Việt Nam chúng ta cần nhà nước hỗ trợ các điều kiện về pháp lý như sau:
- Luật giao dịch điện tử: là hành lang pháp lý quan trọng nhất trong thương mại điện tử mà mọi quốc gia cần phải có. Pháp luật về giao dịch điện tử cần giải quyết ba nhóm vấn đề cơ bản đó là: Thừa nhận các giao dịch điện tử thông qua việc thừa nhận giá trị pháp lý của các thông điệp điện tử; Thừa nhận chữ ký điện tử(chữ ký số) nhằm đảm bảo tính an toàn và bảo mật của các hệ thống thông tin; Quy định về những khía cạnh liên quan đến giao dịch điện tử như quyền và nghĩa vụ các bên giao dịch điện tử.
- Chữ ký điện tử và chứng thực điện tử: Chữ ký điện tử và chứng thực điện tử là công cụ quan trọng, làm căn cứ để tránh giả mạo thông tin và mạo danh người khác trong giao dịch điện tử. Việc chấp nhận về mặt pháp lý của chữ ký điện tử như chữ ký viết tay trong các văn bản hay chứng từ điện tử là một cơ sở quan trọng để thừa nhận sự hợp pháp của các giao dịch điện tử.
(Chữ ký điện tử là thông tin dưới dạng điện tử được gắn kèm một cách phù hợp với dữ liệu điện tử nhằm xác lập mối liên hệ giữa người gửi và nội dung của dữ liệu đó.
Chứng thực điện tử là hoạt động chứng thực danh tính của người tham gia vào việc gửi và nhận thông tin qua mạng, đồng thời cung cấp cho họ những công cụ để bảo mật thông tin, chứng thực nguồn gốc và nội dung thông tin. Việc phát triển chứng thực điện tử là tiền đề quan trọng để đảm bảo sự chuyên nghiệp trong giao dịch điện tử.)
- Các quy định đảm bảo an toàn giao dịch: là đảm bảo an toàn thông tin được trao đổi trên mạng và sự tin cậy của các bên tham gia giao dịch, chống mất trộm, thay đổi nội dung hay giả mạo thông tin. Phương pháp đảm bảo an toàn giao dịch cơ bản là mã hoá thông tin khi tiến hành giao dịch.
- Các quy định tiêu chuẩn hoá: Gồm hệ thống tiêu chuẩn về công nghệ, thương mại và giao dịch cho các hoạt động thương mại điện tử. Tiêu chuẩn về công nghệ là nền tảng cho việc ứng dụng các loại công nghệ khác nhau; Tiêu chuẩn về thương mại bao gồm các tiêu chuẩn hàng hoá, dịch vụ để bảo vệ quyền lợi khách hàng; Tiêu chuẩn trong giao dịch giúp đảm bảo tính trách nhiệm của các đối tượng tham gia thương mại điện tử.
- Nhà nước cần ban hành luật bảo vệ người tiêu dùng, bí mật cá nhân: Cần có các quy định pháp luật nhằm bảo vệ các bí mật riêng tư của các đối tượng tham gia
thương mại điện tử.
- Nhà nước cần bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ: Cần có các quy định pháp luật để bảo vệ hiệu quả đối với bản quyền, bằng phát minh, sáng chế, nhãn hiệu thương mại.