ộp oạp vỗ vào bờ.” [31; tr. 215]
“Đêm sáng mà tôi không nhìn rõ mặt anh,
qua cái dáng lặng lẽ của anh, tôi đoán
chắc anh cũng như tôi đang muốn ngồi
yên lặng nghe tiếng gió, tiếng sóng và đeo
đuổi những ý nghĩ riêng.” [31; tr. 215]
“Tiếng máy đuôi tôm nổ vang, chiếc này
nối theo chiếc kia quẫy lên từng đợt sóng
121
lớn.” [31; tr. 222]
“Đoàn xuồng đuôi tôm vừa dứt, tiếng máy
nổ mỗi lúc mỗi xa, tiếng la ó của người đi
trên sông im đi, những đợt sóng đuối sức
lặng tan dần, dòng sông vừa trở lại yên
tĩnh, anh Tám Sơn vừa định kể tiếp câu
chuyện thì tiếng hát của một chiếc xuồng
nào đó lại vang tới” [31; tr. 222]
“Cái thú vui của lũ nhỏ chúng tôi là nhìn
sóng và lúc tắm thì được nhồi sóng mỗi
khi có một con tàu chạy qua bến” [32; tr.
297]
“Gánh đó về vì nể thương chú tôi, chớ ai
về cái đất cù lao, lúc nào cũng sóng gió”
[32; tr. 298]
“Khi gánh hát về, nước bốn bề cù lao nổi
sóng vui theo” [32; tr. 298]
“Dưới khán đài, dậy lên như sóng” [32;
tr. 306]
“Nó có mái tóc hơi gợn sóng, mắt sâu,
mặt hơi vuông, tỏ là người gan góc, vầng
trán cao, rắn chắc nhưng lại nhỏ con.”
[32; tr. 359]
“Đứng ngay trước cửa, chưa kịp vào nhà,
mái tóc dợn sóng của nó rũ dài xuống qua
cơn mưa.” [32; tr. 361]
“Chẳng bao lâu, vào một đêm mưa gió,
những đêm mà sông Tiền như con rồng
chuyển mình, dậy sóng hàn đập ì ầm” [32;
tr. 410]
“Hàng trăm tín đồ với sắc phục vàng
122
hươm, kiếm loang loáng trong ánh đuốc
đỏ rực dưới trời đêm, bên con sông không
bao giờ mệt mỏi, vừa trôi, vừa vỗ sóng
dập bờ.” [32; tr. 412]
“Như sóng dậy từ lòng người, tiếng hò hét
của tín đồ dâng lên như sấm, đuốc huơ
cao, dao gươm kiếm vung loang loáng,
tiếng reo tiếng trống tiếng phèng la nổi
dậy trời...” [32; tr. 413]
“Hai đứa vừa đi vừa trò chuyện, quanh co
theo con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo qua một
xóm nhà lá lụp xụp, bỗng trước mắt tôi
bừng lên một vòm trời mênh mông trên
dòng sông cũng mênh mông, rạt rào tiếng
sóng, và gió như vui với mái tóc tôi.” [32;
tr. 416]
“Mái tóc dài run rẩy trước ngọn gió từ
những lượn sóng hất lên người nàng.”
[32; tr. 423]
Sóng ngầm “Sóng đang nổi lên từ dưới đáy người ta
gọi đó là sóng ngầm.” [31; tr. 153]
Rạt rào
“Hai đứa vừa đi vừa trò chuyện, quanh co
theo con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo qua một
xóm nhà lá lụp xụp, bỗng trước mắt tôi
bừng lên một vòm trời mênh mông trên
1
1
dòng sông cũng mênh mông, rạt rào tiếng
sóng, và gió như vui với mái tóc tôi.” [32 ;
tr. 421]
Rì rầm
“Sóng nhỏ nhưng lại thường hay nhấn
chìm xuồng ghe. Xuồng ghe tấp vào bờ.
Sóng vẳng rì rầm, buồn và mênh mông.”
123
1
[31; tr.150]
Tràn
“Sóng bạc đầu, bỏ vòi, tràn lên nhau,
sóng bủa ầm ầm. Sóng lưỡi búa, lách
2
chách từng đợt nhỏ và đều, lấp lánh khắp
mặt sông.” [31; tr. 150]
“Nước vừa tràn đồng, nước lắp xắp,
xuồng không đi được.” [31; tr. 168]
Trắng xóa
“Nhìn lại tôi thấy nước lả ra, trắng xóa”
2
[31; tr. 111]
“Nước trước mũi xuồng tôi cũng lả ra bọt
trào lên trắng xóa” [31; tr. 112]
Yên lặng
“Khi cơn gió thổi qua, mặt nước trở lại
yên lặng, ông mới ngẩng lên và nói. Ông
nói với chúng tôi mà như nói với cả trời
1
nước vậy, ông không nhìn vào chúng tôi
mà nhìn ra biển nước, chân trời và các vì
sao.” [31; tr. 49]
Yên tĩnh
“Đoàn xuồng đuôi tôm vừa dứt, tiếng máy
nổ mỗi lúc mỗi xa, tiếng la ó của người đi
trên sông im đi, những đợt sóng đuối sức
lặng tan dần, dòng sông vừa trở lại yên
tĩnh, anh Tám Sơn vừa định kể tiếp câu
chuyện thì tiếng hát của một chiếc xuồng
nào đó lại vang tới” [31; tr. 222]
77
Cộng
3
Nhóm từ
chỉ các loại
phương tiện,
dụng cụ cho
việc đi lại
sông nước
Bánh trớn
1
“Tôi cảm thấy mến, muốn hỏi thêm nhưng
thấy cô đang lom khom quấn dây vào
bánh trớn nên lại thôi. Quấn dây vào
bánh trớn xong, cô đứng thẳng người,
quay lại nói với xuồng sau:
124
2
- Tôi đi trước nhé!” [31; tr. 51]
Buồm
“Khách có thể ngắm rặng cây xa mờ,
ngắm những cánh buồm, vừa ngắm nhìn
8
vừa nghe tiếng sóng.” [31; tr. 149]
“Nó neo cái xác dưới nước cho đến lúc
nổi lên, rồi lấy một tàn dừa cắm vào xác
làm buồm kéo ra sông, cho cái xác trôi
lên, trôi xuống.” [31; tr. 166]
“Ôi ! Đẹp quá! - Tôi reo lên và đưa tay
chỉ một cánh buồm đỏ thắm đang căng
gió lướt qua giữa dòng sông.
Danh vừa nhìn theo cánh buồm vừa nói:
- Nhiều lúc mình nghĩ, nếu con sông này
chỉ có tàu, có máy đuôi tôm mà không có
cánh buồm thì con sông này đối với mình
chẳng còn gì là thơ mộng, thật là vô vị, và
nàng thơ sẽ bỏ chạy. Theo tao, nàng thơ
đang sống và đang căng đầy trong cánh
buồm, nàng như nhắc nhở với mọi người,
nàng vẫn còn, và ta vẫn còn thơ.” [32; tr.
425]
“Nhưng mầy nên nhớ, người căng buồm
không phải vì nàng thơ, mà vì không đủ
tiền sắm máy. Cho nên nhiều khi tao nghĩ,
cái nghèo là đất sống của cái đẹp.” [32;
tr. 425]
“Không ngờ từ cái vẻ đẹp của cánh buồm
loay hoay thế nào lại chuyển sang chủ đề
về đạo đức.” [32; tr. 426]
Chèo
“Từ xa, một chiếc xuồng hai chèo đang
thẳng tới. Người đứng chèo là một cô gái,
125
6
mặc bộ quần áo bà ba đen” [31; tr. 82]
“Mày chỉ có tài phá tao. Thôi tao về đây.
– Chị vừa nói vừa xô xuồng ra. Nhưng
nghĩ thế nào chị lại cầm chèo quạt ngược
lại cho xuồng cặp vào bến” [31; tr. 84]
“Nhìn lên, tôi thấy xuồng chị đã bung ra
giữa sông, chị so lại mái chèo rồi nhìn lại
tôi” [31; tr. 87]
“Như xấu hổ với những đều mình nói, chị
quật mạnh mái chèo, xuồng lao như con
thoi” [31; tr. 88]
“Còn tôi thì dang tay đập mạnh vào mái
chèo, mũi xuồng cất lên, lướt tới như con
thoi.” [31; tr. 234]
“Tôi vừa rà một mái chèo cho mũi xuồng
quay lại vừa hỏi” [31; tr. 234]
Dầm
“Xuống bến, nó nhảy xuống xuồng, mở lòi
tói cố làm cho dây lòi tói khua rổn rảng,
khua thật to, rồi lấy dầm bơi qua sông”
[31; tr. 57]
“Tôi vừa bước xuống
mái dầm cho xuồng
Anh vừa bơi vừa hỏi
quen; công tác, sức
đường.” [31; tr. 89]
thì anh cũng vừa ra
quay mũi ra sông.
tôi mấy câu để làm
khỏe và chuyện đi
“Từ đó ngày nào tôi cũng mong Dung. Hễ
gặp nghe tiếng mái dầm hoặc tiếng “lạch
cạch” của chiếc xuồng nào đó tôi cũng
đều giật mình.” [31; tr. 95]
“Anh Bảy đang nói đấy, giọng oang oang.
Một anh bạn nhà báo của tôi liền rạp
126
4
mình, thọc sâu mái dầm bơi nhanh lại.”
[31; tr. 110]
Dây
“Tôi cảm thấy mến, muốn hỏi thêm nhưng
3
thấy cô đang lom khom quấn dây vào
bánh trớn nên lại thôi. Quấn dây vào bánh
trớn xong, cô đứng thẳng người, quay lại
nói với xuồng sau:
- Tôi đi trước nhé!” [31; tr. 51]
“Anh quay lái xuồng cặp sát cây ô môi mà
nước đã ngập đến nửa thân cây, cành lá
là đà dưới mặt nước, anh buột dây vào
một cành to để chiếc xuồng lửng lơ ngoài
trăng” [31; tr. 89]
Đò
“Ông như người trể đò. Đò xô ra bến ông
2
mới gọi” [32; tr. 332]
Ghe
“Nhà thì nghèo, ông thì già, nên nó mới
bỏ làng ra chợ kiếm lấy một cái ghe buôn
bán.” [31; tr. 31]
“Ban ngày, xuồng ghe không dám đi
nữa.” [31; tr. 82]
“Bọn trực thăng một bầy, khi ba chiếc,
năm chiếc, quay cánh phành phạch bay từ
đầu kinh đến cuối kinh, cứ con đường
thẳng mà bắn, bắn những xuồng ghe đi lại
trên kinh, bắn rải xuống nhà và bắn vào
các cụm vườn.” [31; tr. 123]
“Có hai con đường dẫn đến quán. Một
con đường có cây cầu dừa, dành cho
khách đi xuồng, hoặc ghe máy đuôi tôm,
một con đường mòn nhỏ băng qua vườn
mía dẫn vào con đường lớn xuyên qua
127
9
xóm.” [31; tr. 148]
“Sóng nhỏ nhưng lại thường hay nhấn
chìm xuồng ghe. Xuồng ghe tấp vào bờ.
Sóng vẳng rì rầm, buồn và mênh mông”
[31; tr. 149]
“Những cuộc biểu tình ấy, nếu đi xuồng đi
ghe máy đuôi tôm hoặc đi tài thì qua bến
chủ quán rượu.” [31; tr. 154]
“Dưới bến, chẳng có một chiếc xuồng,
ghe nào qua lại.” [31; tr. 157]
“Cù lao của tôi chỉ thua nơi khác là
không có xe hơi, nhưng có xe ngựa, xuồng
ghe thì không đâu bằng - Tàu không có,
nhưng ngày nào lũ nhỏ cù lao cũng thấy
tàu chạy lên chạy xuống. [32; tr. 297]
Lòi tói
“Xuống bến, nó nhảy xuống xuồng, mở lòi
tói cố làm cho dây lòi tói khua rổn rảng,
2
khua thật to, rồi lấy dầm bơi qua sông”
[31; tr. 57]
Máy
“Nói xong, cô khom lưng, giật máy” [31;
tr. 52]
“Trong lúc đó tiếng máy vẫn nổ giòn, và
tôi lại muốn nhìn rõ cô giao liên - người
đang giữ sinh mạng của mình” [31; tr. 64]
“Cô giao liên cho máy nổ to dần, quay lại
sau một lúc rồi bảo:
-Không phải đâu, sao trên trời đó mà.”
[31; tr. 65]
“Có người chưa thật tin, nhưng trước thái
độ thản nhiên của cô, mọi người lại ngồi
128
22
yên. “Sao trên trời đó mà”, giọng nói nhỏ
nhẹ và ngọt ngào. Và cô lại cho máy nổ
to” [31; tr. 66]
“Trong lúc mọi người đang yên tâm, đang
thích thú ngồi trên chiếc xuồng lao nhanh
thì cô giao liên tắt máy báo tin” [31; tr.
66]
“Xuồng lại nổ máy” [31; tr. 69]
“Đang phân vân thời tôi nghe tiếng máy
chạy hu hu, tiếng máy nghe rền rền.” [31;
tr. 111]
“Tôi nghe tiếng máy tàu hu hu mỗi lúc
một gần. Tôi thấy không xong – chém vè
như thế này nó sẽ nắm tóc mình lên tàu
lúc nào không biết” [31; tr. 112]
“Nghe tiếng máy rền rền mỗi lúc một gần,
tôi biết nó đang rượt tôi. Tàu nó chạy
máy, xuồng mình cũng chạy máy, nhưng
mà máy gàn làm sao chạy kịp!” [31 ; tr.
112]
“Y như cái máy tự động, súng vừa nổ thời
tôi cũng vừa trầm mình dưới nước rồi”
[31; tr.114]
“Bắn ba phát- anh tiếp, tôi thấy nước tạt
lên, bọn nó hoảng, liền rồ máy, chạy tán.
Nó chạy tôi cũng chạy” [31; tr.114]
“Thấy chúng nó, ba bốn chiếc cứ đứng
một chỗ mà rồ máy. Chẳng biết thế nào,
tôi đưa tay ngoắt chúng. Thấy tôi ngoắt
chúng tự ái, chúng vừa nổ súng vừa rồ
máy chạy xả lại tôi.” [31; tr.115]
129
“Thấy tôi ngoắt nó lại nổ súng, rồ máy
chạy tới.” [31; tr.115]
“Mỗi lần tắt máy cắm xuống, “sút” hỏa
tiển anh lại đạp xe chạy, chạy ngoằn
ngoèo như con rắn” [31; tr. 115]
“Nó lại rồ máy cất lên, lại siết lại cất lên
cao, rồi lại chúi xuống.” [31; tr. 118]
“Những người chèo thuyền chở khẳm vừa
la ó vừa bấm đèn pin làm hiệu cho những
chiếc xuồng đuôi tôm nhỏ máy lại. Đoàn
xuồng đuôi tôm vừa dứt, tiếng máy nổ mỗi
lúc mỗi xa, tiếng la ó của người đi trên
sông im đi, những đợt sóng đuối sức lặng
tan dần, dòng sông vừa trở lại yên tĩnh,
anh Tám Sơn vừa định kể tiếp câu chuyện
thì tiếng hát của một chiếc xuồng nào đó
lại vang tới” [31; tr. 222]
“Nhưng mầy nên nhớ, người căng buồm
không phải vì nàng thơ, mà vì không đủ
tiền sắm máy. Cho nên nhiều khi tao nghĩ,
cái nghèo là đất sống của cái đẹp.” [32;
tr. 425]
Máy đuôi
tôm
“Khi chiếc xuồng máy đuôi tôm vừa xô ra
bến thì chúng tôi ai cũng muốn biết người
lái ấy là ai.” [31; tr. 49]
“Tiếng máy đuôi tôm nổ to quá như át cả
tiếng máy bay” [31; tr. 66]
“Tôi chẳng biết cái lỗ mũi của cô thính
đến cỡ nào, còn cái tai của cô rõ là thính
thật, tiếng máy bay lẫn trong tiếng máy
đuôi tôm, thật khó nghe” [31; tr. 67]
130
9
“Trên dòng sông nắng chan đầy, sông dài
hun hút. Theo cô giao liên nói thì trước
đây, ngày cũng như đêm, xuồng gắn máy
đuôi tôm lên xuống dập dìu” [31; tr. 82]
“Có hai con đường dẫn đến quán. Một
con đường có cây cầu dừa, dành cho
khách đi xuồng, hoặc ghe máy đuôi tôm,
một con đường mòn nhỏ băng qua vườn
mía dẫn vào con đường lớn xuyên qua
xóm.” [31; tr. 148]
“Những cuộc biểu tình ấy, nếu đi xuồng đi
ghe máy đuôi tôm hoặc đi tài thì qua bến
chủ quán rượu.” [31; tr. 154]
“Anh Tám Sơn kể đến đây thì phải dừng
lại vì một đoàn xuồng máy đuôi tôm đang
chạy ngược qua xuồng chúng tôi. Anh
Tám Sơn dù có say chuyện, nếu anh có
muốn kể tiếp, tôi cũng không thể nào
nghe. Tiếng máy đuôi tôm nổ vang, chiếc
này nối theo chiếc kia quẫy lên từng đợt
sóng lớn.” [31; tr. 222]
“Nhiều lúc mình nghĩ, nếu con sông này
chỉ có tàu, có máy đuôi tôm mà không có
cánh buồm thì con sông này đối với mình
chẳng còn gì là thơ mộng, thật là vô vị, và
nàng thơ sẽ bỏ chạy.” [32; tr. 425]
Neo
“Cái vui cuối cùng là, sau khi gánh hát
nhổ neo đi, lũ nhỏ tụi tôi lại lấy lá dừa kết
thành mão, lấy xơ dừa làm râu, lấy giấy
màu dán vào quấn áo, phân vai cho nhau,
hát lại cái tuồng mình được xem” [32; tr.
299]
131
4
“Năm đó gánh nhổ neo đi rồi nhưng chú
tôi còn nán lại chơi vài ngày với bà con.”
[32; tr. 299]
“Gánh chúng tôi nhổ neo, rời bến.” [32;
tr. 441]
“Sau ba đêm diễn, gánh lại nhổ neo...”
[32; tr. 442]
Sà lan
“Rồi neo lại, cho sà lan cặp vào bến chợ,
1
và đổ bộ” [31; tr.29]
Sào
“Tôi lia sào, chống riết vô rừng tràm”
[31; tr. 115]
4
“Ờ, tiếp thì tiếp anh nói hào hứng - nó bắt
đầu siết, tôi thủ sẵn cây sào, dòm nó” [31;
tr. 118]
“Nó vừa chúi xuống. Xem chừng nó vừa
phụt ra tôi liền đưa sào ra phía trước,
chống xuồng chạy lui lại.” [31; tr. 118]
“Vừa mới gặp mặt, mình đã nghĩ ngay:
đây đúng là cái bến của mình, cái bến của
một tay chèo đường dài quá mỏi mệt. Cắm
sào thôi.” [32; tr. 400]
Tàu
“Nó không thèm chơi ngựa cây, xe hơi,
tàu lặn nữa [31; tr. 20]
“Chiều hôm đó, tàu giặc cứ xình xịch lên
xuống ngoài sông Cửu Long” [31; tr. 29]
“Đám trực thăng Mỹ từ đầu kinh soi lần
lần tới, tiếng động cơ của nó rầm rộ như
hàng chục chiếc tàu thủy đang chạy” [31;
tr. 67]
“Nhìn kỹ, tôi thấy tàu chạy một dọc,
132
30
không biết mấy chiếc đang chạy xả vô
đồng, chạy xấn lại chỗ tôi” [31; tr. 112]
“Tôi nghe tiếng máy tàu hu hu mỗi lúc
một gần. Tôi thấy không xong – chém vè
như thế này nó sẽ nắm tóc mình lên tàu
lúc nào không biết” [31; tr. 112]
“Tàu nó chạy máy, xuồng mình cũng chạy
máy, nhưng mà máy gàn làm sao chạy
kịp!” [31; tr. 112]
“Tôi thấy nước trước mũi tàu nó cứ dựng
đứng lên.” [31; tr. 113]
“Nói cho có trời, chẳng biết có trúng
được thằng nào không, tôi không thấy
nhưng biết chắc tàu của nó bị lủng. Nó
sựng lại, hai chiếc khác kè lại cho mấy
thằng trên tàu lủng đó nhảy qua. Nhìn kỹ,
tôi thấy đó là tàu mủ. Vậy là tôi nắm được
cái nhược của nó rồi.” [31; tr. 114]
“Nước trước mũi tàu nó xối ngược lên
trắng dã.” [31; tr. 115]
“Tôi thấy đầu mũi tàu của nó bốc khói”
[31; tr. 115]
“Không khéo tàu chìm thì uống nước cả
đám. Vậy là nó quay tàu, Chạy tát nước,
chạy xịt khói đít” [31; tr. 115]
“Nửa đêm một chiếc tàu sắp cặp bến. Bọn
lính ùa lên nhà một gia đình không có đàn
ông, gí súng vào lưng đàn bà con nít, lùa
xuống tàu, phóng lửa đốt nhà, rồi chở đi,
chẳng biết đi đâu.” [31; tr. 151]
“Trong một đêm, người làng bơi xuồng ra
133
sông vớt xác bị tàu của chúng đuổi bắn,
phải trở về.” [31; tr. 166]
“Một hôm giặc bố, tàu chiến của giặc neo
giữa sông Cửu Long, bắn phá vào làng”
[31; tr. 168]
“Tàu nhỏ chở quân chạy vào các con
rạch.” [31; tr. 168]
“Như trong trận đánh đoàn tàu giặc trên
sông của tỉnh Long Châu Sa, có một chiến
sĩ đã bắn đến viên đạn thứ chín diệt chín ổ
đề kháng của địch” [31; tr. 214]
“Cù lao của tôi chỉ thua nơi khác là
không có xe hơi, nhưng có xe ngựa, xuồng
ghe thì không đâu bằng - Tàu không có,
nhưng ngày nào lũ nhỏ cù lao cũng thấy
tàu chạy lên chạy xuống. [32; tr. 297]
“Cái thú vui của lũ nhỏ chúng tôi là nhìn
sóng và lúc tắm thì được nhồi sóng mỗi
khi có một con tàu chạy qua bến” [32; tr.
297]
“Tao nhờ một nhân viên của ông ta đóng
thùng, rồi nhờ cả người của ông ta áp tải
bằng tàu biển vào tận bến.” [32; tr. 367]
“Một bên là quốc lộ, một bên là con sông.
Trên quốc lộ là xe tăng, là thiết giáp; dưới
sông là tàu chiến, trên trời là trực thăng.”
[32; tr. 388]
“Tàu chiến bị trúng đạn phụt lửa, xe tăng
bị B41 bốc cháy mềm như sáp.” [32; tr.
389]
“Nhiều lúc mình nghĩ, nếu con sông này
134
chỉ có tàu, có máy đuôi tôm mà không có
cánh buồm thì con sông này đối với mình
chẳng còn gì là thơ mộng, thật là vô vị, và
nàng thơ sẽ bỏ chạy” [32; tr. 425]
“Dì bán cho hành khách trên tàu từ Nam
Vang – Sài Gòn cặp lại bến” [32; tr. 464]
“Khách lần lượt rời ghế ra về, chỉ còn hai
cha con tôi.
- Khuya rồi, chưa dọn sao ba? Cha tôi
hỏi.
-Em còn đợi, em đợi tàu Nam Vang cặp
bến
Dì vừa nói tiếng tàu đã “tul tul” vang lên
trên sông vắng” [32; tr. 466]
Thuyền
“Cái trạm này - một ngôi nhà cất chen
vào giữa một chòm cây giữa khu rừng
2
tràm thưa, mỗi khi có một cơn gió, sóng
nối nhau đập vào tàn cây, nhà lại rung lên
và lắc lư như một con thuyền đang chơi
vơi giữa biển.” [31; tr. 49]
“Những người chèo thuyền chở khẳm vừa
la ó vừa bấm đèn pin làm hiệu cho những
chiếc xuồng đuôi tôm nhỏ máy lại.” [31;
tr. 222]
Xuồng
“Khi chiếc xuồng máy đuôi tôm vừa xô ra
bến thì chúng tôi ai cũng muốn biết người
lái ấy là ai.” [31; tr. 49]
“Bởi vì trước khi đi, người trạm trưởng có
báo cáo với chúng tôi đó là một đoạn
đường dài, một đoạn đi xuồng máy, một
đoạn đi bộ, đi xuồng dễ gặp trực thăng
135
123
soi, anh em phải bình tĩnh, không được
nhốn nháo, không được tự động mà phải
tuyệt đối tuân theo sự điều khiển của
người lái” [31; tr. 49]
“Tình hình yên, không có gì, anh trở lại
dẫn khách đi, còn tôi sang sông lắc xuồng
đem qua” [31; tr. 50]
“Quấn dây vào bánh trớn xong, cô đứng
thẳng người, quay lại nói với xuồng sau:
- Tôi đi trước nhé!
Mấy anh giao liên xuồng sau nhao lên”
[31; tr. 51]
“Xuồng rung lên theo tiếng máy nổ giòn,
từ từ tách ra khỏi vòm cây rậm, rồi rào
rào lướt tới.” [31; tr. 52]
“Xuồng vào bến, thấy một đứa bé độ tám
tuổi tóc cắt ngang vai, mặc quần đen, áo
bông đỏ đang chơi nhà chòi dưới bóng
cây xoài trước sân nhà, đoán biết là con,
không thể chờ xuồng cặp lại bến, anh
nhún chân nhảy thót lên, xô chiếc xuồng
tạt ra, khiến tôi bị chới với” [31; tr. 53]
“Xuống bến, nó nhảy xuống xuồng, mở
lòi tói cố làm cho dây lòi tói khua rổn
rảng, khua thật to, rồi lấy dầm bơi qua
sông” [31; tr. 57]
“Xuồng liền chòng chành, như có người
định lao xuống, người nhốn nháo và nhiều
tiếng lao nhao lên” [31; tr. 65]
“May mà gặp cô giao liên bình tĩnh, cô
mà rối chắc có người đã nhảy rồi, xuồng
136
chắc cũng chìm mất.” [31; tr. 66]
“Xuồng bắt đầu vào một quãng kinh
trống, hai bên bờ không có một ngôi nhà,
xa xa một chòm tre, một lùm cây, hai bên
là cánh đồng hoang. Tôi sốt ruột muốn
cho xuồng lao nhanh hơn. Hình như hiểu
tâm trạng tôi, cô cho máy nổ to. Sóng
trước mũi xuồng trào lên kéo thành những
đợt sóng dài, làm run rẩy đám cỏ hai bên
bờ, vỗ bập bềnh các giề lục bình và các
đám nghể mọc hoang.
Trong lúc mọi người đang yên tâm, đang
thích thú ngồi trên chiếc xuồng lao nhanh
thì cô giao liên tắt máy báo tin” [31; tr.
66]
“Chiếc xuồng sau cũng tấp lại” [31; tr.
67]
“Xuồng chòng chành, có người chới với
muốn té” [31; tr. 67]
“Tôi vừa bước lên thì cô bảo:
- Bác cứ ở đây đi. Xuồng ít người không
sao!” [31; tr. 67]
“Trước thái độ của cô, ngồi cùng một
chiếc xuồng với cô, tôi thấy vững tin hơn
ngồi trong công sự” [31; tr. 67].
“Tôi thấy xuồng mình rõ quá, tôi thấy cái
be dài, thấy những lỗ trống của ba lô dưới
lớp lá ngụy trang, thấy cỏ quặn lên như
trong một cơn lốc” [31 ; tr. 68].
“Xuồng lại nổ máy” [31; tr. 69]
“Theo cô giao liên nói thì trước đây, ngày
137
cũng như đêm, xuồng gắn máy đuôi tôm
lên xuống dập dìu. Từ một năm nay, bọn
Mỹ thường hay cho trực thăng bắn dọc
theo sông. Ban ngày, xuồng ghe không
dám đi nữa.” [31; tr. 82]
“Từ xa, một chiếc xuồng hai chèo đang
thẳng tới. Người đứng chèo là một cô gái,
mặc bộ quần áo bà ba đen. Chiếc vải dù
bông chòng qua vai chị bay phấp phới.
Xuồng cặp lại bến, chị xã đội kéo miếng
vải dù bông quấn qua cổ, mang cây
cacbin qua vai, nhìn vào nhà, cúi chào
chúng tôi” [31; tr. 82]
“Còn cô giao liên một chân để lên mũi
xuồng, vai mang cây bá đỏ, nhìn chị xã
đội rồi nhìn anh bảo vệ của tôi” [31; tr.
83]
“Cuộc trao đổi súng ống xong, chị vừa
định từ giã thì cô giao lên kéo xuồng lại,
rỉ nhỏ vào tai chị cái gì đó, chị bỗng đỏ
mặt” [31; tr. 84]
“Mày chỉ có tài phá tao. Thôi tao về đây.
– Chị vừa nói vừa xô xuồng ra. Nhưng
nghĩ thế nào chị lại cầm chèo quạt ngược
lại cho xuồng cặp vào bến” [31; tr. 84]
“Chị xã đội lại giận dỗi, đưa tay xô
xuồng, có vẻ dứt khoát hơn lần trước. Cô
giao liên liền nắm lấy be xuồng kéo lại và
như sợ chị xã bỏ đi thật.” [31; tr. 84]
“Trên chiếc xuồng của chị, lá ngụy trang
là một lớp tranh tươi được trải một cách
đều đặn, một dàn lưới ny lông trắng được
138
buộc lại cẩn thận, dưới khoang có một vài
con cá nhảy lách chách” [31; tr. 86]
“Thôi đi, đồ quỷ, tao về đây! – Chị vừa
nói vừa đưa tay đẩy xuồng ra vừa vội
vàng từ giã tôi” [31; tr. 87]
“Nhìn lên, tôi thấy xuồng chị đã bung ra
giữa sông, chị so lạ mái chèo rồi nhìn lại
tôi” [31; tr. 87]
“Như xấu hổ với những đều mình nói, chị
quật mạnh mái chèo, xuồng lao như con
thoi” [31; tr. 88]
“Qua ánh trăng thượng tuần, tôi thấy một
người con trai khỏe mạnh, đang quay mũi
xuồng vào hướng qua nhà tôi. Thấy mũi
xuồng chập chờn dập sóng, tôi đoán biết
anh đang sốt ruột. Nước đang dâng cao,
nước lé đé dưới sàn nhà. Anh cho xuồng
lao thẳng vào sân. Xuồng lao nhanh quá,
anh không kịp rà lại, mũi xuồng đụng vào
sàn nhà đánh “cốp” một tiếng. Sóng tạt
lên sàn nhà rung rinh khiến anh em trong
nhà phải kêu lên. Anh rối rít xin lỗi, hỏi
tôi là ai và sốt sắng mời tôi:
-Mời anh xuống xuồng ngồi chơi cho
mát” [31; tr. 88]
“Mũi xuồng cứ nhảy lên nhảy xuống như
muốn giục tôi. Tôi vừa bước xuống thì anh
cũng vừa ra mái dầm cho xuồng quay mũi
ra sông.” [31; tr. 89]
“Anh quay lái xuồng cặp sát cây ô môi
mà nước đã ngập đến nửa thân cây, cành
lá là đà dưới mặt nước, anh buột dây vào
139
một cành to để chiếc xuồng lửng lơ ngoài
trăng” [31; tr. 89]
“Xuồng chòng chành, những làn sóng
nhỏ nối nhau lan dài ra mỗi lúc mỗi xa.”
[31; tr. 91]
“Một hôm cũng đang mùa nước nổi như
thế này, Dung đâm xuồng vào sát tận nhà
tôi” [31; tr. 92]
“Dung để dĩa bánh lên sàn nhà rồi xô
xuồng bơi thẳng” [31; tr. 94]
“Tôi để bánh xuống xuồng giả đi câu, và
chống băng qua ruộng, chui sâu vào một
cụm đế già.”. [31; tr. 95]
“Từ đó ngày nào tôi cũng mong Dung. Hễ
gặp nghe tiếng mái dầm hoặc tiếng “lạch
cạch” của chiếc xuồng nào đó tôi cũng
đều giật mình.” [31; tr. 95]
“Năm, bảy chiếc xuồng kề lại gần một tàn
cây” [31; tr. 110]
“Xuồng đang ngon trớn, mũi va vào lái
xuồng khác đánh cốp một tiếng, xuồng
này thúc xuồng kia, chòng chành, có
người chới với và nhiều tiếng hỏi.” [31; tr.
110]
“Anh Bảy, người kể chuyện, đang ngồi
giữa chiếc xuồng cui lớn. Cạnh bên anh
là một rổ vỏ ốc bươu, một chai rượu đã
cạn, và một cái cốc, một bình tích nước
trà” [31; tr. 111]
“Có người nắm lấy be xuồng, kéo sát lại
xuồng anh.
140
-Sáng hôm đó – anh bắt đầu – tôi mang bá
đỏ chống xuồng ra ruộng thăm lưới. Tôi
vừa gỡ được mấy con cá chày thì thấy trời
trở lạnh.” [31; tr. 111]
“Tôi hoảng quá. Tôi liền nhận xuồng.
Nhưng mà hãy còn tỉnh, trước khi nhận
xuồng, tôi lấy bao thuốc để vô túi, lấy kim
tây gài lại cẩn thận, tôi mới nhảy xuống
nước” [31; tr. 112]
“Tôi úp xuồng lại, chun vô lườn định
chém vè.” [31; tr. 112]
“Tôi chui ra, lắc xuồng, trèo lên, nhằm
rừng tràm rùn mình, chống thẳng. Lúc đó,
sức mạnh chẳng biết ở đâu mà có, xuồng
tôi lao vun vút như tên bắn. Nước trước
mũi xuồng tôi cũng lả ra bọt trào lên
trắng xóa” [31; tr. 112]
“Tàu nó chạy máy, xuồng mình cũng chạy
máy, nhưng mà máy gàn làm sao chạy
kịp!” [31; tr. 112]
“Nó bắn trúng xuồng rồi. Xuồng mà chìm
tôi chỉ có nước chết đuối” [31; tr. 113]
“Tôi lên xuồng. Nhưng không trèo” [31;
tr. 113].
“Trèo ló đầu ra nó bắn nát óc à? Tôi đâu
có dại. Tôi nắm lấy be xuồng ấn xuống rồi
sấp gác nửa thân mình lên rồi lăn lên. Tôi
lấy bá đỏ, chẻ culát, lên đạn rồi lấy cái
xuồng làm công sự.” [31 ; tr.114]
“M113 gặp bá đỏ còn phải ớn, xuồng mủ
thì có cái nước mẹ gì. Húp nước mắm thôi
con ạ! Tôi khạc luôn mấy phát nữa.
141
Xuồng lắc, chắc là trật” [31; tr. 114]
“Xuồng phóng lên, mũi đạp lên mặt, nước
lạch chạch, ào ào, lạch chạch, ào ào.
Xuồng đi như bay” [31; tr. 116]
“Một mình tôi, một chiếc xuồng đang
chơi vơi giữa trời nước, nó không thấy
làm sao được” [31; tr. 116]
“Chân tôi đứng không vững, xuồng cứ lắc
lia. ” [31; tr. 116]
“Mình cũng phải ở trên xuồng. Trầm
mình dưới nước bắn không được thời nó
sẽ sút vô xuồng. Bể xuồng thời chết
đuối.” [31 ; tr. 117]
“Tôi lấy hết gân chống mạnh xuồng chạy
nghe cái rồ.” [31; tr. 118]
“Tôi cho xuồng lách qua trái chống một
cái rét- “cảo cảo xùy...đùng”! Trái thứ
hai rơi ngay chỗ xuồng lúc nãy” [31; tr.
118]
“Lần này tôi lách xuồng lật qua bên phải,
trở lại vị trí cũ.” [31; tr. 118]
“Nó vừa chúi xuống. Xem chừng nó vừa
phụt ra tôi liền đưa sào ra phía trước,
chống xuồng chạy lui lại. Đùng...Hú hồn
hú vía. Nó bắn xém mũi xuồng, nước tát
vô mặt tôi, tôi chới với muốn té” [31; tr.
118]
“Thấy có một cái gì đang cháy tôi liền
chống xuồng lại.” [31; tr. 121]
“Mỗi một ngôi nhà một bên nước và một
bên xuồng [31; tr. 123]
142
“Bọn trực thăng một bầy, khi ba chiếc,
năm chiếc, quay cánh phành phạch bay từ
đầu kinh đến cuối kinh, cứ con đường
thẳng mà bắn, bắn những xuồng ghe đi
lại trên kinh, bắn rải xuống nhà và bắn
vào các cụm vườn.” [31; tr. 123]
“Có hai con đường dẫn đến quán. Một
con đường có cây cầu dừa, dành cho
khách đi xuồng, hoặc ghe máy đuôi tôm,
một con đường mòn nhỏ băng qua vườn
mía dẫn vào con đường lớn xuyên qua
xóm.” [311; tr. 148]
“Sóng nhỏ nhưng lại thường hay nhấn
chìm xuồng ghe. Xuồng ghe tấp vào bờ.
Sóng vẳng rì rầm, buồn và mênh mông.”
[31; tr. 149]
“Những cuộc biểu tình ấy, nếu đi xuồng
đi ghe máy đuôi tôm hoặc đi tài thì qua
bến chủ quán rượu.” [31; tr. 154]
“Dưới bến, chẳng có một chiếc xuồng,
ghe nào qua lại.” [31; tr. 158]
“Nghe những tiếng nổ tiếng trống, và mọi
thứ tiếng vang dội lên mỗi lúc một dữ dội,
chúng thấy cái đồn, cái bót của chúng như
những chiếc xuồng con đang bị sóng của
một cơn bão đang bủa tới, chúng nhớ
những người chúng giết, nhớ những người
chúng bắt, nhớ những người chúng đánh,
nhớ những gia đình do bàn tay chúng phá
tan nát, chúng thấy những người đó đang
tràn tới.” [31; tr. 158]
“Trong một đêm, người làng bơi xuồng ra
143
sông vớt xác bị tàu của chúng đuổi bắn,
phải trở về.” [31; tr. 166]
“Nước vừa tràn đồng, nước lắp xắp,
xuồng không đi được.” [31; tr. 168]
“Chờ khi trời sẩm tối, xuồng của chúng
tôi mới tách bến và rặng lá hai bên bờ
Vàm Cỏ Đông như cũng chờ đến lúc trời
tắt nắng mới rì rào chuyển động, khiến
cho ta có cảm tưởng như gió chiều không
phải từ xa thổi tới mà dậy lên từ trong
những ngọn lá lao xao.” [31; tr. 213]
“Đêm tuy yên tĩnh, tôi vẫn dè dặt không
dám cho xuồng bung ra giữa dòng, tôi
chèo cặp theo rặng lá.” [31; tr. 214]
“Anh Tám Sơn ngồi trước mũi xuồng đối
mặt với tôi, anh khoảng hơn bốn mươi
tuổi, mặt xương, người gầy nhỏ trong bộ
quân phục màu cỏ úa.” [31; tr. 215]
“Anh Tám Sơn kể đến đây thì phải dừng
lại vì một đoàn xuồng máy đuôi tôm đang
chạy ngược qua xuồng chúng tôi. Anh
Tám Sơn dù có say chuyện, nếu anh có
muốn kể tiếp, tôi cũng không thể nào
nghe. Tiếng máy đuôi tôm nổ vang, chiếc
này nối theo chiếc kia quẫy lên từng đợt
sóng lớn. Đó là đoàn xuồng dân công chở
lương thực và đạn dược cho các chiến
trường. Những người chèo xuồng chở
khẳm vừa la ó vừa bấm đèn pin làm hiệu
cho những chiếc xuồng đuôi tôm nhỏ máy
lại. Đoàn xuồng đuôi tôm vừa dứt, tiếng
máy nổ mỗi lúc mỗi xa, tiếng la ó của
144
người đi trên sông im đi, những đợt sóng
đuối sức lặng tan dần, dòng sông vừa trở
lại yên tĩnh, anh Tám Sơn vừa định kể tiếp
câu chuyện thì tiếng hát của một chiếc
xuồng nào đó lại vang tới” [31; tr. 222]
“Bài hát mang theo một âm điệu tha thiết
của dân ca, đúng ra người ta phải đơn ca,
nhưng người trên xuồng đi giữa dòng
sông ngược qua chúng tôi lại đồng ca. Tôi
không biết rõ trên chiếc xuồng ấy có mấy
người, nhưng nghe qua những giọng trầm
đục và khàn khàn tôi đoán là bốn, năm
người đàn ông đang hát.” [31; tr. 223]
“Giọng nữ cao ngân dài như rung trong
không gian. Đi xuồng trên Vàm Cỏ Đông
trong đêm sao, nghe tiếng hát "Vàm Cỏ
Đông" của một cô gái, tôi bỗng thấy bâng
khuâng.” [31; tr. 224]
“Anh Tám Sơn kể tiếp câu chuyện khi
tiếng hát trên chiếc xuồng đã trôi xa.”
[31; tr. 224]
“Còn tôi thì dang tay đập mạnh vào mái
chèo, mũi xuồng cất lên, lướt tới như con
thoi.” [31; tr. 234]
“Tôi vừa rà một mái chèo cho mũi xuồng
quay lại vừa hỏi” [31; tr. 234]
“Anh nắm be xuồng, ngồi hơn nghiêng
một bên, nhìn vào rặng lá.
- Quẹo vô ! Tới rồi !
Tôi cho xuồng rẽ vào một bến nhỏ, mũi
xuồng vừa cỡi lên bãi đất lài, anh bước
145
lên bờ, bảo tôi :
- Ở đây chờ tôi nhé ! Tôi sẽ gọi cháu
xuống. Cô ấy kể cho anh nghe rõ hơn.
Tôi vẫn đứng trên lái xuồng, nhìn theo
ánh đèn pin sáng xanh của anh xa dần vào
những ngôi nhà trong khu vườn.” [31; tr.
235]
“Anh Tám Sơn bước xuống xuồng, đáp lại
với giọng uể oải:
- Cô ấy được phái về đơn vị khác rồi. Đi
trên chiếc xuồng hò hát hồi nãy đó.” [31;
tr. 236]
“Nhớ lại giọng hát tha thiết và diệu vợi
của cô gái đi trên chiếc xuồng giữa dòng
sông, tôi thẫn thờ và nhìn trời [31; tr. 236]
“Cù lao của tôi chỉ thua nơi khác là
không có xe hơi, nhưng có xe ngựa, xuồng
ghe thì không đâu bằng - Tàu không có,
nhưng ngày nào lũ nhỏ cù lao cũng thấy
tàu chạy lên chạy xuống. [32; tr. 297]
“Ai muốn xem hát phải xuống xuồng băng
qua sông, nghe đâu hồi tôi chưa đẻ, có
người mê hát đến nổi chìm xuồng chết
trôi.” [32; tr. 297]
Xuồng máy “Bởi vì trước khi đi, người trạm trưởng có
báo cáo với chúng tôi đó là một đoạn
đường dài, một đoạn đi xuồng máy, một
đoạn đi bộ, đi xuồng dễ gặp trực thăng
soi, anh em phải bình tĩnh, không được
nhốn nháo, không được tự động mà phải
tuyệt đối tuân theo sự điều khiển của
146
2
người lái” [31; tr. 49]
“Tôi nghĩ, nếu người nữ giao liên ấy là
cô đang lái chiếc xuồng máy này thì mình
không đến nỗi lo lắm” [31; tr. 51]
Cộng
4
Nhóm từ
chỉ các hoạt
Cặp
động, trạng
“Không thể chờ xuồng cặp lại bến, anh
nhún chân nhảy thót lên, xô chiếc xuồng
233
5
tạt ra, khiến tôi bị chới với” [31; tr. 53]
thái của các
“Nhưng nghĩ thế nào chị lại cầm chèo
phượng tiện
sông nước
quạt ngược lại cho xuồng cặp vào bến”
[31; tr. 84]
“Anh quay lái xuồng cặp sát cây ô môi mà
nước đã ngập đến nửa thân cây, cành lá
là đà dưới mặt nước, anh buột dây vào
một cành to để chiếc xuồng lửng lơ ngoài
trăng” [31; tr. 89]
“Đêm tuy yên tĩnh, tôi vẫn dè dặt không
dám cho xuồng bung ra giữa dòng, tôi
chèo cặp theo rặng lá.” [31; tr. 214]
“Dì bán cho hành khách trên tàu từ Nam
Vang – Sài Gòn cặp lại bến.” [32; tr. 464]
Chạy
“Đám trực thăng Mỹ từ đầu kinh soi lần
lần tới, tiếng động cơ của nó rầm rộ như
hàng chục chiếc tàu thủy đang chạy” [31;
tr. 67]
“Đang phân vân thời tôi nghe tiếng máy
chạy hu hu, tiếng máy nghe rền rền.” [31;
tr. 111]
“Nhìn kỹ, tôi thấy tàu một dọc, không biết
mấy chiếc đang chạy xả vô đồng, chạy
147
9
xấn lại chỗ tôi” [31; tr. 112]
“Nghe tiếng máy rền rền mỗi lúc một gần,
tôi biết nó đang rượt tôi. Tàu nó chạy
máy, xuồng mình cũng chạy máy, nhưng
mà máy gàn làm sao chạy kịp!” [31; tr.
112]
“Không khéo tàu chìm thì uống nước cả
đám. Vậy là nó quay tàu. Chạy tát nước,
chạy xịt khói đít” [31; tr. 115]
“Cái thú vui của lũ nhỏ chúng tôi là nhìn
sóng và lúc tắm thì được nhồi sóng mỗi
khi có một con tàu chạy qua bến” [31; tr.
297]
Chập chờn
“Thấy mũi xuồng chập chờn dập sóng, tôi
đoán biết anh đang sốt ruột” [31; tr. 88]
1
Chìm
“May mà gặp cô giao liên bình tĩnh, cô
4
mà rối chắc có người đã nhảy rồi, xuồng
chắc cũng chìm mất.” [31; tr. 66]
“Nó bắn trúng xuồng rồi. Xuồng mà chìm
tôi chỉ có nước chết đuối” [31; tr. 113]
“Không khéo tàu chìm thì uống nước cả
đám. Vậy là nó quay tàu. Chạy tát nước,
chạy xịt khói đít” [31; tr. 115]
“Ai muốn xem hát phải xuống xuồng băng
qua sông, nghe đâu hồi tôi chưa đẻ, có
người mê hát đến nổi chìm xuồng chết
trôi.” [32; tr. 297]
Chòng
chành
“Xuồng liền chòng chành, như có người
định lao xuống, người nhốn nháo và nhiều
tiếng lao nhao lên” [31; tr. 65]
148
4
“Xuồng chòng chành, có người chới với
muốn té” [31; tr. 67]
“Xuồng chòng chành, những làn sóng
nhỏ nối nhau lan dài ra mỗi lúc mỗi xa.”
[31; tr. 91]
“Xuồng đang ngon trớn, mũi va vào lái
xuồng khác đánh cốp một tiếng, xuồng này
thúc xuồng kia, chòng chành, có người
chới với và nhiều tiếng hỏi.” [31; tr. 110]
Chơi vơi
“Cái trạm này - một ngôi nhà cất chen
vào giữa một chòm cây giữa khu rừng
tràm thưa, mỗi khi có một cơn gió, sóng
nối nhau đập vào tàn cây, nhà lại rung lên
và lắc lư như một con thuyền đang chơi
vơi giữa biển” [31; tr. 49]
2
“Một mình tôi, một chiếc xuồng đang
chơi vơi giữa trời nước, nó không thấy
làm sao được” [31; tr. 116]
Hu hu
“Đang phân vân thời tôi nghe tiếng máy
chạy hu hu, tiếng máy nghe rền rền.” [31;
tr. 111]
2
“Tôi nghe tiếng máy tàu hu hu mỗi lúc
một gần. Tôi thấy không xong – chém vè
như thế này nó sẽ nắm tóc mình lên tàu
lúc nào không biết” [31; tr. 112]
Lạch cạch
“Từ đó ngày nào tôi cũng mong Dung. Hễ
gặp nghe tiếng mái dầm hoặc tiếng “lạch
cạch” của chiếc xuồng nào đó tôi cũng
đều giật mình.” [31; tr. 95]
1
Lao
“Tôi sốt ruột muốn cho xuồng lao nhanh
4
149
hơn” [31; tr. 66]
“Trong lúc mọi người đang yên tâm, đang
thích thú ngồi trên chiếc xuồng lao nhanh
thì cô giao liên tắt máy, báo tin” [31; tr.
66]
“Như xấu hổ với những đều mình nói, chị
quật mạnh mái chèo, xuồng lao đi như con
thoi” [31; tr. 88]
“Xuồng lao nhanh quá, anh không kịp rà
lại, mũi xuồng đụng vào sàn nhà đánh
“cốp” một tiếng” [31; tr. 88]
Lắc lia
“Chân tôi đứng không vững, xuồng cứ lắc
lia. ” [31; tr. 116]
1
Lửng lơ
“Anh quay lái xuồng cặp sát cây ô môi mà
1
nước đã ngập đến nửa thân cây, cành lá
là đà dưới mặt nước, anh buột dây vào
một cành to để chiếc xuồng lửng lơ ngoài
trăng” [31; tr. 89]
Lướt
“Xuồng rung lên theo tiếng máy nổ giòn,
từ từ tách ra khỏi vòm cây rậm, rồi rào
rào lướt tới.” [31; tr. 52]
1
Rền rền
“Đang phân vân thời tôi nghe tiếng máy
chạy hu hu, tiếng máy nghe rền rền.” [31;
tr. 111]
2
“Nghe tiếng máy rền rền mỗi lúc một gần,
tôi biết nó đang rượt tôi. Tàu nó chạy
máy, xuồng mình cũng chạy máy, nhưng
mà máy gàn làm sao chạy kịp!” [31; tr.
112]
Rung
“Xuồng rung lên theo tiếng máy nổ giòn,
150
1
từ từ tách ra khỏi vòm cây rậm, rồi rào
rào lướt tới.” [31; tr. 52]
Vun vút
“Lúc đó, sức mạnh chẳng biết ở đâu mà
1
có xuồng tôi lao vun vút như mũi tên bắn.
Nước trước mũi xuồng tôi cũng lả ra bọt
trắng xóa” [31; tr. 112]
Xình xịch
“Chiều hôm đó, tàu giặc cứ xình xịch lên
xuống ngoài sông Cửu Long” [31; tr. 29]
Cộng
5
Nhóm từ
Bơi
chỉ các hoạt
động sinh
hoạt vùng
sông nước
1
40
“Xuống bến, nó nhảy xuống xuồng, mở lòi
5
tói cố làm cho dây lòi tói khua rổn rảng,
khua thật to, rồi lấy dầm bơi qua sông”
[31; tr. 57]
“Anh vừa bơi vừa hỏi tôi mấy câu để làm
quen; công tác, sức khỏe và chuyện đi
đường.” [31; tr. 89]
“Dung để dĩa bánh lên sàn nhà rồi xô
xuồng bơi thẳng” [31; tr. 94]
“Anh Bảy đang nói đấy, giọng oang oang.
Một anh bạn nhà báo của tôi liền rạp
mình, thọc sâu mái dầm bơi nhanh lại.”
[31; tr. 110]
“Trong một đêm, người làng bơi xuồng ra
sông vớt xác bị tàu của chúng đuổi bắn,
phải trở về.” [31; tr. 166]
Chèo
“Từ xa, một chiếc xuồng hai chèo đang
thẳng tới. Người đứng chèo là một cô gái,
mặc bộ quần áo bà ba đen” [31; tr. 82]
Đêm tuy yên tĩnh, tôi vẫn dè dặt không
dám cho xuồng bung ra giữa dòng, tôi
151
6
chèo cặp theo rặng lá.” [ 31; tr. 214]
“Những người chèo thuyền chở khẳm vừa
la ó vừa bấm đèn pin làm hiệu cho những
chiếc xuồng đuôi tôm nhỏ máy lại.” [31;
tr. 222]
“Bài hát bỗng như khác hẳn đi khiến tôi
phải dừng chèo lắng nghe.” [31; tr. 223]
“Vừa mới gặp mặt, mình đã nghĩ ngay:
đây đúng là cái bến của mình, cái bến của
một tay chèo đường dài quá mỏi mệt.”
[31; tr. 400]
Lặn
“Tôi lặn dưới sông móc tới đứng bóng,
nắn tới trâu ăn no, đây cậu” [31; tr. 20]
3
“Cháu nhảy xuống, lặn một hơi qua bờ”
[31; tr.40]
“Vợ tao ra sông tắm. Đâu có ngờ, Hiền
không trở lên nữa. Cả xóm đổ xuống sông,
mò lặn khắp nơi” [ 32; tr. 427]
Neo
“Rồi neo lại, cho sà lan cặp vào bến chợ,
và đổ bộ” [31; tr. 29]
2
“Một hôm giặc bố, tàu chiến của giặc neo
giữa sông Cửu Long, bắn phá vào làng”
[31; tr. 168]
Tắm
“Cái thú vui của lũ nhỏ chúng tôi là nhìn
sóng và lúc tắm thì được nhồi sóng mỗi
khi có một con tàu chạy qua bến” [32; tr.
297]
“Đánh giặc bằng ống thụt, tắm sông,
nhảy từ lan can cầu xuống, hay leo dừa,
leo xoài, lật đất cày bắt dế hay đá cá lia
152
4
thia, cái gì tao chơi mầy cũng chơi, khỏi
hỏi, khỏi nói, được mầy là tao khỏe.” [32;
tr. 387]
“Con ma da thường hay rút chân những
người tắm sông.” [32; tr. 422]
“Vợ tao ra sông tắm. Đâu có ngờ, Hiền
không trở lên nữa. Cả xóm đổ xuống sông,
mò lặn khắp nơi” [32; tr. 427]
6
Nhóm từ
chỉ ngành
nghề truyền
thống của
vùng sông
nước
Cộng
“Gia đình Dung cũng như hầu hết dân
làng đều sống bằng nghề ruộng và cá.”
[31; tr. 91]
20
Đánh cá
“Ngoài mùa lúa, mỗi năm nước lên, chị
phải làm cả nghề đánh cá nữa: Giăng
câu, đặt lờ, đặt lợp” [31; tr. 124]
1
Làm mắm
“Ngày chị làm cá đem muối, đem phơi,
rang gạo, xay thính, làm mắm.” [31; tr.
1
Cá
1
124]
Ruộng
“Gia đình Dung cũng như hầu hết dân
làng đều sống bằng nghề ruộng và cá.”
[31; tr. 91]
3
“Một số cô gái, một số trai làng vốn sống
bằng nghề ruộng sau một vài mùa đi
buôn, đi chợ thì trở nên hư hỏng.” [31; tr.
91]
“Tôi nghĩ, nếu Dung bị tàn phế đến mức
không còn làm gì được thì sau khi đánh
Mỹ xong, tôi sẽ về làm ruộng nuôi Dung
đến suốt đời.” [31; tr. 106]
Cộng
6
153
7
Nhóm từ
Cần câu
chỉ các
dụng cụ
“Ban ngày, chúng tôi chẳng biết đi đâu,
1
hết nằm lại ngồi, có lúc thấy cuồng chân,
thật tù túng, nhưng lại có cái vui bù là
đánh bắt
thọc cần câu ra khỏi nhà để câu cá. Ngày
câu cá đã đủ ăn rồi, đêm không ai muốn
câu nữa” [31; tr.48]
Lờ
“Ngoài mùa lúa, mỗi năm nước lên, chị
3
phải làm cả nghề đánh cá nữa: Giăng
câu, đặt lờ, đặt lợp” [31; tr. 124]
“Đêm chị thức để thăm lưới, hoặc đổ lợp,
đổ lờ.” [31; tr. 124]
“Chúng tôi lại nhắc đến mùa nước nổi.
Mùa giăng câu, đặt lợp, đặt lờ trên đồng
nước” [32; tr. 396]
Lợp
“Ngoài mùa lúa, mỗi năm nước lên, chị
phải làm cả nghề đánh cá nữa: Giăng
3
câu, đặt lờ, đặt lợp” [31; tr. 124]
“Đêm chị thức để thăm lưới, hoặc đổ lợp,
đổ lờ.” [31; tr. 124]
“Chúng tôi lại nhắc đến mùa nước nổi.
Mùa giăng câu, đặt lợp, đặt lờ trên đồng
nước” [32; tr. 396]
Lưới
“Trên chiếc xuồng của chị, lá ngụy trang
là một lớp tranh tươi được trải một cách
đều đặn, một dàn lưới ny lông trắng được
buộc lại cẩn thận, dưới khoang có một vài
con cá nhảy lách chách” [31; tr. 86]
“Sáng hôm đó – anh bắt đầu – tôi mang
bá đỏ chống xuồng ra ruộng thăm lưới.
Tôi vừa gỡ được mấy con cá chày thì thấy
154
3
trời trở lạnh.” [31; tr. 111]
“Đêm chị thức để thăm lưới, hoặc đổ lợp,
đổ lờ.” [31; tr. 124]
Lưỡi câu
“Con nhồng đẹp lạ lắm. Nó như một cô
công chúa khoác chiếc áo choàng đen, ấy
là bộ lông mượt mà của nó, từ mí mắt kéo
1
đến cổ nó là một đường vàng hình lưỡi
câu.” [32; tr. 428]
Cộng
8
Nhóm từ
chỉ các hình
thức đánh
bắt
Câu
11
“Ban ngày, chúng tôi chẳng biết đi đâu,
hết nằm lại ngồi, có lúc thấy cuồng chân,
thật tù túng, nhưng lại có cái vui bù là
thọc cần câu ra khỏi nhà để câu cá. Ngày
câu cá đã đủ ăn rồi, đêm không ai muốn
4
câu nữa” [31; tr.48]
“Tôi để bánh xuống xuồng giả đi câu, và
chống băng qua ruộng, chui sâu vào một
cụm đế già.” [31; tr. 95]
Giăng câu
“Ngoài mùa lúa, mỗi năm nước lên, chị
phải làm cả nghề đánh cá nữa: Giăng
câu, đặt lờ, đặt lợp” [31; tr. 124]
2
“Chúng tôi lại nhắc đến mùa nước nổi.
Mùa giăng câu, đặt lợp, đặt lờ trên đồng
nước” [32 ; tr. 396]
Đặt lờ
“Ngoài mùa lúa, mỗi năm nước lên, chị
phải làm cả nghề đánh cá nữa: Giăng
câu, đặt lờ, đặt lợp” [31; tr. 124]
“Chúng tôi lại nhắc đến mùa nước nổi.
Mùa giăng câu, đặt lợp, đặt lờ trên đồng
nước” [32; tr. 396]
155
2
Đặt lợp
“Ngoài mùa lúa, mỗi năm nước lên, chị
2
phải làm cả nghề đánh cá nữa: Giăng
câu, đặt lờ, đặt lợp” [31; tr. 124]
“Chúng tôi lại nhắc đến mùa nước nổi.
Mùa giăng câu, đặt lợp, đặt lờ trên đồng
nước” [42; tr. 396]
Cộng
9
Nhóm từ
Đế
chỉ tên thực
“Tôi để bánh xuống xuồng giả đi câu, và
10
5
chống băng qua ruộng, chui sâu vào một
vật vùng
sông nước
cụm đế già. Đồng chí cán bộ bẻ hai cọng
đế làm đũa, xởi xởi từng cọng bánh, gắp
ra một lá thư nhỏ. Xem thư xong đồng chí
cán bộ liền nhờ tôi đưa qua một làng
khác. Trở về tôi nghe nói bọn biệt kích
vừa ruồng qua cụm đế đó” [31; tr. 95]
“Buổi trưa chúng tôi họp trong cụm đế
già” [31; tr. 95]
“Công sự cách xa cái hầm của các con
chị mấy tầm đất. Công sự nằm lẫn trong
cụm đế già” [31; tr. 140]
Điên điển
“Với mầy thì tao khỏi nói, ăn cá chốt hay
cá linh, ăn đọt xoài chấm mắm hay bông
điên điển làm nhưn bánh xèo, mầy biết
ráo.” [32; tr. 387]
1
Gáo
“Ngọn đèn lù mù như cái bông gáo” [31;
tr. 36]
1
“Chị Bảy thấy ba chiếc trực thăng đang
quần bắn vùng cây gáo, xóm nhà của chị”
[31; tr. 137]
Lác
“Xỏ sợi dây lác qua mang cá, tao xách
156
2
tòng teng.” [32; tr. 369]
“Tôi với dì cùng ngồi trên chiếc võng lác,
tay dì choàng qua vai tôi rất âu yếm, dì
vừa nói vừa nhìn qua sông ngả ánh sáng
hoàng hôn, dì nhìn sông hay nhìn về một
giề lục bình? Giề lục bình mồ côi, một
mình với con sông, lừng lững trôi” [32; tr.
463]
Lá dứa
“Cha con tôi ngồi xuống ghế thì hai tô
4
cháo, hai đĩa thịt kho tiêu cũng vừa đặt
xuống bàn. Tô cháo bộc mùi thơm lá dứa”
[32; tr. 465]
“Nhớ tô cháo mùi lá dứa, với miếng thịt
kho tiêu, tôi phát thèm” [32; tr. 468]
“Bây giờ dì phải chạy đi tìm lá dứa,
không biết cái xóm này có ai trồng không”
[32 ; tr. 468]
“Cả ngày hôm đó, dì đi ruồng từ đầu trên,
xóm dưới tìm lá dứa” [32; tr. 468]
Lúa
“Cháu dừng lại trên bờ mẫu, những đợt
sóng lúa xanh nhỏ nối nhau rập rờn như
chạy đến vỗ về cháu.” [31; tr. 76]
3
“Chỉ nhớ đó là mùa khô, lúa đã gặt
xong.” [31; tr. 95]
“Ngoài mùa lúa, mỗi năm nước lên, chị
phải làm cả nghề đánh cá nữa: Giăng
câu, đặt lờ, đặt lợp” [31; tr. 124]
Lục bình
“Sóng trước mũi xuồng trào lên kéo thành
những đợt sóng dài, làm run rẩy đám cỏ
hai bên bờ, vỗ bập bềnh các giề lục bình
157
6
và các đám nghể mọc hoang” [31; tr. 66]
“Nhà cửa hai bên bờ dời sâu vô đồng,
dòng sông vắng lặng, chỉ có những giề lục
bình trôi lên, trôi xuống.” [31; tr. 82]
“Chị nhờ cái mái tóc dày, lưỡi dao của kẻ
thù không phạt qua cổ chị được. Chị
nương theo lục bình, lộn trở về.” [31; tr.
229]
“Tôi với dì cùng ngồi trên chiếc võng lác,
tay dì choàng qua vai tôi rất âu yếm, dì
vừa nói vừa nhìn qua sông ngả ánh sáng
hoàng hôn, dì nhìn sông hay nhìn về một
giề lục bình? Giề lục bình mồ côi, một
mình với con sông, lừng lững trôi” [31; tr.
463]
“Tôi đang ngồi với cha tôi, cũng lại vào
một buổi chiều nhìn ra con sông, và trên
con sông cũng có những giề lục bình trôi”
[31; tr. 469]
Nghể
“Sóng trước mũi xuồng trào lên kéo thành
những đợt sóng dài, làm run rẩy đám cỏ
hai bên bờ, vỗ bập bềnh các giề lục bình
và các đám nghể mọc hoang” [31; tr. 66]
1
Ô môi
“Anh quay lái xuồng cặp sát cây ô môi mà
nước đã ngập đến nửa thân cây, cành lá
4
là đà dưới mặt nước, anh buột dây vào
một cành to để chiếc xuồng lửng lơ ngoài
trăng” [31; tr. 89]
“Cờ mà Dung nói là màu đỏ của hoa ô
môi. Trong ánh nắng chói chang, hoa ô
môi đỏ rực những lá cờ lớn trải trên tàn
158
cây, nối tiếp nhau từ đầu làng đến cuối
làng. Làng bổng rực rỡ, sáng đẹp lạ lùng.
Màu đỏ thắm của hoa ô môi như kích
thích chúng tôi khiến tôi yêu tha thiết cái
làng của mình.” [31; tr. 98]
Tràm
“Cái trạm này - một ngôi nhà cất chen
4
vào giữa một chòm cây giữa khu rừng
tràm thưa, mỗi khi có một cơn gió, sóng
nối nhau đập vào tàn cây, nhà lại rung lên
và lắc lư như một con thuyền đang chơi
vơi giữa biển” [31; tr. 49]
“Tôi chui ra, lắc xuồng, trèo lên, nhằm
rừng tràm rùn mình, chống thẳng.” [31;
tr. 112]
“Tôi chống hết gân, chạy được một lúc,
sắp tới rừng tràm, mệt quá.” [31; tr. 115]
“Tôi lia sào, chống riết vô rừng tràm”
[31; tr. 115]
Trâm bầu
“Đó là một cây trâm bầu lớn bị đạn hỏa
tiễn, lửa hãy còn nghi ngút” [31; tr. 121]
3
“Chị và Lành bước vào rặng cây trâm
bầu dẫn vào khu vườn bên bờ kinh thì trời
vừa đâm mây ngang, và từ xa có tiếng
cánh quạt phành phạch của trực thăng”
[31; tr. 135]
“Lành kéo chị xuống một cái hầm dài dọc
theo hàng trâm bầu” [31; tr. 135]
Trứng cá
“Cây trứng cá trước sân nhà đã hết mùa,
chim chóc ít đến” [31; tr. 19]
“Đứng gió, cây trứng cá yên lặng, buồn
159
4
hiu.” [31; tr. 19]
“Bào rón rén bước ra cây trứng cá nhìn
lên” [31 ; tr. 22]
“Nhánh cây trứng cá mềm quằn xuống”
[31; tr. 25]
Cộng
10
Nhóm từ chỉ
tên động vật
vùng sông
nước
Cá
38
“Đất rơi tòm xuống ao cá” [31; tr. 22]
“Ban ngày, chúng tôi chẳng biết đi đâu,
hết nằm lại ngồi, có lúc thấy cuồng chân,
thật tù túng, nhưng lại có cái vui bù là
thọc cần câu ra khỏi nhà để câu cá. Ngày
câu cá đã đủ ăn rồi, đêm không ai muốn
câu nữa” [31; tr. 48]
“Sau lưng cháu là đám dừa bị chất độc
hóa học mà tàu lá chỉ còn những cọng khô
như những chiếc xương cá khổng lồ treo
lủng lẳng, đọt non vừa mới đâm lên, xa
trông như một rừng gươm” [31; tr. 76]
“Trên chiếc xuồng của chị, lá ngụy trang
là một lớp tranh tươi được trải một cách
đều đặn, một dàn lưới ny lông trắng được
buộc lại cẩn thận, dưới khoang có một vài
con cá nhảy lách chách” [31; tr. 86]
“Ngoài mùa lúa, mỗi năm nước lên, chị
phải làm cả nghề đánh cá nữa: Giăng
câu, đặt lờ, đặt lợp” [31; tr. 124]
“Ngày chị làm cá đem muối, đem phơi,
rang gạo, xay thính, làm mắm.” [31; tr.
124]
“Đứa con gái thứ tư, tám tuổi, người
mảnh khảnh, mắt sáng, môi mỏng, miệng
160
16
nói lia lia, nó gắp từng miếng cá nhỏ, ăn
nhỏ nhẹ như mèo. Thằng Năm, sáu tuổi
đầu nhiều ghẻ, cạo trọc tròn như bông
gáo, thằng ít nói mà cộc, nó ăn chậm chạp
nhưng đã gắp cá thì gắp nguyên con, đứa
con gái thứ sáu, bốn tuổi, thì hiền như chị.
Nó vừa mới tập cầm đũa, nó và cơm bằng
đũa, nhưng ăn cá bằng tay” [31; tr. 129]
“Bước ra sân, xa ngôi nhà nhỏ ấm áp với
mùi cơm, mùi canh, mùi cá, cái không khí
trong lành bên ngoài không mùi, không vị
đối với chị thật lạt lẽo, và chị thấy lạnh,
thấy hối hận sao mình nổi giận với con.
[31; tr. 133]
“Xỏ sợi dây lác qua mang cá, tao xách
tòng teng.” [32; tr. 369]
“Lẩn quẩn thế nào, tao tạt vô chỗ bán cá
lia thia. Người chơi cá cứ dụm đầu vào
cái keo con cá xiêm. Con cá Xiêm xoè
cánh rực rỡ.” [32; tr. 369]
“Tao nghe người ta trả giá mà hết hồn:
Bảy chục, rồi tám chục, chín chục. Thằng
cha bán cá vừa đưa tay chém xuống một
cách dứt khoát: "Một trăm! Không bớt
một đồng xu".” [32; tr. 360]
“Những bức tranh thủy mạc, non nước
hữu tình, những bức tranh vẽ khỉ, vẽ ngựa,
vẽ chim, vẽ cá, tôm...” [32; tr. 272]
“Cái đất sinh ra ông là Cái Cùng, tên Cái
Cùng gợi cho người ta một vùng đất
hoang sơ của U Minh, một vùng còn rừng
còn những con rắn khổng lồ đêm đêm treo
161
mình giữa hai thân cây, tự lấy thân mình
làm gàu “bành bạch” tát nước giữa đêm
khuya để bắt cá.” [32; tr. 409]
Cá chày
“Uống xong, một lúc sau đôi mắt ông đỏ
ngầu như mắt cá chày” [31; tr.33]
2
-Sáng hôm đó – anh bắt đầu – tôi mang bá
đỏ chống xuồng ra ruộng thăm lưới. Tôi
vừa gỡ được mấy con cá chày thì thấy trời
trở lạnh.” [31; tr. 111]
Cá chốt
“Với mầy thì tao khỏi nói, ăn cá chốt hay
cá linh, ăn đọt xoài chấm mắm hay bông
điên điển làm nhưn bánh xèo, mầy biết
ráo” [31; tr. 387]
1
Cá lẹp
“Chiếc trực thăng hình con cá lẹp, như
1
con diều hâu sắt vừa quay cánh vừa sà
thấp xuống, chưa kịp phóng rốc két thì
bùng lên thành một đám cháy.” [32; tr.
388]
Cá lia thia
“Lẩn quẩn thế nào, tao tạt vô chỗ bán cá
lia thia. Người chơi cá cứ dụm đầu vào
cái keo con cá xiêm.” [32; tr. 369]
“Con cá lóc trong tay tao, lớn bằng bắp
chuối, chỉ có hơn hai đồng. Còn con cá lia
thia này lớn không bằng ngón tay cái mà
một trăm đồng.” [32; tr. 370]
“Đánh giặc bằng ống thụt, tắm sông, nhảy
từ lan can cầu xuống, hay leo dừa, leo
xoài, lật đất cày bắt dế hay đá cá lia thia,
cái gì tao chơi mầy cũng chơi, khỏi hỏi,
khỏi nói, được mầy là tao khỏe.” [32; tr.
162
3
387]
Cá linh
“Với mầy thì tao khỏi nói, ăn cá chốt hay
cá linh, ăn đọt xoài chấm mắm hay bông
1
điên điển làm nhưn bánh xèo, mầy biết
ráo.” [32; tr. 387]
Cá lóc
“Một hôm tao ra chợ Cầu Ông Lãnh mua
một con cá lóc để kho tiêu cho vợ. Bả vừa
3
mới sanh thằng con trai. Con cá lóc gần
hai ký, bằng cái bắp chuối của tao.” [32;
tr. 369]
“Con cá lóc trong tay tao, lớn bằng bắp
chuối, chỉ có hơn hai đồng. Còn con cá lia
thia này lớn không bằng ngón tay cái mà
một trăm đồng.” [32; tr. 370]
Cá rô
“Buổi cơm chiều hôm nay có canh chua,
cá rô và cá trê kho khô, bọn nhỏ ăn rất
1
ngon.” [31; tr. 128]
Cá trê
“Buổi cơm chiều hôm nay có canh chua,
cá rô và cá trê kho khô, bọn nhỏ ăn rất
ngon.” [31; tr. 128]
1
Cá xiêm
“Lẩn quẩn thế nào, tao tạt vô chỗ bán cá
lia thia. Người chơi cá cứ dụm đầu vào
cái keo con cá xiêm. Con cá xiêm xoè
2
cánh rực rỡ.” [32; tr. 369]
Cò
“Đàn cò đứng ngủ không yên, một vài con
vỗ cánh bay chấp chới” [31; tr. 49]
“Nó không thể thu mình cho nhỏ lại, nó
đành phải đi lom khom, cái đầu gáo dừa
của nó cuối xuống, đưa về phía trước, còn
163
3
hai cặp giò, nó không thể rùng xuống
được, nó lêu nghêu như con cò” [32; tr.
318]
“Đó là anh chàng thanh niên độ hai mươi
bốn, hai lăm, con nhà giàu xứ Bạc Liêu,
ruộng đất cò bay thẳng cánh, từng học ở
Sài Gòn, lấy bằng điplôm” [32; tr. 438]
Cua
“Trong đời có bao nhiêu cách sống, sao
1
chọn bia ôm? Nghèo thì mò cua bắt ốc!”
[32; tr. 326]
Đỉa
“Chị Bảy đang lom khom quấn dây để
chống đỉa” [31; tr. 130]
1
Ếch
“Cái thằng đồn trưởng đó nó giương hai
đôi mắt ếch mà nhìn chị” [31; tr. 80]
1
Lươn
“Đến năm lớp ba, nhờ một người Tàu bán
tương chỉ cho một bài thuốc gia truyền:
1
cháo lươn với đậu xanh, vừa mát vừa xổ
chất độc” [32; tr. 387]
Ốc
“Bào nhặt nhánh ổi, lấy mảnh vỏ ốc
chuốc thành nạng” [31; tr. 22]
2
“Trong đời có bao nhiêu cách sống, sao
chọn bia ôm? Nghèo thì mò cua bắt ốc!”
[32; tr. 326]
Ốc bươu
“Anh Bảy, người kể chuyện, đang ngồi
giữa chiếc xuồng cui lớn. Cạnh bên anh là
một rổ vỏ ốc bươu, một chai rượu đã cạn,
và một cái cốc, một bình tích nước trà”
[31; tr. 111]
1
Rắn
“Mỗi lần tắt máy cắm xuống, “sút” hỏa
4
164
tiễn anh lại đạp xe chạy, chạy ngoằn
ngoèo như con rắn” [31; tr. 115]
“Bọn trực thăng muốn bắn thì phải bay
ngoằn ngoèo như con rắn và phải đến tận
từng nhà” [31; tr. 123]
“Hầm hố của chị luôn được ngụy trang kỹ
và chẳng bao giờ có rắn” [31; tr. 124]
“Cái đất sinh ra ông là Cái Cùng, tên Cái
Cùng gợi cho người ta một vùng đất
hoang sơ của U Minh, một vùng còn rừng
còn những con rắn khổng lồ đêm đêm treo
mình giữa hai thân cây, tự lấy thân mình
làm gàu “bành bạch” tát nước giữa đêm
khuya để bắt cá.” [32; tr. 409]
Tôm
“Những bức tranh thủy mạc, non nước
hữu tình, những bức tranh vẽ khỉ, vẽ ngựa,
vẽ chim, vẽ cá, tôm...” [31; tr. 272]
1
Vịt
“Tao sẽ nuôi mày như nuôi vịt trong ống
6
tre. Người sẽ tóp lại, đùi sẽ lớn ra” [31; tr.
142]
“Đúng là Tư Sang, làm nghề chăn vịt. Vịt
của anh chăn có hàng ngàn con.” [32; tr.
306]
“Từ đó anh nổi danh. Cũng làm nghề
chăn vịt, nhưng ai gặp cũng cuối chào
hoặc niềm nở, hỏi han.” [32; tr. 308]
“Vào một buổi chiều, anh lùa vịt về, vừa
bước vào chòi, chưa kịp thổi cơm, đang
trò chuyện với tôi thì có một ông, không
già lắm, nhưng để râu ba chòm, mặc áo
bà ba lụa lèo, đội mũ trắng, bước vào”
165
[32; tr. 309]
“Thần tượng của tôi lắc đầu, giọng cũng
buồn rầu anh nói anh là người xứ lạ,
không có đất dung thân. Xiêu bạc về đây
làm nghề chăn vịt, nuôi thân.” [32; tr.
310]
Cộng
11
Nhóm từ
Bánh lọt
chỉ tên các
món ăn
52
“Tôi sống bằng nghề bán bánh lọt” [31;
3
tr. 175]
“Mấy thầy cũng ăn bánh lọt nữa à! Người
khách nghèo hỏi.” [31; tr. 175]
sông nước
“Khi người tài xế bưng hai tô bánh lọt
đem lại xe, hỏi bà khách hàng, tôi mới biết
người ngồi trên xe là thư ký riêng của
quận trưởng” [31; tr. 175]
Bánh tằm
“Dung làm bánh tằm xe đi bán rong” [31;
tr. 92]
“Bánh tằm nước cốt dừa của Dung chẳng
có gì đặc biệt nhưng lại đắt khách, hầu
như cả làng đều ăn, nhất là bọn lính trong
đồn và dân ăn chơi. Một số bọn mất dạy
thường hay nói với nhau: “bánh tằm con
Dung nó xe trên bắp vế non của nó nhờ
vậy mà béo” [31; tr. 92;]
“Tôi chẳng bao giờ ăn bánh tằm của cô”
[31; tr. 92]
“Một hôm cũng đang mùa nước nổi như
thế này, Dung đâm xuồng vào sát tận nhà
tôi. Vì đang bực mình, tôi muốn đuổi cô ta
đi. Tôi nằm trên sàn, nói vọng ra, giọng
166
8
rất xẵng:
-Tôi không ăn bánh tằm” [31; tr. 92]
“Nói xong Dung khoát nước rửa tay, xếp
bánh tằm vào dĩa rưới qua một gáo nước
cốt dừa, chan một muỗng nước mắm đưa
cho tôi” [31; tr. 93, 94]
“Tôi đồng ý nhận làm chỉ huy trưởng.
Ngày nào tôi cũng vào đồn bán bánh tằm
cho chúng, cho cả gia đình vợ con chúng,
tôi biết rõ từng đường đi nước bước của
chúng. Tôi đánh được. Nhưng tôi có một
nhược điểm. Làm chỉ huy trưởng phải la,
phải hét cho bọn nó nghe. Nhưng khi bọn
nó nghe tiếng của tôi, biết là tiếng của cô
bán bánh tằm, bọn nó không sợ” [31; tr.
96]
Bánh xèo
“Với mầy thì tao khỏi nói, ăn cá chốt hay
1
cá linh, ăn đọt xoài chấm mắm hay bông
điên điển làm nhưn bánh xèo, mầy biết
ráo.” [32; tr. 387]
“Buổi cơm chiều hôm nay có canh chua,
cá rô và cá trê kho khô, bọn nhỏ ăn rất
ngon.” [31; tr. 128]
1
Cháo Lươn “Đến năm lớp ba, nhờ một người Tàu bán
1
Canh chua
tương chỉ cho một bài thuốc gia truyền:
cháo lươn với đậu xanh, vừa mát vừa xổ
chất độc” [32; tr. 387]
Kho khô
“Buổi cơm chiều hôm nay có canh chua,
cá rô và cá trê kho khô, bọn nhỏ ăn rất
ngon.” [31; tr. 128]
167
1
Kho tiêu
“Một hôm tao ra chợ Cầu Ông Lãnh mua
1
một con cá lóc để kho tiêu cho vợ. Bả vừa
mới sanh thằng con trai. Con cá lóc gần
hai ký, bằng cái bắp chuối của tao.” [32;
tr. 369]
Khô sặt
“-Rượu đế với khô sặt. Chiều nay tao ở
4
đây với mầy.
- Khô sặt ?”
[32 ; tr. 395]
“Sau một tuần trà, vừa ném cái tàn thuốc,
nó xề lại bếp lửa, đặt con khô sặt lên than
hồng. [32; tr. 396]
“Trên bàn: bình toong rượu Tấn mang
tới, hai cái chén mắt trâu, ba con khô sặt
bằng bàn tay trên tờ bản thảo.” [32; tr.
396]
Khô sình
“Sau một tuần trà, Hiền bưng ra chiếc
mâm thau, trên mâm: một đĩa khô sình,
2
một đĩa xoài tượng xắt lát mỏng, một chai
rượu đế, hai cái ly.” [32; tr. 424]
“Đúng như Danh nói, một miếng xoài
tượng với một miếng khô sình bắt mình
phải uống cạn cả một ly, và uống thật
sâu.” [32; tr. 425]
Mắm
“Với mầy thì tao khỏi nói, ăn cá chốt hay
cá linh, ăn đọt xoài chấm mắm hay bông
điên điển làm nhưn bánh xèo, mầy biết
ráo.” [32; tr. 387]
“Ngày chị làm cá đem muối, đem phơi,
rang gạo, xay thính, làm mắm.” [32; tr.
168
2
124]
Nước mắm
“Nói xong Dung khoát nước rửa tay, xếp
bánh tằm vào dĩa rưới qua một gáo nước
1
cốt dừa, chan một muỗng nước mắm đưa
cho tôi” [31; tr. 93, 94]
Nước mắm “May quá dì còn một chai nước mắm nhỉ.
nhỉ
Kho thịt bằng nước mắm nhỉ không thơm
2
sao được” [32; tr. 468]
Trứng cá
“Trong bữa cơm đó, anh Sáu gắp một
2
miếng trứng cá to vàng để vào cái chén
nó. Nó liền lấy đũa xoi vào chén, để đó rồi
bất thần hất cái trứng ra, cơm văng tung
tóe cả mâm” [31; tr. 57]
“Nghĩ thế nào nó cầm đũa, gắp lại cái
trứng cá để vào chén, rồi lặng lẽ đứng
dậy, bước ra khỏi mâm” [31; tr. 57]
Cộng
12
Nhóm từ
chỉ tên các
địa danh
Bạc Liêu
29
“Tân Châu được biết, tên thật của ông là
Lâm Văn Quốc, tự Ba Quốc, con của Lâm
Văn Ngươn, mẹ là Nguyễn Thị Nhỏ, quê ở
Cái Cùng xã Long Điền, một thôn nằm
giữa xã Vĩnh Mỹ và Gia Thái tỉnh Bạc
Liêu.” [31; tr. 409]
“Đó là anh chàng thanh niên độ hai mươi
bốn, hai lăm, con nhà giàu xứ Bạc Liêu,
ruộng đất cò bay thẳng cánh, từng học ở
Sài Gòn, lấy bằng điplôm” [32; tr. 438]
“Đêm đầu hát ở Bạc Liêu, sau khi hạ
màn, giản hát, thì có một thanh niên ăn
mặc sang trọng, quần tây trắng, áo sơ mi
169
6
lụa lèo màu hộp gà, người tầm thước,
nước da trắng hồng, mái tóc hớt xanh, tay
cầm một bó hoa hồng rực rỡ lên sân khấu
xin được tặng hoa cho cô đào Năm
Thanh” [32; tr. 440]
“Và xứ Bạc Liêu vốn là nơi xuất thân của
những anh con nhà giàu, nhờ cách ăn
chơi, mà nổi danh công tử, công tử Bạc
Liêu” [32; tr. 441]
“Đêm đầu đến điểm mới cách xa chợ Bạc
Liêu có đến ba ngày đêm đường sông
nước, sau một hồi chuông, chúng tôi hé
màn nhìn khán giả, lại thấy vị công tử với
chiếc áo lụa lèo, ngồi ở ghế thượng
hạng.” [32; tr. 441]
Bảy Núi
“Và cũng không ngờ, đêm ấy đơn vị tôi
vượt qua sông Tiền, vượt qua luôn sông
1
Hậu về U Minh nhập cùng nhiều đơn vị
bạn thành một cánh quân lớn, vượt sông,
vượt bộ về chiến trường Bảy Núi...[32; tr.
469]
Bến Tre
“Rượu Lương Hòa tỉnh Bến Tre - Rượu
nặng mà đầm và thơm... Rượu đế thì rượu
kinh ông Kho, rượu ngon nhất tỉnh Long
Châu Sa, rượu trong veo, sủi bọt nặng mà
đầm.” [31; tr. 148]
1
Cái Cùng
“Tân Châu được biết, tên thật của ông là
Lâm Văn Quốc, tự Ba Quốc, con của Lâm
Văn Ngươn, mẹ là Nguyễn Thị Nhỏ, quê ở
Cái Cùng xã Long Điền, một thôn nằm
giữa xã Vĩnh Mỹ và Gia Thái tỉnh Bạc
Liêu. Cái đất sinh ra ông là Cái Cùng, tên
4
170
“Cái Cùng” gợi cho người ta một vùng
đất hoang sơ của U Minh, một vùng còn
rừng còn những con rắn khổng lồ đêm
đêm treo mình giữa hai thân cây, tự lấy
thân mình làm gàu “bành bạch” tát nước
giữa đêm khuya để bắt cá.” [32; tr. 409]
“Thuở nhỏ, nhà nghèo, Cái Cùng Là nơi
xa xôi hẻo lánh, nên ông chỉ học hết lớp
a,b,c,..lớn lên với thân hình vạm vỡ của
ông, ông thích võ nghệ” [32; tr. 409]
Cao Lãnh
“Tôi học ở trường quận Chợ Mới, nó học
ở trường Cao Lãnh – là quê ngoại của
nó” [31; tr. 190]
3
“Cái hạng nhất của trường Chợ Mới
không bằng cái hạng mười lăm của
trường Cao Lãnh! – Nói xong, ông nhìn
sang cha tôi, dõng dạc như một nhà hùng
biện:
-Trường Cao Lãnh là trường nổi tiếng từ
trước đến giờ đó, chú Hai!” [31; tr. 191]
Cầu Ông
Lãnh
“Một hôm tao ra chợ Cầu Ông Lãnh mua
một con cá lóc để kho tiêu cho vợ.” [32;
tr. 369]
1
Chợ Mới
“Có phải Cù Lao Giêng, quận Chợ Mới,
tỉnh Long Châu Sa không vậy cháu?”[31;
3
tr. 72]
“Tôi học ở trường quận Chợ Mới, nó học
ở trường Cao Lãnh – là quê ngoại của
nó” [31; tr. 190]
“Cái hạng nhất của trường Chợ Mới
không bằng cái hạng mười lăm của
171
trường Cao Lãnh” [31; tr. 191]
Chùa Tây
An
“Đạo ông lấy kinh gốc từ chùa Tây An”
[32; tr. 411]
1
Cù Lao
“Cháu là người ở làng nào mà sao bác
2
Giêng
thấy quen quen.
- Dạ cháu ở Cù Lao Giêng!” [31; tr. 72]
“Có phải Cù Lao Giêng, quận Chợ Mới,
tỉnh Long Châu Sa không vậy cháu?”[31;
tr. 72]
Cửu Long
Giang
“Tiếng sóng Cửu Long Giang ì ầm” [31;
tr.35]
1
Đồng bằng
Sông Cửu
Long
“Một đồng chí trong cơ quan vốn là thợ
mộc, đóng cho nó một cái chuồng y như
ngôi nhà sàn đồng bằng sông Cửu Long
thu nhỏ lại, đẹp đẽ, xinh xinh” [31; tr.201]
1
Đồng Tháp “Người nhà tôi bảo có lúc nghe chị Sáu
chạy lên Sài Gòn, có lúc lại nghe chị Sáu
3
lại quay về Đồng Tháp, vì thế mà tôi giữ
mãi cây lược của cháu.” [31; tr.64]
“Dạ phải, tôi ở đơn vị Girông, đơn vị chủ
lực của Đồng Tháp” [31; tr.85]
“Lần thứ hai, mấy tháng sau, tôi gặp lại
dì trên con kênh đổ vài Đồng Tháp trong
xóm tôi đóng quân” [32; tr. 468]
Đồng Tháp “Cách đó ba năm, một đồng chí từ Đồng
Mười
Tháp Mười về, mang về một con gà, con
1
mái to vàng.” [31; tr. 200]
Long Châu
“Có phải Cù Lao Giêng, quận Chợ Mới,
172
5
Sa
tỉnh Long Châu Sa không vậy cháu?”
[31; tr. 72]
“Dù muốn dù không tôi phải cho đồng chí
mình hay mới được, đồng chí ấy bây giờ
Ủy viên Mặt trận giải phóng tỉnh Long
Châu Sa, tỉnh nhà của tôi” [31; tr. 95]
“Rượu Lương Hòa tỉnh Bến Tre - Rượu
nặng mà đầm và thơm... Rượu đế thì rượu
kinh ông Kho, rượu ngon nhất tỉnh Long
Châu Sa, rượu trong veo, sủi bọt nặng mà
đầm.” [31; tr. 148]
“Như trong trận đánh đoàn tàu giặc trên
sông của tỉnh Long Châu Sa, có một
chiến sĩ đã bắn đến viên đạn thứ chín diệt
chín ổ đề kháng của địch” [31; tr. 214]
“Cháu không phải là người ở đây, cháu là
người Tân Phú Đông tỉnh Long Châu Sa”
[31; tr. 228]
Long Điền
“Tân Châu được biết, tên thật của ông là
Lâm Văn Quốc, tự Ba Quốc, con của Lâm
Văn Ngươn, mẹ là Nguyễn Thị Nhỏ, quê ở
Cái Cùng xã Long Điền, một thôn nằm
giữa xã Vĩnh Mỹ và Gia Thái tỉnh Bạc
Liêu.” [32; tr. 409]
1
Lương Hòa “Rượu Lương Hòa tỉnh Bến Tre - Rượu
1
nặng mà đầm và thơm... Rượu đế thì rượu
kinh ông Kho, rượu ngon nhất tỉnh Long
Châu Sa, rượu trong veo, sủi bọt nặng mà
đầm.” [31; tr. 148]
Mỹ An
“Đó là pháo đồn Mỹ An bắn vào làng giải
phóng” [31; tr. 122]
173
2
“Gần ba tháng nay, bọn giặc Mỹ định tát
dân làng này ra vùng quận Mỹ An, ngày
nào nó cũng bắn phá, bỏ bom đêm, bom
dầu, nhiều nhất là trực thăng” [31; tr.
122]
Mỹ Hòa
“Tôi sinh ra trên một cù lao giữa sông
2
Tiền. Nói là cù lao nổi lên giữa con sông
nhưng cũng lớn lắm – Cù lao có đến ba
làng: Mỹ Tân, Mỹ Phú, Mỹ Hòa.” [32 ; tr.
297]
“Có lẽ vì cái cù lao của tôi không có gánh
hát mà người ta chê nó bằng hai câu ca
dao:
Mỹ Tân, Mỹ Phú, Mỹ Hòa
Ba làng nhập lại chẳng ra làng nào”
[32; tr. 297]
Mỹ Phú
“Tôi sinh ra trên một cù lao giữa sông
Tiền. Nói là cù lao nổi lên giữa con sông
2
nhưng cũng lớn lắm – Cù lao có đến ba
làng: Mỹ Tân, Mỹ Phú, Mỹ Hòa.” [32 ; tr.
297]
“Có lẽ vì cái cù lao của tôi không có gánh
hát mà người ta chê nó bằng hai câu ca
dao:
Mỹ Tân, Mỹ Phú, Mỹ Hòa
Ba làng nhập lại chẳng ra làng nào”
[32; tr. 297]
Mỹ Tân
“Tôi sinh ra trên một cù lao giữa sông
Tiền. Nói là cù lao nổi lên giữa con sông
nhưng cũng lớn lắm – Cù lao có đến ba
174
2
làng: Mỹ Tân, Mỹ Phú, Mỹ Hòa.” [32; tr.
297]
“Có lẽ vì cái cù lao của tôi không có gánh
hát mà người ta chê nó bằng hai câu ca
dao:
Mỹ Tân, Mỹ Phú, Mỹ Hòa
Ba làng nhập lại chẳng ra làng nào”
[32; tr. 297]
Sài Gòn
“Người nhà tôi bảo có lúc nghe chị Sáu
chạy lên Sài Gòn, có lúc lại nghe chị Sáu
lại quay về Đồng Tháp, vì thế mà tôi giữ
mãi cây lược của cháu.” [31; tr. 64]
“Hầu hết đàn bà trong làng, họ kéo nhau
ra đồn bót, ra huyện, ra tỉnh, kéo nhau đi
cả Sài Gòn nữa.” [31; tr. 155]
“Sau khi nhà tôi bị bọn nó giết chết, tôi
bồng bế hai chị em nó lên cái đất Sài Gòn
này, chen vào cái chỗ đông người để lánh
mặt” [31; tr. 175]
“Nhân lúc yên tĩnh và rỗi rãi, anh Tám
Sơn, chánh trị viên tiểu đoàn, rủ tôi đi
thăm một chị trong đơn vị biệt động quân
của Sài Gòn, Chợ Lớn” [31; tr. 213]
“Tôi muốn gặp mặt chị cho rõ hơn và do
tính tò mò, tôi muốn gặp tận mặt cô gái
người Sài Gòn” [31; tr. 214]
“Đó là một buổi chiếu tháng năm giữa
trận đánh trên Đường Trần Quốc Toản,
cánh quân của chúng tôi thọc mạnh vào
Sài Gòn, trụ lại quãng đường ấy từ tờ mờ
175
35
sáng.” [31; tr. 216]
“Cô khoảng hai mươi hai, hai mươi ba
tuổi, ăn mặc theo thời trang của người Sài
Gòn, quần ống hẹp, áo bà ba màu hột gà
bó sát lấy thân, người thon thả với dáng
nhanh nhẹn, tôi không nhìn rõ được mặt
cô.” [31; tr. 217]
“Hồi đó, trong những ngày "điều lắng",
tôi từ tỉnh nhà lên Sài Gòn vừa dạy học
vừa hoạt động.” [31; tr. 225]
“Ngay buổi chiều hôm đó, tôi rời khỏi Sài
Gòn.” [31; tr. 228]
“Cũng từ đó, tôi không có dịp trở lại Sài
Gòn.” [31; tr. 229]
“Tôi may mắn là người chứng kiến cuộc
săn lùng này. Từ Sài Gòn có người bỏ tiền
túi đi tàu tốc hành ra Hà Nội. Cao hơn và
nhanh hơn, có người đi máy bay. Trong
thành phố Sài Gòn thì những chiếc honđa chạy như ma đuổi, họ đến các cửa
hàng ở Đồng Khởi, vào các ngõ ngách
của những nhà chơi tranh.” [32; tr. 356]
“Thằng bạn của tôi ngước mặt cười đắc
thắng. Thằng Nam, Nguyễn Thành Nam,
người có tiếng trong giới làm ăn đất Sài
Gòn, nó cười từ dưới bụng cười lên, hai
hàm răng há to.” [32; tr. 357]
“Ngày trở về Sài Gòn, tôi nhớ nó, muốn
tìm, nhưng chẳng biết nó còn sống hay
chết, ở đâu.” [32; tr. 361]
“Tất nhiên, sau đó, tụi tao làm đám cưới,
hai đứa kéo nhau về Sài Gòn. Có một đứa
176
con, tao bị bắt.” [32; tr. 362]
“Tao sẽ trả thù cái xã hội Sài Gòn này
không phải bằng súng đạn mà bằng đồng
tiền.” [32; tr. 364]
“Cậu nhân viên của ông được vào Sài
Gòn, không phải tốn một đồng xu, cậu ta
mừng hết lớn.” [32; tr. 367]
“Ở cái đất Sài Gòn này, tao không dám
xưng là sư, nhưng dám nói là bậc
thầy. [32; tr. 368]
“Tôi đưa tên một nhà nghiên cứu, tác giả
nhiều quyển sách viết về đồ cổ nổi tiếng ở
đất Sài Gòn hỏi nó:
- Mầy với ông ta, ai hơn ai? [32; tr. 368]
“Suốt mấy năm đầu ở Sài Gòn, tao toàn
đi bộ. Đi bộ để nhìn đời sống, để hiểu nhu
cầu của người dân.” [32; tr. 369]
“Tao như người tìm được cái đầu mới của
đời sống xô bồ của đô thị Sài Gòn.” [32;
tr. 370]
“Ở đất Sài Gòn nầy ngày trước, giới mua
vàng là giới không biết làm ăn, là giới nhà
giáo, giới công chức.” [32; tr. 372]
“Giới làm ăn ở đất Sài Gòn cũ nhắc đến
tên Nam vừa ganh vừa phục.” [32; tr. 372]
“Bữa nay nhân tiện ở Sài Gòn ra chơi, tôi
muốn kiếm ít món đồ cổ nho nhỏ như chén
đĩa, ấm trà làm kỷ niệm.” [32; tr. 377]
“Về Sài Gòn, tôi sẽ giới thiệu người chơi
tranh với anh.” [32; tr. 377]
177
“Sáng hôm sau, tao tức tốc bay về Sài
Gòn.” [32; tr. 378]
“Một hôm, người bạn họa sĩ nổi tiếng ở
đất Sài Gòn vốn cũng quen với tôi, đến
tìm tôi” [32; tr. 380]
“Chiến công nổi bật của nó là trận đánh
vừa chận đứng vừa đánh tan một cánh
quân Mỹ đợt hai năm Mậu Thân (1968)
trong một làng vùng ngoại ô Sài Gòn.”
[32; tr. 388]
“Sài Gòn có đủ cao lương mỹ vị, nhưng
không có món này đâu.” [32; tr. 425]
“Một cô đào lừng danh, hầu như không
ngày nào không có hình ảnh cùng lời ca
ngợi trên các mặt báo Sài Gòn.” [32; tr.
438]
“Đó là anh chàng thanh niên độ hai mươi
bốn, hai lăm, con nhà giàu xứ Bạc Liêu,
ruộng đất cò bay thẳng cánh, từng học ở
Sài Gòn, lấy bằng điplôm” [32; tr. 438]
“Sau vài đêm hát, gánh trở lại Sài Gòn”
[32; tr. 447]
“Em hỏi mượn tiền anh là vì em rước ảnh
về Sài Gòn, em thuê phòng cho ảnh ở.”
[32; tr. 448]
“- Kim Thanh gọi từ đâu vậy?
-
Sài Gòn”
[32; tr. 451]
“Dì bán cho hành khách trên tàu từ Nam
Vang – Sài Gòn cặp lại bến.” [32; tr. 464]
178
Sông Cửu
“Chiều hôm đó, tàu giặc cứ xình xịch lên
Long
xuống ngoài sông Cửu Long” [31; tr. 29]
4
“Nhà chúng tôi ở cạnh nhau gần vàm kinh
nhỏ đổ ra sông Cửu Long [31; tr. 51]
“Ông chủ quán câm kể loại biết điệu đời,
ông xếp ghế ngồi để cho khách nhìn ra
sông: sông Cửu Long” [31; tr. 149]
“Một hôm giặc bố, tàu chiến của giặc neo
giữa sông Cửu Long, bắn phá vào làng”
[31; tr. 168]
Sông Hậu
“Tôi về thăm thằng Danh. Nhà Danh bên
bờ sông Hậu.” [32; tr. 421]
2
“Và cũng không ngờ, đêm ấy đơn vị tôi
vượt qua sông Tiền, vượt qua luôn sông
Hậu về U Minh nhập cùng nhiều đơn vị
bạn thành một cánh quân lớn, vượt sông,
vượt bộ về chiến trường Bảy Núi...[32; tr.
469]
Sông Tiền
“Tôi sinh ra trên một cù lao giữa sông
Tiền. Nói là cù lao nổi lên giữa con sông
nhưng cũng lớn lắm – Cù lao có đến ba
làng: Mỹ Tân, Mỹ Phú, Mỹ Hòa.” [32; tr.
297]
“Chẳng bao lâu, vào một đêm mưa gió,
những đêm mà sông Tiền như con rồng
chuyển mình, dậy sóng hàn đập ì ầm” [32;
tr. 410]
“Rời nhà người cậu, bỏ việc đồng áng,
bằng bùa ngải, ông bỏ công đi trị bịnh cho
bà con dọc theo sông Tiền.” [32; tr. 410]
179
4
“Và cũng không ngờ, đêm ấy đơn vị tôi
vượt qua sông Tiền, vượt qua luôn sông
Hậu về U Minh nhập cùng nhiều đơn vị
bạn thành một cánh quân lớn, vượt sông,
vượt bộ về chiến trường Bảy Núi...[32; tr.
469]
Tân Châu
“Tân Châu được biết, tên thật của ông là
5
Lâm Văn Quốc, tự Ba Quốc, con của Lâm
Văn Ngươn, mẹ là Nguyễn Thị Nhỏ, quê ở
Cái Cùng xã Long Điền, một thôn nằm
giữa xã Vĩnh Mỹ và Gia Thái tỉnh Bạc
Liêu.” [32; tr. 409]
“Sau bao nhiêu năm “tầm sư học đạo”
ông trở lại đất Tân Châu, lãnh cai quản
cho gia đình người cậu của mình là ông
Nguyễn Chánh Sắt, người có tiếng trong
văn làng báo thời bây giờ” [32; tr. 409]
“Vào năm 1928, cái am bằng tre lá như
một cái chòi ruộng được dựng lên, bề thế,
tọa lạc trên con đường gọi là Hường
Chùa, cách chợ Tân Châu độ cây số
ngàn” [32; tr. 411]
“Sau 14 năm hành đạo (1925 – 1939) ông
có trên 10.000 tín đồ sống rải rác trên
khắp cả đất Tân Châu, từ sông lớn đến
kinh rạch qua các đồng sâu.” [32; tr. 411]
“Rồi đêm đêm, như một thời xa xưa nào
được dựng lại bên bờ sông đất Tân
Châu” [32; tr. 412]
Tân Phú
Đông
“Cháu không phải là người ở đây, cháu là
người Tân Phú Đông tỉnh Long Châu
180
1
Sa,” [31; tr. 228]
Tháp Mười “Giữa Tháp Mười mà xung quanh nước
đã lên đầy, nói cho đúng đây là cái trạm
4
của đường dây giao thông, nhà nhỏ nhưng
người lại đông” [31; tr.48]
“Trận lụt chưa rút. Nước vẫn mênh mông.
Trời trăng sáng. Đúng là cảnh trăng nước
của Tháp Mười.” [31; tr. 110]
“Làng này cũng như bao nhiêu làng khác
của Tháp Mười, nhà cửa đều nằm dọc
theo hai bờ kinh” [31; tr. 122]
“Sau trận càn Jônsơn City (1967) từ chiến
trường Tháp Mười trở về R, tôi nghe tin
nó hy sinh.” [31; tr. 195]
Vàm Cỏ
Đông
“Chờ khi trời sẩm tối, xuồng của chúng
tôi mới tách bến và rặng lá hai bên bờ
Vàm Cỏ Đông như cũng chờ đến lúc trời
tắt nắng mới rì rào chuyển động, khiến
cho ta có cảm tưởng như gió chiều không
phải từ xa thổi tới mà dậy lên từ trong
những ngọn lá lao xao.” [31; tr. 213]
“Anh mãi gọi với lòng tha thiết
Vàm Cỏ Đông ơi Vàm Cỏ Đông”
[31; tr. 223]
“Tôi bật cười vì bản đồng ca ồ ồ ấy, bài
hát với những giọng trầm đục như đang là
là trên mặt nước, bỗng có một giọng nữ
cất cao lên: "Ơi Vàm Cỏ Đông, ơi hỡi
dòng sông" [31; tr. 223]
“Những giọng trầm đục của những người
181
7
đàn ông đã trở thành cái bè trầm, làm nền
cho giọng nữ cao đang bay chơi vơi trên
dòng sông:
Nước xanh biêng biếc chẳng đổi thay
dòng
Đuổi Pháp đi rồi, nay đuổi Mỹ xâm lăng
Giặc đi đời giặc, sông càng xanh trong
.........................
Ơ Vàm Cỏ Đông, ơi hỡi dòng sông...”
[31; tr. 223]
“Giọng nữ cao ngân dài như rung trong
không gian. Đi xuồng trên Vàm Cỏ Đông
trong đêm sao, nghe tiếng hát "Vàm Cỏ
Đông" của một cô gái, tôi bỗng thấy bâng
khuâng.” [31; tr. 224]
Vĩnh An
“Rạng sáng ngày mùng 9 trời vừa hừng
1
sáng, cò Laffont, quận trưởng Nguyễn Văn
Đề, thơ ký Phan Văn Thông cùng với hai
tiểu đội lính vũ trang súng trường, xếp
hàng theo một bờ kinh Vĩnh An tiến vào
đường chùa.” [32; tr. 413]
Vĩnh Long
“Tiếng trực thăng từ hướng Vĩnh Long
bay tới” [31; tr. 135]
1
Vĩnh Mỹ
“Tân Châu được biết, tên thật của ông là
Lâm Văn Quốc, tự Ba Quốc, con của Lâm
Văn Ngươn, mẹ là Nguyễn Thị Nhỏ, quê ở
Cái Cùng xã Long Điền, một thôn nằm
giữa xã Vĩnh Mỹ và Gia Thái tỉnh Bạc
Liêu.” [32; tr. 409]
1
U Minh
“Tôi với nó là bạn lâu đời. Năm 1948, sau
4
182
ba năm kháng chiến chống Pháp, hai đứa
gặp nhau trong một ngôi trường nằm ở mé
rừng U Minh, bên những con kinh nước
ngầu đỏ: trường bổ túc văn hóa dành cho
thanh thiếu niên từng tham gia kháng
chiến. Tình cờ hai đứa cùng quá giang
xuồng về đất U Minh.” [32; tr. 358]
“Cái đất sinh ra ông là Cái Cùng, tên Cái
Cùng gợi cho người ta một vùng đất
hoang sơ của U Minh, một vùng còn rừng
còn những con rắn khổng lồ đêm đêm treo
mình giữa hai thân cây, tự lấy thân mình
làm gàu “bành bạch” tát nước giữa đêm
khuya để bắt cá.” [32; tr. 409]
“Và cũng không ngờ, đêm ấy đơn vị tôi
vượt qua sông Tiền, vượt qua luôn sông
Hậu về U Minh nhập cùng nhiều đơn vị
bạn thành một cánh quân lớn, vượt sông,
vượt bộ về chiến trường Bảy Núi...[32; tr.
469]
Cộng
112
183
ĐỀ CƢƠNG TỔNG QUÁT
PHẦN MỞ ĐẨU
6. Lí do chọn đề tài
7. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
8. Mục đích, yêu cầu nghiên cứu
9. Phạm vi nghiên cứu
10. Phƣơng pháp nghiên cứu
PHẦN NỘI DUNG
CHƢƠNG 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG
1.3 Giới thuyết về từ, từ vựng - trƣờng từ vựng
1.3.1 Từ
1.3.1.1Định nghĩa
1.3.1.2Phân loại
1.3.2 Từ vựng - trường từ vựng
1.3.2.1Từ vựng
1.3.2.2Trường từ vựng
1.4 Vài nét về vùng đất Nam bộ
1.2.1 Địa lí Nam bộ
1.2.2 Lịch sử Nam bộ
1.3 Vài nét về tác giả Nguyễn Quang Sáng
1.3.1 Tiểu sử
1.3.2 Sự nghiệp sáng tác
CHƢƠNG 2: KHẢO SÁT TRƢỜNG TỪ VỰNG SÔNG NƢỚC NAM BỘ TRONG
MỘT SỐ TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN QUANG SÁNG
2.1 Khái niệm trƣờng từ vựng sông nƣớc
2.4 Trƣờng từ vựng sông nƣớc xét về mặt ngữ nghĩa
184
2.2.1 Nhóm từ chỉ địa hình sông nước
2.2.2 Nhóm từ chỉ các trạng thái, tính chất của sông nước
2.2.3 Nhóm từ chỉ các phương tiện, dụng cụ cho việc đi lại sông nước
2.2.4 Nhóm từ chỉ các hoạt động, trạng thái, tính chất của các phương tiện sông nước
2.2.5 Nhóm từ chỉ hoạt động sinh hoạt vùng sông nước
2.2.6 Nhóm từ chỉ các ngành nghề truyền thống của vùng sông nước
2.2.7 Nhóm từ chỉ các dụng cụ đánh bắt
2.2.8 Nhóm từ chỉ các hình thức đánh băt
2.2.9 Nhóm từ chỉ tên thực vật vùng sông nước
2.2.10 Nhóm từ chỉ tên động vật vùng sông nước
2.2.11 Nhóm từ chỉ món ăn vùng sông nước
2.2.12 Nhóm từ chỉ các địa danh
2.5 Trƣờng từ vựng sông nƣớc xét theo phƣơng thức cấu tạo
2.4 Trƣờng từ vựng sông nƣớc xét theo nguồn gốc và phạm vi sử dụng
CHƢƠNG 3: TRƢỜNG TỪ VỰNG SÔNG NƢỚC VỚI NỘI DUNG ĐƢỢC PHẢN
ÁNH TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN QUANG SÁNG
3.1 Sông nƣớc với sinh hoạt của con ngƣời Nam bộ
3.2 Sông nƣớc với cuộc chiến tranh chống Mỹ của ngƣời Nam bộ
3.3 Sông nƣớc với nguồn thực phẩm vô giá của ngƣời Nam bộ
PHẦN KẾT LUẬN
PHỤ LỤC
TÀI LIỆU THAM KHẢO
MỤC LỤC
185
MỤC LỤC
PHẦN MỞ ĐẦU ................................................................................................................ 1
1. Lí do chọn đề tài ..................................................................................................... 2
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề ..................................................................................... 3
3. Mục đích, yêu cầu nghiên cứu ............................................................................ 10
4. Phạm vi nghiên cứu .............................................................................................. 11
5. Phƣơng pháp nghiên cứu ..................................................................................... 11
PHẦN NỘI DUNG........................................................................................................... 13
CHƢƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG .................................................................... 14
1.1 Giới thuyết về từ, từ vựng, - trƣờng từ vựng .......................................................... 14
1.1.1 Từ............................................................................................................................ 14
1.1.1.1 Định nghĩa ............................................................................................................. 14
1.1.1.2 Phân loại ................................................................................................................ 15
1.1.2 Từ vựng – trường từ vựng ........................................................................................ 18
1.1.2.1 Từ vựng ................................................................................................................. 18
1.1.2.2 Trường từ vựng ...................................................................................................... 20
1.2 Vài nét về vùng đất Nam bộ...................................................................................... 22
1.2.1 Địa lí Nam bộ ........................................................................................................... 22
1.2.2 Lịch sử Nam bộ ........................................................................................................ 23
1.3 Vài nét về tác giả Nguyễn Quang Sáng .................................................................... 25
1.3.1 Tiểu sử ...................................................................................................................... 25
1.3.2 Sự nghiệp sáng tác ................................................................................................... 26
CHƢƠNG 2: KHẢO SÁT TRƢỜNG TỪ VỰNG SÔNG NƢỚC NAM BỘ TRONG
MỘT SỐ TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN QUANG SÁNG .................................... 29
186
2.1 Khái niệm trƣờng từ vựng sông nƣớc ..................................................................... 29
2.2 Trƣờng từ vựng sông nƣớc xét về mặt ngữ nghĩa .................................................. 29
2.2.1 Nhóm từ chỉ địa hình sông nước .............................................................................. 29
2.2.2 Nhóm từ chỉ trạng thái, tính chất của sông nước ...................................................... 31
2.2.3 Nhóm từ chỉ các phương tiện, dụng cụ cho việc đi lại sông nước ........................... 33
2.2.4 Nhóm từ chỉ hoạt động, trạng thái, tính chất của các phương tiện sông nước ......... 34
2.2.5 Nhóm từ chỉ hoạt động sinh hoạt vùng sông nước ................................................... 36
2.2.6 Nhóm từ chỉ các ngành nghề truyền thống của vùng sông nước ............................. 36
2.2.7 Nhóm từ chỉ các dụng cụ đánh bắt ........................................................................... 37
2.2.8 Nhóm từ chỉ các hình thức đánh băt ......................................................................... 37
2.2.9 Nhóm từ chỉ tên thực vật vùng sông nước ............................................................... 38
2.2.10 Nhóm từ chỉ tên động vật vùng sông nước ............................................................ 40
2.2.11 Nhóm từ chỉ món ăn vùng sông nước .................................................................... 43
2.2.13 Nhóm từ chỉ các địa danh ....................................................................................... 45
2.3 Trƣờng từ vựng sông nƣớc xét theo phƣơng thức cấu tạo .................................... 52
2.4 Trƣờng từ vựng sông nƣớc xét về mặt nguồn gốc và phạm vi sử dụng ............... 56
CHƢƠNG 3: TRƢỜNG TỪ VỰNG SÔNG NƢỚC VỚI NỘI DUNG ĐƢỢC PHẢN
ÁNH TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN QUANG SÁNG ............................ 58
3.1 Sông nƣớc với sinh hoạt của con ngƣời Nam bộ..................................................... 58
3.2 Sông nƣớc với cuộc chiến tranh chống Mỹ của ngƣời Nam bộ ............................. 73
3.3 Sông nƣớc với nguồn thực phẩm vô giá của ngƣời Nam bộ .................................. 82
PHẦN KẾT LUẬN .......................................................................................................... 89
PHỤ LỤC ......................................................................................................................... 91
187
[...]... ra trường như giảng dạy, viết lách hay sáng tác, 4 Phạm vi nghiên cứu Với việc nghiên cứu đề tài: Từ vựng sông nước Nam bộ trong một số truyện ngắn của Nguyễn Quang Sáng , người viết khảo sát 27 truyện ngắn tiêu biểu được in trong Tuyển tập Nguyễn Quang Sáng (tập I và tập II, Nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội, 1996) Thực hiện đề tài: Trường từ vựng sông nước Nam bộ trong một số truyện ngắn của Nguyễn Quang. .. nước Nam bộ trong một số truyện ngắn của Nguyễn Quang Sáng vẫn còn là vấn đề nghiên cứu mới mẻ Các công trình nghiên cứu trên sẽ là những gợi mở cho chúng tôi tiếp cận với trường từ vựng sông nước Nam bộ qua truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng một cách hệ thống hơn trên bình diện ngôn ngữ - văn hóa - văn chương 3 Mục đích, yêu cầu nghiên cứu Nghiên cứu đề tài: Trường từ vựng sông nước Nam bộ trong một số truyện. .. 1980) Năm 2000, Nguyễn Quang Sáng được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật 30 CHƢƠNG 2: KHẢO SÁT TRƢỜNG TỪ VỰNG SÔNG NƢỚC NAM BỘ TRONG MỘT SỐ TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN QUANG SÁNG 2.1 Khái niệm trƣờng từ vựng sông nƣớc Nói đến sông nước là nói đến các môi trường sông nước và những gì liên quan đến sông nước, chẳng hạn như địa hình sông nước; trạng thái, tính chất của sông nước; các phương... truyện ngắn của Nguyễn Quang Sáng , người viết mong muốn đạt được những mục đích, yêu cầu sau đây: Thống kê từ vựng sông nước Nam bộ trong phạm vi mà đề tải khảo sát Phân loại từ vựng sông nước Nam bộ thành các tiểu trường dựa theo quan hệ ngữ nghĩa Giải thích ý nghĩa, khảo sát từ loại, nguồn gốc cấu tạo của từ vựng đã được thống kê Phân tích được giá trị phản ánh của từ vựng trong truyện ngắn của Nguyễn. .. phẩm, Nguyễn Quang Sáng được biết đến là một trong số nhiều tác gia tiêu biểu của Nam bộ Sau đây là một số những công trình nghiên cứu tiêu biểu về tác giả Nguyễn Quang Sáng Đầu tiên, là hàng loạt bài viết về tác giả Nguyễn Quang Sáng được in trong quyển Anh Đức – Nguyễn Quang Sáng – Sơn Nam, trong đó có bài viết Nguyễn Quang Sáng của tác giả Trần Hữu Tá Ngoài việc tóm tắt lại chặng đường sáng tác của Nguyễn. .. lại trên sông nước; hoạt động của con người; động vật, thực vật vùng sông nước; kèm theo những hình thức và dụng cụ đánh bắt thủy sản Theo đó trường từ vựng sông nước ở Nam bộ qua truyện ngắn của Nguyễn Quang Sáng, chúng tôi tập hợp được gồm các nhóm từ ngữ sau: từ chỉ địa hình sông nước; từ chỉ các trạng thái, tính chất của sông nước; từ chỉ các phương tiện, dụng cụ cho việc đi lại sông nước; từ chỉ... 13 trò, vị trí to lớn của nhà văn trong dòng chảy văn học của vùng đất Nam bộ Qua đó, có một cái nhìn sâu sắc, trọn vẹn hơn về con người cũng như là vùng sông nước Nam bộ Mặt khác người viết còn mong muốn được góp phần nhỏ vào việc giữ gìn và phát triển những đặc sắc văn hóa của vùng đất Nam bộ Đề tài Trường từ vựng sông nước Nam bộ trong một số truyện ngắn của Nguyễn Quang Sáng , còn là nền tảng... truyện ngắn của Nguyễn Quang Sáng , ngoài việc khảo sát những vấn đề chung liên quan đến đề tài, người viết chủ yếu tập trung vào tìm hiểu những giá trị phản ánh của từ vựng sông nước trong tác phẩm Nguyễn Quang Sáng 5 Phƣơng pháp nghiên cứu Từ việc định ra những phương hướng nghiên cứu như trên, với đề tài: Trường từ vựng sông nước Nam bộ trong một số truyện ngắn của Nguyễn Quang Sáng người viết sử dụng... tính chất của các phương tiện sông nước; từ chỉ hoạt động sinh hoạt vùng sông nước; từ chỉ các ngành nghề truyền thống của vùng sông nước; từ chỉ các dụng cụ đánh bắt; từ chỉ các hình thức đánh bắt; từ chỉ tên thực vật vùng sông nước; từ chỉ tên động vật vùng sông nước; từ chỉ món ăn vùng sông nước; từ chỉ các địa danh 2.2 Trƣờng từ vựng sông nƣớc xét về mặt ngữ nghĩa 31 (Xem phần phụ lục) Trong quá... như sau: 21 Từ vựng là tập hợp toàn bộ vốn từ của ngôn ngữ Vốn từ bao gồm toàn bộ các từ và bộ phận tương đương với từ, tức là thành ngữ Trong đó từ là đơn vị từ vựng cơ bản nhất Từ vựng là một trong ba bộ phận cấu thành của ngôn ngữ, giữ vai trò quan trọng nhất và chiếm số lượng phong phú nhất Hơn bộ phận nào hết, từ vựng phản ánh trực tiếp và rộng rãi thực tế khách quan, nền văn hóa của dân tộc,