1. Trang chủ
  2. » Luận Văn - Báo Cáo

Đánh giá mức Độ toàn vẹn cảnh quan phục vụ Định hướng không gian bảo tồn Đa dạng sinh học tại khu dự trữ sinh quyển miền tây nghệ an

97 0 0
Tài liệu đã được kiểm tra trùng lặp

Đang tải... (xem toàn văn)

Tài liệu hạn chế xem trước, để xem đầy đủ mời bạn chọn Tải xuống

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Tiêu đề Đánh giá mức độ toàn vẹn cảnh quan phục vụ định hướng không gian bảo tồn đa dạng sinh học tại khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An
Tác giả Nguyễn Phương Hà
Người hướng dẫn Trần Văn Trường, TS
Trường học Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội
Chuyên ngành Quản lý tài nguyên và môi trường
Thể loại Luận văn thạc sĩ khoa học
Năm xuất bản 2022
Thành phố Hà Nội
Định dạng
Số trang 97
Dung lượng 8,55 MB

Nội dung

Đánh giá mức Độ toàn vẹn cảnh quan phục vụ Định hướng không gian bảo tồn Đa dạng sinh học tại khu dự trữ sinh quyển miền tây nghệ an

Trang 1

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC TỰ NHIÊN

-  -

NGUYỄN PHƯƠNG HÀ

ĐÁNH GIÁ MỨC ĐỘ TOÀN VẸN CẢNH QUAN PHỤC

VỤ ĐỊNH HƯỚNG KHÔNG GIAN BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC TẠI KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN MIỀN

TÂY NGHỆ AN

LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC

Hà Nội - 2022

Trang 2

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC TỰ NHIÊN

-  -

NGUYỄN PHƯƠNG HÀ

ĐÁNH GIÁ MỨC ĐỘ TOÀN VẸN CẢNH QUAN PHỤC

VỤ ĐỊNH HƯỚNG KHÔNG GIAN BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC TẠI KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN MIỀN

Trang 3

LỜI CẢM ƠN

Trước hết, học viên xin gửi lời cảm ơn đến Khoa Địa lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tạo mọi điều kiện để học viên có thể thực hiện luận văn tốt nghiệp này

Học viên xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến TS Trần Văn Trường – giảng viên Khoa Địa lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên là người hướng dẫn khoa học của học viên, đã luôn tận tâm chỉ dạy và hướng dẫn tận tình trong suốt khoảng thời gian học viên thực hiện luận văn

Trong quá trình học tập và thực hiện luận văn, các thầy, cô trong khoa Địa lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội đã luôn nhiệt tình giảng dạy cho học viên trong suốt chương trình đào tạo Đặc biệt là bộ môn Sinh thái Cảnh quan và Môi trường đã truyền đạt cho tác giả những kiến thức chuyên ngành quý báu và tạo mọi điều kiện Tác giả xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới các thầy cô

Học viên xin gửi lời cảm ơn đến GS.TS Nguyễn Cao Huần, PGS.TS Đặng Văn Bào, những người đã có những góp ý quý báu giúp học viên hoàn thiện nghiên cứu Ngoài ra, học viên còn nhận được nhiều ý kiến từ các nhà khoa học khác thuộc Khoa Sinh học, Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội

Tác giả xin gửi lời cảm ơn đến luận văn Cơ sở khoa học xác định hành lang

bảo tồn đa dạng sinh học cho Việt Nam, theo tiếp cận địa sinh thái và thông tin địa không gian: nghiên cứu tại khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An, Mã số QG.20.24

Cuối cùng, học viên xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới gia đình, bạn bè và đồng nghiệp, những người đã chia sẻ khó khăn, đồng thời hỗ trợ và giúp đỡ trong suốt quá trình học tập cũng như trong quá trình thực hiện luận văn thạc sĩ

Xin chân thành cảm ơn!

Hà Nội, ngày tháng năm 2022

Học viên thực hiện

Nguyễn Phương Hà

Trang 4

MỤC LỤC

LỜI CẢM ƠN i

MỤC LỤC ii

DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT iv

DANH MỤC HÌNH v

DANH MỤC BẢNG vi

MỞ ĐẦU 1

1 Tính cấp thiết 1

2 Mục tiêu và nội dung nghiên cứu 2

3 Phạm vi nghiên cứu 3

4 Cơ sở dữ liệu và tài liệu 3

5 Ý nghĩa nghiên cứu 4

6 Cấu trúc luận văn 4

CHƯƠNG 1 CƠ SỞ KHOA HỌC VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 5

1.1 Tổng quan các nghiên cứu có liên quan đến luận văn 5

1.1.1 Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học 5

1.1.2 Tiếp cận cảnh quan và sinh thái cảnh quan cho bảo tồn đa dạng sinh học 7

1.1.3.Nghiên cứu toàn vẹn sinh thái của cảnh quan cho quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học 9

1.1.4 Các nghiên cứu có liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học tại khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An 10

1.2 Cơ sở khoa học cho nghiên cứu 12

1.2.1 Cảnh quan và phân loại cảnh quan 12

1.2.2 Đánh giá tính toàn vẹn cảnh quan 15

1.2.3 Toàn vẹn cảnh quan trong quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học 18

1.3 Quy trình và phương pháp nghiên cứu 24

1.3.1 Quan điểm nghiên cứu 24

1.3.2 Phương pháp nghiên cứu 25

1.3.3 Quy trình nghiên cứu 28

CHƯƠNG 2 CÁC YẾU TỐ THÀNH TẠO VÀ ĐẶC ĐIỂM CẢNH QUAN KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN MIỀN TÂY NGHỆ AN 29

2.1 Vị trí địa lý của khu vực nghiên cứu 29

2.2 Đặc điểm các yếu tố tự nhiên thành tạo cảnh quan 30

2.2.1 Địa chất và kiến tạo 30

2.2.2 Địa hình và địa mạo 35

Trang 5

2.2.3 Khí hậu và thủy văn 37

2.2.4 Thổ nhưỡng và thảm thực vật rừng 40

2.2.5 Đặc điểm đa dạng sinh học tại khu Dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An 47

2.3 Đặc điểm các hoạt động khai thác và sử dụng tài nguyên thành tạo cảnh quan 50

2.3.1 Dân số, dân cư và lao động 50

2.3.2 Đặc điểm các hoạt động kinh tế, khai thác và sử dụng tài nguyên 50

2.4 Đặc điểm cảnh quan khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An 55

2.4.1.Hệ thống, chỉ tiêu phân loại cảnh quan khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An 55

2.4.2 Đặc điểm cảnh quan khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An 57

CHƯƠNG 3 ĐÁNH GIÁ TÍNH TOÀN VẸN CẢNH QUAN VÀ ĐỊNH HƯỚNG KHÔNG GIAN BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN MIỀN TÂY NGHỆ AN 61

3.1 Đánh giá tính toàn vẹn cảnh quan khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An 61 3.1.1 Giá trị toàn vẹn cảnh quan rừng 61

3.1.2 Phân cấp mức độ toàn vẹn cảnh quan 62

3.2 Đề xuất định hướng sử dụng cảnh quan phục vụ bảo tồn đa dạng sinh học dựa trên giá trị toàn vẹn cảnh quan 66

3.2.1 Cơ sở đề xuất định hướng 66

3.2.2 Định hướng sử dụng cảnh quan 69

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ 74

1 Kết luận 74

2 Kiến nghị 75

TÀI LIỆU THAM KHẢO 76

PHỤ LỤC 84

Phụ lục 1 Bảng giá trị toàn vẹn của các cảnh quan trong khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An 84

Trang 6

DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT

AHP Analytic Hierarchy Process Phân tích thứ bậc

GIS Geographic Information System Hệ thống Thông tin Địa lý

Trang 7

DANH MỤC HÌNH

Hình 1.1 Kết hợp bộ lọc tinh (bảo tồn loài) và bộ lọc thô (bảo tồn cảnh quan, sinh

cảnh) trong bảo tồn đa dạng sinh học 16

Hình 1.2 Minh họa phương pháp xây dựng Chỉ số Toàn vẹn cảnh quan rừng 18

Hình 1.3 Mô hình thuyết địa sinh học đảo cho bảo tồn đa dạng sinh học 20

Hình 1.4 Sơ đồ cấu trúc không gian của mạng lưới sinh thái [76] 21

Hình 1.5 Mô hình khu Dự trữ sinh quyển (UNESCO, 2014) 22

Hình 1.6 Sơ đồ quy trình các bước nghiên cứu 28

Hình 2.1 Bản đồ vị trí và các phân khu chức năng khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An 29

Hình 2.2 Bản đồ địa chất khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An 33

Hình 2.3 Chú giải các thành tạo địa chất khu Dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An 34

Hình 2.4 Bản đồ địa mạo khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An 36

Hình 2.5 Bản đồ thổ nhưỡng khu Dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An 42

Hình 2.6 Hiện trạng thảm thực vật rừng năm 2020 khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An 46

Hình 2.7 Bản đồ cảnh quan khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An 59

Hình 2.8 Bảng chú giải bản cảnh quan khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An 60

Hình 3.1 Bản đồ giá trị toàn vẹn cảnh quan rừng năm 2019 của khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An 61

Hình 3.2 Bản đồ phân cấp mức độ toàn vẹn cảnh quan khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An 62

Hình 3.3 Cơ cấu các cấp toàn vẹn cảnh quan trên toàn vùng (%) 65

Hình 3.4 Bản đồ đa dạng động vật tỉnh Nghệ An 66

Hình 3.5 Bản đồ đa dạng thực vật tỉnh Nghệ An 66

Hình 3.6 Hệ thống hành lang kết nối 3 khu bảo tồn thuộc khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An 72

Hình 3.7 Định hướng không gian bảo tồn khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An 73

Trang 8

DANH MỤC BẢNG

Bảng 1.1 Thống kê dữ liệu không gian sử dụng trong luận văn 3

Bảng 1.2 Hệ thống phân loại cảnh quan Việt Nam 14

Bảng 2.1 Nhiệt độ không khí trung bình tháng và năm của một số trạm (ºC) 37

Bảng 2.2 Lượng mưa trung bình tháng và năm của một số trạm (mm) 38

Bảng 2.3 Hiện trạng sử dụng đất rừng tỉnh Nghệ An 43

Bảng 2.4 Diện tích, dân số và mật độ dân số năm 2021 của 9 huyện 50

Bảng 2.5 Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) 51

Bảng 2.6 Diện tích gieo trồng một số cây nông nghiệp của 9 huyện miền núi năm 2015-2021 52

Bảng 2.7 Sản lượng một số cây trồng của 9 huyện miền núi năm 2015-2020 52

Bảng 2.8 Số lượng gia súc, gia cầm của 9 huyện miền núi thời năm 2015-2021 52

Bảng 2.9 Diện tích rừng trồng mới tập trung tại 9 huyện năm 2015-1021 53

Bảng 2.10 Diện tích nuôi trồng thủy sản tại 9 huyện năm 2015-1021 53

Bảng 2.11 Sản lượng thuỷ sản tại 9 huyện năm 2015-1021 53

Bảng 2.12 Cấp phân vị và chỉ tiêu phân loại cảnh quan khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An 56

Bảng 3.1 Kết quả phân cấp mức độ toàn vẹn cảnh quan khu Dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An 63

Bảng 3.2 Diện tích và các trạng thái rừng tự nhiên đặc thù của địa phương 68

Bảng 3.3 Thống kê sơ bộ các hành lang đa dạng sinh học đề xuất tỉnh Nghệ An 69

Bảng 3.4 Xếp loại các cảnh quan theo mức độ ưu tiên trong bảo tồn đa dạng sinh học 69

Trang 9

MỞ ĐẦU

1 Tính cấp thiết

Đa dạng sinh học (ĐDSH) có vai trò quan trọng ở nhiều khía cạnh trong duy trì

sự sống con người Ngoài việc cung cấp thực phẩm, nước sạch, nguồn nguyên liệu hỗ trợ trực tiếp cho các hoạt động phát triển, chúng còn là nền tảng cho khả năng phục hồi

hệ sinh thái (HST), giảm rủi ro thiên tai, điều hòa khí hậu, lọc chất thải, … Mặc dù vậy, tình hình suy giảm ĐDSH vẫn diễn ra vô cùng phức tạp do khai thác không hợp

lý, săn bắt trái phép, thiên tai, suy giảm và phân mảnh sinh cảnh [12] Thêm vào đó, biến đổi khí hậu (BĐKH) càng làm biến đổi, gia tăng áp lực lên HST, cũng như gây thách thức trong công tác bảo tồn [63]

Để hỗ trợ công tác quản lý và định hướng không gian bảo tồn đa dạng sinh học

(ĐHKG ĐDSH) trong bối cảnh BĐKH hiện nay, khái niệm toàn vẹn sinh thái (TVST –

Ecological Integrity), rộng hơn là toàn vẹn cảnh quan rừng (TVCQR - Forest Landscape Integrity), toàn vẹn cảnh quan (TVCQ - Landscape Integrity) đã được phát

triển và sử dụng như một khung đánh giá định hướng cho các hoạt động phục hồi và giám sát ĐDSH trong các khu bảo tồn (KBT) [104] TVCQ là một phần quan trọng

của chiến lược bảo tồn ĐDSH dựa trên sinh cảnh sống/CQ (bộ lọc thô: coarse-filter), khác với tiếp cận bảo tồn hướng đến bảo vệ theo (bộ lọc tinh: fine-filter) Tại Mỹ, khái

niệm TVCQ từ lâu đã được đưa vào làm trọng tâm của quản lý bảo tồn ĐDSH theo Quy định lập kế hoạch của Cục Công viên Quốc gia Hoa Kỳ (2012) [92] và Sổ tay hướng dẫn của Cục Cá và Động vật hoang dã Hoa Kỳ (2000) [91]

Việt Nam là một trong những nước được đánh giá có tài nguyên ĐDSH cao [1] Chính phủ và nhân dân ta đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên này với một hệ thống 33 vườn Quốc gia (VQG), 59 khu Dự trữ khiên nhiên (DTTN), 13 KBT loài, 54 khu bảo vệ CQ và 11 khu Dự trữ sinh quyển (DTSQ) [1], [36] Định hướng không gian tổng thể bảo tồn ĐDSH của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 [31] có đề cập mục tiêu mà Chính phủ hướng đến là bảo đảm các HST tự nhiên quan trọng, các loài và nguồn gene nguy cấp, quý, hiếm được bảo tồn và phát triển bền vững (PTBV); duy trì và phát triển dịch vụ HST thích ứng với BĐKH nhằm thúc đẩy PTBV đất nước Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 174/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ lập ĐHKG ĐDSH thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 Trong đó nêu rõ đối tượng nghiên cứu của ĐHKG ĐDSH bao gồm: KBT thiên nhiên; hành lang đa dạng sinh học (HL ĐDSH); cơ sở bảo tồn ĐDSH; khu vực ĐDSH cao; vùng đất ngập nước quan trọng; và CQ sinh thái quan trọng (khu vực

có tính TVST hay TVCQ cao) [34]

Khu DTSQ miền Tây Nghệ An được UNESCO công nhận là khu DTSQ vào ngày 18/09/2007 Đây là khu DTSQ trên cạn lớn nhất Việt Nam (2007) với diện tích

Trang 10

1.303.285 ha, bao gồm: VQG Pù Mát, KBT thiên nhiên Pù Huống, KBT thiên nhiên

Pù Hoạt; với khoảng 2.517 loài thực vật bậc cao, 168 loài thú, 376 loài chim, và hơn

80 loài động vật quý hiếm hoặc có nguy cơ tuyệt chủng [8] Giá trị ĐDSH ở đây là vô cùng to lớn Bên cạnh đó, trong khu DTSQ miền Tây Nghệ An còn có 927,029 người dân sinh sống [18] Số người dân có sinh kế có liên quan hoặc thậm chí phụ thuộc vào tài nguyên ĐDSH ở khu DTSQ tây Nghệ An là không nhỏ, nhất là trong bối cảnh các sản phẩm thiên nhiên được khẳng định giá trị cao Theo các nghiên cứu gần đây, diễn biến ĐDSH tại khu DTSQ Tây Nghệ An có chiều hướng suy thoái bởi sức ép từ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), đáng chú ý nhất là nguy cơ tuyệt chủng cục bộ ngày

càng cao [8] Vì vậy, việc lựa chọn luận văn: “Đánh giá mức độ toàn vẹn cảnh quan

phục vụ định hướng không gian bảo tồn đa dạng sinh học tại khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An” có ý nghĩa quan trọng nhằm nhận biết các cảnh quan (CQ)

có ý nghĩa có giá trị sinh thái cao, tăng cường tính kết nối và hỗ trợ ĐHKG ĐDSH phù hợp với định hướng phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo của tỉnh Nghệ An [3], [28]

2 Mục tiêu và nội dung nghiên cứu

2.1 Mục tiêu

Đánh giá, xác định được mức độ toàn vẹn sinh thái của các cảnh quan, từ đó đề xuất một số định hướng tổ chức không gian và giải pháp phục vụ định hướng không gian tại khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An

2.2 Nội dung

- Tổng quan các hướng nghiên cứu có liên quan đến luận văn: tiếp cận CQ (cảnh quan), đánh giá giá trị TVCQ (toàn vẹn cảnh quan) phục vụ định hướng không gian ĐDSH trên thế giới và ở Việt Nam; các nghiên cứu có liên quan đến bảo tồn ĐDSH miền Tây Nghệ An;

- Xây dựng cơ sở lý luận, cách tiếp cận và hệ phương pháp nghiên cứu đánh giá mức độ TVCQ phục vụ định hướng tổ chức không gian cho định hướng không gian ĐDSH cho khu DTSQ miền Tây Nghệ An;

- Phân tích các nhân tố tự nhiên và KT-XH ảnh hưởng đến sự hình thành CQ khu DTSQ miền tây Nghệ An;

- Thành lập bản đồ và phân tích đặc điểm CQ khu DTSQ miền Tây Nghệ An;

- Đánh giá giá trị TVCQ cho khu DTSQ miền Tây Nghệ An;

- Đề xuất định hướng tổ chức không gian và giải pháp phục vụ bảo tồn ĐDSH khu DTSQ miền Tây Nghệ An

Trang 11

3 Phạm vi nghiên cứu

- Phạm vi khoa học: Tập trung vào xác định giá trị TVCQ, đề xuất định hướng

và giải pháp phục vụ bảo tồn ĐDSH tại khu DTSQ

- Phạm vi không gian: Tập trung vào khu DTSQ miền Tây Nghệ An với tổng

diện tích 1.299.795 ha, trong địa giới hành chính của 9 huyện miền núi với 182 xã và thị trấn, 2.125 xóm, bản, gồm 03 phân vùng chức năng vùng lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp Cụ thể: huyện Kỳ Sơn (21 đơn vị hành chính cấp xã với 193 xóm, bản); huyện Tương Dương (18 đơn vị hành chính cấp xã với 154 xóm, bản); huyện Con Cuông (13 đơn vị hành chính cấp xã với 127 xóm, bản); huyện Anh Sơn (21 đơn vị hành chính cấp xã với 252 xóm, bản); huyện Thanh Chương (40 đơn vị hành chính cấp

xã với 504 xóm, bản); huyện Tân Kỳ (22 đơn vị hành chính cấp xã với 268 xóm, bản); huyện Quỳ Hợp (21 đơn vị hành chính cấp xã với 287 xóm, bản); huyện Quỳ Châu (12 đơn vị hành chính cấp xã với 146 xóm, bản) và huyện Quế Phong (14 đơn vị hành chính cấp xã với 194 xóm, bản)

4 Cơ sở dữ liệu và tài liệu

Luận văn thực hiện dựa trên việc kế thừa có chọn lọc các nhóm tài liệu sau:

a) Dữ liệu không gian: Bản đồ, dữ liệu số độ cao, ảnh vệ tinh, dữ liệu không

gian khác

Bảng 1.1 Thống kê dữ liệu không gian sử dụng trong luận văn

2020

Trang 12

6 Dữ liệu bản đồ nền địa lý,

tỷ lệ 1:50.000

Mapinfor, Shapefile

Bộ Tài nguyên và Môi trường

2019

b) Dữ liệu, tài liệu khác:

- Kết quả công trình nghiên cứu, bài báo khoa học của các luận văn, dự án đã được tiến hành trên thế giới và tại địa phương có liên quan đến các nội dung: định hướng không gian và quản lý tài nguyên ĐDSH, bảo tồn ĐDSH, mô hình TVCQ, TVCQR;

- Sách, tạp chí, giáo trình chính thống bao gồm: tài nguyên ĐDSH, suy giảm ĐDSH, BĐKH, mạng lưới sinh thái (MLST), lý thuyết CQ, TVCQ;

- Cơ sở pháp lý minh bạch, đã được công nhận trên thế giới, đặc biệt của Việt Nam như: Luật Bảo vệ môi trường (2020), Luật ĐDSH (2008), Nhiệm vụ lập ĐHKG ĐDSH, Quyết định Phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn ĐDSH, …;

- Dữ liệu về KT-XH: Niên giám thống kê tỉnh Nghệ An năm 2019, Báo cáo Tình hình KT-XH tỉnh Nghệ An năm 2019-2021, …;

- Các dữ liệu, tài liệu về khu DTSQ của Nghệ An

5 Ý nghĩa nghiên cứu

- Ý nghĩa khoa học: Làm sáng tỏ cách tiếp cận CQ, đánh giá TVCQ phục vụ

định hướng ĐHKG ĐDSH

- Ý nghĩa thực tiễn: Làm rõ đặc điểm CQ, giá trị TVCQ, đồng thời đề xuất

được định hướng tổ chức không gian phục vụ bảo tồn ĐDSH tại khu DTSQ miền Tây Nghệ An Đây là tài liệu tham khảo có giá trị cho công tác định hướng không gian, quản lý và ra các quyết định có liên quan đến bảo tồn ĐDSH tại khu DTSQ miền Tây Nghệ An

6 Cấu trúc luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận và kiến nghị, tài liệu tham khảo và phụ lục, luận văn bao gồm 3 chương chính với các nội dung sau:

- Chương 1 Tổng quan và cơ sở khoa học

- Chương 2 Các nhân tố thành tạo và đặc điểm cảnh quan khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An

- Chương 3 Đánh giá tính toàn vẹn cảnh quan và định hướng không gian bảo tồn đa dạng sinh học khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An

Trang 13

CHƯƠNG 1 CƠ SỞ KHOA HỌC VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 1.1 Tổng quan các nghiên cứu có liên quan đến luận văn

1.1.1 Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học

1.1.1.1 Quan niệm về quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học

Trong suốt những năm 1970, một số quốc gia đã nỗ lực trong việc thiết lập kế hoạch bảo tồn ĐDSH Ví dụ, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên (TNC), tổ chức bảo tồn thành lập tại Hoa Kỳ, đã thành lập Chương trình Di sản Tự nhiên cấp tiểu bang đầu tiên vào đầu những năm 1970 Họ thiết kế chương trình này để thu thập, quản lý và phổ biến thông tin về tình trạng và sự phân bố của các loài thực vật, động vật quý hiếm

và các quần xã sinh vật [77] Cuối cùng, những thông tin đó được sử dụng để xác định địa điểm cần ưu tiên bảo tồn cao Một mạng lưới các Chương trình Di sản Thiên nhiên

và Trung tâm Dữ liệu Bảo tồn đã tồn tại ở hầu hết các bang và tỉnh của Hoa Kỳ và Canada, cũng như một số quốc gia vùng Caribe và Mỹ Latinh [70] Từ đó, ĐHKG nổi lên như một khuôn mẫu và nhiều quốc gia bắt đầu nhận ra sự cần thiết của quy hoạch

có hệ thống Công ước về ĐDSH (CBD) chính thức công nhận nhu cầu này cũng như cung cấp phương tiện để phát triển các ĐHKG cấp quốc gia [70]

Đầu những năm 1970, UNESCO khởi động Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB) [88] Mục tiêu của MAB là thiết lập một mạng lưới quốc tế các khu DTSQ nhằm bảo tồn các nguồn tài nguyên sinh vật quan trọng, phát triển tăng trưởng kinh tế xanh và hỗ trợ nghiên cứu, giám sát và giáo dục môi trường [94] Đồng thời tại

Úc, các nhà khoa học cũng tập trung vào thiết lập hệ thống KBT thiên nhiên toàn diện

và đại diện về mặt sinh học trên khắp đất nước [88] Họ tiếp tục đi đầu trong lĩnh vực ĐHKG ĐDSH bằng việc đánh giá có hệ thống các KBT hiện tại trên cơ sở địa sinh học

và thành lập các KBT mới thông qua Chương trình Dự trữ Quốc gia [90] Năm 2004, ĐHKG ĐDSH là những vấn đề trọng tâm đối với Hiệp hội Phục hồi Sinh thái Quốc tế

Họ tuyên bố sứ mệnh của mình là: ―thúc đẩy phục hồi sinh thái như một phương tiện duy trì sự đa dạng của sự sống trên Trái Đất và thiết lập lại mối quan hệ lành mạnh về mặt sinh thái giữa tự nhiên và văn hóa‖ [70] Nhiều tổ chức xây dựng kế hoạch bảo tồn ĐDSH nhằm xác định các ưu tiên bảo tồn của khu vực, quốc gia hoặc lục địa [70] Ví

dụ như Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới (WWF) và Tổ chức Bảo tồn Quốc tế (CI) đặt

ra các ưu tiên toàn cầu về bảo tồn ĐDSH thông qua việc đánh giá nhằm xác định chính xác các vùng sinh thái quan trọng nhất về mặt sinh học và các ―điểm nóng‖ về ĐDSH [70] Tổ chức BirdLife International xác định được các điểm nóng về loài chim đặc hữu trên khắp thế giới [70] Liên minh châu Âu đang tạo ra một mạng lưới các KBT trên khắp châu Âu được gọi là Natura 2000 để bảo tồn các loài nguy cấp và sinh cảnh sống dễ bị tổn thương [70]

Trang 14

Tại Việt Nam, ĐHKG được xác định rõ trong Luật ĐDSH (2008) [24] là: “Việc

bảo vệ sự phong phú của các HST tự nhiên quan trọng, đặc thù hoặc đại diện; bảo vệ môi trường sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của loài hoang dã, CQ môi trường, nét đẹp độc đáo của tự nhiên; nuôi, trồng, chăm sóc loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; lưu giữ và bảo quản lâu dài các mẫu vật di truyền” Luật Quy hoạch năm 2017 [12] nêu rõ ĐHKG ĐDSH quốc gia có năm nội

dung chủ yếu Trong đó, các đối tượng quy hoạch là khu vực ĐDSH cao; CQ sinh thái quan trọng; KBT thiên nhiên; HL ĐDSH; cơ sở bảo tồn ĐDSH Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 [26] đề cập việc sắp xếp phân bố không gian bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH trong quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia Mục đích là bảo vệ môi trường, phục vụ mục tiêu PTBV đất nước cho thời kỳ xác định 02 đối tượng mới được đưa vào quy hoạch là khu vực ĐDSH cao và CQ sinh thái quan trọng [27]

1.1.1.2 Cách tiếp cận và phương pháp quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học

Các phương pháp đánh giá và bảo tồn ĐDSH chia thành hai hướng: (1) chiến lược phản ứng thực hiện sau khi xác định được vấn đề, và (2) chiến lược chủ động thực hiện trước khi vấn đề phát sinh Nói cách khác, chiến lược phản ứng hướng đến một hoặc nhiều ―loài có nguy cơ tuyệt chủng‖ nhằm giải quyết vấn đề mà các loài đang gặp phải Còn chiến lược chủ động đối với các ―điểm nóng‖ (hotspot) sẽ tập trung vào bảo vệ các khu vực địa lý có tính ĐDSH cao

Tại Bắc Mỹ, cộng đồng sử dụng cách tiếp cận phản ứng, còn gọi là ―bộ lọc

tinh‖ (fine-filter), để thực hiện mục tiêu quản lý số lượng loài ngày càng suy giảm

nhằm đảm bảo sử dụng bền vững Những nỗ lực ban đầu có xu hướng tập trung vào động vật có xương sống cỡ lớn được đánh giá cao nhờ vào khả năng khai thác thịt hoặc da Dần dần, Đạo luật về các loài nguy cấp năm 1973 (ESA) [54] đã mở rộng phạm vi các loài cần bảo tồn bao gồm động vật không xương sống, thực vật và các loài

bị đánh giá thấp khác Noss và Cooperrider (1994) [79] chỉ ra rằng cách tiếp cận đơn loài này có một số nhược điểm:

- Chỉ tập trung vào động vật có xương sống lớn và loại trừ thực vật, động vật không xương sống

- Phương pháp tiếp cận đơn loài không thể theo dõi số lượng lớn các loài trên thế giới

- Về mặt thời gian, phương pháp này đã đặt sai trọng tâm vì mất sinh cảnh sống mới là nguyên nhân chính đe dọa các loài

- Hầu hết các nỗ lực bảo tồn đơn lẻ đều mang tính phản ứng, chỉ phát huy tác dụng sau khi một loài nhất định gặp khó khăn

Mặt khác, cách tiếp cận chủ động, được gọi là ―bộ lọc thô‖ (coarse-filter) - tiếp

cận bảo tồn ở quy mô CQ, bao gồm một số phương pháp quản lý và quy hoạch mang tính toàn diện hơn Cách tiếp cận này được cho là mang tính chiến lược vì đòi hỏi việc

Trang 15

bảo vệ các vị trí trọng yếu trước khi chất lượng của các CQ, sinh cảnh và loài toàn khu vực bị suy giảm Ví dụ như Tổ chức Bảo tồn Quốc tế tại Hoa Kỳ đã sử dụng cách tiếp cận điểm nóng làm chiến lược chính trong bảo tồn ĐDSH Họ xác định được 25 điểm nóng trên toàn thế giới để tập trung nguồn lực của họ cho bảo tồn Theo Russell A MittermTVSTer (2002), tiếp cận chủ động khiến việc quản lý dễ dàng hơn bằng cách cho phép ưu tiên và xác định mục tiêu đầu tư nguồn lực vào vị trí có tác động lớn nhất (Tổ chức Bảo tồn Quốc tế 2002) [79]

Phương pháp tương tự là phân tích ―khoảng trống‖ trong Chương trình Phân tích Khoảng trống Quốc gia (GAP), do Phòng Tài nguyên Sinh học của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ thực hiện Phân tích GAP là phương pháp dựa vào phân tích môi trường sống để đánh giá ĐDSH Trong GAP, các kiểu sinh cảnh sống nhất định tương quan với nhu cầu của mỗi loài nhất định và sau đó được sử dụng để dự đoán nơi những loài đó có thể tồn tại Thông tin GAP sau đó được xác minh thông qua điều tra thực địa

và từ đó có thể thành lập bản đồ hỗ trợ bảo tồn đa loài Bản đồ ĐHKG được xây dựng dựa trên việc chồng xếp các lớp bản đồ thành phần, sau đó được phủ lên toàn bộ khu vực quản lý để xác định các ―khoảng trống‖ và đề xuất định hướng Kể từ năm 1988,

48 tiểu bang ở Mỹ đã thực hiện xây dựng bản đồ GAP để hỗ trợ không chỉ quy hoạch

mà còn các hoạt động lập kế hoạch đa mục tiêu [79]

Ngoài ra, phương pháp phân vùng sinh thái cũng cho hiệu quả chủ động ĐHKG trên quy mô lớn và trong khoảng thời gian rộng Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới (WWF) đã sử dụng phương pháp này dựa trên công trình của James Omernick thuộc

Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) và Robert Bailey của Sở Lâm nghiệp Hoa

Kỳ [79] WWF xác định hơn hai trăm vùng sinh thái và sử dụng chúng để xác định khu vực ưu tiên bảo tồn

Nhìn chung, xu hướng hiện nay, các nhà khoa học đang ngày càng quan tâm đến các mô hình, quá trình hoặc mối quan hệ của HST thông qua các chỉ số đánh giá ĐDSH Lý do là vì ―cách tiếp cận dựa trên một loài không cung cấp các giải pháp toàn cảnh cho các vấn đề bảo tồn‖ [79]

1.1.2 Tiếp cận cảnh quan và sinh thái cảnh quan cho bảo tồn đa dạng sinh học

Từ giữa những năm 1980, nhiều sáng kiến bảo tồn trên quy mô CQ rộng lớn đã dần xuất hiện Năm 1991, dựa trên những nỗ lực trước đó, một nhóm các nhà bảo tồn sinh học và người ủng hộ đã thành lập Dự án Wildlands để thúc đẩy một hệ thống mạng lưới các KBT trên khắp Bắc Mỹ Dự án Wildlands đã đưa quy hoạch quy mô

CQ trở thành xu hướng chủ đạo trong công tác bảo tồn Từ đó, nó trực tiếp hoặc gián tiếp tác động đến các kế hoạch bảo tồn quy mô CQ nhiều khu vực ở Bắc Mỹ, bao gồm khu vực Sky Islands ở Tây Nam Hoa Kỳ và Tây Bắc Mexico, dãy núi Rocky phía Bắc

từ Yellowstone đến Yukon, hành lang Công viên Adirondack cho đến Công viên tỉnh Algonquin ở Đông Bắc Bắc Mỹ, và Dãy núi Bắc Appalachian [89]

Trang 16

Nhận thức về tầm quan trọng của cách tiếp cận bộ lọc thô cũng như các phương pháp chủ động bảo tồn trên quy mô lớn đã nhanh chóng lan rộng sang các tổ chức khác Vào giữa những năm 1990, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên, trước đây tập trung vào việc quản lý các địa điểm rời rạc, đã thiết kế lại cách tiếp cận chuyển hướng sang xác định các ưu tiên bảo tồn bằng cách phát triển danh mục vùng sinh thái [89] Có thể hiểu các danh mục đó là một tập hợp địa điểm được xác định và quản lý thông qua đóng góp chung nhằm hướng tới bảo tồn toàn bộ vùng sinh thái Khái niệm ―vùng sinh thái‖ được các tác giả đề cập ở trên có thể hiểu là sinh thái CQ, là một khu vực rộng lớn có chứa một nhóm động hay thực vật tương đối đặc biệt [89] Nói cách khác, khái niệm sinh thái CQ cho phép phân loại các địa điểm dựa trên quần xã sinh vật, quá trình sinh thái và các khía cạnh địa lý khác Từ đó, khái niệm CQ và sinh thái CQ cung cấp một khuôn khổ không gian địa lý dựa trên HST để các nhà ĐHKG đưa ra quyết định

Giống như nhiều quốc gia đang phát triển khác, Việt Nam đã và đang nỗ lực để làm hài hòa các nhu cầu phát triển KT-XH với việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên ĐDSH Trong đó có Dự án PARC (Xây dựng các KBT nhằm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trên cơ sở ứng dụng quan điểm sinh thái CQ) do Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đồng tài trợ và do Chính phủ Việt Nam thông qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo thực hiện [19, 209] PARC là dự án đầu tiên tại Việt Nam (1998) sử dụng cách tiếp cận này để kết hợp nhu cầu phát triển KT-XH và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên trên toàn vùng CQ Thông qua việc sử dụng tối ưu HST CQ, dự án tiến hành xây dựng thử nghiệm một mô hình bảo tồn tại các KBT mà các sinh cảnh, HST đã bị chia cắt và chịu tác động của con người

Dựa trên cơ sở này, hàng loạt các nghiên cứu đã được phát triển trên toàn quốc Năm 2005, áp dụng các quan điểm của PARC, VQG Ba Bể đã xây dựng và thúc đẩy quá trình lập kế hoạch 5 bước có sự tham gia của người dân, phù hợp với điều kiện pháp lý cụ thể của Việt Nam để đạt được bảo tồn và phát triển CQ tổng hợp [20] Tương tự vào năm 2008, các VQG Yok Đôn và Na Hang, đã xây dựng chiến lược bảo tồn cấp CQ cao hơn để nâng cao hiệu quả bảo tồn và tính linh hoạt Lựa chọn cách tiếp cận CQ, ba khu Rừng Đặc Dụng đã xây dựng một chiến lược bảo tồn chung coi đây là một công cụ gắn kết kế hoạch sử dụng tài nguyên với đầu tư và ngân sách định kỳ [35] Các công trình khác bao gồm nghiên cứu sinh thái CQ VGQ Xuân Thủy phục vụ bảo tồn ĐDSH thực hiện vào năm 2011 [6]; Phân tích, đánh giá CQ sinh thái phục vụ bảo tồn và PTBV ĐDSH khu vực Phia Oắc - Phia Đén, tỉnh Cao Bằng năm 2016 [42]; Nghiên cứu đánh giá CQ phục vụ phát triển kinh tế và bảo tồn rừng ngập mặn khu vực Mũi Cà Mau năm 2016 [21]; Phân tích, đánh giá CQ phục vụ phát triển nông, lâm nghiệp và bảo tồn ĐDSH các huyện biên giới Tây Nam tỉnh Nghệ An năm 2017 [19];

… Một trong những nghiên cứu gần đây là công trình bản đồ HST đất ngập nước tại

Trang 17

Đồng Tháp Mười cũng dựa trên cơ sở tiếp cận CQ để xác định các HST cần ưu tiên bảo vệ, phục hồi, từ đó bảo tồn tính ĐDSH vào năm 2020 [14]

Qua tổng quan một số công trình khoa học, cách tiếp cận CQ trong bảo tồn ĐDSH đã được ứng dụng, phát triển từ lâu, đạt hiệu quả được kiểm chứng và công nhận ở nhiều nơi không chỉ trên thế giới mà còn ở Việt Nam Từ những kết quả tổng quan này, luận văn lựa chọn thực hiện theo cách tiếp cận CQ, sinh thái CQ cho mục đích đánh giá tính TVCQ, từ đó định hướng ĐHKG ĐDSH tại khu DTSQ Tây Nghệ

sử dụng đặc điểm của các HST bao gồm khả năng phục hồi, chống chịu và tự tổ chức

để xác định nó [46], [56]

Việc chuyển sang đánh giá TVST ở cấp độ CQ mới diễn ra gần đây [52], [53], [57], [58], [59] xuất phát từ nhu cầu kết hợp thông tin về sức khỏe HST ở quy mô lớn vào quá trình ra quyết định và lập quy hoạch [100]

Dựa trên phương pháp phân loại đặc tính CQ với 6 lớp thông tin chính được đưa vào phân loại (địa chất, đất, địa hình, sử dụng đất, cấu trúc quần cư và cấu trúc đất nông nghiệp), Manolaki và cộng sự (2019) [52] đã phân chia đảo Cyprus thành 636 đơn vị đặc tả đất đai (Land descriptive unit - LDU), lựa chọn 458 CQ bán tự nhiên để đưa vào phân tích Sau đó, các LDU được tổng hợp lại trong 63 Kiểu CQ (LCT) có tính đến các thuộc tính của chúng LCT là một phân loại chung cho đặc điểm CQ và xuất hiện ở các vùng khác nhau của hòn đảo, nơi có sự kết hợp giống nhau giữa các thuộc tính tự nhiên và văn hóa Kiểm định bản đồ được thực hiện với các quan sát thực địa cho 50% hòn đảo (và các CQ của nó) bằng cách sử dụng phương pháp lấy mẫu phân tầng Khảo sát thực địa nhằm mục đích chỉnh sửa và tinh chỉnh kết quả của nghiên cứu trong phòng, cũng như để xác định các yếu tố hoặc đặc điểm chính không thể hiện rõ trong lập bản đồ trên máy tính Để đánh giá mức độ TVST, các tác giả đã chọn một bộ chỉ số dễ quan sát ngoài thực địa, có thể cung cấp cái nhìn tổng quan về

các khía cạnh khác nhau của tính TVST, bao gồm: đa dạng CQ (số loại sinh cảnh, loại sinh cảnh ưu thế), độ phức tạp của CQ (mức độ liên tục của sinh cảnh, kích thước các mảnh sinh cảnh và khoảng cách giữa chúng) và ảnh hưởng của con người (cường độ

quản lý của con người và mức độ tự nhiên) Dựa trên các đánh giá đơn lẻ trên ngoài thực địa, các tác giả đã phân nhóm các loại CQ theo mức độ TVST là tốt, khá và yếu Các CQ có tính TVST càng cao càng có ý nghĩa cho bảo tồn

Trang 18

Theobald (2013) [58] đã phát triển một tập hợp các biến áp lực, chuẩn hóa giá trị từ 0 đến 1, sau đó kết hợp chúng với nhau bằng cách sử dụng hàm ‗‗tăng dần‘‘ được gọi là tổng mờ Một bộ dữ liệu sử dụng đất chi tiết được sử dụng để tạo ra các thước

đo thực nghiệm về mức độ tác động của con người nhằm lập bản đồ các yếu tố gây áp lực quan trọng như lớp phủ sử dụng đất, khoảng cách tới đường giao thông…

McGarigal và cộng sự (2018) [82] giả định rằng bằng cách bảo tồn các HST tương đối nguyên vẹn và có khả năng phục hồi được đo lường bằng một chỉ số thích hợp, từ đó có thể bảo tồn hầu hết các loài và các quá trình sinh thái Hơn nữa, bằng cách xác định các vùng đất và vùng nước đáng được bảo vệ nhất dựa trên tính TVST cao, các tổ chức bảo tồn có thể giảm được chi phí cho bảo tồn Từ đó, các tác giả mô tả đánh giá dựa trên HST về tính TVST, được gói gọn trong một chỉ số về tính TVST

(ITVST - Index of Ecological Integrity) và minh họa ứng dụng của nó để bảo tồn ở

đông bắc Hoa Kỳ Dựa trên một tập hợp các biến xác định thuộc tính CQ và bản đồ các HST được lập, các tác giả đã tính toán một bộ thước đo các tác động nhân sinh

phản ánh tính nguyên trạng (intacness - tức là không bị ảnh hưởng bởi các tác động do con người gây ra) và chỉ số về khả năng phục hồi (resiliency), định lượng lại chúng

theo HST và phạm vi địa lý, và kết hợp chúng trong một mô hình tuyến tính có trọng

số để xác định chỉ số TVST ITVST

Walston và Hartmann [98] đã xây dựng phát triển mô hình chỉ số TVCQ (LII) bằng cách sử dụng bộ dữ liệu không gian địa lý về dấu chân của con người, cũng như

kết hợp các chỉ số khác về tính TVST như ĐDSH (species richness - độ giàu loài) và

sự thay đổi của thảm thực vật (TTV) (vegetation departure - sự thay đổi của TTV)

Mô hình LII đóng vai trò như một chỉ báo chung về tính TVST trong bối cảnh khu vực

về hoạt động của con người, ĐDSH và sự thay đổi thành phần môi trường sống

TVST của CQ cũng có thể được xác định từ TVST CQ rừng (TVCQR) WCS (Wildlife Conservation Society – Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã) [23] đã xây dựng chỉ số TVCQR dựa trên tích hợp 3 đầu vào dữ liệu chính: (1) áp lực do con người quan sát được (cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, mất cây che phủ), (2) áp lực có thể suy luận khác được mô hình hóa dựa trên mức độ gần với các áp lực quan sát được và (3) sự thay đổi trong mạng lưới liên kết rừng

1.1.4 Các nghiên cứu có liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học tại khu Dự trữ

sinh quyển miền Tây Nghệ An

Khu DTSQ miền Tây Nghệ An là một trong những khu DTSQ lớn nhất Đông Nam Á, bao gồm VQG Pù Mát và hai KBT thiên nhiên là Pù Huống và Pù Hoạt với nhiều loại động - thực vật không những phong phú mà còn quý hiếm và có tiềm năng khai thác, phát triển kinh tế Khu hệ thú nơi đây có tính đa dạng cao nhất Bắc Trung

Bộ với số loài chiếm 98,5% tổng số loài toàn vùng, tập trung chủ yếu ở các VQG và khu BTTN [28] Để quản lý khu DTSQ miền Tây Nghệ An, UBND tỉnh Nghệ An đã

Trang 19

ban hành Quyết định số 5232/QĐ-UBND ngày 05/11/2013 thành lập Ban quản lý khu DTSQ miền Tây Nghệ An

Trong nhiều năm qua, Nghệ An đã có một số nghiên cứu trong lĩnh vực bảo tồn đang bị đe dọa tuyệt chủng nhằm thực hiện Đề án khung các Nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh từ năm 2014 đến năm 2020 Mục tiêu chung của đề án là thống kê, đánh giá, bảo tồn và khai thác phát triển nguồn gen: Chương trình bẫy ảnh tự động (1998 – 2002); Chương trình điều tra phân bố, đặc tính sinh thái, khả năng tái sinh và thửc nghiệm khả năng nhân giống một số loài cây lá kim tại VQG Pù Mát; Dự án ―Bảo tồn các giống vật nuôi có vốn gen quý hiếm của Việt Nam‖ trong đó có giống vịt bầu quỳ

ở Nghệ An; Nhân giống gà H‘Mông ra nhiều nơi khác; … [28] tất cả đều thực hiện ở mức quy mô nhỏ lẻ; công tác bảo tồn nguồn gen rất khó khăn; việc xác định đối tượng

và nhu cầu bảo tồn còn chưa rõ ràng; cần có một hệ thống quản lý và giám sát hiệu quả, thống nhất

BQL khu DTSQ đã thực hiện nhiều hoạt động chuyên môn với chức năng tham mưu UBND tỉnh trong quản lý khu DTSQ [41] Cụ thể là:

- Xây dựng và đồng bộ cơ sở dữ liệu về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của

9 huyện và 3 vùng lõi phục vụ quản lý, khai thác hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên;

- Để xác định hướng đi thích hợp, đúng quỹ đạo PTBV dựa trên lợi thế, tiềm năng của khu DTSQ, triển khai xây dựng dự án ―Bảo tồn và phát triển khu DTSQ miền Tây Nghệ An‖ là dự án trọng điểm quốc gia thu hút vốn đầu tư nước ngoài giai đoạn 2016 – 2020, theo Quyết định 631/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ [33], trong

đó hợp phần Bảo tồn ĐDSH là một hợp phần chính của dự án

- Nhận thấy việc khôi phục bảo vệ các HST, đa dạng loài và đa dạng di truyền

để bảo tồn ĐDSH là việc làm hết sức cần thiết và cấp bách UBND tỉnh Nghệ An đã ra quyết định số 3445/QĐ-UBND về việc phê duyệt ―Đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 – 2025‖ [37];

- BQL tham mưu, phối hợp các cơ quan chức năng chuyên môn: sưu tầm, biên soạn tài liệu và tổ chức tuyên truyền công tác bảo tồn ĐDSH và thu hút đầu tư phát triển khu DTSQ; áp dụng công nghệ mới, ứng dụng tiến bộ KHCN vào thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh; Áp dụng quản lý rừng bền vững (Chứng chỉ rừng) cho cả rừng tự nhiên và rừng sản xuất, quy hoạch vùng nguyên liệu gỗ lớn; Ứng dụng công nghệ viễn thám vào việc quản lý và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng; khuyến khích xây dựng mô hình trình diễn, phổ cập, nhân rộng các ứng dụng khoa học, công nghệ

về phát triển rừng, bảo vệ rừng, phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường bền vững, Các nghiên cứu liên quan bao gồm Pháp luật về bảo tồn ĐDSH và thực tiễn áp dụng tại VQG Pù Mát năm 2014 [11]; Nghiên cứu, đánh giá HST rừng đầu nguồn và định hướng bảo tồn hợp lý năm 2014 [16]; Cơ chế tài chính cho dịch vụ môi trường rừng năm 2015 [9]

Trang 20

Từ kết quả khảo sát tại các trung tâm ĐDSH, người dân và cộng đồng địa phương được đánh giá là chìa khóa cho việc thực hiện thành công các chương trình, dự

án bảo tồn thiên nhiên Trong quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững, xung đột giữa bảo tồn ĐDSH và khai thác phục vụ nhu cầu hiện tại là mâu thuẫn chủ yếu [28] Các giải pháp bảo tồn cần nghiên cứu vai trò, mức độ tác động của người dân tới thiên nhiên, đồng thời làm cơ sở tham khảo tính phù hợp với thực tế tại khu vực, đảm bảo thực thi hiệu quả Nghiên cứu Tri thức bản địa trong quản lý tài nguyên rừng góp phần bảo tồn ĐDSH tại cộng đồng dân tộc thiểu số vùng đệm VQG Pù Mát năm 2014 [17],

và Quyết định số 6220/QĐ – UBND Nghệ An, ngày 20/12/2013 về việc phê duyệt

―ĐHKG và phát triển rừng đặc dụng tỉnh Nghệ An đến năm 2020‖ [38] khuyến khích

sự tham gia bảo tồn, lồng ghép với quyền và nghĩa vụ người dân địa phương

Trên thực tế công tác ĐHKG ĐDSH vẫn còn nhiều tồn tại [41]:

- Thiếu quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết: Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 08 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ đã đề cập đến HL ĐDSH nối liền khu BTTN Xuân Liên (Thanh Hóa) – khu BTTN Pù Hoạt – khu BTTN Pù Huống – VQG Pù Mát và VQG Vũ Quang (Hà Tĩnh) thành một dải Tuy nhiên, trên thực tế

HL ĐDSH chưa được quy hoạch phân định cụ thể, hệ thống các KBTcó tính liên kết yếu nên hạn chế đến các hoạt động bảo tồn trên phạm vi toàn vùng;

- Ranh giới các khu rừng đặc dụng phần lớn chưa được phân định rõ ràng trên thực địa, các hoạt động xâm lấn, vi phạm trong các KBT còn xảy ra;

- Nguồn ngân sách cho bảo tồn còn hạn chế, chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách Nhà nước, các KBT thuộc địa phương quản lý có nguồn ngân sách rất hạn chế cho các hoạt động bảo tồn, chưa có chính sách cụ thể để xã hội hóa công tác bảo tồn;

- Một số chính sách về KBT còn thiếu, như chính sách đầu tư, quản lý vùng đệm;

- Năng lực cán bộ hạn chế, nhất là cán bộ nghiên cứu khoa học về bảo tồn, các hướng dẫn viên phục vụ giáo dục môi trường;

- Hệ thống các KBT của tỉnh nằm ở vị trí tương đối độc lập, cách biệt nhau do một số yếu tố tự nhiên và con người

1.2 Cơ sở khoa học cho nghiên cứu

1.2.1 Cảnh quan và phân loại cảnh quan

1.2.1.1 Khái niệm về cảnh quan

Khái niệm CQ được sử dụng lần đầu tiên vào đầu thế kỷ XIX, có nghĩa là phong cảnh (tiếng Đức - Landschaft) Hiện nay, ở Nga và các nước khác thuộc Liên

Xô trước đây, trong khoa học địa lý tồn tại ba quan niệm về CQ tuỳ theo ý và nội dung người ta muốn diễn đạt: CQ là một khái niệm chung (F.N Minkov, D.L Armand, ), đồng nghĩa với tổng thể địa lý thuộc các đơn vị khác nhau; là khái niệm loại hình (B.B

Trang 21

Polưnov, N.A Gvozdetxki, ); là khái niệm cá thể (N.A Xoltsev, A.G Ixatrenko, Vũ

Tự Lập) Dù xem CQ theo khía cạnh nào đi chăng nữa thì CQ vẫn được xem là một tổng thể tự nhiên, còn sự khác biệt của các quan niệm trên ở chỗ coi CQ là đơn vị thuộc cấp phân vị nào, CQ được xác định và thể hiện trên bản đồ theo cách thức nào, theo cách quy nạp hay diễn giải (Nguyễn Thành Long và nnk, 1993) [13]

Theo S.V Kalexnik (1959): “CQ địa lý là một bộ phận nhỏ của bề mặt Trái

đất, khác biệt về chất với các bộ phận khác, được bao bởi những ranh giới tự nhiên và bản thân là một sự kết hợp các hiện tượng và đối tượng tác động lẫn nhau một cách có quy luật được hiểu một cách điển hình trên khoảng không gian rộng và có quan hệ mọi mặt với địa lý phi lớp vỏ địa lý‖ Trong nghiên cứu địa phục vụ thực tiễn sản xuất, CQ

vẫn được xem xét ở cả 3 khía cạnh, như đơn vị địa tổng thể (theo khái niệm chung), đơn vị phân kiểu (theo khái niệm loại hình), đơn vị cá thể (theo khái niệm cá thể) (Shishenko P.G, 1988) [8]

Về bản chất, CQ là một tổng thể tự nhiên phức tạp, vừa có tính đồng nhất, vừa

có tính bất đồng nhất Tính đồng nhất của CQ được hiểu ở chỗ là một lãnh thổ mà trong phạm vi của nó, các thành phần và tính chất của mối quan hệ giữa các thành phần coi như không đổi, nghĩa là đồng nhất Tính bất đồng nhất được biểu thị ở 2 mặt: (1) CQ bao gồm nhiều thành phần khác nhau về bản chất (địa hình, khí hậu, thuỷ văn, đất, thực vật) tạo nên; (2) Mỗi thành phần trong CQ tồn tại ở nhiều dạng khác nhau Ví

dụ, địa hình âm và dương, và ngay trên một dạng địa hình dương (quả đồi) cũng có sự khác nhau giữa đỉnh và sườn

1.2.1.2 Hệ thống phân loại và chỉ tiêu phân loại cảnh quan

Phân loại CQ là sự nhóm gộp các đơn vị CQ cùng cấp trong hệ thống các bậc đơn vị phân loại thành các đơn vị kiểu loại của cấp xác định dựa vào một hoặc một số tiêu chí, chỉ tiêu nhất định Phân loại CQ là căn cứ để nghiên cứu cấu trúc ngang (sự sắp xếp theo chiều ngang của các đơn vị phân loại CQ, cùng hoặc khác cấp, trong không gian lãnh thổ) của bất kỳ lãnh thổ nào

Theo tác giả Vũ Tự Lập và nhiều nhà nghiên cứu CQ [43] cho rằng: mỗi hệ thống phân loại CQ đưa ra cần phải đảm bảo những nguyên tắc nhất định sau:

Hệ thống phân loại phải phản ánh đúng đắn mỗi quan hệ biện chứng giữa các quy luật phân hóa không gian phổ biến của địa lý quyển, đây là nguyên nhân chính của hình thành nên các cấp

Hệ thống phân loại phải đầy đủ các cấp để có thể áp dụng cho việc thành lập bản đồ CQ ở mọi tỉ lệ, cho mội lãnh thổ lớn nhỏ Hệ Thống phân loại phải bao quát đầy đủ các cá thể, không nên để xảy ra trường hợp không biết xếp cá thể vào bậc phân loại nào, cũng như một cá thể có thể xếp vào nhiều bậc

Hệ thống phân loại phải được thể hiện rõ ràng, bằng một mô hình phản ánh những mối quan hệ giữa các cấp phân loại Tùy thuộc vào mức độ phân hóa của lãnh

Trang 22

thổ mà lựa chọn hệ thống phân loại cũng như tập hợp chỉ tiêu phân loại thống nhất Nhưng không nên quá cồng kềnh cũng như không được bỏ qua những bậc và những chỉ tiêu cần thiết

Hệ thống phân loại CQ khu DTSQ Nghệ An gồm hai nhóm nguyên tắc:

a) Nhóm nguyên tắc phản ánh tính đồng nhất và tính không đồng nhất của đơn

CQ đó đồng thời vẫn có sự phân hoá nội bộ khiến cho mỗi đơn vị lại có thể phân chia ra những đơn vị CQ cấp thấp hơn;

- Nguyên tắc ưu tiên yếu tố trội: Nguyên tắc này được sử dụng dựa vào tầm quan trọng của yếu tố/thành phần quyết định sự phân hóa cấp đơn vị xem xét Việc áp dụng đúng nguyên tắc yếu tố trội sẽ giải thích được nguyên nhân cơ bản trong việc phân chia các đơn vị CQ cùng cấp phân loại

b) Nguyên tắc đảm bảo tính trật tự logics của các bậc đơn vị và tiêu chí phân chia: Các bậc đơn vị và các tiêu chí xác định đảm bảo các yêu cầu chính sau

- Số bậc đơn vị phân loại phải đơn giản, sắp xếp logic từ đơn vị lớn đến đơn vị nhỏ nhất - bậc đơn vị cơ sở phân loại tương ứng với tỷ lệ nghiên cứu;

- Số bậc đơn vị cấp dưới liền kề phải lớn hơn hoặc ít nhất bằng với cấp đơn vị xếp trước đó;

- Các tiêu chí phân loại cấp lớn phải phủ được không gian lớn hơn; các tiêu chí cho cấp nhỏ phải bao gồm các tiêu chí cấp lớn nhưng không cần viết lại;

- Tên của bậc phân loại CQ phải phản ánh tiêu chí phân loại chính của cấp đó

Bảng 1.2 Hệ thống phân loại cảnh quan Việt Nam

Hệ CQ Nền bức xạ chủ đạo quyết định tính đới Chế độ nhiệt - ẩm quyết định

cường độ lớn của chu trình vật chất và năng lương

Phụ hệ CQ Chế độ hoàn lưu gió mùa quyết định phân bố lại nhiệt - ẩm gây ảnh

hưởng tới chu trình vật chất

Lớp CQ Đặc điểm các khôi địa hình lớn quy định tính đồng nhất của hai quý trình

lớn trong chu trình vật chất bóc mòn và tích tụ

Phụ lớp CQ Sự phân tầng bên trong của lớp

Kiểu CQ Đặc điểm sinh khí hậu

Trang 23

Phụ kiểu CQ Các đặc trưng cực đoan của khí hậu ảnh hưởng lớn tới các điều kiện sinh

thái

Hạng CQ Các kiểu địa hình phát sinh

Loại CQ Sự giống nhau tương đối của các dạng địa lý của thể cấu thành CQ

Nguồn: Phạm Hoàng Hải và cộng sự (1997) [22]

1.2.2 Đánh giá tính toàn vẹn cảnh quan

1.2.2.1 Khái niệm về tính toàn vẹn cảnh quan

Khái niệm về tính TVST (toàn vẹn sinh thái) hay TVCQ (toàn vẹn cảnh quan)

không phải là mới Nhận định nổi tiếng nhất bắt nguồn từ Leopold (1949): ―Một chiến

lược đúng đắn là khi nó có xu hướng bảo tồn tính toàn vẹn, ổn định và vẻ đẹp của cộng đồng sinh vật Nó sai khi nó có xu hướng khác‖ Parrish [84] định nghĩa TVST là

―khả năng của một hệ thống sinh thái để hỗ trợ và duy trì một quần xã sinh vật và môi

trường sống có cấu trúc và thành phần, sự đa dạng và tổ chức chức năng tương tự như

hệ thống của môi trường sống tự nhiên‖ TVST đã được sử dụng để nâng cao hiểu biết

của chúng ta về các tác động do con người gây ra cho môi trường tự nhiên và xác định các khu vực có giá trị bảo tồn tiềm năng [47], [48], [58] Bất kể tiếp cận TVST như

thế nào, nó thường bao gồm sức khỏe HST, ĐDSH, tính ổn định, tính bền vững, tính tự

nhiên, tính hoang dã và vẻ đẹp [46] Các khuôn khổ xác định TVST kết hợp các khía

cạnh sinh học và phi sinh học của HST bao gồm cấu trúc, quá trình [54], [55], và các khái niệm về khả năng phục hồi sinh thái và các dịch vụ HST Mục đích của các khuôn

khổ tính toán TVST là để duy trì khả năng tiếp tục phát triển tự tổ chức và phục hồi của các hệ thống từ những thay đổi (tự nhiên và con người gây ra) đối với các điều kiện gần như tự nhiên [84], [86] và do đó, bảo vệ các dịch vụ HST có liên quan [49]

TVCQ là cũng trở thành một phần quan trọng của chiến lược bảo tồn ―bộ lọc thô‖ (coarse-filter) (cách tiếp cận dựa trên sinh cảnh sống, khác với bảo tồn từng loài) [53] Những đặc điểm của tính TVCQ bắt nguồn từ TVST được nhắc đến trong định nghĩa của Parrish và các đồng nghiệp (2003) [85] Vì vậy TVCQ là khi các đặc điểm sinh thái chủ đạo của nó (ví dụ, các yếu tố về thành phần, cấu trúc, chức năng và các quá trình sinh thái) có khả năng chống chọi và phục hồi sau hầu hết các xáo trộn do động lực môi trường tự nhiên hoặc do con người gây ra

Trang 24

Hình 1.1 Kết hợp bộ lọc tinh (bảo tồn loài) và bộ lọc thô (bảo tồn cảnh quan, sinh

cảnh) trong bảo tồn đa dạng sinh học Hình ảnh minh họa hai giai đoạn: Lọc thô (Coarse-filter) và Lọc tinh (Fine-filter) Ví dụ tại VQG Bwindi ở Uganda với cộng đồng loài độc đáo như rừng trên núi Albertine Rift, nhưng các cá thể loài có phạm vi hạn chế và phản ứng cụ thể với BĐKH, chẳng hạn như khỉ đột núi

có thể bị bỏ sót trong giai đoạn lọc tinh và quản lý bảo tồn đơn loài [83]

Tính TVST thường được đặc trưng bởi các thành phần sinh thái, cấu trúc và chức năng ở nhiều cấp độ từ loài đến CQ Thứ nhất, tiêu chí về sinh thái chẳng hạn như sự phong phú hoặc đồng đều loài Thứ hai là tiêu chí về cấu trúc có thể đề cập đến các đặc điểm vật lý chẳng hạn như độ mở của tán cây hoặc kích thước TTV Thứ ba, tiêu chí về chức năng khác bao gồm tương tác sinh học chẳng hạn như động vật ăn cỏ

và ăn thịt; các quá trình sinh học chẳng hạn như năng suất sơ cấp; và các quá trình phi sinh học như các quá trình thủy văn và diễn biến cháy rừng Từ những tiêu chí này, việc đánh giá tính TVST đòi hỏi sự hiểu biết về các mối quan hệ về không gian và thời gian, các liên kết và tương tác giữa các thành phần HST ở nhiều cấp độ của hệ thống phân cấp sinh thái [15]

Việc xác định các tiêu chí chính của TVST yêu cầu đặc tả các HST hoặc CQ rõ ràng về mặt không gian nhằm phục vụ công tác đánh giá và đo lường Tuy nhiên, do bản chất của ranh giới sinh thái là không rõ ràng khiến cho việc xác định HST ban đầu

Trang 25

trở nên khó khăn Mặc dù một HST có thể được xác định trên cơ sở các mục tiêu quản

lý hoặc các yếu tố cấu thành như TTV ưu thế, nhưng nó cần phải tính đến quy mô không gian và thời gian của các quá trình và tương tác chi phối trong toàn CQ rộng lớn [15]

Ngày nay, tính TVCQ thường được hiểu là một khái niệm và khung nghiên cứu tổng thể, tập trung vào việc bảo tồn ĐDSH bản địa, sử dụng phạm vi thời gian biến đổi

tự nhiên hoặc lịch sử hình thành làm điểm tham chiếu và thúc đẩy khả năng phục hồi - khả năng tổ chức lại hệ thống khi trải qua quá trình biến đổi, trong đó, về cơ bản vẫn giữ nguyên chức năng, cấu trúc, đặc điểm nhận dạng và phản hồi [109] Tính TVCQ nhấn mạnh tầm quan trọng của các quá trình sinh thái như các chu kỳ xáo trộn tự nhiên, tạo nên cấu trúc và chức năng sinh thái mà tất cả các loài trong HST hoặc CQ phụ thuộc vào [21] Ngoài ra, các loài bản địa và quá trình tự nhiên còn tăng sức chống chịu và khả năng phục hồi tốt hơn trước áp lực do con người và tự nhiên gây ra theo thời gian Nhìn chung, bên cạnh vai trò trong việc hỗ trợ đổi mới và tổ chức lại chức năng cũng như cấu trúc HST, khung khái niệm TVCQ còn nhấn mạnh giá trị nội tại của ĐDSH bản địa [103]

1.2.2.2 Toàn vẹn cảnh quan rừng

Theo định nghĩa của Parrish và cộng sự [85], tính TVST là mức độ mà một hệ thống không bị thay đổi bởi con người đối về mặt cấu trúc, thành phần và chức năng của nó Phần lớn diện tích rừng không bị biến đổi đáng kể (tức là rừng có tính TVST cao), thường mang lại nhiều ích lợi hơn so với rừng bị biến đổi cùng loại [99], bao gồm: hấp thụ và lưu giữ carbon [81]; duy trì lưu vực đầu nguồn [73]; sử dụng rừng theo cách truyền thống; đóng góp vào các quá trình khí hậu địa phương và khu vực [68], và duy trì ĐDSH phụ thuộc vào rừng [54] Khai thác gỗ quy mô công nghiệp, phân mảnh bởi cơ sở hạ tầng, canh tác (bao gồm cả trồng trọt và chăn nuôi) và đô thị hóa, cũng như các hình thức biến đổi ít được nhìn thấy hơn như săn bắn quá mức, khai thác nhiên liệu gỗ, và thay đổi chế độ thủy văn hoặc cháy rừng [52] Tất cả đều làm suy giảm dịch vụ mà rừng cung cấp, cũng như khả năng chống chịu lâu dài với BĐKH [99]

Bằng phương pháp đánh giá tính toàn vẹn, WCS (Wildlife Conservation Society – Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã) cùng các đối tác khoa học đã tích hợp

dữ liệu quan sát và suy luận về tác động của con người và khả năng mất kết nối, từ đó đưa ra thước đo đầu tiên về tính TVST cho tất cả các khu rừng trên thế giới, hay còn

gọi là Chỉ số TVCQR (TVCQR) [23] (Hình 1.2) Kết quả nghiên cứu là một bản đồ đo

lường liên tục, có thể áp dụng trên toàn cầu về tính toàn vẹn của rừng trên quy mô CQ, cung cấp một chỉ báo kịp thời về tình trạng và nhu cầu quản lý của các khu rừng còn lại trên Trái đất Nghiên cứu chính thức được công bố trên tạp chí Nature Communications [101]

Trang 26

Chỉ số này được công bố rộng rãi trên website của WCS và các đối tác khoa học, sẽ được cập nhật hàng năm và cho phép người dùng vừa tiếp cận với dữ liệu toàn cầu, và địa phương [102] Bản đồ chỉ số TVCQR hiển thị rõ tình trạng của những khu rừng còn lại trên thế giới cho tất cả mọi người và hỗ trợ hành động có mục tiêu bảo

tồn, quản lý và phục hồi rừng Về cơ bản, đối với các lãnh thổ miền núi, TVCQR có sự

tương đồng lớn với TVCQ, bởi TVCQR chỉ thị cho mức độ nguyên trạng (tính tự nhiên) và khả năng phục hồi của TTV Do vậy, có thể sử dụng giá trị TVCQR để đo lường giá trị toàn vẹn của các CQ tương ứng

Hình 1.2 Minh họa phương pháp xây dựng Chỉ số Toàn vẹn cảnh quan rừng Xây dựng chỉ số TVCQR dựa trên tích hợp 3 đầu vào dữ liệu chính: (1) áp lực do con người quan sát được (cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, mất cây che phủ), (2) áp lực có thể suy luận khác được mô hình hóa dựa trên mức độ gần với các áp lực quan sát được và (3) sự thay đổi trong mạng lưới liên kết rừng (Nguồn: WCS – Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã [23])

1.2.3 Toàn vẹn cảnh quan trong quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học

1.2.3.1 Cách tiếp cận cảnh quan và toàn vẹn cảnh quan cho quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học

Trang 27

Theo Công ước về ĐDSH (CBD), MLST (ecological network) (MLST) là một

mô hình đã được phát triển trong hơn 40 năm qua với mục đích là duy trì tính toàn vẹn của các quá trình môi trường Ở Trung và Đông Âu, một số chương trình MLST quốc gia phát triển vào những năm 1980 lấy cảm hứng từ lý thuyết CQ phân cực (polarized-landscape theory) của nhà địa lý người Nga Boris Rodoman Dựa trên lý thuyết này, cách tiếp cận ―ổn định sinh thái‖ (eco-stabilizing) đề xuất rằng CQ nên được phân vùng sao cho các khu vực sử dụng đất được cân bằng bởi các khu vực tự nhiên, và hoạt động như một tổng thể thống nhất và có khả năng tự điều chỉnh Kết quả từ chương trình này không chỉ phát triển những MLST đầu tiên mà còn lồng ghép bảo tồn ĐDSH vào các kế hoạch quản lý môi trường quy mô lớn, gần đúng mô tả ngày nay về chiến lược PTBV quốc gia [76]

Trang 28

Hình 1.3 Mô hình thuyết địa sinh học đảo cho bảo tồn đa dạng sinh học

Nguồn: Biên tập từ Richard John Huggett, 2004 [87]

Ở hầu hết các khu vực khác, mô hình MLST được hình thành từ sự phát triển của lý thuyết sinh thái CQ, chủ yếu là lý thuyết của MacArthur và Wilson về địa sinh

học đảo (island biogeography) (Hình 1.3) và siêu quần thể (metapopulation) Thêm

vào đó, nhận thức quan trọng tiếp theo là sự phân mảnh sinh cảnh sống làm tăng tính

dễ bị tổn thương của các quần thể loài vì làm giảm diện tích sinh cảnh sẵn có và hạn chế cơ hội phát tán, di cư và trao đổi gen Do đó, cộng đồng đang ngày càng quan tâm hơn đến việc phát triển các phương pháp tiếp cận bảo tồn nhằm thúc đẩy sự gắn kết sinh thái ở quy mô CQ Trong những năm 1990, nhiều nước ở Tây Âu, Bắc Mỹ, Mỹ

Trang 29

Latinh, Úc và Châu Á đã phát triển các chương trình quy mô địa phương và quốc gia nhằm tích hợp các KBT vào mạng lưới liên kết rộng hơn [76]

Các MLST đều áp dụng cùng một mô hình cấu trúc tương tự nhau, cụ thể là thông qua việc phân bổ các chức năng cho từng khu tùy thuộc vào giá trị sinh thái và tiềm năng tài nguyên thiên nhiên của chúng [66].Các chức năng này thể hiện rõ trong

một hệ thống nhất quán với các thành phần cơ bản sau (Hình 1.4):

- Vùng lõi (core area): nơi bảo tồn ĐDSH có tầm quan trọng hàng đầu, ngay cả

khi không được bảo vệ hợp pháp

Hình 1.4 Sơ đồ cấu trúc không gian của mạng lưới sinh thái [76]

- HL ĐDSH (corridor): duy trì các kết nối sinh thái hoặc môi trường quan

trọng bằng các liên kết vật lý (có nhiều dạng khác nhau và không nhất thiết là tuyến tính) giữa các vùng lõi

- Vùng đệm (buffer zone): bảo vệ vùng lõi khỏi các luồng xâm nhập từ bên

ngoài có khả năng gây hại; về cơ bản nó là các vùng chuyển tiếp được đặc trưng bởi hoạt động sử dụng đất tương thích

- Khu vực sử dụng bền vững (sustainable-use area): có cơ hội được khai thác

trong môi trường CQ để sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên cùng với việc duy trì hầu hết các dịch vụ HST

Trang 30

Các khu DTSQ được UNESCO phát triển dựa trên lý thuyết về MLST này Khu DTSQ là ‗địa điểm học tập để PTBV‘ - khu vực dung hòa giữa bảo tồn ĐDSH và phát triển KT-XH thông qua cách tiếp cận dựa trên cơ sở học tập hoặc nghiên cứu khoa học Các khu DTSQ tích hợp các KBT truyền thống với CQ rộng lớn hơn của chúng, bao gồm: 'vùng lõi' bảo tồn ĐDSH nghiêm ngặt; 'vùng đệm' bao xung quanh vùng lõi nhằm bảo vệ cũng như giảm thiểu tác động từ bên ngoài vào các sinh vật trong vùng lõi, cho phép diễn ra các hoạt động nghiên cứu, giáo dục và du lịch / giải trí, các khu

dân cư nhỏ lẻ; và 'vùng chuyển tiếp' với mật độ dân cư lớn hơn và ưu tiên PTBV (Hình

1.5) Chương trình Con người và Sinh quyển của UNESCO thiết lập các khu DTSQ

vào những năm 1970 và phát triển chúng tương tự với hệ thống môi trường – xã hội (SES) và khoa học bền vững

Hình 1.5 Mô hình khu Dự trữ sinh quyển (UNESCO, 2014)

Tại Việt Nam, Quyết định số 174/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ lập ĐHKG ĐDSH thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 [32], đối tượng nghiên cứu của quy hoạch bao gồm KBT thiên nhiên; HL ĐDSH; cơ sở bảo tồn ĐDSH; khu vực ĐDSH cao; vùng đất ngập nước quan trọng; và CQ sinh thái quan trọng Theo đó, Luật ĐDSH (2008) định nghĩa về một số đối tượng cụ thể là:

- KBT thiên nhiên (KBT): khu vực địa lý được xác lập ranh giới và phân khu

chức năng để bảo tồn ĐDSH; bao gồm VQG, khu DTSQ (DTTN), KBT loài – sinh cảnh, khu bảo vệ CQ

- HL ĐDSH (HL ĐDSH): khu vực nối liền các vùng sinh thái tự nhiên cho

phép các loài sinh vật sống trong các vùng sinh thái đó có thể liên hệ với nhau

- Cơ sở bảo tồn ĐDSH: cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, cứu hộ, nhân giống loài

hoang dã, cây trồng, vật nuôi, vi sinh vật và nấm đặc hữu, có giá trị; lưu giữ, bảo quản nguồn gen và mẫu vật di truyền phục vụ mục đích bảo tồn và phát triển ĐDSH Trong thực tế là vường thú, thủy cung, trang trại hoặc vườn thực vật, ngân hàng hạt giống …

Trang 31

Ngoài ra, Công ước CBD còn định nghĩa CQ quan trọng cần được bảo vệ (protected landscape) là vùng được quản lý chủ yếu để bảo tồn và tái tạo [44] Diện tích đất liền hay đất ngập nước có sự tương tác giữa con người và thiên nhiên theo thời gian đã tạo ra một khu vực có tính chất riêng biệt, có giá trị thẩm mỹ, sinh thái và / hoặc văn hóa rõ rệt, và thường có tính ĐDSH cao Giữ gìn tính toàn vẹn của mối quan

hệ tương tác này rất quan trọng đối với việc bảo vệ, duy trì và phát triển của cả khu vực

Hiện nay, khu DTSQ miền Tây Nghệ An đang có những đối tượng nghiên cứu

cơ bản bao gồm 3 vùng lõi là KBT Pù Hoạt, KBT Pù Huống và KBT Pù Mát Tuy nhiên, các đối tượng không gian khác như HL ĐDSH và CQ sinh thái quan trọng vẫn chưa được xác định rõ ràng Bên cạnh đó, nhiều khu vực CQ với hiện trạng sinh thái tốt hoàn toàn có thể trở thành những vùng lõi hoặc mở rộng vùng lõi đến những CQ này Ngược lại, nếu các CQ nằm trong phạm vi vùng lõi nhưng hiện trạng không còn tốt cũng nên xem xét tổ chức lại không gian Các vùng đệm và chuyển tiếp cũng tương

tự Vì vậy, để đạt được mục tiêu duy trì các HST và bảo tồn ĐDSH của một MLST, thì việc đánh giá TVCQ là rất cần thiết để thiết lập một hệ thống liên kết phục vụ ĐHKG ĐDSH tại địa phương

1.2.3.2 Ứng dụng toàn vẹn cảnh quan trong quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học

Trong những đối tượng được nghiên cứu ĐHKG ĐDSH, vùng đất ngập nước và

CQ sinh thái quan trọng được xác định là các khu vực cần ưu tiên / tập trung triển khai chiến lược, hành động nhằm duy trì các điều kiện sinh thái tại địa phương Vậy nên, xây dựng một mô hình hay bản đồ TVCQ là một trong những giải pháp quan trọng để xác định những khu vực này

Mô hình TVCQ có khả năng mô tả đặc điểm bối cảnh sinh thái bên ngoài các vùng lõi hay KBT hiện tại để đưa ra các biện pháp quản lý phù hợp và có ý nghĩa cho địa phương Cụ thể là lựa chọn các mục tiêu bảo tồn và / hoặc giúp ưu tiên các địa điểm nhằm triển khai các chiến lược, hoạt động bảo tồn ở từng đơn vị hành chính như tỉnh, huyện, xã, phường

Ví dụ như KBT có các vùng lõi nằm ở trung tâm và trải dài trên một phạm vi rộng lớn Vậy nên chiến lược quản lý không gian tiềm năng sẽ bao gồm tập trung giải pháp bảo tồn tại các CQ có tính toàn vẹn cao, quy hoạch sử dụng đất hướng đến tối ưu hóa các mục tiêu sinh thái và KT-XH, và triển khai các chương trình giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận biết cho cấp quản lý và các bên liên quan, giúp họ giảm thiểu các tác động tiêu cực đến HST [93]

Các chính sách bảo tồn CQ cần được áp dụng thận trọng tại những khu tương đối hiếm này, ví dụ như khu vực thuộc VQG và khu BTTN vẫn đang được chăm sóc, bảo tồn, ít bị biến đổi tác động, và các khu vực CQ núi Mặt khác, các CQ có tính toàn vẹn thấp hơn thì mức độ ưu tiên cũng giảm đi là các nhóm CQ dân cư, rừng trồng, cây

Trang 32

công nghiệp và đất trống Như vậy, yếu tố đầu tiên cần xem xét đến khi quy hoạch không gian chính là sự ưu tiên cho mỗi dạng CQ tương ứng với cấp độ TVCQ khác nhau Trong thực tế, các cơ hội và hành động thực thi là khác nhau theo từng loại trạng thái CQ [96], cũng như theo từng chủ sở hữu đất và đơn vị quản lý

Mặt khác, khái quát hóa trong triển khai các chiến lược thực tế rất phực tạp Lý

do thứ nhất là khó có thể tiếp cận nhanh chóng và thống nhất trên một quy mô lớn Thứ hai, không thể giả định một cách phiến diện rằng một CQ có thể hoặc nên bị thay đổi hoàn toàn Một số vấn đề khác ví dụ như một đơn vị CQ ở chính giữa bị thay đổi

sẽ gây nên tác dụng hoàn toàn khác với một đơn vị nằm ở vị trí bên rìa, trừ trường hợp

nó không ảnh hưởng đến tính TVCQ

Giải pháp hướng đến là linh hoạt trong thực hiện chiến lược cho từng trường hợp Ví dụ, vùng đất có tỷ lệ TVCQ chủ yếu từ thấp đến rất thấp nhưng xen kẽ các CQ tính toàn vẹn cao thì nên tập trung vào việc quản lý các CQ đơn lẻ hiện đang được bảo

vệ, thay vì cố gắng thay đổi tất cả nhằm tương thích với việc bảo tồn Đặc biệt chú ý đến là các CQ có tiềm năng trở thành HL ĐDSH để tăng tính liên kết giữa các KBT Mặt khác, đối với vùng đất có tỷ lệ TVCQ chủ yếu từ cao đến rất cao được ưu tiên hơn

cả trong các dự án lượng giá tiềm năng hoặc cải tạo Mặc dù cách tiếp cận này không nhằm mục đích thay thế các nỗ lực ưu tiên khác nhưng nó cung cấp một cái nhìn tổng hợp, vượt qua ranh giới sở hữu đất đai

Một lưu ý khác đó là các khu đất có giá trị TVCQ từ thấp đến rất thấp không hẳn là không có giá trị bảo tồn Thay vào đó, những đơn vị này có thể góp phần cải thiện tổng thể nếu giải quyết được các yếu tố gây áp lực cục bộ như giao thông, khu dân cư, trồng chọt, chăn thả, khai thác rừng, [64]

Cuối cùng, mô hình TVCQ còn có thể được sử dụng để thiết lập các KBT mới cũng như đảm bảo ranh giới của chúng đã bao gồm các thành phần thiết yếu của HST

1.3 Quy trình và phương pháp nghiên cứu

1.3.1 Quan điểm nghiên cứu

- Quan điểm hệ thống và tổng hợp

Môi trường tự nhiên là một chỉnh thể thống nhất các hợp phần tự nhiên Những tác động riêng lẻ vào một hợp phần tự nhiên ở các mức độ khác nhau đều dẫn đến sự biến đổi của những hợp phần còn lại của chỉnh thể, và ngược lại cũng vậy Ngoài ra, kết nối là một trong những yếu tố chính của việc chỉ ra các tác động sinh thái của biến đổi môi trường Tính liên kết giữa các hợp phần càng cao, hiệu quả giám sát và triển khai các hành động càng lớn do phản ứng dây chuyển trong cùng một hệ thống

Với quan điểm như vậy, khu DTSQ miền Tây Nghệ An được coi như một CQ lớn được hình thành từ mối quan hệ chặt chẽ giữa các vùng lõi, hay còn là các KBT/VQG, cùng với vùng đệm, vùng chuyển tiếp và các yếu tố khác ảnh hưởng đến

Trang 33

nó Để đạt được mục tiêu đánh giá và quản lý có hiệu quả trên quy mô lớn, ta cần đánh giá toàn bộ các hợp phần của môi trường tự nhiên và tăng cường mối quan hệ hay liên kết giữa chúng

- Quan điểm PTBV

Theo Chương trình Nghị sự 2030 về PTBV [38], được 193 Quốc gia Thành viên Liên hợp quốc thỏa thuận, ĐDSH và các dịch vụ HST đóng góp trực tiếp vào phúc lợi của con người và các ưu tiên phát triển Tầm quan trọng của ĐDSH và HST được phản ánh trong nhiều mục tiêu PTBV và kết quả nhắm tới Do đó, việc nghiên cứu ĐDSH và HST là điều cần thiết khi các quốc gia bắt tay vào thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và các mục tiêu PTBV, cũng như trong việc thực hiện các ưu tiên chính của quốc gia

Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Chính phủ Việt Nam đưa bảo tồn ĐDSH

là một trong những mục tiêu PTBV của đất nước Cụ thể là ĐHKG ĐDSH quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 [16] đặt ra mục tiêu gìn giữ được mảng xanh môi trường, đảm bảo phát triển kinh tế bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Trong đó, việc hình thành và quản lý các khu DTSQ sẽ mở rộng cách tiếp cận hiện có đối với việc quản lý KBT để bảo tồn ĐDHS và chia sẻ lợi ích bằng cách tính đến bối cảnh KT-XH rộng lớn hơn mà các KBT nằm trong đó

- Quan điểm CQ trong bảo tồn ĐDSH

CQ tự nhiên là yếu tố chính quyết định cấu trúc không gian và sự sắp xếp của các yếu tố CQ, cũng như cách con người sử dụng đất và thay đổi mối liên hệ của các yếu tố đó [69] Địa lý tự nhiên của CQ là đầu vào cơ bản nhằm giải quyết và hiểu rõ các liên kết trong cấu trúc không gian và chức năng của một khu vực Định hình các quá trình sinh thái và sự kết nối của chúng để từ đó quy hoạch các cấu trúc không gian thích hợp, đảm bảo tính liên tục

Trong bảo tồn ĐDSH, một thuật ngữ có liên quan là liên kết sinh cảnh sống (habitat connectivity), dùng để chỉ mức độ kết nối chức năng [69] giữa các sinh cảnh sống nhằm tối ưu cho các loài riêng lẻ Các nhà khoa học cho rằng các yếu tố CQ thể hiện các mức độ phù hợp với sinh cảnh sống khác nhau Do đó các khu vực có mức độ phù hợp cao sẽ bao gồm các vùng sinh cảnh tối ưu nhất cho sinh vật Bên cạnh đó, các hoạt động của con người cũng ảnh hưởng đến CQ, từ đó có thể tạo điều kiện thuận lợi hoặc cản trở khả năng di chuyển của sinh vật, tùy thuộc vào đặc điểm của chúng

1.3.2 Phương pháp nghiên cứu

1.3.2.1 Phương pháp kế thừa và tổng quan tài liệu

Trong nghiên cứu này, tác giả sử dụng phương pháp tổng quan hệ thống trên cơ

sở các nghiên cứu trong và ngoài nước, từ đó rút ra được cơ sở lý luận, phương pháp nghiên cứu để đưa ra cơ sở khoa học cho mô hình TVCQ và đánh giá các tiêu chí thiết

Trang 34

lập mô hình TVCQ cho công tác ĐHKG Tổng quan hệ thống chia làm 3 quá trình: Tìm kiếm dữ liệu, sàng lọc dữ liệu, phân tích kết quả

Tác giả tiến hành tìm kiếm tài liệu cơ sở chính thông qua các công cụ web: Science Direct, Springer, Wiley Online Library, Google Scholar Kết quả tìm được là kết hợp từ các cụm từ: ―Landscape ecological integrity‖, ―Human modification assessment‖, ―Conservation planning‖ Tác giả chú ý chọn các tiêu đề có lượng trích dẫn cao, tìm kiếm không giới hạn thời gian, chỉ chọn bài báo khoa học đã phản biện, loại bỏ các bài báo không chấp thuận Nguồn tài liệu chính được lựa chọn là xuất bản bằng tiếng Anh vì đây là ngôn ngữ chính trong các ấn phẩm khoa học, thậm chí là trong tạp chí khu vực

1.3.2.2 Phương pháp điều tra, khảo sát thực địa

Việc điều tra khảo sát thực địa được tiến hành vào tháng 3/2022 tại khu DTSQ miền Tây Nghệ An Nhóm nghiên cứu trước tiên tiến hành trao đổi sơ bộ với BQL khu DTSQ miền Tây Nghệ An về đặc điểm chung về TTV, CQ, những khu vực bị biến đổi mạnh tại KVNC, cũng như những định hướng bảo tồn ĐDSH của khu DTSQ Tiếp đó,

02 tuyến lộ trình khảo sát đã được tiến hành:

- Tuyến 01: dọc theo quốc lộ 7A đến VQG Pù Mát, huyện Con Cuông, Anh Sơn, huyện Tương Dương và Kỳ Sơn mục đích nhằm khảo sát 1 số CQ đặc thù tại VQG Pù Mát; quốc lộ 48 qua KBTTN Pù Huống, đồng thời đánh giá sơ bộ những nhân tố hình thành và làm biến đổi CQ, biến đổi TVCQ của khu vực;

- Tuyến 02: dọc theo quốc lộ 16 đến KBTTN Pù Hoạt, mục đích nhằm khảo sát một số CQ đặc thù tại KBTTN Pù Hoạt, đồng thời đánh giá sơ bộ những nhân tố hình thành và làm biến đổi CQ, biến đổi TVCQ của khu vực

Một bản mô tả sơ bộ, đánh giá nhanh về CQ, TVCQ tại các điểm khảo sát được nhóm nghiên cứu ghi chép, làm cơ sở tham chiếu cho việc đánh giá TVCQ sau này

1.3.2.3 Phương pháp phân tích cảnh quan

Phương pháp này phân tích CQ là hướng đánh giá tổng hợp trong địa lý phục

vụ sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường Vì vậy, trong nghiên cứu phân tích CQ phải sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau của các khoa học địa lý bộ phận để thu thập, xử lý thông tin và trình diễn kết quả Trong nghiên cứu này, tác giả sử dụng các

kỹ thuật đánh giá tích hợp và thể hiện kết quả thích hợp như bản đồ mô hình hóa Bên cạnh đó, có thể phân loại các kỹ thuật phân tích theo mức độ định lượng như định tính, bán định lượng và định lượng

Việc phân tích đặc tính hoặc giá trị của từng CQ cho cái nhìn tổng quan về hiện trạng CQ, trong trường hợp này là của 13 CQ Đánh giá tổng hợp giá trị CQ cho mục tiêu bảo tồn ĐDSH cần mô hình hóa hiện trạng các hợp phần tự nhiên cũng như hoạt động phát triển KT-XH Từ đó điều chỉnh các tác động của con người và xây dựng cơ

Trang 35

sở cho việc hỗ trợ các nhà quản lý, quy hoạch đưa ra quyết định phù hợp với từng đơn

vị lãnh thổ cụ thể Có thể hiểu, phân tích CQ là bước trung gian quan trọng giữa nghiên cứu cơ bản và quy hoạch sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường [11]

1.3.2.4 Phương pháp đánh giá tính toàn vẹn cảnh quan

Nghiên cứu này bước đầu tính toán giá trị toàn vẹn của các CQ dựa trên 02 lớp

dữ liệu: i) dữ liệu vector của các CQ được xây dựng ở bước trên; ii) dữ liệu raster về chỉ số TVCQR năm 2019 với độ phân giải 300m, được cung cấp ở quy mô toàn cầu bởi nhóm nghiên cứu H S Grantham và cộng sự (2020) Để tạo ra chỉ số TVCQR, các tác giả đã kết hợp bốn bộ dữ liệu rõ ràng về mặt không gian đại diện cho: phạm vi rừng; quan sát các tác động của con người đã được không gian hóa (cơ sở hạ tầng, nông nghiệp và nạn phá rừng gần đây), các áp lực liên quan bao gồm hiệu ứng cạnh và các quá trình khuếch tán khác (ví dụ như các hoạt động săn bắn do con người và được ghi chép lại) và cuối cùng những thay đổi do con người tạo ra vì mất kết nối rừng do mất rừng Các tệp dữ liệu này được kết hợp để tạo ra điểm cho mỗi pixel rừng (ở độ phân giải 300m), với điểm cao nhất sẽ phản ánh tính TVCQ cao nhất

Sử dụng chức năng Zonal Statistics trong phần mềm ArcGIS 10.4 với 02 lớp dữ liệu trên, chúng ta sẽ thu được các giá trị lớn nhất, nhỏ nhất, trung bình, trung vị, độ lệch chuẩn của các pixel trong từng đơn vị CQ Để đại diện cho CQ tại khu vực nghiên cứu, chúng tôi đã lựa chọn lấy giá trị trung vị (median) làm giá trị toàn vẹn của CQ, sau đó tiến hành phân cấp giá trị thành 7 cấp, từ cấp 1 Tính toàn vẹn rất thấp, đến 7 Tính toàn vẹn rất cao Giá trị này cho thấy CQ nào được xác định là có tính toàn vẹn cao nhất và có giá trị bảo tồn nhiều nhất, từ đó xây dựng các chiến lược, quy hoạch và giải pháp bảo tồn phù hợp

1.3.2.5 Phương pháp bản đồ, viễn thám và hệ thống thông tin địa lý GIS

Tác giả ứng dụng các phần mềm ArcGIS 10.4 để quản lý dữ liệu và thực hiện các phép phân tích không gian; phần mềm Mapinfo 15 để biên tập các bản đồ hợp phần như địa chất, địa mạo, thổ nhưỡng và TTV; phần mềm Google Earth Pro để thu nhận các thông tin từ ảnh vệ tinh độ phân giải cao về khu vực nghiên cứu, cũng như tận dụng layer Photos để xem các ảnh chụp thực tế được người dùng tải lên tại khu vực nghiên cứu; bên cạnh đó, ảnh Google cũng được tích hợp vào ArcGIS 10.4 để điều chỉnh, cập nhật lớp thông tin về hiện trạng rừng tại khu vực nghiên cứu

Ảnh viễn thám độ phân giải cao của Google maps và Bing maps được sử dụng trong bản đồ nền (base map) trong ArcGIS 10.4 để cập nhật thay đổi của TTV rừng tại KVNC

Trang 36

Bản đồ CQ được thành lập trên cơ sở phân tích liên hợp, chồng ghép các bản đồ hợp phần, bao gồm: địa chất, địa hình, sinh khí hậu, thổ nhưỡng và TTV Để tích hợp được, các lớp dữ liệu này trước tiên được chỉnh hợp về ranh giới không gian của từng đối tượng bản đồ để đạt được logic nguồn gốc phát sinh Tiếp đó, các dữ liệu này được đưa vào phân tích chồng ghép, liên hợp trong phần mềm ArcGIS 10.4, được gán ký hiệu đối tượng tương ứng theo chú giải bản đồ CQ được xây dựng

1.3.3 Quy trình nghiên cứu

Hình 1.6 Sơ đồ quy trình các bước nghiên cứu

Sơ đồ các bước nghiên cứu thực hiện luận văn được cụ thể trong Hình 1.6 Quy

trình nghiên cứu gồm các bước:

- Bước 1: Xác định mục tiêu và nhiệm vụ;

- Bước 2: Tiến hành thu thập, tổng quan tài liệu có liên quan đến vấn đề và khu vực cần nghiên cứu;

- Bước 3: Tiến hành điều tra, khảo sát thực địa tại khu vực nghiên cứu;

- Bước 4: Tổng quan xây dựng cơ sở khoa học và phương pháp nghiên cứu;

- Bước 5: Phân tích đặc điểm các yếu tố TN và KT-XH thành tạo CQ;

- Bước 6: Lập bản đồ và phân tích đặc điểm CQ tại KVNC;

- Bước 7: Đánh giá, phân cấp mức độ TVCQ của khu vực nghiên cứu;

- Bước 8: Đề xuất các định hướng và giải pháp phục vụ bảo tồn ĐDSH tại khu DTSQ miền Tây Nghệ An

Trang 37

CHƯƠNG 2 CÁC YẾU TỐ THÀNH TẠO VÀ ĐẶC ĐIỂM CẢNH QUAN

KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN MIỀN TÂY NGHỆ AN

2.1 Vị trí địa lý của khu vực nghiên cứu

Khu DTSQ nằm phía Tây tỉnh Nghệ An theo trục Bắc - Nam, bao gồm toàn bộ lưu vực đầu nguồn sông Cả với 3 chi lưu quan trọng là sông Hiếu, sông Nậm Nơn và

sông Nậm Mộ, thuộc phạm vi vùng sinh thái dãy Trường Sơn (Hình 2.1) Điểm cực

Tây của khu DTSQ là đỉnh núi Pù Xơi, xã Mường Ải, huyện Kỳ Sơn Điểm cực Bắc là đỉnh núi Bản Liên, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong Cực Đông - Nam là tận cùng của huyện Thanh Chương giáp ranh ngã 3 với huyện Nam Đàn và tỉnh Hà Tĩnh Diện tích khu vực là 1.303.285ha , với dân số khoảng 900.289 người [8] Toàn bộ khu DTSQ nằm trong tọa độ: Kinh độ: 103,874345 - 105,500152 VB; Vĩ độ: 18,579179 - 19,727594 KĐ

Hình 2.1 Bản đồ vị trí và các phân khu chức năng khu Dự trữ sinh quyển miền Tây

Nghệ An

Toàn bộ khu DTSQ nằm trong địa giới hành chính của 9 huyện miền núi với

182 xã và thị trấn, 2.125 xóm, bản Cụ thể: huyện Kỳ Sơn (21 đơn vị hành chính cấp

xã với 193 xóm, bản); huyện Tương Dương (18 đơn vị hành chính cấp xã với 154 xóm, bản); huyện Con Cuông (13 đơn vị hành chính cấp xã với 127 xóm, bản); huyện Anh Sơn (21 đơn vị hành chính cấp xã với 252 xóm, bản); huyện Thanh Chương (40 đơn vị hành chính cấp xã với 504 xóm, bản); huyện Tân Kỳ (22 đơn vị hành chính cấp

Trang 38

xã với 268 xóm, bản); huyện Quỳ Hợp (21 đơn vị hành chính cấp xã với 287 xóm, bản); huyện Quỳ Châu (12 đơn vị hành chính cấp xã với 146 xóm, bản) và huyện Quế Phong (14 đơn vị hành chính cấp xã với 194 xóm, bản)

Khu DTSQ miền Tây Nghệ An được phân thành 3 phân khu chức năng như sau:

- Vùng lõi: Diện tích 241.985 ha, bao gồm: VQG Pù Mát và 2 KBT Thiên

nhiên Pù Huống và Pù Hoạt thuộc các huyện: Con Cuông, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp

- Vùng đệm: Diện tích 503.270 ha, dân số 200.926 người, thuộc các huyện:

Con Cuông, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Kỳ Sơn, Anh Sơn, Thanh Chương

- Vùng chuyển tiếp: Diện tích khoảng 558.030 ha, dân số 272.896 người, thuộc

địa giới hành chính các huyện: Con Cuông, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Kỳ Sơn, Anh Sơn, Thanh Chương, Tân Kỳ

2.2 Đặc điểm các yếu tố tự nhiên thành tạo cảnh quan

2.2.1 Địa chất và kiến tạo

Lãnh thổ Nghệ An nằm trên phông chung giữa hai miền kiến trúc lớn trong khu vực đó là miền kiến trúc Trường Sơn và miền kiến trúc Tây Bắc, ở vị trí thuộc miền rìa phía Đông Bắc của địa khối Indosini

Miền kiến trúc Tân kiến tạo Tây Bắc được nâng mạnh dạng vòm khối tảng với biên độ > 1.000 m và dạng khối tảng bị khống chế: phía Tây Bắc là đứt gãy Sơn La (nằm ngoài phạm vi nghiên cứu), phía Đông Nam là đứt gãy Sông Cả Đây là miền kiến trúc phát triển kế thừa trên kiến trúc cổ (khối Phu Hoạt) bị hoạt hoá mạnh trong Mezozoi, hình thành nên móng kết tinh với nhóm thành hệ kiến tạo lục nguyên Jura - Kreta, và các phức hệ xâm nhập xuyên cắt lên các hệ tầng này Đến Kainozoi, hoạt động phun trào bazan và nâng mạnh dạng khối tảng với biên độ đạt tới 1.500 m nhưng không đều, mạnh ở phía Tây Bắc và yếu dần về phía Đông Nam, tạo nên các khối kiến trúc: Quế Phong, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Tương Dương, Tân Kỳ Miền kiến trúc tân kiến tạo Trường Sơn thể hiện là miền kiến trúc nâng mạnh dạng tuyến với biên độ 1.000 - 1.500 m, phát triển kế thừa từ khối kiến trúc uốn nếp cổ cùng tên Điều kiện địa chất, kiến tạo là một trong các yếu tố có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành nền móng CQ

Các thành tạo địa chất chính tại khu vực nghiên cứu bao gồm:

- Hệ tầng sông Cả (O 3 -S 1 sc): chiếm phần lớn diện tích khu vực nghiên cứu,

phân bố chủ yếu ở phía Bắc huyện Kỳ Sơn, phần lớn diện tích huyện Tương Dương, Thanh Chương, Quỳ Châu và một phần các huyện Đô Lương, Con Cuông, Quỳ Hợp

Trang 39

Trầm tích hệ tầng tạo thành những dải kéo dài theo phương Tây Bắc - Đông Nam Thành phần thạch học chủ yếu gồm cát kết, bột kết, đá phiến sericit, đá phiến sét

- Hệ tầng Huổi Nhị (S 2 -D 1 hn), Huổi Lôi (S 2 -D 1 hl), Nậm Tầm (D 1-2 nt): chuyển

tiếp liên tục lên nhau và có thành phần tương tự nhau Trầm tích phân bố chủ yếu ở khu vực bắc Kỳ Sơn, Quế Phong và khu vực tiếp giáp giữa Thanh Chương và Anh Sơn Thành phần đá gồm cát bột kết, bột kết, đá phiến sét, phân lớp vừa đến mỏng

- Hệ tầng Nậm Cắn (D 2 g-D 3 frnk), Khánh Thành (D 3 -C 1 kt): các thành tạo trầm

tích carbonat hệ tầng Nậm Cắn, Khánh Thành phân bố ở hai cánh của nếp lồi có nhân

là các trầm tích trẻ hơn, phân bố theo Quốc lộ 7, đoạn từ đèo Noọng Dẻ đến cửa khẩu Nậm Cắn (Kỳ Sơn) và đoạn từ bản Lưu Kiền đến Kênh Tráp, Tam Quang (Tương Dương) Thành phần gồm các lớp đá vôi phân lớp dày xen các lớp sét vôi phân lớp vừa đến mỏng, đá vôi phân dải xen đá phiến silic, đá phiến sét; một số nơi các lớp sét vôi ở chân núi bị phong hoá mạnh, gây trượt lở mạnh mẽ các lớp đá phía trên

- Hệ tầng La Khê (C 1 lk) và hệ tầng Bắc Sơn (C-Pbs): các thành tạo trầm tích

lục nguyên carbonat và carbonat thuộc hai hệ tầng này phân bố dọc theo Quốc lộ 7, tạo thành các nếp lõm kéo dài theo phương Tây Bắc – Đông Nam

- Hệ tầng Đồng Trầu (T 2 ađt): phân bố thành các dải lớn kéo dài theo phương

Tây Bắc – Đông Nam Thành phần chủ yếu: phần dưới có đặc điểm chủ yếu là trầm tích lục nguyên hạt thô màu đỏ cuội kết cơ sở, sạn kết, cát kết hạt thô, cát kết vôi, bột kết… xen phun trào axit Phần trên chủ yếu là trầm tích lục nguyên hạt mịn hơn gồm cát kết hạt vừa, bột kết vôi, bột kết

- Hệ tầng Khe Bố (Nkb): các thành tạo trầm tích lục nguyên hạt thô phân bố

trong các trũng nhỏ, tạo thành dải kéo dài không liên tục dọc thung lũng sông Cả, từ phía bắc Con Cuông đến Khe Bố (Tương Dương) Thành phần gồm cuội kết, sạn kết, cát kết, bột kết, đá phiến sét chứa các vỉa than, phân lớp vừa đến mỏng

- Hệ tầng Bù Khạng (PR 3 -e 1 bk): phân bố tại các huyện Quế Phong, Quỳ Châu

và một phần khu vực Quỳ Hợp Đây là hệ tầng trầm tích lục nguyên biến chất cổ nhất trong vùng, bị các đá magma phân cắt và phủ lên trên Thành phần chủ yếu là cát, bột lẫn sạn sỏi, mức độ gắn kết yếu, khả năng thấm nước tốt

- Hệ tầng Mường Hinh (Jmh): phân bố rộng rãi ở phía Bắc – Đông Bắc huyện

Quế Phong, Quỳ Châu, với diện lộ khá lớn > 600 km2, thành phần gồm cuội kết, cát kết, bột kết, ryolit, ryolit porphyr và tuf của chúng

- Hệ Đệ Tứ (Q): phân bố thành dải hẹp không liên tục dọc hai bờ sông Cả,

đoạn từ Cửa Rào (Tương Dương) về hạ nguồn Tại khu vực phía Bắc Quốc lộ 48, các thành tạo này phân bố thành dải hẹp không liên tục dọc hai bờ sông Hiếu, sông Nậm Việc, sông Quang, đoạn phía nam huyện Quỳ Châu và huyện Nghĩa Đàn Gồm các thành tạo thềm bậc I, bậc II, bãi bồi và trầm tích lòng có bề dày thay đổi từ vài mét đến

Trang 40

hàng chục mét Thành phần trầm tích gồm tảng, cuội, sạn, sỏi, cát, sét, bột; mức độ gắn kết yếu, dễ sập lở, nhất là trầm tích bãi bồi, thềm I

Ngoài ra, trong vùng còn một số hệ tầng phân bố trên diện tích hẹp, thành phần trầm tích khá ổn định

Ngày đăng: 08/10/2024, 20:50

Nguồn tham khảo

Tài liệu tham khảo Loại Chi tiết
7. Hồng N.V. (2017), Phân tích, đánh giá cảnh quan phục vụ phát triển nông, lâm nghiệp và bảo tồn đa dạng sinh học các huyện biên giới Tây Nam tỉnh Nghệ An, Luận án Tiến sĩ Địa lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Phân tích, đánh giá cảnh quan phục vụ phát triển nông, lâm nghiệp và bảo tồn đa dạng sinh học các huyện biên giới Tây Nam tỉnh Nghệ An
Tác giả: Hồng N.V
Năm: 2017
11. Nguyễn Cao Huần (2005), Đánh giá cảnh quan (theo tiếp cận kinh tế sinh thái), NXB Đại học quốc gia Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Đánh giá cảnh quan (theo tiếp cận kinh tế sinh thái)
Tác giả: Nguyễn Cao Huần
Nhà XB: NXB Đại học quốc gia Hà Nội
Năm: 2005
29. Sở TN&MT tỉnh Nghệ An (2017), Báo cáo tổng hợp Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Nghệ An đến năm 2020 (định hướng đến năm 2030), Nghệ An Sách, tạp chí
Tiêu đề: Báo cáo tổng hợp "Quy hoạch" bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Nghệ An đến năm 2020 (định hướng đến năm 2030)
Tác giả: Sở TN&MT tỉnh Nghệ An
Năm: 2017
34. Thủy H.L.T. (2012), Đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và môi trường phục vụ lập quy hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Nghệ An, Luận án Tiến sĩ Địa lý, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và môi trường phục vụ lập quy hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Nghệ An
Tác giả: Thủy H.L.T
Năm: 2012
43. Vũ Tự Lập (1976), Cảnh quan địa lý miền Bắc Việt Nam, NXB Khoa Học Kỹ Thuật Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Cảnh quan địa lý miền Bắc Việt Nam
Tác giả: Vũ Tự Lập
Nhà XB: NXB Khoa Học Kỹ Thuật Hà Nội
Năm: 1976
46. Andreasen J.K., O‘Neill R.V., Noss R. và cộng sự. (2001). Considerations for the development of a terrestrial index of ecological integrity. Ecol Indic, 1(1), 21–35 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Ecol Indic
Tác giả: Andreasen J.K., O‘Neill R.V., Noss R. và cộng sự
Năm: 2001
47. Belote R.T., Dietz M.S., Jenkins C.N. và cộng sự. (2017). Wild, connected, and diverse: building a more resilient system of protected areas. Ecol Appl, 27(4), 1050–1056 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Ecol Appl
Tác giả: Belote R.T., Dietz M.S., Jenkins C.N. và cộng sự
Năm: 2017
48. Decker K.L., Pocewicz A., Harju S. và cộng sự. (2017). Landscape disturbance models consistently explain variation in ecological integrity across large landscapes. Ecosphere, 8(4), e01775 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Ecosphere
Tác giả: Decker K.L., Pocewicz A., Harju S. và cộng sự
Năm: 2017
49. Díaz-Delgado R., Cazacu C., và Adamescu M. (2019). Rapid Assessment of Ecological Integrity for LTER Wetland Sites by Using UAV Multispectral Mapping. Drones, 3(1), 3 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Drones
Tác giả: Díaz-Delgado R., Cazacu C., và Adamescu M
Năm: 2019
50. Haase P., Tonkin J.D., Stoll S. và cộng sự. (2018). The next generation of site- based long-term ecological monitoring: Linking essential biodiversity variables and ecosystem integrity. Sci Total Environ, 613–614, 1376–1384 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Sci Total Environ
Tác giả: Haase P., Tonkin J.D., Stoll S. và cộng sự
Năm: 2018
51. Jiang M., Pang X., Wang J. và cộng sự. (2018). Islands ecological integrity evaluation using multi sources data. Ocean Coast Manag, 158, 134–143 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Ocean Coast Manag
Tác giả: Jiang M., Pang X., Wang J. và cộng sự
Năm: 2018
52. Manolaki P., Chourabi S., và Vogiatzakis I.N. (2021). A rapid qualitative methodology for ecological integrity assessment across a Mediterranean island‘s landscapes. Ecol Complex, 46, 100921 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Ecol Complex
Tác giả: Manolaki P., Chourabi S., và Vogiatzakis I.N
Năm: 2021
53. McGarigal K., Compton B.W., Plunkett E.B. và cộng sự. (2018). A landscape index of ecological integrity to inform landscape conservation. Landsc Ecol, 33(7), 1029–1048 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Landsc Ecol
Tác giả: McGarigal K., Compton B.W., Plunkett E.B. và cộng sự
Năm: 2018
54. Müller F. (2005). Indicating ecosystem and landscape organisation. Ecol Indic, 5(4), 280–294 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Ecol Indic
Tác giả: Müller F
Năm: 2005
55. Müller F., Groot R. de, và Willemen L. (2010). Ecosystem Services at the Landscape Scale: the Need for Integrative Approaches. Landsc Online, 23–23 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Landsc Online
Tác giả: Müller F., Groot R. de, và Willemen L
Năm: 2010
56. Müller F., Hoffmann-Kroll R., và Wiggering H. (2000). Indicating ecosystem integrity — theoretical concepts and environmental requirements. Ecol Model, 130(1), 13–23 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Ecol Model
Tác giả: Müller F., Hoffmann-Kroll R., và Wiggering H
Năm: 2000
57. Reza M.I.H. và Abdullah S.A. (2011). Regional Index of Ecological Integrity: A need for sustainable management of natural resources. Ecol Indic, 11(2), 220–229 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Ecol Indic
Tác giả: Reza M.I.H. và Abdullah S.A
Năm: 2011
58. Theobald D.M. (2013). A general model to quantify ecological integrity for landscape assessments and US application. Landsc Ecol, 28(10), 1859–1874 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Landsc Ecol
Tác giả: Theobald D.M
Năm: 2013
59. Vihervaara P., Kumpula T., Tanskanen A. và cộng sự. (2010). Ecosystem services–A tool for sustainable management of human–environment systems.Case study Finnish Forest Lapland. Ecol Complex, 7(3), 410–420 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Ecol Complex
Tác giả: Vihervaara P., Kumpula T., Tanskanen A. và cộng sự
Năm: 2010
60. Walston L.J. và Hartmann H.M. (2018). Development of a landscape integrity model framework to support regional conservation planning. PLOS ONE, 13(4), e0195115 Sách, tạp chí
Tiêu đề: PLOS ONE
Tác giả: Walston L.J. và Hartmann H.M
Năm: 2018

HÌNH ẢNH LIÊN QUAN

Bảng 1.1. Thống kê dữ liệu không gian sử dụng trong luận văn - Đánh giá mức Độ toàn vẹn cảnh quan phục vụ Định hướng không gian bảo tồn Đa dạng sinh học tại khu dự trữ sinh quyển miền tây nghệ an
Bảng 1.1. Thống kê dữ liệu không gian sử dụng trong luận văn (Trang 11)
Hình 1.1. Kết hợp bộ lọc tinh (bảo tồn loài) và bộ lọc thô (bảo tồn cảnh quan, sinh - Đánh giá mức Độ toàn vẹn cảnh quan phục vụ Định hướng không gian bảo tồn Đa dạng sinh học tại khu dự trữ sinh quyển miền tây nghệ an
Hình 1.1. Kết hợp bộ lọc tinh (bảo tồn loài) và bộ lọc thô (bảo tồn cảnh quan, sinh (Trang 24)
Hình 1.2. Minh họa phương pháp xây dựng Chỉ số Toàn vẹn cảnh quan rừng - Đánh giá mức Độ toàn vẹn cảnh quan phục vụ Định hướng không gian bảo tồn Đa dạng sinh học tại khu dự trữ sinh quyển miền tây nghệ an
Hình 1.2. Minh họa phương pháp xây dựng Chỉ số Toàn vẹn cảnh quan rừng (Trang 26)
Hình 1.3. Mô hình thuyết địa sinh học đảo cho bảo tồn đa dạng sinh học - Đánh giá mức Độ toàn vẹn cảnh quan phục vụ Định hướng không gian bảo tồn Đa dạng sinh học tại khu dự trữ sinh quyển miền tây nghệ an
Hình 1.3. Mô hình thuyết địa sinh học đảo cho bảo tồn đa dạng sinh học (Trang 28)
Hình 1.4. Sơ đồ cấu trúc không gian của mạng lưới sinh thái [76] - Đánh giá mức Độ toàn vẹn cảnh quan phục vụ Định hướng không gian bảo tồn Đa dạng sinh học tại khu dự trữ sinh quyển miền tây nghệ an
Hình 1.4. Sơ đồ cấu trúc không gian của mạng lưới sinh thái [76] (Trang 29)
Hình 1.5. Mô hình khu Dự trữ sinh quyển (UNESCO, 2014) - Đánh giá mức Độ toàn vẹn cảnh quan phục vụ Định hướng không gian bảo tồn Đa dạng sinh học tại khu dự trữ sinh quyển miền tây nghệ an
Hình 1.5. Mô hình khu Dự trữ sinh quyển (UNESCO, 2014) (Trang 30)
Hình 1.6. Sơ đồ quy trình các bước nghiên cứu - Đánh giá mức Độ toàn vẹn cảnh quan phục vụ Định hướng không gian bảo tồn Đa dạng sinh học tại khu dự trữ sinh quyển miền tây nghệ an
Hình 1.6. Sơ đồ quy trình các bước nghiên cứu (Trang 36)
Hình 2.1. Bản đồ vị trí và các phân khu chức năng khu Dự trữ sinh quyển miền Tây - Đánh giá mức Độ toàn vẹn cảnh quan phục vụ Định hướng không gian bảo tồn Đa dạng sinh học tại khu dự trữ sinh quyển miền tây nghệ an
Hình 2.1. Bản đồ vị trí và các phân khu chức năng khu Dự trữ sinh quyển miền Tây (Trang 37)
Hình 2.3. Chú giải các thành tạo địa chất khu Dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An - Đánh giá mức Độ toàn vẹn cảnh quan phục vụ Định hướng không gian bảo tồn Đa dạng sinh học tại khu dự trữ sinh quyển miền tây nghệ an
Hình 2.3. Chú giải các thành tạo địa chất khu Dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An (Trang 42)
Bảng 2.1. Nhiệt độ không khí trung bình tháng và năm của một số trạm (ºC) - Đánh giá mức Độ toàn vẹn cảnh quan phục vụ Định hướng không gian bảo tồn Đa dạng sinh học tại khu dự trữ sinh quyển miền tây nghệ an
Bảng 2.1. Nhiệt độ không khí trung bình tháng và năm của một số trạm (ºC) (Trang 45)
Bảng 2.2. Lượng mưa trung bình tháng và năm của một số trạm (mm) - Đánh giá mức Độ toàn vẹn cảnh quan phục vụ Định hướng không gian bảo tồn Đa dạng sinh học tại khu dự trữ sinh quyển miền tây nghệ an
Bảng 2.2. Lượng mưa trung bình tháng và năm của một số trạm (mm) (Trang 46)
Hình 2.5. Bản đồ thổ nhưỡng khu Dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An - Đánh giá mức Độ toàn vẹn cảnh quan phục vụ Định hướng không gian bảo tồn Đa dạng sinh học tại khu dự trữ sinh quyển miền tây nghệ an
Hình 2.5. Bản đồ thổ nhưỡng khu Dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An (Trang 50)
Bảng 2.3. Hiện trạng sử dụng đất rừng tỉnh Nghệ An - Đánh giá mức Độ toàn vẹn cảnh quan phục vụ Định hướng không gian bảo tồn Đa dạng sinh học tại khu dự trữ sinh quyển miền tây nghệ an
Bảng 2.3. Hiện trạng sử dụng đất rừng tỉnh Nghệ An (Trang 51)
Hình 2.6. Hiện trạng thảm thực vật rừng năm 2020 khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An - Đánh giá mức Độ toàn vẹn cảnh quan phục vụ Định hướng không gian bảo tồn Đa dạng sinh học tại khu dự trữ sinh quyển miền tây nghệ an
Hình 2.6. Hiện trạng thảm thực vật rừng năm 2020 khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An (Trang 54)
Bảng 2.4. Diện tích, dân số và mật độ dân số năm 2021 của 9 huyện - Đánh giá mức Độ toàn vẹn cảnh quan phục vụ Định hướng không gian bảo tồn Đa dạng sinh học tại khu dự trữ sinh quyển miền tây nghệ an
Bảng 2.4. Diện tích, dân số và mật độ dân số năm 2021 của 9 huyện (Trang 58)
Bảng 2.8. Số lượng gia súc, gia cầm của 9 huyện miền núi thời năm 2015-2021 - Đánh giá mức Độ toàn vẹn cảnh quan phục vụ Định hướng không gian bảo tồn Đa dạng sinh học tại khu dự trữ sinh quyển miền tây nghệ an
Bảng 2.8. Số lượng gia súc, gia cầm của 9 huyện miền núi thời năm 2015-2021 (Trang 60)
Bảng 2.9. Diện tích rừng trồng mới tập trung tại 9 huyện năm 2015-1021 - Đánh giá mức Độ toàn vẹn cảnh quan phục vụ Định hướng không gian bảo tồn Đa dạng sinh học tại khu dự trữ sinh quyển miền tây nghệ an
Bảng 2.9. Diện tích rừng trồng mới tập trung tại 9 huyện năm 2015-1021 (Trang 61)
Bảng 2.12. Cấp phân vị và chỉ tiêu phân loại cảnh quan khu Dự trữ sinh quyển miền - Đánh giá mức Độ toàn vẹn cảnh quan phục vụ Định hướng không gian bảo tồn Đa dạng sinh học tại khu dự trữ sinh quyển miền tây nghệ an
Bảng 2.12. Cấp phân vị và chỉ tiêu phân loại cảnh quan khu Dự trữ sinh quyển miền (Trang 64)
Hình 2.8. Bảng chú giải bản cảnh quan khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An - Đánh giá mức Độ toàn vẹn cảnh quan phục vụ Định hướng không gian bảo tồn Đa dạng sinh học tại khu dự trữ sinh quyển miền tây nghệ an
Hình 2.8. Bảng chú giải bản cảnh quan khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An (Trang 68)
Hình 3.1. Bản đồ giá trị toàn vẹn cảnh quan rừng năm 2019 của khu Dự trữ sinh - Đánh giá mức Độ toàn vẹn cảnh quan phục vụ Định hướng không gian bảo tồn Đa dạng sinh học tại khu dự trữ sinh quyển miền tây nghệ an
Hình 3.1. Bản đồ giá trị toàn vẹn cảnh quan rừng năm 2019 của khu Dự trữ sinh (Trang 69)
Hình 3.2. Bản đồ phân cấp mức độ toàn vẹn cảnh quan khu Dự trữ sinh quyển miền - Đánh giá mức Độ toàn vẹn cảnh quan phục vụ Định hướng không gian bảo tồn Đa dạng sinh học tại khu dự trữ sinh quyển miền tây nghệ an
Hình 3.2. Bản đồ phân cấp mức độ toàn vẹn cảnh quan khu Dự trữ sinh quyển miền (Trang 70)
Bảng 3.1. Kết quả phân cấp mức độ toàn vẹn cảnh quan khu Dự trữ sinh quyển Tây - Đánh giá mức Độ toàn vẹn cảnh quan phục vụ Định hướng không gian bảo tồn Đa dạng sinh học tại khu dự trữ sinh quyển miền tây nghệ an
Bảng 3.1. Kết quả phân cấp mức độ toàn vẹn cảnh quan khu Dự trữ sinh quyển Tây (Trang 71)
Hình 3.3. Cơ cấu các cấp toàn vẹn cảnh quan trên toàn vùng (%) - Đánh giá mức Độ toàn vẹn cảnh quan phục vụ Định hướng không gian bảo tồn Đa dạng sinh học tại khu dự trữ sinh quyển miền tây nghệ an
Hình 3.3. Cơ cấu các cấp toàn vẹn cảnh quan trên toàn vùng (%) (Trang 73)
Hình 3.4. Bản đồ đa dạng động vật tỉnh - Đánh giá mức Độ toàn vẹn cảnh quan phục vụ Định hướng không gian bảo tồn Đa dạng sinh học tại khu dự trữ sinh quyển miền tây nghệ an
Hình 3.4. Bản đồ đa dạng động vật tỉnh (Trang 74)
Bảng 3.2. Diện tích và các trạng thái rừng tự nhiên đặc thù của địa phương - Đánh giá mức Độ toàn vẹn cảnh quan phục vụ Định hướng không gian bảo tồn Đa dạng sinh học tại khu dự trữ sinh quyển miền tây nghệ an
Bảng 3.2. Diện tích và các trạng thái rừng tự nhiên đặc thù của địa phương (Trang 76)
Bảng 3.3. Thống kê sơ bộ các hành lang đa dạng sinh học đề xuất tỉnh Nghệ An - Đánh giá mức Độ toàn vẹn cảnh quan phục vụ Định hướng không gian bảo tồn Đa dạng sinh học tại khu dự trữ sinh quyển miền tây nghệ an
Bảng 3.3. Thống kê sơ bộ các hành lang đa dạng sinh học đề xuất tỉnh Nghệ An (Trang 77)
Hình 3.6. Hệ thống hành lang kết nối 3 khu bảo tồn thuộc khu Dự trữ sinh quyển miền - Đánh giá mức Độ toàn vẹn cảnh quan phục vụ Định hướng không gian bảo tồn Đa dạng sinh học tại khu dự trữ sinh quyển miền tây nghệ an
Hình 3.6. Hệ thống hành lang kết nối 3 khu bảo tồn thuộc khu Dự trữ sinh quyển miền (Trang 80)
Phụ lục 1. Bảng giá trị toàn vẹn của các cảnh quan trong khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An - Đánh giá mức Độ toàn vẹn cảnh quan phục vụ Định hướng không gian bảo tồn Đa dạng sinh học tại khu dự trữ sinh quyển miền tây nghệ an
h ụ lục 1. Bảng giá trị toàn vẹn của các cảnh quan trong khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An (Trang 90)

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w