Trong các xã hội có phân chia giai cấp và đối khang giai cấp, các giai cấp thống trị bao giờ cũng thành lập và duy trì bộ máy nhà nước để củng cố và giữ vững địa vị thống thống trị cũng như bảo vệ lợi ích của giai cấp mình. Nhà nước thực chất là hình thức tổ chức chính trị xã hội do lực lượng nắm quyền kinh tế, chính trị, xã hội thành lập nhằm để bảo vệ các quyền lợi của lực lượng thống trị. Nó gắn liền với chế độ tư hữu hay sở hữu khác nhau về tư liệu sản xuất trong xã hội và những lợi ích khác nhau giữa các giai cấp trong một chế độ chính trị xã hội cụ thể. Do đó, về phương diện bản chất, Nhà nước bao giờ cũng mang bản chất của giai cấp thống trị. Về phương diện chính trị hành chính, Nhà nước là một bộ phận trung tâm của hệ thống chính trị, nắm giữ quyền quản lý nhà nước trong toàn xã hội. Đây là đặc điểm cơ bản để có thể nhận diện nhà nước với các tổ chức xã hội khác.Ở mỗi chế độ chính trị xã hội khác nhau có một kiểu nhà nước nước mang bản chất giai cấp khác nhau do chế độ chính trị và giai cấp thống trị quy định. Ở các nước xã hội chủ nghĩa, Nhà nước là công cụ chủ yếu để thiết lập và tổ chức thực hiện dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Ở nước ta, sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và thành lập Nhà nước Việt Nam mới lấy tên Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, nay là Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đó là một nhà nước kiểu mới do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và là nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Nhằm hiểu rõ bản chất và chức năng của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tôi chọn chủ đề: “Nêu và phân tích chức năng của Nhà nước Việt Nam hiện nay” làm bài thu hoạch của mình cho môn học: Lý luận chung về Nhà nước và chính quyền Nhà nước.