Vấn đề xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) được xác định trong văn kiện và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng thể hiện bước đột phá quan trọng cả về tư duy lý luận lẫn thực tiễn tổ chức xây dựng bộ máy nhà nước của Đảng ta. Nhà nước pháp quyền là một mô hình, phương thức tổ chức nhà nước và xã hội dựa trên nền tảng dân chủ và tinh thần thượng tôn pháp luật. Đảng ta đã nhận thức được tính tất yếu khách quan, cấp thiết việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm chỉ ra: “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Từ Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (tháng 11994), Đảng ta đã chính thức nêu vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền thực sự của dân, do dân, vì dân. Trải qua các hội nghị và các kỳ Đại hội Đảng, nhất là từ Đại hội VIII (năm 1996) đến nay, nhận thức của Đảng ta về Nhà nước pháp quyền XHCN và việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ngày càng được bổ sung và có những bước phát triển quan trọng. Tại Đại hội XII, Đảng ta có những bổ sung, phát triển lý luận về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, trong đó vừa làm sâu sắc thêm những quan điểm, tư tưởng đã được thể hiện nhất quán trong các văn kiện trước đó của Đảng, vừa có những phát triển mới đáp ứng đòi hỏi của tình hình thực tiễn. Báo cáo chính trị Đại hội XII của Đảng nêu vấn đề: “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN”. “Xây dựng” và “hoàn thiện” Nhà nước pháp quyền đều là những nhiệm vụ quan trọng, được tiến hành đồng thời, bổ khuyết cho nhau, xây dựng cũng chính là hoàn thiện, vừa xây dựng vừa hoàn thiện; ngược lại, trong hoàn thiện có xây dựng. Xuất phát từ thực tiễn trên, nên tôi đã quyết định chọn “Vấn đề nhà nước pháp quyền và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân ở nước ta trong giai đoạn hiện nay” làm bài thu hoạch hết môn lần này.