CHƯƠNG TÁM CÁC ĐỊNH NGHĨA, NHỮNG ĐIỀU HẠN CHẾ VÀ Ý NGHĨA CỦA NGHIÊN CỨU Việc sử dụng lý thuyết thực tế là ấn định giới hạn phạm vi của công trình nghiên cứu nếu các nhà nghiên cứu sử dụng lý thuyết ngay từ lúc đầu, và lý thuyết kéo các tham số (thông số) đến xung quanh lời giải thích nếu các nhà nghiên cứu sử dụng lý thuyết vào lúc cuối. Nhà nghiên cứu cần phải ấn định giới hạn của đề án nghiên cứu sao cho người đọc hiểu được các tham số của đề án. Bốn đề tài truyền đạt các tham số này trong một đề án nghiên cứu: các định nghĩa (definitions), các giới hạn được ấn định (delimitations), những điều hạn chế (limitations), và ý nghĩa (significance) của công trình nghiên cứu. Với những ranh giới này, nhà điều tra làm rõ các thuật ngữ được sử dụng, thu hẹp phạm vi của một công trình nghiên cứu, gợi ý những điểm yếu tiềm tàng, và xác định tầm quan trọng của một dự án nghiên cứu đối với các khán giả khác nhau. Trong nhiều đề án nghiên cứu làm luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ, các sinh viên bao gồm các thành phần này vào một phần tách biệt rõ rệt của đề án nghiên cứu. Trong các bài báo trên các tập san, các định nghĩa thường được chứa đựng trong các phần giới thiệu của công trình nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu viết các bài báo trên tập san có thể đưa các giới hạn được ấn định và những điều hạn chế vào các phần trình bày phương pháp và đưa nội dung thảo luận về ý nghĩa vào phần giới thiệu. Mặc dù các thành phần này có thể không cần thiết trong tất cả công trình nghiên cứu, có thể thay đổi trong cách xếp đặt vị trí theo cấu trúc, và có thể không được trình bày trong các phần riêng biệt, nhưng điều quan trọng là xem xét những quyết định thiết yếu cho việc thiết kế các thành phần này để đưa vào công trình nghiên cứu. ĐỊNH NGHĨA VỀ CÁC THUẬT NGỮ Các nhà nghiên cứu định nghĩa các thuật ngữ sao cho người đọc có thể hiểu được nghĩa chính xác của các thuật ngữ. Trong Chương 5, “các bản gốc” của lời phát biểu mục đích nghiên cứu có bao gồm một định nghĩa ngắn gọn về các biến quan trọng hay các hiện tượng chủ yếu. Bây giờ, các định nghĩa có thể được trình bày chi tiết hơn trong một phần riêng biệt của đề án nghiên cứu. Những Thuật ngữ cần Định nghĩa Định nghĩa những thuật ngữ mà các cá nhân ở ngoài lĩnh vực nghiên cứu không thể hiểu được và vượt ra ngoài ngôn ngữ thông thường (Locke và những người khác, 2000). Rõ ràng là, liệu có nên định nghĩa một thuật ngữ nào đó hay không là vấn đề về phán đoán. Một nguyên tắc dựa theo kinh nghiệm là nên định nghĩa một thuật ngữ nếu có khả năng xảy ra việc người đọc sẽ không hiểu nghĩa của thuật ngữ này. Chúng ta cũng định nghĩa các thuật ngữ khi chúng xuất hiện lần đầu tiên, sao cho một người đọc không đọc và diễn giải trước hoạt động của đề án nghiên cứu với một tập hợp định nghĩa để rồi sau đó phát hiện ra rằng tác giả đang sử dụng một tập hợp định nghĩa khác chứ không như mình đã nghĩ. Như Wilkinson (1991) đã nhận xét, “các nhà khoa học đã định nghĩa một cách rõ ràng các thuật ngữ mà với các thuật ngữ này có thể suy nghĩ một cách rõ ràng về nghiên cứu của họ và truyền đạt những kết quả tìm thấy và các ý tưởng của họ một cách chuẩn xác.” (trang 22). Việc định nghĩa các thuật ngữ cũng 130 làm tăng thêm tính chính xác cho một công trình nghiên cứu khoa học, như Firestone (1987) đã phát biểu: Từ ngữ trong ngôn ngữ hằng ngày có rất nhiều nghĩa. Giống như những ký hiệu khác, sức mạnh của từ ngữ bắt nguồn từ sự kết hợp của nghĩa trong một ngữ cảnh cụ thể . . . Ngôn ngữ khoa học bề ngoài là cởi bỏ tính nhiều nghĩa này khỏi các từ ngữ nhằm có được tính chính xác. Đây là lý do tại sao các thuật ngữ thông thường được định rõ “những nghĩa chuyên môn, kỹ thuật” nhằm các mục đích khoa học (trang 17) Do yêu cầu về tính chính xác này, nên ta tìm thấy các thuật ngữ được trình bày sớm trong phần giới thiệu của các bài báo. Trong các đề án làm luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ, các thuật ngữ thường được định nghĩa trong một phần đặc biệt của công trình nghiên cứu. Cơ sở lý lẽ biện minh cho điều này là trong nghiên cứu chính thức, sinh viên phải chính xác trong cách thức họ sử dụng ngôn ngữ và thuật ngữ. Yêu cầu phải dựa các ý tưởng trên cơ sở những định nghĩa chính thức và đáng tin cậy tạo nên kỹ năng chuyên môn tốt. Định nghĩa các thuật ngữ khi các thuật ngữ này được đưa vào sử dụng lần đầu tiên trong tất cả các phần của kế hoạch nghiên cứu. Định nghĩa các thuật ngữ mà người đọc không hiểu, như được tìm thấy trong những phần sau đây: • Nhan đề của công trình nghiên cứu. • Lời phát biểu mục đích nghiên cứu. • Các câu hỏi nghiên cứu, các giả thuyết hay các mục tiêu. • Xem xét lại tài liệu. • Cơ sở lý thuyết của công trình nghiên cứu. • Phần trình bày các phương pháp. Những thuật ngữ đặc biệt cần được định nghĩa xuất hiện trong các công trình nghiên cứu định tính, định lượng và theo các phương pháp hỗn hợp. Trong các công trình nghiên cứu định tính, do thiết kế theo phương pháp luận phát triển dần dần, có tính qui nạp, các nhà điều tra có thể định nghĩa ít thuật ngữ trong đề án nghiên cứu. Thay vào đó, trong công trình nghiên cứu cuối cùng, họ định nghĩa các thuật ngữ đã nảy sinh trong suốt quá trình thu thập dữ liệu. Trong một kế hoạch nghiên cứu định tính, tác giả có thể đưa ra các định nghĩa “tạm thời hay thăm dò” (“tentative”). Thí dụ, trong một nghiên cứu tình huống định tính, các chủ đề (hay các quan điểm hay các khía cạnh) mới nổi lên (mới được biết đến) thông qua việc phân tích dữ liệu. Trong phần trình bày thủ tục, tác giả định nghĩa các thuật ngữ khi các thuật ngữ này mới nổi lên trong các công trình nghiên cứu. Như thế, cách tiếp cận này là trì hoãn việc định nghĩa các thuật ngữ cho đến khi chúng xuất hiện trong công trình nghiên cứu. Điều này làm cho các nhà nghiên cứu khó bao gồm vào trong đề án nghiên cứu các định nghĩa tiên nghiệm (a priori definitions) trong các công trình nghiên cứu định tính. Vì lý do này, các đề án nghiên cứu định tính thường không bao gồm các phần riêng biệt về “định nghĩa các thuật ngữ”, thay vào đó các tác giả đưa ra các định nghĩa định tính tạm thời mà họ sử dụng trước khi họ đi vào môi trường thực địa để thu thập thông tin. 131 Mặt khác, các công trình nghiên cứu định lượng – hoạt động với mức độ nhiều hơn trong hệ phương pháp mô hình suy diễn về các mục tiêu nghiên cứu cố định và được ấn định – bao gồm các định nghĩa rộng rãi ở phần đầu của đề án nghiên cứu. Các nhà điều tra xếp đặt các định nghĩa rộng rãi này vào phần riêng biệt trong các đề án nghiên cứu và định nghĩa một cách chính xác các thuật ngữ. Các nhà nghiên cứu cố gắng định nghĩa một cách toàn diện tất cả các thuật ngữ liên quan ngay phần đầu của các công trình nghiên cứu và sử dụng các định nghĩa đã được chấp nhận tìm thấy trong tài liệu. Trong các công trình nghiên cứu theo các phương pháp hỗn hợp, cách tiếp cận đối với các định nghĩa của thuật ngữ có thể là đưa vào một phần riêng biệt nếu công trình nghiên cứu bắt đầu bằng việc thu thập dữ liệu định lượng. Nếu công trình nghiên cứu bắt đầu bằng việc thu thập dữ liệu định tính, thì các thuật ngữ sẽ xuất hiện trong suốt nghiên cứu và sẽ được định nghĩa ở phần trình bày những điều tìm ra hay những kết quả của công trình nghiên cứu cuối cùng. Nếu việc thu thập dữ liệu cả định lượng lẫn định tính xảy ra đồng thời, thì ưu tiên được dành cho cách tiếp cận nghiên cứu định lượng hay định tính sẽ chi phối việc liệu các nhà nghiên cứu sử dụng cách tiếp cận định lượng hay định tính đối với các định nghĩa. Tất cả các công trình nghiên cứu theo các phương pháp hỗn hợp đều có sử dụng những thuật ngữ có thể không quen thuộc đối với người đọc. Thí dụ về cách xếp đặt các định nghĩa trong công trình nghiên cứu theo các phương pháp hỗn hợp là bao gồm định nghĩa vào phần thảo luận về thủ tục nghiên cứu (xem Chương 11). Ngoài ra, hãy làm rõ các thuật ngữ liên quan đến loại chiến lược nghiên cứu theo các phương pháp hỗn hợp được sử dụng trong công trình nghiên cứu, như là xảy ra đồng thời hay theo trình tự, và tên gọi rõ ràng của chiến lược đó (thí dụ, mô hình tam giác đạc xảy ra đồng thời, như sẽ được thảo luận trong Chương 11). Tuy không một cách tiếp cận nào chi phối cách thức người ta định nghĩa các thuật ngữ trong một công trình nghên cứu, nhưng có một số đề nghị sau đây dựa vào những đề xuất được tìm thấy trong Locke và những người khác (2000): • Hãy định nghĩa một thuật ngữ khi thuật ngữ này xuất hiện lần đầu tiên trong đề án nghiên cứu. Thí dụ, trong phần giới thiệu công trình nghiên cứu, một thuật ngữ có thể cần định nghĩa để giúp người đọc hiểu được vấn đề nghiên cứu và các câu hỏi nghiên cứu hay các giả thuyết trong công trình nghiên cứu. • Hãy viết các định nghĩa ở cấp độ hoạt động cụ thể hay ứng dụng. Các định nghĩa hoạt động (operational definitions) được viết ra bằng ngôn ngữ cụ thể chứ không phải là trừu tượng hay dựa trên khái niệm. Bởi vì phần định nghĩa trong một luận án tiến sĩ tạo cơ hội cho tác giả trình bày cụ thể, rành mạch về các thuật ngữ được sử dụng trong công trình nghiên cứu của mình, nên người ta ưa thích các định nghĩa hoạt động hơn, đặc biệt là trong các đề án làm luận án tiến sĩ. • Đừng định nghĩa các thuật ngữ bằng ngôn ngữ thông thường hàng ngày; thay vào đó, hãy sử dụng ngôn ngữ đã được chấp nhận, có sẵn trong tài liệu nghiên cứu. Theo cách này, các thuật ngữ dựa trên cơ sở tài liệu và không phải được sáng chế ra (Locke và những người khác, 2000). Có thể là định nghĩa chính xác về một thuật ngữ không có sẵn trong tài liệu và sẽ cần phải sử dụng các định nghĩa được tạo ra từ ngôn ngữ thông thường hàng ngày. Trong trường hợp này, hãy đưa ra một định nghĩa và sử dụng định nghĩa này một cách nhất quán trong suốt kế hoạch và công trình nghiên cứu (Wilkinson, 1991). • Các nhà nghiên cứu có thể định nghĩa các thuật ngữ với những chủ đích khác nhau. Một định nghĩa có thể mô tả một từ ngữ trong ngôn ngữ thông thường (thí dụ “tổ chức”). Một định nghĩa cũng có thể được ghép đôi với một điều kiện hạn chế, chẳng hạn như “Chương trình giảng dạy sẽ được giới hạn trong những hoạt động hậu học đường nào mà Sách 132 Hướng dẫn của Khu vực Trường học liệt kê là đã được chấp thuận đối với học sinh trung học”. (Locke và những người khác, 2000, trang 124). Định nghĩa có thể thiết lập một tiêu chí sẽ được sử dụng trong công trình nghiên cứu, như là “Điểm số trung bình cao có nghĩa là GPA (Điểm số Trung bình) tích lũy là 3,7 hoặc cao hơn, trên thang đo 4 điểm”. Một định nghĩa cũng có thể giải thích rõ một thuật ngữ về mặt hoạt động liên quan đến việc sử dụng thuật ngữ này trong công trình nghiên cứu, chẳng hạn như “Sự tăng cường sẽ đề cập đến thủ tục đưa một danh sách tất cả các hội viên của câu lạc bộ vào trong tờ báo của trường, cung cấp thẻ ra vào hội trường cho các hội viên, và liệt kê danh vị hội viên câu lạc bộ trên các học bạ của trường. (Locke và những người khác, 2000, trang 124). • Mặc dù không có một định dạng duy nhất nào cho việc định nghĩa các thuật ngữ, nhưng có một cách tiếp cận là hình thành một phần riêng biệt (gọi là “Định nghĩa về các Thuật ngữ”) và nêu rõ các thuật ngữ và các định nghĩa của thuật ngữ bằng cách in đậm hay làm nổi bật bằng cách tô sáng mỗi thuật ngữ. Theo cách này, từ ngữ được định cho một nghĩa không thay đổi (Locke và những người khác, 2000). Thông thường, phần riêng biệt “Định nghĩa về các Thuật ngữ” này không dài hơn hai hay ba trang. Hai thí dụ dưới đây minh họa những cấu trúc khác nhau cho việc định nghĩa các thuật ngữ trong một công trình nghiên cứu. Thí dụ 8.1 Các Thuật ngữ được Định nghĩa trong một Luận án Tiến sĩ theo các Phương pháp Hỗn hợp. Thí dụ thứ nhất minh họa định nghĩa dài về các thuật ngữ được trình bày trong một công trình nghiên cứu theo các phương pháp hỗn hợp. Định nghĩa này được đặt trong một phần riêng biệt của Chương 1, chương này giới thiệu về công trình nghiên cứu. VanHorn – Grassmeyer (1998) đã nghiên cứu về việc 119 nhà chuyên môn mới về vấn đề của sinh viên tại các trường, viện đại học tham gia như thế nào vào sự suy tưởng, hoặc là một cách cá nhân hoặc theo cách cộng tác. Bà vừa tiến hành cuộc điều tra về các nhà chuyên môn mới này vừa tiến hành các cuộc phỏng vấn có chiều sâu với họ. Bởi vì bà nghiên cứu sự suy tưởng cá nhân và có tính cộng tác giữa các nhà chuyên môn về vấn đề của sinh viên, nên bà đã đưa ra những định nghĩa chi tiết về các thuật ngữ này trong phần đầu của công trình nghiên cứu. Tôi xin minh họa hai trong số các thuật ngữ của bà dưới đây. Hãy lưu ý cách thức bà đưa ra những định nghĩa của bà với sự tham khảo những nghĩa được các tác giả khác hình thành trong tài liệu. Suy tưởng Cá nhân (Individual Reflection) Schon (1983) dành trọn một cuốn sách để viết về những khái niệm ông gọi là tư duy có tính suy tưởng, sự suy tưởng-trong-hành động, và thực hành suy tưởng; cuốn sách này được viết sau khi ông đã cùng vớI Argyris viết toàn bộ một cuốn sách một thập niên trước đó (Argyris & Schon, 1978) để giới thiệu về những khái niệm nói trên. Vì thế cho nên, một định nghĩa súc tích về cách giải thích của nhà nghiên cứu này về suy tưởng cá nhân vốn đánh giá đúng điều mà trước đây đã được xác định một cách thích hợp nhất như là một hành động theo trực giác, thật là khó đạt được. Tuy nhiên, những đặc điểm nổi bật nhất của sự suy tưởng cá nhân đối với những mục đích của công trình nghiên cứu này là ba đặc điểm sau đây: a) một “nghệ thuật của thực hành (Schon, 1983),” b) người ta thực hành một cách công khai những gì người ta biết theo trực giác ra sao, và c) một nhà chuyên môn nâng cao việc thực hành như thế nào thông qua sự nghị luận chín chắn trong trí óc. Nhà Chuyên môn về những Vấn đề của Sinh viên (Student Affairs Professional) 133 Một nhà chuyên môn đã được mô tả theo nhiều cách. Một cách mô tả xác định nhà chuyên môn là một cá nhân thể hiện “một mức độ cao về khả năng phán đoán độc lập, dựa trên một khối lượng lớn ý tưởng, quan điểm, thông tin, chuẩn mực, tập quán [và cá nhân này (đã) tham gia vào] việc hiểu biết về chuyên môn (Baskett và Marsick, 1992, trang 3)”. Một nhà chuyên môn về những vấn đề của sinh viên thể hiện những phẩm chất như thế trong việc phục vụ sinh viên ở môi trường đại học, trong bất cứ chức năng nào trong số các chức năng hỗ trợ cho sự thành công về học thuật và về chương trình giảng dạy chung. Thí dụ 8.2. Các Thuật ngữ được Định nghĩa trong một Phần trình bày các Biến Độc lập của một Luận án Tiến sĩ theo cách Tiếp cận Định lượng. Thí dụ thứ hai này minh họa một hình thức rút ngắn của việc viết các định nghĩa cho một công trình nghiên cứu. Hơn nữa, định nghĩa thứ nhất minh họa một định nghĩa hoạt động cụ thể của một thuật ngữ then chốt trong công trình nghiên cứu, và định nghĩa thứ hai là định nghĩa về thủ tục của một thuật ngữ then chốt. Vernon (1992) đã nghiên cứu việc ly hôn của thế hệ ở giữa tác động đến mối quan hệ của ông bà nội, ngoại với các cháu nội, ngoại của họ như thế nào (Vernon, 1992). Các định nghĩa sau đây được đưa vào phần trình bày các biến độc lập. Quan hệ Họ hàng với Cháu Quan hệ họ hàng đối với cháu đề cập đến việc ông bà là ông bà ngoại hay ông bà nội. Nghiên cứu trước đây (thí dụ, Cherlin và Furstenberg, 1986) gợi ý rằng ông bà ngoại có khuynh hướng gần gũi hơn với các cháu ngoại của họ. Giới tính của Ông Bà Việc liệu ông bà (grandparent) là bà (grandmother) hay ông (grandfather) đã được phát hiện là một yếu tố trong mối quan hệ ông bà/cháu (nghĩa là bà nội và bà ngoại có khuynh hướng gần gũi với cháu nhiều hơn ông nội và ông ngoại, điều này được cho là liên quan đến vai trò gìn giữ gia quyến của phụ nữ trong gia đình (thí dụ, Hagestad, 1988). (Vernon, 1992, các trang 35-36). GIỚI HẠN ĐƯỢC ẤN ĐỊNH VÀ ĐIỀU HẠN CHẾ Đối với một công trình nghiên cứu còn có thêm hai tham số thiết lập các ranh giới, các ngoại lệ, những điều dè dặt, những điều hạn chế vốn có trong mọi công trình nghiên cứu: đó là các giới hạn được ấn định (deliminations) và các điều hạn chế (limitations) (Castetter và Heisler, 1977). Những tham số này được tìm thấy trong các đề án nghiên cứu định tính, định lượng và theo các phương pháp hỗn hợp. • Hãy sử dụng những giới hạn được ấn định trước để thu hẹp phạm vi của một công trình nghiên cứu. Thí dụ, phạm vi có thể tập trung vào những biến cụ thể hay một hiện tượng chủ yếu, được giới hạn trong phạm vi những người tham gia hay các địa điểm cụ thể, rõ ràng, hay được thu hẹp trong một loại thiết kế nghiên cứu (thí dụ, nghiên cứu theo dân tộc học hay dựa trên thí nghiệm). 134 • Hãy đưa ra những điều hạn chế để xác định những điểm yếu tiềm tàng của công trình nghiên cứu. Ở giai đoạn làm đề án, thường khó xác định những điểm yếu trong công trình nghiên cứu trước khi bắt đầu nghiên cứu. Tuy nhiên, những người cố vấn thích sinh viên dự đoán những điểm yếu tiềm tàng trong các công trình nghiên cứu của mình, và sinh viên có thể xác định những điều hạn chế liên quan đến các phương pháp thu thập dữ liệu và phân tích dữ liệu trong nghiên cứu. Thí dụ, tất cả thủ tục thống kê đều có những hạn chế; các chiến lược nghiên cứu cũng có những hạn chế, chẳng hạn như các công trình nghiên cứu dựa trên cuộc điều tra hay theo lý thuyết có cơ sở. Trong những thảo luận giới thiệu về các chiến lược này, các tác giả thường đề cập đến cả những điểm mạnh lẫn những điểm yếu của chúng (thí dụ, hãy xem Creswell, 2002). Trong các bài báo trên tập san, các nhà nghiên cứu kết hợp những giới hạn được ấn định vào phần phương pháp hay thủ tục, và họ viết những điều hạn chế vào phần cuối cùng của công trình nghiên cứu của họ. Trong đề án nghiên cứu, các tác giả có thể đưa các giới hạn được ấn định và những điều hạn chế vào một phần riêng biệt; họ cũng có thể tách chúng thành hai phần nhỏ, một trình bày những giới hạn được ấn định và phần nhỏ kia trình bày những điều hạn chế. Các ủy ban hay hội đồng chấm luận án tiến sĩ và luận văn thạc sĩ đòi hỏi bao gồm các phần nói trên vào đề án nghiên cứu với mức độ khác nhau. Thí dụ 8.3. Một Giới hạn được Ấn định và một Điều Hạn chế trong Đề án Nghiên cứu làm Luận án Tiến sĩ. Sau đây là một thí dụ được lấy từ một đề án nghiên cứu làm luận án tiến sĩ về ngành y tá (Runes, 1991), và thí dụ này minh họa những đoạn diễn đạt giới hạn được ấn định và điều hạn chế. Trong đoạn thứ nhất – giới hạn được ấn định – Kunes đề xuất cách thức bà dự định thu hẹp phạm vi công trình nghiên cứu của bà. Trong đoạn thứ hai – điều hạn chế - bà chỉ ra một điểm yếu tiềm tàng trong thiết kế của công trình nghiên cứu của bà. Cả hai điểm này đã được bao gồm trong phần “Giới thiệu” của đề án nghiên cứu. Giới hạn được Ấn định Ban đầu, công trình nghiên cứu này sẽ tự giới hạn trong việc phỏng vấn và quan sát y tá điều hành về bệnh tâm thần ở một bệnh viện tâm thần tư nhân ở vùng Midwest của Hoa Kỳ. Điều Hạn chế Thủ tục lấy mẫu có mục đích này làm giảm tính khái quát của các kết quả tìm thấy. Công trình nghiên cứu này sẽ không thể khái quát hóa cho tất cả các lĩnh vực của ngành y tá. Điều Hạn chế Trong công trình nghiên cứu định tính này, các kết quả tìm thấy có thể phụ thuộc vào những cách giải thích khác. (Kunes, 1991, các trang 21-22) Ý NGHĨA CỦA CÔNG TRÌNH NGHÊN CỨU ĐƯỢC ĐỀ XUẤT 135 Trong các bản luận án tiến sĩ, các tác giả thường bao gồm một phần riêng biệt để trình bày ý nghĩa (significance) của công trình nghiên cứu đối với các nhóm khán giả chọn lọc. Bằng cách bao gồm phần này vào, tác giả tạo ra một cơ sở lý lẽ biện minh cho việc tiến hành công trình nghiên cứu và một lời phát biểu về lý do tại sao các kết quả của công trình nghiên cứu sẽ quan trọng. Phần này khai triển rộng những nhận định mở đầu về khán giả trong đoạn trình bày về “khán giả” ở phần giới thiệu (nghĩa là lời phát biểu về vấn đề), trong đó tác giả đề cập một cách ngắn gọn đến tầm quan trọng của vấn đề đối với các nhóm khán giả. Ngược lại, phần ý nghĩa của công trình nghiên cứu trình bày rất chi tiết về tầm quan trọng và những ý nghĩa hay ảnh hưởng khả dĩ của một công trình nghiên cứu đối với các nhà nghiên cứu, các nhà thực hành hay hành nghề, và các nhà lập chính sách. Trong việc thiết kế phần ý nghĩa của công trình nghiên cứu, ta có thể bao gồm: • Ba hay bốn cách mà theo đó công trình nghiên cứu bổ sung thêm cho nghiên cứu học thuật và tài liệu trong lĩnh vực đang xét. • Ba hay bốn cách mà theo đó công trình nghiên cứu giúp cải thiện sự thực hành hay hành nghề. • Ba hay bốn lý do giải thích tại sao công trình nghiên cứu sẽ cải thiện chính sách. Trong thí dụ sau đây, tác giả trình bày ý nghĩa của công trình nghiên cứu trong các đoạn mở đầu của một bài báo trên tập san. Công trình nghiên cứu này, của Mascarenhas (1989), xem xét quyền sở hữu của các doanh nghiệp công nghiệp. Tác giả xác định một cách rõ ràng các nhà lập chính sách, các thành viên của tổ chức, và các nhà nghiên cứu là khán giả của công trình nghiên cứu này. Thí dụ 8.4. Ý nghĩa của Công trình Nghiên cứu được Trình bày trong Phần Giới thiệu của một Công trình Nghiên cứu Định lượng Một công trình nghên cứu về quyền sở hữu của một tổ chức và lĩnh vực hoạt động của tổ chức này, được định nghĩa ở đây là các thị trường phục vụ, phạm vi sản phẩm, định hướng khách hàng và công nghệ áp dụng (Abell và Hammond, 1979; Abell, 1980; Perry và Rainey, 1988), thật là quan trọng vì vài lý do. Một là, việc hiểu biết các mối quan hệ giữa quyền sở hữu và các khía cạnh của lĩnh vực hoạt động có thể giúp bộc lộ logic nền tảng của các hoạt động của tổ chức và có thể giúp các thành viên của tổ chức đánh giá các chiến lược . . . Hai là, quyết định cơ bản mà tất cả xã hội phải đối mặt liên quan đến loại định chế cần khuyến khích và thực hiện đối với việc tiến hành hoạt động . . . . Kiến thức về kết quả hay tác động đối với lĩnh vực hoạt động của tổ chức của các loại quyền sở hữu khác nhau của tổ chức có thể dùng làm đầu vào cho quyết định đó . . . . Ba là, các nhà nghiên cứu thường nghiên cứu các tổ chức thể hiện một hay hai loại quyền sở hữu, nhưng các kết quả tìm thấy của họ có thể đã được khái quát hóa quá mức một cách ngầm ẩn cho tất cả tổ chức (Mascarenhas, 1989, trang 582). TÓM TẮT Các nhà nghiên cứu sử dụng những định nghĩa, những giới hạn được ấn định và những điều hạn chế, cũng như những lời phát biểu về ý nghĩa để đặt các ranh giới đối với kế hoạch nghiên cứu của họ. Các nhà nghiên cứu cần phải định nghĩa các thuật ngữ để cho biết nghĩa chính xác và rõ ràng của những từ ngữ được sử dụng trong đề án nghiên cứu. Các định nghĩa này cần phải xuất hiện khi từ ngữ được đưa vào sử dụng lần đầu tiên; nên hình thành các định nghĩa này bằng cách sử dụng những định nghĩa đã được chấp nhận trong tài liệu; nên trình 136 bày các định nghĩa này ở cấp độ hoạt động, chi tiết; nên nêu rõ các định nghĩa này, chẳng hạn như bằng cách nêu bật trong một phần riêng biệt của đề án nghiên cứu. Trong nghiên cứu định tính, nhà điều tra đưa ra những định nghĩa tạm thời để cho phép các định nghĩa mới nổi lên từ những người tham gia vào công trình nghiên cứu. Ngoài ra, các thuật ngữ này ít và thường được định nghĩa trong suốt công trình nghiên cứu được đề xuất. Trong nghiên cứu định lượng, các nhà điều tra định nghĩa nhiều thuật ngữ trong các công trình nghiên cứu của họ sao cho nhà nghiên cứu và người đọc có cùng một định nghĩa chung và nhất quán. Trong nghiên cứu theo các phương pháp hỗn hợp, các thuật ngữ có thể được nêu rõ theo cách tiếp cận phù hợp với nghiên cứu định tính hoặc nghiên cứu định lượng, tuy nhiên, điều tra theo các phương pháp hỗn hợp bày ra những thuật ngữ riêng của mình về các chiến lược, và những thuật ngữ này cần được xác định để tạo thuận lợi cho người đọc không quen thuộc với hình thức nghiên cứu này. Chuyển sang các giới hạn được ấn định (deliminations) và điều hạn chế (limitations), các giới hạn được ấn định đề cập đến cách thức công trình nghiên cứu sẽ được thu hẹp về phạm vi, trong khi những điều hạn chế xác định những điểm yếu tiềm tàng của công trình nghiên cứu. Cách xếp đặt vị trí của chúng thay đổi, từ việc tách bạch thành những phần riêng biệt (như trong một đề án nghiên cứu) đến việc kết hợp chúng vào trong các phần trình bày phương pháp và thảo luận (như trong một bài báo trên tập san). Cuối cùng, ý nghĩa của công trình nghiên cứu cần phải trình bày tầm quan trọng của công trình nghiên cứu đối với các nhóm khán giả chọn lọc. Hãy xét đến việc viết những lời phát biểu về tầm quan trọng của công trình nghiên cứu đối với các nhà nghiên cứu, các nhà thực hành hay hành nghề, và các nhà lập chính sách. Các Bài tập Trau dồi Kỹ năng Viết 19. Hãy viết phần định nghĩa cho kế hoạch nghiên cứu của Anh/Chị. Hãy sử dụng càng nhiều càng tốt các định nghĩa được cung cấp bởi các tác giả trong tài liệu 20. Hãy xác định công trình nghiên cứu của Anh/Chị sẽ được giới hạn phạm vi như thế nào. Hãy viết ba hay bốn trong số các lý do này, bao gồm việc Anh/Chị sẽ ấn định giới hạn phạm vi để tập trung vào một vấn đề cụ thể, giới hạn trong các biến nhất định hoặc các hiện tượng chủ yếu, và trong một tập hợp đặc biệt những người tham gia vào công trình nghiên cứu. 21. Hãy xác định những điều hạn chế tiềm tàng của công trình nghiên cứu của Anh/Chị. Hãy đặt trọng tâm của các điều hạn chế này vào những điểm yếu về phương pháp luận vốn có trong tất cả các thiết kế nghiên cứu. 22. Hãy viết về ý nghĩa của công trình nghiên cứu của Anh/Chị. Hãy xác định việc các nhóm khán giả khác nhau sẽ hưởng lợi từ công trình nghiên cứu này như thế nào. Hãy bao gồm những lời bình luận về ý nghĩa đối với các nhà nghiên cứu khác, các nhà thực hành, và đối với các nhà lập chính sách. BÀI ĐỌC THÊM 137 Locke, L. F. Spirduso, W. W., và Silverman, S. J. (2000). Các Đề án Nghiên cứu có hiệu quả: Hướng dẫn việc lập kế hoạch các luận án tiến sĩ và các đề án có trợ cấp (ấn bản thứ tư). Thousand Oaks, CA: Nhà Xuất bản Sage. Laurence Locke, Waneen Spirduso, và Stephen Silverman thảo luận về tầm quan trọng, trong một đề án làm luận án tiến sĩ, của việc sử dụng các từ ngữ rõ ràng và chính xác mà có định nghĩa và nghĩa không thay đổi. Các tác giả này bình luận về cách thức các từ ngữ trong nghiên cứu thường dựa vào một ngôn ngữ hệ thống của ngành hay lĩnh vực chuyên môn chứ không phải dựa vào một ngôn ngữ thông thường của vốn từ hằng ngày. Dù các nhà nghiên cứu sử dụng các từ ngữ trong ngôn ngữ thông thường hay trong ngôn ngữ hệ thống, thì các từ ngữ đều cần phải có một nghĩa duy nhất đối với các nhà nghiên cứu và đối với người đọc. Các từ ngữ phải đề cập đến một đối tượng hay khái niệm mà thôi và cần phải được sử dụng một cách nhất quán trong một đề án nghiên cứu. Vấn đề khó khăn đối với các nhà nghiên cứu thiếu kinh nghiệm nảy sinh khi họ mở rộng ngôn ngữ sang một lĩnh vực mới của dự án của họ. Locke, Spirduso, và Silverman khuyến nghị rằng một đề án nên có một phần dành cho các định nghĩa chính xác sẽ được sử dụng trong công trình nghiên cứu đề xuất. Punch, K. F. (2000). Xây dựng các đề án nghiên cứu hiệu quả. London: Nhà Xuất bản Sage. Keithe Punch thảo luận về những điều hạn chế, những giớI hạn được ấn định, và ý nghĩa của công trình nghiên cứu như một phần của đề án nghiên cứu bằng văn bản. Ông mô tả những điều hạn chế như là các điều kiện hạn chế hay những điểm yếu có tính hạn chế, vốn hiện diện không thể tránh khỏi trong thiết kế của một công trình nghiên cứu. Ông lưu ý rằng các nhà nghiên cứu nên ghi nhận các điều hạn chế nói trên trong đề án nghiên cứu mà không xem thường tầm quan trọng của công việc này. Ông mô tả ý nghĩa của một công trình nghiên cứu là sự biện minh cho nghiên cứu này, tầm quan trọng, hay đóng góp của nghiên cứu này. Các lập luận được đưa ra để biện minh cho ý nghĩa của công trình nghiên cứu cần đề cập đến sự đóng góp của công trình nghiên cứu này vào kiến thức, vào những xem xét về chính sách, và cho những nhà thực hành chuyên môn. Rossman, G. B., và Rallis, S. F. (1981). Học hỏi tại hiện trường: Giới thiệu về nghiên cứu định tính. Thousand Oaks, CA: Nhà Xuất bản Sage. Gretchen Rossman và Sharon Rallis thảo luận về tầm quan trọng của việc xác định ý nghĩa của một công trình nghiên cứu khi lập kế hoạch nghiên cứu. Họ lưu ý rằng các đề án chính thức thường bao gồm một phần riêng biệt trong đó nhà nghiên cứu định tính chỉ ra ý nghĩa tiềm năng của công trình nghiên cứu. Họ khuyến nghị nên bao gồm vài phạm vi trong phần này: nghiên cứu học thuật và tài liệu, các vấn đề chính sách xã hội trở đi trở lại, những quan ngại về thực hành, và sự quan tâm của những người tham gia. Hơn nữa, nếu đề án nghiên cứu nào được gởi đến cơ quan hay tổ chức cấp tiền, thì tác giả nên bao gồm những lời phát biểu về sự phù hợp của dự án này với những yêu cầu và thứ tự ưu tiên của cơ quan hay tổ chức đó. Wilkinson, A. M. (1991). Sách hướng dẫn của các nhà khoa học về viết tài liệu khoa học và luận án tiến sĩ, Englewood Cliffs, N5: Nhà Xuất bản Prentice Hall. Antoinette Wilkinson dành trọn một chương để trình bày việc sử dụng thuật ngữ khoa học. Bà đề xuất rằng các nhà khoa học xã hội phải lấy một từ ngữ chưa được thích đáng từ từ vựng tổng quát và khéo léo tạo ra một định nghĩa ấn định giới hạn cho nghĩa chính xác theo ý định của nhà nghiên cứu. Bà đề xuất các nhà khoa học xã hội sử dụng ngôn ngữ 138 chuẩn chứ không thay thế các từ đồng nghĩa cho các thuật ngữ. Khi tập hợp thông tin thông qua các chương trình phỏng vấn, các bản câu hỏi, và việc phân tích các văn bản, ngôn ngữ trở thành một công cụ đo lường trực tiếp và các thuật ngữ phải được áp dụng một cách đồng nhất và nhất quán. 139 . và các nhà nghiên cứu là khán giả của công trình nghiên cứu này. Thí dụ 8. 4. Ý nghĩa của Công trình Nghiên cứu được Trình bày trong Phần Giới thiệu của một Công trình Nghiên cứu Định lượng. trình nghiên cứu theo các phương pháp hỗn hợp. Định nghĩa này được đặt trong một phần riêng biệt của Chương 1, chương này giới thiệu về công trình nghiên cứu. VanHorn – Grassmeyer (19 98) đã nghiên. loại thiết kế nghiên cứu (thí dụ, nghiên cứu theo dân tộc học hay dựa trên thí nghiệm). 134 • Hãy đưa ra những điều hạn chế để xác định những điểm yếu tiềm tàng của công trình nghiên cứu.