Nhân vật phụ nữ

Một phần của tài liệu Nhân vật và cốt truyện trong tiểu thuyết Chu Lai (Trang 68)

5. Dự kiến đóng góp khoa học

2.3.1 Nhân vật phụ nữ

Trong thế giới nhân vật của mình, trẻ em và phụ nữ luôn là hai đối tượng đặc biệt, nơi kết tinh tư tưởng nhân văn của nhà văn Chu Lai. Bởi trong bất cứ hoàn cảnh nào, họ luôn là những người nhạy cảm, yếu đuối và dễ bị tổn thương nhất. Đặc biệt trong hoàn cảnh đất nước trải qua chiến tranh liên miên như nước ta thì những số phận bé nhỏ này càng trở nên đáng thương, tội nghiệp. Như một điều tất yếu, những tâm hồn trẻ thơ và phụ nữ trong sáng tác Chu Lai đều hiện lên mang vẻ đẹp buồn thương, xa vắng. Sự xuất hiện bóng dáng của họ trong chiến tranh vừa có sức ám ảnh lại vừa có sức nâng đỡ, làm mềm đi cuộc chiến đấu vốn ác liệt này. Các nhân vật phụ nữ luôn góp một phần không nhỏ trong thế giới nghệ thuật của nhà văn. Nhìn chung khi miêu tả, nhà văn thường tập trung khắc họa, khám phá sự biểu cảm của ánh nhìn, đôi mắt của đối tượng.

Viết về nhân vật phụ nữ, nhà văn Chu Lai luôn dành cho họ những tình cảm đặc biệt. Vì vậy, chân dung nhân vật nữ trong sáng tác của ông thường mang đầy đủ nét đẹp thể chất và tinh thần, những con người luôn khát khao, kiếm tìm hạnh phúc. Bởi vậy, mặc dù cũng mang trong mình lý tưởng cách mạng nhưng nhân vật nữ trong tiểu thuyết Chu Lai mang một nét đẹp riêng, đầy chất nữ tính. Hình ảnh nhân vật nữ trong văn Chu Lai thường được "đẩy

lên tới tận trời, mãnh liệt, bát ngát". Nhà văn đã tinh tế khi miêu tả được

những rung động hết sức tinh vi của họ trước cuộc sống, hạnh phúc. Đứng trước tình yêu, hạnh phúc, muôn đời vẫn là nỗi khát khao rất chân chính, rất

người của con người nói chung, đặc biệt là ở những người phụ nữ. Nhân vật nữ trong các trang văn của Chu Lai không chỉ hiện lên với nét đẹp của tính nữ mà còn là những cá nhân luôn khao khát yêu thương, hạnh phúc, đấu tranh cho hạnh phúc, chủ động kiếm tìm hạnh phúc.

Chiến tranh không nên xuất hiện gương mặt phụ nữ, bởi chẳng có gì xót xa bằng người phụ nữ trong trận mạc. Nhưng với sự có mặt của mình, họ đã khiến những năm tháng ở rừng bớt đi phần ảm đạm, cơ cực. Bóng hình của những người nữ chiến sĩ ấy đã làm "mềm đi những cánh rừng chết chóc", "làm yên tĩnh những tâm hồn đang trăn trở, hoang mang", "đánh thức dậy những gì sâu kín trong tâm tư mỗi người lính".

Khi xây dựng chân dung nhân vật nữ, Chu Lai không miêu tả nhiều mà tập trung khắc họa, đi sâu khám phá những nét đẹp mang đậm tính nữ. Vẻ đẹp của người con gái trong chiến tranh mang nét thanh tao,trong sáng. Đó là nét đẹp đầy thơ mộng của Ba Sương trong khung cảnh ráng chiều rói đỏ: "Vai mảnh, cổ mảnh, nhỏ và gầy, trắng xanh", một nét đẹp gợi nhắc vóc dáng trẻ

thơ, tinh khiết, không vẩn đục. Toàn bộ hình hài của Ba Sương đều gợi lên sự bé nhỏ, mỏng manh, dễ tan biến như "con chim non ốm yếu sẽ còn chịu được

bao mùa dông bão nữa?". Dấu ấn chiến tranh đã in hằn lên "cái nhìn côi cút và đầm đìa nước mắt", lên "bả vai chim sẻ đang co rúm" trong lửa đạn. Một

thân hình con gái bé nhỏ, một khuôn mặt tồi tội đầy cam chịu với những ngón tay nhỏ nhắn, run rẩy.

Nét đẹp của Ba Sương còn nằm ở "ánh nhìn tĩnh lặng" "tỏa ra những

làn ánh sáng dịu dàng và hết sức thơ trẻ". Có lẽ toàn bộ sức quyến rũ của cô

nằm ở đôi mắt to, song cái nhìn bao giờ cũng e lệ, rụt rè. Đôi mắt đau đáu, khắc khoải của Ba Sương được nhắc đi nhắc lại không dưới mười lần. Bởi nhìn sâu vào đó người ta nhận thấy cái đặc điểm thăm thẳm chất nữ tính mà khiến cho cô, không phải nhan sắc, cũng không phải dáng hình, nổi trội hẳn lên so với các cô gái khác. Vẻ đẹp ấy không biểu hiện một lần, dễ thấy dễ nhìn mà nó cứ dần dần bộc lộ, ẩn chìm tối sáng. Một nét đẹp pha trộn lúc yếu

mềm khi rắn rỏi, lúc đam mê ngơ ngác, lúc lại tỉnh queo dạn dày, hiền dịu xiết bao mà đáo để xiết bao. Tất cả những điều trái ngược đó dường như đều dồn tụ cả vào đôi mắt "Buổi sáng đôi mắt ấy nổ bùng dữ dội…nhưng buổi chiều lại tro tàn hiu hắt".

Chân dung "bà tiên tốt bụng" được nhà văn Chu Lai khoác lên mình thứ ánh sáng của "nắng gió" khiến cho cả khuôn mặt "hồng hào tươi tỉnh hẳn lên". Vẻ đẹp ấy không chỉ hiện hữu nơi đôi mắt biết nói mà còn hiện ra qua nụ cười, "tiếng nói nhỏ nhẹ như nói thầm và điệu bộ nữa, lúc nào cũng ẩn vào, co vào thật sâu trong mình". Nét riêng này đã in hằn trong tâm trí để rồi

hơn hai mươi năm sau, khi Ba Sương thành một Tư Lan hoàn toàn khác: "đây

là một người đàn bà trên bốn mươi tuổi…Trên cái cổ tròn và trắng như một cô nữ sinh là một khuôn mặt sang trọng và thanh nhẹ, một đôi mắt thông minh, nhân hậu đấy mà cũng sắc sảo uy nghi đấy…" thì Hai Hùng vẫn nhận

ra "ánh buồn khác lạ, một cái buồn day dứt" của Ba Sương thủa nào. Lời tiên đoán của Viên về sự ràng buộc số phận giữa Hai Hùng và Ba Sương cũng do nhìn vào mắt hai người mà thấy "Như có hai đốm sáng màu xanh lẻ loi, loằng

ngoằng đi tìm nhau…". Sự gắn kết của hai người tự nhiên như khát vọng hạnh

phúc của họ. Tuy nhiên, nói theo cách nói của Nguyễn Thị Huệ thì: "Trong đời cái đẹp thường mỏng manh dễ vỡ, lòng tốt thì vụng dại ngây thơ…" cho

nên kết thúc của mối tình này là sự chia lìa không tránh khỏi. Ngay từ trong chiến tranh, người thiếu nữ nhỏ nhắn ấy đã sớm chịu nhiều mất mát, tổn thương: cụt ngón tay trỏ; bị chấn thương sọ não, mất đi người chị họ gần gũi...Dấu ấn chiến tranh đã in hằn lên đôi mắt"tro tàn hiu hắt" của cô. Nhưng vượt lên trên tất cả là khát vọng sống, hành trình không mệt mỏi của Ba Sương trên con đường đi tìm và bảo vệ hạnh phúc của mình. Trong bom đạn chiến tranh, trong con mắt của đồng đội, cô nữ du kích kiên cường ấy lại phải chịu tiếng đồn "Sát chồng! Sát người yêu!". Chính cô cũng dần tin vào lời đồn như "miệng thế gian rủa độc". Và để bảo vệ cho người mình yêu thương cô

em". Nhưng ngay sau giây phút ngập tràn hạnh phúc, khi mọi hiểu lầm, ranh

giới được xóa bỏ thì cũng là lúc đôi cánh nghiệt ngã của số phận đã lạnh lẽo đậu xuống, chia lìa họ. Sau chiến tranh, do sự trớ trêu của số phận, Hai Hùng đã gặp lại Ba Sương với tư cách bà giám đốc Tư Lan sang trọng. Cô trốn chạy quá khứ, phản bội lại chính mình, thậm chí chấp nhận làm tình nhân với thằng Địch để chạy theo danh vọng, địa vị và quyền lực. Trong quá khứ, Ba Sương đã từng sống đẹp, có lý tưởng, biết yêu biết ghét rất rạch ròi, là một hình mẫu lý tưởng không chỉ ở ngoại hình mà ở cả nội tâm. Hòa bình lập lại, cô trốn chạy quá khứ, trốn chạy những kỉ niệm để đầu thai thành một người đàn bà xa lạ, uy quyền, sang trọng nhưng đôi mắt kia vẫn luôn "tỏa ra những ánh buồn

khác lạ, một cái buồn day dứt, miên man, ẩn vào bên trong…". Trước cuộc

sống mới cô dần đổi thay. Duy chỉ riêng đôi mắt vẫn gợi nhắc một Ba Sương thưở nào:"Đối với thiên hạ em là Lan nhưng đối với tôi, riêng tôi thôi, em

bao giờ cũng là Sương". Từ đây, cô thật sự rơi vào bi kịch, con người cô luôn phải tách ra làm hai: "cái phần sống nếm náp mùi vị ngọt ngào của phần chết và cái phần chết lại không ngừng day dứt làm tình làm tội phần sống". Sự chấn thương tinh thần của Ba Sương ngày càng sâu sắc. Để cho

Ba Sương tâm sự với Tường ở cuối tác phẩm, tác giả đã làm rõ hơn những mất mát, tổn thương tinh thần sâu sắc mà cô phải gánh chịu. Cái chết đau đớn, đầy bất ngờ của cô như là một kết cục tất yếu, khó tránh khỏi như lời tiên đoán của Viên: số phận hai người gắn bó với nhau thật nhọc nhằn và rồi "cuối cùng em vẫn đi trước tôi". Cô chết trên chặng đường tìm về lại

chính mình.

Nhân vật nữ trong sáng tác của Chu Lai đều mang trong mình thiên tính nữ. Họ có thể là một cô y tá Ba Sương (Ăn mày dĩ vãng), một đội quân tiên nữ mà kẻ thù gọi là "bọn giặc cái", là "đội quân có vú" (Sông xa). Bóng dáng của họ đã làm "cả vạt rừng nóng bỏng trở nên mềm ướt". Thiên tính nữ đấy

có thể mang một nét đẹp mềm mại, duyên dáng của Ba Sương hay đó là nét đẹp ẩn bên trong, phải để ý tinh mới thấy sự duyên dáng, ắp đầy nữ tính ẩn

đằng sau cái vẻ nửa đàn ông nửa đàn bà đấy của Hai Hợi (Ăn mày dĩ vãng). Cô là người chỉ huy can tràng, táo bạo nhưng lại có số phận đầy bất hạnh. Cuộc chiến tranh trường kì của dân tộc đã tạo nên những biến đổi trong suy nghĩ, hình hài của người nữ xã đội trưởng đấy "cuộc sống khắc nghiệt trong

rừng cũng từng ngày biến cải cô thành một dạng nam tính hóa": "Tóc húi kiểu con trai…khuôn mặt góc cạnh, lông mày xếch, mắt sáng lì, vai nở, ngực rất nở…". Tuy nhiên, ẩn đằng sau vẻ ngoài phong trần, góc cạnh đấy lại là một vẻ đẹp nằm ngầm bên trong, khép kín. Nét đẹp ấy được tỏa sáng, bung nở dưới ánh sáng của tình yêu. Dù đấy là sự gặp gỡ giữa cái "méo mó hoang sơ" trong tâm hồn Tám Tính đã bắt gặp được "sự giao thoa hòa đồng trong cái ngoại hình dị biệt của người con gái". Tình yêu xuất phát điểm ban đầu từ

tình thương muốn giúp anh ra khỏi căn bệnh ghê người. Nhưng rồi chính con người thô bạo, bị mọi người sợ hãi xa lánh đó đã giúp người đàn bà i- nôc đó tìm lại được cái tâm tính đàn bà tưởng đã chôn chặt. Tình yêu đã có sức biến cải, cảm hóa tâm tính của người đàn bà thoát ra được "cõi đời đen bạc". Cuộc đời của người con gái đó vốn nhiều lận đận, long đong trên hành trình đi tìm hạnh phúc. Cả đời mình Hai Hợi luôn cất công tìm kiếm một nơi mà cô có thể dồn hết yêu thương, điều mà trong cô khi nào cũng dư thừa. Có lẽ toàn bộ sức quyến rũ nơi Hai Hợi là cách sống và yêu hết mình, yêu tận đáy, yêu tận tủy, cho hết, yêu không giữ lại cho mình một thứ gì.

Với cái nhìn chân thực và day dứt, Chu Lai đã xây dựng nên chân dung những người nữ chiến sĩ mang trong mình những mối suy tư, trăn trở về cuộc chiến, về hạnh phúc lứa đôi. Nhìn chung, gương mặt nữ trong sáng tác Chu Lai đều đẹp. Nhưng phần nhiều đấy đều là những tâm hồn đẹp, làm ngời lên vẻ ngoài đôi khi "rất đỗi bình thường". Đó là cô chủ quán bán tạp

phẩm giữ ấp Tư Chao trong Ba lần và một lần, một chân dung rất đỗi

bình thường "người mảnh tròn thậm chí hơi thấp, tất cả các đường nét trên mặt chỉ có thể gọi là ưa nhìn…lại văn hóa thấp, nói năng cũng bình thường, cái tay cái chân có gì nổi bật đâu mà…" lại được bao quanh đấy

biết bao lời đồn thổi tụng ca. Nhưng nhìn một cái lại thấy hớp hồn luôn. Đó phải chăng là sự cuốn hút ẩn đằng sâu sau cái miệng cười, giọng nói quá đỗi ngọt ngào. Nhà văn đã chú tâm thể hiện nét duyên thầm của người phụ nữ ấy. Như bao nhân vật khác của mình, ở Tư Chao dường như tất cả cái duyên sắc đều gửi trọn vào giọng nói, vào cái miệng cười này. Im lặng thì mờ nhòa, cất tiếng nói thì hết thảy những vẻ nét trên khuôn mặt đều bừng sáng lên…Đó là thứ âm thanh "vừa là của trẻ thơ lại vừa là của người lớn, thật ngọt dịu nhưng cũng có cái gì thật đáo để..".

Nhân vật nữ không chỉ đẹp trong chiến tranh mà ngay trong thời bình sự xuất hiện bóng dáng của họ cũng làm mềm đi hiện thực xô bồ trước mắt. Đó là nét đẹp của người con gái nơi Hà Thương (Cuộc đời dài lắm). Hà Thương đẹp nhưng hơi cổ, lãng đãng, xa xăm với mái tóc buông xõa, dáng người mảnh dẻ, cái cổ cao, khuôn mặt thanh thoát, trắng xanh và đặc biệt là đôi mắt sâu, trầm buồn, lúc nào cũng "phảng phất nét buồn kín đáo" và tiếng nói ấm nhẹ đến vô cùng. Thứ tiếng mà bao lâu nay đã lặn ngược vào tận đáy tâm hồn Vũ Nguyên. Nét đẹp của Hà Thương còn khởi nguyên từ chính nét tính cách cả nghĩ, dễ bị tổn thương, giàu nghị lực…Là tình yêu sâu thẳm, tội tình mà cô dành cho Vũ Nguyên (Cuộc đời dài lắm).

Điều đặc biệt trong cách miêu tả nhân vật nữ của Chu Lai là vẻ đẹp đều gợi sự ám ảnh, suy tư. Nhà văn có ấn tượng mạnh khi miêu tả sắc da con gái

"giữa rừng xanh, sao da thịt của con người lại trắng thế". Trong hoàn cảnh

chiến tranh ác liệt, sự sống của con người mong manh như sương khói thì sắc trắng nơi thịt da con người hiện lên đẹp một cách mong manh, tội tình. Sắc trắng của cặp đùi trắng muốt hơi chãng ra của Thu (Ăn mày dĩ vãng), là màu trắng đến lóa mắt nơi khuôn ngực trinh nữ; màu trắng nơi bờ vai, sức căng nơi cặp vú của Ba Sương (Ăn mày dĩ vãng)…

Đối với nhà văn Chu Lai, phụ nữ luôn gắn liền với cái đẹp. Chính vì vậy, ngay cả khi xây dựng nhân vật nữ ở phía bên kia chiến tuyến ta vẫn bắt gặp nét mềm mại, duyên dáng đầy nữ tính. Vẻ đẹp của người đàn bà

Trung Hoa sang trọng và khá đẹp_A Linh. Nét đẹp mang dấu ấn của người phương Bắc "hơi thô nhưng cao ráo, trắng trẻo và có cái nhìn hun

hút rất lạ, như có cả một vùng thảo nguyên mênh mông trải dài trong đó".

Một nét đẹp đầy sức sống.

Trong các trang văn của mình, hình ảnh những người hùng trận mạc như Hai Hùng, Tám Tính, Sáu Nguyện…luôn được đặt song hành cùng những bóng dáng của người nữ chiến sĩ. Số phận của anh hùng và mĩ nữ luôn gắn kết, đan xen vào nhau trong tiểu thuyết Chu Lai. Phải chăng điều tạo nên sức quyến rũ ở các nhân vật nữ trong tiểu thuyết Chu Lai chính là nhờ sự xuất hiện bên cạnh hiện thực đa đoan và bên cạnh chân dung của những anh lính can tràng, quả cảm.

Một phần của tài liệu Nhân vật và cốt truyện trong tiểu thuyết Chu Lai (Trang 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)