MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Suy tim là một bệnh lý nặng, tiên lượng tử vong cao. Suy tim là một vấn đề sức khỏe cộng đồng với tỷ lệ cao trên toàn cầu, ước tính khoảng hơn 26 triệu bệnh nhân và tỷ lệ mắc ngày càng tăng chủ yếu ở người lớn tuổi [17]. Mặc dù hiện nay có nhiều tiến bộ trong điều trị suy tim, nhưng suy tim vẫn còn tiên lượng xấu khi có biểu hiện triệu chứng trên lâm sàng. Những nghiên cứu cộng đồng cho thấy rằng 30-40% bệnh nhân tử vong trong vòng 1 năm sau khi được chẩn đoán suy tim và 60-70% tử vong trong vòng 5 năm [134]. Nguyên nhân suy tim rất đa dạng như bệnh tăng huyết áp (THA), bệnh van tim cho đến bệnh động mạch vành, bệnh cơ tim, nhồi máu cơ tim, các bệnh tim bẩm sinh, bệnh chuyển hóa…Biểu hiện suy tim đa dạng và có nhiều thể lâm sàng tùy theo giai đoạn và tình trạng huyết động. Trong quá trình từ sinh bệnh học đến diễn tiến và biến chứng có rất nhiều cơ chế tham gia, từ những đáp ứng của hệ thần kinh – thể dịch cho đến các thay đổi về hình thái và mô học. Do đó, chẩn đoán suy tim cần phối hợp giữa lâm sàng, hình ảnh học, thăm dò chức năng, tình trạng huyết động và những thay đổi thần kinh – thể dịch qua trung gian các chất chỉ điểm sinh học để có thể đánh giá, đưa ra chiến lược điều trị phù hợp và tiên lượng được kết cục của bệnh. Ngoài các cơ chế thần kinh - thể dịch, sự quá tải thể tích tuần hoàn và sự căng giãn các buồng tim đã được biết rõ trong sinh lý bệnh học của suy tim, giúp hiểu được sự tiến triển cũng như giải thích các thay đổi trong chiến lược điều trị suy tim trong những năm gần đây và phần nào đã thay đổi được tiên lượng cũng như kết cục lâm sàng của suy tim. Gần đây, với các kết quả khảo sát về quá trình tái cấu trúc tim đã cho thấy tầm ảnh hưởng lớn đến diễn tiến suy tim và kết cục lâm sàng cũng như tiên lượng bệnh nhân suy tim. Quá trình tái cấu trúc không những ảnh hưởng đến cấu trúc, kích thước các buồng tim, cơ chế bệnh sinh mà còn ảnh hưởng đến các yếu tố sinh hóa miễn dịch lên tế bào cơ tim và chất nền thông qua quá trình hoại tử và chết tế bào theo chương trình [133], [134]. Hiện nay có nhiều chất chỉ điểm sinh học giúp chẩn đoán và tiên lượng suy tim, phổ biến nhất là các chất chỉ điểm sinh học như peptide lợi niệu BNP (Brain Natriuretic Peptid) hoặc NT-ProBNP, hoặc phối hợp Troponin và BNP hoặc NT-ProBNP và đặc biệt mới đây là galectin-3. Galectin-3 là một chỉ điểm sinh học giúp đánh giá tình trạng xơ hóa và tái cấu trúc tim được chứng minh qua các nghiên cứu thực nghiệm đã mở ra thêm một hướng tiếp cận mới trong cơ chế bệnh sinh, điều trị và tiên lượng của suy tim. Và galectin-3 là một trong những chỉ điểm sinh học tin cậy của suy tim. Trong hướng dẫn hiện hành về điều trị suy tim của Trường môn Tim và hội Tim Hoa Kỳ (ACC/AHA) năm 2017 đã đưa việc định lượng nồng độ các dấu ấn sinh học của tổn thương hay xơ hóa cơ tim trong đó có galectin-3 nhằm mục đích tiên lượng và phân tầng nguy cơ suy tim cấp và suy tim mạn [125]. Nồng độ galectin-3 huyết thanh có thể giúp dự đoán suy tim mới mắc trong các thử nghiệm Framingham, FINRISK và PREVEND [55], [58], [116], tiên lượng và phân tầng nguy cơ suy tim và tái nhập viện do suy tim từ các thử nghiệm COACH, PROTECT, RELAX-AHF, PRIDE [35], [39], [85], [117]. Tuy nhiên, giá trị ứng dụng lâm sàng của nồng độ galectin-3 huyết thanh vẫn còn nhiều tranh cãi và cần có nhiều công trình nghiên cứu khẳng định giá trị chẩn đoán, tiên lượng và phân tầng nguy cơ trên các thể lâm sàng của suy tim. 2. Mục tiêu nghiên cứu • Mục tiêu tổng quát: Khảo sát sự biến đổi nồng độ galectin-3 huyết thanh ở Bệnh nhân suy tim. • Mục tiêu chuyên biệt: - Đánh giá sự biến đổi nồng độ của galectin-3 huyết thanh ở bệnh nhân suy tim và giá trị nồng độ galectin-3 huyết thanh ở các phân nhóm suy tim. - Khảo sát mối tương quan giữa nồng độ galectin-3 huyết thanh với các thông số liên quan tái cấu trúc cơ tim trên siêu âm tim và xét nghiệm BNP huyết thanh ở bệnh nhân suy tim. - Khảo sát giá trị của nồng độ galectin-3 huyết thanh trong tiên lượng các biến cố tim mạch như suy tim nặng hơn, hội chứng động mạch vành cấp, rối loạn nhịp thất và tử vong do mọi nguyên nhân trong thời gian nằm viện ở bệnh nhân suy tim.