Thực tiễn cũng chứng minh, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam là điều kiện tiên quyết để xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền Việt Nam giai đoạn hiện nay. Chính vì vậy, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng là nhiệm vụ then chốt không chỉ có ý nghĩa đối với bản thân Đảng mà còn là điều kiện quan trọng đối với sự tồn tại hoạt động của Nhà nước pháp quyền. Vấn đề là phải luôn luôn đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước để sao cho vừa bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, vừa phát huy vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước để tập trung mọi quyền lực vào tay nhân dân. Đảng không được buông lỏng sự lãnh đạo đối với hệ thống chính trị, trong đó đặc biệt là đối với Nhà nước. Để xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân phải tiến hành sự nghiệp đổi mới đất nước; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay: Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp, cùng với sự phân hóa giàu nghèo và sự yếu kém trong quản lý, điều hành của nhiều cấp, nhiều ngành làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những yếu kém, khuyết điểm đó là: Nhiều cấp ủy, tổ chức đảng chưa làm tốt công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng, chất lượng và hiệu quả kiểm tra, giám sát chưa cao; chưa coi trọng việc kiểm tra, giám sát thực hiện đường lối, chủ trương, chỉ thị, nghị quyết, thi hành Điều lệ Đảng, kiểm tra, giám sát phòng ngừa tiêu cực và phát huy nhân tố tích cực. Nhiều khuyết điểm sai lầm của đảng viên và tổ chức đảng chậm được phát hiện. Tình trạng thiếu trách nhiệm, cơ hội, suy thoái đạo đức, lối sống vẫn diễn ra khá phổ biến trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Kỷ luật, kỷ cương ở nhiều tổ chức đảng không nghiêm. Sự đoàn kết, nhất trí ở không ít cấp ủy chưa tốt. Để thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, Nghị quyết chỉ rõ: Đảng ta phải: Quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng. Để thực hiện được điều đó, bên cạnh việc phải giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng; nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất và năng lực cán bộ, đảng viên; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung, dân chủ; Đảng ta phải tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Bởi vì, kiểm tra, giám sát là hoạt động không thể thiếu diễn ra trong tất cả các khâu của quy trình lãnh đạo và quản lý; vì chức năng lãnh đạo của Đảng không chỉ ở việc định ra đường lối, nghị quyết, tổ chức thực hiện mà còn phải tiến hành kiểm tra, giám sát. Đây là biện pháp không thể thiếu được để phát huy ưu điểm, phòng ngừa, khắc phục khuyết, nhược điểm, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Do đó bản thân lựa chọn nghiên cứu “Cơ sở lý luận về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” để tiếp cận và tìm hiểu nội dung việc thực hiện công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong giai đoạn hiện nay.