1. Trang chủ
  2. » Giáo Dục - Đào Tạo

CÔNG TÁC KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

4 4,8K 159

Đang tải... (xem toàn văn)

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 4
Dung lượng 41 KB

Nội dung

CÔNG TÁC KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP 1. Đặt vấn đề: Việc kiểm tra đánh giá kiến thức và kĩ năng của sinh viên có vai trò rất quan trọng, vừa giữ vai trò là động lực thúc đẩy quá trình dạy học, lại vừa có vai trò giúp người thầy điều chỉnh phương pháp giảng dạy cho phù hợp. Hơn nữa, việc kiểm tra đánh giá giúp sinh viên thay đổi phương pháp học tập để phù hợp với hình thức, phương pháp kiểm tra nhằm đạt kết quả cao. Giáo dục đại học đang từng bước thay đổi chương trình và phương pháp đào tạo để đáp ứng với nhu cầu của thời kì mới. Tuy nhiên, theo tôi việc kiểm tra đánh giá vẫn còn chủ quan, thiếu chính xác nên việc đánh giá chất lượng đào tạo chưa thực sự hiệu quả, dẫn đến có nhiều vấn đề bất cập trong việc sử dụng nguồn nhân lực cho xã hội. Với những lí do trên cho thấy rằng việc thay đổi một hệ thống chương trình và phương pháp đào tạo mà không thay đổi hệ thống kiểm tra đánh giá thì cũng không thể đạt được mục đích mong muốn. Để nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường đại học, cùng với việc đổi mới, hoàn thiện chương trình, nội dung đào tạo, đổi mới phương pháp đào tạo thì cần phải đổi mới hình thức và phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập của sinh viên. Bài viết trình bày về thực trạng công tác kiểm tra, đánh giá năng lực của người học và gợi ý một số đề xuất mới trong kiểm tra, đánh giá. Năm 1956, Bloom đã đưa ra 3 mục tiêu dạy học là: nhận thức (cognitive), kĩ năng (psychomotor) và cảm xúc (affective) hay còn gọi là phẩm chất nhân văn. Ở nước ta có lẽ việc dạy học mới chỉ chú ý tới mục tiêu nhận thức, còn các mục tiêu khác chưa được chú ý tới. Ngay trong mục tiêu nhận thức vốn có 8 bậc: biết, hiểu, ứng dụng, phân tích, tổng hợp, đánh giá, chuyển giao, sáng tạo, thì chúng ta cũng chỉ chú ý và cố gắng đạt các mục tiêu ở bậc thấp là biết và hiểu. Điều này thể hiện rất rõ ràng trong chế độ thi cử và kiểm tra đánh giá kết quả của nước ta. Việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập của sinh viên từ nhiều năm nay được thực hiện chặt chẽ theo quy định của Bộ GD - ĐT hoặc của các trường qua các kì thi học phần, thi tốt nghiệp. 2. Thực trạng công tác kiểm tra đánh giá: + Về hình thức kiểm tra, thi: Có nhiều hình thức đánh giá mà các giảng viên thường sử dụng để đánh giá kết quả học tập của sinh viên. Hiện nay chủ yếu áp dụng các hình thức như: Tự luận, vấn đáp, trắc nghiệm. Các bài thi tự luận là hình thức đánh giá được dùng phổ biến nhất hiện nay. Câu hỏi tự luận cấu trúc yêu cầu sinh viên phải tự viết câu trả lời trong một khoảng thời gian nhất định có thể từ 60 phút đến 180 phút tương ứng từ 02 đến 05 tín chỉ. Hình thức thi tự luận dễ sử dụng, thuận tiện trong cả ra đề, coi thi và chấm bài. Tuy nhiên hạn chế của hình thức này là nếu đề thi và đáp án không hay thì rất khó để đánh giá được khả năng giải quyết vấn đề của người học, không phân loại được sinh viên, hình thức này cũng rất dễ làm cho sinh viên học tủ, học lệch. Thi vấn đáp thì số câu hỏi nhiều hơn, nhưng thời lượng kiến thức và thời gian kiểm tra cho sinh viên càng eo hẹp hơn, mỗi sinh viên được hỏi một vấn đề nhỏ trong thời gian từ 5 đến 10 phút. Ưu điểm của hình thức thi này là giúp giảng viên đánh giá được thực chất năng lực giải quyết vấn đề của sinh viên, tuy nhiên do hạn chế về thời gian thi nên giảng viên chỉ kiểm tra được lượng một lượng môđun kiến thức nhỏ từ sinh viên và chưa kiểm tra được cách trình bày vấn đề của sinh viên. Các bài thi dùng câu hỏi trắc nghiệm khách quan chỉ yêu cầu sinh viên chọn câu trả lời đúng trong 4-5 phương án chọn (hoặc một vài hình thức khác như điền khuyết, ghép đôi,…). Hình thức thi này có nhiều ưu điểm, cho phép khảo sát một cách toàn diện kiến thức của người học, tránh được học tủ học lệch. Nhưng nếu bộ câu hỏi không đúng chất lượng, không có độ phân hóa thì cũng chỉ đơn thuần là kiểm tra trí nhớ, yêu cầu sinh viên học thuộc lòng; hay khâu coi thi không nghiêm túc, sinh viên chỉ sao chép thì hiệu quả kiểm tra đánh giá sẽ không cao. Tất cả các hình thức và nội dung đề thi, kiểm tra trên đều nhằm mục đích kiểm tra mức độ ghi nhớ các sự kiện, thuật ngữ, khái niệm, các nguyên lí mà sinh viên đã được học. Và cao hơn chút nữa là hiểu các tư liệu đã được học, có khả năng mô tả tóm tắt, diễn giảng, phân tích các thông tin thu nhận được. + Về thời lượng và thời gian: Mỗi một học phần có từ 02 đến 05 tín chỉ, theo quy định mỗi tín chỉ có 1 bài kiểm tra và kết thúc học phần có một bài thi. Kết quả các bài kiểm tra thường xuyên và giữa kì tính 30%, điểm kết thúc học phần tính 70% số điểm. Thông thường sinh viên chỉ dành thời gian học vào khoảng thời gian trước khi thi 2-3 tuần, việc tự học và tự nghiên cứu trong đại đa số sinh viên rất hạn chế. Không những thế để đối phó với đề thi nhiều sinh viên còn học tủ, học lệch, nên việc đánh giá chưa được khách quan. 3. Giải pháp: Trong lí luận dạy học đại học có nêu: Kiểm tra đánh giá là công đoạn quyết định chất lượng của quá trình dạy học. Kiểm tra đánh giá giúp giảng viên biết được hiệu quả và chất lượng giảng dạy, điều chỉnh nội dung và phương pháp dạy học, giúp người học biết được chất lượng học tập, điều chỉnh phương pháp học, giúp nhà quản lí ra quyết định về kết quả học tập của người học, điều chỉnh chương trình đào tạo và tổ chức dạy học. Điều đó cho thấy rõ việc đổi mới hình thức, phương pháp kiểm tra đánh giá trong trường đại học là cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên để việc đổi mới kiểm tra đánh giá có hiệu quả cần phải tuân theo một số nguyên tắc cơ bản như: - Cần thiết kiểm tra đánh giá theo mục tiêu đào tạo của từng môn học, đồng thời phải kiểm tra đánh giá theo các bậc nhận thức, các bậc kĩ năng và các bậc của năng lực tư duy mà môn học dự kiến người học phải đạt được sau khi học xong. - Cần áp dụng nhiều hình thức, phương pháp kiểm tra đánh giá khác nhau: Viết, vấn đáp, trắc nghiệm khách quan. Đặc biệt ở đại học cần chú trọng và ưu tiên cho các hình thức: Bài tập lớn, tiểu luận, tổng luận môn học. Việc kiểm tra phải được tiến hành thường xuyên trong quá trình học tập. - Kết quả kiểm tra đánh giá phải được sử dụng để đánh giá chất lượng giảng dạy, chất lượng học tập và chất lượng đào tạo (chương trình, nội dung, phương tiện và tổ chức đào tạo). Chúng ta đã và đang đổi mới về mục đích, nội dung và phương pháp dạy học đại học, tuy nhiên các hình thức kiểm tra đánh giá hiện nay mới chỉ đánh giá được sự hiểu biết và vận dụng kiến thức, còn việc phân tích, tổng hợp, đánh giá, giải quyết một vấn đề thì còn rất hạn chế. Để bổ khuyết cho vấn đề này chúng tôi thấy cần phải kết hợp linh hoạt nhiều hình thức kiểm tra, tùy vào mục tiêu và nội dung của mỗi học phần, có thể sử dụng một loại hình kiểm tra chính, kết hợp sử dụng các loại hình khác hỗ trợ vào cuối học trình, kết hợp các loại hình khác nhau với hệ số điểm cho mỗi loại hình trong tổng điểm đánh giá cả học phần. Qua nghiên cứu lí luận, và qua thực tế nhiều năm dạy học, chúng tôi nhận thấy đối với sinh viên, các hình thức kiểm tra đánh giá như: Báo cáo thuyết trình, bài tập lớn, tiểu luận, tổng luận môn học có rất nhiều ưu thế trong việc phát triển tư duy độc lập sáng tạo, phản ánh khả năng thao tác của người học một cách cụ thể và rõ ràng. Bởi vì các hình thức trên đều đòi hỏi khả năng tự học, tự tìm kiếm thông tin, tự lựa chọn phương pháp để giải quyết một vấn đề nào đó của sinh viên, và nó phải trải qua một thời gian cần thiết. Thực chất của các dạng kiểm tra này chính là kiểm tra khả năng tự nghiên cứu và khả năng thao tác tư duy của sinh viên. Khi tiến hành một hoạt động nghiên cứu, cho dù là báo cáo hay tiểu luận, bài tập, thì người thực hiện cũng phải vận dụng một cách tối đa nhất những năng lực tư duy và năng lực thao tác của bản thân như: quan sát, mô tả, tìm tòi, phân tích, so sánh, đối chiếu, tổng hợp, đánh giá, khái quát và đề xuất giải pháp,… nhờ đó mà năng lực độc lập và sáng tạo thể hiện và phát triển. Hơn nữa để tiến hành một bài tập nghiên cứu đòi hỏi người nghiên cứu phải tập trung thời gian để tìm, tra cứu, đọc tài liệu, thu thập thông tin và xử lí, sắp xếp thông tin, giúp cho sinh viên tận dụng thời gian vào học tập, tránh được thời gian nhàn rỗi, mùa vụ như các hình thức kiểm tra khác. Kết quả của các báo cáo, tiểu luận, bài tập lớn và tổng luận môn học cho phép giáo viên có thể đánh giá được mức độ nhận thức về kiến thức, về kĩ năng, đặc biệt là đánh giá được khả năng thao tác tư duy độc lập và khả năng sáng tạo trong học tập và nghiên cứu của sinh viên, đó cũng chính là mục tiêu cao nhất của giáo dục đại học. Để tiến hành các loại hình kiểm tra này một cách có hiệu quả, cần phải có sự hướng dẫn cụ thể với các yêu cầu rõ ràng của giáo viên, kết hợp tư vấn và giúp đỡ sinh viên kịp thời lúc cần thiết. Cũng cần phải chọn sinh viên có đủ điều kiện để thực hiện các loại hình này, tránh trường hợp vì quá khả năng mà bỏ nửa chừng. Kết luận: Trong những năm qua, công tác kiểm tra đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực của người học đã đạt được một số kết quả. Tuy nhiên công tác này vẫn cần thiết tiếp tục thay đổi. Đổi mới kiểm tra đánh giá phải bắt đầu từ việc xác lập những mục tiêu học tập gắn chặt với đời sống thực, để rồi từ đó phát triển đội ngũ, đổi mới chương trình, tài liệu học tập. Đây là công việc rất khó khăn, phải được tiến hành trong thời gian dài, tốn nhiều công sức, nhưng đã đến lúc cần bắt đầu. . CÔNG TÁC KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP 1. Đặt vấn đề: Việc kiểm tra đánh giá kiến thức và kĩ năng của sinh viên có vai trò rất quan. đổi mới phương pháp đào tạo thì cần phải đổi mới hình thức và phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập của sinh viên. Bài viết trình bày về thực trạng công tác kiểm tra, đánh giá năng lực. phần, thi tốt nghiệp. 2. Thực trạng công tác kiểm tra đánh giá: + Về hình thức kiểm tra, thi: Có nhiều hình thức đánh giá mà các giảng viên thường sử dụng để đánh giá kết quả học tập của sinh

Ngày đăng: 24/06/2015, 15:31

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w