1. Trang chủ
  2. » Giáo án - Bài giảng

Phát triển năng lực thực hành nghiệp vụ sư phạm dựa vào nghiên cứu trường hợp trong đào tạo giáo viên tiểu học

7 744 7

Đang tải... (xem toàn văn)

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 7
Dung lượng 210,81 KB

Nội dung

PHÁT TRỂN NĂNG LỰC THỰC HÀNH NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM DỰA VÀO NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP TRONG ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN TIỂU HỌC Nguyễn Khải Hoàn 1 Tóm tắt: Thực hành nghiệp vụ sư phạm là một hình thức tổ chức các hoạt động dạy học nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên gắn với thực tiễn dạy học và giáo dục như: thực hành phương pháp giảng dạy các bộ môn, rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên, thực tập sư phạm cuối khóa. Bài viết này đưa ra một số biện pháp nhằm phát triển năng lực thực hành nghiệp vụ sư phạm dựa vào nghiên cứu trường hợp trong đào tạo giáo viên tiểu học. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Chương trình đào tạo giáo viên tiểu học trình độ đại học, cao đẳng do Bộ Giáo dục và Đào tạo qui định được xây dựng theo hướng đa môn truyền thống. Mục tiêu của chương trình là đào tạo người giáo viên tiểu học có tư tưởng, phẩm chất đạo đức tốt, có đủ sức khoẻ, có năng lực giáo dục, dạy học theo yêu cầu của chuẩn giáo viên tiểu học, có khả năng dạy tốt chương trình tiểu học mới cũng như có khả năng đáp ứng được những thay đổi của giáo dục tiểu học trong tương lai; có kĩ năng nghiên cứu, tự bồi dưỡng khoa học giáo dục. Với nghiệp vụ sư phạm cũng vậy, các kiến thức nghiệp vụ sư phạm được chia nhỏ theo từng học kì, dựa trên các điều kiện tiên quyết của học phần/môn học từ năm thứ nhất đến năm cuối khóa. Theo đó, nghiệp vụ sư phạm được hợp thành bởi những thành phần sau: 1/ Tâm lí học: bồi dưỡng cho sinh viên những quy luật tâm lí chung và đặc điểm tâm lí theo từng độ tuổi. 2/ Hệ thống tri thức về giáo dục học: bao gồm những tri thức về dạy học và giáo dục con người, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ, đã được khái quát hóa thành các quy luật và có tính quy luật. 3/ Hệ thống thực hành: bao gồm những kĩ năng cần thiết để giáo dục và dạy học; các kĩ năng xã hội khác trong đó có các kĩ năng giao tiếp và ứng xử đối với học sinh và những lực lượng giáo dục khác; các kĩ thuật dạy học, phương pháp dạy học Qua ba lần cải cách giáo dục, nhưng cả ba lần chương trình nghiệp vụ sư phạm nói riêng và chương trình đào tạo giáo viên tiểu học đều được kết cấu riêng rẽ theo các học phần/môn học: học xong kiến thức cơ bản rồi mới học phương pháp dạy học, rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên và thực hành, thực tập sư phạm. Hiện nay, trên thế giới, chương trình đào tạo giáo viên tiểu học nói chung được xây dựng theo hướng tích hợp nhằm phát triển cho giáo sinh nền tảng nhận thức/triết lí cá nhân về chuyên môn sư phạm và năng lực nghề nghiệp. Ở Việt Nam, những nội dung của việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai, thực hiện và được áp dụng trong các trường đại học, cao đẳng có đào tạo giáo viên tiểu học đều hướng đến việc phát triển và nâng cao năng lực thực hành nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên. 1 ThS, Trường Đại học Tân Trào Theo các nghiên cứu ở trong và ngoài nước hiện nay thì dạy học dựa vào nghiên cứu trường hợp trong đào tạo giáo viên là một hướng đi có nhiều triển vọng [2], [5], [7]. Theo đó, phát triển năng thực hành nghiệp vụ sư phạm dựa vào nghiên cứu trường hợp trong dạy học nghiệp vụ sư phạm có thể mang lại những ưu điểm nổi trội như: tăng tính thực tiễn của môn học; nâng cao tính chủ động, sáng tạo và hứng thú của sinh viên; cung cấp kinh nghiệm, cách nhìn và giải pháp mới cho cả giáo viên và sinh viên [5]. 2. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU 2.1. Một số khái niệm cơ bản 2.1.1. Nghiệp vụ sư phạm và thực hành nghiệp vụ sư phạm Nghiệp vụ sư phạm được hiểu là vốn kiến thức, kĩ năng và kinh nghiệm sư phạm mà người giáo viên có được để thực hiện công việc truyền thụ tri thức, kĩ năng, kĩ xảo và giáo dục nhân cách học sinh. Nói cách khác, nghiệp vụ sư phạm của giáo viên chính là hệ thống các năng lực sư phạm và những phẩm chất cần thiết nhằm thực hiện có hiệu quả hoạt động giáo dục, dạy học và tự hoàn thiện [4]. Theo Nguyễn Hoàng Hải, thực hành nghiệp vụ sư phạm có chức năng hình thành các kĩ năng, rèn luyện tay nghề sư phạm cho sinh viên [3]. Trong suốt quá trình đào tạo, hoạt động thực hành nghiệp vụ sư phạm được triển khai thường xuyên, liên tục qua các hình thức: thực hành phương pháp giảng dạy các bộ môn, rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên, thực tập sư phạm cuối khoá. Các hoạt động thực hành này được sắp xếp thành hệ thống theo hướng giúp sinh viên thích ứng dần với nghề dạy học. Hoạt động thực hành nghiệp vụ sư phạm là hoạt động cơ bản trong quá trình đào tạo, là một bộ phận cấu thành của nội dung và phương pháp đào tạo ở các trường sư phạm. Các hoạt động thực hành nghiệp vụ sư phạm giúp sinh viên tập vận dụng kiến thức tâm lí học, giáo dục học để giải quyết các tình huống xảy ra trong thực tiễn giáo dục. Nhờ vậy, hình thành được các phẩm chất nhà giáo, các kĩ năng dạy học và giáo dục, kĩ năng giao tiếp, ứng xử đối với học sinh và những người khác. 2.1.2. Nghiên cứu trường hợp Theo Đặng Thành Hưng và các cộng sự [2], nghiên cứu trường hợp là một trong số các phương pháp nghiên cứu khoa học có chức năng mô tả, phân tích, giải thích và đánh giá chuyên sâu bản chất, các nhân tố phát triển của đối tượng cụ thể trong hoàn cảnh tồn tại cụ thể của đối tượng đó và phán đoán triển vọng của nó dựa trên những phát hiện về nó qua dữ liệu, đánh giá các liên hệ phụ thuộc và nhân quả theo quan niệm nhất định của nhà nghiên cứu. Nghiên cứu trường hợp trong dạy học là chiến lược hay kiểu dạy học có tính hệ thống dựa vào nguyên tắc, thủ tục và kĩ thuật của phương pháp nghiên cứu trường hợp trong khoa học, trong đó nhà giáo phải xử lí nội dung học tập thành các Trường hợp (Cases) khác nhau, thiết kế chúng thích hợp với mục tiêu, nhiệm vụ và môi trường học tập, sử dụng các trường hợp này để thiết kế và tổ chức quá trình học tập như là quá trình nghiên cứu khoa học trong đó sinh viên là những nhà nghiên cứu, giáo viên là cố vấn và chỉ đạo khoa học, trong môi trường giàu trải nghiệm, giàu tính học thuật, đòi hỏi hoạt động trí tuệ và hành động thực tiễn, hướng tới giải quyết vấn đề. 2.2. Vai trò của hoạt động thực hành nghiệp vụ sư phạm đối với sinh viên ngành giáo dục tiểu học 2.2.1. Thực hành nghiệp vụ sư phạm là bộ phận nòng cốt trong chương trình đào tạo giáo viên tiểu học, là hoạt động đóng vai trò chủ yếu trong việc hình thành tay nghề sư phạm cho sinh viên Đây là hoạt động diễn ra trong suốt quá trình đào tạo giáo viên tiểu học với nhiều nội dung khác nhau, từ thực hành phương pháp giảng dạy bộ môn, rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên, đến thực tập sư phạm. Thông qua tổ chức các hoạt động này, nhà trường sư phạm giúp cho sinh viên có được những hiểu biết sâu sắc về quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước về giáo dục đào tạo và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội; nắm vững những đổi mới về chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục và dạy học ở tiểu học, về các kĩ thuật tổ chức dạy học, giáo dục học sinh, phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả dạy học và giáo dục ở bậc tiểu học; nắm được phương pháp giải quyết các tình huống xảy ra trong thực tiễn giáo dục, bước đầu làm quen với công tác nghiên cứu khoa học giáo dục. Từ đó, hình thành nên ở sinh viên một hệ thống các kĩ năng dạy học và giáo dục, tức là hình thành tay nghề sư phạm cho sinh viên. 2.2.2. Thực hành nghiệp vụ sư phạm là cầu nối giữa lí luận với thực tiễn, là điều kiện quan trọng cho sự hình thành và phát triển năng lực sư phạm của sinh viên Năng lực sư phạm không phải là cái có sẵn ở người sinh viên sư phạm, cũng không phải là cái được hình thành một cách dễ dàng, nhanh chóng, mà là kết quả của sự kiên trì rèn luyện thường xuyên, liên tục, trong các hoạt động khác nhau được tổ chức một cách khoa học, thống nhất. Thực hành nghiệp vụ sư phạm là hoạt động diễn ra thường xuyên, liên tục ở mọi lúc, mọi nơi với nhiều hình thức đa dạng. Tham gia vào hoạt động thực hành nghiệp vụ sư phạm, sinh viên có điều kiện để trau dồi về chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện các kĩ năng sư phạm, áp dụng các kiến thức lí luận giáo dục đã học vào thực tiễn, nhờ vậy mà hình thành và phát triển được năng lực sư phạm của bản thân. Đặc biệt, qua các đợt thực tập ở trường tiểu học, sinh viên còn có điều kiện để thể hiện và trau dồi năng lực thực tiễn, có cơ hội để tiếp thu những tri thức mới, và do vậy, tạo được sự phát triển mới về năng lực sư phạm. 2.2.3. Hoạt động thực hành nghiệp vụ sư phạm là con đường cơ bản để giáo dục đạo đức và văn hóa nghề nghiệp cho sinh viên Trong đào tạo giáo viên tiểu học, thực hành nghiệp vụ sư phạm là hoạt động gắn liền với thực tiễn giáo dục tiểu học. Trong hoạt động thực hành nghiệp vụ sư phạm, sinh viên được tiếp xúc với công việc dạy học và giáo dục ở tiểu học, tiếp xúc với học sinh và giáo viên tiểu học, trực tiếp tham gia lao động sư phạm, được sống trong môi trường văn hóa nghề nghiệp. Đó chính là những yếu tố giúp cho sinh viên hiểu đầy đủ hơn, sâu sắc hơn về tính chất đặc thù của nghề dạy học. Từ đó, sinh viên có được nguồn cảm hứng trực tiếp đối với nghề, có được sự thích nghi hoá các phẩm chất cho phù hợp với yêu cầu của hoạt động sư phạm. Vì vậy, thông qua hoạt động thực hành nghiệp vụ sư phạm, các phẩm chất nghề nghiệp của sinh viên được hình thành một cách tích cực và rõ nét. Niềm tin vào bản thân được củng cố và phát triển. Tình cảm nghề nghiệp, tình yêu trẻ em và tinh thần trách nhiệm được nâng lên một bước đáng kể. Đây là con đường cơ bản để hình thành nên các phẩm chất đạo đức và văn hóa nghề nghiệp cho sinh viên [3]. 2.3. Một số biện pháp phát triển năng lực thực hành nghiệp vụ sư phạm dựa vào nghiên cứu trường hợp trong đào tạo giáo viên tiểu học 2.3.1. Bản chất và đặc điểm của dạy học nghiệp vụ sư phạm dựa vào nghiên cứu trường hợp Trong dạy học nói chung và dạy học nghiệp vụ sư phạm nói riêng, nghiên cứu trường hợp được sử dụng như là một chiến lược dạy học và một môi trường dạy học tích cực. Theo Vũ Thị Lan, nghiên cứu trường hợp trong dạy học chú trọng nhiều tới phương pháp học của sinh viên, nhằm nhấn mạnh vào khả năng nghiên cứu và ra quyết định của sinh viên; tạo cơ hội phát triển những kĩ năng cơ bản: giao tiếp, làm việc theo nhóm và giải quyết vấn đề [7]. Nghiên cứu trường hợp được ứng dụng trong dạy học nghiệp vụ sư phạm dưới các hình thức: thảo luận, dạy học theo nhóm hợp tác, dạy học giải quyết vấn đề, dạy học kĩ năng sư phạm và dạy học bằng/ thông qua trái nghiệm Như vậy, bản chất của dạy học nghiệp vụ sư phạm dựa vào nghiên cứu trường hợp là hoạt động dạy và học được giáo viên tổ chức với sự tích hợp các phương pháp dạy học tích cực, trong đó sinh viên tự lực nghiên cứu Trường hợp và giải quyết các vấn đề của Trường hợp đặt ra, dưới sự điều phối của giáo viên nhằm đạt mục tiêu bài học. Dạy học nghiệp vụ sư phạm dựa vào nghiên cứu trường hợp có những đặc điểm chủ yếu sau: - Giáo viên phải biết cách nghiên cứu người học của mình và chia nhóm học tập theo nhiều cách khác nhau để tổ chức việc học phù hợp nhất với cá nhân hoặc nhóm. - Sinh viên nhận diện đúng nội dung và nhiệm vụ học tập có tính nghiên cứu và biết hướng dẫn người khác học tập theo kiểu nghiên cứu. - Giáo viên hướng dẫn sinh viên thiết kế được các Trường hợp dựa trên phân tích nội dung học tập cần thiết trong chương trình đào tạo nghiệp vụ sư phạm. - Giáo viên sử dụng các biện pháp và kĩ thuật dạy học cụ thể thích hợp để khuyến khích và hướng dẫn sinh viên nghiên cứu dựa vào Trường hợp đã định. - Sinh viên có kĩ năng thiết kế các mẫu hoạt động học tập thích hợp với yêu cầu và môi trường học tập kiểu nghiên cứu. - Giáo viên phải am hiểu và có thể cung cấp các nguồn học liệu phong phú hỗ trợ sinh viên nghiên cứu trong quá trình thực hành nghiệp vụ sư phạm. - Giáo viên có thái độ và kĩ năng hợp tác với sinh viên như là đồng nghiệp trong công tác nghiên cứu. - Sinh viên biết thiết kế trọn vẹn các đơn vị nội dung học tập trong chương trình đào tạo nghiệp vụ sư phạm (module, bài học, học phần, chủ đề…) có chứa các trường hợp cần dựa vào. 2.3.2. Một số biện pháp phát triển năng lực thực hành nghiệp vụ sư phạm dựa vào nghiên cứu trường hợp trong đào tạo giáo viên tiểu học Trên cơ sở những đặc điểm và bản chất của phương pháp nghiên cứu trường hợp và vai trò của hoạt động thực hành nghiệp vụ sư phạm đối với sinh viên ngành giáo dục tiểu học, có thể rút ra một số biện pháp để góp phần phát triển năng lực thực hành nghiệp vụ sư phạm dựa vào nghiên cứu trường hợp như sau: - Phải thay đổi nhận thức, suy nghĩ và thói quen giảng dạy, học tập của các giáo viên và sinh viên trong nhà trường đối với dạy học nghiệp vụ sư phạm. Khuyến khích các giáo viên và sinh viên chủ động hơn nữa trong việc tiếp cận với phương pháp nghiên cứu trường hợp, tạo tiền đề cho việc nghiên cứu và phát triển, ứng dụng nghiên cứu trường hợp trong dạy học nghiệp vụ sư phạm và các môn học thực hành khác. - Phân tích, tổng hợp các thành tựu nghiên cứu về áp dụng nghiên cứu trường hợp trong dạy học các môn thực hành nhằm xây dựng hệ thống cơ sở lí luận cho việc thiết kế các Trường hợp trong dạy học nghiệp vụ sư phạm ở trường đại học, cao đẳng có đào tạo giáo viên tiểu học. - Sắp xếp lại nội dung, chương trình đào tạo nghiệp vụ sư phạm theo hướng tích hợp liên môn, xuyên môn và có sự liên thông theo chuẩn nghiệp vụ sư phạm, chuẩn đầu ra đặc biệt là chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học. - Thiết kế và tiến hành các hoạt động để sinh viên thực hiện các nghiên cứu trường hợp phù hợp với nội dung đào tạo nghiệp vụ sư phạm ở trường đại học, cao đẳng theo phương châm “Dạy bằng cách học - Học bằng cách thực hành”. - Hướng dẫn sinh viên nghiên cứu, thiết kế các Trường hợp để sau khi hoàn thành công việc, sinh viên nắm được nội dung, bản chất của môn học nghiệp vụ sư phạm và quan trọng hơn, đó là được tham gia vào thực tiễn nghiên cứu khoa học, thực tiễn cuộc sống, nghề nghiệp ngay trong khi còn ngồi trên ghế nhà trường đại học, cao đẳng. Sau này các em có thể áp dụng nghiên cứu trường hợp vào dạy học. - Phải thay đổi cốt lõi các chiến lược dạy học từ phía giáo viên - phải xác định dạy sinh viên cái gì, dạy như thế nào và nhằm mục đích gì. Tập trung chú ý đến tính liên tục trong quá trình phát triển nhận thức của sinh viên, từ việc tăng cường kiến thức nội dung và những kĩ năng sư phạm cơ bản cho đến việc trau dồi tu dưỡng năng lực và những phương pháp thực hành chung của một xã hội tri thức. - Chú trọng hình thành kĩ năng tự học, tự nghiên cứu của sinh viên, để sinh viên có thể tiếp tục trưởng thành trong nghề nghiệp, điều này liên quan mật thiết đến yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới về kiểm tra, đánh giá và tiếp cận được những vấn đề mới trong giáo dục. 3. KẾT LUẬN 3.1. Hoạt động thực hành nghiệp vụ sư phạm có vai trò, vị trí rất quan trọng trong quá trình đào tạo cử nhân giáo dục tiểu học. Nó là con đường chủ yếu và cơ bản nhất để hình thành nên những phẩm chất, nhân cách nhà giáo ở người sinh viên sư phạm. Do đó, nhiệm vụ hàng đầu của nhà trường sư phạm là phải tổ chức có hiệu quả hoạt động thực hành nghiệp vụ sư phạm của sinh viên. 3.2. Phát triển năng lực thực hành nghiệp vụ sư phạm dựa vào nghiên cứu trường hợp trong đào tạo giáo viên tiểu học là một hướng đi đúng và phù hợp nhằm giúp sinh viên có được những hành trang cần thiết của người giáo viên tương lai như: phương pháp làm việc khoa học, khả năng phát hiện và giải quyết được những vấn đề trong thực tiễn dạy học, giáo dục và thực tiễn cuộc sống đặt ra để có thể dạy học trong một xã hội tri thức như ngày nay. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Đặng Thành Hưng, Dạy học hiện đại (Lí luận - Biện pháp - Kĩ thuật), Nxb Đại học Quốc gia, H., 2002. 2. Đặng Thành Hưng, Trịnh Thị Hồng Hà, Nguyễn Khải Hoàn, Trần Vũ Khánh, Lí thuyết Phương pháp dạy học, Nxb Đại học Thái Nguyên, 2012. 3. Nguyễn Hoàng Hải, Giáo dục giá trị nghề nghiệp cho sinh viên đại học ngành giáo dục tiểu học qua hoạt động thực hành nghiệp vụ sư phạm, Luận án Tiến sĩ Giáo dục học, Hà Nội, 2012. 4. Đào Hải, Nghiên cứu qui trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ giáo viên tiểu học miền núi, Luận án Tiến sĩ Giáo dục học, Hà Nội, 2005. 5. Nguyễn Khải Hoàn, Dạy học dựa vào nghiên cứu trường hợp trong đào tạo nghiệp vụ sư phạm, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 số 20 (8/2012). 6. Nguyễn Khải Hoàn, Nhận diện về trường hợp và nghiên cứu trường hợp trong dạy học, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 số 26 (8/2013). 7. Vũ Thị Lan, Dạy học dựa vào nghiên cứu trường hợp ở đại học, Nxb Bách khoa, H., 2014. 8. Geoffrey Petty, Dạy học ngày nay, Nxb Stanley Thornes, 1998. DEVELOPING THE ABILITY TO PRACTISE PEDAGOGICAL PROFESSIONAL COMPETENCE BASING ON CASE STUDY IN TRAINING PRIMARY SCHOOL TEACHERS Nguyen Khai Hoan Abstract Practising professional competence is a form of organizing activities to teach students professional competence in association with the reality of teaching and education, such as: Practising methods of teaching different subjects, practising regular professional competence, doing teaching practice at the end of the course. This article brings out some solutions to develop the ability to practise professional competence basing on case study in training primary school teachers. . nhằm phát triển năng lực thực hành nghiệp vụ sư phạm dựa vào nghiên cứu trường hợp trong đào tạo giáo viên tiểu học. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Chương trình đào tạo giáo viên tiểu học trình độ đại học, . PHÁT TRỂN NĂNG LỰC THỰC HÀNH NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM DỰA VÀO NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP TRONG ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN TIỂU HỌC Nguyễn Khải Hoàn 1 Tóm tắt: Thực hành nghiệp vụ sư phạm là một. sinh viên [3]. 2.3. Một số biện pháp phát triển năng lực thực hành nghiệp vụ sư phạm dựa vào nghiên cứu trường hợp trong đào tạo giáo viên tiểu học 2.3.1. Bản chất và đặc điểm của dạy học nghiệp

Ngày đăng: 04/09/2015, 19:30

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN