Các nhân tố được tạo thành sau bước phân tích EFA sẽ tiếp tục được sử dụng trong kiểm định Friedman nhằm đánh giá mức độ quan trọng của các nhân tố này đến quyết định lựa chọn ngân hàng của sinh viên.
Do các nhân tố khám phá được có sự khác biệt so với các nhân tố xác định dựa trên lý thuyết nên giả thuyết nghiên cứu được điều chỉnh như sau:
Giả thuyết H1: có sự khác biệt có ý nghĩa về mức độ quan trọng giữa các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn ngân hàng của sinh viên (các nhân tố gồm (1) Sự lôi cuốn, (2) Cảm giác yên tâm, (3) Dịch vụ ngân hàng điện tử, (4) Máy ATM, (5) Sự Ảnh hưởng và (6) Khoảng cách)
Kiểm định Friedman sẽ được sử dụng để kiểm định giả thuyết trên và kết quả kiểm định sẽ cho biết xếp hạng mức độ quan trọng của các nhân tố. Kết quả kiểm định Friedman được trình bày trong Bảng 4-1.
Bảng 4-1: Kết quả kiểm định Friedman
Nhân tố Giá trị trung
bình (*) Thứ bậc trung bình Mức độ quan trọng (**) Máy ATM 3,9585 4,15 1 Dịch vụ Ngân hàng điện tử 3,9259 4,14 2 Khoảng cách 3,8089 3,89 3 Cảm giác yên tâm 3,7289 3,73 4 Sự Lôi Cuốn 3,3833 2,95 5 Sự ảnh hưởng 2,8756 2,14 6 Kiểm định Friedman Chi-Square 225,337 df 5 Asymp. Sig. ,000
*Mức độ 1: Hoàn toàn không – 5: Hoàn toàn có
**Mức độ 1: Quan trọng nhất – 6: Ít quan trọng nhất
Kết quả kiểm định friedman với (χ2 = 225,337; p = 0,000) cho thấy có thể chấp nhận giả thuyết H1, tức là có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về mức độ quan trọng giữa các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn ngân hàng của nhóm đối tượng là sinh viên.
Như vậy, các nhân tố như Máy ATM, Dịch vụ ngân hàng điện tử và Khoảng cách là ba nhân tố có mức độ ảnh hưởng cao nhất đến quyết định lựa chọn ngân hàng của sinh viên. Kết quả nghiên cứu này là khá phù hợp với kết quả của Moklis (2011) hay Gerrard & Cunningham (2001). Có thể thấy các yếu tố liên quan đến công nghệ như máy ATM hay các dịch vụ ngân hàng điện tử có ảnh hưởng cao nhất
đến sinh viên trong việc lựa chọn ngân hàng, điều này cũng khá dễ hiểu vì sinh viên là nhóm khách hàng trẻ và họ thường quan tâm nhiều đến yếu tố về công nghệ.
Tương tự như kết quả nghiên cứu của Almossawi (2001), Gerrard & Cunningham (2001) và Moklis và cộng sự (2011) các nhân tố như Sự ảnh hưởng, Sự lôi cuốn ít có ảnh hưởng nhất đến sinh viên trong việc ra quyết định lựa chọn ngân hàng. Như vậy, cũng giống như kết luận của Almossawi (2001) kết quả nghiên cứu này cũng cho thấy trong quá trình ra quyết định lựa chọn, nhóm khách hàng trẻ tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam thường thích hành động một cách độc lập hơn là dựa vào những lời khuyến cáo và kinh nghiệm của những người khác.