1. Trang chủ
  2. » Luận Văn - Báo Cáo

Tài liệu Báo cáo " Tội cướp tài sản trong luật hình sự Việt Nam " pot

7 875 4

Đang tải... (xem toàn văn)

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 7
Dung lượng 158,2 KB

Nội dung

Trong khoa học luật hình sự Việt Nam hiện nay có các nhóm ý kiến sau: Ý kiến thứ nhất cho rằng: Dấu hiệu “làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm…” chỉ

Trang 1

ths ph¹m v¨n b¸u * rong luật hình sự Việt Nam, tội cướp tài

sản là một trong các tội xâm phạm sở

hữu có tính chiếm đoạt được quy định và xét

xử theo luật hình sự khá sớm,(1) hiện nay tội

cướp tài sản được quy định tại Điều 133

BLHS năm 1999 (sau đây gọi tắt là BLHS)

Tuy được quy định và xét xử sớm như vậy

nhưng trong lí luận và thực tiễn vẫn còn có

sự nhận thức khác nhau về hành vi khách

quan của tội phạm này được quy định trong

luật, cơ quan có thẩm quyền cũng không kịp

thời ban hành văn bản giải thích quy định

của luật, việc có các cách hiểu khác nhau về

quy định của luật, nhất là của những người

làm công tác áp dụng pháp luật trong các cơ

quan tiến hành tố tụng sẽ làm cho công tác

áp dụng pháp luật hình sự trong thực tiễn

thiếu chính xác và không thống nhất, làm

giảm chất lượng xét xử Bài viết này tiếp tục

trao đổi và nêu ra ý kiến của cá nhân về hành

vi khách quan của tội cướp tài sản được quy

định tại Điều 133 BLHS

Điều 133 BLHS quy định: “Người nào

dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức

khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị

tấn công lâm vào tình trạng không thể chống

cự được nhằm chiếm đoạt tài sản,…”

Theo quy định trên, câu hỏi đặt ra là dấu

hiệu “làm cho người bị tấn công lâm vào

tình trạng không thể chống cự được

nhằm…” là dấu hiệu bắt buộc phải có ở tất

cả các hành vi khách quan được quy định trong điều luật là “dùng vũ lực”, “đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc” và “hành vi khác” hay chỉ bắt buộc phải có ở dạng hành

vi khách quan là “hành vi khác”? Trong khoa học luật hình sự Việt Nam hiện nay có các nhóm ý kiến sau:

Ý kiến thứ nhất cho rằng: Dấu hiệu “làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm…” chỉ đòi hỏi phải có ở dạng hành vi thứ ba là “hành vi khác” mà không đòi hỏi phải có ở hành vi

“dùng vũ lực” và “đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc” (2)

Ý kiến thứ hai cho rằng: Dấu hiệu “làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm…” là hậu quả bắt buộc đối với tất cả các nhóm hành vi

đi liền trước đó đã được mô tả trong điều luật.(3) Theo ý kiến này, dù là hành vi “dùng

vũ lực”, hay “đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc” hay “hành vi khác” đều phải làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản mới được coi là hành vi khách quan của tội cướp tài sản và trong sự kết hợp với các dấu

T

* Giảng viên chính Khoa luật hình sự Trường Đại học Luật Hà Nội

Trang 2

hiệu khác như lỗi, chủ thể tội phạm được coi

là hoàn thành Nếu các hành vi “dùng vũ

lực”, “đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc”

hoặc “hành vi khác” không làm người bị tấn

công lâm vào tình trạng không thể chống cự

được nhằm chiếm đoạt tài sản thì đây là

trường hợp phạm tội chưa đạt

Ý kiến thứ ba cho rằng: Đối với nhóm

hành vi “dùng vũ lực” thì không bắt buộc

phải gây ra hậu quả “làm cho người bị tấn

công lâm vào tình trạng không thể chống cự

được nhằm…” còn đối với hai nhóm hành

vi “đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc

có hành vi khác” thì bắt buộc phải gây ra

hậu quả là “làm cho người bị tấn công lâm

vào tình trạng không thể chống cự được

nhằm…” mới được coi là hành vi khách

quan của tội cướp tài sản và tội phạm được

coi là hoàn thành.(4) Sở dĩ có các cách hiểu

khác nhau trên đây cả trong lí luận và thực

tiễn là do các cơ quan nhà nước có thẩm

quyền chưa kịp thời tổng kết và có hướng

dẫn một cách đầy đủ về các hành vi được

coi là hành vi phạm tội của tội cướp tài sản

mà mới chỉ có một số hướng dẫn có tính

chất cấp bách một số vấn đề cụ thể của tội

phạm này mà thực tiễn xét xử đặt ra trong

hội nghị tổng kết công tác của ngành toà án

Quy định của điều luật cũng chưa thật sự rõ

ràng nên một điều luật có thể có nhiều cách

hiểu khác nhau như trên

Theo chúng tôi, từ quy định của Điều

133 BLHS và đặt trong mối liên hệ với một

số tội xâm phạm sở hữu có tính chiếm đoạt

khác có tính chất công khai, gần gũi với tội

cướp tài sản như tội cưỡng đoạt tài sản, tội cướp giật tài sản, tội công nhiên chiếm đoạt tài sản thì hiểu hành vi phạm tội của tội cướp tài sản theo quy định của Điều 133 BLHS như ý kiến thứ hai là chính xác “…

dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác” là ba dạng hành

vi khách quan của tội cướp tài sản và ba dạng hành vi này có điểm chung (hậu quả

chung) là “làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được

(nhưng với các biểu hiện cụ thể khác nhau

tùy thuộc vào hành vi thực tế) nhằm chiếm đoạt tài sản”

- Đối với hành vi “dùng vũ lực làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản” : Theo cách hiểu phổ biến hiện nay

“được hiểu là hành vi dùng sức mạnh vật chất (có hoặc không sử dụng công cụ, phương tiện phạm tội như dao, súng… trợ giúp) tác động đến thân thể người bị tấn công (thường là người chủ tài sản hoặc người có trách nhiệm quản lí, bảo vệ tài sản) làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm Bằng hành vi tấn công như vậy, người phạm tội không chỉ nhằm (mong muốn) mà trên thực tế thường đã làm tê liệt sự chống

cự của người bị tấn công, làm cho khả năng thực tế của sự chống cự không thể xảy ra hoặc làm cho người bị tấn công bị tê liệt về

ý chí, không dám kháng cự” (5) Ví dụ: làm

cho người bị tấn công bị thương tích, bị trói lại, bị nhốt lại thậm chí bị giết chết nhằm

Trang 3

chiếm đoạt tài sản Khi người bị tấn công đã

(bị trói, bị thương, bị chết, bị tước tự do…)

như vậy chính là họ đã “lâm vào tình trạng

không thể chống cự được” mà điều luật quy

định Đây là dấu hiệu cho phép phân biệt

hành vi dùng vũ lực trong tội cướp tài sản

có tính chất nguy hiểm cao so với hành vi

dùng vũ lực nhưng người có hành vi không

nhằm “đương đầu” và cũng không làm tê

liệt ý chí của người bị tấn công mà chỉ để

dễ dàng thực hiện hành vi chiếm đoạt tài

sản một cách nhanh chóng trong tội cướp

giật tài sản (Điều 136 BLHS) như đánh vào

tay cho rời tài sản rồi nhanh chóng chiếm

đoạt, xô ngã người khác rồi nhanh chóng

chiếm đoạt tài sản và nhanh chóng tẩu

thoát Vì vậy nếu hành vi dùng vũ lực mà

không làm cho người bị tấn công lâm vào

tình trạng không thể chống cự được, “không

đến mức làm tê liệt ý chí phản kháng của

nạn nhân hoặc làm cho sự phản kháng

không thể xảy ra nhằm chiếm đoạt tài sản

như định (mong muốn) đánh, bắn, chém…

bị thương người khác nhằm chiếm đoạt tài

sản của họ nhưng lại bắn chệch hoặc bị

người này tránh được và ngăn chặn hay

chống lại được và cũng không chiếm đoạt

được tài sản là trường hợp phạm tội chưa

đạt Tờ trình về hai dự thảo Pháp lệnh ngày

19/10/1970 của TANDTC, VKSNDTC,

BCA gửi Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng

có viết: “Cướp là dùng bạo lực để chiếm

đoạt, dùng bạo lực (nay là dùng vũ lực) là

dùng sức mạnh vật chất gây nguy hiểm đến

tính mạng, sức khoẻ hay là làm cho người

bị tấn công không thể kháng cự được, như đánh, chém, bắn, trói…”.(6) Theo định nghĩa này, làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được là dấu hiệu bắt buộc của tội cướp tài sản

- Đối với hành vi “đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản” theo cách hiểu phổ biến hiện nay là trường hợp người phạm tội không dùng vũ lực như trên mà bằng lời đe doạ (dọa giết chết, dọa gây thương tích hoặc tổn hại sức khoẻ) hoặc cử chỉ (dí dao, súng vào người) hoặc và thường là kết hợp cả hai (có lời nói, cử chỉ

đe doạ và kèm theo công cụ, phương tiện trợ giúp) dọa sẽ dùng vũ lực ngay tức khắc nếu người bị tấn công (người chủ tài sản, người quản lí tài sản, người thân của người chủ tài sản…) chống cự lại Bằng hành vi

đe dọa, ví dụ: dọa đâm, chém hay bắn chết ngay… như vậy, người phạm tội (mong muốn) và thực tế thường đã khống chế được ý chí của người bị tấn công, làm cho người bị tấn công bị tê liệt ý chí kháng cự, người bị tấn công sợ bị giết chết ngay, sợ

bị gây thương tích ngay hoặc sợ quá mà bị ngất, bị chết nên không có điều kiện kháng

cự lại Khi đã làm tê liệt ý chí kháng cự hoặc làm cho người bị tấn công bị ngất, bị chết như vậy, tội cướp tài sản được coi là hoàn thành Và khi người bị tấn công không có điều kiện để chống cự như vậy

chính là họ đã “lâm vào tình trạng không thể chống cự được” mà điều luật có nói tới

Trang 4

và đây cũng là dấu hiệu quan trọng cho

phép phân biệt hành vi “đe doạ dùng vũ

lực ngay tức khắc” trong tội cướp tài sản

có dấu hiệu này với hành vi “đe doạ sẽ

dùng vũ lực” trong tội cưỡng đoạt tài sản

không có dấu hiệu này mà chỉ có khả năng

khống chế ý chí của người bị đe dọa, người

bị đe doạ vẫn có điều kiện suy nghĩ, cân

nhắc để lựa chọn việc chống lại nếu muốn

Ở tội cưỡng đoạt tài sản người phạm tội

không nhằm (mong muốn) làm cho người

bị đe doạ lâm vào tình trạng không thể

chống cự được và thực tế người bị tấn công

cũng không bị tê liệt ý chí - không lâm vào

tình trạng không thể chống cự được Do

đó, nếu hành vi đe doạ dùng vũ lực ngay

tức khắc không làm cho người bị tấn công

lâm vào tình trạng không thể chống cự được

nhằm… là trường hợp phạm tội chưa đạt chứ

không thể “chuyển xuống” tội cưỡng đoạt tài

sản như một số ý kiến Ví dụ: dùng súng giả

dọa bắn chết ngay nhằm… nhưng người bị

đe doạ nhận thức được đó là súng giả và

chống cự lại; hoặc dọa đâm, bắn chết ngay

nhằm… nhưng người bị tấn công do có võ

đã gạt được dao, súng vô hiệu hoá và bắt giữ

được kẻ tấn công

- Đối với “hành vi khác làm cho người

bị tấn công lâm vào tình trạng không thể

chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản”

cũng theo cách hiểu phổ biến hiện nay được

hiểu là những hành vi “tuy không phải là vũ

lực cũng không phải là đe doạ dùng vũ lực

ngay tức khắc nhưng lại có khả năng như

những hành vi đó, khả năng làm cho người

bị tấn công không thể ngăn cản được việc chiếm đoạt Do vậy, những hành vi này được coi là có cùng tính chất như hành vi dùng vũ lực và hành vi đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc Chúng đều có khả năng đè bẹp hoặc làm tê liệt sự kháng cự và được quy định là dạng hành vi khách quan thứ ba của tội cướp tài sản”.(7) Ví dụ: Hành vi đầu

độc bằng thuốc ngủ, hành vi dùng thuốc gây

mê, hành vi dùng rượu hoặc chất kích thích khác đầu độc làm mất khả năng phản kháng của người bị tấn công là những trường hợp

cụ thể của hành vi khác nói trong điều luật Cũng như các hành vi dùng vũ lực và hành

vi đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc, hành

vi khác này dù dưới hình thức cụ thể nào cũng đều phải làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm… mới thoả mãn dấu hiệu hành vi khách quan của tội cướp tài sản và tội phạm được coi là hoàn thành Còn nếu đã có hành

vi khác nào đó mà chưa làm cho nạn nhân lâm vào tình trạng không thể chống cự được (ví dụ: đã bỏ thuốc mê, thuốc độc… nhưng nạn nhân chưa ăn, chưa uống phải thuốc

mê, thuốc độc đó hoặc thuốc độc sử dụng

để đầu độc là thuốc giả nên người bị tấn công tuy đã uống nhưng không bị lâm vào tình trạng không thể chống cự được và người phạm tội cũng chưa chiếm đoạt được tài sản) thì phải coi đây là trường hợp phạm tội chưa đạt.(8)

Theo quy định của Điều 133 BLHS, tội cướp tài sản được coi là hoàn thành khi người phạm tội thực hiện một trong các

Trang 5

hành vi: dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực

ngay tức khắc, hành vi khác và đã làm cho

người bị tấn công lâm vào tình trạng không

thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản

Việc người phạm tội chiếm đoạt được tài

sản hay chưa không phải là dấu hiệu bắt

buộc của tội phạm này và cũng không phải

là dấu hiệu để xác định thời điểm hoàn

thành của tội cướp tài sản

Từ những phân tích trên và căn cứ vào

quy định của Điều 133 BLHS cần phải hiểu

tội cướp tài sản có ba dạng hành vi khách

quan, đó là: 1) Hành vi dùng vũ lực làm cho

người bị tấn công lâm vào tình trạng không

thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản;

2) Hành vi đe doạ dùng vũ lực ngay tức

khắc làm cho người bị tấn công lâm vào

tình trạng không thể chống cự được nhằm

chiếm đoạt tài sản; 3) Hành vi khác làm cho

người bị tấn công lâm vào tình trạng không

thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản

Không thể cho rằng chỉ có “hành vi khác”

thì mới đòi hỏi “làm người bị tấn công lâm

vào tình trạng không thể chống cự được”

còn hành vi “dùng vũ lực” và hành vi “đe

doạ dùng vũ lực ngay tức khắc” thì không

đòi hỏi phải “làm cho người bị tấn công lâm

vào tình trạng không thể chống cự được”

như ý kiến thứ nhất Cũng không thể cho

rằng chỉ có hành vi “đe doạ dùng vũ lực

ngay tức khắc” và “hành vi khác” mới đòi

hỏi phải “làm cho người bị tấn công lâm

vào tình trạng không thể chống cự được”

còn hành vi “dùng vũ lực” thì không đòi hỏi

phải “làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được” như ý kiến thứ ba Bởi vì theo quy định của Điều

133 BLHS phải hiểu các hành vi: dù là dùng vũ lực hay đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hay là hành vi khác thì các hành vi này đều phải dẫn đến việc làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được và việc thực hiện các hành

vi và gây ra hậu quả đó là nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, đây là sự liên kết giữa hành vi và mục đích của hành vi trong cấu thành tội phạm cơ bản của tội cướp tài sản

và cũng là dấu hiệu cho phép phân biệt tội cướp tài sản và các tội phạm khác có hành

vi khách quan giống với hành vi khách quan của tội cướp tài sản nhưng hành vi đó được thực hiện không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản nên không phải là cướp tài sản Từ

“hoặc” trong quy định của điều luật được sử dụng là để thay cho dấu phẩy trong câu chứ không phải là sự cắt đứt (hay phá bỏ) sự liên kết giữa hai nhóm hành vi “dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc” với dấu hiệu “làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được” và

do vậy không phải chỉ có “hành vi khác” mới đòi hỏi “làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được”

mà các hành vi “dùng vũ lực, đe doạ dùng

vũ lực ngay tức khắc” cũng đòi hỏi “làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được” Trong BLHS có nhiều tội nhà làm luật sử dụng từ “hoặc” để

Trang 6

thay cho dấu phẩy trong câu tương tự như ở

tội cướp tài sản Ví dụ Tội bức tử (Điều

100 BLHS) quy định như sau: “Người nào

đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược

đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc mình làm

người đó tự sát” Theo quy định này thì

phải hiểu tất cả các hành vi “đối xử tàn ác”,

“thường xuyên ức hiếp”, “ngược đãi”, “làm

nhục” người lệ thuộc mình đều phải dẫn

đến hậu quả “làm người đó tự sát” từ

“hoặc” ở đây chỉ đơn thuần là thay cho dấu

phẩy trong câu chứ không phải được sử

dụng để cắt đứt sự liên kết giữa các nhóm

hành vi trước đó là hành vi “đối xử tàn ác,

thường xuyên ức hiếp, ngược đãi” với hậu

quả “làm người đó tự sát” để cho rằng chỉ

có hành vi “làm nhục người lệ thuộc mình”

mới đòi hỏi “làm người đó tự sát” còn các

hành vi “đối xử tàn ác, thường xuyên ức

hiếp, ngược đãi người lệ thuộc mình” thì

không đòi hỏi “làm người đó tự sát”

Cũng cần chú ý là: Không phải khi nào

hành vi “dùng vũ lực”, “đe doạ dùng vũ lực

ngay tức khắc” hoặc “hành vi khác” cũng

luôn dẫn đến hậu quả là “làm cho người bị

tấn công lâm vào tình trạng không thể chống

cự được” (trong thực tế do tính chất nguy

hiểm của hành vi thường người bị tấn công

đã lâm vào tình trạng không thể chống cự

được) Bởi vì, việc người bị tấn công có thể

“lâm vào tình trạng không thể chống cự

được” hay không lâm vào tình trạng đó là

phải căn cứ vào tính chất và khả năng nguy

hiểm của hành vi thực tế, vào hoàn cảnh xảy

ra hành vi và vào khả năng chống cự lại của người bị tấn công và các nguyên nhân khác… Việc người bị tấn công có chống cự được hay không là nằm ngoài ý thức chủ quan của người phạm tội Khi người bị tấn công không bị lâm vào tình trạng không thể chống cự được thì mong muốn “làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm…” của người phạm tội chưa đạt được, đây chính là trường hợp

“cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội” (Điều 18 BLHS) Sẽ là sai lầm khi cho rằng vì người

bị tấn công chống cự lại mà hành vi tấn công mất đi tính chất nguy hiểm của hành vi đó và không phạm tội cướp tài sản hay chuyển sang tội danh khác, hành vi tấn công này vẫn

là hành vi phạm tội cướp tài sản và thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt nếu hành vi tấn công đó được thực hiện nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản Lại càng không thể cho rằng đã có hành vi tấn công “dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc” hoặc “hành

vi khác” nhằm chiếm đoạt tài sản dù người

bị tấn công không bị “lâm vào tình trạng không thể chống cự được” là đã thoả mãn dấu hiệu hành vi khách quan của tội cướp tài sản và tội phạm được coi là hoàn thành

vì khi người bị tấn công chưa hay không bị

“lâm vào tình trạng không thể chống cự được” thì hành vi đã thực hiện chưa đáp ứng được đòi hỏi của điều luật là “… dùng

vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc

Trang 7

hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn

công lâm vào tình trạng không thể chống cự

được nhằm chiếm đoạt tài sản” Nếu không

thừa nhận dấu hiệu “làm cho người bị tấn

công lâm vào tình trạng không thể chống cự

được…” là dấu hiệu bắt buộc của tội cướp

tài sản thì phải bỏ dấu hiệu này ra khỏi quy

định của điều luật và điều này là không thể

vì cùng với các dấu hiệu khác, dấu hiệu

“làm cho người bị tấn công lâm vào tình

trạng không thể chống cự được” là một

trong những dấu hiệu đặc trưng của tội

cướp tài sản cho phép phân biệt tội này và

một số tội khác không có dấu hiệu đó như

tội cưỡng đoạt tài sản, tội bắt cóc nhằm

chiếm đoạt tài sản… Theo chúng tôi, để

hiểu và áp dụng thống nhất quy định của

BLHS về tội cướp tài sản đặc biệt là hành vi

khách quan của tội phạm này cả trong lí

luận và thực tiễn và cũng để một điều luật

(nhất là điều luật quy định về tội phạm)

không thể có nhiều cách hiểu khác nhau

như hiện nay, cơ quan có thẩm quyền cần

có hướng dẫn chính thức quy định của Điều

133 BLHS Bởi khi quy định của luật chưa

rõ ràng, lại thiếu sự giải thích sự chưa rõ

ràng đó thì việc nhận thức và áp dụng quy

định của luật trong thực tiễn sẽ không thống

nhất và có thể dẫn đến oan, sai Và để kết

thúc bài viết này xin trích dẫn ý kiến của

một thẩm phán nước ngoài mà chúng tôi rất

đồng tình: “Sự cảnh báo để mọi người dân

hiểu rằng pháp luật sẽ xử lí như thế nào nếu

xảy ra vi phạm một quy định nào đó chỉ

công bằng khi cảnh báo đó được chuyển tải tới dân chúng bằng một thứ ngôn ngữ mà dân chúng nói chung có thể hiểu được - được như vậy thì mới là hợp lí Mà để việc cảnh báo được công bằng thì quy định phải rất rõ ràng”.(9)

(1).Xem: Điều 4 Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa và Điều 3 Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản riêng của công dân do Ủy ban thường vụ Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ban hành ngày 21/10/1970; Điều 4 Sắc luật số 03-SL/76 ngày 15/3/1976 của Hội đồng Chính phủ cách mạng lâm thời quy định các tội phạm và hình phạt; Điều 129 và Điều 151 BLHS năm 1985

(2).Xem: Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình

luật hình sự Việt Nam (tập 2), Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2009, tr 14, 15; Viện khoa học pháp lí,

Bình luận khoa học Bộ luật hình sự (Phần các tội phạm), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1993, tr

164, 165; Đinh Văn Quế, Bình luận khoa học Bộ luật

hình sự (Phần các tội phạm) tập 2, Nxb Thành phố

Hồ Chí Minh, 2000, tr 31- 40

(3).Xem: Bộ giáo dục và đào tạo, Đại học Huế, Trung

tâm đào tạo từ xa, Giáo trình luật hình sự Việt Nam

(Phần các tội phạm), Nxb Công an nhân dân, Hà Nội,

2001, tr 198 - 200

(4).Xem: “Về tội cướp tài sản: Một điều luật, nhiều

cách hiểu khác nhau”, Báo pháp luật Việt Nam, số

136 ngày 8/6/2009

(5).Xem: Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình

luật hình sự Việt Nam (tập 2), Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2009, tr 14 - 15.

(6).Xem: Toà án nhân dân tối cao, Hệ thống hoá luật

lệ về hình sự (tập 1) năm 1945 – 1974, tr 222

(7).Xem: Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình

luật hình sự Việt Nam (tập 2), Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2009, tr 16

(8).Xem: Toà án nhân dân tối cao, Các văn bản về

hình sự , dân sự và tố tụng (tập 2), 1992, tr 34

(9).Xem: Viện nghiên cứu khoa học pháp lí, Bộ tư pháp,

Chuyên đề về tư pháp hình sự so sánh, 1999, tr 68.

Ngày đăng: 23/02/2014, 21:20

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w