Đại cương y học lao động

9 1.8K 31
Đại cương y học lao động

Đang tải... (xem toàn văn)

Thông tin tài liệu

127 ĐẠI CƯƠNG Y HỌC LAO ĐỘNG Mục tiêu học tập 1. Xác định được vai trò ý nghĩa của Y học lao động đối với sản xuất xã hội 2. Xác định và phân loại các tác hại nghề nghiệp có mặt trong môi trường sản xuất; 3. Thảo luận được khái niệm bệnh nghề nghiệp và liệt kê được một số bệnh nghề nghiệp quan trọng; 4. Liệt kê các biện pháp dự phòng các tác hại nghề nghiệp; 5. Vận dụng các kiến thức đã học trong việc dự phòng một số tác hại nghề nghiệp cụ thể. I. Đại cương y học lao động Bệnh tật có liên quan đến nghề nghiệp kể từ khi con người bắt đầu khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên để trang bị cho mình những công cụ và phương tiện nhằm làm cho cuộc sống tiện nghi và dễ chịu hơn. Hippocrates đã nhận thấy chì có hại cho sức khỏe. Ramazzini năm 1713 đã viết một cuốn sách về bệnh của thợ thuyền. Ngày nay các lĩnh vực sản xuất phát triển đa dạng, song song với đà phát triển công nghiệp, con người tiếp xúc với nhiều tác nhân khác nhau, mức độ phát sinh bệnh nghề nghiệp cũng gia tăng. Việt nam là một nước sản xuất nông nghiệp, hiện nay đang trên đà công nghiệp hóa, người lao động làm việc trong nhiều thành phần kinh tế khác nhau. Nền sản xuất mang đặc trưng của hầu hết các nước đang phát triển: nền sản xuất nặng về nông nghiệp và thủ công nghiệp, công nghiệp bán thủ công, quá trình cơ giới hóa là một quá trình dài lâu. 1. Đối tượng của y học lao động Bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho người lao động không những có ý nghĩa về mặt đạo đức y học mà còn có ý nghĩa lớn về mặt kinh tế xã hội học, nâng cao sức khỏe, tuổi đời, tuổi nghề của người lao động tức là nâng cao năng suất lao động xã hội. “Giải pháp phòng ngừa điều xấu thì nhiều lần tốt hơn giải pháp chữa trị, rẽ hơn và dễ dàng hơn khi áp dụng, và đảm bảo kết quả hơn”. Có thể nói Y học lao động, là một ngành của y học, thiên về dự phòng, có đối tượng là sức khỏe người lao động. 2. Nhiệm vụ của y học lao động − Nghiên cứu những biến đổi sinh lý, sinh hóa và tình trạng thích ứng của con người trong các quá trình lao động khác nhau, xây dựng chế độ làm việc, chế độ nghỉ ngơi hợp lý cho người lao động; − Nghiên cứu những nguyên nhân và điều kiện phát sinh ra mệt mỏi, tìm ra biện pháp phòng chống mệt mỏi trong sản xuất nhằm bảo vệ sức khỏe và nâng cao năng suất lao động của người công nhân; − Nghiên cứu các quá trình công nghệ khác nhau, quá trình lao động và môi trường lao động, xác định các yếu tố tác hại nghề nghiệp trong quá trình sản xuất và môi trường lao động, tìm ra các biện pháp đề phòng các yếu tố tác hại trong sản xuất cũng như đánh giá hiệu quả của các biện pháp đó; − Nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu tố tác hại nghề nghiệp đối với sức khỏe người lao động, tìm hiểu nguyên nhân và điều kiện cụ thể của bệnh tật nói chung và bệnh nghề nghiệp nói riêng, đưa ra các biện pháp dự phòng và điều trị bệnh cho người lao động; − Tổ chức khám tuyển, khám định kỳ, theo dõi quản lý sức khỏe người lao động, phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp, tham gia giám định khả năng lao động cho người bị bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động; 128 − Tham gia xây dựng luật vệ sinh lao động, vệ sinh công nghiệp và luật lệ xây dựng xí nghiệp; − Tham gia kiểm tra đôn đốc việc thực hiện các biện pháp vệ sinh an toàn lao động trong sản xuất, thông qua việc kiểm tra vệ sinh định kỳ và kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, có biện pháp thích ứng đối với các cơ sở sản xuất không chấp hành các điều lệ vệ sinh an toàn xí nghiệp của nhà nước; − Tham gia giáo dục sức khỏe cho công nhân, nâng cao nhận thức về các yếu tố tác hại trong lĩnh vực sản suất của họ, hiểu biết về tác hại của các yếu tố đó. Giáo dục người công nhân có thái độ tốt, hành vi đúng trong việc áp dụng các biện pháp chung và biện pháp cá nhân đề phòng bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động. 3. Phạm vi của y học lao động Y học lao động bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau: − Sinh lý lao động − Tâm lý lao động − Độc chất học công nghiệp − Bệnh lý nghề nghiệp − Ergonomics Các phương pháp sử dụng trong nghiên cứu về y học lao động: - Vật lý học - Hóa học - Lâm sàng - Dịch tễ học - Thống kê xã hội học II. Tác hại nghề nghiệp 1. Định nghĩa Tác hại nghề nghiệp (THNN) là những yếu tố phát sinh trong quá trình sản xuất và hoàn cảnh lao động, có ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của người lao động. Ở mỗi nghề khác nhau có những tác hại đặc trưng khác nhau, ví dụ người thợ rèn tiếp xúc với tiếng ồn, với nhiệt độ cao; người nông dân tiếp xúc với bụi thực vật, bụi ngũ cốc, với nóng, lao động nặng nhọc, với thuốc trừ sâu. Tác hại nghề nghiệp có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người công nhân ở nhiều mức độ khác nhau - Mức độ nhẹ: gây mệt mỏi, suy nhược, giảm khả năng lao động; - Xa hơn, tăng tỷ lệ mắc các bệnh thông thường; - Trường hợp nặng có thể dẫn đến mắc bệnh nghề nghiệp. 2. Phân loại tác hại nghề nghiệp Thường thì một tác hại nghề nghiệp có thể gặp trong nhiều lĩnh vực sản xuất khác nhau mặc dầu mỗi nghề có một (hoặc nhiều hơn) loại tác hại đặc trưng. Trong y học lao động việc phân loại các tác hại nghề nghiệp theo các nhóm yếu tố là có ý nghĩa về mặt lý luận cũng như trong thực tiễn phòng chống hoặc tìm ra các biện pháp phòng chống các nhóm yếu tố tác hại đó. Có thể phân rã 3 nhóm yếu tố tác hại sau: 2. 1. Nhóm THNN liên quan đến quá trình sản xuất Tùy theo từng ngành nghề, dây chuyền sản xuất, phân xưởng mà có các THNN khác 129 nhau. Chúng có thể được chia ra 3 loại: 2.1.1 Các yếu tố vật lý − Các yếu tố vi khí hậu: Nhiệt độ: Nhiệt độ cao hoặc thấp quá đều được coi là các tác hại nghề nghiệp. Khi nhiệt độ môi trường lao động quá cao có thể dẫn đến một số hậu quả như mệt mỏi nhanh, ra nhiều mồ hôi (có thể dẫn đến rối loạn nước và điện giải), say nóng (do rối loạn cơ chế nhiệt của cơ thể), say nắng (do các tia bức xạ hồng ngoại chiếu trực tiếp lên đầu gây ảnh hưởng đến não, màng não). Khi nhiệt độ môi trường quá thấp, người lao động có thể bị lạnh cóng, giảm nuôi dưỡng da do hệ thống mạch ngoại bên bị co thắt Độ ẩm: Độ ẩm thường đi kèm với nhiệt độ khi gây các ảnh hưởng trên cơ thể. Khi cả nhiệt độ và độ ẩm cao thì khả năng bay mồ hôi bị hạn chế, dẫn đến giảm thoát nhiệt và có thể gây các biểu hiện say nóng. Khi nhiệt độ thấp kết hợp với độ ẩm thấp, da thường bị khô nứt, nhưng nếu độ ẩm cao thì cơ thể mất nhiều nhiệt, cảm giác lạnh buốt thường xuất hiện. Ngoài ra độ ẩm cao còn dễ gây nên các bệnh về da, khớp. Tốc độ gió: Liên quan đến quá trình điều nhiệt của cơ thể. Tốc độ gió thấp khi nhiệt độ cao cũng sẽ giảm bay hơi mồ hôi, giảm thoát nhiệt, ngược lại khi lạnh mà tốc độ gió cao sẽ càng làm mất nhiệt của cơ thể. Bức xạ: Quan trọng hơn cả là các bức xạ tử ngoại và hồng ngoại, có thể gây nên các tổn thương trên da, niêm mạc, võng mạc, màng não. Nguồn phát sinh các loại tia này có thể là từ ánh sáng mặt trời hoặc các nguồn nhiệt khác trong môi trường sản xuất. −Áp suất không khí: Một số loại lao động phải thường xuyên tiếp xúc với áp suất cao (như thợ lặn), hoặc áp suất thấp (như phi công, người leo núi). Sự thay đổi áp suất này sẽ ảnh hưởng lên khả năng trao đổi khí của cơ thể (do phân áp oxy và cacbonic trong không khí bị thay đổi). Ngoài ra một hội chứng bệnh nguy hiểm có thể gặp ở các thợ lặn đó là bệnh “thùng chìm” mà cơ chế là sự tắc mạch máu do các bóng hơi của khí nitơ trong máu hình thành khi người thợ lặn giảm độ sâu của mức lặn quá đột ngột. −Các chất phóng xạ: Là một THNN quan trọng trong một số ngành nghề như khai thác, phân tích quặng phóng xạ, công nhân trong các nhà máy điện hạt nhân, người chụp X-quang Ngoài tác hại gây ung thư, các chất phóng xạ còn có thể gây tổn thương da, mắt, máu, di truyền, vô sinh. −Tiếng ồn: Tác hại của tiếng ồn chủ yếu trên cơ quan thính giác với các biểu hiện tổn thương tai trong, có thể dẫn đến điếc không hồi phục. Ngoài ra, nó còn ảnh hưởng trên thần kinh, tiêu hóa và nhiều cơ quan khác. Ngoài cường độ, tác hại của tiếng ồn còn phụ thuộc vào loại tiếng ồn như tiếng ồn có xung hoặc không xung. −Rung chuyển: Các vi chấn thương khớp có thể xuất hiện dưới tác hại của rung chuyển. Tùy theo biên 130 độ và tần số của rung mà các tổn thương có khác nhau. Rung chuyển thường gặp trong một số ngành nghề như thợ khoan thợ đầm máy, lái xe 2.1.2 Các yếu tố hóa học Các hóa chất độc có rất nhiều loại như các kim loại nặng (chì, thủy ngân, asen ), các dung môi (benzen, toluen, xăng dầu ), thuốc trừ sâu. Chúng có thể là nguyên liệu, các sản phẩm trung gian hoặc thành phẩm của một quá trình sản xuất và có thể gặp ở nhiều nơi trong một dây chuyền sản xuất. Tác hại thông thường của các yếu tố hóa học là gây nhiễm độc hoặc gây ung thư. 2.1.3 Các yếu tố sinh học Một số ngành sản xuất có tiếp xúc và khả năng lây nhiễm một số bệnh nhiễm trùng. Các tác nhân sinh học có thể phân chia theo 4 nhóm sau: - Vi trùng: như trực khuẩn than có thể gặp ở người chăn nuôi, leptospira trên công nhân đào vét cống rãnh, lao có thể lây nhiễm cho các nhân viên y tế, - Siêu vi trùng: như viêm gan, AIDS có thể ảnh hưởng trên nhân viên y tế; - Nấm mốc: trên công nhân thực phẩm , bụi bã mía, lông động vật - Ký sinh trùng: gặp ở nông dân trồng rau màu có sử dụng phân tươi. 2.1.4 Các loại bụi , bao gồm − Các bụi khoáng: tác hại của bụi tùy thuộc vào nguồn gốc, đặc tính lý hóa, kích thước của bụi. Một số bụi khoáng gây xơ hóa phổi như bụi silic, bụi asbest, một số có khả năng gây ung thư như bụi asbest, crom; − Hóa chất độc ở dạng bụi có thể gây nhiễm độc (như đã nói); − Các bụi thực vật như bụi bông, đay có thể gây phản ứáng co thắt phế quản kiểu dị ứng; − Một số loại bụi có nguồn gốc từ động vật có thể có các tác nhân gây dị ứng hoặc mang các tác nhân sinh vật gây nhiễm trùng. 2. 2 Các tác hại nghề nghiệp liên quan đến tổ chức lao động không hợp lý − Nghề nghiệp không phù hợp với sở thích, năng lực: điều này không chỉ làm giảm năng suất lao động, chất lượng sản phẩm mà còn làm cho công nhân không có hứng thú lao động, nhanh mệt mỏi, dễ phát sinh ra tai nạn lao động. − Cường độ lao động quá cao, thời gian lao động kéo dài, nghỉ ngơi không hợp lý, đi làm xa: tất cả các yếu tố này có thể tạo ra một gánh nặng về thể lực và tinh thần, nó có thể gây ra các rối loạn sinh lý, bệnh lý, tạo điều kiện cho các nguy cơ nghề nghiệp khác gây tác hại. − Sản xuất theo dây chuyền đơn điệu, tư thế lao động gò bó: Việc bố trí người lao động làm việc theo dây chuyền có thuận lợi là tăng khả năng chuyên môn hóa sản xuất, tăng năng suất lao động nhưng sẽ làm cho người lao động căng thẳng, mệt mỏi dễ dẫn đến tai nạn lao động. − Bố trí các phân xưởng không hợp lý, các bộ phận độc hại không được cô lập, cách ly, do đó có thể làm tăng số người và tăng nguy cơ tiếp xúc với các yếu tố độc hại. 2 3 Nhóm THNN có liên quan đến điều kiện vệ sinh môi trường lao động kém Trong một dây chuyền sản xuất, ngoài các thiết bị máy móc liên quan trực tiếp tới sản xuất còn phải kể đến các thiết bị vệ sinh mà chức năng chủ yếu của nó là nhằm giảm bớt mức độ của các THNN trong môi trường. Các thiết bị thuộc nhóm này chủ yếu là tăng cường khả năng thông, hút gió, bụi, hơi khí độc; chiếu sáng; điều hòa vi khí hậu trong phân xưởng. Không xử dung các thiết bị vệ sinh công nghiệp, hoặc bố trí các thiết bị này không đúng, đều 131 có thể dẫn đến gia tăng ảnh hưởng của các yếu tố tác hại có sẵn trong môi trường sản xuất. Kiểm soát các THNN cần phải tuân theo một số nguyên tắc: - Xác định các yếu tố nguy cơ có mặt trong môi trường sản xuất: Bằng quan sát và tìm hiểu dây chuyền công nghệ, người ta có thể sơ bộ ước đoán được các THNN có mặt trong một vị trí sản xuất. Từ đó lựa chọn các kỹ thuật đo lường thích hợp để xác định phạm vi, mức độ của các THNN. - Xác định mức độ nguy hiểm của các THNN: Thông thường các THNN trong sản xuất đều được nghiên cứu để tìm ra nồng độ tối đa cho phép ứng với từng THNN. Nếu nồng độ vượt tiêu chuẩn này thì người công nhân có nguy cơ bị các THNN đó gây ảnh hưởng. Mức độ của THNN càng cao, thời gian tiếp xúc càng lớn thì càng nguy hiểm. - Lựa chọn ưu tiên trong việc loại trừ các THNN: Mặc dù nhiều THNN cùng có mặt trong một môi trường sản xuất nhưng tính chất nguy hiểm và khả năng loại trừ có khác nhau. Trong điều kiện hạn chế về nhân lực, vật tư, kỹ thuật và thời gian thì việc lựa chọn ưu tiên để thanh toán các THNN là rất cần thiết. - Kiểm tra, xem xét các thiết bị kỹ thuật dự phòng hiện có: Đây là bước cần làm trước khi triển khai các biện pháp dự phòng mới. Nó cho phép đánh giá hiệu quả, chất lượng của các thiết bị này, từ đó có kế hoạch bổ sung hoặc sửa chữa; - Thiết kế, thực thi và duy trì các biện pháp dự phòng thích hợp: Sau khi các phương pháp khống chế THNN được lựa chọn, kết hợp với các thiết bị vệ sinh hiện có, một phương án về thanh toán các THNN trong môi trường nên được đề xuất, sau đó có thể được triển khai thí điểm để đánh giá hiệu quả trước khi áp dụng đại trà. Một trong các nguyên tắc cơ bản của việc dự phòng các tác hại nghề nghiệp là nên áp dụng nhiều biện pháp đối với một THNN. III. Bệnh nghề nghiệp 1. Định nghĩa Có hai khuynh hướng định nghĩa bệnh nghề nghiệp (BNN): Khuynh hướng thứ nhất cho rằng, đó là bệnh đặc trưng riêng ở một nghề nào đó, có những yếu tố độc hại riêng của nó gây ra. Ví dụ nhiễm độc chì là bệnh nghề nghiệp ở những công nhân khai thác chế biến quặng chì, sử dụng chì trong sản xuất như làm bình ắc qui, chế biến các hợp kim có chì, chỉ khi làm những nghề này mới có nhiễm độc chì và không gặp ở những nghề khác. Định nghĩa này đúng nhưng giới hạn phạm vi bệnh nghề nghiệp vào một số bệnh đặc trưng hiếm gặp trong hoàn cảnh bình thường. Trên thực tế có nhiều bệnh nghề nghiệp thực sự do tiếp xúc với các yếu tố kể trên nhưng không quá đặc thù về bệnh lý, và bệnh cũng có thể gặp trong hoàn cảnh bình thường. Khuynh hướng thứ hai muốn coi bệnh nghề nghiệp là một bệnh gây nên do điều kiện lao động và mắc trong thời gian lao động. Ví dụ bệnh chân bẹt, bệnh dãn tĩnh mạch ở những người làm việc phải đứng lâu. Định nghĩa này mở rộng phạm vi BNN, do đó có nhiều bệnh có thể cho là do nguyên nhân nghề nghiệp, ví dụ huyết áp cao có liên quan đến căng thẳng thần kinh, như vậy huyết áp cao cũng có thể xem là BNN vì trong nhiều trường hợp, điều kiện lao động rất gây căng thẳng cho hệ thần kinh. Điều này gây trở ngại cho việc thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội đối với BNN, vì những tiêu chuẩn chẩn đoán và xác định mắc bệnh do nguyên nhân nghề nghiệp không rõ ràng. ở nhiều nước, tùy theo điều kiện kinh tế xã hội cụ 132 thể người ta đã đưa ra những danh mục các bệnh được xem là BNN với chế độ bảo hiểm xã hội đặc biệt. 2. Danh mục các BNN được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội ở Việt Nam Nhóm I: Các bệnh bụi phổi và phế quản 1. Bệnh bụi phổi Silic 2. Bệnh bụi phổi Asbest 3. Bệnh bụi phổi bông nghề nghiệp 4. Bệnh viêm phế quản mãn tính Nhóm II: Các bệnh nhiễm độc nghề nghiệp 5. Bệnh nhiễm độc chì 6. Bệnh nhiễm độc thủy ngân 7. Bệnh nhiễm độc benzen 8. Bệnh nhiễm độc mangan 9. Bệnh nhiễm độc TNT nghề nghiệp 10. Bệnh nhiễm độc Asen 11. Bệnh nhiễm độc Nicotin 12. Bệnh nhiễm độc hóa chất trừ sâu Nhóm III: Các bệnh nghề nghiệp do các yếu tố vật lý 13. Bệnh do quang tuyến X và các chất phóng xạ 14. Bệnh điếc do tiếng ồn (Điếc nghề nghiệp) 15. Bệnh rung nghề nghiệp 16. Bệnh giảm áp Nhóm IV: Các bệnh da nghề nghiệp 17. Bệnh xạm da nghề nghiệp 18. Bệnh loét da, loét vách ngăn mũi, viêm da, chàm tiếp xúc (bệnh da nghề nghiệp do Crm) Nhóm IV: Các bệnh nhiễm khuẩn nghề nghiệp 19. Bệnh lao nghề nghiệp 20. Bệnh viêm gan virus nghề nghiệp 21. Bệnh leptospira nghề nghiệp IV. Các biện pháp phòng chống các THNN và BNN Công tác dự phòng THNN là lý tưởng nếu được đề cập đến ngay trong giai đoạn thiết kế. Việc chọn địa điểm đặt nhà máy, chọn mua và bố trí dây chuyền sản xuất, lắp đặt các thiết bị vệ sinh (như hệ thống sản xuất kín, hệ thống thông hút gió, cách ly bộ phận độc hại ) nếu như được cân nhắc kỹ càng sẽ tránh được đáng kể các THNN và hạn chế tối đa số người tiếp xúc. Tuy nhiên, một phần do phải đầu tư thêm kinh phí cho các thiết bị vệ sinh, một phần do thiếu hiểu biết về vệ sinh xây dựng, luật lệ còn lỏng lẻo, các nhà đầu tư, các cơ sở sản xuất chưa tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc cơ bản này. Các biện pháp dự phòng THNN và BNN bao gồm: 1. Biện pháp kỹ thuật công nghệ Biện pháp kỹ thuật công nghệ tác động vào quá trình sản xuất tức là nguồn phát sinh ra các THNN. Can thiệp đối với các nguồn phát sinh ra THNN để loại bỏ hoặc làm giảm bớt sự hình thành và giải phóng các THNN. - Thay thế nguyên liệu, quá trình sản xuất hoặc trang thiết bị có khả năng ảnh hưởng 133 không tốt tới người lao động. Đây là biện pháp triệt để nhưng chỉ có thể áp dụng trong một số trường hợp và thường thì giá thành cao. - Bảo dưỡng máy móc, trang thiết bị và dây chuyền sản xuất thường xuyên: Thông thường các thiết bị mới ít sinh ra các THNN hơn là các thiết bị cũ. Sau một thời gian vận hành, các yếu tố như ồn, rung, bụi, hơi khí độc có thể phát sinh. Việc bảo dưỡng này nên được thực hiện bởi những người được huấn luyện kỹ càng và luôn tôn trọng đúng nguyên tắc vì có thể sẽ nguy hiểm khi sửa chữa, các dây chuyền độc hại. - Hạn chế sự phát sinh một số yếu tố độc hại bằng một số phương pháp: + Phương pháp làm ướt để hạn chế bụi + Phun nước hoặc dùng màn nước ngăn giữa nguồn nóng và người công nhân để làm giảm nhiệt độ môi trường lao động. - Cơ giới hóa, tự động hóa qui trình sản xuất nhằm: + Giảm các THNN liên quan tới quá trình sản xuất như bụi, khí độc + Hạn chế tiếp xúc thủ công với các THNN Các biện pháp trên không những có hiệu quả trong phòng chống các THNN mà còn làm tăng năng suất lao động và chất lượng của sản phẩm, tuy nhiên đầu tư ban đầu thường rất tốn kém không dễ thực thi tại các nước nghèo. 2. Biện pháp kỹ thuật vệ sinh Biện pháp kỹ thuật vệ sinh nhằm hạn chế sự khuyếch tán của THNN vào môi trường sản xuất bằng cách xử lý các THNN hoặc can thiệp trung gian làm giảm sự lan truyền THNN từ nguồn tới người lao động nhờ các thiết bị vệ sinh. Thông gió, làm giảm nồng độ, ảnh hưởng của các THNN trong môi trường lao động. - Thông gió cục bộ: Không khí xung quanh nguồn phát sinh hơi khí độc được một hệ thống hút và đưa ra ngoài môi trường sản xuất, đó là thông gió cục bộ kiểu hút ra. Thông gió cục bộ kiểu thổi vào được sử dụng trong điều kiện môi trường vi khí hậu nóng, luồng không khí mát được thổi vào khu vực làm việc của người công nhân. - Thông gió chung: Thường là dùng quạt hút hoặc thổi gió với mục đích hạ thấp, pha loãng nồng độ của hơi, bụi, khí độc hoặc làm thay đổi vi khí hậu nơi làm việc. Chiếu sáng hợp lý: Chiếu sáng không tốt làm giảm năng suất lao động, hại mắt, chóng mệt mỏi và dễ gây tai nạn lao động. Cần bố trí ánh sáng hợp lý đặc biệt ở vị trí làm việc của người công nhân, tránh ánh sáng quá yếu hoặc ngược lại ánh sáng quá chói. 3. Tổ chức lao động hợp lý Tổ chức lao động hợp lý ta có thể hạn chế được số người tiếp xúc với các THNN, giảm bớt được nồng độ của các yếu tố độc hại trong môi trường sản xuất trong khi chi phí cho công việc này có thể không lớn. - Cách ly các dây chuyền sản xuất phát sinh yếu tố độc hại để hạn chế tối đa người tiếp xúc với các THNN. - Hạn chế các công việc đơn điệu, giảm thời gian lao động có tiếp xúc với các yếu tố độc hại, tổ chức thời gian lao động, nghỉ ngơi, bồi dưỡng hợp lý để đảm bảo khả năng tái sản xuất của người lao động. Máy móc và công cụ lao động cần phải phù hợp với người lao động. - Thường xuyên quan tâm, chăm lo tới đời sống người lao động, ổn định nơi ăn chốn ở để họ yên tâm sản xuất, giảm khoảng cách từ nhà tới nơi sản xuất nếu có thể để hạn chế việc đi lại của công nhân. - Thực hiện công tác vệ sinh phân xưởng, máy móc: Đây là công việc quan trọng 134 nhằm làm tăng tuổi thọ cho thiết bị, giảm sự tích lũy THNN trong môi trường như bụi, chất độc Đối với môi trường sản xuất có sử dụng thiết bị quạt thổi gió thì công việc này càng cần thiết vì gió có thể làm khuyếch tán trở lại môi trường các bụi, chất độc đã lắng xuống từ những ngày trước. 4. Tôn trọng nội quy nơi làm việc Thực hiện đầy đủ các nội quy về vệ sinh an toàn nơi sản xuất, đề phòng tai nạn lao động. Bố trí hệ thống biển báo và vùng giới hạn để phân biệt vùng có THNN và vùng an toàn, giúp cho việc hạn chế tối đa số người tiếp xúc với các THNN. 5. Giám sát môi trường sản xuất Giám sát môi trường sản xuất thường xuyên để phát hiện kịp thời THNN mới phát sinh, theo dõi sự tăng, giảm của các THNN cũ để có các can thiệp kịp thời . Đánh giá mức độ an toàn của dây chuyền sản xuất để kịp thời sửa chữa hoặc thay thế. Đánh giá hiệu quả hoạt động của các biện pháp can thiệp với nguồn THNN và môi trường. 6. Tuyên truyền giáo dục công nhân về tác hại và các biện pháp phòng chống các THNN Tuyên truyền giáo dục công nhân về tác hại và các biện pháp phòng chống các THNN có mặt trong môi trường sản xuất, sơ cứu, cấp cứu khi cần thiết, giáo dục tinh thần tôn trọng quy tắc an toàn, vệ sinh trong lao động. 7. Các biện pháp phòng hộ cá nhân Phòng hộ các nhân chỉ để bảo vệ cho từng người lao động riêng rẽ. Nó chấp nhận thực tế là THNN vẫn tồn tại trong môi trường và luôn luôn đe dọa công nhân, trong nhiều trường hợp, phòng hộ cá nhân trở thành biện pháp quan trọng và duy nhất có thể đảm bảo cho người công nhân phòng ngừa được tác hại nghề nghiệp và bệnh nghề nghiệp. Tùy theo loại THNN mà có các trang bị phòng hộ thích hợp. Có thể liệt kê một số loại như kính để bảo vệ mắt, mặt nạ, khẩu trang cho đường hô hấp, quần áo, ủng, găng cho da, nút tai để giảm ồn, mũ, nón bảo vệ đầu. Thông thường một loại phòng hộ chỉ bảo vệ được một số THNN nhất định. Thực tế trong nhiều nhà máy người công nhân có thể phải sử dụng nhiều loại phòng hộ cùng lúc, điều này thường lại hạn chế thao tác của công nhân, tăng chi phí của nhà máy cho các thiết bị phòng hộ. Ngoài ra, hiệu quả của các trang bị phòng hộ còn tùy thuộc rất nhiều yếu tố như chất lượng của các trang bị, công nhân có tự giác sử dụng và sử dụng đúng hay không, sự phiền toái khi sử dụng nó. 8. Các biện pháp y tế 8.1 Khám tuyển Khám tuyển công nhân trước khi vào nhà máy, nhằm loại trừ những người không được tiếp xúc với một số THNN nhất định vì lý do về thể lực, tuổi, giới tính, các bệnh lý mãn tính ở các cơ quan như hệ hô hấp, tim mạch, gan, thận. 8.2 Khám định kỳ Ngoài các tai nạn nghề nghiệp hoặc các nhiễm độc cấp, các THNN còn gây ra các ảnh hưởng lâu dài trên cơ thể với các nhiễm độc bán cấp hoặc mãn. Phần lớn các triệu chứng lâm sàng của các bệnh nghề nghiệp thường xuất hiện rất muộn, khi đó các biện pháp điều trị thường ít hiệu quả. Vì vậy phát hiện các biểu hiện sớm của nhiễm độc nghề nghiệp trước khi có các triệu chứng lâm sàng là mục đích chính của khám định kỳ. Khám định kỳ còn có 135 nhiệm vụ theo dõi sức khỏe chung của công nhân phát hiện và điều trị các bệnh thông thường, nâng cao sức khỏe cho người lao động. Tùy từng loại THNN công nhân tiếp xúc mà chọn mời các bác sĩ chuyên khoa, chọn xét nghiệm thích hợp. Kết quả của khám định kỳ sẽ giúp lựa chọn các giải pháp thích hợp đối với các đối tượng nghi ngờ như gửi lên tuyến trên khám xác định, điều trị, cách ly, chuyển công tác hoặc tăng cường phòng hộ. Một bộ phận lớn các BNN được phát hiện muộn, việc điều trị khó khăn, ít hiệu quả, có bệnh chưa có thuốc đặc trị. Vì vậy việc phát hiện sớm BNN để có biện pháp thích hợp là rất cần thiết. 8.3 Theo dõi và quản lý các bệnh nhân mắc BNN Sau khi công nhân đã được chẩn đoán là mắc BNN, họ cần phải được quản lý theo dõi. Nếu có thể nên chuyển họ sang công tác khác ít độc hại hơn. Tuy nhiên việc này còn liên quan tới tay nghề và thu nhập của họ nên cũng không dễ dàng. Nếu vẫn tiếp tục để họ ở vị trí cũ thì cần tăng cường các biện pháp phòng hộ cho họ, hạn chế các cơ hội tiếp xúc và thường xuyên kiểm tra theo dõi định kỳ. Người bị BNN và tai nạn lao động cần được giám định khả năng lao động, đánh giá mức độ mất sức lao động mà bố trí công việc hợp lý. Trong trường hợp không thể tiếp tục công việc / nghỉ lao động, cần có chế độ bảo hiểm xã hội / đền bù tương xứng. . bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động. 3. Phạm vi của y học lao động Y học lao động bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau: − Sinh lý lao động − Tâm lý lao động − Độc chất học công nghiệp − Bệnh lý. đảm bảo kết quả hơn”. Có thể nói Y học lao động, là một ngành của y học, thiên về dự phòng, có đối tượng là sức khỏe người lao động. 2. Nhiệm vụ của y học lao động − Nghiên cứu những biến đổi. 127 ĐẠI CƯƠNG Y HỌC LAO ĐỘNG Mục tiêu học tập 1. Xác định được vai trò ý nghĩa của Y học lao động đối với sản xuất xã hội 2. Xác định và phân

Ngày đăng: 10/04/2015, 10:20

Từ khóa liên quan

Mục lục

  • I. Đại cương y học lao động

  • II. Tác hại nghề nghiệp

  • III. Bệnh nghề nghiệp

  • IV. Các biện pháp phòng chống các THNN và BNN

Tài liệu cùng người dùng

Tài liệu liên quan