1. Trang chủ
  2. » Luận Văn - Báo Cáo

Bàn thêm về biện pháp tách câu từ góc độ tu từ

10 1.6K 4

Đang tải... (xem toàn văn)

THÔNG TIN TÀI LIỆU

BÀN THÊM VỀ BIỆN PHÁP TÁCH CÂU TỪ GÓC ĐỘ TU TỪ Lê Kim Nhung 1 Tóm tắt: Tách câu là một hiện tượng cải biến mô hình câu độc đáo. Đây là một biện pháp tu từ ngữ pháp được nhiều nhà văn sử dụng và nó thực sự phát huy hiệu quả trong văn học Việt Nam hiện đại. Do tính chất mới, lạ và sáng tạo nên những năm gần đây, tách câu thu hút sự chú ý và quan tâm nghiên cứu của các nhà nghiên cứu ngôn ngữ từ nhiều góc độ. Việc nghiên cứu và giảng dạy kiểu câu này đang có nhiều ý kiến khác nhau. Trong báo cáo này, chúng tôi trao đổi và phân tích về việc nghiên cứu và giảng dạy hiện tượng tách câu từ góc độ Ngữ pháp học và Phong cách học, để từ đó rút ra những kết luận cần thiết. Hi vọng báo cáo có ý nghĩa lí luận và là tư liệu cần thiết, phục vụ cho công tác nghiên cứu và giảng dạy Ngữ văn, đặc biệt là giảng dạy chuyên ngành Ngôn ngữ học trong nhà trường. 1. MỞ ĐẦU Tách câu là một biện pháp tu từ độc đáo. Gần đây, tách câu đã trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều chuyên ngành ngôn ngữ, đặc biệt là chuyên ngành Ngữ pháp học và Phong cách học. Tuy nhiên, qua thực tế nghiên cứu và giảng dạy, chúng tôi nhận thấy việc nghiên cứu biện pháp này đang còn nhiều ý kiến khác nhau. Việc xác định khái niệm và cách phân loại còn chưa thống nhất vì vậy dẫn đến chưa định rõ ranh giới của tách câu với các trường hợp câu biến thể khác như: câu đặc biệt, câu tỉnh lược và câu sai ngữ pháp. Điều này gây khó khăn cho cả người dạy và người học trong việc tìm hiểu kiểu câu này. Trên cơ sở tập hợp và phân tích ý kiến của các tác giả đi trước, chúng tôi mạnh dạn nêu ra một số nhận xét với mong muốn góp thêm một tiếng nói để cụ thể hóa và khẳng định rõ hơn tiêu chí nhận diện cũng như hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ này. Trong bài viết này, chúng tôi có sử dụng ngữ liệu thống kê của một số khóa luận xét tốt nghiệp của sinh viên khoa Ngữ văn. 2. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU 2.1. Tình hình nghiên cứu biện pháp tách câu 2.1.1. Nghiên cứu ở góc độ ngữ pháp a- Tác giả Diệp Quang Ban trong cuốn “Ngữ pháp tiếng Việt”- Tập2, Nxb Giáo dục 2007 có bàn hiện tượng câu dưới bậc. Tác giả nêu định nghĩa “Câu dưới bậc là biến thể của câu có ngữ điệu kết thúc tự lập, nhưng không tự lập về cấu tạo ngữ pháp và về ngữ nghĩa” [1, tr.192]. Tác giả cho rằng: “Tất cả những câu dùng trong đời sống của con người cũng như của một cộng đồng ngôn ngữ, đều là những câu - lời nói, câu biến thể; đều là những biến thể hiện thực của câu - ngôn ngữ, câu - mô hình” [1, tr.192]. Xét trong phạm vi câu đơn, ngoài những câu - lời nói phù hợp với những kiểu câu rời, đã được xem xét (câu đơn hai thành phần và câu đơn đặc biệt), chúng ta còn gặp những cấu tạo ngôn ngữ được dùng với tư cách những 1 ThS, Trường ĐHSP Hà Nội 2 “câu” nhưng không phù hợp hoàn toàn với định nghĩa về câu như đã nêu và có tổ chức khác thường. (Ở đây không đề cập đến những chuỗi từ bất thường về mặt nghĩa!). Các sách ngữ pháp trước đây thường gọi những “câu” như vậy là câu đơn có thành phần tỉnh lược. Trong nhà trường chúng thường bị coi là “câu què”, “câu cụt”. Ví dụ: “Của đáng mười Nhu chỉ bán được năm. Có khi chẳng lấy được đồng tiền nào là khác nữa”. (Nam Cao) Theo tác giả: đứng bên trong “câu” mà nhìn thì có thể gọi là những câu có thành phần tỉnh lược, thậm chí là những câu “què quặt”. Những câu kiểu này không có đời sống tự lập, chúng chỉ xuất hiện được nhờ bám vào những câu lân cận hữu quan. Vì vậy phải đứng trong tổ chức lớn hơn câu mà nhìn nhận chúng. Ở góc nhìn này, rõ ràng phần lớn chúng là bộ phận bổ sung cho câu hữu quan. Bởi vậy, phục hồi bộ phận đã được “tỉnh lược” nhìn chung, cũng tức là lặp thừa phần tương ứng nằm ở câu lân cận hữu quan, nhất là đối với những câu “tỉnh lược”cả chủ ngữ lẫn vị ngữ. Những câu như câu được nói đến trong ví dụ trên là những biến thể của câu nhưng không mang đầy đủ các đặc trưng cần yếu trong câu. Mặt khác, chúng cũng không thuộc về những đơn vị bậc thấp trong câu, chúng là những biến thể dưới bậc của câu, gọi tắt là “câu dưới bậc”. Câu dưới bậc chứa vị ngữ thì tự nó đã có tính vị ngữ, đó là câu dưới bậc có tính vị ngữ tự thân. Câu dưới bậc không chứa vị ngữ thì tính vị ngữ của nó có tính lâm thời, tức là chỉ có được trong trường hợp sử dụng cụ thể, đó là câu có tính vị ngữ lâm thời. Câu dưới bậc có tính vị ngữ lâm thời chính là hiện tượng tách câu mà chúng ta đang xét. Đó là những câu dưới bậc vốn tương đương với chủ ngữ, hoặc chỉ tương đương với thành phần phụ của câu hay thành phần phụ của từ trong câu lân cận hữu quan, nếu ta sát nhập vào câu lân cận đó. Căn cứ vào khả năng này chúng ta có ba kiểu nhỏ chủ yếu sau đây. - Câu dưới bậc tương đương với chủ ngữ. Ví dụ: - “Tiếng hát ngừng. Cả tiếng cười”. - Câu dưới bậc tương đương với thành phụ của câu. Ví dụ: - “Ngay buổi chiều hôm đó. Mặt biển trở lại thanh bình” (Nguyễn Tuân). - Câu dưới bậc tương đương với thành phần phụ của từ. Ví dụ: - “Tôi nghĩ đến sức mạnh của thơ. Chức năng và vinh dự của thơ” (Phạm Hổ). b- Cũng trong giáo trình này, tác giả Diệp Quang Ban đã phân tích khả năng tách vế của câu ghép ra thành câu riêng (về cấu tạo, vẫn còn giữ lại các dấu hiệu cho thấy nó vốn là một vế của câu ghép được tách ra), khả năng sử dụng một câu riêng có cấu tạo (dấu hiệu hình thức) tương tự một vế của câu ghép, nhưng không tìm thấy được một cách hiển nhiên vế kia (vế có quan hệ trực tiếp với nó). Tác giả nêu khả năng tách vế của câu ghép đẳng lập, câu ghép chuỗi, câu ghép chính phụ và câu ghép qua lại. Như vậy, tác giả đã nêu những dấu hiệu (về hình thức và nội dung) để nhận diện tách câu, miêu tả và phân loại tách câu theo cấu tạo ngữ pháp. 2.1.2. Nghiên cứu ở góc độ phong cách học a- Trong cuốn “Phong cách học tiếng Việt” - Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, 1997, tác giả Đinh Trọng Lạc định nghĩa: “Tách biệt là biện pháp tu từ đặc trưng của cú pháp biểu cảm, cụ thể là tách riêng một cách có dụng ý từ cấu trúc cú pháp thống nhất ra một hay nhiều bộ phận biệt lập về mặt ngữ điệu, tách xa nhau bằng một chỗ ngắt (trên chữ viết thì bằng dấu chấm hoặc một dấu tương đương)” [5, tr.263]. Trong tách biệt, câu được hiện thực hóa đầy đủ về cấu trúc nhưng bị tách ra hai hay nhiều bộ phận: bộ phận tách biệt được tạo nên bởi một thành phần câu đã được tách ra khỏi nòng cốt, hoặc bởi các phần nòng cốt đã bị tách ra; bộ phân còn là bộ phận xuất phát hay bộ phận trung tâm. Ví dụ: - “Nói xong, anh ta vùng đứng lên, giơ tay chào mọi người rồi đi ra cửa. Mọi người nhìn theo anh ta. Im lặng” (Nguyễn Ngọc Tư). Tác giả nêu hiệu quả và cách sử dụng biện pháp này như sau: - Cụ thể hóa nội dung của bộ phận trung tâm. - Đặc tả trạng thái tâm lí - cảm xúc của chủ thể. - Mô tả hoàn cảnh, điều kiện, chi tiết của những biến cố được nói đến. - Chuyển hóa thông báo một cách tự nhiên và sinh động, gắn kết các mảnh đoạn của văn bản, tạo mảnh đoạn mới. - Hoàn thành chức năng tạo nhịp điệu cú pháp, nâng cao tính tình thái cho câu văn; tạo nên những điểm dừng, điểm nhấn, làm nỏi bật đặc điểm kết cấu của lời văn. Tác giả cũng khẳng định “Có thể nói, tách biệt xuất hiện khá nhiều trong thơ và đem lại một tác dụng biểu cảm - cảm xúc khá lớn” [5, tr.264]. b- Cùng quan điểm nghiên cứu, tác giả Nguyễn Thái Hòa trong “Phong cách học tiếng Việt” đã nhận xét: “Tách các thành phần câu, nâng các thành phần đó thành những câu, ngữ trực thuộc và câu dưới bậc là một biện pháp tu từ quan trọng” [4, tr.243]. Tác giả nhấn mạnh hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ này trong việc miêu tả nhịp điệu, diễn biến của hình tượng và cảm xúc. 2.1.3. Nghiên cứu ở góc độ thực hành các kĩ năng đặt câu a- Tác giả Nguyễn Minh Thuyết trong cuốn “Tiếng Việt thực hành”ở phần “Rèn luyện kĩ năng đặt câu” đã nêu định nghĩa về tách câu như sau: “Tách câu có nghĩa là tách một bộ phận của câu thành câu riêng biệt” [10, tr.214]. Tác giả có nêu một số trường hợp tách các bộ phận của câu thành câu riêng như: tách trạng ngữ, tách vị ngữ, tách bổ ngữ, tách định ngữ, tách vế của câu ghép. Và nêu tác dụng của việc tách một bộ phận của câu thành câu riêng biệt: - Làm nổi thông tin ở nồng cốt câu - Làm nổi rõ thông tin trong bộ phận câu được tách riêng ra - Tạo điều kiện để chuyển sang một chủ đề khác - Thể hiện những ý nghĩa nhất định trong miêu tả sự vật, sự việc, tâm trạng. Tác giả Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh điều kiện tách câu: “Để tách một bộ phận của câu thành câu riêng biệt, trước hết, chúng ta cần xét xem việc tách câu như vậy là nhằm mục đích gì, có cần thiết không. Sau nữa, cũng cần nhớ: những bộ phận có thể tách thành câu riêng biệt thường phải đứng ở cuối câu… Khi cuối câu có nhiều bộ phận đồng chức, ta có thể tách mỗi bộ phận ấy thành một câu riêng hoặc gộp chúng thành một câu” [10, tr.217-218]. b. Giáo trình Tiếng Việt thực hành của tác giả Hoàng Kim Ngọc - Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, trong phần nói về các cách biến đổi câu, nêu định nghĩa: “Tách câu có nghĩa là một bộ phận của câu thành một câu độc lập nhằm mục đích làm nổi rõ một thông tin nào đó” [7, tr.162]. Tác giả nêu ra các tiểu loại tách câu: tách trạng ngữ, tách vị ngữ, tách định ngữ, tách bổ ngữ và tách một vế của câu ghép. Tác giả nêu điều kiện để nhận biết hiện tượng tách câu: “Câu bị tách ra bao giờ cũng phải nằm sau một câu trọn vẹn nào đó” [7, tr 163]. 2.1.4. Nhận xét về việc nghiên cứu biện pháp tách câu + Ở góc độ ngữ pháp, tác giả Diệp Quang Ban đã đưa ra khái niệm và những tiêu chí phân loại của câu dưới bậc nhưng mới chỉ ở giới hạn miêu tả, phân loại. + Xem xét ở góc độ thực hành kĩ năng đặt câu, tác giả Nguyễn Minh Thuyết và Hoàng Kim Ngọc đã thống nhất ở ở việc nêu định nghĩa, phân loại và đặc biệt nhấn mạnh điều kiện để tách câu. Xem xét từ góc độ rèn luyện kĩ năng đặt câu nhưng các tác giả cũng rất chú ý khai thác tác dụng và hiệu quả sử dụng của biện pháp này. Tuy nhiên việc nghiên cứu cũng mới chỉ dừng lại ở mức độ gợi mở, chứ chưa đi sâu phân tích. Tuy nhiên giữa các tác giả, trong một số trường hợp cụ thể chưa có sự thống nhất về cách nhận diện và miêu tả. Ví dụ câu: “Ngay buổi chiều hôm đó. Mặt biển trở lại thanh bình”, được tác giả Diệp Quang Ban coi là tách câu, nhưng tác giả Hoàng Kim Ngọc lại cho rằng: “Khó có thể coi là đúng ngữ pháp” [7, tr.163]. Tác giả Hoàng Kim Ngọc nêu điều kiện: “Câu bị tách ra bao giờ cũng phải nằm sau một câu trọn vẹn nào đó”. Tác giả Nguyễn Minh Thuyết cũng khẳng định: “Những bộ phận có thể tách thành câu riêng biệt thường phải đứng ở cuối câu” [10, tr.218] và “Khi cuối câu có nhiều bộ phận đồng chức, ta có thể tách môi bộ phận ấy thành câu riêng” [10, tr.218]. Tức là bộ phận được tách phải có bộ phận đồng chức đứng ở trước nó. Nhưng hiện tượng tách câu trong bài thơ dịch của R. Gamzatop mà tác giả dẫn để minh họa cho tác dụng của tách câu lại không phù hợp với điều kiện này: “Trắng. Tuyết trắng. Rơi. Rất trắng. Bức thư. Chân thật. Vụng về. Ngắn. Chỉ mấy dòng. Im lặng. Buổi chiều. Buồn. Dài. Ủ ê” [ 10, tr. 17]. Các điều kiện nhận diện tách câu giúp cho việc phân loại được rõ ràng, chính xác hơn, nhưng nó cũng làm giới hạn phạm vi khảo sát và loại bỏ mất các hiện tượng tách câu độc đáo, có giá trị nghệ thuật cao. Ví dụ trường hợp bộ phận tách đứng ở đầu câu: “Đói, khát. Mệt. Đau đớn và sợ hãi đã làm lão hụt hơi” (Dẫn theo Đinh Trọng Lạc, tr.263), hoặc hiện tượng tách biệt như trong đoạn thơ trên. Chính vì những điểm chưa nhất quán trong lí thuyết về hiện tượng tách câu nên khi học tập, nghiên cứu biện pháp này, sinh viên rất lúng túng trong việc phân loại và thống kê ngữ liệu. + PGS.TS Đinh Trọng Lạc là người đặt nền móng cho những cơ sở lí luận của việc nghiên cứu biện pháp tách câu (tách biệt) từ góc độ phong cách học. Tác giả đã nêu được định nghĩa, khẳng định hiệu quả tách biệt và lấy ví dụ minh họa. Tác giả đặc biệt nhấn mạnh tạo nhịp điệu của biện pháp tách câu trong ngôn ngữ thơ. Quan niệm của tác giả Đinh Trọng Lạc đã tạo ra một hệ thống mở trong việc nhận diện và phân loại hiện tượng tách câu, từ đó giúp chúng ta đánh giá được đầy đủ và sâu sắc giá trị nghệ thuật của biện pháp tu từ này. Việc nghiên cứu mới chỉ dừng lại là những gợi ý, những nhận định cơ bản nhất và cũng chưa đưa ra bảng phân loại chi tiết của các trường hợp tách câu. Nhưng những tiền đề khoa học này giúp chúng tôi ý thức sự cần thiết phải nghiên cứu biện pháp tách câu một cách cụ thể hơn, hệ thống hơn. Quan điểm của tác giả Nguyễn Thái Hòa giúp chúng ta nhận diện rõ ràng hơn về biện pháp tách câu. Trường hợp tách biệt khi dùng dấu phảy không phải là biện pháp tách câu. 2.2. Ý kiến đề nghị Xuất phát từ các góc độ nghiên cứu khác nhau, chúng ta sẽ có điểm nhìn và cách tiếp cận khác nhau và có kết quả nghiên cứu khác nhau. Đứng từ góc độ phong cách học, chúng tôi thống nhất theo quan điểm của tác giả Đinh Trọng Lạc và triển khai bằng các luận điểm cụ thể. 2.2.1. Khái niệm - Trước hết cần xác định tên gọi của biện pháp. Giữa hai cách gọi “tách câu” và “tách biệt”, chúng tôi lựa chọn thuật ngữ “tách biệt”. Bởi thuật ngữ này gợi ra một phạm vi khảo sát rộng hơn, đa dạng hơn đồng thời nhất quán với định nghĩa về phép tách câu mà chúng tôi lựa chọn sử dụng trong bài viết này. - Việc xác định được khái niệm sẽ giúp chúng ta lựa chọn định nghĩa và xây dựng tiêu chí phân loại. Tác giả N. I. Lihosberst trong cuốn Phong cách học tiếng Anh đã định nghĩa tách biệt như sau: “Tách biệt là thủ pháp đặc thù của sự diễn đạt bằng cú pháp, đặc trưng của nó là sự cố ý tách rời một cấu trúc cú pháp thống nhất ra thành hai (hoặc hơn hai) phần biệt lập, về mặt ngữ điệu, chúng bị tách rời nhau bằng một chỗ ngừng (trên chữ viết bằng dấu chấm hoặc dấu tương đương)” (Dẫn theo tài liệu dịch của Diệp Quang Ban). Từ góc độ phong cách học, tác giả Đinh Trọng Lạc cũng nêu ra định nghĩa như sau: “Tách biệt là một biện pháp tu từ đặc trưng của cú pháp biểu cảm, cụ thể là nó tách riêng một cách có dụng ý, từ một cấu trúc cú pháp thống nhất ra một hay nhiều bộ phận biệt lập về mặt ngữ điệu, cách xa nhau bằng một chỗ ngắt (trên chữ viết thì bằng dấu chấm hoặc dấu tương đương)” [5, tr.263]. Hai định nghĩa trên giúp chúng ta nhận diện và phân loại được rõ ràng biện pháp tách biệt. Tách biệt là biện pháp tu từ tạo ra khi người nói hoặc người viết cố ý dùng ngữ điệu (ngắt giọng, nhấn giọng) hoặc dấu câu để tách một cấu trúc ngữ pháp thống nhất thành các cấu trúc bộ phận để phục vụ cho mục đích tu từ. Trên chữ viết, biện pháp tu từ tách biệt được thực hiện bằng cách sử dụng sáng tạo các dấu câu (dấu chấm, dấu chấm hỏi, chấm than, ba chấm), trong đó dấu chấm được sử dụng nhiều hơn cả. 2.2.2. Các dạng thể hiện của tách biệt Biện pháp tu từ tách biệt được sử dụng để tổ chức văn bản nhằm tạo ra những phân đoạn nhỏ nhằm mục đích tu từ. Phân đoạn nhỏ có thể đứng đầu, đứng giữa hoặc cuối câu trung tâm, không nhất thiết phải đứng sau một kết cấu chủ - vị trọn vẹn. Phân đoạn nhỏ cũng có thể là một từ, một cụm từ hoặc một bộ phận nào đó của câu được tách ra nhằm dụng ý tu từ. Nó lí giải được những trường hợp còn mâu thuẫn mà chúng tôi đề cập ở phần trên. Kết quả vận dụng phép tách biệt sẽ tạo ra nhiều biến thể cú pháp. Những biến thể này khi tách khỏi văn cảnh thì khó có thể chấp nhận là một câu do đặc điểm cú pháp chưa hoàn chỉnh. Tuy nhiên, khi đặt chúng vào văn cảnh, trong mối liên hệ ngữ pháp, ngữ nghĩa với những câu đứng liền trước hoặc liền sau, những biến thể cú pháp này có hiệu quả tu từ cao. Ở đây, chúng tôi muốn diễn giải và cụ thể hóa quan điểm của Đinh Trọng Lạc bằng cách phân loại như sau: 2.2.2.1. Tách biệt một câu (hoặc bộ phận của câu) thành phân đoạn nhỏ để tạo ra hiệu quả nghệ thuật Ví dụ: - “Chỉ một ngày nữa thôi. Em sẽ trở về. Nắng sáng cũng mong. Cây cũng nhớ. Ngõ cũng chờ. Và bướm cũng thêm màu trên đôi cánh đang bay”. (Chế Lan Viên) 2.2.2.2. Tách biệt một vế của câu ghép Ví dụ: - “Thứ gật đầu. Bởi vì đó là sự thật”. (Nam Cao) 2.2.2.3. Tách biệt một thành phần câu thành câu riêng: tách chủ ngữ, tách vị ngữ, tách trạng ngữ. Bộ phận tách biệt có thể đứng đầu hoặc cuối câu. Ví dụ: - “Lúc ấy, 16h kém 15. Gốc gạo đỏ cháy trên đường 5, đánh rớt đóa hoa cuối cùng.” (Nguyễn Tuân) - “Trăng lên. Cong vút và kiêu bạc ở góc trời”. (Nguyễn Thị Thu Huệ) -“Đêm đó. Là đêm trắng”. (Nguyễn Thị Thu Huệ) 2.2.2.4. Tách biệt một thành tố trong cụm từ thành câu riêng: tách bổ ngữ, tách định ngữ Ví dụ: - “Chàng kể về hai đứa con. Về cuộc sống riêng. Những kỉ niệm hay sở thích”. (Nguyễn Thị Thu Huệ) 2.2.2.5. Tách biệt thành phần ngoài nòng cốt câu: tách phần phụ chú, phần phụ tình thái, phần chuyển tiếp Ví dụ: - “Rừng xưa buồn lạnh, người lái rừng thấp thỏm, và người thợ rừng cô quạnh biết chừng nào. Cho tới bây giờ… Bây giờ thì đâu đâu cũng có trạm máy của lâm nghiệp…” (Nguyễn Tuân) - “Cổng làng có nhiều người lạ mặt vào. Đàn ông, đàn bà, em nhỏ”. (Nguyễn Tuân) 2.2.3. Hiệu quả tu từ Ngoài những hiệu quả tu từ mà các tác giả đã khẳng định, chúng tôi nhấn mạnh thêm hiệu quả của từng hiện tượng tách biệt như sau: 2.2.3.1. Hiệu quả tu từ của việc tách vế câu ghép thành câu riêng Hiệu quả rõ nhất là tạo ra những câu văn ngắn gọn, dễ hiểu, độc đáo để câu có thể đảm nhận các chức năng thông báo, chức năng biểu cảm và chức năng thẩm mỹ. Ví dụ: “Mẹ khóc bao nhiêu. Mắt tôi khô bấy nhiêu”. (Nguyễn Thị Thu Huệ) Việc tách vế của câu ghép qua lại có chứa cặp đại từ hô ứng: “bao nhiêu… bấy nhiêu” đã góp phần thể hiện tâm trạng đau đớn, xót xa của người con trước nỗi đau của mẹ. 2.2.3.2. Hiệu quả tu từ của việc tách chủ ngữ, vị ngữ thành câu riêng Ngoài tác dụng nhấn mạnh nội dung thông báo còn có tác dụng gợi liên tưởng, làm tăng tính hình tượng và tính biểu cảm cho ngôn ngữ nghệ thuật. Ví dụ: “Cụ chỉ biết cái trách nhiệm của mình rất lớn lao, và cũng muốn làm gương cho những cụ dưới noi theo, hăng hái chửi đứa nào còn ăn bẩn. Ăn bẩn. Nghĩa là thiên tư cho con cháu nhà mình, có ít xít ra nhiều để mua sợi thật nhiều và lấy lãi ăn cho cái dạ thật đầy” (Nam Cao). Chủ ngữ ăn bẩn được tách thành câu riêng gợi người đọc nghĩ tới nghĩa chuyển của cụm từ này và thể hiện rõ thái độ mỉa mai, hài hước. 2.2.3.3. Hiệu quả tu từ của việc tách trạng ngữ thành câu riêng Trạng ngữ là thành phần phụ của câu, có chức năng bổ sung ý nghĩa về thời gian, nơi chốn, nguyên nhân, mục đích, cách thức, phương tiện, tình thái… cho sự việc được nêu ở nòng cốt câu. Vị trí của trạng ngữ rất linh hoạt vì vậy khi tách nó cũng có thể đứng ở đầu, cuối hoặc giữa câu. Việc tách trạng ngữ thành câu riêng có tác dụng tăng cường vai trò ngữ nghĩa và ngữ pháp của nó, biến trạng ngữ thành thành phần không thể thiếu của cấu trúc câu. Ví dụ: - “Sáng hôm sau Điền ngồi viết. Giữa tiếng con khóc, tiếng vợ gắt gỏng, tiếng léo xéo đòi nợ ngoài đầu xóm. Và cả tiếng chửi bới của một người láng giềng ban đêm mất gà”. (Nam Cao) Về nghĩa, hai trạng ngữ được tách ra biểu đạt các tình huống nằm ngoài suy nghĩ của Điền nhưng chúng lại can thiệp thô bạo vào suy nghĩ của anh. Về mặt ngữ pháp, chúng là bộ phận không thể tách rời nòng cốt câu. Biện pháp tách câu đã có tác dụng gián tiếp giúp nhà văn bày tỏ tiếng lòng của mình, của người cầm bút trước sự tác động mạnh mẽ của hiện thực cuộc sống. 2.2.3.4. Hiệu quả tu từ của việc tách câu hoặc bộ phận của câu thành phân đoạn nhỏ Ngoài chức năng nhấn mạnh thông tin, đặc tả trạng thái tâm lí - cảm xúc của chủ thể, dạng tách biệt này còn có vai trò tạo nhịp điệu cú pháp, tạo nên những điểm dừng, điểm nhấn. Có thể dẫn lại ví dụ bài thơ dịch của R. Gamzatop: “Rơi. Tuyết rơi. Như vô tận. Bức thư. Ngắn. Chỉ mấy dòng. Dài. Chiều rất dài. Buồn. chán. Tuyết rơi. Trắng. Trắng. Mùa đông”. Tác giả Nguyễn Minh Thuyết nhận xét: “Sự chia cắt các bộ phận của câu thành những câu ngắn, liên tục vừa thể hiện được những suy tư trầm mặc của nhân vật trữ tình, vừa gợi được hình ảnh những bông tuyết rơi đều đều, chầm chậm” [9, tr.217]. 2.2.3.5. Hiệu quả tu từ của biện pháp tách câu với việc thể hiện đặc trưng phong cách ngôn ngữ văn bản Biện pháp tách câu được sử dụng trong các văn bản thuộc các phong cách khác nhau như: văn bản hành chính - công vụ, văn bản chính luận và đặc biệt và văn bản nghệ thuật. Việc sử dụng biện pháp tách câu thể hiện rõ màu sắc và đặc trưng của từng loại phong cách chức năng. Cụ thể: - Trong phong cách hành chính - công vụ, biện pháp tách câu thường trung hòa về sắc thái biểu cảm. Bởi mục đích tạo lập của văn bản hành chính là để tổ chức, điều hành các hoạt động của cơ quan nhà nước và các tổ chức đoàn thể. Việc tạo ra các biến thể cú pháp nhờ biện pháp tách biệt nhằm giúp cho nội dung thông báo đáp ứng được tính chính xác, tính khuôn mẫu, tính minh bạch và tính hiệu lực cao. - Trong phong cách chính luận, biện pháp tách câu được sử dụng để tổ chức lập luận, nhấn mạnh nội dung thông báo hoặc tạo ra sự uyển chuyển, tạo điểm dừng, điểm nhấn nhằm đáp ứng được yêu cầu về tính logic, chặt chẽ nhưng truyền cảm, thuyết phục của phong cách này. - Trong phong cách ngôn ngữ nghệ thuật, biện pháp tách câu được sử dụng với tỉ lệ cao và tạo những hiệu tu từ đặc biệt như đã phân tích ở phần trên, nhằm tăng cường tính hình tượng, tính hàm súc, tính cá thể hóa - những đặc trưng rất đặc thù của ngôn ngữ văn chương. Đối với văn học Việt Nam hiện đại, biện pháp tách câu thể hiện sự cách tân, sáng tạo của ngôn ngữ nghệ thuật. 2.3.4. Phân biệt câu tách biệt với những kiểu câu khác Để việc nhận diện câu tách biệt được rõ ràng hơn, chúng tôi thấy cần phải phân biệt câu tách biệt với câu tỉnh lược, câu đặc biệt và câu sai ngữ pháp. 2.3.4.1. Phân biệt câu tách biệt với câu đơn đặc biệt - Câu đơn đặc biệt là một kiểu câu, hoàn chỉnh về ngữ pháp. Câu đặc biệt ít lệ thuộc về phương diện ngữ pháp với câu trước và sau nó. Ví dụ: Cây số 120. (Nguyễn Tuân) - Câu tách biệt là một dạng biến thể của câu trong lời nói, không hoàn chỉnh về ngữ pháp, có thể xóa dấu chấm để trở thành một phần của câu chính. Câu tách biệt phụ thuộc chặt chẽ vào câu đứng trước và sau nó. Ví dụ: Bên ngoài. Mưa vẫn đổ, gió vẫn gào. 2.3.4.2. Phân biệt câu tách biệt và câu tỉnh lược - Giống nhau: câu tách biệt và câu tỉnh lược đều là những biến thể của câu trong lời nói. Chúng có cấu tạo ngữ pháp không đầy đủ và có thể khôi phục lại để thành câu hoàn chỉnh. Chúng phụ thuộc chặt chẽ vào câu đứng trước và sau. - Khác nhau: nếu như câu tỉnh lược khôi phục bằng cách khôi phục lại thành phần bị tỉnh lược thì câu tách biệt chỉ cần xóa bỏ dấu chấm để trở thành câu hoàn chỉnh. Ví dụ: Tiếng hát ngừng. Cả tiếng cười. (Nam Cao) Đây là câu tỉnh lược vị ngữ. 2.3.4.3. Phân biệt câu tách biệt với câu sai ngữ pháp - Câu sai ngữ pháp là câu thiếu chủ ngữ hoặc vị ngữ nhưng không có sự liên kết với các câu trước và sau nó để trở thành câu tỉnh lược. Có thể coi đây là những câu tách không theo quy tắc. - Câu tách biệt là phép biến đổi câu nhằm mục đích tu từ, còn câu sai ngữ pháp, do thiếu bộ phận trong câu nên trở thành “câu què, câu cụt”. Chúng trở nên tối nghĩa, không có mục đích biểu đạt cụ thể. 3. KẾT LUẬN - Biện pháp tách biệt đã trở thành đối tượng nghiên cứu mới mẻ và hấp dẫn của một số nhà Ngữ pháp học, Phong cách học. Kết quả nghiên cứu của các tác giả gợi ý và định hướng cho chúng tôi thấy cần phải tìm hiểu vấn đề một cách cụ thể và chi tiết hơn. Với mong muốn đáp ứng phần nào yêu cầu của việc nghiên cứu, giảng dạy và học tập chuyên ngành, chúng tôi đã lựa chọn nghiên cứu biện pháp tách câu. Hi vọng ý kiến và các luận điểm của chúng tôi sẽ giúp cho việc dạy, học và nghiên cứu biện pháp tu từ này được thuận lợi và rõ ràng hơn. - Trên văn bản viết, phương tiện để thể hiện biện pháp là dấu câu. Ở dạng nói, phương tiện thể hiện là ngữ điệu. Để xác định tính đúng - sai của biện pháp tách câu, cần phải dựa trên những đặc trưng về ngữ nghĩa, ngữ pháp và khả năng liên kết với các câu lân cận, hữu quan đứng trước và sau trong văn bản. - Mức độ và hiệu quả sử dụng của biện pháp tách biệt trong các phong cách chức năng ngôn ngữ có khác nhau. Biện pháp này được sử dụng đa dạng, phong phú và có hiệu quả hơn cả là trong phong cách ngôn ngữ nghệ thuật. - Chúng tôi mong muốn sẽ có thêm nhiều đề tài nghiên cứu, khóa luận nghiên cứu và khẳng định hiệu quả sử dụng của biện pháp này trong các phong cách chức năng ngôn ngữ khác nhau. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Diệp Quang Ban, Ngữ pháp tiếng Việt (tập 2), Nxb Giáo dục, H., 2007. 2. Nguyễn Thái Hòa, Phong cách học tiếng Việt, Nxb Giáo dục, H., 2001. 3. Đinh Trọng Lạc, Phong cách học tiếng Việt, Nxb Đại học Quốc gia, H., 1997. 4. Đinh Trọng Lạc, 99 phương tiện và biện pháp tu từ tiếng Việt, Nxb Giáo dục, H., 2005. 5. Hoàng Kim Ngọc, Tiếng Việt thực hành, Nxb Văn hóa Thông tin, H., 2007. 6. Nguyễn Minh Thuyết (chủ biên), Nguyễn Văn Hiệp, Tiếng Việt thực hành, Nxb Đại học Quốc gia, H., 2008. 7. Lê Thị Mỹ Bình, Hiệu quả của biện pháp tu từ tách biệt trong một số văn bản thuộc các phong cách khác nhau, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, 2004. 8. Nguyễn Thị Hà, Tìm hiểu biện pháp tách câu trong văn xuôi Nam Cao từ góc độ tu từ học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, 2000. 9. Nguyễn Hà Phương, Hiệu quả sử dụng của các trường hợp tách câu trong văn xuôi Nguyễn Tuân, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, 2010. 10. Đỗ Thị Thảo, Hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tách câu trong văn xuôi Việt Nam hiện đại, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, 2009. RESEARCH ABOUT METHOD OF SENTENCE SEPARATION IN STYLISTIC DEVICES Le Kim Nhung Abstract: Sentence separation is an original method in structuring sentences. This is a grammar stylistic that is applied by writers and really effective in modern Vietnam Literature. Nowaday, a lot of Language Researchers study about this subject, the reason of Creation and New is attract their reasearch in many features. The research and teaching method about this subjust are many different opinions. In litmit of this reseach, we focus on analysis and argument in aspects of grammar stylistic and Learning Style. We hope that, this report will be significant theoretical and necessary material for researching and teaching Philology, especially teaching language in university. . BÀN THÊM VỀ BIỆN PHÁP TÁCH CÂU TỪ GÓC ĐỘ TU TỪ Lê Kim Nhung 1 Tóm tắt: Tách câu là một hiện tượng cải biến mô hình câu độc đáo. Đây là một biện pháp tu từ ngữ pháp được nhiều. biệt câu tách biệt với câu tỉnh lược, câu đặc biệt và câu sai ngữ pháp. 2.3.4.1. Phân biệt câu tách biệt với câu đơn đặc biệt - Câu đơn đặc biệt là một kiểu câu, hoàn chỉnh về ngữ pháp. Câu. ra các tiểu loại tách câu: tách trạng ngữ, tách vị ngữ, tách định ngữ, tách bổ ngữ và tách một vế của câu ghép. Tác giả nêu điều kiện để nhận biết hiện tượng tách câu: Câu bị tách ra bao giờ

Ngày đăng: 03/09/2015, 20:10

Xem thêm: Bàn thêm về biện pháp tách câu từ góc độ tu từ

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w