Nó phải có trước, bởi nếu không hiểu bản thân và cảm xúc của mình, làm sao chúng ta có thể biết và hiểu cảm xúc của người khác.. Ngoài ra, tự nhận thức cũng cho phép cá nhân hiểu về ngườ
Trang 1Dự án “Nâng cao năng lực cho Nhân viên Xã hội Cơ sở ở TP.HCM”
NĂNG ĐỘNG NHÓM
Chân thành cảm ơn Tổ chức Dịch vụ Gia đình và Cộng đồng Quốc tế (CFSI) đã hỗ trợ Dự án “Nâng cao năng lực cho NVXH cơ sở ở TP.HCM” ấn hành tập tài liệu này
Trung tâm Nghiên cứu - Tư vấn CTXH & PTCĐ
Dự án “Nâng cao năng lực cho Nhân viên Xã hội Cơ sở ở TP.HCM”
TỰ NHẬN THỨC
Trang 2MỤC LỤC
MỤC LỤC ……… 1
Bài 1: TỔNG QUAN VỀ TỰ NHẬN THỨC ……… 2
I KHÁI NIỆM CƠ BẢN ……… 2
II Ý NGHĨA CỦA TỰ NHẬN THỨC ……… 3
III ĐẶC ĐIỂM CỦA TỰ NHẬN THỨC ……… 3
Bài 2: NHÂN VIÊN CTXH VỚI VIỆC THỰC HÀNH VÀ PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG TỰ NHẬN THỨC ……… 5
I TẦM QUAN TRỌNG CỦA TỰ NHẬN THỨC ĐỐI VỚI NHÂN VIÊN CTXH 5
II TỰ NHẬN THỨC ĐỐI VỚI BẢN THÂN NHÂN VIÊN CTXH ……… 6
III NỘI DUNG TỰ NHẬN THỨC TRONG MỐI QUAN HỆ VỚI THÂN CHỦ … 7 PHỤ LỤC ……… 8
Trang 3Bài 1: TỔNG QUAN VỀ TỰ NHẬN THỨC
I KHÁI NIỆM CƠ BẢN
1 Tự nhận thức
Tự nhận thức (Self-awareness) là cách mà chúng ta khám tính cách cá nhân, niềm tin, hệ thống giá trị, khuynh hướng tự nhiên của mình1 Thông thường, tự nhận thức
là khởi điểm cho việc làm chủ bản thân và tạo ra những gì ta muốn
Tự nhận thức là một khả năng hiểu biết mạnh mặt, mặt yếu, giá trị, quan điểm, tính khí, nhu cầu, ước vọng, cảm xúc, sợ hãi2 Những suy nghĩ về chính mình (tôi thông minh, tôi tháo vát, tôi là người chậm chạp, tôi là trụ cột trong gia đình, tôi là nhân viên công tác xã hội, tôi ân cần, tôi không kỳ thị và phân biệt người có H…) nhằm vẽ nên một bức chân dung về chính họ Bức tranh này không chỉ mô tả hình dáng bên ngoài mà còn mô tả cảm xúc, năng lực, vai trò, trách nhiệm của họ đối với người khác
Tóm lại, tự nhận thức là một kỹ năng mà qua đó mỗi cá nhân hình dung, khám
phá chính mình là người như thế nào và thường soi theo đó để hành động
2 Hình ảnh bản thân
Hình ảnh bản thân là cách mà chúng ta nghĩ và đánh giá về bản thân Hình ảnh này là những nhận thức tương đối ổn định của một người về chính họ và, những nhận thức này ảnh hưởng mạnh tới hành động và cách chúng ta quan hệ với người khác Nói cách khác, hình ảnh bản thân là cách mỗi cá nhân hình dung, khái quát chính mình như thế nào và thường soi đó mà hành động
Ví dụ: Chị A được xem là một NVCTXH giỏi giữ bình tĩnh Có lần tức giận một
người và chị nghĩ “Tức quá! Phải cho nó một trận cho nó biết tay, nhưng dù sao mình cũng là người biết giữ bình tĩnh, sử xự vậy cũng không hay cho lắm!” Như vậy chị A đã chiếu theo hình ảnh bản thân mà cư xử cho thích hợp
Khái niệm hình ảnh bản thân hình thành qua cách người thân nhìn và tỏ thái độ, đánh giá chúng ta Đôi khi nó cũng xuất phát từ một khiếm khuyết nội tại nào đó mà
ta không được người thân động viên khắc phục
3 Ý thức về giá trị bản thân (Lòng quý trọng bản thân)
Ý thức về giá trị bản thân (Self-Esstem) hay còn gọi là sự tự quý trọng bản thân là một phần của khái niệm bản thân mà nó liên quan đến những đánh giá về chính giá trị của bản thân và là động lực thúc đẩy cá nhân tự vươn lên, là yếu tố cốt lõi để một nhân cách phát triển bình thường
Ví dụ: hình ảnh bản thân của một người nào đó về chính họ có thể là ít nói, hoặc
thích tranh luận, hoặc nghiêm nghị Sự ý thức giá trị bản thân của người đó là cách người đó đánh giá như thế nào về những thuộc tính này của mình Người đó có thể cảm thấy “hài lòng vì mình ít nói”, hoặc “xấu hổ vì tính hay tranh luận của mình”, hoặc “cảm thấy chán vì mình nghiêm nghị, không hài hước được như người khác”
1
http://www.canyons.edu/committees/leap/team1/15tips/tip13.asp
2 Nguyễn Thị Oanh
Trang 4Người có ý thức về giá trị bản thân cao không phải là người tự đề cao vì tài giỏi hay đức hạnh Đó là người tự tin rằng mình xứng đáng để được hạnh phúc và thành công Giá trị đơn giản ở chỗ họ biết quý trọng bản thân Họ không phải lúc nào cũng thành công vang dội, họ là người bình thường nhưng khi vấp ngã thì họ biết cách trỗi dậy Người có ý thức giá trị bản thân thấp có thể là người tài giỏi, thành đạt nhưng khi vấp ngã họ khó vươn lên và dễ có xu hướng hủy hoại bản thân và, sa vào rượu chè, ma túy, mại dâm và dễ bỏ bỏ cuộc
Ý thức về giá trị bản thân thấp thường do lớn lên trong gia đình có vấn đề, hay có
sự đối xử thiếu tế nhị của phụ huynh: so sánh trẻ em hàng xóm, mắng nhiếc nặng nề
“suốt đời mày chẳng làm được tích sự gì Sao không bắt chước em mày để học thật giỏi cho tao nhờ !”
Tuy nhiên, ý thức bản thân tuy hình thành chủ yếu khi còn nhỏ nhưng không cố định mà có thể thay đổi tùy hoàn cảnh, môi trường ở các thời điểm khác nhau, có thể được điều chỉnh qua tham vấn, trị liệu tâm lý
II Ý NGHĨA CỦA TỰ NHẬN THỨC
Tự nhận thức là cảm nhận rõ ràng về nhân cách, điểm mạnh, điểm yếu, tư duy, niềm tin, động lực và cảm xúc Tự nhận thức cũng cho phép bạn hiểu về người khác, cách họ cảm nhận về bạn cũng như thái độ và phản hồi của bạn Sự tự nhận thức là cơ sở/ nền tảng/ nền móng hỗ trợ tất cả các năng lực tư duy cảm xúc Nó phải có trước, bởi nếu không hiểu bản thân và cảm xúc của mình, làm sao chúng ta có thể biết và hiểu cảm xúc của người khác
Sự tự nhận thức giúp chúng ta biết được cái gì thúc đẩy mình và mình say mê cái gì Điều này hướng chúng ta đến những công việc yêu thích, khiến chúng ta làm việc vui vẻ, hiệu quả Nó dẫn tới những mối quan hệ, cả trong công việc lẫn quan hệ cá nhân, ở đó, chúng ta sẽ đóng góp có tính xây dựng và tích cực hơn Và nó cũng dẫn đến cuộc sống chân thật hơn cũng như làm cho chúng ta hài lòng hơn
Càng hiểu rõ bản thân, chúng ta càng có thể kiểm soát và lựa chọn hành vi muốn biểu hiện Sự tự nhận thức giúp chúng ta hiểu mình đang ở đâu, muốn đi đâu để sẵn sàng thay đổi nhằm đến được nơi cần đến Không có sự tự nhận thức, các cảm xúc có thể che mắt chúng ta, khiến ta trở thành người mà mình không muốn Nếu hiểu cảm xúc và suy nghĩ của mình, chúng ta có thể lựa chọn cách hành động, hoặc phản ứng trong một tình huống nào đó, hoặc với một người nào đó Sự lựa chọn này trở thành sức mạnh, một sức mạnh nội tại không ai có thể lấy đi Mặt khác, tự nhận thức cũng giúp cá nhân nhận rõ mình có những điểm yếu nào để có thể khắc phục kịp thời Đồng thời, cá nhân không tự mình đẩy bản thân vào những thế yếu, theo đuổi những cái viển vông, không thực tế và không phù hợp với năng lực hiện có của mình
Ngoài ra, tự nhận thức cũng cho phép cá nhân hiểu về người khác, cách họ cảm nhận
về mình cũng như những thái độ và phản hồi của mình đối với người khác Thông qua
“tấm gương” là những cá nhân khác để mỗi người hiểu sâu sắc hơn về mình và có lối hành xử phù hợp với những cá nhân khác
III ĐẶC ĐIỂM CỦA TỰ NHẬN THỨC
1 Tự nhận thức mang tính nhiều chiều
Có nhiều chiều, hoặc nhiều khía cạnh khi nhìn về bản thân của con người Các khía cạnh này bao gồm:
- Thể lý: là cách mà ta nghĩ về cơ thể của ta, như ốm, mập, cao, lùn…
Trang 5- Năng lực trí tuệ bản thân: là cách ta nhận thức về sự thông minh, năng
khiếu, khả năng suy nghĩ logic, mặt mạnh và mặt yếu, vai trò của bản thân (là con trai, con gái, con trưởng, NVCTXH…)
- Giá trị: là những suy nghĩ về bản thân liên quan tới những chuẩn mực đạo
đức, là thái độ, niềm tin, hành vi và những điều mà ta quý trọng và những điều này định hướng cho ta hành động Ví dụ: yêu thương, cao thượng, chung thủy, giản dị…
- Tính khí/tính cách: là cách chúng ta nghĩ về bản thân là người nóng nảy, dễ
xúc động, lạc quan hay hoài nghi, yếm thế, hướng nội hay hướng ngoại, thích lãnh đạo hay khống chế người khác…
Lưu ý: Ngoài ra, còn có niềm tin, ước mơ…
2 Tự nhận thức là một quá trình thay đổi liên tục
Tự nhận thức không có sẵn ngay khi chúng ta được sinh ra mà đây là một quá trình thu nhận, gìn giữ hay thay đổi nó Ngay trong những năm đầu đời khi đứa trẻ bắt đầu phát triển thì chúng đã bắt đầu quá trình tìm hiểu mình là ai, và cứ thế suốt cuộc đời chúng ta tiếp tục xác định và thể hiện bản sắc cá nhân của mình Và cách nhận thức về bản thân cũng thay đổi ở mỗi giai đoạn, thời kỳ khác nhau
Ví dụ: khi còn nhỏ có thể ta cho rằng ta thông minh vì mọi người quanh ta đều
nâng niu, cưng chiều và khen ngợi ta thông minh Khi đi học ta lại nghĩ ta là người ngu đần vì thầy giáo ta luôn cho rằng ta không thông minh Như vậy, tự nhận thức bản thân ta cũng có thay đổi chứ không giữ nguyên như vậy hoài
3 Tự nhận thức chịu ảnh hưởng những đánh giá từ bên ngoài
Ta thường biết mình qua sự phản ảnh của những người khác xung quanh như gia đình, bạn bè, họ hàng, thầy cô… Qua đó, ta có được hình ảnh của bản thân Những cách nhìn nhận và đánh giá từ bên ngoài này phụ thuộc vào quan điểm riêng của họ
Từ khi sinh ra và lớn lên, ta luôn tương tác với mọi người khác Qua đó, ta học cách người khác nhìn ta như thế nào và ta mang những quan niệm của họ vào trong chính bản thân ta Quá trình này thường bắt đầu từ trong gia đình khi ta học cách cha mẹ
ta, anh em ta, người thân họ hàng của ta nhìn ta, quan niệm về ta như thế nào Khi lớn lên, đi học, ta tương tác với các bạn cùng học, thầy cô giáo ta lại có thêm những quan niệm khác về ta là ai Rồi về sau khi ta đi làm, ta lại biết thêm cách thức người lãnh đạo ta, đồng nghiệp ta nhìn ta ra sao Ta tiếp thu tất cả những cách nhìn này và chúng trở thành một phần của cái gọi là ta là ai và ta hình dung, khái quát về ta như thế nào
Những cách nhìn về ta mà ta tiếp thu được không chỉ bị ảnh hưởng bởi những người mà ta tương tác mà còn bị ảnh hưởng bởi những quan niệm xã hội và nền văn hóa của thời mà ta đang sống
Trang 6Bài 2: NHÂN VIÊN CÔNG TÁC XÃ HỘI VỚI VIỆC THỰC HÀNH & PHÁT TRIỂN
KỸ NĂNG TỰ NHẬN THỨC
I TẦM QUAN TRỌNG CỦA TỰ NHẬN THỨC ĐỐI VỚI NHÂN VIÊN CÔNG TÁC XÃ HỘI
Chỉ khi hiểu biết tốt hơn về bản thân mình, chúng ta mới có thể làm chủ cảm xúc, hành vi, tính cách của mình mà ứng xử, hành động phù hợp với hoàn cảnh, tạo nên những thay đổi tích cực cho chính bản thân Đồng thời, tự nhận thức cho phép ta hiểu rõ người khác, cách thức họ cảm nhận về bản thân ta, từ đó, giúp ta nâng cao kỹ năng hợp tác và làm việc nhóm
Như vậy, nhận thức bản thân là một đòi hỏi chuyên nghiệp đối với những nghề mà đối tượng tiếp xúc và giúp đỡ là con người Như một tác giả nói “nhân cách của những người này chính là công cụ làm việc của họ” Nếu công cụ của người thợ mộc là cái bào, của anh
kỹ sư là máy móc thì công cụ của công tác xã hội (CTXH) chính là nhân cách, là phẩm chất con người của NVCTXH 3
Do đó, NVCTXH cần có năng lực tự nhận thức ở mức độ cao Nếu không có khả năng này, nhân viên xã hội sẽ không thể khách quan đủ khi làm việc với thân chủ và sẽ áp đặt những ý muốn của mình lên thân chủ
Ví dụ: Nếu NVCTXH có thói quen độc tài bao biện thì thường hay áp đặt thân chủ,
nếu có xu hướng nói nhiều thì khó khăn trong việc lắng nghe và giữ bí mật của thân chủ, nếu không thật nhạy bén về chính mình thì rất dễ vi phạm sự tôn trọng của thân chủ
Ngoài ra, việc nhận ra rằng sự tự nhận thức không cố định mà có thể thay đổi tùy theo hoàn cảnh nên NVCTXH hoàn toàn có thể giúp cho thân chủ của mình có được kỹ năng
tự nhận thức
Khi NVCTXH làm việc mà không có kỹ năng tự nhận thức
1 Tránh né hoặc hoặc không biết cảm xúc của thân chủ
2 Phóng chiếu* những cảm xúc của bản thân lên thân chủ
3 Phản ứng không thích hợp khi những có những vấn đề không thể giải quyết chi phối khả năng trở nên khách quan của họ
4 Phản ứng cảm xúc lại với thân chủ nhưng không hiểu tại sao và như thế nào
5 Hành xử không thích đáng (chú ý một cách quá đáng, có cử chỉ xoa dịu quá mức…)
vì họ không ý thức về những tác động giới hạn của suy nghĩ cho rằng mình bất lực
6 Làm ngơ trước những phản ứng phòng thủ của thân chủ và không biết làm thế nào mà hành vi của NVXH ảnh hưởng tới người khác
7 Hành xử dựa trên nhu cầu cá nhân hơn là việc đáp ứng các nhu cầu và phản ứng của thân chủ
8 Tránh né hoặc hạn chế trong việc thiết lập mục tiêu, bởi vì, NVCTXH không biết nhu
3 Nguyễn Thị Oanh
Trang 7cầu chuyên nghiệp trong công việc
*Phóng chiếu (project): Theo tự điển tâm lý, trong phân tâm học, phóng chiếu là cơ chế vô thức nơi đó lỗi lầm của bản thân được nhìn nơi nhân cách của người khác hơn là nhân cách của mình, nghĩa là một cơ chế phòng vệ vô thức (không có ý thức) đổ lỗi hay những điều tiêu cực của chính mình cho người khác
II TỰ NHẬN THỨC ĐỐI VỚI BẢN THÂN NHÂN VIÊN CÔNG TÁC XÃ HỘI
Trong khi thực thi nhiệm vụ, với tư cách là người đại diện của cơ quan xã hội NVCTXH cần ý thức rằng, vai trò của mình là hỗ trợ thân chủ giải quyết vấn đề Phục vụ thân chủ là trách nhiệm của NVCTXH, vì vậy, cần tránh lạm dụng quyền lực, vị trí công việc để mưu lợi cá nhân Đồng thời, NVCTXH cũng cần phải ý thức được khả năng trình
độ chuyên môn của bản thân có đáp ứng yêu cầu của công việc được giao hay không (tức
là cần nhận biết được trình độ kiến thức, kỹ năng chuyên môn của mình tới đâu)… Khi gặp trường hợp quá phức tạp và vượt quá giới hạn khả năng cá nhân, thì NVCTXH chuyển giao trường hợp đang thụ lý cho NVCTXH khác giúp đỡ
Tự nhận thức về bản thân là một trong những nguyên tắc không thể thiếu được đối với NVCTXH Nó giúp NVCTXH biết giới hạn về quyền lực của mình và có ý thức hoàn thiện bản thân để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao phó Việc nhận thức về bản thân NVCTXH còn đảm bảo cho lợi ích cũng như quyền lợi của thân chủ trong trường hợp vấn đề vượt quá khả năng của NVCTXH và cần chuyển tuyến Việc ý thức được yếu tố này giúp cho NVCTXH trung thực trong công việc, trung thực với khả năng của bản thân
Đồng thời, NVCTXH phải có khả năng nắm bắt suy nghĩ của mình, cảm xúc của thân chủ, mà không để cho các cảm xúc này chi phối quá trình suy nghĩ của mình Vì thế, nếu
có thể, NVCTXH nên duy trì một mức độ khoảng cách nhất định, bên cạnh sự đồng cảm
và mức độ cảm xúc nào đó để có thể giúp thân chủ giải quyết vấn đề một cách khách quan và lập kế hoạch một cách thực tế
Tómlại, việc nhận thức và chấp nhận bản thân của NVCTXH bao gồm:
- Hiểu biết bản thân: Biết rõ thể lý, cảm xúc, tình cảm, năng lực (kiến thức, kỹ năng) thái độ, hành vi, kể cả những mặt mạnh lẫn hạn chế
- Chấp nhận bản thân với những đặc điểm nêu trên Biết rõ những gì tôi có thể làm
và chấp nhận những gì tôi không thể làm, những gì tôi chưa giải quyết được
Ví dụ NVCTXH xuất thân trong gia đình mà người cha bạo hành mẹ và những
hình ảnh bạo hành đó vẫn còn ảnh hưởng tới suy nghĩ, hành vi của NVCTXH thì nên hạn chế tiếp nhận những thân chủ có vấn đề tương tự
- Nhận biết những tổn thương đặc biệt của bản thân và tìm cách ứng phó với chúng
Ví dụ: Thể lý yếu ớt, ứng phó bằng cách tập thể dục thể thao, quan tâm chế độ
dinh dưỡng Dễ xúc động ứng phó bằng cách đối diện với nhiều tình huống gây xúc động để rèn luyện cơ chế kềm chế xúc động
- Biết những gì tôi có thể làm và chấp nhận những gì tôi không thể làm
- Đặt ra các mục tiêu chuyên ngiệp dựa trên kiến thức, kỹ năng, thế mạnh và hạn chế của bản thân
Tóm lại, trong CTXH thực hành, đặc biệt là khi làm việc với cá nhân thì mối quan
hệ giữa thân chủ và NVCTXH là một thành phần quan trọng của quá trình giúp đỡ và mối quan hệ này là một sự chuyên nghiệp Do đó, người NVCTXH cần có sự ý thức và
Trang 8kỷ luật của việc tự nhận thức bản thân khi làm việc với thân chủ với tư cách là người cung cấp dịch vụ
III NỘI DUNG TỰ NHẬN THỨC TRONG MỐI QUAN HỆ VỚI THÂN CHỦ
Khi làm việc với thân chủ với tư cách là người cung cấp dịch vụ, vì thế, NVCTXH không chỉ ý thức bản thân mình mà còn phải giúp thân chủ của mình cũng có được kỹ năng tự nhận thức này Nhận thức về bản thân và ý thức giá trị bản thân không cố định, mà có thể thay đổi nếu đối tượng gặp môi trường tốt và nhất là gặp người biết cách đối xử hay được sự giúp đỡ của các nhà tâm lý, các NVCTXH, do đó vai trò của NVCTXH là quan trọng Những thân chủ là người rơi vào tệ nạn xã hội thường có một hình ảnh tiêu cực về bản thân, nếu đến một trung tâm phục hồi mà được nhân viên đối xử với sự tin tưởng và tôn trọng, được khuyến khích để khắc phục yếu kém
và phát huy tiềm năng thì dần họ có thể thay đổi hình ảnh về bản thân mà họ có
NVCTXH phải nhận ra và tin vào khả năng của thân chủ, giá trị bản thân của thân chủ để, từ đó, không áp đặt ý nghĩ của mình lên thân chủ, hay có cái nhìn thương hại, ban ơn, làm thay cho thân chủ
Cụ thể, khi làm việc với thân chủ đòi hỏi NVCTXH cần có sự tự nhận thức như:
- Biết được khi nào tôi đồng hoá/ quá thấu cảm với thân chủ
- Nhận biết và chấp nhận những lĩnh vực dễ bị tổn thương và những vấn đề mà NVCTXH không giải quyết được
- Luôn kiểm soát lời nói, cử chỉ hành vi thể hiện với thân chủ để biết được những biểu hiện quá mức thân thiện hoặc luôn nhắc nhớ lại những quy định của nghề
- Nhận biết và quản lý đối thoại bên trong con người NVCTXH
Ví dụ khi thân chủ đang bày tỏ về câu chuyện của mình, NVCTXH không suy
nghĩ phán xét hay thầm dè bỉu thân chủ
- Nhận diện và gọi tên những cảm xúc và hành vi mà bản thân nhân viên xã hội có
Ví dụ: NVCTXH biết mình đang phán xét, mất bình tĩnh… với thân chủ thông
qua suy nghĩ, phản ứng bằng ngôn ngữ và phi ngôn ngữ nên điều chỉnh kịp thời suy nghĩ, hành vi của mình
- Hiểu và kiểm soát được cơ chế phòng thủ cá nhân
Ví dụ khi thân chủ nổi nóng, NVCTXH có thể cũng sẽ mất bình tĩnh theo và có
phản ứng gay gắt lại với thân chủ Hiểu được như vậy thì NVCTXH sẽ tìm cách giữ thái độ bình tĩnh để tiếp tục làm việc với thân chủ
- Hiểu những giá trị cá nhân và những ảnh hưởng của nó tới mối quan hệ tham vấn
Ví dụ: nếu NVCTXH đánh giá thấp và gay gắt hành vi bạo lực thì khi tham
vấn cho nam thân chủ cần ý thức, không để những suy nghĩ này ảnh hưởng tới việc ứng xử của mình với thân chủ
- Đặt ra các mục tiêu chuyên ngiệp dựa trên kiến thức, kỹ năng, thế mạnh và hạn chế của bản thân
Trang 9PHỤ LỤC
Cửa sổ JOHARI (Joe luft & Harry Ingham)
Mỗi người chúng ta là mộ kho báu, một phần đã được lộ ra, một phần chưa lộ ra Joe Luft và Harry Ingham đã vẽ ra một cửa sổ giúp chúng ta hiểu:
- Chúng ta có thể trưởng thành như thế nào trong việc tự nhận biết chính mình
- Làm sao chúng ta có thể xây dựng mối quan hệ làm việc tin tưởng hơn trong nhón và cộng đồng qua chia sẻ và phản hồi
1
MỞ
2
VÔ THỨC (MÙ)
Người khác phản hồi cho mình biết Mình nhận phản hồi
3
CHE DẤU
Mình chia sẻ cho người khác biết
4
TIỀM THỨC, TIỀM NĂNG
(chưa lộ ra)
Mình và người khác cùng khám phá
Người khác
biết
Người khác
không biết
Hỏi
Nói
Trang 10TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Lê Chí An dịch (1999) Công tác xã hội cá nhân, Ban xuất bản Đại học Mở Tp
Hồ Chí Minh
[2] Nguyễn Thị Oanh 2010 Kỹ năng sống cho trẻ vị thành niên NXB Trẻ
[3] Nguyễn Thị Oanh 2008 Hạnh phúc - Phải lựa chọn, NXB Trẻ
[4] Nguyễn Thị Oanh 1998 Công tác xã hội đại cương NXB Giáo Dục
[5] Th.s Đòan Tâm Đan và Th.s Nguyễn Thị Ngọc Bích (2005) Công tác xã hội cá
nhân Tài liệu Tập huấn SDRC, lưu hành nội bộ
[6] Th.s Chu Dũng và Th.s Nguyễn Thị Ngọc Bích (2009) Công tác xã hội cá nhân
Tài liệu Tập huấn của SDRC, lưu hành nội bộ
[7] GS.TS Phạm Huy Dũng (chủ biên) 2006 Bài giảng Công tác xã hội - Lý thuyết và
thực hành công tác xã hội trực tiếp NXB Đại học Sư Phạm
[8] Social Work Education Project (SWEP) - Vietnam Certificate Course on Social
Work Administration Module 1.2 – Human Behaviour and Social Environment
[9] Johari Window - Kiwipedia
[10] Choices: Developing Your Self-Awareness
http://frank.mtsu.edu/~cfrost/crazy/choices.htm