Đa dạng hóa các hình thức huy động vốn

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Giải pháp tăng cường huy động vốn tại Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng Hải Việt Nam giai đoạn 2012 - 2015 (Trang 90)

Từ kinh nghiệm huy động vốn của NHTMCP Á Châu và ngân hàng ANZ cho thấy các ngân hàng đều lựa chọn hình thức đa dạng hóa sản phẩm. Vì vậy, ngoài những sản phẩm huy động vốn truyền thống, MSB cần có chiến lược huy động vốn đa dạng bao gồm các hình thức huy động vốn mới, mở rộng đối tượng gửi tiền tới mọi tầng lớp dân cư và đa dạng hóa các loại tiền huy động chứ không chỉ bó hẹp bằng việc huy động VND và USD. Đặc biệt là tăng trưởng nguồn vốn huy động trung, dài hạn bằng cách tăng tính dễ chuyển đổi ra tiền mặt của các công cụ huy động vốn như chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, trái phiếu.

MSB có thể phát triển một số hình thức huy động vốn mới như sau:

- Đối với khách hàng cá nhân:

Hiện nay MSB chỉ mới dừng lại ở chỗ chia khách hàng thành hai loại: khách hàng tổ chức và khách hàng cá nhân nên sản phẩm tiền gửi thực tế chưa đáp ứng hết nhu cầu đa dạng của khách hàng. Vì vậy trong tương lai, hướng đa dạng hóa này nên tiếp tục khai thác. Đó là chia khách hàng theo từng nhóm đặc thù như công nhân viên, nội trợ, tự doanh….

Kết quả khảo sát ở biểu đồ 2.4 và 2.5 có ý nghĩa đối với MSB trong việc xây dựng sản phẩm, chính sách tiếp thị dịch vụ huy động vốn đến từng đối tượng khách hàng. Đối với cán bộ công nhân viên và nội trợ thì đẩy mạnh tiết kiệm gửi góp, với khách hàng tự doanh thì đẩy mạnh tiếp thị sản phẩm tiền gửi thanh toán với những dịch vụ ngân hàng hiện đại.

Bên cạnh đó, MSB cũng nên chia khách hàng theo độ tuổi để có thể chọn đúng sản phẩm cần tư vấn cho khách hàng.

- Đối với khách hàng tổ chức:

Triển khai thường xuyên hơn các hình thức huy động vốn qua phát hành giấy tờ có giá

Từ thực trạng huy động vốn của MSB ta thấy tỷ trọng khách hàng gửi tiền tại MSB dưới các hình thức mua giấy tờ có giá vẫn còn rất thấp. Nguyên nhân do khách hàng ít biết MSB có huy động hình thức gửi tiền này. Thậm chí nhân viên của MSB cũng không nắm rõ hình thức huy động vốn này để tư vấn khách hàng. Vì vậy, để phát triển loại hình tiền gửi này MSB cần có các chương trình quảng bá rộng rãi mỗi khi phát hành.

Bên cạnh đó, hiện nay các sản phẩm giấy tờ có giá chưa hấp dẫn hoặc chưa đáp ứng được nhu cầu khách hàng. Đó là thời gian huy động ngắn (kỳ phiếu hoặc chứng chỉ tiền gửi ngắn hạn), không được quay vòng tiền gốc khi đáo hạn như sản phẩm tiền gửi tiết kiệm thông thường. Do nhược điểm trên, khiến một số khách hàng không ưa thích lựa chọn mua giấy tờ có giá do MSB phát hành. Để bù đắp nhược điểm trên, MSB cần xây dựng chính sách lãi suất hợp lý để thu hút khách

hàng. Đó chính là lãi suất cầm cố giấy tờ có giá cần thấp hơn so với cầm cố sổ tiết kiệm.

Hợp tác với các doanh nghiệp có kế hoạch phát hành trái phiếu hoặc cổ phiếu

Hiện nay, nguy cơ sụt giảm thị phần huy động vốn của MSB còn do một số nguyên nhân khách quan khác, đó là ngày càng có nhiều công ty, doanh nghiệp huy động nguồn đề đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh thông qua việc phát hành trái phiếu, cổ phiếu doanh nghiệp (là những sản phẩm thay thế sản phẩm tiền gửi của MSB), khiến cho tiền nhàn rỗi của dân cư và tổ chức được di chuyển từ NHTM sang các kênh đầu tư này.

Để thu hút được nguồn tiền gửi, MSB có thể kết hợp trên cơ sở là một ngân hàng có thương hiệu trên thị trường để hợp tác với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu hoặc cổ phiếu doanh nghiệp để thực hiện dịch vụ tư vấn và bảo lãnh phát hành. Trước mắt, có thể tìm kiếm các doanh nghiệp hiện có quan hệ giao dịch với MSB, sau đó có thể mở rộng ra các doanh nghiệp khác có nhu cầu hợp tác.

Khi tham gia làm đại lý tổ chức phát hành trái phiếu cho doanh nghiệp, MSB có thể tăng được lượng tiền gửi của khách hàng (do tiền gửi của nhà đầu tư mua trái phiếu hoặc cổ phiếu doanh nghiệp được chuyển vào tài khoản của doanh nghiệp mở tại MSB).

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Giải pháp tăng cường huy động vốn tại Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng Hải Việt Nam giai đoạn 2012 - 2015 (Trang 90)