Đôi nét về lịch sử phát triển ngành bông Việt Nam

Một phần của tài liệu Giải pháp mở rộng diện tích cây bông vải tại công ty cổ phần Bông Việt Nam đến năm 2020 (Trang 32)

CHƯƠNG 2: PHÂN TÍCH THỰC TRẠNG VÙNG TRỒNG CÂY BÔNG VẢI TẠI CÔNG TY CP BÔNG VIỆT NAM

2.1.1 Đôi nét về lịch sử phát triển ngành bông Việt Nam

Ngành bông Việt Nam, với vị thế một ngành kinh tế, chỉ mới thực sự hình thành và phát triển mạnh trong khoảng trên 2 thập kỷ gần đây. Tuy nhiên việc trồng bông nhỏ lẻ, truyền thống phục vụ may dệt các loại áo cổ truyền thì đã có lịch sử rất lâu đời, dù điều kiện tự nhiên ở Việt Nam không thực sự tối ưu cho việc trồng bông.

Cột mốc phát triển đầu tiên của việc trồng bông Việt Nam với quy mô một ngành kinh tế bắt đầu tương đối muộn. Trong khi sự khởi đầu của ngành công nghiệp dệt may Việt Nam được xem là khi Nhà máy dệt Nam Định được thành lập vào năm 1897 thì ngành bông Việt Nam chỉ thực sự được nhìn nhận và tập trung phát triển kể từ những năm đầu thập niên 1990. Trước thời điểm này, ngành công nghiệp dệt may đã tương đối lớn mạnh với sự trợ giúp kỹ thuật, công nghệ, cũng như quan hệ giao thương với các nước thuộc Liên bang Xô Viết cũ, Đông Âu và Trung Quốc. Tuy nhiên việc cung ứng bông nguyên liệu cho hoạt động sản xuất dệt may chủ yếu từ nguồn bên ngoài, nguồn bông nội địa chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ. Kể từ năm 1976, Việt Nam chú trọng xuất khẩu sang các nước thuộc khối kinh tế Đông Âu. Với Liên Xô cũ theo hình thức ký kết hợp đồng phụ. Trong các hợp đồng này, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất (bông) sẽ do Việt Nam nhận từ Liên Xô cũ (các nước tại Trung Á) và hoàn trả lại bằng thành phẩm. Hình thức này sau đó cũng đã được Việt Nam mở rộng áp dụng với các quốc gia khác như Hungari, Tiệp Khắc và Đông Đức.

Quan hệ hợp tác giao thương kể trên với Liên Xô cũ đã được nâng tầm hoạt động về quy mô đơn hàng với khối lượng lớn kể từ năm 1986. Với cú hích này, từ 1987 – 1990, ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đã có những bước phát triển rõ

rệt, kéo theo đó là nhu cầu dùng bông làm nguyên liệu đầu vào cũng gia tăng đáng kể.

Tuy nhiên sau khi Liên Xô, và sau đó là các nước Đông Âu tan rã, hình thức gia công “nhận nguyên liệu, trả thành phẩm” đã chấm dứt. Hệ quả là nguồn cung ứng bông theo kế hoạch từ Liên Xô cũ không còn nữa, trong khi cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực của ngành dệt may Việt Nam, vốn đã được đầu tư tương đối hoàn chỉnh và được định hình phát triển trong gần một thập kỷ trước đó, cần phải được tiếp tục tận dụng, phát huy hiệu quả. Trong bối cảnh Việt Nam chưa hoàn toàn bình thường hóa quan hệ, mở rộng giao thương với các quốc gia trên thế giới, việc đảm bảo nguồn bông nguyên liệu cho sản xuất dệt may trở thành một nhu cầu cấp bách. Trước tình hình đó, đồng thời góp phần tạo công ăn việc làm, giúp xóa đói giảm nghèo tại các vùng trọng điểm, Chính phủ và ngành dệt may Việt Nam đã xác định nhiệm vụ trọng tâm là phải phát triển nguồn bông trong nước thay thế nguồn bông được cung ứng từ Liên Xô trước đây. Từ chủ trương này, nhiều kế hoạch phát triển trồng bông với quy mô lớn đã được lập ra, nhiều lãnh đạo Chính phủ đã đích thân thị sát, đôn thúc quá trình triển khai việc trồng bông tại các địa bàn trọng điểm. Và để có một tổ chức chuyên trách, tập trung triển khai các nỗ lực phát triển cây bông trên toàn quốc, Công ty Bông Việt Nam đã được thành lập vào năm 1993. Trong quá trình triển khai, các kế hoạch phát triển cây bông đã được hoạch định từ cấp Trung ương và đưa xuống các địa phương. Tuy nhiên nhìn nhận một cách thẳng thắn, trong cơ chế tự do hóa thị trường, các kế hoạch phát triển trên mới chỉ mang tính định hướng, còn thực tế trồng trọt, sản xuất phải do các yếu tố khách quan từ thị trường quyết định. Có 2 yếu tố lớn tác động đến việc trồng bông tại Việt Nam:

- Sự mở cửa của nền kinh tế Việt Nam ra thế giới: đánh dấu bằng việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Kể từ thời điểm này, với sự năng động của các nhà máy sợi trong nước, bông nhập khẩu đã trở thành nguồn nguyên liệu chính yếu cung cấp cho sản xuất. Sức ép đối với ngành bông Việt Nam trong việc phải trở thành nguồn nguyên liệu thay thế hoàn toàn hay chính yếu cho ngành dệt may đã giảm

xuống đáng kể. Theo đó, các kế hoạch phát triển bông cũng được điều chỉnh theo hướng từng bước nâng cao tỷ lệ nội địa hóa nguồn bông cho ngành dệt may. Tuy nhiên đây vẫn là một mục tiêu hết sức thách thức.

- Sự tự do hóa trong lựa chọn cây trồng của người nông dân. Để được gieo trồng trên một quỹ đất có hạn, cây bông sẽ phải cạnh tranh với nhiều cây trồng khác. Lợi ích kinh tế đem lại cho người trồng sẽ quyết định cây trồng nào được lựa chọn. Điều này đồng nghĩa với việc các kế hoạch phát triển bông quốc gia, với hình thức kế hoạch hóa tập trung, sẽ chỉ mang tính định hướng và ít có tính khả thi nếu không xét tới những giải pháp động viên, khuyến khích người nông dân lựa chọn cây bông.

Dưới tác động của hai yếu tố trên, thực tế cho thấy trong vòng trên 20 năm trở lại đây, mặc dù đã có những cải tiến đáng kể về công nghệ sinh học giúp nâng cao năng suất, tỷ lệ thu hồi bông xơ, ngành bông Việt Nam vẫn chứng kiến một sự suy giảm lớn, đặc biệt nếu xét tới: (i) khoảng cách rất lớn giữa kế hoạch vĩ mô với thực tế sản xuất; và (ii) sự tăng trưởng nhanh chóng của nhu cầu bông xơ cho ngành sợi Việt Nam.

Một phần của tài liệu Giải pháp mở rộng diện tích cây bông vải tại công ty cổ phần Bông Việt Nam đến năm 2020 (Trang 32)