giao tiếp
Rèn cho học sinh cách đánh giá giá trị, ý nghĩa của bài đọc chính là rèn cho học sinh đánh giá phần thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm qua tác phẩm, hay còn được hiểu là công việc giúp học sinh phát hiện ra nghĩa hàm ẩn trong tác phẩm. Mỗi một văn bản nghệ thuật bao giờ cũng có hai loại nghĩa cơ bản: Nghĩa hiển ngôn và nghĩa hàm ẩn. Trong các tác phẩm văn chương muốn tìm được nét nghĩa có chứa hàm ý, người đọc cần bắt đầu từ việc xác định nghĩa hiển ngôn trước, sau đó mới thấy được nét nghĩa hàm ngôn chứa trong câu chữ.
Ví dụ: Muốn tìm được nghĩa hàm ẩn trong truyện “Một vụ đắm tàu”. (T.V 5, tập 2), giáo viên hướng dẫn học sinh theo dõi theo mạch truyện từ chi tiết hai bạn Mariô và Guliétta gặp nhau, cho đến chi tiết cơn bão ập đến Guliétta chăm sóc bạn ân cần thế nào, rồi tìm hiểu đến cuối câu truyện (Mariô bị thương) khi hai bạn đang kêu cứu thì một cái xuồng cuối cùng
được đưa xuống. Mariô đã hi sinh thân mình để Guliétta được lên xuồng và trở về gia đình. Khi đã tìm hiểu được mạch truyện rồi, học sinh có thể thấy nghĩa hàm ẩn trong truyện là ca ngợi tình bạn cao đẹp của hai bạn nhỏ và đặc biệt là tấm gương anh hùng rất biết nghĩ cho hạnh phúc của bạn ở nhân vật Mariô.
Hay trong bài “Bầm ơi” của Tố Hữu thì qua việc tìm hiểu những chi tiết
miêu tả hình ảnh người mẹ tần tảo vất vả “chân lội bùn”, “tay cấy mạ non”,
“ướt áo tứ thân”, “muôn nỗi tái tê”, “muôn nỗi nhọc nhằn”, học sinh có thể
thấy được nghĩa hàm ẩn là ca ngợi hình ảnh người mẹ chiến sĩ anh hùng, đồng thời thể hiện tấm lòng biết ơn sâu sắc của người con xa quê đi đánh giặc.
Nghĩa hàm ẩn có vai trò rất quan trọng trong văn bản và nhiều khi nó là mục đích giao tiếp của văn bản. Vì vậy khi dạy học sinh tìm hiểu bài là giáo viên phải giúp học sinh tìm ra được cái ý ngầm nằm trong câu chữ:
Để rèn cho học sinh cách đánh giá giá trị, ý nghĩa bài đọc, giáo viên không chỉ chú trọng tìm hiểu ý nghĩa của bài đọc mà còn phải yêu cầu HS liên hệ thực tế, phải biết áp dụng bài học đó để giải quyết các tình huống trong cuộc sống. Qua ý nghĩa bài đọc, học sinh rút ra những bài học nhân sinh từ đó HS biết cách lựa chọn hành động ứng xử đúng cho bản thân.
Đây cũng là hoạt động khai thác triệt để chức năng giáo dục của văn học, đồng thời rèn cho học sinh kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết các tình huống có vấn đề trong thực tế quộc sống.
Như vậy để hướng dẫn học sinh thực hiện hành động này giáo viên yêu cầu học sinh trả lời hai câu hỏi:
+ Bài đọc khuyên ta điều gì? Điều gì đáng học tập, điều gì cần phê phán, cần tránh; điều gì đáng khen, đáng chê; điều gì đáng ca ngợi, đáng yêu; điều gì đúng/ sai, tốt/xấu?
Hoạt động liên hệ thực tế mới thực sự là cái đích cuối cùng của việc dạy đọc hiểu cho học sinh, nó cho thấy khả năng vận dụng sáng tạo của hoc sinh những kiến thức học được vào cuộc sống, từ đó phát huy hơn nữa việc giáo dục nhân cách cho trẻ.
Ví dụ: Sau khi xác định được ý nghĩa của bài tập đọc “Người thợ dệt
thảm” là: Niềm vui ở đời thực sự không phải là thừa hưởng những cái có sẵn
mà phải đến trong lao động và sáng tạo. Học sinh sẽ tự rút ra bài học: Không thể có kết quả học tốt nếu không chịu cố gắng học tập và rèn luyện. Từ đó nêu cao ý thức chăm chỉ học tập, rèn luyện sưc khỏe, tu dưỡng đạo đức để trở thành con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ.
Hay qua truyện “Những hạt thóc giống”, học sinh rút ra bài học về lòng
trung thực và liên hệ hoạt động thực tế là sẽ luôn trung thực trong tất cả mọi việc.
Trên đây chúng ta đã đưa ra các kĩ năng hình thành cho HS đọc hiểu theo lý thuyết giao tiếp. Hệ thống kĩ năng tập trung cho HS tìm hiểu nội dung bài đọc một cách đầy đủ và toàn diện từ việc tiếp nhận bối cảnh, rèn kỹ năng tìm hiểu về nhân vật, về sự việc, về các hình ảnh, chi tiết nghệ thuật, biện pháp tu từ đến việc xác định tình cảm, thái độ của nhà văn, đánh giá giá trị, ý nghĩa bài đọc và còn đề cập đến cả việc rèn kỹ năng đọc diễn cảm để hỗ trợ cho quá trình đọc hiểu bài đọc. Tất cả hệ thống kỹ năng này đều được rèn luyện theo lý thuyết giao tiếp nghĩa là HS được thực hiện các hành động thực hành giao tiếp để tìm hiểu nội dung bài đọc
Tóm lại, qua chương 2 chúng tôi đã đưa ra được hệ thống các thao tác
vận dụng lý thuyết giao tiếp trong dạy học đọc – hiểu cho HS lớp 4, lớp 5. Chúng tôi tiếp cận vấn đề với nhiều góc độ, xây dựng nhiều hoạt động của GV và HS để tiếp nhận văn bản khi nhìn nhận văn bản với tư cách là một sản
phẩm của giao tiếp và văn bản với tư cách là phương tiện để nhà văn giao tiếp với bạn đọc.
Bên cạnh đó chúng tôi đã đưa ra hệ thống các kĩ năng hình thành cho HS cách đọc hiểu văn bản theo lý thuyết giao tiếp từ tiếp nhận bối cảnh, nhân vật, sự việc, đến các hình thức nghệ thuật được thể hiện trong văn bản, cho đến kỹ năng đọc – hiểu, đánh giá ý nghĩa, giá trị bài đọc.
Tất cả những kỹ năng đó được xây dựng bằng các loại câu hỏi tương ứng với các bài tập đọc có nội dung phù hợp.
Chúng tôi cũng đề xuất một số thao tác, hình thức vận dụng lý thuyết GT để HS tìm hiểu cảm thụ bài đọc. Đó là hệ thống câu hỏi tương ứng để giúp HS giao tiếp với văn bản, tái tạo nội dung văn bản và giúp HS giao tiếp với nhân vật và tác giả bài văn. Khi thực hiện rèn các thao tác đó cho HS sẽ giúp HS tiếp cận với nội dung bài đọc theo lý thuyết GT để đạt được những hiệu quả tiếp thu bài đọc sáng tạo và tích cực hơn.
CHƯƠNG 3: THỰC NGHIỆM SƯ PHẠM