CHƯƠNG 3: GIẢI PHÁP MỞ RỘNG DIỆN TÍCH CÂY BÔNG VẢI TẠI CÔNG TY CỔ PHẦN BÔNG VIỆT NAM
3.2.3.1 Giải pháp mở rộng diện tích cây bông vả
Bảng 3.5: Giải pháp mở rộng diện tích cây bông vải
Vấn đề Giải pháp
Ngắn hạn Trung dài hạn
Lợi ích kinh tế của việc trồng bông (so sánh với các cây trồng thay thế khác)
- Có những hỗ trợ phù hợp cho Công ty Bông Việt Nam để duy trì trong ngắn hạn cơ chế giá thu mua bông hạt tối thiểu.
- Tín dụng ưu đãi cho các công ty bông để thu mua bông hạt.
Thành lập Tổng Công ty Bông Quốc gia điều hành Quỹ dự trữ bông quốc gia, đảm bảo thu mua bông hạt cho Quỹ với mức giá có lợi cho người
trồng bông (mô hình của Trung Quốc).
Quỹ đất cho trồng bông trang trại
- Dành quỹ đất cho thuê ưu đãi để lập các trang trại bông tại các vùng quy hoạch trồng bông. - Tín dụng ưu đãi để đầu tư xây dựng các trang trại bông.
Quy hoạch vùng trồng bông quốc gia và dành những chính sách ưu đãi tối đa để đảm bảo bông được trồng theo đúng quy hoạch (mô hình Trung Quốc)
Các hỗ trợ cần thiết khác
- Duy trì và phát triển Quỹ hạt giống bông quốc gia.
- Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ, đưa ra các giống bông mới có năng suất, chất lượng và khả năng đề kháng cao, ít tiêu hao vật tư nông nghiệp, cho tỷ lệ thu hồi xơ bông cao.
- Phát triển đội ngũ khuyến nông cây bông.
- Tăng cường áp dụng cơ giới hóa vào mô hình trồng bông tập trung.
- Triển khai áp dụng các giải pháp bảo hiểm rủi ro giá bông tại các công ty bông.
- Thành lập Sở Giao dịch Bông Việt Nam. - Phát triển cơ sở hạ tầng thủy lợi, tưới tiêu tại các vùng bông trọng điểm
Để triển khai giải pháp chiến lược phát triển diệnt ích cây bông vải, còn triển khai đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất: giải pháp hỗ trợ Công ty CP Bông Việt Nam duy trì cơ chế giá thu mua tối thiểu
Áp dụng cơ chế giá thu mua tối thiểu hàm chứa rất nhiều rủi ro cho Công ty CP Bông Việt Nam. Trước hết việc ấn định giá thu mua tối thiểu là một việc phức tạp, vì phải vừa đảm bảo tiên liệu được xu thế giá bông thế giới mùa vụ tới (rất khó thực hiện), phải vừa cân nhắc giá các cây trồng cạnh tranh (bắp, sắn…). Nếu giá bông giảm sâu như trong năm 2011 vừa qua thì Công ty Bông phải chấp nhận giá thu mua cao, bất lợi. Còn trong trường hợp giá thị trường tăng cao, người nông dân lại có xu hướng vi phạm hợp đồng, bán bông cho tư thương, không thanh toán nợ đầu tư đã nhận từ VCC. Thực ra, ở đây VCC đang phải ký một hợp đồng kỳ hạn chốt giá sau nhưng lại với điều khoản giá mua tối thiểu. Rủi ro phần lớn sẽ nằm về phía VCC và sẽ gây những tổn thất lớn cho đơn vị. Đúng ra công ty có thể ký hợp đồng kỳ hạn chốt giá ngay hay chốt giá sau, nhưng không có điều khoản giá tối thiểu. Là một công ty cổ phần, VCC phải hoạt động với mục tiêu lợi nhuận tối ưu cho công ty, cho cổ đông. Do đó mặc dù việc đảm bảo giá thu mua tối thiểu là cần thiết, tạo sự an tâm nhất định, khuyến khích người nông dân chọn lựa bông cho mùa vụ, nhưng là công ty cổ phần, VCC khó có thể tiếp tục đảm nhận trọng trách này nếu thiếu những hỗ trợ cần thiết như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, vay vốn ưu đãi.... Tuy nhiên, tác giả nhận định việc duy trì hỗ trợ như vậy đối với VCC để kéo dài cơ chế giá thu mua tối thiểu không phải là một giải pháp lâu dài. Trong dài hạn, khi ngành bông Việt Nam đã có quy mô phù hợp (đáp ứng 20% nhu cầu trong nước), khi đó chúng ta có thể tham khảo mô hình của Trung Quốc trong việc lập Quỹ dự trữ bông Quốc gia, làm nhiệm vụ bình ổn giá thông qua việc thu mua bông cho Quỹ với mức giá có lợi cho người trồng bông.
Thứ hai: giải pháp Tín dụng ưu đãi cấp cho các công ty bông để thực hiện thu mua bông hạt từ nông dân
Đây là giải pháp thực ra đã được nêu ra trong Quyết định số 29/QĐ-TTg, tuy nhiên chưa được triển khai thực hiện trong thực tế. Các doanh nghiệp sản xuất bông vẫn không thể tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để thực hiện việc thu mua bông
hạt. Do đó để giảm bớt áp lực về vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất bông, Chính phủ có thể thiết lập cơ chế để các công ty bông có thể vay vốn với lãi suất ưu đãi từ ngân hàng Phát triển Việt Nam. Các khoản vay này chủ yếu là vay ngắn hạn (6 tháng) với quy mô vay được xác định trên sản lượng bông hạt thực mua từ nông dân của doanh nghiệp.
Thứ ba: giải pháp Dành quỹ đất cho việc trồng bông theo mô hình tập trung
Việc trồng bông hiện nay có thể chia làm 3 vùng: vùng 1 là trên đất nghèo, lượng mưa ít, năng suất cây trồng của tất cả các cây trồng đều thấp; vùng 2 là vùng có đất màu mỡ hơn và năng suất bông cũng như các cây trồng khác khá ổn định và vùng 3 là vùng đất tốt, năng suất của các cây trồng đều rất cao và ổn định. Trong thực tế, do bông chịu hạn tốt và với đặc tính có khả năng phục hồi cao nên bông sẽ có lợi thế so với các cây trồng khác tại vùng 1. Tại vùng 2 cây bông ít có lợi thế so sánh đối với các cây trồng cạnh tranh khác do năng suất không thực sự tối ưu. Đối với vùng 3, về tiềm năng, với những tiến bộ trong công tác lai tạo, cải tiến giống bông, kết hợp với các biện pháp kỹ thuật canh tác, tưới tiêu, năng suất bông có thể đạt mức rất cao (về lý thuyết có thể đạt tới 3.5 – 4 tấn bông hạt/ha. Nếu đạt được mức năng suất này thì cây bông hoàn toàn có thể cạnh tranh được với các cây trồng khác về mặt lợi ích kinh tế. Tuy nhiên hiện trạng quỹ đất vùng 3 (đều đã cấp hoặc chuyển quyền sử dụng cho các đối tượng khác nhau) không cho phép tập trung hình thành các trang trại bông có quy mô. Do đó, tác giả cho rằng trong cả 3 vùng trên, chỉ còn vùng 1 là khả thi để tập hợp quỹ đất cho trồng bông. Đối với các vùng đất này, hiện vẫn chưa có cơ chế chuyển đổi đất từ đất rừng nghèo sang trồng bông như đối với các cây cao su, cà phê, điều. Về lâu dài, đòi hỏi Chính phủ phải có Quy hoạch vùng trồng bông rõ ràng và phải có sự thống nhất trong triển khai giữa Trung Ương, địa phương để việc quy hoạch đi vào đời sống.