Đặc biệt, tác giả xin gửi lời cảm ơn đến giáo viên hướng dẫn khoa học PGS.TS Nguyễn Quang Hưng, người thầy đã đi cùng tác giả trong suốt những năm tháng ở Đại học, qua khoá luận tốt nghi
Trang 1ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
- -
LÊ VĂN TUYÊN
VAI TRÒ CỦA ĐẠO TIN LÀNH ĐỐI VỚI
QUÁ TRÌNH HIỆN ĐẠI HÓA XÃ HỘI HÀN QUỐC
Chuyên ngành: Tôn giáo học
Mã số : 60 22 03 09
LUẬN VĂN THẠC SĨ TRIẾT HỌC
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Nguyễn Quang Hưng
Hà Nội - 2014
Trang 2LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan: Luận văn này là công trình nghiên cứu của riêng cá nhân, luận văn được thực hiện dưới sự hướng dẫn khoa học của PGS.TS Nguyễn Quang Hưng Những tư liệu và số liệu sử dụng trong luận văn được trích dẫn cụ thể, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng
Tác giả Luận văn
LÊ VĂN TUYÊN
Trang 3LỜI CẢM ƠN
Luận văn cao học được hoàn thành tại Khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Để hoàn thành được luận văn này, tác giả xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành và sâu sắc đến Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn cũng như các thầy cô giáo trong Khoa Triết học đã trực tiếp giảng dạy và truyền đạt những kiến thức khoa học chuyên ngành tôn giáo cho bản thân tác giả trong suốt những năm tháng qua
Đặc biệt, tác giả xin gửi lời cảm ơn đến giáo viên hướng dẫn khoa học PGS.TS Nguyễn Quang Hưng, người thầy đã đi cùng tác giả trong suốt những năm tháng ở Đại học, qua khoá luận tốt nghiệp và trực tiếp hướng dẫn, giúp
đỡ, dìu dắt tác giả trong quá trình triển khai, nghiên cứu và hoàn thành luận
văn với đề tài “Vai trò của đạo Tin Lành đối với quá trình hiện đại hoá xã hội Hàn Quốc”
Đồng thời, tác giả cũng xin nghi nhận những đóng góp quí báu và nhiệt tình của các bạn trong lớp Cao học Triết học, Chuyên ngành Tôn giáo học K20 (Niên khoá 2012 – 2014) đã có những góp ý và giúp đỡ cùng tác giả triển khai nghiên cứu, tìm kiếm tài liệu
Cuối cùng tác giả xin cảm ơn gia đình và người thân đã luôn ở bên, chu cấp tài chính, cổ vũ và động viên tác giả vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt luận văn này
Xin chân thành cảm ơn!
Trang 5Bảng 2.3: Số lượng các trường học của đạo Tin Lành năm 2008
Bảng 2.4: Tình hình thành lập bệnh viện truyền giáo (bao gồm cả phòng khám) của các giáo phái Tin Lành tính đến năm 1913
Bảng 2.5: Số lượng các bệnh nhân được chữa trị bởi các bệnh viện truyền giáo Tin Lành, năm 1892
Bảng 3.1: Tỉ lệ đồng nhất tôn giáo của các cặp vợ chồng
Trang 6MỤC LỤC
MỤC LỤC 1
MỞ ĐẦU 2
NỘI DUNG 10
Chương 1: LỊCH SỬ TRUYỀN BÁ VÀ THỰC TRẠNG ĐẠO TIN LÀNH Ở HÀN QUỐC HIỆN NAY 10
1.1 Qúa trình du nhập và phát triển đạo Tin Lành ở Hàn Quốc 11
1.2 Thực trạng đạo Tin Lành ở Hàn Quốc hiện nay 26
1.3 Một số chi phái chính trong Cộng đồng Tin Lành Hàn Quốc 31
Chương 2: TÁC ĐỘNG CỦA ĐẠO TIN LÀNH TỚI CÁC LĨNH VỰC KINH TẾ, GIÁO DỤC, Y HỌC VÀ VĂN HOÁ – XÃ HỘI 37
2.1 Tác động của đạo Tin Lành tới các lĩnh vực kinh tế và giáo dục 39
2.2 Tác động của đạo Tin Lành tới các lĩnh vực y học và văn hoá – xã hội 60
Chương 3: ĐẠO TIN LÀNH VỚI HIỆN ĐẠI HOÁ VÀ KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM 73
3.1 Đạo Tin Lành với vấn đề hiện đại hoá 73
3.2 Sự chuyển biến từ xã hội truyền thống sang xã hội Hàn Quốc hiện đại 76
3.3 Một số hạn chế của đạo Tin Lành Hàn Quốc 84
3.4 Một số kinh nghiệm cho Việt Nam 91
KẾT LUẬN 99
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 102
Trang 7MỞ ĐẦU
1 Lý do chọn đề tài
Chúng ta đang sống trong thế kỉ 21 – kỷ nguyên mà toàn cầu hoá len lỏi vào trong mọi ngóc ngách của đời sống Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc muốn tồn tại không thể tự tách mình ra khỏi bối cảnh thế giới và khu vực; ngược lại, cần phải đẩy mạnh giao lưu hợp tác với các quốc gia, dân tộc khác Thực tế lịch sử cho thấy giao lưu văn hoá luôn là một trong những yếu tố để mỗi dân tộc tự hoàn thiện mình Việt Nam và Hàn Quốc đã từng có mối bang giao trong lịch
sử, hai nước được xem là những nước “đồng văn” (tương đồng về văn hoá), đều nằm ở phía Đông của châu Á, đều có phần đầu của đất nước tiếp giáp với Trung Quốc, còn một phần thông ra biển Cả hai dân tộc đều trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, đều anh hùng và bất khuất trong đấu tranh giữ nền độc lập, nhưng mỗi nước có một con đường phát triển khác nhau Và quan hệ Việt – Hàn đương đại đang mở ra cơ hội to lớn cho cả hai dân tộc Những kiến thức, những hiểu biết về dân tộc, lịch sử, văn hoá, và tôn giáo,
sẽ giúp cho mối quan hệ giữa hai bên được thuận lợi và bền chặt hơn
Mặt khác, trong những thập niên vừa qua tại Việt Nam, đạo Tin Lành
có những bước phát triển rất đáng lưu ý, đặc biệt tại các vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như Tây Nguyên và các tỉnh miền núi phía Bắc Phải làm
gì để ứng phó với thực trạng trên hiện nay rõ ràng là những vấn đề thực tiễn đang đặt ra và cần có lời giải đáp Để đáp ứng đòi hỏi thực tiễn đó, cần có những nghiên cứu không chỉ từ thực tiễn đời sống của đạo Tin Lành trong nước mà phải kết hợp với việc nghiên cứu nước ngoài, nhất là vai trò của đạo Tin Lành ở các quốc gia trong khu vực cận kề để có cái nhìn toàn diện Do đó, nghiên cứu vai trò của đạo Tin Lành đối với hiện đại hoá xã hội Hàn Quốc
Trang 8mang ý nghĩa thực tiễn sâu sắc góp phần tăng cường hiểu biết thực trạng đạo Tin Lành ở Hàn Quốc đồng thời rút ra những kết luận và bài học nhằm phát huy tính tích cực của tôn giáo này vào quá trình phát triển xã hội và hạn chế những tác động tiêu cực của nó trong điều kiện hội nhập quốc tế và khu vực hiện nay
Hơn nữa, cộng đồng Tin Lành Hàn Quốc cũng như vai trò của nó đối với sự biến đổi chính trị, xã hội, kinh tế của quốc gia này đã và đang nhận được sự quan tâm, nghiên cứu của giới chính trị và học giả nhiều nước trên thế giới Do đó, cần phải nghiên cứu nó để thấy được bài học kinh nghiệm về tôn giáo và xã hội trong công cuộc công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước hiện nay
Xuất phát từ những lý do trên đây, chúng tôi quyết định chọn “Vai trò của đạo Tin Lành đối với quá trình hiện đại hoá xã hội Hàn Quốc” làm đề
tài nghiên cứu cho luận văn
2 Lịch sử nghiên cứu
Đạo Tin Lành là một trong ba tôn giáo lớn ở Hàn Quốc và có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống văn hoá, xã hội của quốc gia này Đã có nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử Tin Lành Hàn Quốc và vai trò của nó đối với việc hiện đại hoá xã hội Hàn Quốc ở Hàn Quốc nhưng phần lớn các công trình này được viết bằng tiếng Hàn hoặc tiếng Anh nên bị hạn chế trong việc phổ cập tại Việt Nam Có thể kể ra một số công trình bằng tiếng Anh như sau:
Chung-shin Park, Protestantism and politics in Korea, University of
Washington Press, Seattle and London, 2003
Trang 9Tác phẩm đã khái lược khá đầy đủ về lịch sử của đạo Tin Lành Hàn Quốc và mối quan hệ của nó đối với vấn đề chính trị của quốc gia này
Lee, Soon Nim, Christian Communications and its impact on Korean society: past, present and future, Doctor of Philosophy thesis, School of
Journalism and Creative Writing – Faculty of Creative Arts, University of Wollongong, 2009
Luận án đã chứng minh truyền thông Tin Lành như phát thanh, xuất bản sách báo, tạp chí, dịch Kinh thánh đã và đang có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển xã hội và quốc gia Hàn Quốc hiện đại
Ở Việt Nam, những năm gần đây đã có một số bài viết nghiên cứu về đạo Tin Lành Hàn Quốc, có thể kể tên như sau:
Tác giả Lý Xuân Chung trong bài viết “Vai trò của đạo Tin Lành ở Hàn Quốc và nguyên nhân suy giảm tốc độ phát triển những năm gần đây” (Tạp
chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 9, 2009) đã chỉ ra đạo Tin Lành có bốn vai trò
đối với xã hội Hàn Quốc như sau: Thứ nhất, đạo Tin Lành hoà chung với dòng chảy của tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc cao của dân tộc Hàn, cổ
xuý tinh thần dân tộc, đặc biệt là trong thời kỳ đấu tranh chống phát xít Nhật trước năm 1945; thứ hai, đạo Tin Lành đã đóng góp tích cực vào sự nghiệp giáo dục ở Hàn Quốc; thứ ba, đạo Tin Lành có ảnh hưởng mạnh và sâu sắc tới
sự biến đổi của xã hội Hàn Quốc; thứ tư, Đạo Tin Lành có vai trò lớn trong
vấn đề tiếp biến văn hoá ở Hàn Quốc – tạo nên những nét tươi mới Đồng thời tác giả đã nêu ra một số nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm tốc độ phát triển của đạo Tin Lành những năm gần đây
Sang Gyoo Lee nghiên cứu ảnh hưởng của đạo Tin Lành đối với xã hội
Hàn Quốc trong bài viết “Đạo Tin Lành có ảnh hưởng đến Hàn Quốc như thế
Trang 10nào?” (Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, số 1, 2012) Theo tác giả, ảnh hưởng của
đạo Tin Lành đối với xã hội Hàn Quốc được thể hiện trên nhiều phương diện như: thúc đẩy hiện đại hoá xã hội Hàn Quốc thông qua giáo dục hiện đại và y tế; đả phá mê tín dị đoan, giáo dục cho phụ nữ và đề cao nữ quyền; có nhiều đóng góp cho phong trào giải phóng dân tộc ở Triều Tiên,… Tóm lại, đạo Tin Lành chính là con đường hiện đại của Hàn Quốc Đây thực sự là những gợi ý hết sức quí báu cho luận văn
Luận văn thạc sĩ “Tin Lành Việt Nam với hiện đại hoá (trong cái nhìn
so sánh với Tin Lành Hàn Quốc)” (Luận văn thạc sĩ chuyên ngành Việt Nam
học, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2011), dưới góc độ tôn giáo học so sánh, tác giả Trần Thị Tuyết đã tiến hành so sánh đạo Tin Lành với quá trình hiện đại hoá ở cả hai nước Việt Nam và Hàn Quốc trên các khía cạnh kinh tế và giáo dục Tuy nhiên, luận văn mới chỉ dừng lại ở mức độ so sánh chứ chưa thực sự
đi sâu phân tích vai trò của đạo Tin Lành đối với việc hiện đại hoá xã hội Hàn Quốc, đặc biệt trên các khía cạnh y tế và biến đổi văn hoá
Tác giả Đỗ Quang Hưng trong bài viết “Đạo Tin Lành ở Việt Nam và Hàn Quốc: Hai số phận văn hoá” (Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 9,
2013) đã trả lời cho câu hỏi tại sao đạo Tin Lành ở Việt Nam và Hàn Quốc lại
có hai số phận văn hoá khác biệt Theo đó,ở cả hai quốc gia, đạo Tin Lành đã trở thành thực tại tôn giáo ổn định, có những điểm tương đồng nhất định và không ít những điểm khác biệt Đồng thời, tác giả cũng khẳng định đạo Tin Lành Hàn Quốc có vị trí lớn, có tính cách chủ đạo bộ mặt văn hoá của Hàn Quốc bởi tôn giáo này đã có những nỗ lực “bản địa hoá” đến “tự túc thần học” Từ phương diện thần học, tín lý đến những xung đột văn hoá bản địa quen thuộc,… đều được họ giải quyết khá tốt đẹp Đây thực sự là nền tảng hữu ích cho luận văn
Trang 11Tóm lại, những công trình trên dưới những góc độ khác nhau đã khái lược được lịch sử đạo Tin Lành Hàn Quốc và đưa ra những nhận định ban đầu
về vai trò của nó đối với sự phát triển xã hội Hàn Quốc Tuy nhiên chưa có công trình chuyên biệt nào đi sâu nghiên cứu vai trò của đạo Tin Lành đối với quá trình hiện đại hoá ở Hàn Quốc Luận văn này sẽ đi sâu phân tích vai trò của đạo Tin Lành đối với việc hiện đại hoá xã hội Hàn Quốc, để từ đó rút ra những kinh nghiệm bổ ích cho Việt Nam trong công cuộc phát triển đất nước
3 Mục đích và nhiệm vụ của luận văn
3.1 Mục đích của luận văn
Trên cơ sở nghiên cứu sự hình thành và phát triển đạo Tin Lành ở Hàn Quốc, luận văn chỉ ra đạo Tin Lành đóng vai trò to lớn trong việc kiến thiết xã hội Hàn Quốc hiện đại
3.2 Nhiệm vụ của luận văn
Để thực hiện mục đích trên luận văn đặt ra những nhiệm vụ sau đây:
- Tìm hiểu quá trình hình thành và phát triển của đạo Tin Lành Hàn Quốc nói chung và một số giáo phái trong cộng đồng Tin Lành Hàn Quốc nói riêng
- Phân tích tác động của đạo Tin Lành Hàn Quốc trên một số lĩnh vực kinh tế, giáo dục, y tế và văn hoá xã hội
- Rút ra một số hạn chế và kinh nghiệm lịch sử về vai trò của đạo Tin Lành đối với hiện đại hoá Hàn Quốc
4 Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu của luận văn
- Đối tượng nghiên cứu của luận văn là đạo Tin Lành và vai trò của nó đối với quá trình hiện đại hoá của Hàn Quốc Hiện đại hoá, hay chính xác hơn,
Trang 12được hiểu như quá trình của tính hiện đại (Modernity) Hiện đại hoá ở đây được xác định trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như kinh kinh tế - văn hoá, giáo dục
- Phạm vi nghiên cứu của luận văn tập trung trên các lĩnh vực kinh tế - văn hoá chứ không bàn đến những vấn đề liên quan đến chính trị
5 Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu
đó với tư cách là một cấu trúc tương đối ổn định, bền vững Tác giả sử dụng
lý thuyết này để thấy được đạo Tin Lành với tư cách là một bộ phận trong chỉnh thể xã hội Hàn Quốc nên nó cũng có chức năng nhất định đối với việc duy trì trật tự ổn định của xã hội Hàn Quốc
- Lý thuyết hiện đại hoá: Lý thuyết này được sử dụng để giải thích quá trình hiện đại hoá trong xã hội Hiện đại hoá được đề cập đến như một mô hình chuyển đổi từ trạng thái tiền hiện đại hay truyền thống sang trạng thái hiện đại Lý thuyết hiện đại hoá cố gắng xác định các biến số xã hội góp phần vào tiến bộ, phát triển xã hội và tìm cách giải thích quá trình tiến hoá xã hội Tác giả sử dụng lý thuyết này để tìm hiểu đạo Tin Lành như một biến số xã hội có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của xã hội Hàn Quốc
Trang 135.2 Phương pháp nghiên cứu
Để đạt được mục đích nghiên cứu, luận văn sử dụng những phương pháp nghiên cứu sau đây
- Phương pháp nghiên cứu lịch sử tôn giáo: Từ góc độ phát triển lịch sử
mà tôn giáo đã trải qua để tiến hành nghiên cứu
- Phương pháp phân tích tài liệu: Dựa vào những tư liệu, công trình, sách, báo tạp chí, và đọc các trang tài liệu có liên quan để tổng hợp, phân tích, đánh giá
- Ngoài ra, còn sử dụng phương pháp liên ngành, phương pháp thống kê
so sánh, hỏi ý kiến chuyên gia
6 Đóng góp của luận văn
Thông qua kết quả nghiên cứu, luận văn giúp mọi người hiểu hơn về đạo Tin Lành Hàn Quốc và thấy được những mặt tích cực của tôn giáo này trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội Luận văn hy vọng sẽ trở thành tài
liệu hữu ích cho những ai quan tâm, nghiên cứu về đạo Tin Lành Hàn Quốc
7 Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn
Luận văn có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo cho các nhà hoạt động thực tiễn trong quá trình hoạch định chính sách tôn giáo và quản lý nhà nước
về hoạt động tôn giáo nói chung và đối với hoạt động của đạo Tin Lành nói riêng
8 Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu và kết luận, luận văn được chia làm 3 chương, 9 tiết:
Trang 14Chương 1: Lịch sử truyền bá và thực trạng đạo Tin Lành ở Hàn Quốc hiện nay
Chương 2: Tác động của đạo Tin Lành tới các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, y học và văn hoá – xã hội Hàn Quốc
Chương 3: Đạo Tin Lành với hiện đại hoá và kinh nghiệm cho Việt Nam
Trang 15Âu nhiều người có quan điểm tương tự như Luther cũng bắt đầu tách khỏi Công giáo và thành lập các hệ phái khác nhau Họ được gọi dưới tên chung theo tiếng Anh là Protestantism Khi chuyển ngữ sang tiếng Việt, thuật ngữ này được gọi là Kháng cách hay Tân giáo (để phân biệt với cựu giáo là Công giáo) Do đó, trong luận văn này thuật ngữ Tin Lành được sử dụng mang ý nghĩa Cộng đồng Kháng cách
Đạo Tin Lành hay Cộng đồng Kháng cách bao gồm các giáo hội thuộc Kitô giáo chấp nhận nền thần học của cuộc Cải cách Kháng cách Nền thần học này từ chối công nhận thẩm quyền giáo hoàng, với niềm tin xác tín rằng chỉ có Kinh Thánh (không phải truyền thống hoặc quyền giải thích Kinh Thánh dành cho các chức sắc cao cấp của giáo hội là nguồn chân lý duy nhất)
và tin rằng chỉ nhờ ân điển của Thiên Chúa thì con người mới được cứu rỗi
Những luận điểm chính của thần học Tin Lành được tóm tắt trong Năm Tín lí Duy nhất Đó là Duy Chúa Cơ đốc, duy Kinh Thánh, duy đức tin, duy ân điển
và duy Chúa được tôn cao
Trang 16Nhìn chung, hầu hết các hệ phái Tin Lành đều đồng thuận với nhau về các giáo lý quan trọng cùng các giá trị căn cốt trong đức tin Kitô và tôn trọng
sự khác biệt trong quan điểm không liên quan đến các vấn đề không quan trọng trong thần học, nghi lễ và tổ chức Hiện nay, rất khó để có một con số chính xác nhưng ước tính có khoảng 33.000 hệ phái hiện diện trên 238 quốc gia và mỗi năm lại có thêm hàng trăm giáo phái khác mới ra đời Có khoảng
800 triệu tín đồ đạo Tin Lành trong số 2,2 tỉ tín đồ Ki tô giáo trên toàn thế giới, bao gồm 170 triệu tại Bắc Mỹ, 160 triệu tại châu Phi, 120 triệu tại châu
Âu, 70 triệu tại châu Mỹ La tinh, 60 triệu tại châu Á, và 10 triệu tại châu Đại Dương [64] Riêng tại châu Á, trong những thập niên cuối thế kỉ 20 trờ lại đây, đạo Tin Lành tại nhiều quốc gia có sự phát triển rất nhanh, đặc biệt là ở Hàn Quốc và Trung Quốc
1.1 Qúa trình du nhập và phát triển đạo Tin Lành ở Hàn Quốc
Thuật ngữ đạo Tin Lành ở Hàn Quốc được gọi Ke – Sin – Kyo (Cách tân giáo) hoặc Ky – doc – Kyo (Tin Lành giáo), là những từ ngữ gốc Hán và được sử dụng một cách thống nhất từ khi du nhập tới tận ngày nay Thời điểm đạo Tin Lành du nhập và Hàn Quốc được xác định vào khoảng năm 1884, do một nhà truyền giáo đồng thời là bác sĩ người Mỹ tên là Horace N.Allen truyền vào Trong khoảng thời gian 130 năm tính đến nay, quá trình truyền bá
có nhiều thăng trầm và mỗi giai đoạn có đặc trưng riêng do hoàn cảnh kinh tế
- xã hội qui định Trước hết, chúng ta hãy tìm hiểu hoàn cảnh xã hội trước khi Tin Lành truyền vào
1.1.1 Giai đoạn trước năm 1884
Nhà nước phong kiến Choson (1392 – 1910) thời mạt kỳ đã bộc lộ sự khủng hoảng về mọi mặt, xã hội rối ren, lòng dân bất ổn Do bị áp bức nặng
Trang 17nề về kinh tế, khủng hoảng về tinh thần nên người nông dân Choson đã tin theo giáo lý của một tôn giáo xuất hiện trên bán đảo, là Thiên đạo giáo và họ tập hợp thành một lực lượng, khởi nghĩa chống lại triều đình Đứng trước tình hình đó, chính quyền Choson coi Thiên đạo là tôn giáo làm đảo lộn trật tự xã hội và lừa phỉnh nhân dân nên đã bắt người đứng đầu là Chuê Che U, xử tử hình ông vào năm 1864
Tư tưởng Đông học của Chuê Che U – tư tưởng cốt lõi của Thiên đạo giáo tuy chưa thành hiện thực nhưng đã gây ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội
và để rồi 30 năm sau đó, nó bùng lên thành một phong trào nông dân rộng khắp trong lịch sử Hàn Quốc Phong trào Đông học dấy lên đã cho thấy sự suy
vi của tư tưởng cai trị Nho giáo Trong khi đó, Phật giáo, Đạo giáo, Saman giáo vào cuối thời Choson lại suy yếu hơn bao giờ hết Tinh thần, tư tưởng của đông đảo quần chúng nhân dân bị khủng hoảng như vậy chính là điều kiện
để Kitô giáo (chủ yếu là Công giáo và Tin Lành) du nhập vào bán đảo này
Có thể nói rằng, người Choson đã biết đến châu Âu và tư tưởng phương Tây vào khoảng cuối thế kỉ 16, đầu thế kỷ 17 Các sứ thần định kỳ sang sứ nhà Thanh đã từng gặp các sứ giả phương Tây Sử sách Choson về những chuyến đi sứ sang Trung Quốc đã ghi chép có một nhà thực học, một đại quan của Choson là Yi Xu Kwang (Lý Tuý Quang) đi sứ sang Trung Quốc vào năm
1597 đã mang về nước bản đồ châu Âu và mấy quyển Kinh Thánh
Từ thế kỷ 17 trở đi, Công giáo đã bắt đầu được truyền vào bán đảo và chủ yếu thu hút sự chú ý của một số người thuộc tầng lớp trên Nhưng do tư tưởng của Công giáo nêu ra không thể dung hợp cùng tư tưởng Tống Nho (Tân Khổng giáo) nên đã bị tầng lớp “Yangban”1
Choson bài xích Các giáo sĩ
1 Yangban là tầng lớp quí tộc Cơ cấu xã hội Choson được phân chia thành 4 giai cấp: Yangban (quí tộc), Chung min (trung nhân), Yang min (thường dân) và Ch’o min (nô tỳ) Giới trí thức là tầng lớp chiếm ưu thế
Trang 18phương Tây tiếp tục theo các thuyền buôn xâm nhập vào Bán đảo và truyền giáo Đối tượng mà họ tiếp cận chủ yếu là dân nghèo và phụ nữ Thời kỳ này, việc phân định rạch ròi giáo sĩ Công giáo hay Tin Lành chưa được rõ ràng, triều đình Choson thường gọi chung là giáo sĩ phương Tây, về tư tưởng gọi chung là tư tưởng phương Tây Việc đạo Kitô xâm nhập vào dân chúng đã bị tầng lớp Yangban bảo thủ phản đối quyết liệt và triều đình Choson ra lệnh thẳng tay đàn áp, một số giáo sĩ bị bắt, trong đó, giáo sĩ người Pháp bị xử tử hình cùng nhiều tín đồ khác
Sau sự kiện trên, Pháp mượn cớ đem các chiến thuyền chiếm đảo Kang Hoa và tàu chiến Mỹ tiến thẳng vào sông TeTông, đến sát Bình Nhưỡng Triều đình Choson đã chống trả quyết liệt và cuối cùng tàu chiến phương Tây phải rút lui Trước nguy cơ xâm lược của các nước phương Tây như vậy, chính quyền Choson đã thi hành chính sách bế quan toả cảng, cấm thông thương với phương Tây, cấm truyền bá đạo Kitô Ngoài lệnh cấm được ban ra
“xích hoà bi”2
còn được dựng ở khắp nơi để khuyến cáo dân chúng
Sở dĩ chính quyền Choson phản kháng quyết liệt trước sự xâm nhập của
tư tưởng phương Tây, mà cốt lõi là đạo Kitô là bởi các nguyên nhân sau: thứ nhất, tư tưởng bình đẳng và tự do cá nhân của phương Tây đã đi ngược lại với
tư tưởng đẳng cấp, tôn ti trật tự của Nho giáo Hàn; thứ hai, đạo Kitô loại bỏ nghi lễ truyền thống thờ cúng tổ tiên ông bà vốn đã sâu rễ bền gốc trong xã
trong đời sống chính trị xã hội Choson, họ là những người lập nên tầng lớp Yangban bao gồm những thành viên ở cả hai giới quân sự và dân sự Ở triều đình, tầng lớp Yangban bao gồm các quan văn và quan võ, họ là giai cấp nắm quyền thống trị trong bộ máy chính quyền nhà nước Do chiếm ưu thế cao trong xã hội nên Yangban chỉ thực hiện các nghĩa vụ hành chính và dành cả cuộc đời cho việc giáo dục, học tập, tu dưỡng đạo đức Khổng giáo bởi đó là một học thuyết và là điều cần thiết với vương triều Choson
2 Bia bài xích chủ trương hoà nghị với các nước phương Tây Để thể hiện quyết tâm thực hiện chính sách bế quan toả cảng, triều đình Choson đã cho dựng nhiều tấm bia đá ở các đường phố chính kinh đô Seoul và ở cả nông thôn Nội dung những tấm bia có nghi “bọn mọi rợ phương Tây đang xâm lược nước ta Nếu chúng ta không chống lại, chúng ta sẽ phải nhân nhượng chúng… kêu gọi nhân nhượng là phản bội đất nước…”
Trang 19hội Hàn Quốc hàng nghìn năm; thứ ba, Nho giáo Hàn thời mạt kỳ Choson đã suy yếu, xã hội rối ren nên triều đình phong kiến Choson sợ tư tưởng phương Tây nêu cao tự do, bình đẳng tràn vào thì sẽ làm cho xã hội ngày càng thêm rối loạn và gây bất lợi cho triều đình
Sự phản kháng của triều đình phong kiến Choson đối với sự du nhập của tư tưởng phương Tây, đạo Kitô có thể nói rằng mạnh mẽ nhất quyết liệt nhất so với các nước trong khu vực đương thời Nhà Thanh Trung Quốc và nhà Nguyễn Việt Nam cũng thi hành chính sách bế quan toả cảng, chống lại
sự xâm nhập của phương Tây, nhưng sự chống trả yếu ớt và thậm chí còn nhanh chóng bị phương Tây xâm lược, thống trị Dù sao, nhìn nhận một cách khách quan thì xu thế giao lưu, hội nhập quốc tế cả về kinh tế và văn hoá là xu thế thế giới đã hình thành và lan rộng Việc “đóng cửa” không hoà nhập với
xu thế chung chỉ kìm hãm sự phát triển kinh tế, văn hoá xã hội của quốc gia
đó, thậm chí bị thôn tính Thực tế lịch sử đã chứng minh, nhà Nguyễn Việt Nam đầu hàng đế quốc Pháp, còn triều Lý Hàn Quốc cũng không thể ngăn cản các đoàn truyền giáo phương Tây và xã hội Choson lâm vào cảnh hỗn loạn khi
tư tưởng Đông học lợi dụng chính sách chống phương Tây của triều đình để chống lại nhà nước Choson Ở khu vực Đông Á, duy chỉ có Nhật Bản là ngoại
lệ
1.1.2 Giai đoạn 1884 – 1920
Đạo Tin Lành du nhập vào Choson được đánh dấu chính thức vào năm
1884 – năm mà giáo hội Trưởng Lão (Presbyterian) bổ nhiệm bác sĩ Horace Allen là nhà truyền giáo, trong cùng năm đó, giáo hội Giám Lý (Methodist) cử bác sĩ WB Scranton và mẹ của ông là bà Marry Scranton cùng mục sư Henrry Appenzeller đến truyền giáo tại Hàn Quốc Có phần khác với Công giáo, đạo
Trang 20Tin Lành chủ yếu xâm nhập vào tầng lớp dưới của xã hội Choson, đặc biệt là phụ nữ Tuy cũng bị coi là tư tưởng của Phương Tây, cũng bị bài xích, phản kháng của những nhà Nho bảo thủ nhưng đạo Tin Lành đã khôn khéo len lỏi được trong dân chúng, thu hút được sự tin theo của tầng lớp bình dân bị áp bức nặng nề về vật chất, bị khủng hoảng về tinh thần Lý do đạo Tin Lành xâm nhập vào xã hội Choson một cách yên bình hơn Công giáo có thể được lý giải như sau:
Thứ nhất, đạo Tin Lành chấp nhận nhiều yếu tố thần thiêng của tín
ngưỡng Saman bản địa Sự truyền bá và lý giải về đấng tối cao do Trời cử xuống để cứu rỗi chúng sinh, giáo hoá dân chúng cũng gần như câu chuyện thần thoại TanGun của dân tộc Hàn TanGun là thuỷ tổ của dân tộc Hàn, là con của Huan Ung được Ngọc Hoàng Thượng đế phái xuống bán đảo Hàn dạy dân làm ăn sinh sống Câu chuyện thần thoại dựng nước này bị triều đình Choson bác bỏ, các nhà nho không công nhận, nhưng với người dân Hàn TanGun luôn là Saman vĩ đại nhất Sự mập mờ, lẫn lộn trong sự lý giải về đấng tối cao xuống trần gian cứu rỗi chúng sinh nhiều khi đã có hiệu quả với tầng lớp dưới vốn không nhiều tri thức
Thứ hai, Tin Lành khéo khai thác tính thiện của Phật giáo Thiện tâm là
tôn chỉ của Phật giáo Tin Lành Hàn Quốc khuyến khích mọi người làm điều thiện, các giáo sĩ, tín đồ Tin Lành không những tuyên truyền mà còn trực tiếp
đi làm điều thiện Họ tự nguyện giúp đỡ những người nghèo khó, cô độc, tàn tật, già cả ốm đau… và chút ít vật chất, kinh tế giúp người cơ nhỡ, khó khăn với tấm lòng chân thành nên đã dần lay động “bản tính thiện” của người phương Đông nói chung và dân tộc Hàn nói riêng Các bệnh viện, trường học
mà họ lập nên cứu giúp người ốm đau, dạy chữ cho người nghèo càng có ấn tượng đối với tầng lớp khốn cùng của xã hội Choson
Trang 21Thứ ba, tư tưởng bình đẳng như liều thuốc hữu hiệu chữa căn bệnh tự ti,
yếu hèn, không làm chủ được bản thân mình của những người thuộc tầng lớp dưới chịu sự áp bức nặng nề của tư tưởng Nho giáo, đặc biệt là đối với phụ nữ Choson Những tư tưởng như bình đẳng giới tính, tự do hôn nhân… được phụ
nữ Choson đồng tình và tiếp nhận
Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, xã hội Choson liên tiếp xảy ra nhiều biến
cố quan trọng Thế lực của Dae Won Gun chống trả quyết liệt của tư tưởng phương Tây, kéo dài được 10 năm thì suy yếu, từ đó, chính quyền Choson tập trung vào tay thế lực họ Min do vương phi cầm đầu Thế lực chính trị thay đổi
đã khiến cho chính sách đối nội và đối ngoại cũng thay đổi theo Về đối nội, dòng họ Min thực hiện chính sách khai hoá, muốn phát triển đất nước theo kiểu Duy Tân Minh Trị của Nhật Bản Tuy chính sách là thế nhưng dòng họ Min thực hiện rất dè dặt, việc khai hoá hầu như không có tiến triển Điều này
đã khiến cho phái khai hoá bất bình và làm cuộc chính biến vào năm 1884 Phái này lập nên chính phủ mới và tiến hành cải cách chính trị, có dự định cải cách một số lĩnh vực kinh tế, xã hội để xây dựng một quốc gia cận đại Nhưng cuộc đảo chính đã bị nhà Thanh can thiệp và thất bại sau ba ngày Một số người đứng đầu như Kim Ôk Gym, Bak Yeong Hyo… phải chạy sang Nhật tỵ nạn Về đối ngoại, chính quyền họ Min tuy ban đầu từ chối việc mở cửa thông thương với người nước ngoài nhưng bị phái cải cách phản đối Hơn nữa, Nhật Bản và phương Tây dùng sức mạnh quân sự để bắt ép Choson ký điều ước thông thương Đặc biệt, Nhật Bản sau cuộc cải cách Duy Tân Minh Trị đã thiết lập thể chế mới, kinh tế, quân sự lớn mạnh nên đã gây áp lực với Choson, cho tàu chiến tiến vào Kang Hoa Trong bối cảnh đó, Choson đã ký điều ước với Nhật vào năm 1876 Đây là điều ước đầu tiên của Choson ký với nước ngoài trong thời cận đại và có ý nghĩa vô cùng quan trọng Theo điều
Trang 22ước này, Choson sẽ mở cửa ba hải cảng và cho phép Nhật cư trú ở những nơi nhất định trong bán đảo
Tiếp sau đó, Choson lần lượt ký các điều ước thông thương với Mỹ, Anh và một số nước phương Tây khác Sau khi mở cửa thông thương, quyền
tự chủ của Choson ngày càng bị đe doạ nghiêm trọng Trước tình hình đó, chính quyền Choson cho rằng, giáo dục là quan trọng nhất đối với việc giành
lại quyền tự chủ và phát động phong trào khai sáng Chính quyền đã cho mở
một số trường giảng dạy tiếng Anh, giảng dạy tri thức mới, khuyến khích người dân dạy chữ Hàn để nhanh chóng tiếp thu thông tin mới, tri thức mới và chế độ khoa cử theo chữ Hán theo lối xưa cũ bị bãi bỏ Như vậy, chính những điều kiện chính trị đối nội và đối ngoại đương thời đã tạo điều kiện thuận lợi cho tư tưởng mới, tôn giáo mới, trong đó có Tin Lành xâm nhập và bén rễ trên Bán đảo Hàn
Năm 1910, Nhật Bản chính thức đặt ách thống trị ở Bán đảo Hàn Có thể nói, đặc trưng nổi bật nhất trong chính sách cai trị của Nhật Bản ở Bán đảo Triều Tiên là ý đồ biến Choson mãi mãi trở thành một phần của Nhật Bản Để thực hiện điều này, Nhật Bản đã tiến hành thay đổi một cách toàn diện cấu trúc xã hội Choson và thúc đẩy mạnh việc đồng hoá người Hàn thành người Nhật Chế độ cai trị của Nhật Bản hà khắc theo lối quân phiệt đã khiến cho đời sống dân chúng vốn đã khốn khổ càng thêm cùng cực Đây là thời điểm tạo điều kiện rất thuận lợi cho một tôn giáo mới ở Hàn Quốc, tức Thiên đạo giáo đã nêu trên bùng phát trở lại Người dân bị khủng hoảng tinh thần trầm trọng đã tin theo tôn giáo này mong muốn được giải thoát Hơn nữa, tôn giáo này đã cổ xuý tinh thần dân tộc, thức tỉnh và tập hợp tín đồ chống lại ách đô
hộ của Nhật Bản Cùng với Thiên đạo giáo, Công giáo và đạo Tin Lành bị Nhật Bản áp chế cũng đã truyền bá tinh thần độc lập tự chủ, kết hợp với các
Trang 23tôn giáo truyền thống tuyên truyền mạnh tinh thần yêu nước không chỉ trong giới tín đồ mà mở rộng sang giới sinh viên tri thức
Đầu năm 1919, các nhà lãnh đạo phong trào yêu nước mà trung tâm
là các chức sắc tôn giáo trên cơ sở phân tích tình hình thế giới và trong nước đã chuẩn bị cho một phong trào độc lập trên quy mô lớn Họ đã thảo luận phương hướng của phong trào dân tộc, ý chí độc lập tự chủ, soạn thảo
Bản Tuyên ngôn độc lập, kêu gọi tín đồ các giáo phái cùng học sinh, sinh viên dự định tiến hành một cuộc biểu tình đòi độc lập dân tộc, tuyên bố Bản Tuyên ngôn độc lập trước đoàn thể quốc dân Đúng ngày 1 - 3 - 1919, hàng
vạn thị dân, học sinh, sinh viên và tín đồ các tôn giáo đổ về công viên Tapgol, JongNo ở trung tâm Seoul, tiến hành một cuộc biểu tình đòi độc lập lớn chưa từng thấy Ba mươi ba người ưu tú của các tôn giáo và dân tộc
đã ký tên vào bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với quốc dân và thế giới
rằng dân tộc Hàn xác lập quyền độc lập tự chủ trên toàn lãnh thổ Hàn Quốc Đặc biệt, mặc dù số tín đồ đạo Tin Lành thời kỳ này chỉ chiếm không quá 1% dân số (200.000 người so với dân số ước tính khoảng hơn 20 triệu người) nhưng Hội thánh Tin Lành Hàn Quốc lại đảm đương vai trò lãnh đạo phong trào này Theo kết quả thống kê cho thấy, thành phần tôn giáo tham gia phong trào độc lập 1/3 gồm đạo Tin Lành chiếm 22%, Công giáo 15%, tôn giáo khác 2% và không tôn giáo 61% Như vậy, tuy số lượng tín
đồ Tin Lành thời kì này chiếm không quá 1% dân số nhưng với việc 22%
số người tham gia phong trào xuất thân từ đạo Tin Lành cho thấy, chính tín
đồ đạo Tin Lành là những người đã lãnh đạo phong trào 1/3
Quân đội Nhật bị bất ngờ trước sự kiện này nên đã điều động cảnh sát và quân đội đến đàn áp và dìm cuộc biểu tình trong bể máu Kết quả, hơn 7.000 người bị sát hại, 15.000 người bị thương, 40.000 người bị bắt
Trang 24giữ, 415 ngôi nhà bị phá huỷ, 47 nhà thờ và 2 trường học bị đốt phá, trong
đó, có một nhà thờ bị thiêu đốt khi các con chiên vẫn tụ tập bên trong [27, tr.289] Do có vai trò ảnh hưởng lớn trong phong trào 1/3 nên Hội thánh Tin Lành Hàn Quốc cũng phải hứng chịu sự đàn áp nặng nề của chính quyền Nhật Theo tài liệu phát hành tháng 5 năm1919 của Tổng đốc bộ Triều Tiên, tính đến tháng 4 năm 1919, số tín đồ Tin Lành bị bắt giam là 2.120 người, còn tín đồ Nho giáo, Phật giáo, Công giáo tổng cộng là 1.556 người Tài liệu báo cáo lên Tổng hội Trưởng Lão tháng 9 năm 1919, trong
số những người bị giam giữ có 3.804 tín đồ, 134 mục sư – trưởng lão và 22 người có liên quan đến đạo Tin Lành Ngoài ra, báo cáo về “Tình hình Hàn Quốc” của Hội nghiên cứu vấn đề Phương Đông thuộc Hội Liên hiệp Tin Lành Mỹ chỉ ra rằng từ ngày 1/3/1919 đến ngày 20/7 cùng năm có 631 tín
đồ Tin Lành bị giết và 28.934 người bị bắt giam [Dẫn theo: 30, tr 60]
Trong số 33 đại biểu của phong trào dân tộc, Công giáo có 15 người, Phật giáo có 2 người, còn lại là 16 người là tín đồ đạo Tin Lành Số liệu này cũng phản ánh vị trí lãnh đạo của phong trào dân tộc của Hội thánh Tin Lành Hàn Quốc Nói tóm lại, tuy chỉ chiếm chưa đến 1% dân số song các tín đồ đạo Tin Lành đã đảm nhiệm đến 25 – 30 % vai trò trong phong trào 1/3
Tuy phong trào Mùng 1 tháng 3 không giành ngay được độc lập nhưng đã mang lại cho dân tộc Hàn niềm hy vọng và ý chí giành độc lập,
đã thúc đẩy các phong trào yêu nước, giành độc lập ở trong và ngoài nước sau đó Qua đây, cho thấy phong trào độc lập Mùng 1 tháng 3 đã có sự tham gia tích cực của các tôn giáo ở Hàn Quốc, trong đó, có sự đóng góp lớn của Công giáo và đạo Tin Lành Đạo Tin Lành cũng như Công giáo tuy
là tôn giáo ngoại lai nhưng sau khi du nhập vào Hàn Quốc đã mang tính
Trang 25nhập thế cao Sự truyền bá của đạo này không chỉ là truyền giảng giáo lý theo tôn chỉ mục đích của đạo mà còn đi vào thực tế đời sống chính trị xã hội có tính dân tộc Đây là dấu ấn đặc biệt của đạo Tin Lành Hàn Quốc ở đầu thế kỷ 20, khi mà lịch sử Hàn Quốc ở trong giai đoạn lâm nạn, bị giặc ngoại xâm cai trị với chính sách đồng hoá triệt để Đồng thời, dấu ấn này đã phản ánh được sự truyền bá có hiệu quả của một tôn giáo ngoại lai Mặt khác, cũng cho thấy, tuy mới ở giai đoạn sơ khai, bén rễ nhưng đạo Tin Lành ở Hàn Quốc đã có những điều kiện thuận lợi để phát triển do bối cảnh lịch sử cũng như ngôn ngữ, tín ngưỡng dân gian Hàn Quốc tạo nên, hơn nữa, về mặt chủ quan, Tin Lành ở Hàn Quốc đã khéo kết hợp và hoà nhập với các tôn giáo khác để cùng tồn tại và phát triển
1.1.3 Giai đoạn 1920 – 1945
Sau sự kiện ngày Mùng 1 tháng 3 năm 1919, Nhật Bản càng ráo riết với chính sách đồng hoá dân tộc Hàn Các biện pháp cụ thể của Nhật Bản nêu ra như bắt buộc sử dụng tiếng Nhật, cấm sử dụng tiếng Hàn trong các trường học, công sở, cấm giảng dạy lịch sử Hàn, đình chỉ hoạt động của các
tờ báo viết bằng tiếng Hàn, nghiêm cấm các hoạt động nghiên cứu về ngôn ngữ và lịch sử dân tộc Hàn, bắt buộc người Hàn đổi tên theo cách gọi của người Nhật, xây dựng các đền thờ Thiên Hoàng càng lộ rõ âm mưu biến bán đảo này trở thành một phần của Nhật Bản Người Hàn gọi chính sách đồng hoá này của Nhật Bản là “chính sách triệt tiêu dân tộc Hàn” Những biện pháp đồng hoá này của Nhật Bản cho thấy việc truyền bá và phát triển đạo Tin Lành ở Hàn Quốc trong giai đoạn này gặp trở ngại rất lớn Vũ khí lợi hại nhất của sự truyền bá đạo Tin Lành là thông qua phát triển các hoạt động phát triển ngôn ngữ Hàn, thông qua giáo dục, trong đó có giáo dục lịch sử, văn hoá Hàn Quốc và phương Tây để gián tiếp hoặc trực tiếp truyền
Trang 26bá Hơn nữa, sau phong trào Mùng 1 tháng 3, Nhật Bản thẳng tay đàn áp Công giáo và đạo Tin Lành, nghiêm cấm các hoạt động truyền giáo chống lại Thần đạo của Nhật Bản Do đó, có thể nói, đây là giai đoạn khó khăn nhất trong quá trình truyền bá và phát triển của đạo Tin Lành ở Hàn Quốc
Để chống lại chính sách đồng hoá của Nhật Bản, các phong trào yêu nước, cổ xuý tinh thần dân tộc Hàn đã dấy lên ở cả thành thị và nông thôn,
trong nước và ngoài nước, tiêu biểu như phong trào Tạo nguồn lực dân tộc, Phong trào khai sáng nông thôn, Phong trào kháng Nhật của học sinh, sinh viên Gwang Chu, Phong trào bảo vệ văn hoá dân tộc Hàn Trong các
phong trào này, tín đồ Tin Lành đã để lại hình ảnh là những người yêu nước, dám chống lại chế độ Nhật Hoàng, dám “tử vì đạo”, không chịu cúi lạy Thiên Hoàng của Nhật Bản dù phải chịu tù đày, tra tấn, thậm chí tử hình, tiêu biểu là tín đồ được coi là thánh tử đạo nổi tiếng An Du Kim bị xử chém đầu khi mới ở tuổi 25
Tuy bị đế quốc Nhật nghiêm cấm, đàn áp nhưng có thể nói việc truyền bá các giáo phái đạo Tin Lành ở bán đảo Hàn ở giai đoạn này vẫn
âm ỉ trong tầng lớp người nghèo, trong các tầng lớp sinh viên ở các tỉnh ngoài Seoul Ngoài ra, tín đồ đạo Tin Lành còn tham gia cùng với các đoàn thể yêu nước và tôn giáo khác trong việc hoạt động khai sáng dân chúng thông qua các hình thức như diễn thuyết, diễn kịch, lớp học ban đêm bằng tiếng Hàn
1.1.4 Giai đoạn 1945 – 1969
Ngày 15 tháng 8 năm 1945, Nhật Bản đầu hàng quân Đồng minh và chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc Nhân cơ hội này, dân tộc Hàn vùng lên giải phóng dân tộc khỏi ách cai trị của phát xít Nhật Tuy nhiên, đối với
Trang 27người dân Hàn Quốc, giải phóng hoàn toàn không có nghĩa là độc lập, bởi theo hiệp ước quốc tế, bán đảo Hàn bị chia cắt làm hai miền, lấy vĩ tuyến
38 làm ranh giới và chờ Tổng tuyển cử thống nhất Nam – Bắc
Ngay sau khi giải phóng, ngày 8 tháng 9 năm 1945, Đại hội các hệ phái Tin Lành miền Nam đã được tổ chức tại nhà thờ Đông Te Mun, bầu ra Ban chấp hành mới và nêu chủ trương phục hồi đạo Tin Lành Ngày 14 tháng 1 năm 1946, cũng tại nhà thờ này, Hội nghị liên hiệp các giáo phái miền Đông, miền Trung, miền Tây cũng được tổ chức và nêu kiến nghị tái thiết các trường học Tin Lành, phục hồi các hệ phái Tin Lành, đặc biệt là Giám Lý Theo đó, các giáo phái tự tổ chức các Hội nghị, đề ra chủ trương, đường lối và lên kế hoạch hành động
Lịch sử bán đảo thời kì này có nhiều biến động bất thường, do đó, việc truyền bá, phát triển đạo Tin Lành không được thuận lợi Hiệp thương chính trị để thống nhất hai miền bất thành, Bán đảo bị chia cắt làm hai, miền Bắc thuộc Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, miền Nam là Đại Hàn Dân Quốc Miền Bắc đi theo đường lối xã hội chủ nghĩa, miền Nam đi theo đường lối tư bản chủ nghĩa Từ đây, chúng tôi chỉ đề cập tới đạo Tin Lành miền Nam, tức đạo Tin Lành ở Hàn Quốc
Ngày 15 - 8 - 1948, Đại Hàn Dân Quốc được thành lập, vị tổng thống đầu tiên là Lee Sung – Man (Lý Thừa Vãn), một nhà hoạt động trong phong trào độc lập của Hàn Quốc tại Mỹ, đồng thời cũng là một tín hữu Giám Lý Ông thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ, kêu gọi sự ủng hộ, giúp đỡ của
Mỹ Bởi thế, cơ hội thuận lợi cho các đạo Tin Lành từ Mỹ xâm nhập Hàn Quốc đã được mở ra Cơ hội cho đạo Tin Lành Mỹ vừa mới tới thì Chiến tranh Triều Tiên nổ ra vào ngày 25 - 6 - 1950 đã đảo lộn tình hình Cuộc
Trang 28nội chiến kéo dài 3 năm (1950 - 1953) có sự tham chiến của Trung Quốc và
Mỹ đã biến Bán đảo này thành đống tro tàn Cuộc chiến này tuy ngắn nhưng có thể nói còn tàn khốc hơn thời Nhật Bản cai trị Cuộc sống của người dân lâm vào cảnh cơ cực và tinh thần bị khủng hoảng trầm trọng Chiến tranh và hoà bình, cái chết và sự sống thay đổi thất thường trong một thời gian ngắn đã khiến cho suy nghĩ và tâm linh người Hàn Quốc có những biến đổi Những tôn giáo truyền thống đã không đáp ứng đủ và tâm linh người Hàn hướng tới một đấng tối cao nào đó có thể cứu rỗi tinh thần của
họ Hơn nữa, Hoa kỳ thực sự đã để lại dấu ấn đậm đối với người Hàn trong cuộc chiến tranh 1950 - 1953 với sự hỗ trợ toàn diện về mặt quân sự và giờ đây, có thể nói, chính quyền của Tổng thống Lee Sung – Man đã lệ thuộc vào Mỹ, hoàn toàn chấp nhận mọi điều kiện của Mỹ và xây dựng đất nước theo mô hình của Mỹ Chính sách tự do tôn giáo được ban hành, nhà nước không can thiệp trực tiếp vào các hoạt động tôn giáo Đây có thể nói là hội
đủ các điều kiện thuận lợi để các hệ phái Tin Lành Mỹ ồ ạt xâm nhập Hàn Quốc
Theo Niên giám tôn giáo Hàn Quốc, tính đến năm 1969, tức mới hơn chục năm sau chiến tranh, Hàn Quốc có tới 8.405 nhà thờ Tin Lành, 9.300 mục sư, 2.163.703 tín đồ [Dẫn theo: 46, tr.37] Số liệu này cho thấy đạo Tin Lành phát triển rất nhanh và quá trình truyền bá đạt hiệu quả cao như thế nào Cùng với việc truyền bá đạo Tin Lành ở các nhà thờ, các giáo hội Tin Lành Hàn Quốc cũng đã tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện mang tính tôn giáo Các Viện dưỡng lão, Cô nhi viện, Trường học mầm non cho các cháu gặp hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, Hội cứu giúp người tàn tật,
ốm đau được lập nên và có sự đỡ đầu của các nhà thờ đạo Tin Lành Tính đến năm 1968, có tới 627 giáo đoàn tham gia vào 22.588 đơn vị, tổ chức xã
Trang 29hội để làm từ thiện và truyền giáo, phổ biến Kinh Thánh Song song với việc phổ biến Kinh Thánh ở nhà thờ và các tổ chức xã hội ngày một mở rộng thì số sách Kinh Thánh cũng xuất bản nhiều lên theo tỉ lệ thuận: năm
1958 là 28.436 cuốn, năm 1969 đã là 133.498 cuốn [46, tr.38]
1.1.5 Giai đoạn từ 1970 đến nay
Nếu tính một cách cụ thể thì Hàn Quốc kêu gọi toàn dân chung sức đồng lòng xây dựng một đất nước Hàn Quốc mới mà trọng tâm là xây dựng, phát triển kinh tế được bắt đầu từ khi Đại tướng Park Chung Hy lên nắm quyền từ những năm 60 của thế kỷ 20 Công cuộc phát triển đất nước của ông Park được bắt đầu từ nông thôn với “Phong trào làng mới”, xoá bỏ lều tranh và phát triển nông nghiệp Cùng với đó, ông Park kêu gọi cả nước tập trung phát triển công nghiệp và hiện đại hoá đất nước Cho nên, bắt đầu
từ những năm 70, Hàn Quốc thực sự bước vào quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và nhanh chóng thu được kết quả rõ rệt Đồng thời với quá trình này, xã hội Hàn Quốc có những biến động mạnh mẽ Người dân nông thôn kéo ra thành phố tăng một cách đột biến, riêng số dân thành phố Seoul đông tới chục triệu người Sự biến động lớn về kinh tế kéo theo những rủi
ro, việc di cư ồ ạt và tập trung ở thành phố làm cho cuộc sống thường nhật của hàng vạn con người mới ra thành phố lập nghiệp gặp nhiều khó khăn, trắc trở đã lại tạo điều kiện thuận lợi cho đạo Tin Lành Hàn Quốc phát triển Số người đi lễ nhà thờ tăng lên, nhưng lại chỉ tập trung ở một số nhà thờ trong thành phố đã khiến cho các nhà thờ luôn trong tình trạng quá tải
Sự quá tải này được nhà truyền giáo David Yong Gi cho biết, ở Seoul, mỗi chủ nhật, dù làm tới bảy buổi lễ mà nhà thờ chính cũng chỉ mới chứa được một số nhỏ tín đồ, còn phần lớn phải chen chúc ở 20 nhà thờ phụ, thậm chí phải tập trung ở một số quảng trường để nghe ông giảng đạo qua hệ thống
Trang 30truyền hình Mặc dù, ông đã tổ chức tới 11 đoàn thánh ca mặc áo vàng và xanh, chủ nhật nào cũng hát khàn cả tiếng nhưng vẫn chưa thoả mãn được nhu cầu, nhiều buổi phải phát qua băng hình và đĩa DVD [14, tr.99]
Như vậy, chính trong bối cảnh hiện đại hoá đất nước, đã khiến cho đạo Tin Lành Hàn Quốc có sự phát triển đột biến cả về số lượng tín đồ, qui
mô nhà thờ và nội dung hoạt động tôn giáo Một loạt các nhà thờ lớn được xây dựng, các chức sắc tôn giáo được đào tạo gấp và Hiệp hội phát triển đạo Tin Lành được thành lập Các cuộc vận động với qui mô lớn được khởi
xướng trong toàn quốc như Một triệu tín đồ, Hàng vạn nhà thờ hướng về Chúa,v.v đã khiến cho nhiều tín đồ cũng như một bộ phận người Hàn
Quốc ngỡ rằng “thời đại ngày nay là thời đại của đạo Tin Lành” Theo thống kê trong Niên giám tôn giáo Hàn Quốc, tính đến năm 1977, Hàn Quốc có tới 5.001.491 tín đồ Tin Lành, 23.526 chức sắc (gồm cả mục sư và giáo sĩ) và 19.457 nhà thờ Với số lượng tín đồ và nhà thờ này, đạo Tin Lành đã trở thành một trong ba tôn giáo lớn ở Hàn Quốc (Phật giáo: 7.416 chùa, 23.015 chức sắc, 12.906.851; Công giáo: 2.308 nhà thờ, 4.130 chức sắc, 1.093.829 tín đồ) [Dẫn theo: 46, tr 39 - 40]
Đến năm 1990, có khoảng 11.888.374 tín đồ Tin Lành trong tổng số 43.520.199 người dân Hàn Quốc, 58.288 chức sắc và 34.407 nhà thờ [58,
pg 3] Số liệu này cho thấy đạo Tin Lành tiếp tục phát triển rất mạnh, tuy số tín đồ vẫn đứng sau Phật giáo (20.696.948 tín đồ) nhưng đã tăng gấp đôi chỉ sau chục năm, đặc biệt số nhà thờ tăng thêm 14.950 nhà thờ Nhà thờ hầu như được xây dựng ở khắp nơi, từ thành phố đến thị trấn và cả những ngôi làng nhỏ Bao phủ lên thủ đô Seoul là các nhà thờ cùng hình ảnh các cây thánh giá, nên nơi đây còn được mệnh danh là “ thành phố của nhà thờ” Đặc biệt, nhà thờ Tin Lành lớn nhất không nằm ở Mỹ - quốc gia
Trang 31truyền bá đạo Tin Lành vào Hàn Quốc cách đây gần một thế kỷ, mà là ở Seoul – nhà thờ Youido Full Gospel Việc nhà thờ liên kết với trường học, nhà xuất bản, báo chí, các đài truyền hình, và các tổ chức cao hơn như YMCA, YWCA, Campus Crusade for Christ dễ dàng được tìm thấy trong các thành phố lớn Như vậy, nhà thờ Tin Lành đã thực sự dần trở thành một lực lượng xã hội trên đất nước Hàn Quốc
Tóm lại, xem xét quá trình truyền bá và phát triển đạo Tin Lành ở Hàn Quốc cho thấy Tin Lành Hàn Quốc là một “phép màu” không ai có thể
dự đoán trước, đã có sự truyền bá rộng rãi chưa từng có so với sự phát triển của tôn giáo này ở các quốc gia khác ở châu Á như Ấn Độ, Nhật Bản và Trung Quốc Đứng trước sự phản kháng của Nho giáo Choson và những khó khăn của xã hội phương Đông đậm đặc tôn giáo truyền thống, Tin Lành Mỹ đã khéo léo thích nghi, biết khai thác tinh thần yêu nước của dân tộc Hàn để hoà nhập và phát triển Đặc biệt, khi xâm nhập vào Hàn Quốc, đạo Tin Lành mang tính nhập thế cao nên đã có ảnh hưởng mạnh đến xã hội
và văn hoá Hàn Quốc Có lẽ Allen cùng các nhà truyền giáo khác cũng phải lấy làm kinh ngạc khi các hạt giống của họ gieo lên vùng đất của Nho giáo lại có thể phát triển lạ thường cả về số lượng lẫn ảnh hưởng của nó trong một thời gian ngắn
1.2 Thực trạng đạo Tin Lành Hàn Quốc hiện nay
Như đã nêu ở trên, đạo Tin Lành phát triển với tốc độc cao vào những thập niên cuối của thế kỷ 20, sự phát triển này đã được nhiều người xem là hiện tượng bùng nổ của đạo Tin Lành Tuy nhiên, bước sang thế kỷ
21, tỉ lệ dân số Tin Lành đã bắt đầu sụt giảm, trong đó dân số Công giáo bắt đầu tăng đã gây nên sự ngạc nhiên không chỉ trong giới nghiên cứu tôn giáo
Trang 32mà ngay cả với người dân thường Phần này sẽ tìm hiểu thực trạng đạo Tin Lành ở Hàn Quốc hiện nay, cụ thể là xem xét vấn đề phân bố đạo Tin Lành trong thế đối chiếu so sánh với tôn giáo lớn khác cùng những vấn đề có liên quan
Năm 2005, chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện cuộc tổng điều tra dân
số kết hợp với cuộc điều tra dân số tôn giáo, do đó, chúng ta có thể có những số liệu tin cậy với độ chính xác cao về vấn đề này Điều này giúp chúng ta hiểu rõ hơn về thực trạng tôn giáo nói chung và đạo Tin Lành nói riêng trong thế so sánh, đối chiếu Cụ thể như sau:
Bảng 1.1: Cấu trúc dân số tôn giáo của Hàn Quốc theo giới năm
Nguồn: Tổng điều tra dân số năm 2005 [Dẫn theo: 2, tr.190]
Theo bảng trên, tỉ lệ nam giới theo đạo Tin Lành là 17,1%, nữ giới là 19,7%, con số này cho thấy tỉ lệ nữ giới cao hơn nam giới là 2,6% Xem xét
Trang 33tổng thể cả ba tôn giáo lớn (Phật giáo, Tin Lành, Công giáo), nữ giới theo đạo nhiều hơn nam giới, bất luận là tôn giáo nào, điều này cho thấy nữ giới
là nhóm dễ bị tổn thương nên gửi gắm niềm tin vào tôn giáo nhiều hơn nam giới
Bảng 1.2: Phân bố tôn giáo theo độ tuổi năm 2005
Nguồn: Tổng điều tra dân số năm 2005 [Dẫn theo: 2, tr.194]
Bảng trên cho thấy tỉ lệ không có tôn giáo ở những người trẻ tuổi cao
và tỉ lệ những người có tôn giáo khi có tuổi tăng dần Trong đó, độ tuổi trên
60 có tỉ lệ tin theo Phật giáo cao nhất, chiếm 32,9% Điều đó nghĩa là, trong dân số trên 60 tuổi thì cứ 10 người có tới 3 người tin theo Phật giáo Tiếp theo độ tuổi trên 60 là độ tuổi dưới 60 xuống 50, tỉ lệ tin theo Phật giáo cũng cao, đạt tới 31,8% Tuy nhiên, độ tuổi càng trẻ thì lòng tin vào Phật giáo càng giảm
Trang 34Đối với đạo Tin Lành, tỉ lệ dân số tin theo hầu như giống nhau ở tất
cả các độ tuổi Xu hướng này không chỉ diễn ra ở đạo Tin Lành mà còn được thể hiện ở đạo Công giáo Như vậy, có thể thấy tỉ lệ dân số Tin Lành hay Công giáo là sự lựa chọn không liên quan đến độ tuổi Điều này, giúp chúng ta đi tới nhận xét, tín đồ đạo Tin Lành và Công giáo không chịu ảnh hưởng nhiều của độ tuổi như Phật giáo, không thể nói đó là tôn giáo của tầng lớp già hay trẻ mà là tôn giáo được tiếp cận như nhau ở mọi tầng lớp
Ngoài ra, bảng trên còn phản ánh một xu hướng chung trong xã hội Hàn Quốc hiện đại, khi tuổi đời còn trẻ, nhiều người không tin theo một tôn giáo nào, nhưng càng nhiều tuổi thì có xu hướng theo một tôn giáo nào đó, thường là một trong ba tôn giáo lớn Phật giáo, đạo Tin Lành hoặc Công giáo Chính điều này đã tạo nên đặc trưng của dân số tôn giáo trong xã hội Hàn Quốc
Một trong những đặc trưng của đạo Tin Lành Hàn Quốc hiện đại là
sự khác biệt lớn ở vấn đề phân bố theo vùng Điều này được thể hiện rất rõ trong bảng 1.3: Cấu trúc phân bố tôn giáo Hàn Quốc theo khu vực năm
2005
Tôn giáo
Khu vực
Đạo Tin Lành
Công giáo
Phật giáo
Tôn giáo khác
Không tôn giáo
Tổng
Trang 35Nguồn: Tổng điều tra dân số năm 2005 [Dẫn theo: 2, tr.195]
Theo bảng 1.3, vùng có tín đồ Tin Lành cao nhất là Jeonbuk với tỉ lệ 26,3%, theo sau là Seoul với tỉ lệ 22,8%, Incheon với 22,4%, Gyeonggi với 21,9%, Jeonnam với 21,8%, Daecon với 20,5% , thấp nhất là Jeju chỉ với 7,2% Như vậy, thủ đô Seoul có dân số đông nhất (trên 10 triệu người) nhưng số dân theo đạo Tin Lành không phải chiếm tỉ lệ cao nhất Đặc biệt,
ở hai thành phố lớn khác như Busan, Daegu thì tỉ lệ còn ở mức thấp hơn so
Trang 36với vùng khác Nếu so sánh giữa đạo Tin Lành và Công giáo thì tỉ lệ dân số theo Tin Lành hầu như toàn bộ đều cao hơn Công giáo, duy nhất chỉ có vùng Jeju thì tỉ lệ dân số Công giáo (10,3%) cao hơn Tin Lành (7,2%) Nếu
so sánh với Phật giáo thì tỉ lệ tin theo đạo Tin Lành ở các vùng Busan, Ulsan, Gyeongbuk, Gyeongnam, Jeju thấp hơn nhiều Ngược lại, ở các vùng Jeonbuk, Jeonnam, Incheon, Seoul thì dân số tin theo đạo Tin Lành nhiều hơn hẳn dân số tin theo Phật giáo Qua sự phân bố tôn giáo theo vùng này, đạo Tin Lành tập trung ở các thành phố công nghiệp hơn các tôn giáo khác đã cho thấy đây là một tôn giáo năng động, tương thích với quá trình hiện đại
Trên đây là thực trạng đạo Tin Lành ở Hàn Quốc hiện nay Mặc dù,
xã hội Hàn Quốc tồn tại nhiều tôn giáo và có hiện tượng cải đạo từ tôn giáo này sang tôn giáo khác nhưng xung đột tôn giáo không mạnh, không lớn như một số xã hội khác Khi xây dựng tượng Tangun hoặc khi Tổng thống Kim Young Sam cho di dời tượng Phật trong phủ Tổng thống ra ngoài cũng gặp phải sự phản đối của tín đồ các tôn giáo đó Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa các tôn giáo, nhất là Tin Lành với các tôn giáo khác không nghiêm trọng như ở một số nước khác Đặc biệt, qua số liệu trên, tuy tỉ lệ dân số Tin Lành đã giảm trong những năm gần đây nhưng đạo Tin Lành vẫn là một trong ba tôn giáo lớn và có vai trò quan trọng trong xã hội Hàn Quốc hiện đại
1.3 Một số chi phái chính trong Cộng đồng Tin Lành Hàn Quốc
Đạo Tin Lành ra đời trong phong trào cải cách tôn giáo vào thế kỉ 16
mà chủ trương của nó là xoá bỏ tập quyền lãnh đạo Giáo hội Do đó, về mặt
tổ chức, đạo Tin Lành có một hệ thống các giáo hội chứ không phải là một
Trang 37giáo hội duy nhất Các Giáo hội độc lập với nhau không liên quan đến tổ chức, không liên quan đến công việc nội bộ của nhau trên các khía cạnh sinh hoạt tôn giáo, lễ nghi, xu hướng thần học giáo lý, tín điều Các Giáo hội Tin Lành chỉ có giao lưu thông công trao đổi, đối thoại với nhau về thần học, tín lý Tất cả các giáo hội Tin Lành đều hoạt động trên nền tảng Kinh Thánh nhưng vận dụng, cắt nghĩa Kinh Thánh cũng có sự đồng dị nên mới phát sinh nhiều tổ chức Tin Lành khác nhau Đạo Tin Lành ở Hàn Quốc cũng không nằm ngoài điều này Hiện nay, Tin Lành Hàn Quốc có khoảng
170 hệ phái, trong đó Giám Lý (Methodist), Luther (Lutheran), Báptít (Baptist), Trưởng Lão (Presbyterian) là những hệ phái chính
1.4.1 Hệ phái Giám Lý Hàn Quốc (Korean Methodist Church)
Lịch sử giáo hội Giám lý được bắt đầu vào thế kỉ 18 từ cuộc cải cách Thanh giáo (Puritanism) tại Anh và chịu ảnh hưởng của phong trào sùng tín (Pietist) tại Đức, sau đó lại trở về nước Anh thông qua mô hình mới của John Wesley Tích cực trong đời sống đạo, dấn thân trong công tác xã hội
và sâu nhiệm trong kinh nghiệm thuộc linh là là những đặc trưng cơ bản của hệ phái này
Giáo phái Giám Lý được truyền bá vào Hàn Quốc từ cuối thế kỉ thứ
19 bởi các nhà truyền giáo Giám Lý người Mỹ Năm 1930, nó được tách ra thành hệ phái độc lập nhưngvẫn duy trì liên kết với các cơ quan hệ phái của
Mỹ Mặc dù trải qua nhiều khó khăn trong giai đoạn Nhật Bản chiếm đóng
và sự tàn phá của cuộc chiến tranh chia đôi đất nước, hệ phái Giám Lý ở Hàn Quốc vẫn phát triển mạnh Trong giai đoạn thập niên 1960 đến 1980, giai đoạn mà Hàn Quốc chuyển đổi từ một xã hội nông thôn lên một xã hội công nghiệp hoá cao thì giáo hội Giám Lý đã có nhiều đóng góp trong các
Trang 38hoạt động xã hội Cùng với xu hướng của đạo Tin Lành Hàn Quốc nói chung, sau khi trải qua vài thập kỉ phát triển nhanh chóng, số lượng tín đồ của giáo hội Giám Lý bắt đầu giảm trong những năm đầu thế kỷ 21 này Hiện nay, giáo hội Giám Lý Hàn Quốc có khoảng 1.500.000 tín đồ với 8.306 mục sư [65]
1.4.2 Giáo hội Trưởng Lão Hàn Quốc (Presbyterian Church of Korea)
Giống như phái Giám Lý, Tin Lành Trưởng Lão được hình thành cùng với phong trào cải cách tôn giáo ở châu Âu vào thế kỉ 16 Sự xuất hiện của nó bắt nguồn từ việc xem tổ chức điều hành của Giáo hội cần quay lại Giáo hội ban đầu của Chúa Kitô và từ học thuyết “tiền định” của Jean Calvin Những hội thánh Tin Lành Trưởng Lão đầu tiên được hình thành ở Anh, Scotland, Thuỵ sĩ, Pháp, Hà Lan,v.v Về mặt tổ chức, do Tin Lành Trưởng Lão muốn quay trở lại Giáo hội thời kỳ các tông đồ của Chúa Giêsu nên điều hành công việc của giáo hội bên cạnh các mục sư còn có các trưởng lão Đến nay chưa có thống kê đầy đủ số lượng tín đồ Tin Lành Trưởng Lão trên toàn thế giới, chỉ biết vào đầu những năm 1980 hệ phái này đã có khoảng 25 triệu tín đồ ở trên 80 nước, trong đó chủ yếu tập trung
ở các khu vực Tây Âu, Bắc Âu và Bắc Mỹ Hệ phái Tin Lành Trưởng Lão được coi là một trong những hệ phái Tin Lành lớn nhất không chỉ bởi nó có đông tín đồ mà còn do vị trí ảnh hưởng của nó đối với các hệ phái Tin Lành khác trong lịch sử cũng như trong hiện tại
Giống như hệ phái Giám Lý, Tin Lành Trưởng Lão được truyền bá vào Hàn Quốc vào năm 1884 bởi các nhà truyền giáo Trưởng Lão người
Mỹ Từ năm 1884, hàng loạt các nhà truyền giáo phương Tây đã đến Hàn
Trang 39Quốc, tại đây, họ thành lập các trường học, cô nhi viện, bệnh viện, v.v Với
sự nhiệt thành của các nhà truyền giáo, giáo hội Trưởng Lão tăng nhanh chóng trong nửa đầu thế kỉ 20 Trong khoảng thời gian chiếm đóng của Nhật Bản (1910 – 1945) giáo hội này đã đóng vai trò lãnh đạo trong phong trào độc lập năm 1919 Vượt qua những thời điểm khó khăn trong lịch sử, giáo hội Trưởng Lão Hàn Quốc đã phát triển nhanh chóng và trở thành một trong những giáo hội Trưởng Lão lớn nhất thế giới Bước sang thế kỉ thứ hai có mặt tại Hàn Quốc, Tin Lành Trưởng Lão đã thay đổi trọng tâm truyền giáo là tăng trưởng về chất lượng hơn là sự tăng trưởng về số lượng Hiện nay, ở Hàn Quốc, hệ phái này có khoảng 8.162 giáo đoàn (Congregation) với 2.852 311 tín đồ và 799 nhà truyền giáo đang hoạt động ở 77 quốc gia trên khắp thế giới [65]
1.4.3 Hệ phái Luther Hàn Quốc (Lutheran Church in Korea)
Cuộc cải cách tôn giáo do Martin Luther khởi xướng và lãnh đạo không chỉ đưa đến sự ra đời của một tôn giáo mới: đạo Tin Lành, mà còn làm cơ sở cho sự tồn tại của một hệ phái mang tên ông: Lutheran, cũng thuộc đạo Tin Lành
Như đã biết, bất bình trước việc các tu sĩ dòng Dominique Đức tổ chức “bán bùa xá tội” nên Luther đã đứng lên chống đối lại quyền lực của Giáo hoàng, Giáo hội Công giáo và khởi xướng phong trào cải cách Tuy nhiên, khi phong trào phát triển lên đến đỉnh cao thì diễn ra sự phân rẽ: một nhánh do J Calvin, U Zwingli, J.Knox lãnh đạo theo hướng cực đoan Những tư tưởng cải cách ôn hoà của M Luther đã vượt khỏi biên giới nước Đức thu hút nhiều người Ba Lan, Nga, Hungary, Hà Lan, Thuỵ Điển, Na
Uy, Đan Mạch, Ireland, v.v tin theo hình thành hệ phái Lutheran
Trang 40Hệ phái Lutheran bắt đầu truyền bá vào Hàn Quốc từ năm 1958 bởi
ba gia đình truyền giáo Năm 1972, giáo hội Lutheran Hàn Quốc đã trở thành thành viên của Liên đoàn giáo hội Lutheran thế giới Trong quá trình truyền bá tại Hàn Quốc, hệ phái này cũng thành lập các trường học, điển hình là trường Đại học Thần học Luther (Luther Theological University),
có các chương trình nghiên cứu Kinh Thánh, tiếp cận cộng đồng thông qua đài phát thanh và xuất bản sách báo Hiện nay, giáo hội Lutheran Hàn Quốc
có khoảng hơn 11.000 tín đồ với 37 giáo đoàn và 42 mục sư [65]
Như vậy, đạo Tin Lành là tên gọi chung của các giáo hội thoát thai từ cuộc cải cách tôn giáo ở châu Âu vào thế kỉ 16, có các nhánh chính theo chủ thuyết của Luther chủ yếu ở Đức và Bắc Âu; có các nhánh theo chủ thuyết Calvin chủ yếu ở Pháp, Thuỵ sĩ, Hà Lan, Mỹ ; Anh giáo chủ yếu ở nước Anh Tính đa dạng hệ phái là một đặc trưng quan trọng của đạo Tin Lành Một trong những quốc gia có cộng đồng đạo Tin Lành lớn mạnh nhất
là Hàn Quốc Hiện nay đạo Tin Lành Hàn Quốc có khoảng 170 hệ phái với các giáo phái chính như Trưởng Lão, Giám Lý Với lối sinh hoạt tôn giáo cực kì năng động và linh hoạt, các hệ phái này đã đóng một vai trò quan trọng đối với việc hiện đại hoá xã hội Hàn Quốc
Tiểu kết chương 1
Giống như nhiều nước ở châu Á, xã hội Hàn Quốc truyền thống mang tính chất khép kín tự cung tự cấp, chính quyền nhà nước phong kiến đã có những chính sách bế quan toả cảng trong nhiều thế kỷ và người ta thường gọi đây là “Vương quốc ẩn sĩ” (Hermit Kingdom), “Đất nước của buổi sớm mai yên lành” (Land of Morning Calm) bởi cho đến nửa đầu thế kỉ 19, đất nước này vẫn từ chối mối quan hệ hay giao tiếp với các quốc gia bên ngoài