1. Trang chủ
  2. » Luận Văn - Báo Cáo

Nghiên cứu đặc điểm ngôn ngữ văn bản thông cáo báo chí

115 2,3K 13

Đang tải... (xem toàn văn)

Tài liệu hạn chế xem trước, để xem đầy đủ mời bạn chọn Tải xuống

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 115
Dung lượng 812,23 KB

Nội dung

Cho đến nay, đã có nhiều công trình bàn về vấn đề này, nhìn chung có hai loại quan điểm: i Quan điểm coi báo chí là một loại hình văn bản nằm trong phong cách báo chí - chính luận.. Việc

Trang 1

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

KHOA NGÔN NGỮ HỌC

Nguyễn Thị Mai Phương

NGHIÊN CỨU ĐẶC ĐIỂM NGÔN NGỮ

VĂN BẢN THÔNG CÁO BÁO CHÍ

LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ HỌC

Hà Nội - 2009

Trang 2

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

KHOA NGÔN NGỮ HỌC

LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ HỌC

NGHIÊN CỨU ĐẶC ĐIỂM NGÔN NGỮ

VĂN BẢN THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Trang 3

MỤC LỤC

MỞ ĐẦU 5

Chương 1 - NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG 9

1.1 Vị trí của phong cách báo chí trong các phong cách chức năng 9

1.2 Các đặc điểm cơ bản của phong cách báo chí 13

1.3 Tiêu chí phân loại văn bản báo chí 14

1.4 Thông cáo báo chí 16

1.4.1 Các quan niệm về thông cáo báo chí 16

1.4.2 Đặc điểm của văn bản thông cáo báo chí 21

1.4.3 Phân loại thông cáo báo chí 25

1.5 Tiểu kết 25

Chương 2 - ĐẶC ĐIỂM KẾT CẤU VĂN BẢN THÔNG CÁO BÁO CHÍ 27

2.1 Khảo sát các kiểu cấu trúc trong văn bản TCBC 27

2.1.1 Về dữ liệu khảo sát 27

2.1.2 Phân loại các kiểu cấu trúc trong văn bản TCBC 28

2.1.3 Kết quả khảo sát 33

2.1.4 Nhận xét 34

2.2 Khảo sát cấu trúc tiêu đề TCBC 49

2.2.1 Chức năng và tính chất của tiêu đề TCBC 49

2.2.2 Tư liệu khảo sát 51

2.2.3 Kết quả khảo sát 54

2.2.4 Nhận xét 55

2.3 Kết cấu văn bản TCBC 61

2.3.1 Khái niệm và phân loại kết cấu văn bản 61

2.3.2 Khuôn hình của văn bản TCBC 62

2.3.3 Các thành tố trong kết cấu văn bản TCBC 68

2.4 Tiểu kết 74

Trang 4

Chương 3 - ĐẶC ĐIỂM VỀ CÁCH SỬ DỤNG NGÔN NGỮ TRONG VĂN BẢN

THÔNG CÁO BÁO CHÍ 76

3.1 Sử dụng trích dẫn trong văn bản TCBC 76

3.1.1 Định nghĩa về trích dẫn 76

3.1.2 Phân loại trích dẫn 76

3.1.3 Khảo sát trích dẫn 82

3.2 Sử dụng số liệu trong văn bản TCBC 93

3.2.1 Độ chính xác của số liệu 94

3.2.2 Hình thức thể hiện số liệu 95

3.3 Sự chuyển hóa và so sánh giữa văn bản TCBC và văn bản báo chí 99

3.3.1 Quá trình chuyển hóa 99

3.3.2 So sánh TCBC với các thể loại cùng phong cách 100

3.4 Tiểu kết 107

KẾT LUẬN 108

TÀI LIỆU THAM KHẢO 111

Trang 5

MỞ ĐẦU

1 Lý do chọn đề tài

1.1 Thông cáo báo chí (TCBC) là một loại hình văn bản mới xuất hiện ở Việt Nam trong thời gian gần đây Với sự phát triển của ngành truyền thông đại chúng, TCBC là phương tiện hữu hiệu, giúp các cơ quan, tổ chức công bố thông tin trước công chúng một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất Trong thực tế, TCBC đã ngày càng trở thành một công cụ không thể thiếu cho các bộ, ngành, các cơ quan nhà nước, các tổ chức và doanh nghiệp khi cần công bố các thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng

1.2 Trong bối cảnh đó, TCBC trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khác nhau như Báo chí, Truyền thông Đại chúng, Quan hệ Công chúng,… Hầu hết các công trình nghiên cứu về quan hệ công chúng hoặc truyền thông đều nhắc đến TCBC như là “phương tiện cơ bản nhất để tiếp cận giới truyền thông” [26], “là điểm mấu chốt trong hoạt động báo chí của chính phủ để nói về một câu chuyện, thông báo một sự kiện và cung cấp những con số” [69] Tuy nhiên, từ góc

độ ngôn ngữ học, chúng tôi chưa tìm thấy công trình nào chuyên sâu nghiên cứu loại hình văn bản này Đề tài “Nghiên cứu đặc điểm ngôn ngữ văn bản thông cáo báo chí” từ góc độ phong cách học là một hướng mới trong cách tiếp cận loại hình văn bản này

1.3 Chỉ trong quá trình hoạt động lời nói mới diễn ra sự lựa chọn có mục đích đối với các phương tiện ngôn ngữ Chính từ những cách lựa chọn khác nhau

đó đã dần hình thành nên những phong cách khác nhau Đến lượt mình, phong cách lại có tác dụng chi phối việc lựa chọn các phương tiện ngôn ngữ “Phong cách chức năng chính là những khuôn mẫu trong hoạt động lời nói hình thành từ những thói quen sử dụng ngôn ngữ có tính chất truyền thống, tính chất chuẩn mực, trong việc xây dựng các lớp văn bản tiêu biểu” [23; 306] Với đề tài này, chúng tôi đã khảo sát

Trang 6

từ thực tế các văn bản thông cáo báo chí bằng tiếng Việt, từ đó cố gắng đi tìm một khuôn mẫu có tính chất chuẩn mực đối với thể loại văn bản còn rất mới mẻ này

2 Ý nghĩa của luận văn

Về mặt lý luận, những kết quả nghiên cứu về các đặc điểm ngôn ngữ văn bản TCBC sẽ giúp củng cố lý thuyết về khuôn hình văn bản Đây đồng thời cũng là cơ

sở cho việc xây dựng lý luận về phong cách chức năng ở bình diện các thể loại

Về mặt thực tiễn, những kết quả nghiên cứu về TCBC, vốn là thể loại văn bản mới được hình thành gần đây sẽ cung cấp cho những người làm truyền thông

và quan hệ công chúng các kỹ năng để soạn thảo một TCBC có hiệu quả Như vậy, ngoài ý nghĩa về mặt lý luận, đề tài còn mang tính ứng dụng cho ngành truyền thông – quan hệ công chúng mới mẻ ở Việt Nam

3 Mục đích nghiên cứu

Luận văn có mục đích tìm hiểu các đặc điểm ngôn ngữ quan trọng của TCBC

và vai trò của chúng trong việc tạo nên chất lượng của văn bản

4 Nhiệm vụ và phạm vi nghiên cứu

4.1 Nhiệm vụ nghiên cứu

Luận văn có nhiệm vụ:

(1) Tìm hiểu các mô hình cấu trúc văn bản TCBC phổ dụng nhất

(2) Tìm hiểu đặc trưng trong cách sử dụng ngôn ngữ của văn bản TCBC (3) Nhận xét về sự thay đổi của các yếu tố ngôn ngữ trong quá trình chuyển hóa một văn bản TCBC sang một tác phẩm báo chí

4.2 Phạm vi nghiên cứu

Phạm vi nghiên cứu của luận văn bao gồm hơn 550 văn bản TCBC từ nhiều nguồn khác nhau Đây là các TCBC bằng tiếng Việt phát hành trong 5 năm trở lại

Trang 7

đây (từ năm 2003 đến năm 2008) Sở dĩ chúng tôi chọn mốc năm 2003 vì đây là

giai đoạn bắt đầu hình thành thể loại TCBC tại Việt Nam

5 Phương pháp nghiên cứu

Các phương pháp nghiên cứu được sử dụng trong luận văn là: phương pháp phân tích phong cách học, phương pháp miêu tả Ngoài ra, luận văn còn sử dụng phương pháp so sánh và phương pháp thống kê

6 Cấu trúc luận văn

Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, luận văn gồm ba chương như sau:

Chương 1 - Những vấn đề lý luận chung

Trong chương 1, chúng tôi sẽ tìm hiểu các vấn đề lý luận cơ bản tạo cơ sở và khung lý thuyết cho sự phân tích ở các chương tiếp theo Đó là việc xác định vị trí của phong cách báo chí trong hệ thống các phong cách chức năng, đặc điểm cơ bản của phong cách báo chí, tìm hiểu khái niệm về thông cáo báo chí và các đặc điểm chung của văn bản này

Chương 2 - Đặc điểm kết cấu văn bản TCBC

Trong chương 2, chúng tôi sẽ khảo sát và miêu tả đặc điểm cấu trúc của văn bản TCBC, đặc điểm của tiêu đề TCBC và tìm hiểu kết cấu của văn bản TCBC có tính chất phổ dụng

Chương 3 - Đặc điểm về cách sử dụng ngôn ngữ của văn bản TCBC

Ở chương 3, chúng tôi tập trung khảo sát và miêu tả các đặc trưng trong cách

sử dụng ngôn ngữ của văn bản TCBC Ngoài ra, chúng tôi tìm hiểu sự thay đổi của các yếu tố ngôn ngữ trong quá trình chuyển hóa một văn bản TCBC sang một tác phẩm báo chí

Sau cùng là Tài liệu tham khảo

Trang 8

7 Triển vọng ứng dụng kết quả nghiên cứu

Thông qua luận văn này, chúng tôi hy vọng:

- Cung cấp thêm cứ liệu nghiên cứu, giảng dạy, học tập cho các sinh viên chuyên ngành ngôn ngữ, báo chí, truyền thông

- Hỗ trợ thêm khía cạnh lý luận cho những nhà thực hành viết thông báo cáo chí và những người làm công tác truyền thông nói chung, nhất là ở Việt Nam

Cuối cùng, do đây còn là chủ đề mới mẻ, lại bị hạn chế bởi thời gian và điều kiện làm việc nên luận văn chắc chắn không tránh khỏi thiếu sót Chúng tôi rất mong nhận được sự góp ý để có thể hoàn thiện hơn công trình này

Trang 9

Chương 1 - NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG

Trong chương này, chúng tôi sẽ tập trung trình bày những vấn đề lý luận cơ bản để tạo cơ sở và khung lý thuyết cho sự phân tích ở các chương tiếp theo

1.1 Vị trí của phong cách báo chí trong các phong cách chức năng

Muốn hiểu được vị trí của phong cách báo chí trong hệ thống các phong cách chức năng của một ngôn ngữ, trước hết, cần xem xét cách phân chia các phong cách chức năng của các nhà phong cách học Cho đến nay, đã có nhiều công trình bàn về vấn đề này, nhìn chung có hai loại quan điểm:

i) Quan điểm coi báo chí là một loại hình văn bản nằm trong phong cách

báo chí - chính luận

ii) Quan điểm coi báo chí là một phong cách chức năng độc lập với tên

gọi là phong cách báo chí

Để hiểu rõ về vấn đề này, chúng tôi sẽ điểm qua một vài quan niệm của những nhà phong cách học dưới đây

Trong “Phong cách học Tiếng Việt hiện đại”, PGS TS Hữu Đạt khẳng định:

“Mỗi phát ngôn đều phải gắn với một phong cách chức năng nhất định Trên thực

tế, không có lời nói nào lại nằm ngoài các phong cách chức năng vì nếu nằm ngoài các phong cách chức năng, lời nói đó không có giá trị giao tiếp hay còn gọi là không có mục đích và định hướng giao tiếp cụ thể [16; 65]

Có ba cơ sở để tiến hành việc phân chia các phong cách chức năng, đó là:

- Dựa trên chức năng giao tiếp

- Dựa trên hình thức thể hiện

- Dựa vào phạm vi giao tiếp

Từ đó, chúng ta có phương pháp phân chia các phong cách chức năng theo quan điểm về hoạt động giao tiếp Muốn phân tích đặc điểm ngôn ngữ của mỗi lời

Trang 10

nói ra xem nó thuộc phong cách chức năng nào thì cần phải đặt lời nói ấy trong những quan hệ và hoàn cảnh giao tiếp nhất định Quy trình giao tiếp được mô tả như sau [16;65]:

Hướng giao tiếp Người nói A -> Người nghe B

- Nếu A và B có quan hệ ngang bằng, không bị ràng buộc bởi địa vị xã hội thì “lời nói ra” thường thuộc các phong cách chức năng: Phong cách khoa học, phong cách báo chí, phong cách văn học – nghệ thuật và phong cách khẩu ngữ

- Nếu A chi phối B thì “lời nói ra” thường thuộc cách phong cách hành chính công vụ với các hình thức cụ thể là Chỉ thị, Mệnh lệnh, Quyết định, Quyết nghị, Điều lệnh, Nhật lệnh,…

- Nếu A phụ thuộc B thì “lời nói ra” thường thuộc phong cách hành chính công vụ với các hình thức cụ thể là Đơn xin, Đơn đề nghị, Đơn khiếu nại,…

- Nếu A và B nằm trong mối quan hệ sáng tạo và tiếp nhận, ta có phong cách văn học nghệ thuật

- Nếu A và B nằm trong mối quan hệ truyền tin và tác động, trong đó A là người cung cấp thông tin, là người tác động và thuyết phục, còn B là người nhận tin

và chịu sự tác động thuyết phục thì “lời nói ra” thường có phong cách báo chí – chính luận

Căn cứ vào quan hệ (A và B) và hoàn cảnh giao tiếp (trực tiếp hoặc gián tiếp), tác giả Hữu Đạt đề xuất bảng phân loại các phong cách chức năng:

Trang 11

Bảng 1: Phân loại phong cách chức năng theo quan điểm của Hữu Đạt

(Dẫn theo “Phong cách học tiếng Việt hiện đại” [16;72])

Theo sơ đồ trên, chúng ta thấy phong cách báo chí là một trong 6 phong cách chức năng của tiếng Việt Nó có vị trí rất quan trọng trong hoạt động trao đổi thông tin của xã hội Ở phong cách này không có sự đối lập giữa nói và viết Tuy nhiên, phong cách báo chí được nghiên cứu ở đây chủ yếu có hình thức thể hiện là ngôn ngữ viết

Một quan điểm phổ biến khác về việc phân chia các phong cách chức năng thường được trích dẫn là quan điểm của Morohovski (1984) với bảng phân loại như sau [3;89]:

Bảng 2: Phân loại phong cách chức năng theo quan điểm của Morohovski

Trang 12

(Dẫn theo “Văn bản và liên kết trong tiếng việt” [3;89])

Ưu điểm của bảng phân loại này là sự phân chia tương đối tỉ mỉ và bao quát được hầu hết các kiểu loại và thể loại văn bản Tuy nhiên, tính ứng dụng của lối tiếp cận này không cao do bản chất phức tạp, nhiều tầng nấc, ngóc ngách của nó Chính vì vậy, chúng tôi lựa chọn cách tiếp cận đơn giản và hiệu quả hơn: đó là cách tiếp cận của tác giả Hữu Đạt như đã nêu ở trên

Trang 13

Như vậy, trong ngôn ngữ, thuộc về bình diện lời nói, chúng ta có các kiểu văn bản, các thể loại văn bản và các phong cách của văn bản riêng lẻ Nếu các kiểu văn bản phân biệt trên cơ sở khác biệt về nội dung sự vật – logic (như văn bản hành chính, văn bản văn học nghệ thuật, văn bản báo chí) thì các thể loại văn bản lại được chia ra dựa trên sự khác biệt về kết cấu, về tu từ (như kiểu văn bản báo chí có các thể loại tin, phóng sự, tường thuật…)

1.2 Các đặc điểm cơ bản của phong cách báo chí

Trong “Phong cách học Tiếng Việt hiện đại”, tác giả Hữu Đạt khẳng định nếu quan hệ giữa nguồn và đích nằm trong mối quan hệ truyền tin và tác động, trong đó nguồn là người cung cấp thông tin, là người tác động và thuyết phục, còn đích đến là người nhận tin và chịu sự tác động thuyết phục thì “lời nói ra” thường

có phong cách báo chí - chính luận [16] Trước đây, phong cách báo chí - chính luận được xem là một phong cách chức năng, về sau, các công trình nghiên cứu phong cách học chỉ ra rằng phong cách báo chí là một phong cách chức năng khác, độc lập với phong cách chính luận Tác giả Hữu Đạt cũng cho rằng “Phong cách báo chí là một phong cách chức năng, được sử dụng hàng ngày trên các báo, tạp chí

ấn hành từ trung ương xuống địa phương”

GS Nguyễn Đức Dân khi đề cập đến những đặc điểm của báo chí cho rằng

“Báo chí cung cấp thông tin… Do vậy, các bài tin (the news story) – các bài phản ánh – chiếm vai trò trung tâm.” [12;21] Tác giả chỉ ra ba đặc điểm chính của báo chí là: tính thời sự, tính trung thực, tính hấp dẫn Những đặc điểm này quy định cách viết của báo chí “Ngắn gọn thì hay” (Short is beautiful), “càng ngắn gọn, càng súc tích càng hay” (Shorter is even better) [12;30] Điều này là do:

- Ngôn ngữ báo chí là ngôn ngữ sự kiện, thứ ngôn ngữ khách quan về những

hoạt động, những gì đang xảy ra đúng như hiện thực khách quan

Trang 14

- Phong cách ngôn ngữ báo chí là phong cách thiên về cách viết trực tiếp So

với ngôn ngữ thường, ngôn ngữ báo chí nhiều động từ hơn, ít tính từ hơn và câu cũng ngắn hơn

Tác giả Nguyễn Đức Dân cho rằng “Văn bản báo chí thuộc một thể loại

phong cách riêng: phong cách ngôn ngữ truyền thông đại chúng.” [12;32] Mặc dù

tác giả không nêu bảng phân loại đầy đủ về các phong cách chức năng để chỉ rõ

“phong cách ngôn ngữ truyền thông đại chúng” có phải là một phong cách chức năng lớn hay không nhưng theo chúng tôi, vấn đề ở đây chỉ là tên gọi Nội hàm khái niệm “phong cách ngôn ngữ truyền thông đại chúng” của tác giả Nguyễn Đức Dân [12] cũng trùng với khái niệm “phong cách báo chí” như các tác giả Diệp Quang Ban [3], Hữu Đạt [16]

1.3 Tiêu chí phân loại văn bản báo chí

Vấn đề phân loại văn bản báo chí hay còn gọi là phân chia thể loại báo chí hiện còn nhiều tranh luận “Từ điển tiếng Việt” định nghĩa thể loại là “khuôn khổ, lối viết và hình thức viết” [41]

Trong chương I “Những quy định chung”, điều 1 “Giải thích từ ngữ” của Nghị định 51/2002/NĐCP ban hành ngày 26/04/2002 nói “tác phẩm báo chí là tên gọi chung cho tất cả các thể loại tin, bài, ảnh… đã được đăng, phát trên báo chí” [4]

Ở công trình “Các thể loại báo chí thông tấn”, tác giả Đinh Văn Hường cho rằng: “Thể loại là hình thức biểu hiện cơ bản, thống nhất và tương đối ổn định của các tác phẩm, được phân chia theo phương thức phản ánh hiện thực, sử dụng ngôn ngữ và các công cụ khác để chuyển tải nội dung sự kiện, vấn đề, con người mang tính tư tưởng, thẩm mỹ và ý đồ nhất định của người thể hiện…” [31;11]

Từ những ý kiến trên, chúng tôi cho rằng “thể loại báo chí” là khái niệm dùng để chỉ hình thức biểu hiện có tính đặc trưng của tác phẩm báo chí Đó là các

Trang 15

thể loại xã luận, bình luận, phỏng vấn, ghi nhanh, tường thuật, tin, phóng sự, điều

tra… được sử dụng phổ biến, rộng rãi trên các loại hình báo chí hiện nay”

Tác giả Đinh Văn Hường [31] đưa ra năm tiêu chí chung để nhận diện thể loại báo chí như sau:

Thứ nhất là khả năng nắm bắt hiện thực đời sống xã hội (chọn sự kiện, vấn

đề, nhân vật nào… để phản ánh, hay nói cách khác phản ánh cái gì trong thời điểm đó)

Thứ hai là mức độ phản ánh, phân tích, lý giải vấn đề của người viết

Thứ ba là năng lực trình bày, triển khai tác phẩm về vấn đề mà người viết lựa chọn

Thứ tư là mức độ ảnh hưởng và tác động của tác phẩm đối với công chúng, đối với xã hội trong thời điểm đó hoặc lâu dài, hay còn gọi là hiệu quả tác động

Thứ năm là tác phẩm đó có tên gọi cụ thể, có tính lý luận, khoa học, có tiêu chí, được thực tiễn kiểm nghiệm và tồn tại ổn định trong đời sống thực tiễn báo chí

Trong giới nghiên cứu báo chí ở Việt Nam, hiện có nhiều quan điểm phân chia các thể loại báo chí khác nhau Chúng tôi chấp nhận cách phân chia thể loại trong công trình “Các thể loại báo chí thông tấn” [31] Theo đó, tác giả này cho rằng hệ thống thế loại báo chí gồm ba nhóm:

i) Nhóm các thể loại báo chí thông tấn gồm tin, phỏng vấn, tường thuật… có

thế mạnh để phản ánh, thông báo kịp thời, nhanh chóng các sự kiện, vấn đề vừa xảy

ra, đang xảy ra hoặc sắp xảy ra trong cuộc sống hằng ngày Các hiện tượng, quá trình, sự kiện hay nhân vật được phản ánh trong các thể loại này thường đơn lẻ, độc lập hoặc tập hợp một số sự kiện tiêu biểu cho cái mới, cái thật, cập nhật của xã hội Thông tin sự kiện có yếu tố bình luận mức độ là tính trội của nhóm các thể loại báo chí thông tấn

ii) Nhóm các thể loại báo chí chính luận gồm xã luận, bình luận, chuyên

luận, điều tra, bài phê bình,… với chất trí tuệ, tư duy, lý luận, lý lẽ, hùng biện trong

tác phẩm Tính trội của nhóm các thể loại báo chí chính luận là thông tin lý lẽ

Trang 16

iii) Nhóm các thể loại báo chí chính luận – nghệ thuật gồm phóng sự báo chí,

ký báo chí, tiểu phẩm báo chí, câu chuyện báo chí, ghi nhanh,… là những thể loại

kết hợp yếu tố chính luận của báo chí (tư liệu, số liệu, sự kiện, nhân vật có thật, chất lý luận, hùng biện…) với các yếu tố của văn học nghệ thuật (ngôn ngữ, hình ảnh, cảm xúc, thái độ,…) để thể hiện tác phẩm sinh động, sâu sắc, mềm mại và hấp dẫn đối với công chúng Thông tin sự kiện, lý lẽ và thẩm mỹ là tính trội của nhóm

thể loại này

Tất nhiên, kết quả phân chia này cũng chỉ mang tính tương đối Xu hướng chung của thể loại báo chí hiện nay là sự đan xen, hòa quyện và chuyển hóa giữa các nhóm và các thể loại Tuy nhiên, quá trình này diễn ra có mức độ, do vậy không làm mất đi hoặc thay đổi bản chất của từng thể loại

Việc xem xét đặc điểm phong cách chức năng báo chí và phân loại thể loại báo chí chính là cơ sở để chúng tôi xem xét sự tương quan giữa phong cách văn bản thông cáo báo chí với phong cách của từng thể loại của báo chí

1.4 Thông cáo báo chí

1.4.1 Các quan niệm về thông cáo báo chí

Thông cáo báo chí (thuật ngữ tiếng Anh là News Release/ Media Release/ Press Release/ Press Statement) là một khái niệm mới, gắn với lĩnh vực truyền

thông, được hình thành ở Việt Nam trong một vài năm gần đây Do sự mới mẻ của

nó, “thông cáo báo chí” chưa có tên trong các cuốn sách tiếng Việt nghiên cứu về

thuật ngữ chuyên ngành báo chí, truyền thông

Công trình “Thuật ngữ Báo chí – Truyền thông” của tác giả Phạm Thành Hưng [30] có nhắc đến một số khái niệm có liên quan như “bản tin thông báo”,

“người phát ngôn”, “quan hệ công chúng”,… nhưng không đề cập đến thuật ngữ này Chúng tôi cũng không tìm thấy một thuật ngữ khác tương đương để chỉ đối tượng là “các văn bản được gửi đến các cơ quan truyền thông nhằm mục đích công

bố một thông tin nào đó” ở cuốn sách này

Trang 17

Hiện nay, có hai cách hiểu phổ biến về thông cáo báo chí:

Cách hiểu hẹp: Cho rằng chỉ các cơ quan nhà nước, các tổ chức quốc tế mới

được quyền phát hành thông cáo báo chí Trong “Từ điển Tiếng Việt”, “thông cáo” được định nghĩa là “văn bản, thường là của tổ chức, cơ quan nhà nước, báo cho mọi người biết tình hình, sự việc có một tầm quan trọng nhất định nào đó” [41] TCBC, theo cách hiểu chiết tự này, có thể xem là dạng văn bản, thường là của tổ chức, cơ

quan nhà nước, báo cho các cơ quan báo chí biết tình hình, sự việc có một tầm quan

trọng nhất định nào đó Từ điển này cũng không nêu cụm từ mở rộng “Thông cáo

báo chí”

Trước đây, chỉ văn bản của các cơ quan nhà nước, các tổ chức lớn gửi đến các cơ quan truyền thông mới được xem là thông cáo báo chí Với cách hiểu này, TCBC là dạng văn bản của các cơ quan nhà nước, các tổ chức quốc tế có vai trò quan trọng với xã hội gửi đến giới truyền thông nhằm công bố các thông tin liên quan đến toàn xã hội

Cách hiểu rộng: Cho rằng mọi tổ chức chịu trách nhiệm trước pháp luật về

các thông tin tổ chức đó cung cấp đều có thể phát hành thông cáo báo chí

Với cách hiểu này, thông cáo báo chí cũng được các tổ chức nhỏ hơn (về mặt hành chính) sử dụng như một công cụ hiệu quả để truyền thông Đó là các dạng thông cáo báo chí do các tổ chức như doanh nghiệp, các hiệp hội,… phát hành Ví

dụ công ty Sữa Việt Nam Vinamilk phát hành TCBC “Về việc khẳng định uy tín thương hiệu Dielac” ngày 14/03/2007 sau sự cố hạt chống ẩm và mạt sắt nghi ngờ

có thể bị lẫn trong thành phẩm sữa bột Dielac của công ty này

Trong luận văn, chúng tôi chấp nhận cách hiểu rộng hơn về thông cáo báo chí Cách hiểu này sẽ giúp chúng tôi có sự so sánh đối chiếu trong quá trình phân tích và xử lý tư liệu TCBC của các cơ quan/tổ chức khác nhau

Trên thực tế, nhiều bộ, ngành, tổ chức ở Việt Nam đã sử dụng rộng rãi công

cụ này Tuy nhiên, ở Việt Nam, chỉ các công trình về Quan hệ Công chúng (Public

Trang 18

Relations) mới có định nghĩa về TCBC [25] [32] Điều này chứng tỏ thể loại văn bản này chưa được chú ý đúng mức

Các định nghĩa về TCBC thể hiện các quan điểm của từng tác giả, trường phái đối với loại hình văn bản này

Định nghĩa trên Từ điển Wordnet của Đại học Princeton (Mỹ) nhấn mạnh

tính văn bản hóa của TCBC: “Thông cáo báo chí là thông báo gửi tới báo chí nhằm

bổ sung hoặc thay thế ngôn ngữ nói” [55]

Định nghĩa của trang dictionary.com đề cập đến tính chính thống của chủ

thể: “Thông cáo báo chí là thông báo do cơ quan như chính phủ hoặc tổ chức PR

(quan hệ công chúng) soạn thảo và gửi đến báo chí” [56]

Nhấn mạnh tính thời sự của TCBC, TS Đinh Thị Thúy Hằng trong cuốn

“PR – Lý luận và ứng dụng” định nghĩa: “Thông cáo báo chí là một trong những công cụ thiết yếu để thu hút báo chí đưa tin nhằm thông tin chính sách, sáng kiến hay hoạt động của ngành đến với công chúng Thông cáo báo chí thường được gắn với các sự kiện hoặc vấn đề hiện tại.” [25; 253]

Từ góc độ doanh nghiệp, Tash Hughes, nhà truyền thông có tiếng của Australia, nêu: “TCBC giống như một bài báo ngắn được gửi đến các cơ quan báo chí nhằm gây sự chú ý” [57] Theo Hughes, nếu mọi việc diễn ra thuận lợi thì toà soạn báo sẽ đăng tải một bài báo về nội dung được nêu trong TCBC đó Như vậy

định nghĩa của Tash Hughes tập trung vào phần “ích lợi”, tức là mục đích của

TCBC Chính vì vậy bà khuyên người viết TCBC (mà theo bà nên là nhân viên PR của công ty) cố gắng tạo những điểm thu hút rộng rãi dư luận quan tâm, có như vậy báo chí mới hào hứng đăng tải và công ty cũng đạt mục đích về truyền thông

Marguerite H Sullivan, tác giả của “Một văn phòng báo chí có trách nhiệm”

nêu định nghĩa tương đối toàn diện: “Thông cáo báo chí là bản tóm tắt những sự

thật về một chương trình hay một vấn đề mà bạn muốn giới truyền thông quan tâm

Chúng được viết theo một mẫu chuẩn Tiêu chí chính của một thông cáo báo chí là

nó phải chứa tin” [69] Định nghĩa của Sullivan đề cập đến một đặc điểm cốt tử của

Trang 19

văn bản TCBC mà luận văn sẽ đề cập ở mục 4.2 của chương này, đó là tính trung

thực, độ chính xác cao bắt buộc của TCBC Điều này cũng cho thấy sự khác biệt

với cách nhìn của Tash Hughes nêu ở trên, bởi Tash Hughes chỉ hướng tới việc gây

sự chú ý, quan tâm của độc giả (hàm ý có thể làm bóng bẩy TCBC mà không phải quá bận tâm việc tôn trọng sự thật)

Trong khi đó, là nhà báo chuyên viết về công nghệ thông tin, Tom Foremski

thể hiện quan điểm trên tờ Silicon Valley Watcher số ngày 27/2/2006, như sau:

“TCBC là bản thông báo về một sản phẩm, dịch vụ, lễ khai trương văn phòng, báo cáo tài chính, đối tác, khách hàng và hàng loạt những hoạt động thương mại khác” [58] Foremski nhấn mạnh văn phong của TCBC cần phải “đi thẳng vào vấn đề”, tránh lối diễn đạt “vòng vo” (Faremski sử dụng thuật ngữ mới, đó là “spintastic” để chỉ trích những TCBC viết quá dài)

Trong cuốn “Thông cáo báo chí: Hãy thực hành đúng” (Press Release:

When Nothing Else Will Do, Do it Right) của G A Marken, tác giả cũng chỉ ra rằng để thông báo về một tổ chức, sản phẩm và cách ứng dụng, không có cách nào tốt hơn, rõ ràng hơn và thuyết phục hơn việc sử dụng thông cáo báo chí [25] Ông cho rằng mục đích của thể loại này là thu hút sự quan tâm của truyền thông ở bất

kỳ hình thức nào: in ấn, điện tử hay phát thanh, truyền hình Định nghĩa này đã nhấn mạnh được vai trò và sức mạnh của TCBC trong xã hội hiện nay

Trên cơ sở tổng hợp các cách tiếp cận trên, chúng tôi tạm đưa ra định nghĩa:

“Thông cáo báo chí là dạng văn bản của một tổ chức được gửi đến đại diện của các cơ quan truyền thông đại chúng (báo in, báo điện tử, đài phát thanh, đài truyền hình) với mục đích công bố một sự kiện nào đó có giá trị thông tin.”

Theo đó, các văn bản được gọi là TCBC phải hội tụ đủ các điều kiện sau:

- Về chủ thể phát: TCBC phải được phát hành bởi một cơ quan, tổ chức có tư

cách pháp nhân Cơ quan, tổ chức này chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin trước pháp luật Luật Báo chí Việt Nam, chương III về “Nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí”, ở Điều 7 “Cung cấp thông tin cho báo chí” quy định: “Trong phạm vi

Trang 20

quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các tổ chức có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí, giúp cho báo chí thông tin chính xác, kịp thời và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin.” Như vậy, chủ thể phát có thể là các cơ quan chính phủ, các tổ chức nước ngoài hoặc là các doanh nghiệp

Một số ví dụ:

- TCBC của các cơ quan nhà nước Việt Nam:

+ “Hội thảo nâng cao năng lực quản lý trang thiết bị y tế” – TCBC của Bộ Y

tế ngày 30/7/2007

+ Lễ công bố “Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2005” – TCBC của Bộ Tài nguyên Môi trường ngày 16/12/2005

- TCBC của các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam:

+ “Chính phủ Việt Nam và Ủy ban châu Âu ký kết dự án hỗ trợ kỹ thuật liên quan tới thương mại trị giá 10 triệu euro” - TCBC của Ủy ban Châu Âu ngày 17/6/2008

+ “Đại sứ quán Đan Mạch phát động cuộc thi sáng tác âm nhạc thể nghiệm 2006” – TCBC của Đại sứ quán Đan Mạch ngày 4/10/2006

- TCBC của các doanh nghiệp tại Việt Nam:

+ “Lễ ra mắt tập đoàn Tài chính – Bảo hiểm Bảo Việt” – TCBC của Tập đoàn Bảo Việt ngày 23/1/2008

+ “VNPT và các đối tác thành lập mạng thanh toán điện tử VNPT EPAY – TCBC của công ty VNPT ngày 4/4/2008

- Về chủ thể nhận: TCBC phải được gửi đến các cơ quan truyền thông hợp

pháp, được cấp phép và giấy phép hoạt động còn có giá trị

Thông thường, các tổ chức phát hành TCBC sẽ dựa trên tính chất thông tin trong TCBC để quyết định chủ thể nhận là những cơ quan truyền thông nào Một số thông cáo báo chí được gửi đến tất cả những tòa soạn báo lớn nhất, ví dụ như TCBC của Bộ Giao thông Vận tải về sự cố sập cầu Cần Thơ vì tầm ảnh hưởng dư luận của nó là rất lớn Tuy nhiên, cũng có những TCBC được gửi đến các tờ báo có

Trang 21

diện chuyên ngành hẹp hơn Ví dụ: TCBC của hãng Samsung ra mắt điện thoại OMNIA i900 tại Việt Nam lại chỉ gửi đến các báo liên quan đến công nghệ, tiêu dùng,… Đó là cách các tổ chức, cơ quan phát hành TCBC nhắm đến đối tượng cần tác động

- Về thông điệp: Thông tin trong TCBC phải là các thông tin được chuẩn hóa

bằng văn bản viết, có giá trị tin tức, có mức độ quan trọng nhất định đối với cơ quan truyền thông/công chúng

- Về mã: Thông thường, ở Việt Nam, TCBC được viết bằng tiếng Việt Đối

với một số TCBC đặc biệt có yếu tố quốc tế hoặc người nhận TCBC thuộc các cơ quan truyền thông nước ngoài, các hãng tin quốc tế, các tờ báo bằng tiếng nước ngoài thì TCBC ngoài bản tiếng Việt còn được dịch ra các ngôn ngữ khác mà vẫn đảm bảo tính thống nhất của thông tin

- Về kênh chuyền tải: TCBC phải được phát hành dưới một hình thức nào đó:

phát tận tay tại các cuộc họp báo, gửi văn bản qua email, fax hoặc qua đường bưu điện… Hình thức phát văn bản TCBC tại các cuộc họp báo là kênh được sử dụng nhiều nhất khi phát hành TCBC

1.4.2 Đặc điểm của văn bản thông cáo báo chí

Từ các định nghĩa về TCBC, chúng tôi đưa ra các đặc điểm của TCBC:

1.4.2.1 Tính thời sự

Cũng như tin tức, TCBC cần phải nhanh chóng và kịp thời Ngày phát hành trên TCBC phải là ngày sớm hơn hoặc đồng thời với thời điểm xảy ra sự kiện Ngoài ra, để bảo đảm tính thời sự của TCBC ngày nay các hãng tin đã áp dụng các công nghệ như đồng bộ hoá (synchronization) để chuyển phát thông tin đồng thời tới nhiều đối tượng tiếp nhận; RSS (really simple syndication) để cung cấp dịch vụ đặt thông tin dài hạn một cách đơn giản, tự động và nhiều khi là miễn phí cũng như nhiều công nghệ tích hợp, truyền thông khác

Trang 22

TCBC phát hành đúng thời điểm sẽ phát huy hiệu quả, tránh các biến cố, khủng hoảng do việc thông tin chậm trễ gây nên Chính vì đặc trưng này, yếu tố thời gian trong một văn bản TCBC, đặc biệt là dạng TCBC công bố sự kiện, đều đóng vai trò quan trọng hàng đầu, quyết định việc thông tin trên TCBC có được sử dụng hay không Nếu các thông tin đó đã lỗi thời, tòa soạn sẽ không sử dụng hay đăng tải trên báo chí Chính vì lý do này, hiện nay báo viết tiếp tục chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ các hình thức báo khác như báo mạng, báo nghe, báo hình, là các phương tiện thông tin có để cung cấp thông tin cùng với thời gian thực (real time)

quan chính phủ đến người dân Đối với các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam, hoạt

động này sẽ giúp truyền thông một cách hiệu quả về hoạt động của tổ chức, công

bố các kết quả nghiên cứu cũng như các thông tin về tổ chức đến một số đối tượng TCBC được chịu trách nhiệm bởi người/nhóm người có tiếng nói đại diện cho quan điểm của tổ chức đó

Đối với các cơ quan, tổ chức nhà nước, TCBC thường được soạn thảo và phê duyệt bởi các đơn vị có tên gọi khác nhau như Vụ Báo chí, phòng Thông tin, phòng Tuyên truyền, phòng Truyền thông, phòng Quan hệ công chúng Ở Bộ Ngoại giao Việt Nam và một số bộ khác, trách nhiệm xét duyệt TCBC thuộc về Người phát ngôn hoặc các lãnh đạo có chức vụ cao hơn

1.4.2.3 Tính chính xác cao

Trang 23

Một TCBC hiệu quả trước hết phải là TCBC cung cấp những thông tin xác thực cho báo chí Xét cho cùng giá trị của thông tin nằm ở tính chính xác và trung thực của nó Người soạn thảo văn bản cần đảm bảo tất cả những thông tin cung cấp trong TCBC là sự thật Khi TCBC gửi đến phóng viên, biên tập viên, họ sẽ kiểm chứng thông tin trước khi đưa vào bài viết

Bịa đặt khi viết TCBC là điều không được chấp nhận Nếu tòa báo phát hiện

ra các thông tin sai sự thật, họ sẽ “tẩy chay” tổ chức phát hành Tòa báo sẽ không

sử dụng những thông tin chưa chắc chắn bởi điều đó có thể gây ra những hệ luỵ về mặt pháp lý cũng như đạo đức nghề nghiệp Ngược lại, tổ chức phát hành TCBC cũng phải chịu trách nhiệm về tính trung thực của nó

“Chỉ viết sự thật” được xem là nguyên tắc vàng cho soạn thảo TCBC Trên thực tế, một tổ chức, do tính vị lợi chi phối, có thể cung cấp những điều đi quá hoặc bóp méo sự thật Tuy nhiên, đây chỉ là những trường hợp cá biệt bởi những hành vi thiếu trung thực thường là không công khai và do đó không thông qua hình thức đăng tải TCBC Các tòa soạn chuyên nghiệp thường từ chối ngay các thông tin thiếu trung thực, phóng đại sự việc do các tổ chức tung ra nhằm đạt được những mục đích vị lợi Chính vì điều này, một TCBC, như phần sau sẽ chứng minh, cần

có các thành tố cấu trúc nên một thông điệp hoàn chỉnh với độ chính xác cao: ở đâu, lúc nào, liên quan đến ai, diễn ra như thế nào và vì sao

Khi xảy ra việc đưa tin thiếu chính xác, tổ chức phát hành TCBC cần có hành động đính chính ngay để tránh sự hiểu nhầm của báo chí và dư luận Ngày 08/11/2008, ông Vibeke ENSEN - Trưởng Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đã gửi thư cho Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân để xin lỗi vì sự nhầm lẫn của UNESCO khi đăng tải số liệu về học sinh bỏ học ở Việt Nam trong TCBC ngày 3/11/2008 UNESCO cũng đã gửi thông tin đính chính đến các tòa soạn báo và tin

về việc đính chính sau đó đã được đăng tải trên hầu hết các tờ báo lớn nhất Việt

Nam

1.4.2.4 Tính quan trọng và hấp dẫn

Trang 24

Khác với các đòi hỏi về hình thức, tính quan trọng, hấp dẫn ở TCBC được quyết định bởi chính bản thân sự kiện chứ không phải vì những bình luận của người viết TCBC Những “trường phái” chính thống về TCBC thường không lạm dụng phần bình luận của người viết (thường thì khối doanh nghiệp mới có xu hướng “đánh bóng” TCBC) Thông tin gây chú ý bởi tính chất quan trọng, thiết thân của nó đối với người đọc Đôi lúc tính chất bất ngờ cũng đem lại tầm quan trọng và hấp dẫn cho TCBC

TCBC chỉ ra đời khi có thông tin quan trọng liên quan đến một sự kiện nào

đó mà tổ chức nhận thấy cần phải công bố trước công chúng thông qua các phương tiện truyền thông Dĩ nhiên, không phải sự kiện nào cũng có thể hay cần phải phát hành TCBC Thông thường, mức độ quan trọng của thông tin trong TCBC được đánh giá bởi:

i) Sự quan tâm của cơ quan truyền thông/công chúng đối với các thông tin này;

ii) Mức độ tác động, tầm ảnh hưởng của thông tin này đối với công chúng

Điều này giải thích tại sao các TCBC của các cơ quan chính phủ, các tổ chức phi chính phủ thường được sử dụng nhiều hơn so với TCBC của các doanh nghiệp

Tác giả James L.Garnett, trong cuốn Thông tin hiệu quả trong chính phủ đã đánh

giá: “Do những quyết định và hành động của chính phủ thường ảnh hưởng đến nhiều người hơn và với hậu quả lớn hơn, nên hoạt động thông tin trong chính phủ rất quan trọng và thường là khó khăn hơn hoạt động thông tin trong doanh nghiệp” [26;14]

Các cơ quan truyền thông chỉ sử dụng những thông tin quan trọng và hấp dẫn, do vậy, TCBC - với tư cách là nguồn tin cho báo chí, cần phải có những đặc điểm này

Trang 25

1.4.3 Phân loại thông cáo báo chí

Dựa trên hình thức phát hành TCBC, chúng ta có thể phân loại TCBC thành

các dạng:

- TCBC phát hành qua họp báo

- TCBC phát hành qua thư điện tử (email)

- TCBC phát hành qua điện báo (fax)

Dựa trên tính chất của thông điệp, TCBC có thể được phân loại như sau:

- TCBC công bố sự kiện

- TCBC trình bày quan điểm

- TCBC đính chính thông tin

- …

Còn nếu dựa trên tiêu chí chủ thể phát hành thì TCBC có thể được chia

thành: TCBC của các cơ quan nhà nước Việt Nam (Chính phủ, các bộ, ngành từ trung ương đến địa phương, các tổ chức đoàn thể); TCBC của các tổ chức nước ngoài (bao gồm các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức liên chính phủ như Liên hợp quốc, tổ chức thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế, các đại sứ quán tại Việt Nam, ); TTBC của các doanh nghiệp tại Việt Nam

Dĩ nhiên, còn những cách phân loại khác như theo ngôn ngữ, thời gian, khu vực địa lý… tùy vào mục đích nghiên cứu Trong luận văn này, để tiện cho việc phân tích ở các phần sau và trên cơ sở dữ liệu đã có, chúng tôi lựa chọn cách phân loại theo chủ thể

1.5 Nhận xét

1.5.1 Như chúng tôi đã khẳng định, những cách lựa chọn ngôn ngữ khác nhau đã tạo ra những phong cách khác nhau Đến lượt chính các phong cách lại chi phối việc lựa chọn ngôn ngữ Chính vì vậy, các luận điểm về phong cách chức năng nói chung và phong cách báo chí nói riêng có tác dụng trực tiếp nhất đối với đối tượng nghiên cứu, bởi vì: i) Thông cáo báo chí là một thể loại của phong cách báo

Trang 26

chí, xét quan hệ giữa người phát và người nhận của quá trình phát hành thông cáo báo chí thì tổ chức truyền thông điệp và các cơ quan báo chí nằm trong mối quan

hệ truyền tin và tác động; ii) Mặc dù TCBC không phải là tác phẩm báo chí nhưng mang đầy đủ đặc trưng của phong cách này, chẳng hạn như tính thời sự, tính chính xác, tính nhất quán, tính quan trọng và hấp dẫn

1.5.2 Để hiểu rõ hơn về đối tượng nghiên cứu, chúng tôi tiến hành so sánh một số quan niệm tiêu biểu về TCBC Kết quả đầu tiên chúng tôi nhận thấy là quan niệm về TCBC bị chi phối rõ nét từ cách tiếp cận của tác giả định nghĩa Nhìn chung, giới doanh nghiệp có quan niệm linh hoạt hơn về TCBC, nhấn mạnh sức mạnh của công cụ này trong truyền thông Trong khi đó, giới công nghệ, kể cả công nghệ truyền thông, nhấn mạnh sự đơn giản, gãy gọn, đi thẳng vào vấn đề Những người thiên về quan niệm truyền thống hơn thì cho rằng TCBC cần có

“mẫu” chuẩn và lấy tiêu chí sự thật, quan trọng, nhất quán làm tiêu chí chi phối

1.5.3 Trên cơ sở đó, chúng tôi đi đến định nghĩa như sau: Thông cáo báo chí

là dạng văn bản của một tổ chức được gửi đến đại diện của các cơ quan truyền thông đại chúng như báo in, báo điện tử, đài phát thanh, đài truyền hình… với mục đích công bố một sự kiện nào đó có giá trị thông tin Với cách định nghĩa ấy, tính

thời sự, tính nhất quán và chính thống, tính chính xác cao, tính quan trọng và hấp dẫn được cho là các đặc điểm cốt lõi nhất của thể loại văn bản này Các chương tiếp theo của luận văn sẽ chỉ rõ đặc điểm kết cấu văn bản và đặc điểm về cách sử dụng từ ngữ của TCBC, trong sự so sánh với các thể loại khác thuộc phong cách

báo chí

Trang 27

Chương 2 - ĐẶC ĐIỂM KẾT CẤU VĂN BẢN THÔNG CÁO BÁO CHÍ 2.1 Khảo sát các kiểu cấu trúc trong văn bản TCBC

2.1.1 Về dữ liệu khảo sát

Chúng tôi đã lựa chọn 150 văn bản thông cáo báo chí để khảo sát về mặt cấu trúc với tỷ lệ như sau:

- 50 văn bản TCBC của các cơ quan nhà nước Việt Nam

- 50 văn bản TCBC của các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam

- 50 văn bản TCBC của các doanh nghiệp tại Việt Nam

Ngoài việc chủ ý phân bố đều về số lượng giữa ba loại TCBC, chúng tôi cố gắng chọn ngẫu nhiên các TCBC để gia tăng tính khách quan của quá trình chọn dữ liệu

Tính ngẫu nhiên được thể hiện như sau:

- Không tập trung miêu tả TCBC vào một cơ quan nhất định nào

- Các TCBC có nội dung và chủ đề khác nhau

- Sử dụng một số kỹ thuật hỗ trợ như khi truy cập các trang tìm kiếm, chúng tôi chọn bất kỳ TCBC nào xuất hiện ở dòng đầu tiên và cuối cùng trong trang kết quả

Về số lượng, đối với tiêu đề chúng tôi chọn dân số mẫu là 550 vì việc khảo sát tiêu đề đơn giản hơn Còn đối với nội dung và kết cấu văn bản TCBC, số lượng 150

là vừa đủ vì:

- Nếu số lượng dân số mẫu lớn hơn thì dĩ nhiên kết quả sẽ có độ chính xác cao hơn Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có trong điều tra dân số, người ta mới thu thập dữ liệu toàn bộ Còn với hầu hết các cuộc khảo sát khác, các nhà khoa học chỉ xác định một mức độ dân số mẫu vừa đủ để bảo đảm tính khả thi về thời gian, tài chính và các điều kiện làm việc

Trang 28

- Theo thống kê học, số lượng dân số mẫu này, trong điều kiện đối tượng nghiên cứu không quá đa dạng, cho phép dung sai chỉ nhỏ hơn hoặc bằng 0,05, tức 5%, có nghĩa là độ chính xác của điều tra sẽ là 95% trở lên Đây là mức dung sai/tin cậy được chấp nhận trong nghiên cứu định lượng

2.1.2 Phân loại các kiểu cấu trúc trong văn bản TCBC

Có nhiều kiểu cấu trúc có thể áp dụng để trình bày một văn bản Trong thực

tế, có bốn kiểu cấu trúc thường được dùng trong thể loại báo chí thông tấn gồm: Cấu trúc “hình tháp thường”, Cấu trúc “hình tháp ngược”, Cấu trúc “hình chữ nhật” [32;27]

2.1.2.1.Cấu trúc “hình tháp xuôi”

Cấu trúc này còn có các tên gọi khác như “tam giác thường”, “hình cây thông”, “hình nón”, “hình tháp thường”… với ý nghĩa như nhau

Mô hình cấu trúc này như sau:

Theo cấu trúc này, mở đầu văn bản là một chi tiết gây ấn tượng, sau đó tăng dần mức độ quan trọng hấp dẫn ở phần thân và sức nặng nhất, hay nhất, quan trọng nhất của tin đưa xuống phần kết luận Đây là cấu trúc “trung tính” và phổ biến Ưu điểm của cấu trúc này là sự hấp dẫn ngày càng tăng về cuối nhưng hạn chế ở chỗ

Chi tiết gây ấn tượng

Các chi tiết quan trọng hơn

Chi tiết quan trọng nhất

Trang 29

gây nhàm chán, buồn tẻ nếu lạm dụng nhiều Ví dụ về một văn bản viết theo “hình tháp xuôi” khá rõ:

21h ngày 1-12, tại km397+500 thuộc xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An do vượt ẩu và tránh sai quy định, ôtô khách BKS: 37N-0886 do Phạm Xuân Thành (SN 1983, trú tại xã Diễn Phong, huyện Diễn Châu) điều khiển, chạy hướng Vinh - Hà Nội đã đâm liên tiếp vào 2 xe môtô chạy ngược chiều (chưa rõ người điều khiển) làm 5 người chết tại chỗ và 1 người bị thương

(Tin vắn trên báo An Ninh Thủ Đô – ngày 04/12/2007])

2.1.2.2.Cấu trúc “hình tháp ngược”

Về lý thuyết, mô hình này thực chất là đảo ngược của mô hình thứ nhất, được biểu hiện dưới dạng một hình tháp ngược quay đầu xuống Giáo trình dạy viết nhiều trường đại học ở Mỹ, trong đó có Đại học Colorado, cũng cho rằng mô hình diễn đạt TCBC tốt nhất nên theo cấu trúc này [59]

Theo đó, câu hoặc đoạn văn đầu tiên thường bao hàm nội dung quan trọng nhất, còn gọi là “statement” hay “topic sentence” Tiếp đến là các ý phụ hoạ và ví

dụ (supporting ideas and examples)

Mô hình này thể hiện như sau:

Như vậy, những chi tiết, dữ kiện, số liệu quan trọng nhất, có giá trị nhất sẽ nằm ở đầu văn bản Tính quan trọng của sự kiện ở phần thân sẽ giảm đi và cuối tin thường là yếu tố phụ hoặc giải thích

Chi tiết quan trọng nhất

Chi tiết ít quan trọng hơn

Chi tiết không quan trọng

Trang 30

Nhiều loại hình báo chí ngày nay tiếp tục sử dụng cấu trúc này bởi tính hiệu quả và hấp dẫn của nó Ưu điểm của cấu trúc này là: Người viết hình thành bản tin nhanh, người đọc trong cùng một thời gian biết được nhiều thông tin mà chỉ cần lướt qua phần đầu

Ví dụ về văn bản viết theo cấu trúc hình tháp ngược:

“TP.HCM - Ngày 22/01/2007- Thông qua tổ chức phi chính phủ Mỹ Vietnam Assistance to the Handicapped, Cơ quan Phát triển Quốc tế của Mỹ (USAID) sẽ tài trợ 40.000 đôla cho một dự án thí điểm với Bộ Giao thông Vận tải với 3 tuyến xe buýt ở thành phố Hồ Chí Minh nhằm giúp người khuyết tật có thể tiếp cận với xe buýt Dự án này bao gồm các chương trình tập huấn về nhận thức dành cho nhân viên Bộ GTVT, Sở Giao thông Công chính, các lái xe buýt, cải tiến các bến xe buýt và khảo sát các tuyến khả thi

Theo cơ quan chức năng về giao thông của thành phố, hàng ngày có 230 lượt người khuyết tật đi trên 3 tuyến xe buýt trong dự án Những chiếc xe buýt được cải tiến sẽ có sàn thấp hơn để người khuyết tật dễ tiếp cận, hoặc sẽ có thiết bị nâng dành cho xe lăn Các tuyến xe này sẽ có biển báo rõ ràng, đường dốc và tay vịn sẽ được lắp đặt thêm tại 1 số điểm dừng xe Số lượng người khuyết tật đi xe buýt có thể sẽ tăng dần khi có thêm nhều người biết về dịch vụ mới này

USAID trong những năm gần đây đã giúp các cơ quan chức năng về giao thông của Việt Nam để làm cho các dịch vụ giao thông công cộng thuận tiện hơn với người khuyết tật Kể từ năm 2004 đến nay, USAID đã đóng góp hơn 43 triệu đôla để giúp người khuyết tật ở Việt Nam.”

( “Mỹ trợ giúp để người khuyết tật có thể tiếp cận giao thông công cộng” -

TCBC ngày 22/01/2007 của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam)

Ở văn bản này, cấu trúc hình tháp ngược thể hiện:

- Tất cả các thông tin quan trọng đều được đưa lên đoạn đầu tiên: Ngày

22/01/2007, USAID tài trợ 40,000 USD giúp người khuyết tật tiếp cận xe buýt, chương trình thí điểm trên 3 tuyến xe tại TP HCM

Trang 31

- Đoạn thứ hai: Thông tin thêm về dự án (Lượt xe, xe được cải tiến như thế nào, ước tính số người tham gia

- Đoạn thứ ba: Thông tin về nhà tài trợ USAID (Quan tâm đến người khuyết

tật, hỗ trợ hơn 43 triệu USD)

2.1.2.3 Cấu trúc “hình chữ nhật”

Câu trúc “hình chữ nhật” là cấu trúc mà các chi tiết của văn bản được sắp xếp tương đối ngang hàng nhau về tầm quan trọng Mỗi chi tiết chứa một lượng thông tin và không có chi tiết nào nổi trội hơn hoặc không có giá trị thông tin Các chi tiết tương đối bình đẳng, độc lập trong văn bản để cùng làm nổi bật sự kiện

Mô hình của cấu trúc này như sau:

Chi tiết 1 Chi tiết 2 Chi tiết 3 Chi tiết 4

Ưu điểm của cấu trúc này là có thể triển khai sự kiện theo chiều sâu hoặc liệt

kê các chi tiết thông tin Nhược điểm của cấu trúc này dễ gây cảm giác đơn điệu, tẻ nhạt khi dùng ngôn ngữ trần thuật thuần túy

Ví dụ về văn bản Thông cáo báo chí về sự cố tại công trình xây dựng cầu

Cần Thơ của Bộ Giao thông Vận tải ngày 01/10/2007 có sử dụng cấu trúc hình chữ

nhật:

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

VỀ SỰ CỐ TẠI CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG CẦU CẦN THƠ

I Mặc dù công tác cứu hộ, cứu nạn vẫn đang được tiến hành khẩn trương nhưng đến hôm nay vẫn chưa có triển vọng rõ ràng để tìm được người mất tích còn lại

Điều kiện tại công trường không thuận lợi và xuất hiện nguy hiểm cho lực lượng tìm kiếm:

- Mấy ngày vừa qua và cả hôm nay tại khu vực công trường trời mưa nhiều và mưa to

Trang 32

- Qua theo dõi thấy trụ 14 nghiêng thêm khá nhiều so với khi mới xảy ra sự cố

- Khối bê tông lớn bị sập nhưng vẫn còn lên kết thép với đỉnh trụ 15 có một số điểm rạn nứt, các cục bê tông tỉnh thoảng lại vỡ và rơi xuống

Nguy cơ trụ 14 bị đổ kéo theo tấm bê tông của nhịp 13 dính liền với trụ 14( khu cực 2c) và tấm

bê tông dính với trụ 15 (khu vực 1c) bị sập theo, là không loại trừ

Theo báo cáo của Nhà thầu TKN, khu vực 2c và khu vực nhịp 14 (giữa trụ 14, 15) đã trở nên mất

an toàn và rất nguy hiểm

Mặt khác, theo yêu cầu của Uỷ ban Nhà nước điều tra sự cố, Nhà thầu phải giữ lại hiện trường phục vụ công tác điều tra

Vì vậy, hôm nay lực lường tìm kiếm tạm thời không làm việc Sau khi Uỷ ban thu thập chứng cứ xong và cho phép tiếp tục phá dỡ thì Nhà thầu chính sẽ đưa ra phương án phá dỡ các tấm bê tông

và trụ 14 để đảm bảo an toàn cho việc tiếp tục tìm kiếm nạn nhân mất tích

II Có một số thông tin cho rằng Nhà thầu chính TKN đã dừng làm việc để đi viếng một người Nhật (xin nhắc lại là người Nhật này không phải là người của Nhà thầu TKN) Chúng tôi xin trả lời như sau: Thông tin này không chính xác Đúng là Nhà thầu chính TKN có tổ chức một nhóm người đi viếng nhưng chiều tối hôm qua họ mới xuất phát từ Cần Thơ đi thành phố Hồ Chí Minh

và trở lại công trường ngay trong đêm qua

III Vừa qua có một số cá nhân, tập thể gọi điện hỏi chúng tôi vê địa chỉ gia đình của những nạn nhân ở phía Bắc bị chết, chúng tôi xin được cung cấp như sau:

1 Nguyễn Quý Vinh – A18 Đầm Trấu, Quận Hai Bà Trưng – Hà Nội

2 Ngô Thế Anh – Thôn Thượng, xã Tịnh Xá, Huyện Bình Lục, Tỉnh Hà Nam

3 Cù Văn Sơn – An Nội, Bình Lục, Hà Nam

4 Trương Quang Viễn – Thôn Bình Hoà, xã Khánh Hồng, Huyện Yên Khánh, Ninh Bình

5 Đỗ Đình Hưởng – Xóm 2, xã An Bình, huyện Kiến Xương, Thái Bình

6 Nguyễn Văn Tân – Xóm 2, xã Giao Hà, huyện Giao Thuỷ, Nam Định

7 Lê Trạch Hoà – Xuân Phong, Thị Xuân, Thanh Hoá

Bộ GTVT xin thông báo để các quí cơ quan biết và mong có sự hợp tác chặt chẽ giúp thông tin tới được công luận kịp thời và chính xác./.

Ở văn bản này, cấu trúc hình chữ nhật (tương đối) được thể hiện như sau:

- Phần 1: Thông tin thêm về sự cố sập cầu

- Phần 2: Đính chính về thông tin liên quan: “Nhà thầu chính TKN đã dừng làm việc để đi viếng một người Nhật”

Trang 33

- Phần 3: Địa chỉ gia đình của những nạn nhân ở phía Bắc bị chết trong vụ sập cầu

Các thông tin ở ba phần đều có tính chất quan trọng như nhau, tạo nên cấu trúc “hình chữ nhật”

Ngoài ra, một số nhà nghiên cứu còn đề xuất một số mô hình khác như: hình thoi, hình kim cương, đồng hồ cát, vòng tròn khép kín,… Tuy nhiên, những cấu trúc này không xuất hiện trong tư liệu, vì vậy chúng tôi chỉ nêu tên để tham khảo

TCBC của các tổ chức nước ngoài tại VN

TCBC của các doanh nghiêp tại VN

Số lần xuất hiện

Số lần xuất hiện Số lần xuất hiện

Số lần xuất hiện Tháp

Trang 34

Bảng 4: Tỷ lệ xuất hiện của các dạng cấu trúc văn bản

2.1.4 Nhận xét

2.1.4.1 Theo kiểu cấu trúc

Ở phần này, chúng tôi sẽ đưa ra các nhận xét về 3 kiểu cấu trúc chiếm đến 99,33% các kiểu cấu trúc văn bản TCBC là: Cấu trúc hình tháp thường, Cấu trúc hình chữ nhật và Cấu trúc hình tháp ngược

a) Cấu trúc hình tháp thường

Theo kết quả khảo sát trên, chỉ có 6 văn bản TCBC được viết theo cấu trúc hình tháp thường, chiếm tỷ lệ 4% Đó là các văn bản:

- Thông cáo báo chí về sự cố tại công trình xây dựng cầu Cần Thơ – TCBC

của Bộ Giao thông Vận tải ngày 02/10/2007

- Chương trình “Hỗ trợ sản xuất và tiêu dùng máy nước nóng năng lượng mặt

trời” – TCBC của Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng Thành phố Hồ Chí Minh

ngày 20/07/2008

- Hội thảo về các chính sách hiệu quả năng lượng tại Việt Nam – TCBC của

Đại sứ quán Pháp ngày 08/04/2008

Trang 35

- Lễ ký kết hợp đồng đối tác chiến lược giữa công ty Cổ phần Bảo hiểm AAA

và tập đoàn BankInvest - TCBC của Công ty Bảo hiểm AAA ngày

21/05/2008

- Lễ Khởi công Dự án Viện công nghệ SaigonTEL - Đại học Hùng Vương – TCBC của Công ty Công nghệ Viễn thông Sài Gòn – SAIGONTEL ngày 15/04/2005

- Khai trương công ty AAA&Vinamotor – TCBC của Công ty AAA ngày 30/03/2008

Tỷ lệ trên giúp đưa ra các nhận xét như sau:

i) Sự xuất hiện thưa thớt của các văn bản viết theo cấu trúc hình tháp thường chứng tỏ đây không phải là cấu trúc được ưa dùng khi soạn thảo các văn bản TCBC Đặc điểm của lối viết theo hình tháp thường là các thông tin chính yếu, các thông tin quan trọng mà người đọc chờ đợi được đưa xuống phần cuối của văn bản Điều này dẫn đến hệ quả là các phóng viên, biên tập viên phải đọc hết toàn bộ văn bản và mất nhiều thời gian để tìm ra các thông tin quan trọng nhất

ii) Năm trong số 6 văn bản TCBC nói trên (trừ văn bản Thông tin báo chí về

sự cố tại công trình xây dựng cầu Cần Thơ của Bộ Giao thông Vận tải ngày

02/10/2007) đều được viết với mục đích gửi thông tin đến báo chí về một sự kiện

sẽ diễn ra trong tương lai gần Trong các trường hợp này, TCBC thường được hiểu

là văn bản công bố thông tin và đồng thời kết hợp mời phóng viên đến dự họp báo

Theo đó, mô hình triển khai sẽ như sau:

Bối cảnh, hiện trạng => Mục đích => Ý nghĩa => Thời gian, địa

điểm tổ chức

Phân tích kỹ hơn TCBC Chương trình “Hỗ trợ sản xuất và tiêu dùng máy

nước nóng năng lượng mặt trời” của Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng Thành phố

Trang 36

Hồ Chí Minh ngày 20/7/2008, chúng ta sẽ thấy rõ cách thức triển khai thông tin như mô hình nói trên Cụ thể, văn bản lần lượt trình bày các ý chính như sau:

- Đoạn 1: Trước tình hình thiếu hụt năng lượng trên thế giới và thiếu điện tại Việt Nam, chính phủ kêu gọi toàn dân tiết kiệm điện

- Đoạn 2: Mục đích của chương trình và các đơn vị tổ chức

- Đoạn 3: Ý nghĩa của chương trình

- Đoạn 4: Chương trình được công bố lúc 9h30, ngày 21 tháng 07 năm 2008 tại Trung tâm Đầu tư Nước ngoài phía Nam, số 178 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, Tp.HCM

Như vậy, các yếu tố có tính chất sự kiện (Cái gì, Ở đâu, Khi nào) liên quan trực tiếp đến sự kiện đã được đưa xuống phần cuối cùng của TCBC

Ở một ví dụ khác, văn bản TCBC Khai trương công ty AAA&Vinamotor

cũng có cấu trúc tương tự TCBC này được triển khai như sau:

- Đoạn 1: Thực trạng ngành vận tải đường bộ Việt Nam và các hệ quả

- Đoạn 2: Giải pháp cho thực trạng này

- Đoạn 3: Mục đích của việc thành lập công ty

- Đoạn 4: Các dịch vụ mà công ty sẽ cung cấp

- Đoạn 5: Lễ khai trương

Mặc dù tiêu đề của TCBC là “Khai trương công ty AAA&Vinamotor” nhưng thông tin về sự kiện khai trương này chỉ được nhắc đến ở phần cuối cùng của TCBC

iii) Về TCBC của Bộ Giao thông Vận tải, đây là dạng văn bản tường thuật sự kiện theo trình tự thời gian, được triển khai như sau:

- Đoạn 1: Lực lượng cứu hộ, cứu nạn vẫn tiếp tục tìm kiếm trong hai ngày nhưng không có kết quả

- Đoạn 2: Công việc ngày càng khó khăn và nguy hiểm

- Đoạn 3: Bổ sung người tăng cường công tác cứu nạn

- Đoạn 4: Hậu quả thiệt hại về người

Trang 37

Các thông tin “hậu quả thiệt hại về người” với các thông kê cụ thể được đưa xuống cuối văn bản là những chi tiết quan trọng Mức độ quan trọng tăng dần và sự chú ý được dồn vào phần kết luận Đây cũng là cách viết “truyền thống”, phổ biến, như những bài văn thông thường với các phần mở bài, thân bài, kết luận

Số lần xuất hiện của TCBC có cấu trúc hình chữ nhật là 30 lần, chiếm tỷ lệ 20% Một vài ví dụ về các văn bản này:

- Thông cáo báo chí về số liệu thống kê kinh tế - xã hội năm 2007 của Tổng cục Thống kê ngày 31/12/2007

- Thông cáo báo chí ngày 31/01/2006 của Bộ Ngoại giao

- Thông cáo báo chí nhân dịp kỷ niệm 60 năm Cách Mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9 của Bộ Văn hóa Thông tin

Về cấu trúc hình chữ nhật, chúng tôi có các nhận xét như sau:

i) Ở kiểu cấu trúc này, văn bản thường được chia thành nhiều phần lớn có các ý tương đương nhau, thường được đánh số thứ tự hoặc đề mục Các TCBC triển khai theo cấu trúc hình chữ nhật thường đề cập đến nhiều vấn đề hoặc nhiều khía cạnh lớn của một vấn đề Trong đó, các yếu tố ngang hàng, bình đẳng và khá độc lập

Trang 38

Phần lớn các TCBC của Bộ Ngoại giao phát hành trong các cuộc họp báo thường kỳ được viết theo cấu trúc hình chữ nhật với khuôn mẫu tương tự nhau, bao gồm các nội dung:

- Một số hoạt động ngoại giao chính trong kỳ

- Người phát ngôn Bộ Ngoại giao trả lời câu hỏi của phóng viên

Trong đó, các hoạt động ngoại giao “đoàn ra, đoàn vào” được trình bày theo thứ tự thời gian Tương tự đối với các câu hỏi báo chí đặt ra được Người phát ngôn

trả lời dưới hình thức hỏi – đáp

Ở một ví dụ khác, “Thông cáo báo chí nhân dịp kỷ niệm 60 năm Cách Mạng

iii) Mặt khác, TCBC hình chữ nhật không “áp đặt” việc báo chí nên đưa các

thông tin nào Các TCBC thường có nội dung báo cáo các hoạt động như TCBC

tháng 4/2008 của Bộ Tài Chính, TCBC về thống kê số liệu kinh tế xã hội năm 2007

của Tổng cục Thống kê, TCBC Những thành tựu trong năm 2007 của Công ty Cổ

phần Dược Hậu Giang Các thông cáo này đã cung cấp một bức tranh toàn cảnh cho phóng viên chứ không tập trung vào một điểm nhấn nào đó Do vậy các TCBC hình chữ nhật thường là những TCBC tính định hướng đối với phóng viên không cao bằng các TCBC viết theo cấu trúc hình tháp

c) Cấu trúc hình tháp ngược

Trang 39

Bảng 6: Tỷ lệ cấu trúc hình tháp ngược phân loại theo chủ thể

Cấu trúc hình tháp ngược chiếm 74,67%, là tỷ lệ cao nhất trong số các TCBC được chúng tôi khảo sát Một số ví dụ về các TCBC có cấu trúc hình tháp ngược:

- Việt Nam cần lập kế hoạch cho tình trạng người dân di cư tăng - TCBC

ngày 22/12/2006 của Quỹ Dân số Liên hợp quốc UNFPA

- Úc viện trợ cho dự án Cung cấp nước sạch và Vệ sinh môi trường tại tỉnh

Bạc Liêu - TCBC ngày 24/07/2008 của Đại sứ quán Úc

- TECHCOMBANK NHẬN GIẢI THƯỞNG – CÚP VÀNG “THƯƠNG HIỆU CHỨNG KHOÁN UY TÍN” VÀ “CÔNG TY CỔ PHẦN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM” – TCBC của Ngân hàng Techcombank

- “Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ký kết khoản tín dụng trị giá 60 triệu USD để cải thiện y tế tại các tỉnh miền núi phía bắc” – TCBC của Ngân hàng Thế giới ngày 10/7/2007

Chúng tôi thử phân tích một TCBC khác của tổ chức UNICEF về nạn đuối nước ở Việt Nam để thấy rõ hơn kết cấu của dạng văn bản này:

Trang 40

Tiêu đề

Đoạn dẫn:

Ở đâu: Hà Nội – VN

Khi nào: 23/5/2008

Ai: Trẻ em Việt Nam

Cái gì: Đuối nước – một trong

những nguyên nhân gây tử vong

hàng đầu đang gia tăng

Như thế nào: Mỗi ngày có trung

được tổ chức với mục tiêu giảm số

trẻ em tử vong do đuối nước

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Đuối nước: Một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ

em tại Việt Nam

Hà Nội, 23/5/2008 – Đuối nước là

một trong những nguyên nhân hàng đầu gây

tử vong ở trẻ từ 01 tuổi trở lên ở Việt Nam Theo thống kê của Bộ Y tế, trung bình mỗi ngày có khoảng 10 trẻ em (từ 0-19 tuổi) bị chết đuối, và số trẻ tử vong do đuối nước trong hai năm 2005-2006 trên toàn quốc đã lên tới 7,249 trẻ Ông Phùng Ngọc Hùng, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh –

Xã hội cho biết: “Tình hình đuối nước ở trẻ

em hiện đang gia tăng, song cho đến nay nhưng sự quan tâm của cộng đồng đến vấn

đề này còn rất hạn chế”

Hôm nay, Lễ Phát động cho Chiến dịch Phòng chống Đuối nước Trẻ em đã được Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội

và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNICEF Việt Nam) phối hợp tổ chức tại Hà Nội Với mục tiêu giảm số trẻ em tử vong do đuối nước, đặc biệt trong những tháng nghỉ hè, Chiến dịch Truyền thông Phòng chống Đuối nước Trẻ em sẽ khởi động

Ngày đăng: 23/03/2015, 09:32

Nguồn tham khảo

Tài liệu tham khảo Loại Chi tiết
6. Nguyễn Tài Cẩn (1999), Ngữ pháp tiếng Việt Tiếng - Từ ghép - Đoản ngữ, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, H Sách, tạp chí
Tiêu đề: Tiếng - Từ ghép - Đoản ngữ
Tác giả: Nguyễn Tài Cẩn
Nhà XB: Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội
Năm: 1999
8. Đỗ Hữu Châu (2001), Đại cương Ngôn ngữ học - Tập 2: Ngữ dụng học, Nxb.. Giáo dục, H Sách, tạp chí
Tiêu đề: - Tập 2: Ngữ dụng học
Tác giả: Đỗ Hữu Châu
Nhà XB: Nxb.. Giáo dục
Năm: 2001
10. Nguyễn Hồng Cổn (2008), Cấu trúc cú pháp của câu tiếng Việt: Chủ - Vị hay Đề - Thuyết, Tham luận Hội nghị Khoa học về Việt Nam học, H Sách, tạp chí
Tiêu đề: Chủ - Vị hay Đề - Thuyết
Tác giả: Nguyễn Hồng Cổn
Năm: 2008
18. Đinh Văn Đức (2001), Ngữ pháp tiếng Việt - Từ loại, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, H Sách, tạp chí
Tiêu đề: Từ loại
Tác giả: Đinh Văn Đức
Nhà XB: Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội
Năm: 2001
24. Cao Xuân Hạo (1991), Sơ thảo ngữ pháp chức năng Quyển 1, Nxb. Khoa học xã hội, H Sách, tạp chí
Tiêu đề: Quyển 1
Tác giả: Cao Xuân Hạo
Nhà XB: Nxb. Khoa học xã hội
Năm: 1991
33. Nguyễn Văn Khang (1999), Ngôn ngữ học xã hội - Những vấn đề cơ bản, Nxb. Khoa học Xã hội, H Sách, tạp chí
Tiêu đề: - Những vấn đề cơ bản
Tác giả: Nguyễn Văn Khang
Nhà XB: Nxb. Khoa học Xã hội
Năm: 1999
1. Hoàng Anh (2008), Những kỹ năng sử dụng ngôn ngữ trong truyền thông đại chúng, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, H Khác
2. M. Bakhtin (1992), Lí luận và thi pháp tiểu thuyết (Phạm Vĩnh Cư tuyển dịch, giới thiệu), Trường viết văn Nguyễn Du xuất bản, H Khác
3. Diệp Quang Ban (1999), Văn bản và liên kết trong tiếng Việt, Nxb. Giáo dục, H Khác
4. Bộ Văn hóa - Thông tin (2002), Luật báo chí Khác
5. G. Brown - G.Yule (2002), Phân tích diễn ngôn (Bản dịch của Trần Thuần), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, H Khác
7. Đỗ Hữu Châu (1998), Cơ sở ngữ nghĩa học từ vựng, Nxb.. Giáo dục, H Khác
9. Mai Ngọc Chừ - Vũ Đức Nghiệu - Hoàng Trọng Phiến (2003), Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt, H Khác
11. Nguyễn Đức Dân (2000), Ngữ dụng học, Tập 1, Nxb. Giáo dục, H Khác
12. Nguyễn Đức Dân (2007), Những vấn đề ngôn ngữ báo chí, Nxb. Giáo dục, H Khác
13. Đức Dũng (2001), Viết báo như thế nào, Nxb. Văn hóa – Thông tin, H Khác
14. Hữu Đạt –Trần Trí Dõi - Đào Thanh Lan (2000), Cơ sở tiếng Việt, Nxb. Văn hoá Thông tin, H Khác
15. Hữu Đạt (2000), Phong cách và các phong cách chức năng tiếng Việt, Nxb. Văn hóa – Thông tin, H Khác
16. Hữu Đạt (2001), Phong cách học tiếng Việt hiện đại, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, H Khác
17. Hà Minh Đức (Chủ biên) (1997), Báo chí - những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, H Khác

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w