1. Trang chủ
  2. » Cao đẳng - Đại học

Văn hóa ứng xử từ Foucault đến Deleuze

6 1,1K 0

Đang tải... (xem toàn văn)

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 6
Dung lượng 20,99 KB

Nội dung

Văn hóa ứng xử từ Foucault đến Deleuze Phan Quang Anh 1. Đôi điều về ứng xử Một cộng đồng, là một nhóm xã hội của các cơ thể sống chung trong cùng một môi trường, thường có cùng mối quan tâm chung. Trong cộng đồng, cầu nối giữa các thành viên được hiểu như các kế hoạch, niềm tin, mối ưu tiên, nhu cầu, nguy cơ và một số điều kiện khác có thể có, cùng ảnh hưởng đến đặc trưng và sự thống nhất của các thành viên trong cộng đồng. Mọi nhịp cầu đều phải được thực hiện qua các hình thức truyền đạt và thu nhận tín hiệu bởi một hình thức mà Karl Marx đã nhận định như một thể thức động của tư duy ngôn ngữ (1), dưới cả hai hình thức chính thống là ngôn bản và văn bản, cũng như sự trợ giúp từ các hệ thống giao tiếp phi ngôn từ khác. Sự trao đổi này giúp con người khai triển bản thân về nhân cách và mở rộng vòng xoáy quan hệ theo những cung sóng lan tỏa ngày càng rộng hơn, tùy thuộc vào lượng và chất môi cảnh mà con người cụ thể được đặt vào hay tự mình tiến vào. Tuy vậy, mọi hình thức trao đổi theo Freud (2), đều cần có sự uốn nắn của những hình thái đạo đức hoặc luân lý thành các mô thức ứng xử phù hợp để giúp cho hành vi trao đổi có mẫu số chung được chấp nhận bởi cộng đồng. Trần Thúy Anh (3) cho rằng, đối với con người, ứng xử được coi là hệ thống các quan hệ tương tác, các phản ứng được thực hiện bởi các vật thể sống để thích nghi với môi cảnh, mà phần nhiều là môi cảnh xã hội. Thái độ ứng xử chính là một hệ thống quan hệ tương tác ấy, là phản ứng giữa sinh vật (kể cả con người) và môi trường (tự nhiên và cộng đồng, thậm chí là môi trường số hóa). Con người thực chất là một sinh vật nên việc nghiên cứu tập tính học động vật cũng góp phần hiểu thêm thái độ ứng xử của con người. Ứng xử có thể hiểu như một khái niệm tâm lý học. Có hai quan niệm về ứng xử. Một là khuynh hướng chủ quan dựa trên cơ sở cá nhân và cộng đồng; theo đó, ta dựa vào tư duy, tình cảm, cảm xúc… bản thân và cộng đồng mà tìm hiểu tâm lý riêng chung. Ứng xử được ghi nhận như những kết quả cấu thành bằng trực giác hoặc suy diễn từ cái riêng cá nhân cho chung mọi người, từ đó tạo ra các phản hồi đưa ra môi trường bên ngoài. Khuynh hướng thứ hai là khách quan. Hành vi ứng xử được nghiên cứu bằng công cụ: điều tra bằng câu hỏi, sử dụng kích thích (âm thanh, tiếng nói, thuốc ngủ), so sánh (người và vật, các lứa tuổi) và phân tâm học, sau đó có được sự thu nhận và phân tích những phản hồi. Ứng xử cũng có thể được coi như một khái niệm nhân học văn hóa. Đối tượng của nhân học văn hóa rất rộng nhưng chủ yếu là nghiên cứu con người, coi con người như là những sinh vật có tính xã hội và tính văn hóa. Những ứng xử bình thường hay không bình thường thay đổi tùy theo mỗi nền văn hóa. Nhân học văn hóa không chú trọng đến hành động ứng xử có tính chất cá biệt mà nghiên cứu môi trường tự nhiên và xã hội đã ảnh hưởng thế nào đến ứng xử con người. Trần Thúy Anh (4) cũng cho rằng, một đặc điểm nổi bật của ứng xử con người khác hẳn con vật, là con người sống trong một thế giới biểu trưng và ước lệ mà những nhà nhân học gọi là văn hóa. Văn hóa là toàn bộ những tín điều, truyền thống… hướng dẫn hành xử của các cá nhân trong một xã hội, được xã hội trao truyền qua nhiều hình thức học tập và lao động. Cả tâm lý học và nhân học văn hóa đều cho rằng con người được nhập thân văn hóa từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Trong khung cảnh văn hóa, con người có khả năng gán cho những vật (vật chất sống và vô sinh trong thiên nhiên) và cho những ứng xử một ý nghĩa ước định mà họ bắt buộc phải theo như là một bộ phận của thế giới hiện thực. Ở những vùng văn hóa khác nhau có chứa những biểu trưng và ước lệ khác nhau, khiến và buộc con người cần ứng xử khác nhau cho phù hợp. Rõ ràng là, ứng xử con người ở các nước, các vùng khác nhau thì không giống nhau do các nền văn hóa khác nhau. Còn ứng xử của con vật ở khắp nơi thì hầu như giống nhau vì chúng không có văn hóa nhưng điều đó không hẳn là chúng không có tư duy. Bởi vậy con người mới là sinh vật đặc biệt và theo đó, ứng xử của con người cũng được xếp là ứng xử đặc biệt – ứng xử văn hóa. 2. Từ Foucault đến Deleuze và quan điểm nghiên cứu văn hóa Từ góc độ nghiên cứu văn hóa, có thể thấy sự chuyển dịch giữa các tầng cấp và khuôn mẫu ứng xử trong vòng đời của mỗi con người thể hiện trong các thiết chế xã hội. Điều này được thể hiện rõ qua quan điểm của triết gia Pháp Michel Foucault khi ông nghiên cứu về vấn đề kỷ cương, xã hội kỷ cương và hình phạt. Foucault (5) cho rằng những kỹ pháp quyền lực đã được áp dụng sao cho mỗi cá nhân quan sát chính mình, điều chỉnh hành vi của mình theo những tiêu chuẩn và giá trị được đề ra bởi những định chế từ quy định bởi không gian giáo dục (trường học), y tế (bệnh viện), lao động (công xưởng) cho đến một hình thức thiết chế đóng mang tính răn đe và tái cấu trúc khuôn mẫu ứng xử là nhà tù. Các kỹ năng quyền lực này thực chất là đưa ra các chế tài giám sát và kiến thức chuyên môn nhằm hình thành các chuẩn mực mà con người phải theo như những hệ giá trị cơ bản không thể khác, được chấp nhận bởi số đông trong cộng đồng và được định danh là tiêu chí để xác nhận tính bình thường và khả năng hòa nhập vào đa số của xã hội. Theo đó, các kiến thức phổ thông sẽ là những kiến thức khuôn để người tiếp thu được coi là có tri thức nền; những hành vi thoát thai từ sự hiểu biết tri thức đó sẽ là những ứng xử mẫu mực. Tính kỷ cương về hành vi nằm ở chỗ sự giao thoa ý thức về việc áp khuôn mẫu và chấp nhận khuôn mẫu phải mang tính tự thân, nghĩa là con người phải nhận thức được kiến thức được chuyển giao, tuân thủ, chấp nhận và áp dụng những tri thức đó để hành xử đúng theo tiêu chí số đông. Đối với ngành y, các bác sĩ sẽ ấn định như thế nào là một cơ thể người đang hoạt động bình thường so với số đông; xét đoán đâu là một con bệnh với tiêu chí là cơ thể hoạt động trái với tình trạng bình thường và cần có những phác đồ đưa ra để trở về trạng thái bình thường. Tiến trình này yêu cầu sự tự kiểm soát và tuân thủ các quy định đưa ra bởi các nhà chuyên môn nhằm đảm bảo sự tự hồi phục. Các thiết chế khác như công xưởng, trại quân sự cũng đều vận hành theo phương thức như vậy, kèm theo là các khuôn mẫu về vai vế và các thái độ ứng xử hợp với vị trí xã hội mà mình đang đứng (giữa thày với trò, người lao động với chủ, quân nhân với sĩ quan, bệnh nhân với bác sĩ). Dĩ nhiên, thiết chế gia đình là một phần không thể thiếu của xã hội nhưng Foucault (6) cho rằng nó giống như một tế bào của sự tự chủ nhiều hơn là một thiết chế kỷ cương. Điều này có vẻ là do mối quan hệ cộng cảm mà gia đình mang lại, tính kỷ cương thường lỏng và các khuôn mẫu ứng xử mang lại từ gia đình thường mang tính truyền đạt tinh thần và tình cảm nhiều hơn là sự gò ép khuôn mẫu, mà ở đó sự nới lỏng (được hiểu là sự khoan dung trong môi cảnh gia đình) thường ít hiện hữu hơn. Về cơ bản, đây là hình thái quyền lực mang tính kỷ cương, không chỉ đơn thuần được hiểu như kỷ luật nhà xưởng như Marx (7) từng đề cập. Hơn thế, nó tạo cho khái niệm chủ thể cá nhân được hình thành trong cơ chế này có được sự nối kết bằng những nút mạng liên tục và trải khắp trong vòng đời của con người, vừa theo lịch đại và vừa theo đồng đại. Điều hiển nhiên là một khi thái độ ứng xử của các cá nhân trái với những kỷ cương và khuôn mẫu của các thiết chế này quy định thì sẽ có những hình thức răn đe thích ứng khi hành vi của cá nhân có khả năng đe dọa đến cộng đồng và đi chệch khỏi hệ giá trị mà cộng đồng đã công nhận và quy ước. Xã hội kỷ cương theo mô thức của Foucault được Deleuze (8) cho là điển hình của TK XVIII, XIX đến những năm đầu TK XX. Nó được hiểu là sự chuyển đoạn từ thời kỳ tích lũy tư bản đến chủ nghĩa tư bản phát triển, từ sản xuất tư bản qua tư bản tài chính theo mô hình ba giai đoạn mà James Fulcher (9) nói tới nhưng vẫn chủ yếu nằm trọn trong thời kỳ tư bản lấy sản xuất và thu nhận giá trị thặng dư qua sản xuất và phân phối tư bản làm trọng tâm. Xã hội này thoát thai khỏi xã hội tự chủ mang màu sắc phong kiến (phong điền kiến ấp) và mang tính cát cứ địa phương, tuy vậy sẽ là khó để áp dụng mô hình này một cách cứng nhắc vào xã hội hiện đại. Triết gia Pháp Gilles Deleuze đã đưa ra mô hình xã hội kiểm soát như một câu trả lời cho nan đề này. Theo ông, nếu như các thiết chế của Foucault mang tính chất khuôn (mold) thì đối với xã hội kiểm soát, nó đã trở thành những sự điều biến (modulation), các thiết chế có sự phối hòa và tạo ra các môi cảnh có tính hỗn hợp. Môi trường giáo dục và các khuôn mẫu ứng xử sư phạm không chỉ là sản phẩm chuyên biệt của thiết chế trường học mà còn là sản phẩm của các khóa đào tạo trong môi trường doanh nghiệp. Sự lao động sẽ trở thành một phần để lấy lại phẩm chất công dân trong thiết chế nhà tù. Sự hỗn giao giữa các thiết chế không chỉ dừng lại ở hai hay ba mà mở rộng ra nhiều thiết chế phối hòa, hướng tới mục tiêu cao nhất là có được sự kiểm soát hành vi của con người trong các khuôn mẫu phù hợp. Đối với xã hội kiểm soát, Deleuze hay triết gia Đức, tượng đài lớn của đại học Heidelberg, Max Weber (10) đều nhấn mạnh đến vai trò của chính phú và các thiết chế hành chính, chính trị trong việc đưa ra các hình thức giám sát và điều tiết xã hội, thực chất là đưa ra các hình thức kiểm soát hành vi. An sinh xã hội, hệ thống camera giao thông, sự can thiệp kinh tế đối với các ngành then chốt đều được hiểu là phương thức kiểm soát mà xã hội hiện đại đang thực hiện. Bên cạnh đó, Deleuze đưa ra nhận định về việc chuyển biến trong môi trường kinh tế sang tư bản tài chính, biến con người thành những sinh vật liều mạng với những thái độ ứng xử vị vật chất nhiều hơn. Điều này có vẻ là sự đồng quan điểm với Jean Baudrillard người có những so sánh vật chất khi đề cập đến khái niệm ảo tượng (simulacra). Thêm vào đó, các hình thức nghệ thuật, các sản phẩm nghe nhìn cũng đứng chông chênh giữa một bên là nghệ thuật, một bên là giá trị vật chất đem lại. Điều này cũng là sự chia sẻ quan điểm với một hoa tiêu lớn của trường phái Frankfurt là Theodore Adorno (11) khi ông cho rằng văn hóa bị áp đảo với sự bành trường của thông tin tuyên truyền đại chúng. Văn hóa và các hình thức nghệ thuật bị kéo căng ra bởi tinh thần lợi nhuận của những nhà đầu tư, trở thành hàng hóa trong thị trường. Bất cứ tác phẩm văn nghệ nào chỉ có thể sáng giá qua thẩm định của nhà đầu tư, xác định khả năng áp đặt thị hiếu đại chúng để bán buôn với giá bình dân mà dòng phim hay nhạc thị trường ở Việt Nam hiện nay là một minh chứng rõ rệt. Ứng xử của con người với nghệ thuật, với nghệ sĩ, vô hình chung cũng bị khô cứng theo các tiêu chuẩn mua bán của chủ nghĩa tiêu dùng theo mô thức bái vật (fetishism) mà Marx (12) đề cập. Cái cốt lõi của việc trân trọng nghệ thuật như những sáng tạo tinh hoa lại khá khiên cưỡng, thu về những thần tượng có tính tạm thời và có phần cuồng tín (phong trào hâm mộ K pop là ví dụ) bằng cách chấp nhận các dư ảnh đọng lại nhiều hơn là bản thể như cách mà Guy Debord (13) đã nói tới trong tác phẩm Xã hội diễn cảnh. Điều này có thể hiểu nôm na như việc ta biết chân tơ kẽ tóc thần tượng của mình ra sao trong khi có thể hoàn toàn không biết hàng xóm nhà mình như thế nào, mặc dù thần tượng được tựu lại trong trí óc đơn thuần là các hình ảnh thu nhận được qua các phương tiện truyền thông, các quan hệ không thực, có khoảng cách, khó tiếp cận. Ứng xử vì thế cũng theo đó mà lệch chuẩn khi những mối quan hệ gần gũi lại bị bỏ bê trong khi mối quan hệ không thực lại chiếm một vị trí quá lớn. Thêm vào đó, mặc dù không phải là người đang sống trong kỷ nguyên mà máy vi tính và các thiết bị số chiếm lĩnh đỉnh cao công nghệ, Deleuze cũng nhận định rằng xã hội kiểm soát sẽ chiêm ngưỡng sự soán ngôi của máy vi tính đối với những thứ máy móc lạc hậu và hao tốn sức người của thời kỳ sản xuất tư bản. Tuy nhiên, ứng xử của của con người khi nắm trong tay một môi trường mới, môi trường số hóa, cũng trở nên khôn lường. Môi cảnh này không đơn thuần biến con người thành những chủ thể riêng biệt mà thật sự cấu thành một cộng đồng ảo với đầy đủ các diên cách, khiến việc hình thành các cơ chế giám sát và điều chỉnh hành vi trở nên đáng xem xét. Sẽ không thừa khi các quy định về bản quyền trí tuệ, các hình thức cấm gian lận ảo, các bộ lọc ngôn ngữ ngăn ngừa những từ nhạy cảm, các phương thức ngăn chặn truy cập, các quy định không đề cập đến chính trị tôn giáo… đều trở nên nổi cộm khi mọi lứa tuổi đều có khả năng bước vào môi trường số hóa và trải nghiệm những hình thái sống không thực nhưng mang lại những cảm giác khả tồn kể cả sau khi thoát khỏi nó. Đó là sự giao tiếp trong môi trường mạng xã hội, là sự trải nghiệm phiêu lưu trong trò chơi trực tuyến, là sự tranh luận trong diễn đàn ảo… tất cả đều đem lại những kích thích tố để các cá nhân có được các phản hồi hoàn toàn giống với môi trường bên ngoài đời thực; có khác chăng là việc cá nhân đồng hóa (synchronize) con người thật của mình vào môi trường số hóa đến mức độ nào. Những mực thước được cả xã hội coi là giá trị và thừa nhận được gọi là khuôn mẫu ứng xử. Những khuôn mẫu đó chỉ được coi là văn hóa một khi thỏa mãn được tính thường xuyên được lặp lại, cùng một cách bởi nhiều người, có tính quy tắc cho cộng đồng và biểu thị kiến thức tư tưởng hoặc tình cảm mà chủ thể đạt được, nói một cách khách quan, nó minh xác một giá trị cụ thể (kinh tế, chính trị, luân lý hay thẩm mỹ) (14). Trong bối cảnh hiện đại, ứng xử đã trở nên đa dạng hóa hơn rất nhiều mà góc nhìn nghiên cứu văn hóa có được tính hữu dụng trong việc đưa ra những cái nhìn khách quan trong những môi cảnh cụ thể nhằm giúp con người hiểu thấu được bản chất cũng như mặt trái của vấn đề nhằm điều chỉnh ứng xử sao cho có được tính văn hóa thật sự nhân bản. _______________ 1. Karl Marx, The German Ideology, trong Literary Theory: An Anthology, tái bản lần 2, Blackwell, Oxford, 1998. 2. Sigmund Freud, Phân tâm học, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2000. 3, 4. Trần Thúy Anh, Ứng xử văn hóa trong du lịch, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2010. 5. Michel Foucault, Surveiller et punir: Naissance de la Prison, Gallimard, Paris, 1975. 6. Michel Foucault, Psychiatric Power, bài giảng tại College de France 1973/74, Palgrave, New York 2006. 7, 10. John O’Neil, The Disciplinary Society: From Weber to Foucault, trong The British Journal of Sociology, tập 37, số 1 (3-1986). 8. Gilles Deleuze, Postscript on the Societies of Control, trong October, tập 59, 1992. 9. James Fulcher, Capitalism – A Very Short Introduction, Oxford University Press, New York, 2004. 11. Theodore Adorno, The Cultural Industry, Routledge Classics, London, 2001. 12. Karl Marx, Capital, A Critique of Political Economy, Charles H. Kerr and Company, Chicago, 1906. 13. Guy Debord, The Society of the Spectacle, Treason Press, Canberra, 2002. 14. Đoàn Văn Chúc, Xã hội học văn hóa, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1997. Nguồn: Tạp chí Văn hóa nghệ thuật số 339, tháng 9/2012 Bài viết liên quan: • Lý thuyết hậu thuộc địa của Spivak trong tiểu luận “Hạ đẳng có thể nói… . có tính xã hội và tính văn hóa. Những ứng xử bình thường hay không bình thường thay đổi tùy theo mỗi nền văn hóa. Nhân học văn hóa không chú trọng đến hành động ứng xử có tính chất cá biệt. văn hóa nhưng điều đó không hẳn là chúng không có tư duy. Bởi vậy con người mới là sinh vật đặc biệt và theo đó, ứng xử của con người cũng được xếp là ứng xử đặc biệt – ứng xử văn hóa. 2. Từ. Văn hóa ứng xử từ Foucault đến Deleuze Phan Quang Anh 1. Đôi điều về ứng xử Một cộng đồng, là một nhóm xã hội của các cơ thể sống chung

Ngày đăng: 05/06/2015, 11:57

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w