TÓM TẮT Với mục tiêu là khám phá những nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt trong mức độ minh bạch ngân sách trên website của chính quyền cấp tỉnh Việt Nam, luận án tập trung phân tích sự tá
Trang 1BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ TP HỒ CHÍ MINH
-
Phan Thị Thúy Quỳnh
CÁC NHÂN TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN
MINH BẠCH NGÂN SÁCH TRÊN WEBSITE
CỦA CHÍNH QUYỀN CẤP TỈNH VIỆT NAM
Chuyên ngành: Kế toán
Mã số: 9340301
LUẬN ÁN TIẾN SĨ KINH TẾ
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC
PGS TS Võ Văn Nhị
TP HỒ CHÍ MINH – NĂM 2021
Trang 2TÓM TẮT
Với mục tiêu là khám phá những nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt trong mức độ
minh bạch ngân sách trên website của chính quyền cấp tỉnh Việt Nam, luận án tập
trung phân tích sự tác động của các nhân tố quản trị, tài chính, kinh tế - xã hội đến
mức độ minh bạch ngân sách bắt buộc, tự nguyện và tổng thể Mức độ minh bạch
ngân sách của từng khía cạnh được đo lường bởi Chỉ số Công Khai Ngân sách Tỉnh
do Liên minh Minh bạch Ngân sách thực hiện Phương pháp nghiên cứu hỗn hợp giải
thích được áp dụng, trong đó phương pháp định lượng được thực hiện trước và giữ
vai trò chính; phương pháp định tính được bổ sung sau để giải thích rõ ràng hơn cho
kết quả định lượng Kết quả hồi quy dựa trên một mẫu gồm 58/63 tỉnh/thành cho thấy
trình độ học vấn và tuổi tác của nhà quản lý, kết quả tài chính và hoạt động báo chí
quan hệ nghịch chiều, trong khi sự phụ thuộc tài chính, sự phát triển kinh tế và hội
nhập quốc tế tác động thuận chiều đến minh bạch ngân sách trên website ở các mức
ý nghĩa 1%, 5% và 10% Trong các nhân tố đã nhận diện, sự phát triển kinh tế và kết
quả tài chính là 2 nhân tố ảnh hưởng mạnh nhất đến minh bạch ngân sách trực tuyến
ở cả 3 khía cạnh (bắt buộc, tự nguyện và tổng thể) Hệ số xác định R2 cho thấy các
nhân tố giải thích được một phần (22-27%) khác biệt trong mức độ minh bạch ngân
sách trực tuyến của chính quyền cấp tỉnh Việt Nam ở mức ý nghĩa 5% Kết quả thảo
luận tay đôi với 10 chuyên gia đã tiết lộ nhiều vấn đề thú vị về lý thuyết lẫn thực tiễn,
giúp giải thích thấu đáo mối quan hệ giữa các nhân tố với minh bạch ngân sách trực
tuyến cũng như mối quan hệ giữa các nhân tố với nhau trong bối cảnh Việt Nam
Từ khóa: Minh bạch ngân sách, chính quyền địa phương, nhân tố tác động
Trang 3xi
ABSTRACT
With the aim of finding the causes of the differences in budget transparency on website of the Vietnamese provincial governments, this thesis focuses on analyzing the impact of managerial, financial, socio-economic factors to the level of mandatory, voluntary and general budget transparency The budget transparency for each dimension is measured by the Provincial Open Budget Index produced by the Budget Transparency, Accountability and Participation The mixed explanatory method is applied, in which the quantitative method is performed first and plays the main role; then qualitative method is added to give more clear explanation for quantitative results The regression results based on a sample of 58/63 provinces/cities show that manager's education level, manager's age, financial performance and press activity are negatively related to, while financial dependence, economic development and international integration positively impact on budget transparency on website at the significant levels of 1%, 5% and 10% Among the identified factors, economic development and financial performance are the two factors that have the strongest influence on online budget transparency in all 3 dimensions (mandatory, voluntary and general) The coefficient of determination R2 shows that the factors partially explain (22-27%) the differences in online budget transparency of the Vietnamese provincial governments at the significant level of 5% The results of face-to-face discussions with 10 experts revealed many interesting theoretical and practical issues, helping to thoroughly explain the relationships between the factors and online budget transparency as well as the relationships among the factors in the Vietnamese context
Keywords: Budget transparency, local government, determinant
Trang 4PHẦN MỞ ĐẦU
1 Sự cần thiết của đề tài
Minh bạch thông tin nhà nước luôn là vấn đề được nhiều đối tượng quan tâm, từ công chúng, các nhà làm chính sách đến các nhà nghiên cứu (NNC) hàn lâm, đặc biệt là trong bối cảnh tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn về chính trị, tài chính, kinh tế-xã hội (KT-XH) (Jorge et al., 2011) Trong môi trường chính trị dân chủ, minh bạch thông tin nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện cho người dân đánh giá hiệu quả của hoạt động quản lý và hoạt động cung cấp dịch vụ của nhà nước, giám sát việc sử dụng các nguồn lực công để đảm bảo các nguồn lực này được chi tiêu đúng đắn, qua đó ngăn ngừa tham nhũng và sử dụng lãng phí nguồn lực (Jorge et al., 2011) Minh bạch thể hiện mức độ mà công chúng có thể tiếp cận với những thông tin kịp thời, đáng tin cậy về những quyết sách và kết quả hoạt động của nhà nước (Armstrong, 2005; Piotrowski & Bertelli, 2010) Minh bạch là điều kiện cần thiết và
là bước đầu tiên để thực hiện trách nhiệm giải trình (Meijer, 2003) Nó còn là một thành phần quan trọng của quản trị tốt và chất lượng thể chế, vốn được chứng minh
là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phúc lợi (Kraay & Kaufmann, 2002) Trong những năm qua, nhiều đơn vị nhà nước trên thế giới đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào việc nâng cao, cải tiến chất lượng dịch vụ, cũng như tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình bằng việc công khai thông tin ngày càng nhiều hơn cho công chúng và các bên liên quan, đặc biệt là công khai thông tin trên website (Jorge et al., 2011) Website là một phương tiện truyền thông tiện lợi và hiệu quả đối với cả đơn vị cung cấp lẫn người sử dụng (Fisher et al., 2004) Các đơn
vị tự nguyện công khai thông tin trên website thường được công chúng đánh giá cao
về tính minh bạch, đáng tin cậy và có trách nhiệm xã hội (Lee & Joseph, 2013)
Tại Việt Nam, công khai, minh bạch là một trong những nguyên tắc nền tảng, định
hướng cho mọi hoạt động quản lý hành chính nhà nước Nguyên tắc này được thể
hiện trong rất nhiều văn bản pháp luật Cụ thể trong lĩnh vực tài chính-ngân sách, Quy
chế công khai tài chính ban hành theo Quyết định số 192/2004/QĐ-TTg yêu cầu
Trang 52
thông tin tài chính của các cấp ngân sách nhà nước (NSNN) và các tổ chức có sử
dụng NSNN phải được công khai bằng một số hình thức, trong đó có hình thức công
khai trên website Thông tư số 343/2016/TT-BTC Hướng dẫn thực hiện công khai
NSNN đối với các cấp ngân sách cũng yêu cầu thông tin ngân sách phải được công
khai bằng một số hình thức theo quy định của Luật NSNN 2015 Trong đó, một số
thông tin ngân sách bắt buộc phải công khai trên website của Bộ Tài chính, Ủy ban
nhân dân (UBND) các cấp, cơ quan tài chính các cấp và tổ chức khác có liên quan;
đối với một số thông tin khác có liên quan đến ngân sách, cơ quan nhà nước được
phép lựa chọn hình thức công khai sao cho phù hợp với từng đối tượng cung cấp và
tiếp nhận thông tin Trong xu thế đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý
hành chính và Việt Nam lại là một trong những nước có tỉ lệ người dùng internet
nhiều nhất (67% dân số cả nước1) thì việc công khai tài chính-ngân sách trên website
nhằm tăng cường minh bạch là hoàn toàn phù hợp
Thế nhưng theo bảng xếp hạng Chỉ số Công khai Ngân sách OBI 2017 của Đối tác
Ngân sách Quốc tế (IBP), Việt Nam thuộc nhóm được coi là ít hoặc không công khai
ngân sách trên website (0–20/100 điểm)2 Mức độ công khai ngân sách trên website
của các địa phương ở Việt Nam cũng còn thấp và rất khác nhau (xem phụ lục 01)
Chỉ số Công khai Ngân sách Tỉnh POBI 2017 trung bình của 63 tỉnh/thành chỉ đạt
30.5/100 điểm Nếu xét theo vùng, Duyên Hải Nam Trung Bộ có điểm trung bình cao
nhất (40.7) và Đồng Bằng Sông Hồng có điểm trung bình thấp nhất (24.9) Nếu xét
theo tỉnh, mức điểm cao nhất (70.2) thuộc về Kon Tum, mức điểm thấp nhất (0) thuộc
về các tỉnh Ninh Bình, Tây Ninh, Hậu Giang, Bạc Liêu Tại sao mức độ công khai
ngân sách trên website lại thấp và tại sao lại có sự khác biệt đáng kể giữa các địa
phương trong khi đã có những quy định hướng dẫn công khai ngân sách từ Chính phủ
và Bộ Tài chính? Để lý giải điều này, nghiên cứu sinh (NCS) đã xem xét tổng quan
1 Theo số liệu của Internetworldstats, một website chuyên thống kê lượng người dùng internet của các quốc
gia trên thế giới, tính tới giữa năm 2017, Việt Nam đã có 64 triệu người dùng internet, tương ứng 67% dân số
cả nước, đứng thứ 12 trên thế giới và thứ 6 trên 35 quốc gia/vùng lãnh thổ châu Á về lượng người dùng internet
2
http://cdivietnam.org/chi-so-cong-khai-ngan-sach-obi-cua-viet-nam-viet-nam-chua-co-nhieu-tien-bo-ve-cong-khai-ngan-sach/
Trang 6các nghiên cứu trước và nhận thấy: nghiên cứu nước ngoài về các nhân tố tác động đến minh bạch tài chính-ngân sách của các cấp chính quyền chủ yếu được tiến hành
ở các nước tư bản phát triển và vẫn tồn tại sự thiếu nhất quán đáng kể trong kết quả đạt được (Rodríguez Bolívar et al., 2013); trong khi đó, ở Việt Nam – một nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) đang phát triển với thể chế chính trị, KT-XH khác biệt so với bối cảnh của nghiên cứu nước ngoài, hướng nghiên cứu này còn rất mới mẻ Các nghiên cứu trong nước gần nhất vẫn đang tập trung xác định các nhân tố tác động đến
sự minh bạch trên báo cáo tài chính (BCTC) của đơn vị cơ sở Chỉ có một vài nghiên cứu định tính tìm hiểu các nguyên nhân dẫn đến sự thiếu minh bạch tài chính-ngân sách của một số chính quyền địa phương (CQĐP) Chưa có nghiên cứu định lượng nào về các nhân tố tác động đến minh bạch tài chính-ngân sách của CQĐP được thực
hiện trên phạm vi cả nước Vì vậy, NCS đã chọn đề tài các nhân tố tác động đến
minh bạch ngân sách trên website của chính quyền cấp tỉnh Việt Nam để bổ sung
vào khoảng trống nghiên cứu này
2 Mục tiêu và câu hỏi nghiên cứu
Mục tiêu tổng quát của đề tài là khám phá các nhân tố và sự tác động của các nhân
tố đến mức độ minh bạch ngân sách trên website của chính quyền cấp tỉnh Việt Nam
Để đạt được mục tiêu tổng quát nêu trên, NCS đặt ra ba mục tiêu cụ thể như sau:
- Nhận diện các nhân tố tác động đến minh bạch ngân sách trên website của chính quyền cấp tỉnh ở Việt Nam
- Xác định chiều hướng tác động của từng nhân tố đến minh bạch ngân sách trên website của chính quyền cấp tỉnh ở Việt Nam
- Xác định mức độ tác động của từng nhân tố và từng nhóm nhân tố (cung – cầu) đến minh bạch ngân sách trên website của chính quyền cấp tỉnh ở Việt Nam
Ba mục tiêu nêu trên tương ứng với ba câu hỏi nghiên cứu như sau:
- Những nhân tố nào tác động đến mức độ minh bạch ngân sách trên website của chính quyền cấp tỉnh Việt Nam?
Trang 74
- Từng nhân tố tác động theo chiều hướng nào đến minh bạch ngân sách trên website
của chính quyền cấp tỉnh Việt Nam?
- Từng nhân tố và nhóm nhân tố (cung – cầu) tác động với mức độ ra sao đến minh
bạch ngân sách trên website của chính quyền cấp tỉnh Việt Nam?
3 Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là: (1) minh bạch ngân sách trên website, (2) các
nhân tố tác động đến minh bạch ngân sách trên website và (3) mối quan hệ giữa các
nhân tố với minh bạch ngân sách trên website – đây là đối tượng nghiên cứu chính
Minh bạch ngân sách xem xét trong đề tài này gồm minh bạch bắt buộc (thể hiện mức
độ công khai 5 tài liệu bắt buộc công khai trên website theo Luật NSNN 2015 và
thông tư 343/2016/TT-BTC) và minh bạch tự nguyện (thể hiện mức độ công khai 6
tài liệu khuyến khích công khai theo các luật khác và thông lệ quốc tế) Các tài liệu
này gồm báo cáo kế toán tài chính-quản trị được tạo lập bởi hệ thống kế toán NSNN,
báo cáo kiểm toán và thông tin mang tính thuyết minh, giải trình (xem phụ lục 02)
Cũng lưu ý rằng NCS chỉ xem xét việc thực hành minh bạch ngân sách trên website
chứ không xem xét các hình thức minh bạch truyền thống khác Vì theo xu hướng
chung của các nước trên thế giới và khuyến nghị của các tổ chức quốc tế (như OECD,
IMF), minh bạch ngân sách trực tuyến là cách giúp người dân dễ dàng tiếp cận với
thông tin ngân sách, qua đó tăng cường minh bạch ngân sách hơn (Armstrong, 2011)
Thật vậy, sự phát triển của internet đem lại nhiều cơ hội cải thiện minh bạch trong
quản lý hành chính công (Bushman et al., 2004) và tạo nền tảng tuyệt vời để các cơ
quan nhà nước tương tác với người dân (Munõz-Canãvate & Hípola, 2011)
Phạm vi nghiên cứu được xác định là chính quyền cấp tỉnh và thành phố trực thuộc
trung ương (gọi tắt là chính quyền cấp tỉnh) ở Việt Nam Theo del Sol (2013) và
Tejedo-Romero & de Araujo (2015), cần rất nhiều nỗ lực nghiên cứu để gia tăng sự
hiểu biết về những động cơ và những rào cản liên quan đến minh bạch ở cấp địa
phương Đồng quan điểm với các tác giả này, NCS chọn chính quyền cấp tỉnh là đơn
vị phân tích vì người dân thường có mối quan hệ trực tiếp với CQĐP nơi cư trú hơn
Trang 8(Piotrowski & Van Ryzin, 2007) và những vấn đề liên quan đến minh bạch thường
phát sinh ở cấp địa phương hơn (Guillamón et al., 2011; Cuadrado-Ballesteros, 2014)
4 Phương pháp nghiên cứu
Với mục tiêu là nhận diện các nhân tố tác động đến minh bạch ngân sách trên website của chính quyền cấp tỉnh Việt Nam và giải thích chiều hướng cũng như mức độ của mối quan hệ đó một cách thấu đáo, NCS chọn phương pháp nghiên cứu hỗn hợp giải thích, trong đó, phương pháp định lượng được thực hiện trước và giữ vai trò chính, phương pháp định tính được bổ sung sau để giải thích rõ ràng hơn cho kết quả định lượng Quy trình nghiên cứu được tiến hành như sau:
Giai đoạn 1 - Tổng quan lý thuyết: Thông qua tổng hợp các nghiên cứu trước, vấn
đề và khe hổng nghiên cứu cũng như mục tiêu và câu hỏi nghiên cứu được xác định Tiếp theo, dựa vào nghiên cứu trước, lý thuyết nền có liên quan, bối cảnh của Việt Nam và nguồn dữ liệu có sẵn, NCS chọn lọc và bổ sung các nhân tố; từ đó xây dựng
mô hình và giả thuyết nghiên cứu
Giai đoạn 2 - Nghiên cứu định lượng: Dựa trên quy định pháp luật và nguồn dữ liệu
có sẵn ở Việt Nam, NCS đo lường các khái niệm nghiên cứu, gồm minh bạch ngân sách trên website và các nhân tố ảnh hưởng Tiếp theo, dữ liệu được thu thập và xử
lý (mã hóa, tổng hợp biến, kiểm tra tương quan giữa các biến) Cuối cùng là phân tích hồi quy tuyến tính đa biến (MLR) theo phương pháp bình phương bé nhất thông
thường (OLS) để kiểm định mô hình và giả thuyết nghiên cứu
Giai đoạn 3 - Nghiên cứu định tính: Ở giai đoạn này, phương pháp thảo luận tay
đôi với chuyên gia, thông qua một dàn bài thảo luận gồm các câu hỏi bán cấu trúc và câu hỏi mở, được thực hiện nhằm thu thập những dữ liệu định tính (ý kiến) liên quan đến bối cảnh thực tế của Việt Nam Mục tiêu là xác nhận và tìm kiếm lời giải thích hợp lý cho kết quả nghiên cứu định lượng trước đó
Giai đoạn 4 - Bàn luận về kết quả nghiên cứu và hàm ý: Dựa trên kết quả nghiên
cứu định lượng và định tính, NCS xác định các nhân tố và bàn luận về sự ảnh hưởng
Trang 96
của chúng đến mức độ minh bạch ngân sách trên website; từ đó, đưa ra một số hàm
ý nhằm nâng cao mức độ minh bạch ngân sách của CQĐP Việt Nam
5 Đóng góp của luận án
Về mặt lý luận, nghiên cứu này mang lại những đóng góp như sau:
(i) Cung cấp bằng chứng cụ thể từ Việt Nam - một nước đang phát triển với thể
chế chính trị, KT-XH khác biệt so với hầu hết bối cảnh nghiên cứu trước, qua
đó củng cố và bổ sung cơ sở lý luận cho việc phát triển một mô hình dự báo
tổng quát về minh bạch tài chính-ngân sách của CQĐP Nghiên cứu đã chỉ ra,
với thể chế chính trị XHCN và hệ thống quản lý hành chính thống nhất, tập
trung quyền lực ở cấp trung ương như Việt Nam, minh bạch ngân sách của chính
quyền các cấp được quyết định chủ yếu bởi các nhân tố cung, gắn liền với động
cơ và năng lực cung cấp thông tin ngân sách của các cấp chính quyền, hơn là
các nhân tố cầu, phản ánh những áp lực từ môi trường bên ngoài
(ii) Đề xuất một phương pháp tiếp cận mới trong chuỗi nghiên cứu về các nhân tố
tác động đến sự minh bạch của các cấp chính quyền: phương pháp hỗn hợp giải
thích Phương pháp này khắc phục nhược điểm của phương pháp định lượng
truyền thống vì nó giúp giải thích thấu đáo kết quả định lượng trong bối cảnh
nghiên cứu cụ thể, đặc biệt là khi kết quả nghiên cứu mâu thuẫn với giả thuyết
đặt ra hoặc với kết quả nghiên cứu trước
(iii) Gợi ý cho các NNC tiếp tục xem xét mối quan hệ giữa đặc điểm của nhà quản
lý cấp cao đến minh bạch ngân sách trực tuyến dưới góc độ của các lý thuyết
hành vi hoặc tâm lý thay vì các lý thuyết truyền thống như trước đây
(iv) Xây dựng một thang đo hữu dụng để đo lường mức độ hội nhập quốc tế của các
đơn vị hành chính cấp tỉnh Việt Nam, đồng thời đã chứng minh được mối quan
hệ giữa nhân tố mới bổ sung này và minh bạch ngân sách trực tuyến của CQĐP
Về mặt thực tiễn, dựa trên kết quả nghiên cứu, một số hàm ý chính sách được đề
xuất nhằm cải thiện mức độ minh bạch ngân sách trực tuyến của CQĐP Việt Nam
như sau: (i) nâng cao nhận thức của nhà lãnh đạo cấp cao đối với minh bạch ngân
Trang 10sách trực tuyến; (ii) tăng cường kiểm tra, đánh giá việc công khai ngân sách trực tuyến và có những biện pháp chế tài phù hợp; (iii) đầu tư nguồn lực cho việc ứng dụng CNTT để tạo lập và công khai thông tin trực tuyến; (iv) chú trọng công tác bầu
cử đại biểu HĐND, phân công đại biểu chuyên trách phù hợp với năng lực chuyên môn, đa dạng hóa và tổ chức thực hiện nghiêm túc, thường xuyên các hình thức dân chủ trực tiếp; và (v) tăng cường chức năng giám sát và phản biện xã hội của báo chí đối với các hoạt động nhà nước
6 Kết cấu của luận án
Bên cạnh phần mở đầu và kết luận, luận án được trình bày theo kết cấu 5 chương:
Chương 1 – Tổng quan nghiên cứu: giới thiệu các nghiên cứu trong và ngoài nước
về minh bạch thông tin nhà nước, rút ra nhận xét về các nghiên cứu trước, xác định khe hổng và đề xuất hướng nghiên cứu
Chương 2 – Cơ sở lý thuyết: trình bày các vấn đề lý thuyết liên quan đến minh bạch
thông tin nhà nước, đặc biệt là minh bạch tài chính-ngân sách của cấp chính quyền
Chương 3 – Phương pháp nghiên cứu: giới thiệu khung nghiên cứu, quy trình và
phương pháp nghiên cứu; đồng thời thiết lập mô hình, giả thuyết nghiên cứu và thang
đo các khái niệm nghiên cứu
Chương 4 – Kết quả nghiên cứu và bàn luận: trình bày kết quả nghiên cứu hỗn
hợp, bao gồm định lượng và định tính, và những bàn luận về kết quả nghiên cứu này
Chương 5 – Kết luận và hàm ý: đưa ra kết luận về những phát hiện từ kết quả nghiên
cứu và đề xuất một số hàm ý để cải thiện minh bạch ngân sách của CQĐP Việt Nam Cũng xin lưu ý: vì quy định trình bày luận án tiến sĩ giới hạn phần nội dung chính trong 160 trang nên một số nội dung cần diễn giải chi tiết để giúp người đọc hiểu thấu
đáo hơn được NCS trình bày trong phần phụ lục.