Quan hệ con người – tự nhiên trong văn xuôi miền núi 2. Con người - tự nhiên và khát vọng đồng hoá Ở cấp độ này, quan hệ giữa con người miền núi với môi trường sống không chỉ là sự gắn bó, giao cảm thông thường mà thể hiện một sự hoà hợp tuyệt đối. Ở cả hai bình diện ý thức và tình cảm, con người thực sự tự coi mình là một bộ phận của tự nhiên và tìm thấy trong tự nhiên sự tồn tại đích thực của mình. Một sản phẩm đặc biệt của sự hoà hợp cao độ ấy là kiểu con người được "thiên nhiên hoá". Loại nhân vật này ít nhiều có tính chất dị thường, thiên về bản năng, có dấu hiệu từ lão Khúng trong Phiên chợ Giát của Nguyễn Minh Châu và rõ nét hơn ở ông Chúp trong Cô gái xà niêng của Vũ Hạnh, Pao Sử trongTrăng non và Châu Quán Lồ trong Vùng biên ải của Ma Văn Kháng. Ông Chúp có bản năng bén nhạy của loài cầm thú đến mức “nghe được cả đất trời biến chuyển, qua lớp da lông khắp trên thân thể mình" và "nghe được mùi da của rắn, tiếng động của rắn từ xa". Châu Quán Lồ lại nhận ra được ngay mùi con thú lẫn với mùi tanh ngái của nấm độc và rêu mốc, mắt tinh hơn cú, nhịn ăn mà vác được con hổ gần hai tạ đi xuyên núi, “mũi liên hồi đánh hơi”. Thầy cúng Pao Sử, tuy bản năng rừng rú mờ nhạt hơn, nhưng cũng “nhiều lúc như giao hoà, tan biến với thiên nhiên, cây cỏ, chẳng quan tâm tới những việc đời khác”. Ngay một chủ tịch xã như ông Roạn trong Mũi tên ám khói của Ma Trường Nguyên cũng có biểu hiện của thiên nhiên hoá, yêu rừng đến mức muốn ôm hôn từng gốc cây chiếc lá và quên cả thân mình để hoà vào sự sống của thiên nhiên. Phần lớn những con người mang cảm hứng "hoá thân vào chốn thâm nghiêm đầy mộng mị của rừng già" (Rừng già - Trung Trung Đỉnh) này là những người sống trong sạch, không vụ lợi, ít nhiều thoát tục và lấy thiên nhiên làm ý nghĩa cuộc sống. Trong các tác phẩm kể trên, Cô gái xà niêng của Vũ Hạnh là tiểu thuyết thể hiện sâu đậm tư tưởng thoát li, lánh đời và khát vọng đồng hoá với tự nhiên cao độ. Trong bối cảnh tiểu thuyết là những năm Sài Gòn ở chế độ cũ, con người không chấp nhận xã hội thực dân tàn ác, sa đoạ, giả dối đã tìm đến với thiên nhiên như một cuộc chạy trốn. Tình yêu nơi hoang dã của nhân vật chính với cô người rừng thuộc loài xà niêng là biểu hiện của sự đi đến tận cùng tự nhiên, phá bỏ mọi ranh giới người - thú, hoà hợp sâu sắc với tự nhiên. Ở tiểu thuyết khác,Lửa rừng (hay Chuyện nàng Y Kla), Vũ Hạnh cũng thể hiện tình yêu máu thịt, có lúc như điên cuồng của con người đối với môi trường tự nhiên vùng núi. Các tiểu thuyết này và truyện ngắn Mùa xuân trên đỉnh non cao cho thấy một đặc điểm của văn xuôi Vũ Hạnh là nhà văn hay đặt thế giới tự nhiên trong sự so sánh với xã hội loài người, cũng như đặt miền núi với miền xuôi trong thế tương phản, đối lập. Trong cái nhìn về cơ bản mang tính biện chứng, Vũ Hạnh vẫn có thiên hướng đề cao thế giới tự nhiên thanh thản, trong sạch mà khinh thường mặt thấp hèn của xã hội con người. Sự đồng hoá con người và tự nhiên đến độ sâu thẳm nhất có lẽ vẫn là ở những trang viết về Tây Nguyên, nơi con người đã bao đời coi rừng là bản nguyên, tâm linh, cội nguồn văn hoá. Ở đây, không chỉ con người được thiên nhiên hoá mà thiên nhiên cũng được người hoá. Bằng thủ pháp nhân hoá được vận dụng thường xuyên, thiên nhiên trong tác phẩm của Nguyên Ngọc trở nên đặc biệt sinh động, hấp dẫn và gần gũi, thân thuộc với con người: "Nước chảy gặp hòn đá, nó tức quá, sôi bọt lên trắng xoá"; "Tự nhiên trên đỉnh núi Chư Lây tảng đá to nhất nổi giận. Trước tiên, nó xô mấy miếng đất dưới chân nó ra. Nó chuyển mình, rồi bất thình lình nó lật ngược và vụt chạy xuống núi. Nó chạy mau không thể cái gì chạy theo kịp. Nó bẻ gãy hết cây nào cản đường nó. Gặp con thú, nó đấm một cái, con thú chết bẹp ngay. Đến giữa đường, gặp đá bạn, đá con, nó thúc mỗi đứa một cái, tất cả đá ùa nhau chạy theo nó. Thôi thì cả núi rừng rung lên ào ào, đất thành khói đỏ bay mù mịt" (Đất nước đứng lên). Phép nhân hoá này đã lột tả cách nghĩ, cách nói mang quan niệm vạn vật hữu linh của người Tây Nguyên. Suốt đời sống giữa thiên nhiên, người Tây Nguyên tin rằng trong mọi vật đều có linh hồn như con người: "Những đêm mưa to gió lớn, đốt lửa ngồi trong nhà rông, bok Sung thường kể cho con cháu nghe những câu chuyện về núi, rừng, trời, đất, sông, nước. Tất cả những thứ đó, bok Sung kể, không phải là vô tri vô giác đâu. ( ) Gió thì như anh chàng suốt lúa ăn no rồi cầm ná đi săn trong núi, khi thì chạy mau khi thì đi rón rén, rình mò từng gốc cây, nói thì thầm, sợ con thú rừng nghe nó chạy mất. Đá thì lười biếng, quanh năm nằm ì một chỗ, không muốn đi đâu…" (Đất nước đứng lên). Sự đồng hoá triệt để thiên nhiên với con người trong bút pháp Nguyên Ngọc đã minh chứng cho một nhận định của ông: "Có lẽ trước hết là ở đây con người hài hoà gần như tuyệt đối với tự nhiên, với thiên nhiên, con người đồng hoá mình với thiên nhiên và đồng hoá thiên nhiên với mình, gần như không có chút cách biệt, chút ranh giới nào. Thiên nhiên cũng hữu trí, hữu tình như con người và con người lại cũng vô trí, vô tình như thiên nhiên. Đây là một thế giới sống động lạ thường, trong đó con người vì gắn liền khăng khít, thân tình hoà hợp đến cùng với tự nhiên, cho nên nó cũng được hưởng tất cả sức mạnh và vẻ đẹp có khi như man dại của chính tự nhiên. ( ) Và trong con người ở đây trong sạch, lành mạnh, tự do, thanh thản như chính thiên nhiên vậy. Ở Tây Nguyên mối quan hệ hài hoà đến tuyệt đối, tuyệt diệu giữa tự nhiên và con người bao trùm, chi phối sâu sắc tất cả các mối quan hệ khác, kể cả những mối quan hệ xã hội phức tạp nhất" (4) . 3. Quan hệ con người - tự nhiên và quan niệm nhân quả Có thể nói, quy luật nhân quả trong quan hệ giữa con người và tự nhiên đã tồn tại từ xa xưa trong lịch sử tự nhiên và lịch sử loài người. Tự nhiên là tiền đề cho sự tồn tại và phát triển của con người, và “chừng nào mà loài người còn tồn tại thì lịch sử của họ và lịch sử tự nhiên quy định lẫn nhau” (Marx), nhưng trong quá trình tác động vào các hệ sinh thái con người nhiều khi đã lạm dụng tự nhiên. Thực tiễn cho thấy nếu con người tác động theo đúng quy luật sẽ làm cho tự nhiên ngày càng phong phú và thân thiện, ngược lại nếu tác động trái quy luật sẽ làm mất đi sự cân bằng sinh thái và tự nhiên sẽ trở thành thù địch với con người. Do đó con người không thể chỉ biết chinh phục tự nhiên mà phải biết sống nương theo nó, xác lập một thái độ sống có văn hoá đối với nó. Trong văn xuôi miền núi, hai mặt của quy luật nhân quả được thể hiện rất rõ. Mặt thứ nhất (báo oán): kẻ nào xâm hại vào thế giới tự nhiên sẽ bị quả báo, từ đây hình thành trong nhiều tác phẩm môtíp sự báo thù của tự nhiên. Trước Cách mạng, trong một số truyện đường rừng của Lan Khai, Lý Văn Sâm, Đỗ Huy Nhiệm đã xuất hiện môtíp này với những nhân vật ham giết hại động vật hoang dã như hổ, rắn đã bị chúng trả thù mà mất mạng hoặc mang tật suốt đời. Sau này, La Quán Miên là người phát ngôn tiêu biểu cho quan niệm nhân quả với hàng loạt truyện ngắn. Sự báo thù trong truyện của ông xuất hiện ở nhiều dạng thức, có thể là sự trừng phạt trực tiếp, tức thời, sòng phẳng từ phía tự nhiên đối với con người: lão Xía Ki bắt hổ con và rình bắn hổ mẹ, bị oai hổ nạt chết, chết rồi hổ còn bới mộ moi xác (Hổ báo thù), Ải Nám bắn mẹ con nhà gấu, bị gấu đánh rách mặt (Vận may của người thợ săn); có thể như một sự ngẫu nhiên đưa lại: người đàn ông đang nhằm bắn con khỉ đột nhiên bị vấp ngã gẫy nỏ, què chân (Người bán khỉ). Đặc biệt, sự quả báo thường mang sắc thái huyền bí, linh thiêng như đến từ một thế lực siêu nhiên vô hình nào đó mà con người không lường trước được. Người miền núi từng giải thích đó là oan hồn của giới tự nhiên, như lời khuyên của bố anh Ài Dôi trước khi mất: “Săn bắn không phải là nghề để sống. Con cần phải “làm ăn, làm mặc”. Săn bắn, giết chóc nhiều thì oan hồn của chim, thú không để con yên đâu!” (Bản nhỏ tuổi thơ). Ở đây, mối quan hệ con người - tự nhiên đã được thần bí hoá trong ý thức tâm linh với sự đề cao sức mạnh của tự nhiên, tôn trọng quyền sống của tự nhiên và đặt tự nhiên trong thế bình đẳng với xã hội loài người. Là nhà văn ít nhiều có sự ảnh hưởng của Phật giáo, Nguyễn Huy Thiệp cũng thể hiện đậm nét quan niệm nhân quả trong một số truyện viết về miền núi của mình. Muối của rừng kể chuyện ông Diểu vào rừng bắn khỉ, vì truy bức gia đình nhà khỉ mà bản thân ông liên tiếp gặp những rủi ro vừa ngẫu nhiên vừa ma quái làm mất sạch cả súng ống và trang phục. Kết truyện, ông thất bại trắng tay, trần truồng cô độc đi dưới màn mưa – một hình thức quả báo tương đối nhẹ nhàng nhưng ám ảnh. Các truyện Con thú lớn nhất và Sói trả thù trong Những ngọn gió Hua Tát dữ dội hơn: những kẻ đi săn không biết điểm dừng đã phải trả giá bằng mạng sống của người thân và chính mình một cách bi thảm. Sự quả báo ở đây cũng vậy, vừa là hiện thực trần trụi, vừa mơ hồ phảng phất tâm linh: lão thiện xạ từng là hiện thân của thần Chết đối với muông thú, không hiểu sao lại bắn nhầm phải mụ vợ, đành cay đắng mà tự kết liễu “con thú lớn nhất” là chính mình. Hay thằng bé con ông trùm thợ săn bị sói trả thù đúng vào ngày nó được cúng ma để bước sang tuổi mười ba: “Vết máu đỏ từ miệng thằng San thức tỉnh từ trong tiềm thức mơ hồ của con dã thú một điều gì đấy. Nó chồm lên nhe hàm răng nhọn và trắng nhởn tớp vào giữa cổ thằng San nơi có những vệt lang ben mờ mờ. Người nhà ông Nhân hốt hoảng chạy lại. Con chó sói như điên dại không buông tha thằng bé. Nó cắn, cào, nhay, nhá, nó rứt từ cổ thằng San ra từng mảnh thịt, từng sợi gân và dây chằng bê bết máu…”. Hành động bất ngờ của người trùm thợ săn (không giết mà giải phóng con sói) cho thấy ông đã bừng ngộ trước quy luật sòng phẳng nghiệt ngã - khi tự nhiên bị con người dồn đến giới hạn cuối cùng sẽ phản ứng lại bằng những hận thù ghê gớm mà hậu hoạ có thể chờ đợi họ ở nhiều năm sau. Mặt thứ hai (báo ân) của quy luật nhân quả trong quan hệ con người - tự nhiên được La Quán Miên và Nguyễn Huy Thiệp chứng minh bằng những hình tượng mang ý nghĩa tương phản với các hình tượng trên: những người sống nhân hậu, tôn trọng tự nhiên sẽ luôn được bình an. Đó là “tình yêu của hổ” (trong truyện cùng tên của La Quán Miên) dành cho cô gái đã từng cứu chú hổ con mắc bẫy năm nào, hay sự xuất hiện của hoa tử huyền như điềm báo của thanh bình, may mắn ở những câu kết trong Muối của rừng là phần thưởng cho ông Diểu sau khi ông động lòng trắc ẩn mà phóng sinh cho con khỉ “tù binh”. Tất cả những hiện tượng ân oán đầy bí ẩn được văn học miền núi tái hiện kia ít nhiều chứng minh một quan niệm đã có từ Aristote: trong tự nhiên sẵn có những quy luật, luật lệ và công lí của nó. Luật của tự nhiên (tiếng latin: jus naturale) là quy luật tồn tại độc lập với những luật lệ được đặt ra bởi xã hội con người. Lí thuyết về nó được Aristote đề cập lần đầu tiên, khi ông cho rằng pháp luật của con người phải tuân theo luân lí và sự hài hoà của trật tự tự nhiên. Trong văn xuôi miền núi, cùng với La Quán Miên và Nguyễn Huy Thiệp, Hà Thị Cẩm Anh là cây bút có ý thức tuyên ngôn về mối quan hệ hoà hợp con người - tự nhiên và đặt ra vấn đề bảo vệ thiên nhiên một cách rõ ràng, kiên quyết. Truyện của nhà văn dân tộc Mường này có môtíp: con người đến với thiên nhiên để tìm một chỗ dựa tinh thần khi bản thân bị cộng đồng xa lánh, hắt hủi, và khi đó họ trở thành người tình nguyện bảo vệ thiên nhiên. Trong Như gốc gội xù xì, cây gội già nua dị dạng hiện thân như một nhân vật độc đáo vỗ về, an ủi cô gái tật nguyền, và cô đã lặng lẽ yêu thương chăm sóc rừng, lặng lẽ một mình chống lại bọn lâm tặc. Trong Quả còn, người đàn bà bị coi là vợ ma vào rừng làm bạn với khỉ và bướm để quên đi cuộc đời thực của mình, và "chỗ nào có dấu chân người đàn bà đó thì không ai dám phá rừng. Không ai dám săn bắn những con thú". Luật nhân quả (mặt báo ân) ứng nghiệm ở cuối các truyện, khi hạnh phúc đã tìm đến với cả hai nhân vật nữ có lòng từ ái này. Nhân quả (mặt báo oán) trong Con đường dài lắm lại là thực tế đau lòng xảy ra bởi nạn đốt rừng làm rẫy: núi lở vùi lấp nửa làng, lũ quét, người chết mất xác, “đau thương trùm lên trắng xoá cả Mường Dồ”. Thông điệp bảo vệ môi trường sinh thái được đưa ra khẩn thiết với lời cảnh báo trước tình trạng mọi làng bản, người dân "đều theo ngọn lửa đốt rừng mà sống. Nhưng chẳng ai quan tâm xem có phải mình đang hủy hoại cuộc sống của chính mình?". Tín hiệu cứu nạn từ truyện ngắn Hà Thị Cẩm Anh là mối quan hoài thường trực mang tính quốc tế của tất cả những con người có nhận thức và lương tri hiện nay về vấn đề văn hoá sinh thái - nhân văn. Nhiều năm nay, thay vì sự bao dung của người mẹ hiền, tự nhiên đã nổi giận. Đòi hỏi của con người đã vượt quá khả năng cho phép và sức chịu đựng của sinh giới. Loài người cần phải thay đổi phương thức quan hệ từ xin - cho (cao hơn, là tước đoạt) sang vay - trả đối với giới tự nhiên, khi mà quan hệ xin - cho dưới hình thức săn bắt, hái lượm đã tồn tại trong suốt thuở ấu thơ dài dặc của loài người, đến nay vẫn chưa chấm dứt ở nhiều nơi trên địa cầu thuộc địa bàn miền núi. Đã quá đủ dữ kiện để cho con người nhận thức rằng, dù nhân loại phát triển tới đâu, con người vẫn luôn chỉ là một bộ phận của tự nhiên, và sự chung sống hài hoà giữa con người và tự nhiên là một giá trị vĩnh hằng. Từ các cấp độ đã khảo sát ở trên, có thể khẳng định mối quan hệ con người - tự nhiên là một trong những vấn đề được thể hiện sâu sắc nhất trong văn xuôi dân tộc và miền núi. Nhiều tác phẩm đã cho thấy trong quá trình sống lâu dài của mình, về cơ bản con người miền núi luôn tìm cách sống hoà hợp với tự nhiên, tìm tiếng nói chung đồng điệu với tự nhiên, thậm chí coi tự nhiên như một bản thể thứ hai của mình. Mối quan hệ ấy luôn mang tính biện chứng, hai chiều, bền vững và sâu nặng. Ngày nay, trước nhu cầu nóng bỏng của nhân loại về cải thiện môi trường sinh thái, khát vọng về mối giao hoà vĩnh cửu giữa con người và thiên nhiên được phản ánh trong văn học càng thể hiện rõ rệt ý nghĩa thực tiễn và tính thời sự của nó . Quan hệ con người – tự nhiên trong văn xuôi miền núi 2. Con người - tự nhiên và khát vọng đồng hoá Ở cấp độ này, quan hệ giữa con người miền núi với môi trường. mối quan hệ khác, kể cả những mối quan hệ xã hội phức tạp nhất" (4) . 3. Quan hệ con người - tự nhiên và quan niệm nhân quả Có thể nói, quy luật nhân quả trong quan hệ giữa con người và tự. chính tự nhiên. ( ) Và trong con người ở đây trong sạch, lành mạnh, tự do, thanh thản như chính thiên nhiên vậy. Ở Tây Nguyên mối quan hệ hài hoà đến tuyệt đối, tuyệt diệu giữa tự nhiên và con người