1. Trang chủ
  2. » Cao đẳng - Đại học

Hướng đến cái ngoại vi văn hóa

3 402 0

Đang tải... (xem toàn văn)

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 3
Dung lượng 16,65 KB

Nội dung

Hướng đến cái ngoại vi văn hóa: khúc ngoặt của lý thuyết văn chương đương đại (Trần Ngọc Hiếu) 1. Mở mục lục những tuyển tập giới thiệu lịch sử lý thuyết phê bình văn học được xuất bản gần đây ở Anh- Mỹ, có thể nhận thấy một điểm nhỏ nhưng lại gợi suy nghĩ về động hướng của tư duy lý thuyết văn học đương đại: kể từ sau Giải cấu trúc luận (Deconstruction), tên của các lý thuyết phê bình thường có xu hướng gắn liền với các chủ thể văn hóa như Thuyết hậu thực dân (Postcolonialism), Thuyết nữ quyền(Feminism), Thuyết đồng tính (Queer theory), Phê bình chủng tộc và sắc tộc (Racial and Ethnic theory)… Những lý thuyết phê bình này cho đến nay vẫn diễn biến sôi nổi; chúng liên kết với nhau hoặc được cụ thể hóa hơn nữa, tập hợp thành những trào lưu học thuật gây ảnh hưởng. Ví dụ, phê bình nữ quyền liên kết phê bình hậu thực dân dẫn đến sự hình thành của khuynh hướng phê bình nữ quyền-hậu thực dân mà Gayatri Spivak là một đại diện quan trọng; các học giả da đen ở Hoa Kỳ trên nền tảng của phê bình sắc tộc, chủng tộc đã tạo nên cả một dòng lý thuyết Đen (Black Theory). Cũng không hề ngẫu nhiên khi những học giả có quyền năng trong đời sống học thuật đương đại đều là những trường hợp phức tạp về căn tính: đó hoặc có thể là những lý thuyết gia da màu (Gayatri Spivak, Homi Bhabha…) hoặc là phụ nữ (Luce Irigaray, Helène Cixous…) hoặc đồng tính (Judith Butler…) Sự trỗi dậy của những khuynh hướng lý thuyết văn học này, thứ nhất, cho thấy nghiên cứu – phê bình văn học giờ đây có xu hướng hòa vào lĩnh vực nghiên cứu văn hóa (cultural studies). Nghiên cứu – phê bình văn học không dừng lại ở những cách tiếp cận nội tại, xem tác phẩm văn học như một cấu trúc tự đủ và “nghĩa” của nó được nảy sinh trong cấu trúc ấy. Thay vào đó, nhà nghiên cứu xem tác phẩm như một sinh mệnh vừa có thể bị thao túng bởi môi cảnh và chủ thể văn hóa, vừa có thể tác động trở lại những nhân tố đó. Từ đó, nghĩa của tác phẩm được đọc ra, được bổ sung hoặc bị mất đi. Phê bình cũng không còn thuần túy là hoạt động cảm thụ, đánh giá, nhận định xem tác phẩm văn học hay ở chỗ nào, đẹp như thế nào, thú vị, lôi cuốn ra làm sao. Nói như Maria Damon và Ira Livingston trong lời tựa tuyển tập phê bình Poetry and Cultural Studies (Thơ và nghiên cứu văn hóa): “Nếu ta trì hoãn lại câu hỏi ‘Bài thơ hay như thế nào?’, thì chúng ta phải bắt đầu xác định rõ cái hay đó có tác dụng cho điều gì, cái hay đó là hay đối với ai, bằng cách nào bài thơ phát huy được tác dụng ấy. Khi ấy, ta có thể ước định được ‘chức năng văn hóa’ mà bài thơ thực hiện”[i]. Rất có thể việc mỹ hóa một nội dung nào đó, một yếu tố của nào đó có tác phẩm lại hàm ẩn sâu xa một mưu toan trấn áp, duy trì sự thống trị của bộ phận nắm giữ đặc quyền trong xã hội. Chẳng hạn, những cách diễn giải sự cam chịu, sự hy sinh của người phụ nữ như là biểu hiện của vẻ đẹp thiên tính nữ chính là cách đọc thể hiện sự thống trị của nam giới. Thứ hai, diễn ngôn của những lý thuyết này, như tên gọi của chúng phản ánh, là diễn ngôn từ phía ngoại vi, từ bộ phân phi chính thống của văn hóa. Có điều nên sòng phẳng ngay tại đây: sự tồn tại của cặp đối lập trung tâm - ngoại biên, chính thống - phi chính thống, chủ lưu - phụ lưu… trong cấu trúc của mọi nền văn hóa là một thực tế không thể phủ nhận. Văn hóa có thể ví như hình ảnh phóng đại của một sân chơi, nó có những giới hạn, những luật lệ, những điều kiện: sẽ có kẻ được vào sân chơi, có kẻ bị gạt ra bên lề, có kẻ tuân thủ luật chơi nhưng cũng có kẻ đang chơi thì phá đám, bất tuân luật chơi, chấp nhận bị gạt khỏi cuộc chơi. Bộ phận bên lề sân chơi chính thống ấy hợp thành khu vực ngoại vi của văn hóa. Họ hình thành nên một cộng đồng, thiết lập nên một sân chơi mới, dù ban đầu bao giờ cũng rất nhỏ hẹp, với những trò chơi khác, luật chơi khác của riêng mình. Những trò chơi ấy, đến lượt mình, có khả năng gây áp lực ngược trở lại đối với sân chơi chính thống, nơi trò chơi đang diễn ra có nguy cơ trở nên nhàm, nặng nề. Như là diễn ngôn từ phía ngoại vi, các lý thuyết này trước hết là nỗ lực cất lời của những chủ thể mà lâu nay lịch sử của họ bị tước đoạt bởi những kẻ chiến thắng, căn tính của họ được khắc họa bởi thế lực thống trị, màu da, giới tính của họ bị in hằn những định kiến bởi bộ phận chiếm đa số… Đó là những diễn ngôn giải đại tự sự, giải bá quyền văn hóa, chống lại sự đơn nhất, độc đoán của lịch sử, của những chuyện kể mà trong đó, họ chỉ tồn tại như những nhân vật thụ động, không có ngôn ngữ của mình. Hướng đến cái ngoại vi của văn hóa như vậy, công việc nghiên cứu, phê bình văn học thực sự không còn là một hoạt động có tính chất salon, kinh viện. Lý thuyết văn học thể hiện rõ tham vọng can dự, tác động đến ý thức xã hội; nghiên cứu văn học trở thành một sự tự giác của tâm thức, một hành vi dấn thân, hướng đến sự công bằng văn hóa. Trọng lượng của trách nhiệm xã hội và ý thức dấn thân là điều có thể cảm nhận được rất rõ ở nhiều công trình lý thuyết văn học đương đại nhưng lại là điều, thành thực mà nói, đang còn yếu trong nghiên cứu ngữ văn hiện nay ở Việt Nam. 2. Có một sự phản biện đặt ra ở đây: Liệu ngoại vi hóa có phải là diễn ngôn phù hợp với xu thế khoan dung trong toàn cầu hóa văn hóa hiện nay? Đó là một câu hỏi được đặt ra thích đáng nhưng cũng cần thiết có sự thưa lại. Nguy cơ lớn nhất của các diễn ngôn lý thuyết gắn với những chủ thể văn hóa bị ngoại vi hóa là sa vào bẫy của những đối lập nhị nguyên và do đó, trên thực tế, sẽ không thoát ra được logic của cái trung tâm. Điều này lại dẫn đến những xung đột căng thẳng, những định kiến được tích lũy dày thêm. Bản thân các thuyết nữ quyền, hậu thực dân, đồng tính…không phải không có lúc bị sa vào bẫy của logic nhị nguyên này, nhưng nó đã và đang tiếp tục tự điều chỉnh để tạo ra một quan hệ đối thoại cởi mở hơn giữa các chủ thể văn hóa. Nó muốn trở thành một diễn ngôn “khác” chứ không phải diễn ngôn đối lập. Khoan dung văn hóa là một bức tranh lý tưởng về thế giới trong thời đại toàn cầu hóa nhưng để đi đến trạng thái lý tưởng ấy, các chủ thể ngoại vi cần phải có một không gian để được hiện diện, được lên tiếng và được lắng nghe trong tâm thế cùng hiểu lẫn nhau. Không thể có một thứ khoan dung văn hóa theo kiểu đòi hỏi bộ phận ngoại vi tự xóa bỏ mặc cảm và bộ phận trung tâm lắng nghe tiếng nói của cái ngoại vi bằng tâm thế kẻ cả, ban ơn. bell hooks, một nhà lý thuyết nữ quyền luận và hậu thực dân uy tín, đã xem thứ chủ nghĩa khoan dung văn hóa kẻ cả, theo kiểu bề trên này cũng là đối tượng cần thiết phải được phản tư. Bà mô tả nó như thế này: Không cần phải nghe giọng nói của chị khi tôi có thể nói về chị tốt hơn chính chị nói về bản thân mình. Không cần phải nghe giọng nói của chị. Chỉ cần kể cho tôi nỗi đau của chị. Tôi muốn biết câu chuyện của chị. Và rồi tôi sẽ kể lại nó cho chị theo một cách thức mới. Tôi sẽ kể lại nó cho chị theo một cách mà câu chuyện ấy sẽ là của tôi, của riêng tôi. Viết lại chị thì đồng thời tôi cũng viết lại bản thân tôi, theo kiểu để làm mới chính tôi. Tôi vẫn là tác giả, tôi có thẩm quyền. Tôi vẫn là kẻ thực dân, chủ thể nói và chị, bây giờ, là trọng tâm của lời nói của tôi.[ii] Một thứ “khoan dung văn hóa” kẻ cả như thế, đúng hơn, cần phải gọi là một mưu toan đồng hóa văn hóa, thay vì một viễn cảnh như con người muốn nó – một không gian nơi các giá trị văn hóa đa dạng được tồn tại bình đẳng, cho dù đó có thể chỉ là những bộ phận nhỏ, phụ, thiểu số, nơi những sự khác biệt được nhận diện, được lắng nghe với mục đích hướng đến sự hiểu lẫn nhau, thẩm thấu lẫn nhau. Một viễn cảnh khoan dung văn hóa như thế nhân loại đến giờ vẫn chưa đạt được. Nhưng đó là đích mà các lý thuyết văn chương đương đại hiện giờ cũng đang hướng đến. 3. Hướng đến cái ngoại vi, thiết nghĩ, cũng nên là động hướng cần có của phê bình văn học. Nếu như nhiệm vụ của phê bình văn học là phát hiện, nâng đỡ những cái mới trong sáng tạo thì ta phải thừa nhận một thực tế cái mới nào khi xuất hiện chẳng là một hiện tượng ngoại vi? Rất nhiều những nghệ sĩ sáng tạo quyết liệt bậc nhất là những kẻ chủ động phá đám trò chơi, dạt ra vùng ngoại vi để tạo nên những trò chơi nghệ thuật mới. Không gian ngoại vi ấy cũng là không gian mà phê bình văn học cần bảo vệ bởi lẽ đó là nơi, nói như bell hooks, “đem đến khả năng của một góc nhìn cấp tiến mà từ đó người ta có thể thấy và sáng tạo, tưởng tượng nên những sự phá cách, những thế giới mới”[iii]. Những sáng tạo, phá cách, những thế giới mới này tạo nên sự đa dạng, phong phú của cảnh quan văn hóa và viễn cảnh khoan dung văn hóa mà chúng ta muốn nhìn thấy hẳn phải được hình thành trên nền tảng của sự đa dạng, phong phú đó chứ không phải chỉ quanh quẩn vài ba giá trị đơn điệu. Và cuối cùng, thiết tưởng, phê bình văn học cần hướng đến cái ngoại vi văn hóa bởi lẽ nhà phê bình cũng nên là “người đứng về phe nước mắt” (chữ dùng của nhà thơ Dương Tường) (Nguồn: Tia Sáng, 8/2013) . giờ cũng đang hướng đến. 3. Hướng đến cái ngoại vi, thiết nghĩ, cũng nên là động hướng cần có của phê bình văn học. Nếu như nhiệm vụ của phê bình văn học là phát hiện, nâng đỡ những cái mới trong. văn hóa, chống lại sự đơn nhất, độc đoán của lịch sử, của những chuyện kể mà trong đó, họ chỉ tồn tại như những nhân vật thụ động, không có ngôn ngữ của mình. Hướng đến cái ngoại vi của văn hóa. Hướng đến cái ngoại vi văn hóa: khúc ngoặt của lý thuyết văn chương đương đại (Trần Ngọc Hiếu) 1. Mở mục lục những tuyển tập giới thiệu lịch sử lý thuyết phê bình văn học được

Ngày đăng: 06/06/2015, 22:41

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w